K.VH – Ngày 10.4.2025, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi trao đổi học thuật “Nguồn gốc tiếng Việt và đôi điều về tiếng Hán ở Việt Nam thời trung đại” với sự tham gia của diễn giả PGS.TS. John Phan (Đại học Columbia) cùng sự góp mặt của PGS.TS. Đoàn Lê Giang, TS. Nguyễn Thanh Phong, TS. Nguyễn Hoàng Yến. Chương trình được tổ chức song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom, cùng với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài trường.
Trong khuôn khổ toạ đàm PGS.TS. John Phan trình bày các nội dung như chủ nghĩa dân tộc - lịch sử của ngôn ngữ; lịch sử và ngôn ngữ ở lưu vực sông Hồng và lãnh thổ xung quanh; từ vựng Hán Việt; tiếng Hán trung đại An Nam và thế hoán ngôn ngữ. Từ đó làm nổi bật những vấn đề xoay quanh nguồn gốc tiếng Việt nói chung và tiếng Hán trung đại An Nam nói riêng.
Xuất phát từ cách nhìn ngôn ngữ không tương đương với dân tộc hay văn hoá, “Lịch sử của một tiếng là lịch sử của một hệ thống ngôn ngữ khi nó thay đổi và phát triển theo thời gian – không phải là lịch sử của một nhóm người bất biến nào đó. Một nhóm người có thể và sẽ hoàn toàn bỏ một ngôn ngữ để sử dụng một ngôn ngữ khác, hoặc duy trì nhiều ngôn ngữ trong một xã hội duy nhất” (John D. Phan (2025). Lost Tongues of the Red River: Annamese middle Chinese and the Origins of the Vietnamese Language. Harvard University Asia Center, trang 20), diễn giả John Phan nhấn mạnh ngôn ngữ không có cái được gọi là thuần khiết; và vẻ đẹp của tiếng Việt cũng như vẻ đẹp của văn hoá Việt Nam chính là sự đa dạng, phong phú và phức tạp. Nền văn hoá người Việt không nên bị ràng buộc bằng một định nghĩa ngôn ngữ chật hẹp.
Trong quá khứ, quận Giao Chỉ (lưu vực sông Hồng) là một trung tâm lớn ở xa về phía Nam của bộ Giao Chỉ, nơi đây có thế mạnh về sản vật nông nghiệp, hàng hoá và thương mại kết nối hàng hải với Đông Nam Á, có một cộng đồng nói tiếng Hán ở Giao Chỉ. Như vậy, khu vực này tồn tại một xã hội song ngữ nói cả tiếng Hán trung đại An Nam và tiếng Vietic Bắc. Trong đó tiếng Vietic Bắc chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tiếng Hán trung đại An Nam. Theo thời gian, xã hội song ngữ ấy dần dần từ bỏ tiếng Hán trung đại An Nam, tức có sự chuyển đổi ngôn ngữ, trong thế hoán ngôn ngữ từ xã hội song ngữ qua xã hội đơn ngữ, chỉ còn giữ lại phương ngữ tiếng Vietic Bắc đã chịu Hán hoá, và đây là nguồn gốc của tiếng Việt. PGS.TS. John Phan chia từ gốc Hán trong tiếng Việt bao gồm Hán Việt sớm (Hán Việt sơ kỳ giai đoạn Hán Tấn), Hán Việt muộn (Hán Việt vãn kỳ TK VII-XIII) và Hán Việt gần (Hán Việt cận kỳ TK XV trở về sau), đồng thời chỉ ra những đặc điểm âm vị trong Hán Việt muộn để củng cố cho các kiến giải của mình.
Những diễn giải về tiếng Hán An Nam, xã hội song ngữ và chuyển đổi ngôn ngữ của diễn giả John Phan được PGS.TS. Đoàn Lê Giang đánh giá cao. Bên cạnh đó, PGS.TS. Đoàn Lê Giang còn có những chia sẻ về các trường phái lý giải hình thành âm Hán Việt cũng như điểm tương đồng thú vị trong bối cảnh ngôn ngữ âm Ngô, âm Hán, âm Đường-Tống của kanji tiếng Nhật. Buổi trao đổi học thuật thêm sôi nổi với phần trao đổi của TS. Nguyễn Thanh Phong và ThS. Nguyễn Văn Hoài. Các vấn đề như nguyên do khiến tiếng Hán trung đại ở An Nam mất đi hay thời điểm hình thành Hán Việt sớm, Hán Việt muộn và Hán Việt gần được đem ra thảo luận.
Buổi đối thoại với PGS.TS. John Phan về “Nguồn gốc tiếng Việt và đôi điều về tiếng Hán ở Việt Nam thời trung đại” đã diễn ra trên tinh thần trao đổi học thuật cởi mở và tôn trọng.
Kết thúc buổi trao đổi, diễn giả John Phan nhấn mạnh rằng tiếng Việt giống như một tấm thảm được dệt từ nhiều sợi chỉ mà tiếng Hán trung đại An Nam là một bộ phận của văn hoá người Việt, cũng như từ vựng Hán Việt là một bộ phận của tiếng Việt hiện đại. Cho nên chúng ta cần đánh giá đúng sự đa dạng, phong phú, phức tạp và hùng vĩ của tiếng Việt, cũng như nền văn hoá Việt Nam.
Thanh Trâm