Việt Nam trong các tác phẩm văn học đương đại Nga

In bài này

Trong thời hậu Xô viết bắt đầu sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, quan hệ Nga – Việt chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Những mối liên hệ văn hoá và nghệ thuật trước kia về cơ bản đã ngưng lại, mặc dù những chuyến đi của các nhà văn vẫn tiếp tục, thường là theo kênh các tổ chức xã hội hay do sự sắp xếp cá nhân.

Trong hơn hai thập niên gần đây, những tác phẩm văn học ở Nga về Việt Nam được sáng tác rất ít. Trong những thực tiễn mới của đời sống nước Nga xuất hiện khả năng tiếp cận những đề tài và vấn đầ mà trước kia chưa phải là đối tượng thảo luận rộng rãi. Xuất hiện những hồi ức, hồi ký của các nhà báo, các nhà ngoại giao, các chuyên gia quân sự Nga/ Xô viết về Việt Nam và về chiến tranh Việt Nam. Chẳng hạn, người đầu tiên viết về những chuyên gia quân sự Xô viết thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở đất nước Đông Nam Á xa xôi này là Valery Kuplevakhsky. Ông xuất bản một bút ký nghệ thuật “Những bí ẩn Việt Nam”(Вьетнамские тайны) viết về những sự kiện những năm đó. Đây là một phần của nhóm tác phẩm Những câu chuyện nhỏ về chiến tranh (Маленькие военные истории, tạp chí Ngọn cờ, 1998, số 6), còn đề tài trước đó về chiến tranh Việt Nam cũng đã được ông nói đến trong truyện ngắn “Chú hề Mạnh nhỏ bé” (Маленький клоун Мань) nằm trong tập Sự đam mê hư ảo (Суетность пристрастия, 1990).

20230814 2

Ảnh: Bìa sách Sự đam mê hư ảo (Суетность пристрастия, 1990) của Valery Kuplevakhsky

Nhà báo Mikhail Ilinsky đến Việt Nam vào năm 1966 với tư cách phóng viên của tờ Tin tức và làm việc ở đất nước này 12 năm. Ông là tác giả của nhiều bài báo và sách về Việt Nam, trong đó bao gồm cả công trình nghiên cứu mang tính tư liệu-nghệ thuật Đông Dương. Tro bụi bốn cuộc chiến tranh (Индокитай. Пепел четырех войн, 2000), trong đó tái tạo một biên niên sử đầy bi kịch của bốn cuộc chiến diễn ra vào thời điểm nóng bỏng của lịch sử thế kỷ XX từ 1939 đến 1979: cuộc đấu tranh chống sự chiếm đóng Đông Dương của Nhật Bản, chiến tranh chống thực dân Pháp, chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và cuộc chiến giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên trong lịch sử - chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam[1].

Luôn có sức hấp dẫn lớn là những hồi ký của các nhà ngoại giao, nhà báo và các chuyên gia quân sự - họ là những nhân chứng trực tiếp các sự kiện quan trọng của đất nước trong thời gian ở tại Việt Nam. Igor Alexandrovich Ognetov - học trò của viện sĩ A.A. Guber, là một trong những chuyên gia hàng đầu của Nga về Việt Nam. Ognetov làm việc ở Việt Nam vừa với tư cách phiên dịch viên, vừa là nhà ngoại giao cấp cao, nhiều năm là cộng tác viên của Ban Quốc tế của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, can dự vào những công việc “bếp núc” của quan hệ Xô – Việt. Ông là tác giả của hàng loạt công trình khoa học về lịch sử Việt Nam. Trong cuốn sách Hướng về Việt Nam (На вьетнамском направлении, 2007) của ông, những hồi ức của tác giả từ những năm tháng sinh viên kết hợp một cách hữu cơ với đất nước học, lịch sử, nghiên cứu quan hệ quốc tế, những suy nghiệm về quá khứ và hiện tại của mối quan hệ Liên Xô/Nga với Việt Nam. Tất cả những đề tài được chạm tới trong cuốn sách này cho thấy qua thái độ của tác giả đối với chúng ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời mình, thái độ không phải của người đứng ngoài quan sát, mà là của người hiến mình cho Việt Nam và trung thành với lựa chọn của mình. Đặc biệt mang tính biểu trưng là những lời của ông ở phần kết của cuốn sách: “Sau hàng chục năm hợp tác đã xuất hiện hàng ngàn, hàng chục ngàn  sợi dây tình cảm kết nối người Việt Nam với Liên Xô – từ những lãnh đạo cấp cao đến những người lao động bình thường nhất, đến sinh viên, học sinh. Những sợi dây mỏng manh đó khi kết lại với nhau đã trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn” (Ognetov, 2007, tr.321).

Tư liệu thực tế và thú vị về Việt Nam và quan hệ Liên Xô/Nga – Việt Nam hiện diện trong hồi ký của nhà báo Sergei Nikitovich Afonin Những năm cháy bỏng (Жаркие годы, 2007), của nhà hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp Evgeny Pavlovich Glazunov Trong những năm chiến tranh và hoà bình (từ các sổ ghi chép) (В дни войны и мира (из записных книжек), 2010), của Anatoly Safronovich Zaitsev Nhớ về Việt Nam (Вспоминая Вьетнам, 2010) và Nhớ về Việt Nam. Bút ký của một nhà ngoại giao (Вспоминая Вьетнам. Записки дипломата, 2020), của viện sĩ Đông phương học Alexei Mikhailovich Vasiliev Chiến tranh ở Việt Nam. Tại sao người Việt thất bại (Война во Вьетнаме. Почему вьетнамцы потерпели поражение, 2021) viết khi làm phóng viên báo Sự thật ở Việt Nam vào những năm 1967 – 1971.

Trong số những ấn phẩm thuộc thể loại này còn có hồi ký của Sergei Veniaminovich Shcherbakov Vườn trẻ cho người lớn (Детский сад для взрослых, 2018). Tác giả của nó là một nhà báo và nhà ngoại giao, cuốn sách của ông là một báo cáo kết quả đặc thù công việc ở ngành xuất bản địa phương và trung ương. Phần quan trọng cuộc đời ông gắn với Việt Nam, nơi ông làm việc với tư cách phóng viên của tờ Sự thật Komsomol. Về đất nước này và thanh niên ở đó, S. V. Shcherbakov trước đó đã viết cuốn Cánh chim mặt trời (Птица солнца, 1987). Nhiều trang trong những hồi ký đó viết về việc phục vụ của ông trong lĩnh vực ngoại giao, về những chuyến công tác ra nước ngoài và những ấn tượng về các cuộc gặp gỡ với những người nổi tiếng ở các nước khác nhau.

Cuốn sách của Yury Krutskikh Cam Ranh, hay những cuộc phiêu lưu không tưởng của các tàu ngầm ở Việt Nam (Камрань, или невыдуманные приключения подводников во Вьетнаме) xuất bản ở Vladivostok vào năm 2019 cũng có thể xếp vào thể loại hồi ký. Vào năm 1988, tác giả tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hải quân Thái Bình Dương mang tên S.O. Makarov. Vào cuối thập niên 1980, ông phục vụ trên chiếc tàu ngầm Xô viết chạy bằng động cơ diesel phiên bản 641, đồn trú tại cảng Cam Ranh của Việt Nam. Tác phẩm có cấu trúc 51 chương, thực chất là những truyện ngắn độc lập về các nhiệm vụ quân sự, về những tháng ngày dài sống xa Tổ quốc ở cuối thời kỳ “chiến tranh Lạnh”. Cuốn sách được viết hấp dẫn và đặc biệt thú vị với nhiều chi tiết giúp hiểu rõ hơn thời đại lịch sử đó.

Một tầng văn học tư liệu nghệ thuật đặc biệt về Việt Nam là những ấn phẩm được biên soạn với sự tham gia của Hội Hữu nghị Nga – Việt và Tổ chức xã hội liên khu vực các cựu chiến binh ở Việt Nam. Trong cuốn sách xuất bản năm 2005 Chiến tranh ở Việt Nam… Nó như thế nào (1965 – 1973) (Война во Вьетнаме… Как это было (1965-1973)) đã miêu tả những sự kiện mà đến nay ít người ở Nga biết đến. Trong một chừng mực nào đó, nó hé lộ tấm màn bí mật về những sự kiện mà trước kia do những nguyên nhân nhất định hầu như không được nói tới trong những sách báo công khai. Trong sách này, những hồi ức của các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc ở Việt Nam những năm 1960 – 1970 trong thời kỳ chiến tranh và giúp đỡ trực tiếp nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược lần đầu tiên tập hợp và công bố

Còn có một cuốn sách thuộc thể loại như thế nữa: Có một từ không thể quên Liên Xô» (Это незабываемое слово Льенсо”, 2006). Sách này tập hợp những hồi ức của các chuyên gia Xô viết và Nga vào những năm khác nhau, từ đầu những năm 1950 cho đến ngày nay. Trong số các tác giả của những tư liệu được công bố đó có các nhà ngoại giao và nhà báo, các kỹ sư xây dựng và địa chất, các chuyên gia quân sự và các học giả[2].

Những tác phẩm thuần tuý văn học những năm gần đây là những ấn bản sách giấy và mạng trực tuyến (online).

Cuốn sách của nhà văn và nhà soạn kịch Evgeny Grishkovets Sự sống tiếp tục (Продолжение жизни, 2010) được xây dựng dựa trên những ghi chép trong nhật ký mạng của ông. Những tình tiết về Việt Nam được ghi vào tháng giêng năm 2009. Ông đến đất nước này chỉ vỏn vẹn 10 ngày, nhưng đã có được nhiều ấn tượng bất ngờ và sâu sắc khác nhau, và điều khiến ông “kinh ngạc nhiều hơn cả là sự sôi động của cuộc sống”(Grigovets, 2010, tr.21). Tác phẩm này là ví dụ sinh động cho việc làm thế nào văn học mạng hiện nay của chúng ta có được hình thức một cuốn sách.

Nhà văn nữ trẻ tuổi Daria Dotsukh có tác phẩm Thời cam quýt (Мандариновая пора, 2014) dành cho độc giả trẻ tuổi. Chủ yếu, tác phẩm được xây dựng dựa trên câu chuyện có thực của một nhà đình nhà ngoại giao Nga sống ở Việt Nam. Nhân vật của truyện, một cậu học sinh 13 tuổi, sau chuyến công tác dài hạn của người cha từ Việt Nam về lại Moskva, cố gắng khắc phục những khó khăn và sự thiếu cảm thông của bạn bè cùng lớp cũng như của cha mẹ để tìm lại bản thân mình trong hoàn cảnh sống mới.

Ivan Zorin là một nhà viết văn xuôi hiện đại của Nga, một nhà văn chính luận và là người làm nhật ký video trên mạng (video-blogger). Truyện ngắn Nhà văn quá cố ở Việt Nam (Мертвый писатель во Вьетнаме, 2016) có lẽ xuất hiện sau chuyến đi của ông tới đất nước này. Trong truyện miêu tả những đại diện của giới Nga kiều mới khi tới những vùng đất ấm áp và cố gắng thích nghi ở đó để bắt đầu cuộc sống mới. Tác phẩm đáng nhớ này được xuất bản trên kênh internet văn học proza.ru.

Chắc chắn là tác phẩm nổi bật và điển hình nhất về Việt Nam, từ quan điểm phát triển những xu hướng văn học hiện đại, là tiểu thuyết của Eldar Sattarov Chào Việt Nam (Чао, Вьетнам, 2018), về nó sẽ cần phải nói cụ thể hơn.

Eldar Sattarov sinh năm 1973 ở Alma-Ata. Về nguồn gốc xuất thân, ông mang nửa dòng máu Việt từ người cha, một nửa là Tatar từ người mẹ. Tiểu thuyết này của ông, cũng như những tác phẩm khác, được viết bằng tiếng Nga (mà đối với ông là phương tiện sáng tạo chủ yếu và duy nhất), bởi vậy có thể đặt nó vào bối cảnh chung của văn học đương đại Nga. Thuở thanh niên, Sattarov là nhạc công, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và trong nhà máy, sau đó làm nhà báo, biên tập viên, phụ trách các chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau, và bây giờ thì làm phiên dịch viên. Một số nhà xuất bản ở Moskva đã ấn hành những cuốn sách về nghệ thuật tiền phong, về giáo dục thay thế (alternative education) và về triết học do Eldar Sattarov dịch từ các ngôn ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý.

Tiểu thuyết đầu tay của Sattarov Đánh mất những con phố của chúng ta (Теряя наши улицы) được xuất bản năm 2010 ở Alma-Ata và nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và độc giả.

Tiểu thuyết thứ hai của ông Quá cảnh Sài Gòn – Almaty (Транзит Сайгон – Алматы) được vào chung kết giải “Sách bán chạy năm 2016” và đoạt giải nhì. Eldar Sattarov trở thành công dân Kazakhstan đầu tiên được trao giải thưởng này của Nga. Năm 2018, cuốn sách này được nhà xuất bản Fluid (Флюид) ở Nga tái bản với nhan đề Chào Việt Nam.

Tiểu thuyết kể câu chuyện về sự trưởng thành của một cậu bé Việt Nam sinh ra ở Sài Gòn ngay trước khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thời gian thực dân Pháp đang cai trị Đông Dương. Cậu bị cuốn vào nhiều sự kiện bi kịch và anh hùng diễn ra sau đó trên quê hương mình. Dòng tự sự lịch sử bao trùm thời kỳ chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai, và phần nhiều liên quan tới tiểu sử người cha của Eldar Sattarov. Do sự anh hùng và dũng cảm, chàng chiến sĩ trẻ của quân đội nhân dân Việt Nam đó được cử đi học ở Liên Xô, nơi sau đó ông ở lại sống và làm việc.

Nhà phê bình văn học Saint Petersburg Vadim Levetal xếp cuốn Chào Việt Nam vào thể loại tiểu thuyết tư liệu (hay tài liệu hư cấu/docu-fiction). Khái niệm này bắt nguồn từ điện ảnh và là sự tái tạo những sự kiện lịch sử có thật với những nhân vật có thật, nhưng cho phép cả những hư cấu, tưởng tượng. Trong tiểu thuyết của Eldar Sattarov, các nhân vật là những chính trị gia và những nhà quân sự nổi tiếng của Việt Nam, họ được miêu tả trong những điều kiện lịch sử thay đổi biến thiên, với những sự kiện cụ thể không bị bóp méo, nhưng các chi tiết lại mang sắc thái phi hiện thực.

Nhưng nói chung hiện nay, chủ yếu các tác phẩm của các nhà văn Nga về Việt Nam liên quan tới văn hoá giải trí đại chúng – đó là những tác phẩm phiêu lưu và trinh thám. Trong chúng, đất nước Việt Nam, thiên nhiên khác lạ và quá khứ chiến tranh qua chưa lâu trong một chừng mực nhất định xuất hiện như yếu tố bổ sung, hỗ trợ, như một phông nền trang trí nào đó, chứ không phải thành phần tư tưởng sáng tạo của tự sự nghệ thuật. Hơn nữa, ngày càng có nhiều tác phẩm như vậy tìm thấy nơi trú ngụ của mình trong văn học trực tuyến - trên các cổng điện tử và trang web khác nhau, trên Facebook, v.v. Trong số các tác giả có cả những nhà văn nổi tiếng lẫn những tác giả nghiệp dư.

Trong cuốn sách của nhà văn Andrei Ilyin ở Moskva Cái bẫy cho những anh hùng (Ловушка для героев, 1997), lính biệt kích Mỹ và lính đặc nhiệm Nga truy tìm thiết bị tối mật Phantom (Bóng ma) bị bắn rơi trong rừng rậm Việt Nam. Những nhóm đặc nhiệm của hai cường quốc xả súng vào nhau nơi chiếc máy bay rơi mà không biết rằng họ có chung một kẻ thù tàn bạo.

Tiểu thuyết phiêu lưu của Viktor Ledenyov Rượu thập cẩm Việt Nam (Вьетнамский коктейль) ban đầu xuất bản ở Minsk, sau đó ở Moskva vào năm 1997. Tác phẩm kể về một trang sử của Nga ít được biết đến – đó là việc các chuyên gia Xô viết tham gia vào chiến tranh ở Việt Nam, về những đơn vị đặc nhiệm thực hiện trinh sát kỹ thuật. Họ tháo gỡ các loại bom mìn tân tiến nhất, săn lùng những mặt hàng mới trong lĩnh vực điện tử. Họ phải sinh tồn trong những điều kiện hết sức phức tạp để hoàn thành nhiệm vụ của mình mà không bị thương vong. Về sau, tác giả viết phần tiếp theo của tiểu thuyết này – Vàng của các chiến binh samurai (Золото самураев, 2016) được xuất bản trên Internet.

Cuốn sách của Alexandre Kosarev Những ngôi sao bằng bìa (Картонные звезды, 2004) đã được xuất bản mấy lần, đồng thời xuất hiện cả dưới dạng sách điện tử và sách nói. Tác giả lấy cốt truyện chủ yếu từ những sự kiện phi thường trong tiểu sử phong phú của mình, khi phục vụ trong đội đặc nhiệm của Cục Tình báo Trung ương Liên Xô (GRU) và tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Những chi tiết tỉ mỉ độc đáo về những sự kiện diễn ra trong những năm đó được trình bày trong cuốn sách này.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều những tác phẩm văn học có đề tài gắn với Việt Nam xuất hiện trong các thư viện điện tử khác nhau. Cuốn sách của Alexei Grebinyak Người phi công nhào lộn Việt Nam (Вьетнамский иммельман, 2009) kể về những sự kiện năm 1968, khi người Mỹ đưa vào Đông Dương những máy bay ném bom tân tiến nhất F-111, là những thử thách chiến đấu trên bầu trời Bắc Việt Nam. Những máy bay đó hầu như không bị các tên lửa phòng không và pháo binh làm thương tổn, bởi chúng bay vào ban đêm, ở độ cao hết sức thấp và với tốc độ siêu thanh. Nhiệm vụ đặt ra trước các nhà quân sự Xô viết và Việt Nam là chuẩn bị chiến dịch truy đuổi cỗ máy siêu bí mật đó.

Viktoria Dyakova, tác giả của tiểu thuyết có cốt truyện đầy xung đột Hổ săn mồi ban đêm (Тигр охотится ночью, 2012), cũng đề cập những sự kiện chiến tranh Việt Nam cuối những năm 1960. Tác phẩm này kể về một toán thám báo Mỹ ở vùng rừng rậm trên biên giới giữa Lào và Việt Nam. Họ nỗ lực tìm kiếm đường ống dẫn dầu được nguỵ trang để cung cấp nhiên liệu cho các lực lượng du kích ở miền Nam Việt Nam.

Cuốn sách của Ivan Kozlov Lời thề của người phi công bị bắn rơi (Клятва сбитого летчика, 2016) cũng kể về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược vào đầu những năm 1970.  Trên bầu trời Việt Nam, một chiếc máy bay Xô viết bị bắn rơi, và người phi công bị lính thuỷ đánh bộ Mỹ bắt làm tù binh. Lãnh đạo Mỹ đe doạ tố giác chính phủ Liên Xô, yêu cầu thả những gián điệp Mỹ bị giam giữ ở Moskva. Trong trường hợp bên kia không đáp ứng, dư luận thế giới sẽ có được bằng chứng về sự tham gia của Liên Xô vào xung đột chiến tranh. Quyết định cho vấn đề này chỉ có một phương thức – giải thoát tù binh phi công Xô viết. Nhóm đặc nhiệm của Cục Tình báo trung ương Liên Xô được giao thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm này. Họ phải hoạt động trong những khu rừng nhiệt đới rậm rạp ngay trước mũi những kẻ chiếm đóng vũ trang đầy đủ.

Roman Romanov viết tác phẩm Tuỳ bút về Việt Nam (tạm dịch từ: Несерьезные заметки о Вьетнаме) từ năm 2012, nhưng nó chỉ được biết rộng rãi trong giới độc giả vài năm sau đó. Đó là bút ký đầu tiên của tác giả trong tập Những trải nghiệm du lịch được viết với thể loại du ký (travelogue). Để minh hoạ, tác giả sử dụng những tấm ảnh của chính mình được chụp trong thời gian đến Việt Nam.

Tiểu thuyết phiêu lưu của Andrei Fakov Chuyện tình Xô – Việt (Советско-вьетнамский роман, 2018) kể về những sự kiện trong chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam 1964 – 1973 và về những chuyên gia quân sự Xô viết ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thời gian đó. Tác phẩm được đăng trên thư viện điện tử MyBook.ru, và như tác giả của nó khẳng định, được viết dựa trên những hồi ức của những người tham gia cuộc chiến tranh đó.

Vladilen Eleionsky là một luật sư chuyên nghiệp, tốt nghiệp Học viện Bộ Nội vụ ở Omsk. Gần đây, ông bắt đầu tích cực sáng tác văn học, viết các truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh. Trong tiểu thuyết Văn Thọ - con trai người du kích. Hồi ức của một lính thuỷ đánh bộ Mỹ về chiến tranh Việt Nam (Ван Тхо – сын партизана. Воспоминания морского пехотинца США о вьетнамской войне, 2018, đăng trên Internet) kể về một trung sĩ đặc nhiệm Mỹ ba mươi tuổi, người thất vọng về những giá trị gia đình nên vào năm 1969 đã tham chiến ở Việt Nam. Ở đây, anh bị bắt làm tù binh và trải qua những thử thách sống còn khác nhau.

Cuốn sách của German Kirsanov Những kỳ nghỉ ở Việt Nam hay những ghi chép của một downshifter[3]  (Вьетнамские каникулы или записки дауншифтера, 2019) về hình thức thuộc thể loại tiểu thuyết ái tình, đồng thời cũng là một tiểu thuyết phiêu lưu. Đó là câu chuyện của một doanh nhân Nga muốn thoát ra khỏi những vấn đề tài chính và gia đình nên đi đến Việt Nam để bắt đầu một cuộc sống mới ở đó.

Kết luận

Trong một thế kỷ rưỡi qua, Việt Nam và đề tài về Việt Nam nói chung đã hiện diện trong các tác phẩm của văn học Nga và văn học Xô viết, đôi khi chỉ tình cờ ngẫu nhiên, đôi khi rất rộng lớn và thường xuyên, điều này được quyết định không nhỏ nhờ vào tình hình quan hệ giữa hai nước. Nhưng các tác giả Nga luôn thể hiện sự đồng cảm chân thành đối với tình trạng gian khổ của cư dân đất nước châu Á xa xôi đó dưới thời thực dân và những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện sự tôn trọng đối với văn hoá và truyền thống của một dân tộc khác. Phong phú hơn cả là sáng tác ở giai đoạn xã hội chủ nghĩa – từ giữa những năm 1950 đến đầu những năm 1990, khi giữa Liên bang Xô viết và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà/Cộng hoà XHCN Việt Nam có những mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, khi Liên Xô tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm và trong xây dựng kinh tế quốc dân. Tất cả những sự kiện đó đã tìm thấy sự phản ánh trong các tác phẩm của các nhà văn và nhà thơ Xô viết.

Sau khi Liên Xô tan rã và hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Nga và Việt Nam đi theo con đường xây dựng kinh tế thị trường, quan hệ song phương phần nhiều mang tính chất thực dụng, nhân tố tư tưởng hệ trước kia từng gắn kết hai nước đã đi vào dĩ vãng. Hào quang của Việt Nam anh hùng chiến đấu dần được thay thế bằng hình tượng một đất nước tự tin khẳng định vị thế của con rồng kinh tế mới Châu Á và một thiên đường du lịch nổi tiếng. Những thay đổi kinh tế xã hội toàn cầu ở Việt Nam chắc chắn đã ảnh hưởng đến các tác phẩm của các tác giả Nga, việc lựa chọn thể loại và hình thức xuất bản. Ngày nay, ba thể loại chủ yếu chiếm ưu thế là hồi ký, văn xuôi phiêu lưu quân sự, và du ký – là những ghi chép và nhật ký du lịch. Ngoài các ấn bản giấy, các tác phẩm dưới dạng điện tử, trong các thư viện trực tuyến, và dưới dạng sách nói đang trở nên phổ biến hơn. Trong những năm gần đây, Internet đã trở thành diễn đàn cho các cá nhân sáng tạo. Nhiều cổng thông tin và trang web đăng tải các hồi ký, thơ ca, bài hát của các chuyên gia quân sự Liên Xô viết về Việt Nam trong những năm đấu tranh chống Mỹ xâm lược, các tác phẩm du ký và blog của du khách Nga từ đi qua Việt Nam, nhiều video khác nhau mang các nội dung lịch sử, văn hóa và dân tộc học. Có vẻ như văn học mạng đang trở thành không gian sáng tạo chính, tạo cơ hội xuất bản tác phẩm cho bất kỳ tác giả nào, đồng thời cho phép tự do thử nghiệm sáng tạo. Văn học mạng trở thành một cái lò đúc, nơi ngày càng có nhiều văn bản với những chất lượng nghệ thuật khác nhau nhất được đổ vào, điều này tất yếu cũng có thể làm mất đi tính cá nhân của chúng. Văn học mạng đã thành một chỉ báo về những gì đang diễn ra không phải trong văn hóa, mà là trong văn hóa đại chúng. Và với những nhân tố này, có thể cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có mặt trong các tác phẩm văn học của các tác giả Nga hiện đại, chủ yếu là tiểu luận báo chí và phóng sự, hồi ký và các thể loại khác, cả trên báo giấy lẫn ấn phẩm trực tuyến.

TS. A.A. Sokolov (Viện Đông Phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga)

Trần Thị Phương Phương dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Вьетнам в произведениях современной русской литературы

Nguồn: Nhiều tác giả (2021), Nghiên cứu giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần 5, Nxb Đại học Quốc gia, tr. 427-433
 

Tài liệu tham khảo 

Buyanov (ed.) (2006), Có một từ không thể quên Liên Xô” (Это незабываемое слово “Льенсо”), Moskovskaya akademia ekonomiki i prava, Moskva.

Eleonsky V. (2018), Văn Thọ - con trai một người du kích. Hồi ức của một lính thuỷ đánh bộ Mỹ về chiến tranh Việt Nam (Ван Тхо – сын партизана. Воспоминания морского пехотинца США о вьетнамской войне), Ridero, Moskva.

Glazunov E.P. (ed.)(2005), Chiến tranh ở Việt Nam… Nó như thế nào: 1965 – 1973 (Война во Вьетнаме… Как это было: 1965-1973), Ekzamen, Moskva.

Ilinsky M.M. (2000), Đông Dương. Tro bụi bốn cuộc chiến tranh (Индокитай. Пепел четырех войн), Veche, Moskva.

Krutskikh Yu. (2019), Cam Ranh, hay những cuộc phiêu lưu không tưởng của các tàu ngầm ở Việt Nam (Камрань, или невыдуманные приключения подводников во Вьетнаме),Vladivostok.

Kuplevakhsky V. (1998), “Những câu chuyện nhỏ về chiến tranh” (Маленькие военные истории), Tạp chí Ngọn cờ, số 6.

Ognetov I.A. (2007), Hướng về Việt Nam (На вьетнамском направлении), Gumanitary, Moskva

Sattarov E. (2015), Quá cảnh Sài Gòn – Almaty. Số phận một người du kích Việt Nam (Транзит Сайгон - Алматы. Судьба вьетнамского партизана), Editorial USSH, Moskva.

Shcherbakov S.V. (2018), Vườn trẻ cho người lớn (Детский сад для взрослых), Neolit, Moskva.

Trang tư liệu tác phẩm văn học trên Internet (truy cập lần cuối: 20/01/2022)

http://www.nhat-nam.ru/vietnamwar/

https://www.litres.ru

https://mybook.ru

https://www.proza.ru  


[1] Năm 2005, cuốn sách này được tái bản có chỉnh sửa, bổ sung, với nhan đề Hội chứng Việt Nam. Cuộc chiến tranh thăm dò (Вьетнамский синдром. Война разведок). (Chú thích của A.A. Sokolov)

[2] Trên trang www.nhat-nam.ru/vietnamwar có thể tìm thấy hồi ký của các chuyên gia quân sự Liên Xô/Nga, những người vì nhiệm vụ đã gắn với chiến tranh Việt Nam. Tại đây cũng có rất nhiều những sáng tác thơ ca, văn xuôi của họ. (Chú thích của A.A. Sokolov)

[3] Downshifter là từ chỉ người thay đổi cách sống, thường từ giàu có, đầy đủ, địa vị tốt sang vị trí thấp kém hơn nhưng thoải mái hơn. (Chú thích của người dịch)