Mikhail Lomonosov và bài tụng ca "Suy tưởng ban chiều về hiện tượng Bắc cực quang"

In bài này

 

Mikhail Lomonosov (1711 – 1765) là nhà thơ, nhà bác học nổi tiếng. Sáng tác của Lomonosov đánh dấu sự phát triển của thơ ca Nga nửa đầu thế kỷ XVIII.

 

Sinh ra trong một gia đình nông dân khá giả ở tỉnh Arkhangelsk miền bắc nước Nga, năm 19 tuổi Lomonosov vào học tại Học viện Slav-Hy lạp-Latin ở Moskva, rồi sau đó tiếp tục việc học của mình ở Học viện Hoàng gia Petersburg. Năm 1736, Lomonosov được gửi qua Đức học các khoa học như toán, vật lý, triết học, hóa học, khai thác mỏ và luyện kim. Bên cạnh lòng ham mê khoa học, Lomonosov rất quan tâm đến các lĩnh vực nhân văn, đặc biệt chú ý đến thơ ca. Trong hành trang qua Đức học tập, ông mang theo công trình “Phương pháp mới và ngắn gọn để sáng tác thơ Nga” của Trediakovsky. Lomonosov đã làm quen với thơ ca viết theo luật âm tiết trọng âm của Đức, và năm 1739, ông gửi về Hội đồng Nga (tức là một ban nghiên cứu tiếng Nga và văn học) của Học viện Petersburg “Thư bàn về các quy tắc sáng tác thơ Nga”. Lý thuyết của Lomonosov, cũng giống như của Trediakovsky, phát xuất từ một tiền đề: “Thơ Nga phải được sáng tác dựa trên những phẩm chất của ngôn ngữ dân tộc, còn những yếu tố từ các ngôn ngữ nước ngoài xa lạ với nó thì không nên đưa vào[i]. Bức thư của Lomonosov dài khoảng 8 trang, mô tả một cách giản dị toàn bộ hệ thống thi luật âm tiết trọng âm của Nga đã được vận dụng trong thơ ca Nga trước đó. Nó cũng xây dựng một hệ thống âm luật và vận luật cơ bản, khắc phục những hạn chế trong lý thuyết của Trediakovsky (Trediakovsky chỉ xem choree mới là thể thích hợp với thơ Nga, trong khi đó Lomonosov chỉ ra thế mạnh của mỗi thể thơ như iamb, choree, dactyl,… tùy thuộc vào chủ đề của bài thơ; Trediakovsky chỉ sử dụng vần âm với trọng âm ở âm tiết áp cuối, còn theo Lomonosov không chỉ vần âm, mà cả vần dương với trọng âm ở âm tiết cuối câu, và loại vần ông gọi là triglasnye – vần bắt đầu từ âm tiết thứ ba, cũng thích hợp với thơ Nga). Hệ thống thi luật âm tiết trọng âm của Lomonosov hầu như không thay đổi cho đến nay, và đa phần thơ ca Nga, thậm chí ngay cả thời hiện đại, cũng đều viết theo thi luật này.

 

Để minh họa cho những lý thuyết của mình, Lomonosov gửi kèm với “Thư bàn về các quy tắc sáng tác thơ Nga” bản tụng ca “Về cuộc chiếm đánh Khotin” (Oda na vzyatii Khotina). Đây là một bài thơ dài được viết nhân sự kiện quân đội Nga chiếm được pháo đài Khotin của Thổ Nhĩ Kỳ (nay thuộc đất của Moldavia) năm 1739, trong đó mang đủ những đặc tính tiêu biểu của thể tụng ca: lời ca hướng tới Thi thần, những từ ngữ đầy tính khoa trương, những hình tượng trừu tượng, lối nói phóng đại, chất bi tráng bao trùm tác phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những thể thức truyền thống đó, có những khổ thơ được viết bằng một ngôn ngữ với những tính ngữ chính xác, những tỉ dụ rõ ràng, gợi nhớ đến những chi tiết cụ thể. “Về cuộc chiếm đánh Khotin” là bản tụng ca đầu tiên viết theo thi luật âm tiết trọng âm của Nga.

 

Tụng ca là thể loại ưa thích nhất của Lomonosov, trong suốt cuộc đời mình, ông viết khoảng hơn 20 tụng ca. Nhà phê bình Belinsky trong khi không tiếc lời chê thơ ca thế kỷ XVIII là “khoa trương”, đã xem tụng ca của Lomonosov là ngoại lệ, bởi ông nhận thấy trong đó “ngoài nghệ thuật làm thơ điêu luyện còn có những cảm xúc sinh động”. Xem Lomonosov như “nhà thơ đầu tiên của nước Nga”, Belinsky đồng thời nhận định thơ Lomonosov chủ yếu mang “tinh thần ngợi ca trang trọng[ii].

 

“Tinh thần ngợi ca” trong các tụng ca của Lomonosov có thể được lý giải bởi bản chất nghệ thuật của chủ nghĩa cổ điển, mà từ những năm 30 của thế kỷ XVIII đã trở thành trào lưu sáng tác chủ đạo trong văn học Nga. Thuật ngữ chủ nghĩa cổ điển có nguồn gốc từ một tính từ trong tiếng Latin classicus tức là “thuộc về tầng lớp công dân cao quý nhất”, đồng thời bao hàm nghĩa chuẩn mực, kiểu mẫu. Thành tựu của nghệ thuật cổ đại Hy Lạp – La Mã được các nhà cổ điển chủ nghĩa tiếp nhập như những chuẩn mực, những kiểu mẫu để noi theo. Trong các nền văn học tiên tiến châu Âu, chủ nghĩa cổ điển được khẳng định và thống trị văn học trong hai thế kỷ XVII – XVIII. Nó hướng tới mục đích ủng hộ nền quân chủ, vì lợi ích của đất nước và dân tộc. Bởi vậy, cảm hứng công dân, những chủ đề ái quốc, anh hùng chiếm vị trí quan trọng trong thơ ca. Cũng bởi vậy, vang lên giọng điệu “ngợi ca” trang trọng trong các bản tụng ca viết về những vị quân vương lý tưởng, các dũng tướng, các nhà hoạt động chính trị kiệt xuất – những người đã đặt việc phụng sự quốc gia lên trên cuộc sống cá nhân. Lý tưởng của nghệ thuật mang tinh thần công dân cao cả đã được nhắc đến trong các công trình của các triết gia cổ đại, như Platon, Aristotle. Mỹ học cổ đại cũng đòi hỏi một sự hài hòa trong thơ ca, tức là sự tương hợp giữa hình thức và nội dung tác phẩm.

 

Tuy nhiên, chủ nghĩa cổ điển Nga có những đặc điểm riêng của mình. Nó sinh ra muộn màng (chỉ đến năm 1740 mới thực sự trở thành một trào lưu nghệ thuật, trong khi lúc đó chủ nghĩa cổ điển Pháp đã bước sang thế kỷ tồn tại thứ hai), và vì thế sống cũng ngắn ngủi hơn (đến lúc giao thời giữa hai thế kỷ XVIII-XIX, nó đã trở thành, như cách ví von của Belinsky, “một cái thây bám theo chân người sống[iii]) và cũng sống với nhịp độ gấp gáp hơn. Chủ nghĩa cổ điển Nga vừa mang tinh thần của chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa tuyệt đối (absolutism) đề cao nền quân chủ chuyên chế của thế kỷ XVII, vừa mang tinh thần Ánh Sáng của thế kỷ XVIII. Chủ nghĩa cổ điển Nga ít hướng tới các khuôn mẫu cổ đại Hy La, mà thường quay về các chủ đề của dân tộc. Các nhà thơ Nga cũng thường cho phép mình vượt ra ngoài những quy tắc nghiêm ngặt của chủ nghĩa cổ điển.

 

Trong thơ ca của chủ nghĩa cổ điển, tụng ca được xem là thể loại hàng đầu. Chúng tôi tạm dùng thuật ngữ tiếng Việt “tụng ca”, dù thấy đây là cách dịch không thành công, bởi ode – trong tiếng Hy Lạp cổ nghĩa là bài ca. Thời cổ đại, ode ban đầu chưa mang ý nghĩa của một thuật ngữ, nhưng rồi nó được dùng để chỉ những bài đồng ca trữ tình chủ yếu được viết theo khổ, trang trọng, cao nhã, mang tính giáo huấn. Thời Phục hưng và Baroque (thế kỷ XVI-XVII), từ này được sử dụng chủ yếu cho loại thơ trữ tình bi tráng, cao cả, dựa theo hình mẫu của các nhà thơ cổ đại (như Pindar[iv], Horace[v]). Đến thời đại của chủ nghĩa cổ điển, tụng ca trở thành thể loại của phong cách bậc cao với những chủ đề mang tính quy điển (như ca tụng Chúa, ca tụng tổ quốc, ca tụng sự khôn ngoan trong cuộc sống,…). Có các loại: tụng ca ca ngợi, tụng ca tín ngưỡng, có tụng ca trang trọng (mang phong cách Pindar), tụng ca giáo huấn (mang phong cách Horace), tụng ca tình yêu (mang phong cách Anacreon).

 

Thuật ngữ tụng ca được đưa vào thơ ca Nga nhờ công của Trediakovsky, còn bản thân Trediakovsky thì lại vay mượn từ Boileau. Trong bài báo “Bàn về tụng ca”, Trediakovsky đã nêu đặc điểm của thể loại này như sau: “Tụng ca luôn nhất định phải lấy đề tài từ những sự kiện cao cả, quan trọng, phải đặc biệt êm ái và dễ chịu, được viết bằng ngôn từ hết sức nghệ thuật và kỳ diệu”. Mặc dù Trediakovsky và Lomonosov là hai đối thủ kình địch nhau, nhưng những nhận xét về đặc điểm của tụng ca nói trên của Trediakovsky lại được rút ra từ kinh nghiệm sáng tác tụng ca của Lomonosov.

 

Tụng ca của Lomonosov, từ tác phẩm đầu tiên là tụng ca “Về cuộc đánh chiếm Khotin” năm 1739 trở đi, đều là những kiểu mẫu cho tụng ca Nga với khổ thơ 10 câu và thể iamb 4 chân (Tuy nhiên, thể thơ này được sử dụng chủ yếu cho loại tụng ca mang tinh thần ca ngợi, những loại khác như tụng ca tôn giáo, tụng ca triết học, và về sau là tụng ca giáo huấn đa phần không dựa theo kiểu mẫu này). Những buổi lễ đăng quang của Nga hoàng, lễ hạ thủy tàu, những vũ hội, những cuộc đến hay đi của hoàng gia, những lễ tên thánh, sinh nhật và đủ các loại lễ lạt khác đều có thể trở thành cảm hứng sáng tác cho nhà thơ. Viết tụng ca “nhân các sự kiện” cụ thể như vậy, thực chất đối tượng mô tả nghệ thuật của Lomonosov chính là đời sống của nước Nga nửa đầu thế kỷ XVIII. Những cải cách của hoàng đế Pyotr I đã tạo nên những biến đổi to lớn trong lịch sử Nga, và nửa đầu thế kỷ XVIII mà đất nước và dân tộc Nga đã trải qua, đối với nhà thơ là cả một thời đại của dân tộc – thời đại Pyotr, thời đại “hóa thân vĩ đại”: từ một công quốc Moskva nhỏ bé, nước Nga biến thành một cường quốc sánh ngang với các nước lớn trên vũ đài quốc tế. Lomonosov trở thành nhà thơ của thời đại đó. Ý thức về dân tộc, quan tâm đến những vấn đề của thời đại, đến tương lai của đất nước và dân tộc – điều đó đã trở thành một truyền thống trong văn học Nga, mà Lomonosov là người khởi đầu, với những thành tựu tụng ca của mình.

 

Bên cạnh phong cách ngôn từ trang trọng, tụng ca của Lomonosov còn là một thế giới vạn hoa của những hình tượng. Có thể gặp những hình tượng đầy tính ẩn dụ ngay từ những dòng đầu tiên của mỗi bài tụng ca.

 

Ví dụ như bài tụng ca “Về cuộc đánh chiếm Khotin” (1739) mở đầu bằng những câu như sau:

 

Niềm vui bất ngờ tỏa sáng hồn tôi

 

Dẫn tôi lên đỉnh non cao vời vợi

 

Nơi ngọn gió giữa rừng cây quên thổi

 

Nơi thung lũng sâu tĩnh lặng, im lìm

 

Có điều gì mà con suối lặng thinh

 

Chẳng như mọi ngày rạt rào ầm ĩ

 

Chảy xuống từ đồi cao không ngưng nghỉ

 

Những cành nguyệt quế kết lại thành vòng

 

Tiếng đồn vội vang xa khắp mọi phương

 

Trên những cánh đồng xa xa khói tỏa

 

 

Những hình tượng thiên nhiên ở đây đều mang ý nghĩa ẩn dụ, bắt nguồn từ các thần thoại Hy Lap: đỉnh non cao là núi Parnassus (Thi sơn) của thần Apollo, suối là con suối dưới chân Thi sơn, mang tên nàng nhân ngư Castalia đã trầm mình xuống đó để chạy trốn tình yêu của thần Apollo – chúng đều là những ẩn dụ liên quan đến sáng tác thơ ca (leo lên đỉnh Thi sơn), cảm hứng thơ ca (dòng chảy của con suối Castalia).

 

Một loại tụng ca tiêu biểu khác của Lomonosov là thơ triết lý về tự nhiên. Có thể nói đây là một hiện tượng đặc biệt trong thơ ca Nga và thậm chí là trong thơ ca thế giới.

 

Giống như đa phần các học giả tiên tiến thể kỷ XVIII, Lomonosov là người theo thuyết Tự nhiên thần luận (deism), tin rằng Chúa sáng tạo ra thế giới vật chất nhưng không can thiệp vào tiến trình tự nhiên của thế giới đó. Đôi mắt của nhà khoa học, đồng thời là nhà thơ ngỡ ngàng trước những hiện tượng thiên nhiên bí ẩn, huyền diệu, chẳng hạn như hiện tượng Bắc cực quang (hiện tượng quang học được đặc trưng bởi sự thể hiện đầy màu sắc của ánh sáng trên bầu trời về đêm ở Bắc cực). Dưới đây là bài tụng ca “Suy tưởng ban chiều về Đấng Tối cao nhân sự kiện Bắc cực quang” viết về hiện tượng này:

 

 

 

SUY TƯỞNG BAN CHIỀU VỀ ĐẤNG TỐI CAO NHÂN SỰ KIỆN BẮC CỰC QUANG

 

 

Ngày che đi khuôn mặt của mình

Bao phủ bình nguyên là đêm tối

Bóng đen tràn lên trên đỉnh núi

Ánh mặt trời chạy trốn nơi nao.

Bầu trời thẳm sâu đong đầy sao

Trời không đáy, sao nhiều không đếm xuể

 

Như hạt cát trôi trong sóng bể

Như đốm lửa lấp lóe trong băng

Như hạt bụi trong cơn cuồng phong

Như túm lông rơi vào lửa cháy

Tôi đắm trong vực thẳm kia không đáy

Tôi lạc đường trong mệt mỏi suy tư.

 

Miệng các nhà thông thái nói với chúng ta:

Ở nơi kia có rất nhiều thế giới,

Vô vàn mặt trời đang rực cháy

Có các sắc dân, các thế kỷ tuần hoàn:

Sức mạnh tự nhiên nơi đó ngang bằng

Trước vinh quang chung Đấng Tối cao vĩ đại.

 

Nhưng hỡi tự nhiên, luật của người đâu vậy?

Bình minh mọc lên từ những xứ sở đêm!

Có phải mặt trời đặt nơi đó ngai của mình?

Có phải những biển băng đang bốc lửa?

Kìa ánh hồng lạnh lùng đang bao phủ!

Kìa trên mặt đất ngày lấn chỗ của đêm!

 

Ôi các ngài, những kẻ với cái nhìn tinh nhanh

Thấu suốt cuốn sách những luật điều vĩnh cửu

Những kẻ mà một dấu hiệu nhỏ nhoi tí xíu

Cũng trở thành luật lệ của tự nhiên

Các ngài biết đường đi của mọi hành tinh

Hãy nói, điều gì khiến ta sao bối rối?

 

Điều gì khiến những tia sáng lung linh đêm tối?

Sao ngọn lửa mảnh mai mà sáng rọi bầu trời?

Làm sao tia chớp bay từ mặt đất đến đỉnh trời

Mà không có sấm gầm, mây phủ?

Làn hơi lạnh giá sao có thể

Sinh ra đám cháy giữa mùa đông?

 

Nơi đó nước tranh cãi với mù sương

Hay những tia nắng mặt trời lấp lánh

Nghiêng xuống chúng ta xuyên không gian đặc quánh

Hay những đỉnh núi phủ mây cháy rực hồng

Hay gió tây ngưng thổi ra biển mênh mông

Và những con sóng vào thinh không nhẹ vỗ.

 

Trong lời đáp của các ngài hoài nghi chất chứa

Về cái gì đang ở những chốn gần kề

Trái đất rộng là bao, hãy nói chúng tôi nghe?

Và cái gì nằm sau những vì sao bé nhất?

Không thể biết sáng tạo đâu hồi kết?

Hãy nói xem, Đấng Tối cao vĩ đại nhường nào?

(1743)

ВЕЧЕРНЕЕ РАЗМЫШЛЕНИЕ О БОЖИЕМ ВЕЛИЧЕСТВЕ ПРИ СЛУЧАЕ ВЕЛИКОГО СЕВЕРНОГО СИЯНИЯ

 

Лице свое скрывает день;

Поля покрыла мрачна ночь;

Взошла на горы чорна тень;

Лучи от нас склонились прочь;

Открылась бездна звезд полна;

Звездам числа нет, бездне дна.

 

Песчинка как в морских волнах,

Как мала искра в вечном льде,

Как в сильном вихре тонкой прах,

В свирепом как перо огне,

Так я, в сей бездне углублен,

Теряюсь, мысльми утомлен!

 

Уста премудрых нам гласят:

Там разных множество светов;

Несчетны солнца там горят,

Народы там и круг веков:

Для общей славы божества

Там равна сила естества.

 

Но где ж, натура, твой закон?

С полночных стран встает заря!

Не солнце ль ставит там свой трон?

Не льдисты ль мещут огнь моря?

Се хладный пламень нас покрыл!

Се в ночь на землю день вступил!

 

О вы, которых быстрый зрак

Пронзает в книгу вечных прав,

Которым малый вещи знак

Являет естества устав,

Вам путь известен всех планет;

Скажите, что нас так мятет?

 

Что зыблет ясный ночью луч?

Что тонкий пламень в твердь разит?

Как молния без грозных туч

Стремится от земли в зенит?

Как может быть, чтоб мерзлый пар

Среди зимы рождал пожар?

 

Там спорит жирна мгла с водой;

Иль солнечны лучи блестят,

Склонясь сквозь воздух к нам густой;

Иль тучных гор верьхи горят;

Иль в море дуть престал зефир,

И гладки волны бьют в эфир.

 

Сомнений полон ваш ответ

О том, что окрест ближних мест.

Скажите ж, коль пространен свет?

И что малейших дале звезд?

Несведом тварей вам конец?

Скажите ж, коль велик творец?

 

 

 

 

 

 

 


[i] Lomonosov M. Thư về các quy tắc sáng tác thơ Nga (Письмо о правилах российского стихотворства). Sách trên, tr.465.

[ii] Belinsky V. Sáng tác của Alexandr Pushkin. Bài báo thứ nhất: “Tổng quan văn học Nga từ Dezhavin đến Pushkin” (Trong: Belinsky V. Hợp tuyển tác phẩm gồm 3 tập, F.M.Golovenchenko tổng chủ biên, tập 3, Moskva, 1948. Nguồn trên Internet: http://az.lib.ru/b/belinskij_w_g/text_0120.shtml)

[iii] Dẫn theo: Dushina L.N. Thơ ca Nga thế kỷ XVIII, http://www.licey.net/lit/poet18. Tác động của các bài viết của Belinsky đã gây nên một thái độ không thiện cảm đối với chủ nghĩa cổ điển trong giới phê bình văn học Nga thế kỷ XIX, điều này chỉ đến thời Xô viết mới khắc phục được.

 

[iv] Pindar (Pindaros, khoảng 522- 443 trước CN), nhà thơ cổ đại Hy Lạp, được các nhà ngữ văn thời Alexandria đưa vào danh sách 9 nhà thơ kinh điển, tác giả của các bài hát đồng ca (choral lyrics) ca tụng thần linh, ca tụng chiến thắng trong các cuộc tranh tài Olympic.

[v] Horace (Quintus Horatius Flaccus, 65-8 trước CN), nhà thơ của “thời đại vàng” trong văn chương La Mã. Tác phẩm của Horace mang đậm chất triết lý và giáo huấn.