Hội thảo khoa học quốc tế “Văn học và điện ảnh Việt Nam, Hàn Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa”
Tác giả: Nguyễn Thị Mai Quyên
TS., Phòng Văn học dân gian – Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
TÓM TẮT
Truyện Xuân Hương là tác phẩm lớn trong kho tàng văn học Hàn Quốc mà vai trò của nó đối với văn hóa Hàn có lẽ có thể đem so sánh với vai trò của Truyện Kiều trong văn hóa Việt Nam. Năm 1994, hai nước Việt - Hàn chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đó cũng là thời điểm Truyện Xuân Hương được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Từ đó đến nay, bạn đọc Việt Nam đã có ngót 30 năm được tiếp xúc với văn bản Việt văn của tác phẩm (bên cạnh những đối tượng có thể đọc được nguyên tác). Trong mấy chục năm này, các nghiên cứu học thuật liên quan đến tác phẩm đã được triển khai từ nhiều giác độ, từ khảo sát các phương diện nội dung, so sánh với Truyện Kiều tới khảo sát các phương diện văn hóa Hàn Quốc in dấu trong tác phẩm. Tuy vậy, nhìn lại lịch sử nghiên cứu tác phẩm này ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy dường như đề tài đang đến chỗ “cạn”. Trong bối cảnh văn học đang có rất nhiều cách tiếp cận mới, đặt ra cho người tiếp nhận nhiều cơ hội và thử thách mới, bài viết này cũng sẽ đưa ra một đề xuất cho việc tiếp nhận Truyện Xuân Hương: tiếp nhận từ lý thuyết nhân học văn học. Những vấn đề nhân học nào mời gọi người đọc tìm kiếm và lý giải? Có thể sử dụng những cách thức nào để tiếp cận các vấn đề đó? Đây chính là những câu hỏi mà chúng tôi dự kiến sẽ đặt ra và thảo luận trong toàn bộ bài viết.