Vượt qua 38 thí sinh, Huỳnh Nguyễn Yến Nhi đến từ Tiền Giang đăng quang Hoa khôi Sinh viên khu vực miền Nam, nhận giải thưởng 15 triệu đồng tiền mặt, vương miện và 5 bộ vải áo dài.

Vòng chung kết khu vực miền Nam cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2023 (Vietnam Miss University 2023) vừa diễn ra tại Đại học Ngân hàng TP.HCM. 

Vượt qua 38 thí sinh, Huỳnh Nguyễn Yến Nhi đăng quang Hoa khôi Sinh viên khu vực miền Nam. Cô sinh năm 2003, cao 1,71m, chỉ số hình thể 86-66-94cm, hiện là sinh viên khoa Văn học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM. Người đẹp 20 tuổi được đánh giá là một trong những thí sinh có chiều cao nổi bật, sở hữu hình thể và gương mặt thu hút, sáng sân khấu. 

Chia sẻ với VietNamNet, Yến Nhi rất bất ngờ trước danh hiệu mình đạt được. Cô bật khóc trên sân khấu vì nỗ lực vượt qua sự tự ti. 

Ở phần trả lời ứng xử của top 5, Yến Nhi nhận câu hỏi phân tích, quy chiếu vào bản thân từ câu nói trong tác phẩm Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải: "Ở đời này không có đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy".

Yến Nhi bình tĩnh cho rằng không có khái niệm "đường cùng" vì đây chỉ là cảm xúc tiêu cực, yếu đuối bên trong mỗi người. Chúng ta đều rất mạnh mẽ và có thể vượt qua những "ranh giới" của bản thân, tương tự như cách người Việt Nam xưa nay đã làm. Thừa nhận các điểm yếu từ đầu cuộc thi, Yến Nhi tự tin khẳng định đã chứng minh sự vươn lên và vượt qua "ranh giới" của mình.

20231231 3Huỳnh Nguyễn Yến Nhi.

Danh hiệu Á khôi 1 Hoa khôi Sinh viên miền Nam trao cho Lê Phương Khánh Như. Cô cũng là Nữ sinh viên được yêu thích nhất miền Nam, được đặc cách vào Chung kết toàn quốc. Thạch Thị Ngọc Trinh là Á khôi 2 Hoa khôi Sinh viên miền Nam.

Top 3 Hoa khôi Sinh viên khu vực miền Nam.

Sau vòng thi trắc nghiệm kiến thức tổng hợp và tài năng trước đó, top 39 trải qua phần thi trang phục tự chọn, áo dài và ứng xử tại vòng chung kết khu vực miền Nam.

Nhiều thí sinh biểu cảm chưa thuần thục, không tự tin khi catwalk. Ở phần trình diễn trang phục tự chọn, đa số người đẹp diện đầm dạ hội, số ít mặc yếm đào, trang phục dân tộc hoặc đầm cắt xẻ, ôm sát khoe hình thể. Một số thí sinh chọn các thiết kế gây khó di chuyển, dẫn đến vấp, bước đi khó khăn.

Trong phần thi ứng xử của top 5, Á khôi 1 Hoa khôi Sinh viên miền Nam - Lê Phương Khánh Như gây chú ý khi trả lời trôi chảy, tự tin bằng song ngữ. Cô cũng là một trong các thí sinh nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt nhất. 

Thanh Phi

Nguồn: Vietnamnet, ngày 26.12.2023.

K.VH - Ngày 22/4 và ngày 29/4 vừa qua, Đoàn khoa Văn học phối hợp cùng công ty cổ phần Mắt Bão cho “lên sóng” chuỗi Webinar, bao gồm: Webinar “Gen Z làm gì trên môi trường số?” và Webinar “Gen Z và công việc tương lai”, trực tuyến trên ứng dụng Zoom Cloud Meetings. Chuỗi Webinar là diễn đàn tư vấn bổ ích nhằm cung cấp kiến thức lẫn kinh nghiệm cho các bạn trẻ gen Z trong thời đại chuyển đổi số, đồng thời phần nào giúp các bạn chuẩn bị hành trang trên con đường định vị bản thân. 

Mở đầu chuỗi Webinar là buổi chia sẻ thiết thực mang tên “Gen Z làm gì trên môi trường số?” được tổ chức vào 19g30, thứ Sáu ngày 22/04/2022. Buổi Webinar đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các bạn trẻ năng động, nhiệt huyết, có mong muốn phát triển bản thân trong thời đại chuyển giao công nghệ. Đồng hành cùng chương trình là thầy Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. HCM.

220523

Không gian số đã và đang trở nên thiết thân, thậm chí không thể thiếu trong đời sống của mọi người nói chung và gen Z nói riêng. Từ thực tế đó, thầy Trần Nam đã mang đến cho các bạn sinh viên cái nhìn toàn diện, khách quan về quá trình chuyển đổi số. Cũng trong buổi chia sẻ, những kiến thức và tư duy về việc chuẩn bị hành trang trên con đường phát triển bản thân của gen Z đã được thầy đề cập đến một cách chân thực và khách quan.  

Tiếp nối sự thành công của chương trình Webinar “Gen Z làm gì trên môi trường số?”, Đoàn khoa Văn học cùng công ty cổ phần Mắt Bão tiếp tục cho “lên sóng” chương trình Webinar “Gen Z và công việc tương lai” vào lúc 19g30, thứ Sáu ngày 29/04/2022. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các bạn sinh viên đang trên hành trình định vị bản sắc cá nhân, mong muốn tìm ra lối đi cho riêng mình. 

220523 2

Đồng hành cùng chương trình lần này là chị Trần Võ Thanh Tú -  Phó Giám đốc trang Sports Center trong vai trò diễn giả khách mời. Đến với chương trình, chị Thanh Tú mang tâm thế của “thế hệ đi trước”, chia sẻ đến các bạn sinh viên xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của gen Z hiện nay, đồng thời giúp các bạn có thêm những thông tin hữu ích trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản sắc cá nhân, góp phần chuẩn bị hành trang trên con đường tìm đến thành công của các bạn trẻ. Ba chủ điểm chính của chương trình Webinar bao gồm: (1) Hành trình “định vị bản thân”: Nêu lên lộ trình cũng như kế hoạch khắc phục khó khăn, tìm ra môi trường nhằm thúc đẩy, khẳng định bản sắc cá nhân, (2) Xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của gen Z: Giải đáp thắc mắc về xu hướng nghề nghiệp của gen Z có gì khác so với gen X, gen Y, (3) Q&A: Phần hỏi đáp trực tiếp giữa các bạn sinh viên và diễn giả. 

220523 3

Chuỗi Webinar đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc; các bạn sinh viên đã có thêm thêm những kiến thức bổ ích, góp phần hoàn thiện bản thân trong thời đại phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ. Chắc hẳn rằng đã có những cánh cửa được mở, những hy vọng và ý tưởng được thắp lên nơi những bạn trẻ mang trong mình ngọn lửa thanh xuân nhiệt huyết, đang bước đi trên hành trình định vị bản thân. 

Như Khương

Huỳnh Vũ Hương Lan (SV khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. HCM) là một trong 62 sinh viên năm thứ nhất nổi bật của đoàn đại biểu tham dự Đại hội Hội Sinh viên TP. HCM lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Với châm ngôn sống “Hãy hướng về phía mặt trời bóng tối sẽ ngả về sau bạn”, câu nói thúc đẩy Hương Lan luôn có cái nhìn tích cực trước mọi huống trong cuộc sống. Trên con đường học vấn, Hương Lan không chỉ là nữ sinh chăm chỉ, mà còn là một người hăng say với những hoạt động xã hội. Sự nhiệt huyết và mong muốn góp phần vào việc xây dựng một cộng đồng tốt hơn đã thúc đẩy cô tham gia nhiều hoạt động tình nguyện để lan tỏa sự tích cực và nhân văn.

Sau những năm hoạt động Đoàn, Hương Lan học hỏi và cải thiện được nhiều kỹ năng mềm, như kỹ năng nói chuyện trước đám đông, kỹ năng tranh biện... Bên cạnh đó, Lan có cơ hội kết thân thêm nhiều bạn mới, học tập từ các cuộc thi, các sân chơi.

Trong quá trình hoạt động Đoàn, Hương Lan đã đảm nhiệm nhiều vị trí: Uỷ viên BCH Đoàn trường Tam Phú, nhiệm kỳ 2020 - 2021; Phó Bí thư Đoàn trường THPT Tam Phú, nhiệm kỳ 2021 - 2022.

20231211 6

Hương Lan rất nỗ lực trong màu áo xanh. (Ảnh: NVCC)

Ngoài ra, Hương Lan còn nổi bật với một loạt thành tích trong học tập: Huy chương Bạc môn Ngữ văn trong kỳ thi 'Olympic tháng Tư', TP. HCM mở rộng, năm 2021; Giải Ba Học sinh Giỏi TP. HCM, năm 2022 - 2023, môn Ngữ văn; Huy chương Đồng môn Pencak Silat cấp TP. HCM, năm 2023.

Với những thành tích trong công tác Đoàn và trong học tập, Hương Lan đã đạt danh hiệu 'Học sinh 3 tốt' cấp TP. Thủ Đức, năm 2023; đạt danh hiệu “ Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” cấp TP. Thủ Đức, năm 2022. Cô còn được nhận khen thưởng “Đã có đóng góp tích cực trong hoạt động Hè và các chiến dịch tình nguyện năm 2022, cấp TP. Thủ Đức"...

Vừa vào năm thứ nhất đã trở thành thủ lĩnh sinh viên ảnh 2
Hương Lan đã đạt danh hiệu 'Học sinh 3 tốt' cấp TP. Thủ Đức, năm 2023.

Tuy nhiên, điều khó khăn đối với Hương Lan chính là việc sắp xếp cân bằng giữa việc học và việc tham gia các hoạt động phong trào. Hương Lan tâm sự: “Các hoạt động diễn ra liên tục, liền kề nhau khiến mình khó khăn trong việc sắp xếp cho tất cả. Rất may, mình có một hậu phương vững chắc đến từ gia đình, luôn tin tưởng vào những điều mà mình theo đuổi. Thêm vào đấy là nhờ có sự động viên đồng hành của thầy cô, bạn bè đã giúp mình vượt qua những thách thức”.

Vừa vào năm thứ nhất đã trở thành thủ lĩnh sinh viên ảnh 3
Lên đại học, Hương Lan tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội để bản thân có cơ hội được rèn luyện nhiều hơn. (Ảnh: NVCC)

Việc sinh hoạt Đoàn cũng chiếm khá nhiều thời gian, để cân bằng được tất cả công việc, Hương Lan thường có những sắp xếp khoa học, ghi chú lại những việc cần làm, kể cả việc học lẫn các hoạt động phong trào để có thể nhớ và sắp xếp thời gian hợp lý cho chính mình.

Ngoài hoạt động Đoàn và việc học tập, Hương Lan còn tham gia các câu lạc bộ về thể thao, như CLB Võ thuật Pencak Silat, CLB Văn nghệ. Mới đây nhất, Hương Lan trở thành thành viên CLB Văn nghệ V-VTM (trực thuộc Liên chi Hội Sinh viên khoa Văn học).

Thoa Kala

Nguồn: Sinh viên Việt Nam, ngày 14.11.2023.

Dưới cái nóng gay gắt của Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/4/2022 thì đâu đó vẫn có những sinh viên miệt mài tìm về một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, trang sử của ngày Thống nhất đất nước 30/04/1975.

20220506 2

Nằm trong khuôn khổ của dự án “Rạng ngời Việt Nam 2 - Rực rỡ cờ hoa”, chương trình “Những cánh chim trở về” đã tạo cơ hội cho các bạn sinh viên khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM tìm đến căn nhà của cựu chiến binh Lâm Xuân Quang để thăm hỏi và nghe bác kể về những câu chuyện ngày ấy. 

Sau 47 năm kể từ ngày Thống nhất đất nước, người chiến binh Lâm Xuân Quang vẫn xúc động khi kể lại cho sinh viên chúng tôi về những gì bác đã chứng kiến và trải nghiệm. Từng chiến lược quân sự, từng thời điểm ra trận, từng đường đi nước bước của Đảng, bác như đang vẽ ra trước mắt chúng tôi bức tranh của thời cuộc năm ấy. Bước ra từ cuộc chiến, có lẽ điều bác chứng kiến không chỉ là nỗi đau của con người trong chiến tranh mà còn là nỗi đau của một dân tộc đã chịu quá nhiều đau khổ từ những cuộc chiến triền miên.

Không chỉ lắng nghe về câu chuyện năm 1975, chúng tôi còn được nghe bác kể về Bác Hồ. Qua lời kể của bác, chúng tôi phần nào lại hiểu thêm về vị Chủ tịch vĩ đại mà sinh viên luôn tự nhủ phải sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Trong buổi giao lưu và kể chuyện “Những cánh chim trở về”, các bạn sinh viên còn dâng hương lên Hồ Chủ tịch và tham quan căn phòng nơi bác Quang lưu lại những kỷ vật ngày ấy, những đồ vật như bước ra từ trang sử Việt Nam.

20220506

Kết thúc buổi thăm hỏi và trò chuyện, bước chân khỏi căn nhà bác Lê Xuân Quang giữa thành phố Thủ Đức nhộn nhịp, chắc hẳn bên trong các bạn sinh viên đều có những cảm xúc riêng biệt, nhưng điểm chung nhất có lẽ là sự tự hào dân tộc và biết ơn những chiến binh như bác Lê Xuân Quang. Chúng tôi tự nhủ phải biết trân quý và giữ gìn nền hòa bình này mà nhiều thế hệ cha ông đã phải đánh đổi máu xương để có được, cũng như nỗ lực đóng góp sức mình để đưa đất nước phát triển, phồn vinh và hạnh phúc. 

Tiểu Mô Tô

Hồ Dương Mộng Tuyền (bút danh Lam), sinh viên khoa Văn học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM, được nhiều bạn đọc trẻ biết đến là người sáng tác hàng loạt bài thơ tự do trên trang blog 'Xanh Lam'.

20220103 2

Hồ Dương Mộng Tuyền - Ảnh: NVCC

Mới đây, một trong những bài thơ của Mộng Tuyền đã được đưa vào đề thi môn ngữ văn học kỳ 1 lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trãi (Thái Bình).

Bài thơ tự do không tên, có nội dung về sự "hoàn hảo" và "không hoàn hảo" của Mộng Tuyền được chọn làm câu I, phần Đọc - Hiểu (3 điểm). Ngoài yêu cầu xác định phương thức biểu đạt của bài thơ, đề còn hỏi về chi tiết ấn tượng nhất trong bài, đó chính là thái độ của bố con cậu bé khi thấy đám cỏ bị sâu ăn. 

Đặc biệt, khi học sinh trả lời câu hỏi "Cây cỏ trong đoạn trích cho em bài học gì?" sẽ khái quát thông điệp mà tác giả gửi gắm qua bài thơ.

Chia sẻ về ý nghĩa muốn truyền tải qua bài thơ, Mộng Tuyền bộc bạch: "Khi đặt bút viết bài thơ, mình chỉ muốn truyền tải đến các bạn một góc nhìn khác, một thái độ khác khi chúng ta đối diện với những thách thức của cuộc đời.

Bản thân mình nghĩ rằng không có một khái niệm nào hoàn toàn đúng cho "hoàn hảo" và "không hoàn hảo". Mình thấy rằng khi cuộc đời tạo ra sự "không hoàn hảo" cho mỗi người, khoảng trống ấy chúng ta có thể tự trồng nên những "bông hoa". Mình nghĩ mỗi chúng ta đều có một cách khác nhau để tỏa sáng".

Nữ sinh viên có bài thơ vào đề thi ngữ văn - Ảnh 2.

Câu I trong đề thi môn ngữ văn học kỳ 1 lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trãi (Thái Bình) từ bài thơ của Mộng Tuyền

Là chủ của trang blog có gần 250.000 lượt theo dõi, Mộng Tuyền tự hào khi thơ của mình đã đem đến nguồn năng lượng tích cực cho bạn đọc, đặc biệt các bạn trẻ, giúp họ vượt qua được thời gian áp lực của cuộc đời.

Nội dung mà Mộng Tuyền truyền tải trên Xanh Lam thường là những mẩu chuyện, mẩu thơ vụn vặt về cuộc sống thường ngày và thường mang màu sắc tích cực.  

"Bản thân là người rất nhút nhát và rụt rè nhưng may sao mình lại có một lối suy nghĩ khá thoáng. Điều này đã giúp mình vượt qua được rất nhiều những ngày tháng khó khăn. Chính vì thế mình chỉ đơn giản viết ra những gì mình nghĩ và muốn lan tỏa nguồn năng lượng này đến với mọi người" - Tuyền tâm tình.

Phía dưới những dòng thơ của Tuyền có thể dễ dàng thấy những bình luận thể hiện sự cảm ơn sâu sắc của bạn đọc về tính tích cực mà bài thơ lan tỏa.

Đọc thơ của Tuyền, khó có thể nhận ra đó là một cô nàng khá nhút nhát, rụt rè, thay vào đó là một tâm hồn đầy ắp sự tích cực, một cô nàng sinh viên năm 2 có nhiều kinh nghiệm để rất "am hiểu lòng người".

Mộng Tuyền không ngần ngại chia sẻ: "Thực ra mình không có nhiều kinh nghiệm. Mình nghĩ điều khiến mình trông khá "am hiểu lòng người" như thế có lẽ do mình đã từng đứng dậy sau những tổn thương từ tuổi thơ, biết được cách làm thế nào để bản thân vui vẻ, làm thế nào để suy nghĩ của mình thoáng hơn. 

Mình chia sẻ những điều mình nghĩ, những niềm vui, nỗi buồn của mình và tình cờ nó đã chạm đến được cảm xúc của nhiều bạn".

Những lượt vào và rời khỏi trang "Xanh Lam" đều không khỏi phấn khởi khi đọc câu: "Một chiếc ôm nhỏ bé đang vượt qua vạn nghìn câu chữ chỉ để ôm bạn vào lòng".

Một số bài thơ từ blog "Xanh Lam" của Hồ Dương Mộng Tuyền

đừng nghĩ đôi vai mình to lớn

rồi cứ ôm đau đớn chất chồng

trái tim ai cũng là đứa trẻ

phải yêu thương nó nhé, biết không?

Lam.

mai này gió lặng biển im

mai này hạnh phúc sẽ tìm em thôi.

ngủ ngon,

em vất vả rồi..

Lam.

chiều nằm nghe gió hát

thương tổn lùa kẽ mây

chợt nhận ra mất mát

chẳng còn quá đắng cay

có người rời đi trước

có người chọn bên ta

có người làm tim xước

có người sẽ xót xa

một cơn mưa kéo đến

sẽ để lại cầu vồng

sau những lần tan vỡ

tình sẽ lại xanh trong

mong ta khi vấp ngã

đừng nằm lại quá lâu

còn những yêu thương mới

đang đợi ta bắt đầu.

Lam.

không phải lò sưởi nhỏ

không phải áo len xinh

ấm áp trên đời nhất

là mẹ luôn bên mình

Lam.

Thu Hương

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 27.12.2021.

Câu lạc bộ Sân khấu và Điện ảnh thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức buổi chiếu phim và giao lưu với đoàn làm phim “Bên trong vỏ kén vàng”. 

Chương trình có sự tham gia của đạo diễn Phạm Thiên Ân, diễn viên Lê Phong Vũ, nhà sản xuất Trần Văn Thi, giám đốc mỹ thuật Phượng Hiền… và một số nghệ sĩ khác.20230907Đông đảo sinh viên tham dự giao lưu. Bộ phim điện ảnh “Bên trong vỏ kén vàng” (đang được chiếu trong hệ thống rạp toàn quốc) kể câu chuyện về chàng thanh niên tên Thiện (Lê Phong Vũ đóng) trên hành trình đưa linh cữu của chị dâu về quê, đem theo đứa cháu trai tên Đạo (Nguyễn Thịnh) - người sống sót sau vụ tai nạn. Tại đây, Thiện bắt đầu hành trình tìm kiếm người anh đã mất tích nhiều năm trước để trao Đạo cho anh trai, cũng là cha của cậu bé.

Giữa khung cảnh thiên nhiên ẩn sau những màn sương mờ ảo, gợi nhớ quá khứ, Thiện có những suy tư về cuộc đời, về đức tin và những khủng hoảng tâm lý của chính mình. Chuyến đi này không chỉ là một cuộc hồi hương mà còn là hành trình nhân vật chính đi tìm lại bản ngã và những giá trị trong cuộc sống của mỗi người.

Bộ phim đầu tay của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân đã xuất sắc nhận được giải thưởng Ống kính Vàng (Caméra d’Or) tại Liên hoan phim Cannes cùng nhiều lời khen, nhận xét đánh giá cao của giới chuyên môn. Tuy nhiên, có thể nói, với số đông khán giả, đây không phải là một bộ phim dễ xem. “Bên trong vỏ kén vàng” thuộc thể loại slow cinema (phim chậm) với nhiều cảnh quay dài, ít lời thoại và đầy tính suy tư kéo dài suốt 3 giờ, thực sự là một thử thách độ kiên nhẫn đối với khán giả.

“Bên trong vỏ kén vàng”, những góc nhìn sinh viên với điện ảnh
 Đạo diễn Phạm Thiên Ân chia sẻ về quá trình làm phim.
Là một diễn viên trẻ không chuyên, Lê Phong Vũ cho biết, bản thân rất may mắn và áp lực khi được trao cơ hội thể hiện nhân vật chính. Để chuẩn bị cho vai diễn này, nam diễn viên đã dành nhiều tháng sống ở Lâm Đồng trước khi đoàn phim bấm máy những cảnh đầu tiên. Đồng thời, quá trình quay phim kéo dài 2 năm cũng giúp anh có thời gian thấu hiểu vùng đất này và cảm nhận rõ hơn tính cách của nhân vật Thiện.

Về doanh thu, đạo diễn Phạm Thiên Ân chia sẻ rằng anh không đặt nặng vấn đề này. Việc bộ phim được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes và nhận được giải thưởng là một niềm hạnh phúc lớn lao đối với anh và đoàn làm phim. Nhưng, hơn cả giải thưởng, điều anh mong đợi nhất là sự đón nhận, góp ý, những lời bàn luận và phê bình của khán giả để những tìm tòi, thể nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả.

“Bên trong vỏ kén vàng”, những góc nhìn sinh viên với điện ảnh
 Diễn viên Lê Phong Vũ giao lưu với sinh viên.
Được tiếp cận một bộ phim chất lượng (dù không dễ xem với số đông khán giả), nhiều sinh viên bày tỏ sự hào hứng. Bạn Nguyễn Hoàng Phúc (sinh viên trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được xem thể loại phim chậm. Tôi rất trân trọng ý tưởng sáng tạo của đạo diễn và những nỗ lực của đoàn làm phim. Theo tôi, để dòng phim này hấp dẫn khán giả, cần mạnh dạn cắt gọt những chi tiết rườm rà, thời lượng phim cần ngắn gọn hơn”.

Sinh viên Nguyễn Anh Kiệt, Trưởng Câu lạc bộ Sân khấu và Điện ảnh Trường Đại học KHXH&NV đề xuất, các nhà làm phim cần tổ chức nhiều hơn những hoạt động giao lưu với các giới khán giả, nhất là sinh viên, trí thức trẻ… nhằm tăng tính tương tác để đưa phim điện ảnh đến gần hơn với thế hệ trẻ, đồng thời là cơ hội để các nhà làm phim tiếp cận, thấu hiểu thị hiếu, nhu cầu thẩm mỹ của giới trẻ đối với nghệ thuật thứ 7.

“Bên trong vỏ kén vàng”, những góc nhìn sinh viên với điện ảnh
 Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi giao lưu với đoàn làm phim.
“Tôi tin rằng điện ảnh Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn và dần “định vị” thương hiệu trên trường quốc tế. Tôi rất mong trong tương lai, điện ảnh Việt sẽ phát triển, đặc biệt là từ phía người xem. Khi đó, sẽ không còn sự phân biệt giữa phim thị trường và phim nghệ thuật. Phim sẽ chỉ là phim thôi và nó cần phải hay. Những bộ phim có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật sẽ nhận được sự ủng hộ của khán giả” - TS Hồ Khánh Vân, Phó trưởng khoa Văn học Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Bài, ảnh: Thiên Thanh

Nguồn: Quân đội nhân dân, ngày 27.8.2023.

Chiều 28.11.2021, Đoàn khoa Văn học cùng với sự hỗ trợ của CLB Học thuật Cây Bút Trẻ và SML Team đã tổ chức talkshow “Nam Bộ - Đất lành gieo chữ” qua hình thức trực tuyến. Chương trình mang đến cho người tham gia những kiến thức về lịch sử, đặc trưng,… của văn học miền Nam trong giai đoạn 1945 - 1954.

20211202

Buổi talkshow được tổ chức nhằm tạo ra không gian học tập, chia sẻ kiến thức cho sinh viên khoa Văn học nói riêng và những người yêu văn nói chung. Bên cạnh đó, những chia sẻ, đánh giá của các diễn giả tại sự kiện cũng góp phần cung cấp cách nhìn mới về bộ phận văn học Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Chương trình có sự góp mặt của hai diễn giả là PGS.TS. Võ Văn Nhơn - Giảng viên khoa Văn học, TS. Nguyễn Thị Phương Thúy - Giảng viên khoa Văn học. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của TS. Hồ Khánh Vân - Phó trưởng khoa Văn học, các giảng viên, sinh viên của Khoa cũng như thu hút sự quan tâm theo dõi của nhiều học sinh, sinh viên của các trường trung học, đại học với khoảng 170 lượt người tham dự.

Phát biểu tại sự kiện, TS. Hồ Khánh Vân chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bủa vây, chúng tôi không muốn tinh thần học thuật của sinh viên bị đứt đoạn, nhất là đối với các bạn tân sinh viên. Do đó, chương trình được tổ chức nhằm giữ lửa tinh thần, tạo thêm nhiều cảm hứng và tình yêu văn chương cho sinh viên, học sinh trong và ngoài trường”.

Minigame dành cho những người tham gia. Ảnh chụp màn hình

Qua những câu hỏi từ ban tổ chức và những người tham gia (phần Q&A), các diễn giả đã truyền tải những kiến thức, nhận định xung quanh các vấn đề chuyên môn: đặc trưng văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954, khái niệm “văn học Nam Bộ” và “văn học miền Nam”, cách tiếp cận các tác phẩm văn học, yếu tố hiện sinh trong văn học miền Nam, những tác giả nổi tiếng trong văn học miền Nam thời kỳ 1945 - 1954,… Nói về ý nghĩa của văn học đối với đời sống ngày nay, PGS.TS. Võ Văn Nhơn khẳng định: “Ý nghĩa thực sự của văn học là giúp con người yêu đời hơn, tin tưởng, lạc quan hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”.

Talkshow “Nam Bộ - Đất lành gieo chữ” là sự kiện nằm trong dự án “Có hẹn với văn” do Đoàn khoa Văn học tổ chức. Đây là dự án cung cấp kiến thức cho những người yêu văn trong và ngoài trường, qua đó bồi dưỡng tình yêu văn học, góp phần xây dựng tâm hồn, lối sống cho mỗi người.

Nguyên An

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM.

Bắt đầu bằng tình cảm với một bộ phim, nhiều bạn trẻ đã có những cách thức khác nhau để giữ gìn và phát triển niềm đam mê Điện ảnh thành những hoạt động ý nghĩa.

Khởi đầu từ sở thích xem phim

Đối với nhiều bạn trẻ, đam mê xuất phát tình cờ từ những việc rất đơn thuần trong đời sống. Niềm đam mê nghệ thuật của nhiều người khởi đầu đơn giản chỉ từ việc xem được một bộ phim hay và cảm thấy rung cảm với câu chuyện. Trong thời đại phát triển vượt bậc như hiện nay, việc hiện thực hóa ước mơ đã không còn quá khó khăn.

Từ tình yêu ban đầu với một bộ phim điện ảnh khi xem lúc nhỏ, Nguyễn Anh Kiệt (sinh viên năm 3 Khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) đến với Điện ảnh sau quá trình tìm hiểu và xem phim điện ảnh khác nhau. Vốn xuất phát điểm là chuyên văn, Kiệt nhận ra bản thân yêu thích kể chuyện bằng hình ảnh. Đây là một thể loại có ngôn ngữ lý tưởng để người xem gửi gắm những câu chuyện, bằng cách riêng và niềm tin riêng.

Anh Kiệt bén duyên với Điện ảnh từ sớm. Ảnh: NVCC

Theo cách hiểu của nhiều người, xem phim đơn giản là một cách giải trí sau một ngày căng thẳng. Nhưng Nguyễn Hoàng Thẩm Nhu (sinh viên năm 3 khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) đã tìm thấy được tình yêu với Điện ảnh không chỉ ở việc giải trí mà còn là sự đồng điệu. Không rõ từ khi nào, khi xem phim, Nhu thấy được cuộc đời mình trong câu chuyện phim và để lại trong cô những cảm xúc chân thực. Nhu hy vọng trong tương lai có thể tạo ra những bộ phim ghi lại những trải nghiệm trong đời qua bộ phim do chính mình thực hiện.

Với Nguyễn Thúy Hân (sinh viên năm 1 khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), tình yêu với điện ảnh xuất phát từ sự yêu thích đặc biệt dành cho việc ra rạp xem phim. Khi lựa chọn ngành học, Hân được biết trường có đào tạo chuyên ngành Biên kịch Điện ảnh và Truyền hình nên đã tìm hiểu và nghiêm túc với Điện ảnh.

Dành trọn tâm huyết vào từng sự kiện

Câu lạc bộ (CLB) Sân khấu và Điện ảnh là một trong những đơn vị tiên phong tại TP.HCM trong việc mang đến những sự kiện về phim ảnh vừa mang tính học thuật lẫn giải trí. Được thành lập từ năm 2016 bởi Tiến sĩ Đào Lê Na, trong hơn 7 năm phát triển, CLB đã tổ chức gần 100 hoạt động trực tuyến lẫn trực tiếp hướng đến việc tạo ra sân chơi học tập bổ ích cho sinh viên các trường đại học trong và ngoài thành phố Hồ Chí Minh. 

20230425

CLB từng tham gia tổ chức nhiều chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ, đạo diễn và biên kịch nổi tiếng. Ảnh: CLB Sân khấu và Điện ảnh

Tạo tiếng vang từ Liên hoan phim ngắn FY vào năm 2017, CLB đã và đang xây dựng nhiều chương trình mới và không kém phần sáng tạo. Năm 2022, Tuần phim Việt Nam – Hàn Quốc: Gặp gỡ và Sáng tạo được tổ chức đánh dấu sự hợp tác song phương nhằm kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Song song với đó, CLB hiện tổ chức thành công nhiều chương trình trực tuyến khác nhằm mang đến những kiến thức liên quan đến phim ảnh, nghệ thuật, nhiếp ảnh…  

Với vai trò Chủ nhiệm CLB Sân khấu và Điện ảnh, Anh Kiệt mong muốn với mỗi chương trình về điện ảnh lẫn sân khấu được tổ chức sẽ mang những ý tưởng tập thể CLB ấp ủ trở thành hiện thực. Đặc biệt, từ những hoạt động như thế sẽ giúp kết nối những bạn trẻ có cùng đam mê.

Thẩm Nhu cho hay bản thân đã có một tuổi trẻ rực rỡ bên cạnh các cộng sự trong CLB. Ảnh: NVCC

Trong 3 năm đồng hành cùng CLB, Thẩm Nhu chia sẻ bản thân đã có một tuổi trẻ rực rỡ, trở thành người chủ động hơn. Đồng thời, Nhu cũng đã có cho mình những cơ hội làm việc trong lĩnh vực phim ảnh và may mắn gặp gỡ những người cô ngưỡng mộ.  

Sau những lần tham gia sản xuất chương trình tại CLB, Thúy Hân chia sẻ bản thân được tiếp thêm động lực khi nghe những đạo diễn, biên kịch, diễn viên nổi tiếng chia sẻ. Đặc biệt, Hân còn làm quen các khách mời và được truyền cảm hứng theo đuổi đam mê.

Thúy Hân tin rằng những trải nghiệm tại CLB sẽ giúp cô nàng thêm yêu Điện ảnh nói riêng và Nghệ thuật nói chung. Ảnh: NVCC

Sắp tới, vào ngày 22/4, CLB sẽ tổ chức Chương trình “Đêm trắng của những kẻ mộng mơ” bao gồm những cuộc đối thoại xoay quanh mối liên hệ giữa âm nhạc và điện ảnh. Chương trình có sự góp mặt của các khách mời gồm. NSƯT/ Đạo diễn Đỗ Đức Thịnh, Nghệ sĩ Hồng Ánh, Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Diễn viên Avin Lu, Nhạc sĩ Trần Hữu Tuấn Bách và Đạo diễn Lan Nguyên. Chương trình có thu một khoản phí hợp lý nhằm hỗ trợ tổ chức cho các chương trình nghệ thuật cộng đồng trong thời gian sắp tới.

Poster chương trình Đêm trắng của những kẻ mộng mơ. Ảnh BTC cung cấp

Chương trình “Đêm trắng của những kẻ mộng mơ” do CLB Sân khấu và Điện ảnh trực thuộc Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM tổ chức.

Thời gian: 17g30 – 20g30, Thứ Bảy ngày 22/4/2023 

Địa điểm: Nhà hát Sinh viên (Tầng 5, Nhà văn hóa Sinh viên – Đại học Quốc gia TP.HCM) Quảng trường Sáng tạo, Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương. 

Fanpage CLB: https://www.facebook.com/skdavhnn/ 

CLB Sân khấu và Điện ảnh, trực thuộc khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Một số chương trình nổi bật mà CLB đã thực hiện:

– Tuần phim Cách mạng Việt Nam – Những góc nhìn trẻ

– Tuần phim Việt Nam – Hàn Quốc: Gặp gỡ và Sáng tạo

– Tọa đàm Ký sinh trùng: “Từ điện ảnh Hàn Quốc nghĩ về tương lai của điện ảnh Châu Á”

– Tọa đàm Điện ảnh: “Phim Remake: Từ mô phỏng đến sáng tạo”

– Talkshow “Ngôn ngữ hình thể: Từ Sân khấu đến chuyện nghề”

 

Trâm Trần

Nguồn: Topsao.vn, ngày 21.4.2023.

Nghiên cứu khoa học luôn là một vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo của các bạn sinh viên. Quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học là một chặng đường dài, đòi hỏi sự kết hợp nhiều yếu tố khiến các bạn sinh viên gặp không ít khó khăn. Workshop “Điểm hẹn Nghiên cứu khoa học 2” do Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Khoa Văn học thực hiện sáng 21.11 đã phần nào giúp bạn tháo gỡ những thắc mắc xoay quanh vấn đề này.

20211202 3

Đừng ngại hỏi ý kiến thầy cô

Quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học trải qua 4 bước cụ thể: Tìm đề tài, viết thuyết minh đề tài, thực hiện đề tài, cuối cùng là báo cáo nghiệm thu thành quả của đề tài. Nếu đề tài thực hiện tốt thì có thể đi vào bước 5 để chỉnh sửa và tiếp tục đi thi ở những cuộc thi ở cấp cao hơn như giải eureka cấp thành phố, cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp Thành phố, ĐHQG,...

Theo TS. Nguyễn Thị Phương Thúy - Giảng viên khoa Văn học trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM, khâu tìm đề tài nghiên cứu rất mất thời gian nên đừng đợi tới giai đoạn Nhà trường phát động mà phải chuẩn bị từ sớm. Việc tìm đề tài có thể thông qua việc học các môn học trên giảng đường, đọc sách từ bên ngoài hoặc tham gia các sự kiện khoa học.

Cụ thể, trong quá trình dạy học, thầy cô phụ trách có thể đề cập đến những vấn đề mà giới khoa học đang quan tâm. Tuy nhiên, thông thường những nội dung thầy cô giảng dạy trên lớp đều là kiến thức đã tương đối ổn định và quen thuộc, khó đảm bảo được yếu tố mới - một trong những yếu tố rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, có một sự thật không thể phủ nhận rằng các sự kiện khoa học luôn tạo được sự hứng thú và thu hút mối quan tâm của sinh viên. Đây là nơi phù hợp nhất để các bạn sinh viên tìm thấy niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Những sự kiện khoa học bao giờ cũng bàn đến những vấn đề rất đặc biệt. Chính phần gợi mở và kết luận của diễn giả cuối sự kiện sẽ gợi ý cho các bạn nghĩ ra được ý tưởng để phát triển đề tài nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nguồn sách phong phú từ bên ngoài cũng giúp sinh viên nảy ra ý tưởng thú vị cho đề tài nghiên cứu của mình.

“Dù bạn tìm kiếm đề tài ở bất kỳ kênh nào thì đừng ngại hỏi ý kiến của thầy cô. Có thể vấn đề bạn quan tâm nhưng giới khoa học đã làm rồi và không còn quá nhiều vấn đề để tiếp tục khai thác nữa, hoặc vấn đề bạn quan tâm nhưng quá rộng với quy mô, tính chất của một nghiên cứu khoa học sinh viên. Dưới con mắt của người trong nghề, thầy cô có thể tư vấn cho bạn đề tài liệu có tính khả thi hay không” -  TS. Nguyễn Thị Phương Thúy nhấn mạnh.

Chị Nguyễn Bảo Châu - Cựu sinh viên khoa Văn học trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM khóa 2017-2021 chia sẻ: “ Liên lạc với thầy cô hướng dẫn đối với mình là chìa khóa rất quan trọng. Bởi vì khi trình bày tất cả ý tưởng với thầy cô, mình sẽ nhận được những lời khuyên bổ ích. Nhiều vấn đề được làm sáng rõ mà trước đó mình không hề nhận ra. Đừng ngại trình bày những ý kiến, quan điểm của mình cho thầy cô biết vì điều này giúp quá trình thực hiện đề tài sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Hãy để thầy cô theo sát mình trên chặng đường thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học”.

Về phần viết thuyết minh đề tài, TS. Nguyễn Thị Phương Thúy cho rằng, lịch sử nghiên cứu vấn đề là mục sinh viên nên làm đầu tiên. Điều này giúp các bạn biết được đã có những ai nghiên cứu, những thông tin nào có liên quan đến vấn đề bạn quan tâm. Bên cạnh đó, các bạn cũng tránh được việc lặp lại những gì đã được nghiên cứu hoặc tham gia đóng góp tri thức khoa học bằng đề tài nghiên cứu khoa học của mình nếu phát hiện đề tài trước đó còn sơ sài, chưa có tính hệ thống,...


Những khó khăn thường gặp nhất của sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh chụp màn hình

Làm việc có kế hoạch

TS. Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết, điều kiện quan trọng nhất của một sinh viên có thể làm đề tài nghiên cứu khoa học chính là yếu tố làm việc có kế hoạch. Về cơ bản mỗi người sẽ có cách quản lý thời gian của riêng mình. Tuy nhiên, phải chắc chắn rằng kế hoạch đã luôn luôn nằm trong đầu bạn và phải hình dung được đến khoảng thời gian nào sẽ hoàn thành xong công việc đó. Công trình khoa học bắt buộc phải phân bổ thời gian một cách phù hợp. Khi việc làm nhóm thì tổ chức công việc càng đòi hỏi phải khoa học và rõ ràng.

Đề cập về vấn đề này, chị Nguyễn Bảo Châu cho biết: Việc lên kế hoạch giúp công việc nghiên cứu đạt nhiều hiệu quả cao. Điều này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thành hay bại của đề tài nghiên cứu khoa học. Nếu như có lịch làm việc cụ thể và chi tiết thì sẽ không rơi vào tình trạng phải chạy deadline sát ngày. Lúc đó, mình không thể hoàn thành được bản ưng ý nhất và sẽ phải tiếc nuối nhiều thứ”.

TS. Nguyễn Thị Phương Thúy lưu ý: “Từ tài liệu tham khảo bạn mới biết được lịch sử nghiên cứu vấn đề. Vì vậy, chúng ta cần phải có danh mục tài liệu tham khảo hoàn chỉnh”. Đây cũng là một trong những vấn đề sinh viên đặc biệt quan tâm. Thực tế, việc tìm nguồn tài liệu tham khảo không hề dễ dàng khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, thư viện là kênh tài liệu chính thống quan trọng nhất và đa phần đã có hệ thống dữ liệu toàn văn. Có những hệ thống thư viện sinh viên hoàn toàn có thể lên mạng tìm kiếm online như Thư viện ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện tài liệu quốc gia Việt Nam,...Những thư viện này góp phần giúp sinh viên có thể hình thành được kho tài liệu tham khảo của mình.

Trả lời thắc mắc của sinh viên làm sao để có thể tiếp cận tài liệu ngoại Văn trong khi khả năng ngoại ngữ của bản thân còn hạn chế, TS. Nguyễn Thị Phương Thúy nhận định, cách tốt nhất để có thể tiếp cận hiểu rõ và hiểu đúng tài liệu ngoại Văn chỉ có thể là nâng cao năng lực ngoại ngữ của chính mình. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cũng có thể linh hoạt sử dụng Google dịch. Công cụ này sẽ hỗ trợ các bạn hiểu một cách khái quát nội dung nhưng không được trích dẫn. Vì vậy, sinh viên phải tận dụng một cách thông minh công cụ Google dịch để giúp ích cho công việc nghiên cứu đề tài khoa học của mình.

Bên cạnh niềm đam mê và sự nỗ lực, kiên trì thì bản thân các bạn sinh viên cần phải nắm vững vàng những kiến thức cơ bản khi bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Những gì các bạn trang bị được sẽ giúp cho công việc nghiên cứu khoa học trở nên dễ dàng hơn, gặt hái được thành công và tránh khỏi những sai lầm không đáng có.

Ánh Trinh

Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM

Sáng 11.12, Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực phối hợp cùng CLB Sân khấu và Điện ảnh - Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức buổi talkshow “Ngôn ngữ hình thể: Từ sân khấu đến chuyện nghề”.

20221218 4

Chương trình có sự tham dự của NSƯT Hữu Châu và NS Hồng Trang; PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực; TS. Lê Hồng Phước - Phó Trưởng khoa Ngữ Văn Pháp.

TS. Lê Hồng Phước thể hiện tiết mục “Dạ cổ hoài lang” tại chương trình - Ảnh: Thanh Bình

Ngôn ngữ hình thể - kim chỉ nam của người nghệ sĩ

Mở đầu talkshow, NSƯT Hữu Châu và NS Hồng Trang đã có những chia sẻ thú vị về vai trò của ngôn ngữ hình thể trong lĩnh vực sân khấu. Theo hai vị nghệ sĩ, bên cạnh lời nói thì hình thể chính là một phương tiện, một dạng ngôn ngữ hiệu quả để truyền tải thông điệp. “Chỉ cần một động tác, hành động nhỏ cũng đã chỉ rõ được thái độ, tâm lý của nhân vật, cho thấy sự khác nhau về vị trí, xuất thân, thời cuộc, số phận của nhân vật” – NSƯT Hữu Châu chia sẻ.

NSƯT nói thêm: “Điều khiển được hình thể trước hết phải làm chủ được các bộ phận trên cơ thể. Không chỉ dùng mỗi tai mới nghe được mà đòi hỏi các bộ phận trên cơ thể cũng phải biết nghe và hành động đồng nhất thì khi đó mới có thể truyền tải thông điệp đến mọi người”. Do vậy, việc tìm hiểu và học cách kiểm soát ngôn ngữ hình thể là việc quan trọng, điều đó không chỉ được vận dụng trong diễn xuất mà còn trong cả cuộc sống thường nhật. 

NSƯT Hữu Châu chia sẻ cách truyền đạt ngôn ngữ hình thể cho các bạn sinh viên - Ảnh: Thanh Bình

Ứng dụng ngôn ngữ hình thể trong đời sống

Tiếp tục chương trình, NSƯT Hữu Châu cũng lưu ý với các bạn sinh viên rằng, muốn theo nghề diễn viên thì phải hạn chế nói nhiều vì nói hết thì không còn gì để diễn, phải để ngôn ngữ hình thể nói lên được ý mình muốn diễn đạt. Ông cho biết: “Diễn viên giỏi là diễn viên biết đẻ ra hành động. Sân khấu từ cuộc sống mà ra. Hành động ở ngoài đời nhưng khi đem lên sân khấu phải được chắt lọc, lấy những gì điển hình nhất, không được bê nguyên si, không được phép thô tục; cho dù có nghèo, bệnh tật cũng phải sạch sẽ, phải đẹp, phải sang”
Bên cạnh đó, NSƯT Hữu Châu và NS Hồng Trang cũng đưa ra lời khuyên chúng ta không nên quá lạm dụng ngôn ngữ hình thể. Sử dụng ngôn ngữ hình thể phải có quy luật, có chừng mực, hợp hoàn cảnh thì sẽ làm tăng thêm tính chân thực và gần gũi. Quan trọng hơn vẫn là sự chân thành cộng với những kinh nghiệm đã tích lũy được thì dù ở trong hoàn cảnh nào cũng sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp và được mọi người yêu thương. NS Hồng Trang bộc bạch: “Ngôn ngữ hình thể trên sân khấu tự nhiên như ngoài đời càng tốt, nhưng là tự nhiên theo một cách có quy luật của kịch bản. Còn ngoài đời, chúng ta nên bộc lộ đúng theo cảm xúc của con tim, theo những suy nghĩ, tâm lý của bản thân. Chúng ta cứ tự nhiên, nhưng phải có ý thức một chút và áp dụng ngôn ngữ hình thể trong những hoàn cảnh thích hợp”.

NS Hồng Trang chia sẻ về việc áp dụng ngôn ngữ hình thể vào trong cuộc sống - Ảnh: Thanh Bình

Sau khi lắng nghe những chia sẻ từ các vị nghệ sĩ, sinh viên đã đặt ra những câu hỏi chuyên về lĩnh vực sân khấu. Đối với những bạn có đam mê theo đuổi nghệ thuật sân khấu nhưng chưa có nhiều cơ hội để học hỏi, NSƯT Hữu Châu cho rằng, không cần vào trường sân khấu hay phải qua trường lớp nào mới có thể học được ngôn ngữ hình thể. Ông khuyên các bạn trước hết chỉ cần chúng ta chú ý một chút, học cách quan sát từ những người xung quanh, những người đi trước... Bản thân cảm thấy ai thích hợp nhất thì học theo người đó, biến những cái hay của họ thành cái riêng của mình.

Nhiều sinh viên thắc mắc về cách sử dụng ngôn ngữ hình thể phù hợp với từng hoàn cảnh - Ảnh: Thanh Bình

Cuối chương trình, NSƯT Hữu Châu có lời nhắn nhủ: “Một ngôn ngữ hình thể quan trọng mà ai trong chúng ta cũng cần phải nuôi dưỡng đó là nụ cười. Lúc nào cũng phải nên cười dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, tất cả đều phải tích cực để sống, để làm việc, để những điều may mắn đến với mình và lan tỏa những năng lượng tích cực đến những người xung quanh”.

Bên cạnh đó, NS Hồng Trang cũng mong rằng các thế hệ trẻ đam mê, yêu nghề diễn xuất sẽ tiếp nối, giữ được nét đẹp của nghề và truyền lửa cho những thế hệ sau những kiến thức về sân khấu để có thể mang đến cho khán giả những tác phẩm tinh thần có giá trị và chất lượng nhất.

Thông qua buổi trò chuyện, các bạn sinh viên được biết thêm những kiến thức liên quan đến lĩnh vực sân khấu và hiểu được tính ứng dụng của ngôn ngữ hình thể trong trình diễn nghệ thuật lẫn cả trong cuộc sống thường nhật. Ngoài ra, các bạn còn có thể vận dụng những kinh nghiệm đó để phát triển bản thân, hỗ trợ chính mình trong quá trình học tập, làm việc và giao tiếp.

Mỹ Hân - Thanh Bình

Nguồn: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM

Một nữ sinh viên năm 2 dùng những bài thơ tự sáng tác để lan tỏa năng lượng tích cực thông qua blog với gần 300.000 lượt theo dõi.

Từ “Thơ như một chiếc khăn mùi xoa để lau nước mắt”...

Trên blog Xanh Lam, Hồ Dương Mộng Tuyền (bút danh Lam), sinh viên năm 2 khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, đăng tải những bài thơ do cô sáng tác. Những bài thơ với câu từ giản dị, gần gũi nhưng lan tỏa được năng lượng tích cực, được nhiều bạn trẻ yêu mến và đón nhận.

Yêu thích thơ từ lúc còn bé, thế nhưng đến năm lớp 11, Mộng Tuyền mới chính thức viết thơ một cách nghiêm túc. Cô bộc bạch: “Là một người hướng nội, tôi như tìm được một chân trời mới khi tìm đến thơ, cảm thấy mình được chữa lành rất nhiều khi đặt bút viết những suy nghĩ trong lòng”.

Khi mới bắt đầu viết thơ, Mộng Tuyền chỉ xem đây là cách để lắng nghe và giải tỏa cảm xúc của bản thân. “Ban đầu, tôi còn xem thơ như một chiếc khăn mùi xoa lau nước mắt. Vì thế, nhiều bài thơ mang màu sắc buồn hiu”, Mộng Tuyền chia sẻ. Thế nhưng, dần dần những bài thơ của nữ sinh mang một màu sắc tươi sáng, tích cực hơn.

Nữ sinh viên năm 2 dùng thơ để lan tỏa năng lượng tích cực - ảnh 1
 

Nữ sinh viên Hồ Dương Mộng Tuyền (bút danh Lam) muốn lan tỏa năng lượng tích cực thông qua những bài thơ của mình

NVCC

 

Những vần thơ mang màu sắc tươi sáng, tích cực

Giờ đây, chủ đề những bài thơ của Mộng Tuyền mang màu sắc tươi sáng và tích cực hơn, xoay quanh những điều bình thường, gần gũi trong cuộc sống. Nữ sinh viên cho biết: “Tôi hay viết các câu chữ an ủi hoặc bài thơ về ông bà, bố mẹ, thậm chí là những điều bé xíu như một chú cún, chú mèo hay chiếc lá”.

Chính những điều bình thường tưởng chừng như nhỏ nhặt đó đã tạo nên blog Xanh Lam trên Facebook, với gần 300.000 lượt theo dõi. “Một độc giả nhắn tin cảm ơn tôi vì đã là một phần trong hành trình vượt qua nỗi buồn của mình. Bạn ấy ví trang blog của tôi như đứa trẻ luôn mang theo kẹo, gặp ai cũng sẽ tặng người ấy một viên”, Mộng Tuyền kể.

Nữ sinh viên năm 2 dùng thơ để lan tỏa năng lượng tích cực - ảnh 2

Một số bài thơ trong blog Xanh Lam của Mộng Tuyền trên Facebook

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK

Là độc giả quen thuộc, Huỳnh Thị Thanh Cúc (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) nhận xét: “Tôi luôn cảm nhận được năng lượng tích cực trong những bài thơ của Mộng Tuyền. Mỗi lúc có chuyện buồn, tôi lại vào blog của cô ‘dạo’ một vòng, ở đây có những câu từ dễ thương có thể vỗ về, an ủi tâm trạng của tôi”.

Tập thơ đầu tay

Sau nhiều năm miệt mài gieo vần, gieo nhịp, ghép nhạc vào câu chữ, cuối cùng Mộng Tuyền cho ra mắt tập thơ đầu tay Đi vòng thế giới vẫn quanh một người.Nội dung của tập thơ xoay quanh các vấn đề về tình yêu, gia đình và chính bản thân tác giả.

20220716 3

Đi vòng thế giới vẫn quanh một người là tập thơ đầu tay của Mộng Tuyền

NVCC

Tập thơ đã được nhiều độc giả đón nhận và lọt vào top 1 thơ bán chạy trên trang thương mại điện tử Tiki. “Tôi rất vui khi câu chữ của mình có thể giúp ai đó một phần nào. Và càng vui hơn nữa khi có thật nhiều người đón nhận những cái ‘ôm’ từ tôi. Mọi người thường bảo tôi có khả năng mang đến niềm vui cho người khác, nhưng thật ra điều mà tôi nhận lại còn nhiều hơn so với thứ tôi đã cho đi”, Mộng Tuyền chia sẻ.

nhớ phải ăn đủ bữa

hoa trước cửa nhớ chăm

những chuyện xưa mục rữa

đừng mang ra khóc thầm

nếu hôm nay mệt quá

nhớ phải biết nghỉ ngơi

đừng ôm nhiều uất ức

để đêm nằm chơi vơi

đừng ăn nhiều mì gói

hay bỏ bữa sáng, trưa

đừng mang thân thể nhỏ

để đánh liều, rõ chưa?

thế giới này xấu lắm

buồn nhiều ơi là nhiều

em ơi, yêu mình trước

đời sẽ hiền bao nhiêu.

* Trích Đi vòng thế giới vẫn quanh một người - Lam

Một thông điệp cô sinh viên năm 2 muốn gửi đến mọi người qua tập thơ đầu tay là: “Đôi khi chúng ta thường hay kiếm tìm những hạnh phúc ở xa xôi, buồn bã vì không thể với được những điều hoàn mỹ ở trên cao tít nhưng lại quên đi những dung dị bình thường xung quanh bản thân mình. Thật ra đôi lúc, hạnh phúc chẳng chạy đi đâu cả, nó chỉ ở yên trên nụ cười của những người mà mình thương yêu”.

Phương Thảo

Nguồn: Thanh niên, ngày 09.7.2022.

Sáng 29.5, talkshow Hành trình khởi nghiệp và những lầm tưởng đã diễn ra ở Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Talkshow được tổ chức bởi CLB Sân khấu và Điện ảnh (khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) kết hợp với Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp và Phát triển Nguồn nhân lực. 

Diễn giả là Thầy giáo 9x Nguyễn Thái Dương - Founder/ CEO của Công ty TNHH Đào tạo Minh Chân (SpeakOnly); MC Xuân Hiếu - Giám Đốc Công ty TNHH Truyền thông An Group. 

Ngoài ra, talkshow có sự tham dự của đại diện từ phía Nhà trường: PGS.TS. Trần Lê Hoa Tranh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp và Phát triển Nguồn nhân lực, Trưởng Ban Tổ chức chương trình.

20220601 2

Với những chia sẻ chân thực của diễn giả, sinh viên Nhân Văn đã có thể tiếp cận với khởi nghiệp bằng một góc nhìn mới  - Ảnh: Thiên Trúc.

Vỡ mộng vì những thách thức của khởi nghiệp

Hiện nay, khởi nghiệp luôn là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ nhưng khởi nghiệp như thế nào luôn là một câu hỏi lớn. Với anh Nguyễn Thái Dương - Nhà sáng lập Công ty TNHH Đào tạo Minh Chân, khởi nghiệp chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của anh. Thầy giáo 9X cho rằng, khởi nghiệp đến với anh khi đam mê trong anh quá lớn. Hoặc như với MC Xuân Hiếu, chị khởi nghiệp để được sản xuất những chương trình yêu thích. 

Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nhớ lại những khó khăn trong quá trình xây dựng sự nghiệp, anh Nguyễn Thái Dương không ngần ngại chia sẻ có thời điểm mình phải thắt lưng buộc bụng, bán nhà, vay tiền mà sống. Ngoài ra, làm sao để cân bằng giữa lợi nhuận trung tâm với chất lượng đào tạo cũng là một bài toán khó đối với thầy giáo trẻ. 

Trong khi đó, công ty mới thành lập được một năm của chị Xuân Hiếu lại gặp không ít thiệt hại về kinh tế. Xuất thân từ khối ngành khoa học xã hội nhân văn nên những bước đầu “chập chững” làm kinh tế với chị Xuân Hiếu thường không “màu hồng” như chị nghĩ. Ấy là câu chuyện về việc quản lý, điều hành công ty; không có khách hàng; chuyện lỗ lãi cùng các chi phí phát sinh như marketing, mặt bằng,… 

Nhưng có lẽ, một trong những lầm tưởng khiến chị đúc kết được sau bao lần “trầy da tróc vảy” chính là có nhiều mối quan hệ xã hội… chưa chắc đã khởi nghiệp thành công! “Trước đây, tôi là người luôn được các doanh nghiệp săn đón, mời về. Thế nhưng, sau khi thành lập công ty, tôi lại chuyển sang vai trò người đi tìm kiếm các khách hàng. Dù có rất nhiều mối quan hệ thân thiết thế nhưng thực tế, những khách hàng đầu tiên của tôi thường là những người xa lạ. Vì vậy, các bạn đừng trông đợi vào sự giúp đỡ từ những mối quan hệ sẵn có. Thay vào đó, hãy chủ động tìm khách hàng của mình” - Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông An Group, tâm sự. 

Khởi nghiệp là không ngừng học hỏi, đúc kết

Nhắc về đứa con tinh thần của mình, chị Xuân Hiếu cho rằng công ty của mình mới chỉ đạt được những thành tựu nhất định chứ chưa thể coi là đã khởi nghiệp thành công. Đối với chị, khởi nghiệp là một quá trình dài mà trước hết, người chủ doanh nghiệp cần phải có nền tảng vững chắc. Chị đưa ra lời khuyên nếu muốn khởi nghiệp, sinh viên phải tự tin và thật sự giỏi ở lĩnh vực chuyên môn, thay vì chạy theo xu hướng thị trường hay thành công của người khác. 

Ngoài câu chuyện làm đúng chuyên môn, sinh viên cũng nên trau dồi thêm nhiều kỹ năng, kiến thức ở những lĩnh vực khác, có liên quan đến lĩnh vực chính đang theo đuổi. “Lĩnh vực chính của công ty tôi là về truyền thông, sản xuất chương trình. Thế nhưng, vì là công ty còn non trẻ trong một thị trường đầy cạnh tranh cũng như những tác động của dịch bệnh, ban đầu công ty không thu được lãi. Do đó, trước những yêu cầu của khách hàng, công ty dần hoạt động thêm ở lĩnh vực khác như giáo dục. Khi tôi mở rộng thêm như vậy, tôi vừa học được nhiều kiến thức khác nhau, vừa có thêm doanh thu để nuôi ước mơ chính của mình là hoạt động truyền thông, sản xuất chương trình” - Chị cho biết.  

Chị Xuân Hiếu chia sẻ một số kinh nghiệm làm nghề như giá trị của xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chọn thời điểm để khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu cá nhân, giá trị tinh thần doanh nghiệp mang lại cho xã hội,… - Ảnh: Thiên Trúc

Còn với anh Nguyễn Thái Dương, nếu sinh viên muốn bắt tay vào khởi nghiệp thì cần phải nắm rõ được quy trình chuẩn hóa doanh nghiệp, chọn được thị trường ngách để xây dựng thương hiệu.

Thầy giáo 9x Nguyễn Thái Dương nhắn nhủ: “Tôi nghĩ là từ 25 đổ lại, khởi nghiệp là để học, không phải để kiếm tiền. Bạn khởi nghiệp không phải để mất, ngược lại bạn có thêm kinh nghiệm, có tầm nhìn xa với xu hướng thị trường. Song, hãy hỏi bản thân: nếu mở doanh nghiệp thì phải xem doanh nghiệp của mình đi được bao lâu. Hãy lường trước thất bại” - Ảnh: Thiên Trúc

Talkshow Hành trình khởi nghiệp và những lầm tưởng hướng đến mục đích nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho sinh viên Trường. Chương trình nằm trong chuỗi Câu chuyện Nghề nghiệp của Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp và Phát triển Nguồn Nhân lực. 

“Khởi nghiệp cũng là khi bạn có ý tưởng đóng góp cho xã hội” 

Đó là phát biểu của PGS.TS. Trần Lê Hoa Tranh trong Talkshow: Hành trình khởi nghiệp và những lầm tưởng. Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp và Phát triển Nguồn nhân lực cho rằng lâu nay khi nói về khởi nghiệp, người trẻ thường nghĩ về những điều lung linh, thành công; hiện nay xã hội cũng đang khuyến khích khởi nghiệp. “Nhưng tôi lại muốn tiếp cận góc trái của khởi nghiệp - không phải như người ta tưởng là chỉ có vinh quang mà đằng sau đó là những thất bại, những kinh nghiệm. Không phải ai cũng có thể chia sẻ những kinh nghiệm đó. Đến với talkshow hôm nay đều là những câu chuyện rất thật, diễn giả đã kể họ đi vay mượn vốn ra sao, một năm công ty thua lỗ bao nhiêu. Và tôi nghĩ đây đều là những vấn đề cần thiết cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên Nhân Văn” - Trưởng BTC chương trình chia sẻ.

Bật mí về những kế hoạch sắp tới của Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp và Phát triển Nguồn Nhân lực, PGS.TS. Trần Lê Hoa Tranh cho biết sẽ tổ chức một cuộc thi nhiếp ảnh cho toàn bộ sinh viên ĐHQG với phần thưởng vô cùng hấp dẫn. Chủ đề cuộc thi dự kiến liên quan đến đại học xanh. Qua đó, cuộc thi hướng tới tình yêu trường lớp cũng như tái hiện khoảnh khắc đẹp, khoảnh khắc xanh của đại học, thầy cô, bạn bè.

Thiên Trúc - Khánh Linh

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Vào lúc 19g00 ngày 31/08/2021, CLB Cây Bút Trẻ đã có buổi họp mặt công bố giải thưởng cho cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề Biến Mất.

20210908 2

Trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, cuộc thi viết truyện ngắn Biến mất do CLB Cây Bút Trẻ tổ chức giúp cho các bạn trẻ có thêm nhiều hoạt động văn học ý nghĩa. Sau hơn một tháng diễn ra, CLB Cây Bút Trẻ đã nhận được hơn 40 tác phẩm dự thi đến từ mọi miền đất nước. Buổi tọa đàm trao giải được thực hiện với hình thức trực tuyến và thu hút được hơn 50 người tham dự.

Chương trình trao giải đã vinh dự được đón tiếp sự tham gia của tác giả - biên tập viên Huỳnh Trọng Khang, phóng viên Nguyễn Trần Khải Duy, tác giả - sáng tạo nội dung Phan Thuận, đồng thời là ba vị giám khảo cho cuộc thi. Ngoài ra, TS. Lê Ngọc Phương – Cố vấn chuyên môn của CLB Cây Bút Trẻ và ThS. Nguyễn Đình Minh Khuê - giảng viên khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM cũng góp mặt trong buổi lễ trao giải trực tuyến do CLB Cây Bút Trẻ thực hiện.

Các vị giám khảo, các giảng viên khoa Văn học cùng các cây bút trẻ trong và ngoài trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TP.HCM đã tạo nên một buổi chia sẻ ấm áp, thân tình.

Kết quả trao giải cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề Biến Mất của CLB Cây Bút Trẻ

- GIẢI NHẤT: Tác phẩm “Phản chiếu” của tác giả Nho Nhỏ

- GIẢI NHÌ: Tác phẩm “Người hời hợt” của tác giả Rắn (Lê Nguyễn Hải Nam)

- GIẢI BA: Tác phẩm “Bóng trăng hai vạt đổ tàn” của tác giả Khuynh (Nguyễn Ngọc Minh Khuê)

Phần đầu chương trình, ban giám khảo nêu nhận xét và trao đổi với ba tác giả đạt giải. Qua đó, người tham dự được gợi ý về mục đích, ý nghĩa và giá trị nghệ thuật của từng truyện ngắn. Từ đó, các bạn chia sẻ những khó khăn khi viết như: đi tìm ý tưởng, xây dựng cốt truyện và tình tiết hợp logic, giữ gìn cảm hứng xuyên suốt thời gian viết truyện,… CLB Cây Bút Trẻ đã dành thêm một khoảng thời gian để định hướng cũng như giải quyết các thắc mắc cho các bạn trẻ gần xa có chung niềm đam mê viết lách. Nối tiếp những trao đổi đó, ở phần tiếp theo của chương trình, ban giám khảo chia sẻ một số định hướng cho các cây bút trẻ và vấn đề xuất bản và những kinh nghiệm làm nghề của cựu thành viên CLB Cây Bút Trẻ, cựu sinh viên khoa Văn.

Tọa đàm trao giải kết thúc vào lúc 21g30 trong không khí ấm áp và vui tươi. Chương trình đã diễn ra tốt đẹp và thành công nhận được những phản hồi tích cực từ người tham dự. Tất cả những hoạt động trong buổi công bố các tác phẩm đạt giải đã mang lại cảm xúc đẹp và dấu ấn khó phai cho ban tổ chức cũng như những người tham dự, hứa hẹn những chương trình chất lượng hơn trong tương lai gần.

CLB Cây Bút Trẻ

 

Thủ khoa khoa Văn và tình yêu mãnh liệt với con chữ

Đối với cô nàng thủ khoa Nguyễn Đức Lam Thảo, văn học không đơn giản là một môn học bắt buộc, văn học là đam mê lớn nhất của cô. 

Lam Thảo từng đoạt giải Khuyến Khích kỳ thi Học sinh giỏi Văn cấp Quốc gia và giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi Văn cấp Thành phố khi học THPT. Bên cạnh đó, cô bạn còn tích góp kha khá những giải thưởng khác từ nhiều cuộc thi với quy mô nhỏ hơn, như Huy chương Vàng, Huy chương Bạc kỳ thi Cụm, kỳ thi Olympic 30/4.

Không những thế, Lam Thảo còn là thủ khoa khoa Văn học với phương thức Ưu tiên xét tuyển của trường ĐH KHXH&VN, ĐHQG TP. HCM năm 2020. Hiện tại, Lam Thảo vẫn luôn miệt mài trên con đường đeo đuổi văn chương của mình khi quyết tâm học tập hệ Cử nhân tài năng của khoa. Những giải thưởng, danh hiệu xuất sắc mà Lam Thảo đạt được trên hành trình chính là minh chứng sống động nhất cho sự nỗ lực, cố gắng hết mình vì đam mê của cô gái này.

Lam Thảo chia sẻ, vốn dĩ ban đầu, văn chương không phải là con đường mà cô chọn. Thế nhưng sau đó, trong những giờ phút hoang mang nhất trước cuộc sống, văn chương lại là nơi chốn duy nhất an ủi, vỗ về trái tim cô. Cô nàng thông qua con chữ để bộc bạch nỗi lòng, giải tỏa tâm tư. Cứ như thế, văn chương trở thành chốn ký thác tinh thần quan trọng không thể thiếu với Lam Thảo. “Mình có nhiều chuyện muốn nói nhưng không biết nói cùng ai, thế là mình viết nhật ký. Mình nghĩ là mình yêu việc viết từ đó, viết lắp đầy và khiến mình không cô đơn”, Lam Thảo tâm sự.

Theo đuổi văn chương là phương thức để Thảo thấu hiểu và yêu bản thân mình. Hơn nữa, hành trình đeo đuổi ước mơ đã mở ra cho Lam Thảo cánh cổng để khám phá nhiều chân trời mới, có thêm cơ hội và gặp gỡ những người tuyệt vời mà cô nàng luôn ngưỡng mộ và yêu mến.

Có những lần, Lam Thảo không giữ vững được thành tích và bị lời ra tiếng vào. Trong những lúc quyết tâm bị lung lay, cô nàng tạm thời dừng lại và cho mình thời gian để bình tĩnh hơn. Không thể viết nhiều thì viết ít, đọc sách cũng tương tự, không thể dung nạp thêm điều mới thì đọc lại sách cũ.

Thủ khoa khoa Văn và tình yêu mãnh liệt với con chữ ảnh 2
Lam Thảo từng là thủ khoa khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM).

Dù gia đình không hoàn toàn ủng hộ, Lam Thảo vẫn luôn vững tâm với khát khao, chưa giây phút nào Thảo buông bỏ mong ước của bản thân. Sau một thời gian tạm dừng để “lấy đà”, Lam Thảo đã trở lại đầy mạnh mẽ, viết tiếp ước mơ của mình.

Lam Thảo là người sáng lập và quản lý trang blog "Reading with Lammei". Đây là nơi chia sẻ nhiều hơn về các tác phẩm văn học dưới những lăng kính mới để truyền cảm hứng đọc sách đến với mọi người, tinh thần tích cực cùng những thông điệp ý nghĩa với văn chương được Lam Thảo chia sẻ đã giúp không ít người có cùng niềm say mê con chữ tìm được một nơi gửi gắm, phát triển bản thân và trau dồi kiến thức.

20210902 2

Lam Thảo với nhiều thành tích nổi bật bằng sự nỗ lực của mình.

Trong tương lai, Lam Thảo vẫn sẽ tiếp tục cố gắng không ngừng nghỉ để theo đuổi văn chương một cách chuyên sâu, nghiêm túc. Lam Thảo còn tâm sự về mong muốn được tổ chức một sự kiện trên trang blog Reading with Lammei với sự góp mặt của những tiền bối mà cô nàng ngưỡng mộ trên văn đàn Việt Nam. 

Thanh Thảo
Nguồn: Sinh viên Việt Nam, ngày 25.8.2021.

Chuyên mục phụ

Page 1 of 4

Thông tin truy cập

63605910
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13232
10905
63605910

Thành viên trực tuyến

Đang có 372 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website