- Đoàn Lê Giang-Lê Quang Trường
- Văn học Việt Nam-Nhật Bản 2013
- Lượt xem: 12938
Sở Cuồng Lê Dư – học giả tiên phong trong việc nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Nhật Bản
Đoàn Lê Giang-Lê Quang Trường(*)
Từ cuối thập niên 1980 quan hệ Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu nồng ấm trở lại, việc học tập và nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam và Nhật Bản được tăng cường. Năm 1990 giới sử học hai nước đã mở hội thảo về Hội An, nơi còn lưu lại nhiều dấu tích về giao thương Việt Nam và Nhật Bản TK.XVII. Trong tập kỷ yếu hội thảo, có bài Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Gaiban tsusho (Ngoại phiên thông thư) của Giáo sư Kawamoto Kunie, một nhà Việt Nam học có tiếng của Nhật Bản([1]). Đây là bài viết đầu tiên bằng tiếng Việt giới thiệu về các bức thư trao đổi giữa Mạc phủ Tokugawa (Nhật Bản) và chúa Trịnh, chúa Nguyễn (Việt Nam). Năm 1995, trên Kiến thức ngày nay số Xuân, chúng tôi (Đoàn Lê Giang) có viết bài giới thiệu về nhà thơ Nhật Bản Abe no Nakamaro (TK.VIII), bạn thơ của Lý Bạch lưu lạc đến Việt Nam (bài Một người bạn của Lý Bạch lưu lạc ở Việt Nam)…Ngoại phiên thông thư và Abe no Nakamaro là hai sự kiện quan trọng, nổi bật về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không thể bỏ qua. Từ cuối thập niên 1990 trở đi việc nghiên cứu về quan hệ văn hoá, văn học giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Gần đây, nhân tìm hiểu phần Hán văn trên Nam phong tạp chí, chúng tôi mới phát hiện ra là từ gần 100 năm trước Lê Dư đã nghiên cứu về những chuyện nói trên khá kỹ, chỉ tiếc là ông viết bằng Hán văn, nên ít người chú ý đến.