Với sự tài trợ của Japan Foundation, hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thế kỷ 21 đã được khai mạc tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM vào cuối tuần qua.
Ngoài sự tham gia đông đảo của các giáo sư, học giả đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước như ĐH KHXH&NV TPHCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, ĐH Sư phạm TPHCM, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, ĐH KHXH&NV Hà Nội, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Khoa học Huế, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Văn Hiến... hội thảo còn có sự góp mặt của các giáo sư nước ngoài đến từ ĐH ngoại ngữ Tokyo, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản quốc tế, ĐH Kanssai, Viện kỹ thuật Fukuoka, ĐH Meiji (Nhật Bản), ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), ĐH Chulalongkorn (Thái Lan)... Hội thảo đã thu hút được hơn 80 tham luận. Ban tổ chức đã chọn lọc 40 báo cáo được trình bày chính thức với các tiểu bản: Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh khu vực Đông Á tiền hiện đại, Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thời hiện đại, Lý thuyết nghiên cứu và văn học dịch.
Các diễn giả chụp hình lưu niệm tại hội thảo
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Liên (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng thơ haiku của Nhật Bản đã vượt lên sự tàn khốc của thời gian. Từ nhận định đó, bà đi sâu lý giải những nguyên nhân đã tạo nên sức sống mãnh liệt và khả năng lan tỏa vào nhiều nền văn học của thơ haiku trong thời đại toàn cầu hóa. Trong bài tham luận thứ hai gửi đến hội thảo, bà lại cất công tìm tòi cho được những điểm tương đồng và dị biệt về thi pháp giữa haiku với những thể loại thơ lục bát, ngũ ngôn - tứ tuyệt, ghazal trong cái nhìn so sánh đa chiều của toàn cầu hóa. Giảng viên Võ Thị Hoàng Ái (ĐH KHXH&NV TPHCM) đóng góp một chủ đề khá hay: Shiroyama Saburo và vấn đề dịch những tiểu thuyết kinh tế Nhật Bản sang tiếng Việt. Sau khi cho người đọc một cái nhìn tổng quan về nhà văn Shiroyama Saburo, tác giả tiến hành phân tích những ảnh hưởng của phát triển kinh tế xã hội đến những người lao động trong xã hội Nhật Bản qua một vài tiểu thuyết điển hình của nhà văn này. Tác giả Nguyễn Thanh Tâm quan tâm đến “Tình hình dịch, giới thiệu văn học Việt Nam ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ XXI đến nay”. Ngoài việc điểm qua các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản ở Nhật Bản từ năm 2000 đến nay, bà cũng đi sâu phân tích các lời bình và giới thiệu của dịch giả cũng như tìm kiếm xu hướng mới trong việc chọn dịch tác phẩm văn học Việt Nam của giới dịch giả và xuất bản Nhật Bản.
Đặc biệt, còn có chuỗi các hoạt động trao đổi, tọa đàm, du khảo như: Tọa đàm sáng tác và giảng dạy sáng tác thơ ca, Tọa đàm hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Quốc ngữ ở Nam bộ trước 1954, Tọa đàm về Rừng Nauy của Murakami Haruki và phim chuyển thể của Trần Anh Hùng...
Nguồn:http://news.go.vn/van-hoa/tin-1619916/van-hoc-viet-nam-va-nhat-ban-trong-boi-canh-toan-cau-hoa.htm