PGS.TS. Trần Thị Phương Phương – TS. Trần Lê Hoa Tranh
Toàn cầu hóa là một cơ hội, nhưng cũng đồng thời là một thách thức lớn đối với văn hóa và văn học của các dân tộc, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản. Hội thảo của chúng ta hôm nay là để góp phần, dù chỉ là nhỏ bé nhưng có ý nghĩa, nhằm khắc phục sự tụt hậu của văn hóa, văn học so với tốc độ phát triển toàn cầu của kinh tế, cũng như góp phần kiềm chế một phần tính chất phá hủy của nền kinh tế đó.
Sau bốn tháng khởi động, hội thảo đã nhận được 88 bản đăng ký đề tài của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về văn học trong và ngoài Việt Nam, trong đó có 54 báo cáo được Ban tổ chức lựa chọn và 40 báo cáo trong số đó đã được trình bày tại các phiên hội thảo. Hội thảo quy tụ hơn 100 học giả, chuyên gia, nhà văn từ một số nước trên thế giới như Nhật, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Nepal,..và từ hơn 20 trường đại học, viện nghiên cứu trong nước từ Bắc chí Nam như Đại học Sư Phạm Tp.HCM, ĐH KHXH&NV HN, ĐH Sư Phạm HN, ĐH Văn hóa HN, ĐH Thái Nguyên, ĐH Hồng Đức Thanh Hóa, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH An Giang, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Tiền Giang, Viện Văn Học, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện KHXH vùng Nam bộ, Học viện KHQS,…
Chủ đề của hội thảo, như quý vị đã thấy rõ ở đây, là “Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thế kỷ XXI”, nên dĩ nhiên, điều quan tâm đầu tiên của các học giả, các nhà nghiên cứu là những vấn đề mang tính toàn cầu của đời sống văn học đương đại đầu thế kỷ XXI. Đó là việc tìm ra những dấu hiệu hội nhập của tiểu thuyết đương đại Việt Nam và Nhật Bản qua các tác giả Akutagawa, Natsume Soseki, Takeshi Kaiko, Kenzaburo Oe, Murakami, Kazumi Yumoto, Nguyễn Huy Tưởng, Bảo Ninh, Phạm Văn Ký, Angie Chau,…là mối băn khoăn về vị trí của thơ ca đương đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, là những vấn đề về thế hệ nhà văn trẻ, về văn học nữ quyền, văn học di dân, là những dự liệu cho tương lai…
Tuy nhiên, không thể có được hiện tại nếu không có quá khứ. Bởi vậy, việc nghiên cứu văn học trong bối cảnh toàn cầu đầu thế kỷ XXI không thể thiếu những đề tài liên quan đến việc nhìn lại những kinh nghiệm giao lưu hội nhập của thời kỳ tiền cận đại và thế kỷ XX. Những gặp gỡ giữa văn học Việt Nam với văn học Nhật Bản và văn học khu vực Đông Á và rộng hơn trong thời tiền cận đại đã được phân tích trong các báo cáo về văn chương Thiền tông, văn chương tiên tri, văn chương giáo huấn, văn chương du hành, về những hình thức trung đại của tiểu thuyết như chí quái, truyền kỳ, tiểu thuyết thông tục, về sân khấu và các thể loại kịch cổ điển… Việc tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, vấn đề hiện đại hóa văn học và mở rộng mối giao lưu Đông Tây trở thành mối quan tâm của nhiều báo cáo liên quan đến giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Thế kỷ XX cũng là thế kỷ diễn ra những biến cố lịch sử mang tính khu vực và toàn cầu như các cuộc vận động cách mạng, các cuộc chiến tranh, các công cuộc canh tân... Bởi vậy,không phải tình cờ mà nhiều báo cáo đề cập đến các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tư liệu… như sự phản chiếu hiện thực lịch sử và chung đúc những bài học kinh nghiệm của lịch sử. Các nhân vật lịch sử, các nhà hoạt động văn hóa, văn học lớn như Phan Bội Châu, Sở Cuồng Lê Dư,…và đóng góp về phương diện tư tưởng của họ đối với sự hội nhập của Việt Nam và Nhật Bản vào tiến trình lịch sử chung của thế giới cũng thành đề tài của một số báo cáo.
Những thảo luận tại hội thảo còn chú ý đến những vấn đề lý thuyết nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu. Việc vận dụng các lý thuyết hiện đại được đề cập, và thu hút nhiều quan tâm, nhưng các kinh nghiệm lý thuyết cổ điển trong quá khứ cũng được nhắc lại.
Và để cho tiến trình toàn cầu hóa văn hóa, văn học có thể được khởi động theo hướng tích cực, đóng vai trò quan trọng là việc giới thiệu văn học dân tộc ra với thế giới và tiếp nhận những giá trị của văn học thế giới thông qua hoạt động dịch thuật. Những kinh nghiệm của Việt Nam và Nhật Bản ở lĩnh vực này đã được các học giả chia sẻ tại hội thảo.
Trong một ngày làm việc tích cực, hưng phấn, chúng ta đã có cơ hội trao đổi với nhau, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều điều chưa được nói hết. Đã có nhiều đồng điệu, cảm thông, nhưng không phải không có những quan điểm riêng khó chia sẻ. Bởi tương đồng và dị biệt, hòa nhập nhưng không hòa tan là điều cần phải có, và cần phải duy trì trong giao lưu văn hóa, văn học.
Nhưng có lẽ một điều có thể nhất trí với nhau hôm nay, là mỗi người chúng ta qua hội thảo này đã góp một phần, tuy nhỏ bé, vào việc thúc đẩy sự giao lưu, hội nhập văn hóa, văn học đi theo hướng tích cực, tốt đẹp.
Hôm nay, Trường ĐHKHXHNV TPHCM rất hân hạnh được chào đón các vị khách quý đến từ nơi xa. Mọi cuộc hội ngộ đều phải đến lúc chia tay. Biết rằng dù muốn cũng không thể giữ quý vị ở lâu mãi với chúng tôi được, nhưng hy vọng những mầm hữu nghị, giao lưu, hợp tác giữa chúng ta đã được gieo xuống hôm nay sẽ trở nên lớn mạnh trong tương lai. Hy vọng rằng những cuộc hội thảo tương tự sẽ được tổ chức, và Trường ĐHKHXH và Nhân văn TPHCM cũng rất mong muốn có nhiều cơ hội đón tiếp các nhà khoa học đến đây trong những dip giao lưu học thuật.
Xin trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã gửi bài tham gia hội thảo, các học viên cao học, nghiên cứu sinh đến tham dự và trình bày tham luận, phát biểu ý kiến tại hội thảo, và đã ngồi cho đến phút chót của hội thảo hôm nay.
Xin trân trọng cảm ơn tất cả các thành viên Ban tổ chức, Ban hậu cần, Ban Lễ tân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ của Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã tận lực cho các khâu chuẩn bị của hội thảo và cho ngày hội thảo hôm nay.
Xin trân trọng cảm ơn Quỹ Giao lưu văn hóa Nhật Bản đã tài trợ cho hội thảo, cảm ơn Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM đã hỗ trợ chúng tôi trong quá trình tổ chức hội thảo.
Trong quá trình tổ chức hội thảo nếu có những thiếu sót, sơ suất nào, thành thật xin quý vị thứ lỗi.
Kính chúc quý vị sức khỏe và xin cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe.