Giai đoạn văn học 1932-1945, tôi đặc biệt yêu mến Thạch Lam. Cho đến giờ, ba nhà văn thời kỳ này mà tôi còn có thể đọc được, thích được là Thạch Lam, Vũ Bằng và Vũ Trọng Phụng. Ở Thạch Lam, tôi đồng cảm rất nhiều điều mà qua bài viết nhỏ về “Hai đứa trẻ” này, tôi muốn chia sẻ.
“Hai đứa trẻ” được dạy trong chương trình Ngữ văn 11, là tác phẩm đầu tiên trong giai đoạn này trong sách giáo khoa. Truyện ngắn này không khó dạy, nhưng dạy cho hay, cho học sinh “thấu cảm” tác phẩm thì không dễ.
Tôi từng hỏi học sinh có thích “Hai đứa trẻ” không, rất ít em nói thích, vì sao vậy? Vì “Hai đứa trẻ” là một truyện ngắn không có cốt truyện, giọng văn đều đều, khó lôi cuốn, chậm rãi, nội dung xa lạ, không liên quan với học trò thành phố,... Thầy cô bám sát vào hai vấn đề hiện thực và lãng mạn của truyện ngắn mà phân tích, nhất là nói đến số phận nghèo khổ và ước mơ đổi đời mơ hồ của hai đứa trẻ. Những điều này không sai, nhưng có lẽ còn thiếu, còn ít và còn đơn giản hóa khi nhìn Thạch Lam.
Như thói quen cũ của tôi khi đọc và khi phân tích cho học sinh, tôi thường xoáy vào một số ý chính quan trọng mà mình phát hiện ra khi đọc tác phẩm. Tôi luôn khuyên học sinh của mình là chúng ta phải “đọc” tác phẩm, đừng đọc các lời bình, các ghi nhớ. Sau khi đọc, các bạn ghi ra giấy những gì mình cảm nhận đã, rồi nếu cần, mới đọc các bài giảng, bài bình luận. Hãy tôn trọng và đi theo cảm xúc của chính mình khi đọc tác phẩm, đó mới là những gì quan trọng nhất trong quá trình đọc văn.
Điều tôi muốn nhấn mạnh, là chúng ta có thể đọc “Hai đứa trẻ” như một “từ khóa”(keyword) của giáo dục cảm xúc (emotional education), điều rất cần thiết trong giáo dục tiên tiến ngày nay. Cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục và hòa nhập xã hội của một cá nhân. Việc phát hiện ra những văn bản và ngữ cảnh của văn bản có tác dụng giáo dục cảm xúc là điều các nhà soạn sách giáo khoa và các thầy cô giáo cần quan tâm. Hai vấn đề trọng tâm của giáo dục cảm xúc là “giáo dục thông qua cảm xúc”(education through emotion) và “hình thái của cảm xúc” (formation of emotion). Giáo dục thông qua cảm xúc đòi hỏi ảnh hưởng của cảm xúc trong quá trình giáo dục, học tập và hòa nhập xã hội; còn hình thái cảm xúc thì khám phá sự phát triển, sự khác nhau và sự hòa hợp của cảm xúc trong ngữ cảnh của dạy và học. Tôi cho rằng, môn Ngữ văn là môn học quan trọng bậc nhất trong việc giúp người học đắp bồi những cảm xúc tích cực, hòa giải những cảm xúc tiêu cực, hình thành những cảm xúc nhân văn, nhân ái như sự chia sẻ, lòng yêu thương, niềm trắc ẩn, tinh thần trách nhiệm,… Xa hơn, trong chủ trương của việc giáo dục cảm xúc của UNESCO còn đề xuất các khái niệm như: sự khác nhau giữa cá nhân và khác biệt văn hóa, cảm xúc tích cực, cảm xúc tiêu cực là gì, sự tự tin, những giá trị của cảm xúc, việc tạo dựng cấu trúc lớp học và cảm xúc của giáo viên, vai trò của gia đình, xã hội trong việc giáo dục cảm xúc,…
Nói qua như vậy để thấy rằng việc chọn lựa tác phẩm dạy trong nhà trường phổ thông nếu muốn hướng đến giáo dục cảm xúc rất cần thiết, quan trọng, đáng lưu ý.
Những luận điểm sau đây có thể giáo dục cảm xúc của học sinh khi dạy “Hai đứa trẻ”:
1. Thạch Lam là người Hà Nội, có tấm lòng yêu mến Hà Nội một cách đặc biệt. Người dạy cần nhắc đến một số tác phẩm khác của Thạch Lam viết về Hà Nội đẹp, thơ, với những trầm tích văn hóa như “Hà Nội 36 phố phường”. Như vậy, mới hiểu hết khát khao của hai chị em Liên- An khi chờ đợi chuyến tàu “họ ở Hà Nội về!”. Hà Nội như một địa danh vừa thực, vừa ảo trong tâm trí của Liên- An, đó là ánh sáng của tuổi thơ, của khát khao tuổi trẻ, của cái đẹp đã mất, của ước vọng tương lai,…Từ đó, giáo viên có thể đặt câu hỏi cho học sinh về những kỷ niệm của các em về một vùng đất nào đó trong quá khứ đối với các em là vùng đất lý tưởng, vùng đất các em yêu mến. Cảm xúc tích cực về quê hương (nếu địa danh đó ở trong nước), về thế giới (nếu địa danh đó ở nước ngoài) sẽ giúp học sinh định hình thái độ và thế giới quan trong tương lai. Điều này quả đúng khi tôi hỏi một học sinh: các con muốn cô dạy gì khi học “Hai đứa trẻ”. Một em đã nói rằng: con muốn cô hỏi về một vùng đất nào đó mà tụi con đã từng đi qua để lại ấn tượng nhất?
2. Đoàn tàu là một nhân vật. Nhân vật quan trọng trong truyện ngắn không kém các nhân vật khác. Giữa câu chuyện không có cốt truyện, văn phong chậm rãi, hình ảnh đoàn tàu đi ngang vào giữa đêm chính là dấu mốc khơi gợi tất cả những cảm xúc của hai đứa trẻ. Từ việc chờ tàu, tàu đến, tàu đi, giáo viên để học sinh của mình ghi lại những biến chuyển cảm xúc của Liên (và An, nếu cần), ghi lại cả những miêu tả tinh tế của Thạch Lam về thời gian, từ buổi chiều tà đến đêm tối. Hướng dẫn học sinh học cách quan sát thiên nhiên, quan sát nội tâm của chính mình. Một trong những yêu cầu của việc kiểm soát cảm xúc bản thân là cần soi rọi và nhìn rõ bản thân.
3. Song song với một số bài văn trong chương trình giai đoạn này, học sinh còn được học thao tác lập luận so sánh. Với “Hai đứa trẻ”, chúng ta có thể so sánh với “Ôi Hương tuyết” của nhà văn Thiết Ngưng. Những ai quan tâm đến văn học Trung Quốc không thể không biết đến Thiết Ngưng và truyện ngắn khá giống với “Hai đứa trẻ”. Cũng là miêu tả thận những em bé ở các phố huyện xa xôi, khao khát ánh sáng văn minh. Hoặc, có thể so sánh với bút pháp của Nam Cao, cùng hướng đến những người cùng khổ, nhưng ngòi bút Nam Cao sắc lạnh, cay độc, có chút gì đó nhẫn tâm, trong khi Thạch Lam thì lại xót xa, khẽ khàng, thông cảm. Nam Cao hướng đến sự tha hóa, hoàn cảnh làm bần cùng hóa con người, còn Thạch Lam thì tìm kiếm những nét đẹp ẩn khuất trong tâm hồn con người. Thạch Lam khá giống với Thẩm Tòng Văn của Trung Quốc. Nếu ai đã đọc “Biên thành” của Thẩm Tòng Văn sẽ thấy điều này.
4. Câu hỏi cuối cùng mà tôi đặt ra cho học sinh của tôi khi học bài này là: nếu các em đã từng đi du lịch bằng tàu hỏa hay xe hơi, đi ngang qua những vùng quê hẻo lánh, xa xôi, nhìn những đứa trẻ ngơ ngác, lam lũ ở những vùng quê đó, cảm giác các em thế nào? Có phải những truyện ngắn như “Hai đứa trẻ” giúp các em hình dung rõ hơn về tâm trạng và cảnh đời của những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không? các em sẽ hiểu những khao khát đổi đời, động lực vươn lên của các em ấy. Các em sẽ hiểu mỗi con người đều có những mơ ước thầm kín mà mãnh liệt muốn vươn tới thế giới văn minh (có thể sau này họ sẽ vỡ mộng đấy, biết đâu!), nhưng thế giới đó là động lực để họ tồn tại và tiếp tục sống, phấn đấu.
Từng đó điều cũng khiến “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là một ví dụ thật xứng đáng cho chương trình Ngữ văn trong việc hình thành và phát triển những cảm xúc tích cực đối với học sinh: sự cảm thông, lòng trắc ẩn, ý thức soi chiếu nội tâm chính mình, và trên hết, là lòng nhân ái giữa người và người.
Và những gợi ý về giáo dục cảm xúc trên đây chắc cũng giúp các giáo viên tìm kiếm thêm nhiều ngữ liệu khác.
Nguồn: Giáo dục và thời đại, số 6, ngày 07.01.2019, trang 10.