Các con yêu quý, mẹ viết bài này, với suy nghĩ từ những gì mà nhiều năm qua mẹ đã dạy các con, về Đất và Nước, nói chung.
Không phải đến bây giờ, khi tình hình Biển Đông sôi sục, hay mấy năm trước, tình hình biên giới căng thẳng, mẹ mới nghĩ đến những điều này. Từ khi các con ra đời đến giờ, mẹ đã miệt mài, kiên trì với phương châm dạy con của mình. Mẹ nghĩ, mình không phải là một bà mẹ giỏi, nhưng ít ra là một bà mẹ tốt. Vì khi có con, mẹ đã kỳ vọng là làm sao cho con mình thành một người tốt, hơn là một người giỏi…
Không phải chê bai, nhưng mẹ không thể dạy các con một cách thực nghiêm khắc theo kiểu “em phải đến Harvard học kinh tế”. Vì thế mà lúc các con bắt đầu đi được, rồi lớn hơn một chút, biết suy nghĩ, biết đặt câu hỏi, điều mẹ cho rằng mẹ làm tốt nhất là cùng với ba… lôi các con đi khắp đất nước mình. Và, vừa đi đường, vừa kể chuyện.
Mỗi vùng đất mà gia đình mình đi qua, đều thấm đẫm những câu chuyện lịch sử, câu chuyện văn hóa, câu chuyện về lòng ái quốc. Này là Lạng Sơn, các con xem tượng nàng Tô Thị, đến thành nhà Mạc, đến cột mốc biên giới, đến ải Chi Lăng, và trả bài cho mẹ về chiến thắng Chi Lăng, nơi Lê Lợi đánh tan tác quân Minh. Này là Bắc Giang, mẹ đưa các con đến sông Như Nguyệt, đến đền thờ Trương Hống, Trương Hát, nơi tương truyền Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần kích dậy tinh thần binh sĩ đánh giặc Tống.
Các con đến Văn Miếu, Hà Nội để hiểu về “trường đại học đầu tiên” của nước mình ra đời cách đây cả nghìn năm, về truyền thống trọng sự học của cha ông ta. Gần Văn Miếu, là gò Đống Đa, nơi ghi lại trận đánh Ngọc Hồi nổi tiếng năm 1789 của Quang Trung đánh quân Thanh.
Này là Hải Phòng, quê ba, các con hỏi mẹ tượng bà Lê Chân, bà ấy là ai? Một nữ tướng của Hai Bà Trưng, trong đội nữ binh của hai bà, đã anh dũng cùng toàn dân chống giặc Hán. Này là Nam Định, đến đền Trần, các con sẽ phải nhớ một cách tự hào, đời Trần, chúng ta ba lần đánh tan quân Nguyên. Này là cố đô Hoa Lư, ngoài Tràng An, Tam Cốc Bích Động, nhất thiết các con phải đến đền thờ vua Đinh, vua Lê, và trả bài cho mẹ về lịch sử buổi đầu dựng nước...
Hai con trai với bản đồ Việt Nam trong sân nhà mình
Này đây nữa là bờ biển miền Trung từ Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng… trẻ con đứa nào chả thích biển. Nhưng ngoài việc chơi, các con còn được nghe kể những chiến công từ biển của cha ông.
Quê mẹ ở Quảng Ngãi, có đảo Lý Sơn, nơi đầu sóng ngọn gió mấy ngày này ngư dân bạc mặt vì đối đầu với tàu Trung Quốc. Quê ba ở Hải Phòng, nơi có đảo Cát Bà, Cát Hải, Bạch Long Vĩ… Đất nước mình có bao nhiêu hòn đảo? Các con đã đến được bao nhiêu rồi?
Còn nhiều, nhiều nữa... “passport” của hai con đã dày lên thêm, vừa là những tầng vỉa trầm tích hiểu biết lịch sử, văn hóa, văn học, danh lam thắng cảnh… vừa là những lớp phù sa dày dặn bồi đắp lòng yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc…
Để đến những ngày này, con trai út của mẹ trầm ngâm trước bức phù điêu tạc hình đất nước trong sân nhà, nhắc mẹ: con đếm thấy đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quốc, nhưng còn Côn Đảo đâu? À, nó bị một nhánh cây che khuất! Đi siêu thị cùng mẹ, con nhất định bỏ lại tất cả những hàng hóa “made in China”!
Có thể những phản ứng đó là hơi thái quá, hơi cực đoan, nhưng mẹ biết, đó là những suy nghĩ thực lòng của các con hiện giờ.
Không cần phải “vào Harvard học kinh tế”, mẹ chỉ cần các con biết yêu Đất và Nước, không bàng quan với vận mệnh dân tộc mình.
Nguồn: http://m.phunuonline.com.vn/gia-dinh/loi-yeu-thuong/dat-nuoc-trong-san-nha/a120843.html