Chân dung thầy tôi qua sách “Từ bục giảng đến văn đàn-chân dung 25 người thầy”

Tôi yêu quý thầy Trần Hữu Tá từ khi thầy dạy cao học lớp tôi khóa 1995-1998, cách đây gần 20 năm. Hồi đó, lớp cao học tôi có 6 học viên thôi. Chúng tôi đến nhà thầy học chuyên đề “Tiểu thuyết Việt Nam”. Tôi ấn tượng với phong cách sư phạm mẫu mực của thầy, từ phong thái, cách giảng bài, cách soạn bài, cách trình bày, cách đi đứng nói năng…rõ ràng, dễ hiểu, trật tự, khuôn phép. Tôi học được rất nhiều từ phong cách thầy cho việc giảng dạy sau này của mình vì tôi vốn không phải là dân sư phạm.

Từ khi ở lại khoa Văn học và Ngôn ngữ, tôi có nhiều cơ hội gặp thầy, trò chuyện với thầy, hiểu thầy, vì tuy là người Sư phạm, nhưng thầy cũng rất thân với Xã hội nhân văn. Khi tôi làm tiến sĩ, thầy viết nhận xét giúp tôi, bản thảo viết tay, chữ thầy đều tăm tắp, gọn gàng, ngay hàng thẳng lối. Thầy cứ thanh minh mãi chuyện lẽ ra phải đánh máy, nhưng hóa ra tôi lại may, giữ trong tay một bản thảo viết tay của thầy. Đối với học trò, thầy khoan dung, độ lượng, nhìn ra được năng khiếu và tư chất từng người. Tôi nghe rất nhiều anh chị đồng nghiệp kể về những hàm ơn mà thầy làm cho họ, mà khi gần thầy, tôi chưa bao giờ nghe thầy kể lại.Thầy là người cẩn thận, chỉn chu, đối xử trước sau như một có tình, có lý. Hôm bên Khoa tôi tổ chức kỷ niệm sinh nhật thầy Nguyễn Khuê, có mời thầy, dạo đó thầy yếu đi nhiều, nên thầy gọi cho tôi, tha thiết bảo tôi gửi lời xin lỗi đến thầy Khuê, nói rằng giờ yếu rồi, hay mệt, mong thầy Khuê thứ lỗi. Thầy dặn đi dặn lại tôi phải nói với thầy Khuê: “ chỗ thầy với anh Nguyễn Khuê tuy không thân nhưng rất quý mến nhau, thầy quý anh ấy cái tâm với nghề, và cả tài năng nữa, em nhớ nhắn gửi cho thầy”. Thầy là vậy: cẩn thận, chu đáo, thấm đẫm tình người. Khi làm thành viên Ban chấp hành Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, tôi lại có dịp làm việc với thầy nhiều hơn. Gia đình tôi là hậu duệ của thi sĩ Bích Khê, muốn nhờ Hội kết hợp với Khoa tổ chức một đêm thơ nhạc Bích Khê, thầy là người ủng hộ và sốt sắng nhất trong việc tổ chức. Từ việc viết bài để dẫn, gợi ý người viết bài, xem lại chương trình, thậm chí các tiết mục ca nhạc cũng được thầy góp ý tận tình, kỹ lưỡng. Gia đình tôi nợ ân tình thầy. Mà thầy lại là người giản dị, không đòi hỏi, không màng danh lợi, vật chất. Bao nhiêu năm sống trong căn hộ tập thể của Đại học Sư phạm TP.HCM, dọn được về căn nhà mới nhỏ gọn trên đường Trần Hưng Đạo, khi tiếp khách, thầy rất vui. Thầy hay nói vui: hơn 70 tuổi đầu mới biết đến việc có một căn phòng làm việc riêng, phòng tắm có gắn máy nước nóng. Quả là những đãi ngộ cho các bậc trí thức của mình cũng còn nhiều thiếu sót!

Hôm nay, tôi cầm trong tay cuốn sách thầy tặng, vào đúng năm thầy 80 tuổi…Cuốn sách của một vị thầy đã 80 tuổi, tuổi mà mọi điều nói ra, viết ra đều đã đạt đến độ chiêm nghiệm cái lẽ thấu suốt của cuộc đời, của trời đất. 80 tuổi mà thầy còn viết, thì đó là những lời gan ruột. Thành ra cứ mỗi sáng, tôi lại giở ra đọc về một người thầy. Đọc để hun đúc thêm cho mình khí chất, tâm huyết, nỗi khổ công của các vị thầy. Mỗi vị thầy đều có những bước ngoặt trong cuộc đời của họ, đều sinh ra trong những giai đoạn đất nước có những đau đớn về lịch sử, vận mệnh, mà mỗi vị đều phải tự mình tìm ra con đường để đóng góp sức mình vào những đổi thay của dân tộc. 25 vị thầy đó là: Trương Vĩnh Ký, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Giản Chi, Nghiêm Toản, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Văn Giàu, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Lý, Nguyễn Đổng Chi, Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Nguyễn Đình Đầu, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Phạm Thế Ngũ, Thẩm Thệ Hà, Lê Đình Kỵ, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Đăng Mạnh, Văn Tâm, Nguyễn Khắc Phi, Phong Lê. 25 vị thầy có thể nói không chỉ gói gọn trong “từ bục giảng đến văn đàn”, tức là không chỉ trên hai lĩnh vực giảng dạy và sáng tác, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác của hoạt động văn hóa văn nghệ: nghiên cứu, dịch thuật, làm từ điển, làm sách giáo khoa, đảm nhiệm những vị trí về văn hóa trong bộ máy chính quyền trên nhiều lĩnh vực: văn học, lịch sử, ngôn ngữ, nghệ thuật,… Theo như tâm sự của thầy: có vị thầy được học, có vị không, nhưng đều là những người

Thầy của thầy trong cuộc đời 80 năm đi học và tự học. Người thầy lớn tuổi nhất trong cuốn sách này, Trương Vĩnh Ký, sinh năm 1837, tức là năm nay đã 188 tuổi,người thầy nhỏ nhất, là Phong Lê, ngót 80 tuổi. Khoảng cách hơn 100 năm, một thiên niên kỷ trong chiều dài lịch sử của một dân tộc, lại là giai đoạn lịch sử nhiều biến động, vinh nhục, đau thương và huy hoàng của dân tộc. 25 vị thầy này đã đóng góp tài năng, đức độ và công sức của mình vào sự nghiệp văn hóa của một dân tộc. Đọc toàn bộ cuốn sách, tâm huyết của một nhà giáo, một nhà nghiên cứu, một nhà khảo cứu, một nhà văn Trần Hữu Tá thể hiện rất rõ. Đó là sự thận trọng, chân xác của lịch sử, tiểu sử; là sự chừng mực nhưng trân trọng; sự dũng cảm trong việc đánh giá những đóng góp của các vị thầy (ngay với cả những quan điểm mà có vẻ như trái ngược nhau hoặc không được đồng tình); là ngòi bút tài hoa và tinh tế; là tấm lòng của một học trò hậu bối…Là một hậu bối của thầy, tôi đọc cuốn sách trong một tâm thức khó tả. Đó không chỉ là một cuốn sách chân dung, càng không phải là một cuốn sách tiểu sử, trên hết, tôi đọc với một tâm thức về dòng mạch len lỏi của đạo lý “tôn sư trọng đạo”,“uống nước nhớ nguồn”. Hơn thế nữa, còn là dòng mạch rất rõ của việc đề cao và nuôi dưỡng sự tử tế, sự lương thiện. Ai đó đã nói: “Trên hết của tài năng là sự lương thiện”. Tất cả những tri thức văn hóa mà ngày nay chúng ta thụ hưởng được, có công rất lớn của các tiền bối, mà, trong khi luận định về vị trí, vai trò, công lao của họ, chúng ta rất cần có một con mắt “nhìn suốt sáu cõi”, bỏ qua những thiên kiến chính trị, vùng miền, như của thầy Trần Hữu Tá.

Đây là một cuốn sách cần thiết cho những ai muốn hiểu thêm về một người thầy lớn kể về những vị thầy vĩ đại!

11-2016

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60732139
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5530
8619
60732139

Thành viên trực tuyến

Đang có 245 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website