1. Các thế hệ nhà văn nữ Việt Nam tại Hoa Kỳ
Theo tìm hiểu và thống kê, hiện có khoảng 70 nhà văn nữ Việt Nam đang sống và sáng tác tại Mỹ. Tuy vậy, con số này chỉ là số người viết, có sách, còn số nhà văn nữ thật sự được đánh giá cao chỉ khoảng 30 người. Đội ngũ nhà văn nữ bao gồm cả ba thế hệ một, một rưỡi và hai.
Thế hệ thứ nhất là những nhà văn sang Mỹ khi đã trưởng thành, đa số viết bằng tiếng Việt. Có thể kể một số nhà văn tiêu biểu như: Nhã Ca, Trùng Dương, Trần Mộng Tú, Lê Thị Huệ, Lai Hồng, Bùi Bích Hà, Trần Diệu Hằng, Túy Hồng, Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trần Thị Kim Lan, Phạm Thị Ngọc,… Sáng tác của các nhà văn này được gọi là “văn học thiểu số” (minority literature). Đặc biệt, chúng ta cũng nên kể đến một số nhà văn thế hệ thứ nhất viết bằng tiếng Anh như Le Ly Hayslip, Duong Văn Mai Eliott, Trùng Dương,…
Thế hệ nhà văn thứ nhất hiện nay ở Hoa Kỳ gần như không còn sáng tác sung sức, và không còn là cột trụ của văn học nữ di dân tại đây nữa. Nhã Ca chuyên tâm vào tờ Việt báo, Trùng Dương thỉnh thoảng viết báo, chuyển sang viết ký, Túy Hồng gần như lui vào ở ẩn. Trần Diệu Hằng lâu nay không sáng tác. Chỉ còn một số nhà văn như: Lê Thị Huệ (phụ trách gió.o và tham gia sinh hoạt văn học), Trần Mộng Tú, Bùi Bích Hà, Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Ngọc Dung… Chủ đề chính mà họ thường viết là hoài niệm về quê nhà, lịch sử, phong tục, khó khăn hội nhập xã hội Mỹ, vấn đề hòa hợp hòa giải trong văn nghệ…Một số nhà văn có tác phẩm in trong nước trong các tuyển tập như Trần Mộng Tú.
Thế hệ nhà văn thứ hai là những nhà văn sang Mỹ khi còn nhỏ hoặc sinh ra ở Mỹ, họ không sử dụng tiếng Việt thuần thục nên thường họ sẽ chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ sáng tác chính. Họ gia nhập vào đội ngũ các nhà văn “dòng chính” (mainstream literature). Một số đại diện như: Monique Truong, Aime Phan, Bich Minh Nguyen, Lai Thanh Ha, le thi diem thuy, Angie Chau, Dao Strom… Khi viết bằng một ngôn ngữ khác, tư duy và văn hóa của họ cũng thay đổi. Họ có những cái nhìn “từ bên ngoài”, có những so sánh từ góc độ của “người ngoài”(outsider) với bên trong. Điều đó tạo ra lợi thế khi sáng tác đồng thời cũng là thách thức với các nhà văn này. Việc làm chủ được ngôn ngữ giúp cho sáng tác của họ có số lượng độc giả khá đông đảo, cơ hội tác phẩm đến được với bạn đọc thế giới dễ hơn. Đề tài sáng tác của họ cũng khá rộng rãi. Có thể là sự phản ánh những vấn đề của chính họ: quá trình trải nghiệm hội nhập khẳng định mình, vượt qua mặc cảm di dân để trở thành của người công dân của đất nước mới; sự va đập văn hóa: Đông – Tây; cũ - mới; khoảng cách giữa lối sống của các thế hệ di dân trong gia đình. Họ cũng có thể chọn viết về lịch sử dân tộc. Không bị quá khứ cầm tù như các thế hệ trước nên cái nhìn của họ đối với những vấn đề lịch sử, chính trị dân tộc cũng cởi mở, nhẹ nhàng hơn.
Sự phân biệt thế hệ một và hai thật ra cũng mang tính chất tương đối, vì còn có các nhà văn tạm được gọi là thế hệ 1.5 (một rưỡi), theo quan niệm của chúng tôi, là những nhà văn sang Mỹ vào khoảng 20-30 tuổi, là độ tuổi sử dụng tiếng Việt thành thạo nhưng tiếp nhận nền học vấn và quan điểm của Hoa Kỳ, có thể dùng cả tiếng Việt và tiếng Anh, có hiểu biết cả hai nền văn hóa Đông Tây. Một mặt, họ giữ được bản sắc dân tộc, không ngỡ ngàng và xa lạ với quê gốc như thế hệ thứ hai, thứ ba, nhưng cũng không quá hồi cố và khó hòa nhập như thế hệ thứ nhất. Thế hệ này như dấu gạch nối chuyển giao giữa hai thế hệ như Lan Cao, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Thảo An, Lưu Hoàng Thu Thuyền, Phạm Chi Lan, Nguyễn Thị Thanh Bình, Hoàng Thị Bích Ti, Đặng Thơ Thơ, Dương Như Nguyện, Nguyễn Xuân Tường Vy, Vũ Quỳnh Hương, Đỗ Lê Anh Đào,…
Ngày nay, giới trẻ di dân quan tâm đến những vấn đề lưỡng dạng (dual identity) của họ ở Mỹ hơn là những vấn đề chính trị và xã hội của quá khứ. Những nhà văn như Lan Cao, Đặng Thơ Thơ, Dương Như Nguyện, Lưu Diệu Vân, Dao Strom, Angie Chau, le thi diem thuy, … còn xa hơn một bước, họ quay về Việt Nam nhiều lần, tham gia những hoạt động xã hội, sinh hoạt văn học để tìm lại những liên hệ với quê nhà mà họ đã bị cách biệt trong quá khứ.
Cũng có trường hợp một số nhà văn đến Mỹ học tập và viết văn, nhưng số này không nhiều như ở châu Âu (ở châu Âu có Phạm Hải Anh- đã về nước, Ngô Thị Giáng Uyên, Dương Thụy, Lê Minh Hà,…), chỉ có một vài người nhưng chủ yếu vẫn hoạt động văn học trong nước như nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, nhà văn, dịch giả Lý Lan, nhà văn Phan Việt,…Trường hợp nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, lấy chồng sang Mỹ sinh sống nhưng lâu nay không công bố sáng tác ở cả nước ngoài lẫn Việt Nam; hay có người trước đây hoạt động văn học ở Mỹ nhưng hiện nay lại sống nơi khác (Lưu Diệu Vân). Chúng tôi chỉ xét những nhà văn nữ nào mà thành tựu văn học đạt được tại Mỹ.
Khi khảo sát văn học di dân nữ Việt Nam tại Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thấy có một đặc điểm lớn, đó là việc “đồng sáng tác” ở các tác phẩm viết bằng tiếng Anh, và chủ đề “mẹ và con gái”lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm…Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích đặc điểm “đồng sáng tác” và đề tài “mẹ và con gái”. Những đặc điểm, đề tài còn lại sẽ đề cập trong một bài viết khác.
2. Đặc điểm “đồng sáng tác” (coauthor)
Các nhà văn nữ, đặc biệt là các nhà văn nữ viết tiếng Anh thời kỳ đầu, thường có xu hướng viết chung với một nhà văn khác để viết ra tác phẩm. Điều này hiếm thấy ở các nhà văn nam. Ví dụ như Le Ly Hayslip viết chung với Jay Wurts cuốn When Heaven and Earth Changed Places (Khi trời và đất đổi chỗ), sau đó cùng với James Hayslip viết cuốn Child of War, Woman of Peace (Trẻ em thời chiến, Phụ nữ thời bình); Nguyen Thi Thu Lam với Edith Kreisler và Sandra Christenson viết cuốn Fallen Leaves (Lá rơi), Trần Thị Nga viết chung với Wendy Wilder Larson cuốn Shallow Grave: Two Women in Vietnam (Mộ cạn: Hai phụ nữ ở Việt Nam), Lan Cao với Himilce Novas viết cuốn Everything You Need to Know about Asian American History (Tất cả những gì bạn cần biết về lịch sử người Mỹ gốc Á).…Trong luận án tiến sĩ của Kim –An Lieberman, cô cũng nhấn mạnh đặc điểm này ở chương hai, và gọi đặc điểm này là “coauthorship” (đồng tác giả) (1). “Coauthorship” gọi là “đồng tác giả” hay “đồng sáng tác” đều đúng. Nhưng vì ở Việt Nam, chúng ta hay gọi “viết chung” hoặc “đồng tác giả” với những trường hợp một số tác giả (thường từ hai đến ba, bốn tác giả) viết chung một cuốn sách, mỗi người viết một phần, nên chúng tôi nghĩ dùng thuật ngữ “đồng sáng tác” ở đây sẽ chính xác hơn.
Thực ra, có thể nhìn thấy, hầu hết những tác giả nữ Việt Nam “đồng sáng tác” này đều không phải là những người sở trường tiếng Anh như ngôn ngữ chính. Việc “đồng sáng tác” này khác hẳn việc các nhà văn một rưỡi, hai sau này dùng tiếng Anh để sáng tác như Monique Truong, Bich Minh Nguyen… Vậy lý do mà họ chọn viết bằng tiếng Anh là gì? Le Ly Hayslip giải thích: “nếu tôi chọn viết bằng tiếng Việt, tức là tôi hướng đến độc giả ở Việt Nam, điều này cũng có ích. Nhưng tôi chọn ngôn ngữ khác, vì một cuộc sống khác ở Hoa Kỳ”(2). Như vậy, có thể thấy, chủ đích của các tác giả là hướng đến độc giả Mỹ, nhưng vì tiếng Anh hoặc kỹ thuật viết hạn chế, họ “kể”’ cho một người khác, và người đó viết lại. Đặc điểm “đồng sáng tác” này không phải chỉ của văn học nữ di dân Việt Nam tại Mỹ, mà có thể thấy ở các cộng đồng thiểu số khác. Ví dụ như trong văn học Mỹ gốc châu Phi, ngay từ thế kỷ 19, thời kỳ người nô lệ lên tiếng nói, cũng có những tác phẩm đồng sáng tác, như cuốn của Harriet Jacobs viết chung với Lydia Maria Child: Incidents in the Life of a Slave Girl (Những biến cố trong đời người nữ nô lệ, 1861), Malcolm X viết chung với Alex Haley: The Autobiography of Malcolm X (Tự truyện của Malcom X, 1965), Rosa Parks viết chung với Jim Haskins: My Story (Đời tôi, 1992)…Ngay trong văn học Mỹ dòng chính cũng không hiếm những trường hợp đồng sáng tác.
Trong một tác phẩm “đồng sáng tác”, thì vai trò của “tư liệu”(người kể) và của “cách kể”(người viết) là độc lập và có ý nghĩa quan trọng như nhau. Một người, có kinh nghiệm để kể, và một người, xâu chuỗi chúng lại, làm cho chúng nổi bật lên (như câu thành ngữ “let the cat out of the bag”, tạm dịch: cho con mèo chui ra khỏi bị) để kể thành một câu chuyện. Và nhìn chung, nhiều nhà nghiên cứu như Albert E. Stone, Argues Philippe Lejeune đều cho rằng, cách viết chung này phần lớn đều là những tự truyện (3). So sánh với những tác phẩm tự truyện gần đây do một người kể, một người chấp bút ở Việt Nam cũng tương tự như vậy, ví dụ như hồi ký của diễn viên Lê Vân, của ca sĩ Ái Vân…
Quay lại với cuốn Shallow Graves: Two Women in Vietnam, Trần Thị Nga viết chung với một người bạn gái là Wendy Wilder Larson, cuốn sách này không phải là tự truyện của riêng Trần Thị Nga, mà còn của Wendy Wilder Larson, cả hai đều sống ở Sài Gòn, Larson là vợ một phóng viên Mỹ sống ở Sài Gòn 4 năm, còn Trần Thị Nga thì sau 1975 sang Mỹ, và như vậy, hai tự truyện này cho chúng ta thấy sự giao thoa văn hóa, sự thích nghi của hai người phụ nữ ở hai môi trường khác nhau nhưng cùng có một điểm chung: cách thức tiếp nhận và dung hòa một nền văn hóa khác.
Nhưng cuốn sách đồng tác giả nói trên nhanh chóng bị lãng quên khi cuốn sách hồi ký đồng sáng tác khác của Le Ly Hayslip ra đời: When Heaven and Earth Changed Places: A Vietnamese Woman's Journey from War to Peace (1989). Lý do là vì cuốn tiểu thuyết tự truyện này thành công vang dội, và việc “đồng sáng tác” ở đây đã được ví như sự ăn ý, như là của một giọng điệu chứ không phải của hai tác giả. Eva Hoffman của tờ New York Times đã ca ngợi: “một minh chứng cho sự thông minh, không khoan nhượng, sự trung thực, rõ nét và đơn giản của giọng nói Le Ly Hayslip (với “sự giúp đỡ” của đồng tác giả của cô, Jay Wurts)”(4). "Sự giúp đỡ" của Wurts chỉ được đề cập đến trong ngoặc đơn. Hầu hết các nhận xét đều có cách tiếp cận tương tự, đọc văn bản Hayslip là "đặc thù của một kinh nghiệm cá nhân kể lại trong một tiếng nói duy nhất", điều đó cho thấy trong sự đồng sáng tạo này, nội dung mà Hayslip muốn kể quan trọng hơn cách kể. Wurts là một phi công từng tham chiến ở Việt Nam, ông cũng từng biên tập và đồng sáng tác cho nhiều cuốn sách, và Le Ly hẳn phải cảm ơn ông vì nhờ có sự “đồng sáng tác” này mà tác phẩm của bà được nhiều người biết đến hơn.
Tuy vậy không phải sự “đồng sáng tác” nào cũng thành công. Trường hợp cuốn sách thứ hai của Le Ly lại thất bại hơn cuốn đầu vì người chấp bút cho bà là người khác, mặc dù đó chính là con trai bà. Frances McCue nhận xét: “ Cuốn Child of War, Woman of Peace sở dĩ thất bại là vì nó không được chấp bút bởi Wurts, biên tập và người viết cho bà cuốn thứ nhất, mà thay vào đó là con trai bà, James Hayslip (…) cuốn sách đã không nói được sự nguy hiểm của cái chết, sự sống, và chiến tranh”(5). Le Ly cũng tiếc nuối là cuốn sách của mình đã không được Wurts viết vì nhiều lý do.
3. Đề tài “Mẹ và con gái”
Khởi đầu bản ngã (genesic of the self), lý thuyết về quan hệ “mẹ-con gái” đã từng được Freud nhắc đến trong học thuyết của ông, và mặc dù Freud không xem nó là quan trọng, nhưng lại được các nhà văn di dân nữ nhắc đến và họ phát triển nó thành một đề tài nổi bật.
“Mẹ và con gái” là một đề tài thường thấy trong tác phẩm của các nhà văn di dân nữ. Đó là mối quan hệ giữa mẹ-con gái, thực chất là một quá trình vướng mắc-xung đột-tìm hiểu-hòa giải văn hóa giữa hai thế hệ trong một gia đình, hai nền văn hóa. Mẹ đồng nghĩa với văn hóa quê cũ, văn hóa bản địa (motherland) và con gái đồng nghĩa với văn hóa vùng đất mới (newland). Có thể tìm thấy trong các tác phẩm của các nhà văn tiêu biểu: Bharati Mukherjee, Maxine Hong Kingston, Amy Tan…
Esther Mikyung Ghymn trong cuốn sách về các nhà văn nữ di dân gốc Á, đã dành hẳn một chương có tựa “Mothers and Daughters” để nói về dạng xung đột này. Trong đó, The Women Warrior (Nữ chiến binh) của Kingston và The Joy Luck Club (Phúc lạc hội) của Amy Tan được lấy ra làm những ví dụ mẫu mực, mà bà gọi là những “cỗ mẫu”(stereotype). Từ đó, những hình ảnh như rồng, hổ, ngỗng, bóng, xương, cầu thang…trở thành những ẩn dụ cho mẹ và con gái của các cộng đồng di dân gốc Á tại Hoa Kỳ. Amy Tan đã tự nhận: “những hình ảnh đó rất quan trọng đối với tôi. Đó là bí ẩn của việc viết lách và là vẻ đẹp của câu chuyện”(6)
Hoặc Helena Grice, cũng đề cập đến những tiểu thuyết viết về chủ đề này, bà cho rằng bắt đầu từ thập niên 1970 ở Hoa Kỳ đến thập niên 1980 chủ đề trên rất phát triển (7). Bà dẫn ra nhiều tác phẩm làm ví dụ, ngoài Woman Warrior, The Joy Luck Club đã dẫn ở trên, còn có Obasan của Joy Kogana, A Bridge Between Us (Chiếc cầu giữa chúng ta) của Julie Shigekuni, The Scent of the Gods (Mùi của Thượng đế) của Fiona Cheung, Woman of the Silk (Phụ nữ của lụa là) của Gail Tsukiyama…
Khi nghiên cứu về chủ đề “mẹ-con gái”, nhiều nhà nghiên cứu cũng tìm đến với các tiểu thuyết của văn học di dân Việt Nam, ví dụ như Nimi Agnes Jayathurai nhắc đến Dương Thu Hương và Những thiên đường mù (Paradise of the Blind) (8), Kim An có nhắc đến Lan Cao với Monkey Bridge (Cầu khỉ)…
Như vậy, đây là một đề tài khá phổ biến của các nhà văn di dân nữ. Khi người mẹ và con gái không thể có tiếng nói chung để giải thích nguyên nhân hay giải thích cảm giác bằng từ ngữ, thì không thể tránh khỏi sự thất vọng cho cả hai phía. Nữ chiến binh ra đời năm 1976 được xem là cột mốc đầu tiên của chủ đề này trong văn học di dân gốc Á. Trong cuốn Nữ chiến binh: người mẹ nói với con gái: “con không được nói với ai, đó là điều mẹ định nói với con”, và đứa con gái Anju, nghĩ rằng mẹ muốn mình im lặng, cô không hiểu nghĩa thực đằng sau câu nói tiếng Anh của mẹ mình, đã than lên: “con không muốn nghe những câu chuyện của mẹ nữa, không có nghĩa gì cả. Mẹ không thể cấm con nói, mẹ cố cắt cái lưỡi của con, nhưng không được”(9). Và từ đó nảy sinh xung đột giữa hai mẹ con. Phúc lạc hội của Amy Tan ra đời vào năm 1989 chắc có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của các nhà văn di dân Việt Nam sau này. Ngay khi ra đời, Phúc lạc hội đã gây tranh cãi vì tác phẩm phơi bày xung đột ý thức hệ giữa các bà mẹ và các cô con gái. Người mẹ điển hình cho tư tưởng Trung Hoa cổ xưa, lạc hậu, mang tính nô lệ và cô con gái sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tự do, bình đẳng. Hai thế hệ phụ nữ lần lượt kể lại kinh nghiệm của họ để dần dần hòa giải sự khác biệt văn hóa mà từ trước tới nay làm cho họ trở nên xa lạ, và cách hòa giải của mỗi cặp mẹ-con đều khác nhau. Mong muốn của cả hai thế hệ là hòa nhập trên đất Mỹ bằng cách này hay cách khác. Trong trang nhất của tiểu thuyết, Amy Tan liệt kê danh sách nhân vật, trong đó, một bên là tên các bà mẹ, và một bên, là tên các cô con gái, đối xứng nhau, như trong một bàn cờ vua. Trong cờ vua, khi con tốt vượt qua sông và đến cuối bàn cờ bên kia, nó trở thành con hậu, giống như những cô con gái, sau khi vượt qua những xung đột sẽ đạt đến sự tự tin và hiểu biết chính mình (self-understanding). Đây là một ẩn dụ của tác giả. Và điều này, là ảnh hưởng từ học thuyết của nhà thơ Mỹ Emerson: Know Thyself (Biết Chính Mình). Chính Amy Tan cũng thừa nhận trong một bài phỏng vấn rằng: “ một phần những trang viết của tôi là để giúp tôi khám phá tôi biết gì về mẹ tôi và tôi biết gì về chính bản thân mình”(10). Hình ảnh con vịt biến thành con ngỗng, rồi thành thiên nga xuất hiện trong truyện như một biểu tượng cho niềm hy vọng, khát vọng thay đổi và hòa nhập của người nhập cư:
“Rồi bà và con thiên nga cố vượt hàng ngàn dặm biển, cổ vươn về nước Mỹ. Trên cuộc hành trình, bà thủ thỉ với con thiên nga: “Ở Mỹ, ta sẽ có một đứa con gái giống như mi. Nhưng ở đó sẽ không ai cho rằng giá trị của con ta được tính bằng mức ăn to nói lớn của chồng nó. Ở đó sẽ không ai khinh dễ nó, bởi vì ta sẽ bắt nó nói tiếng Anh đặc giọng Mỹ. Và ở đó nó sẽ quá no đủ không còn nuốt được nỗi buồn nào!”(11). Nhưng rồi khi sang Mỹ, những khó khăn của cuộc sống đã khiến bà quên đi mục đích đó của mình. Tuy vậy, con gái bà khi lớn lên cũng vẫn trở thành đặc Mỹ, nói tiếng Mỹ, uống coca cola nhiều hơn là nỗi buồn… và xung đột thế hệ, xung đột văn hóa từ đó mà ra. Chi tiết này nói lên được rất nhiều điều: chế độ gia trưởng ở Trung Quốc hạn chế sự phát triển của phụ nữ Trung Quốc. Tuy nhiên, viên chức phụ trách nhập cư Mỹ làm mất con thiên nga, chỉ để lại người phụ nữ một chiếc lông duy nhất. Hành động này, cùng với các hình thức nhập cư, cho thấy rằng Hoa Kỳ cũng có hạn chế của nó. Và làm vỡ mộng những di dân nhập cư.
Thế hệ thứ hai, là con của những người di tản, họ không phải chật vật đấu tranh với những hồi ức ở Việt Nam, Họ muốn được lắng nghe, nhưng không muốn bị đánh giá hay giải thích. Những xung đột thế hệ diễn ra thường xuyên, với cấp độ ngày càng cao giữa mẹ và con gái, về mọi thứ: chiến tranh, tình yêu, cái chết, nghề nghiệp…
Hầu hết những tác phẩm đầu tay của các nhà văn nữ di dân đều có bóng dáng người mẹ. Người mẹ phần lớn đều từ Sài Gòn, đều gắn với chiến tranh và sau đó di dân sang Mỹ: Dao Strom, trong tập truyện ngắn đầu tay, Grass Roof, Tin Roof (Nhà tranh, Nhà sắt), miêu tả người mẹ của mình (cũng chính là nhà báo Nguyễn Thị Thái, bút danh Trùng Dương), một nhà báo ở Sài Gòn, sau đó sang Mỹ, lấy một ông chồng Đan Mạch gốc Mỹ (những chi tiết giống với cuộc đời người mẹ).
Monique Truong trong cuốn sách thứ nhất, Book of Salt (Sách Muối) ghi lời đề tặng: “tặng cha tôi, người đàn ông lang thang, nhưng cuối cùng đã trở về nhà”, còn trong cuốn thứ hai: Bitter in the Mouth (Đắng nghét trong miệng), cô ghi lời đề tặng đơn giản “tặng mẹ tôi”.
Le thi diem thuy cũng miêu tả những xung đột giữa mẹ và con gái trong The Gangster We Are All Looking for (Tên du đãng mà chúng ta đang tìm kiếm).
Tác phẩm tập trung viết về xung đột “mẹ và con gái” đặc trưng nhất của văn học di dân nữ Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định là Monkey Bridge. Với lời đề từ: Tặng mẹ, Lan Cao viết Monkey Bridge để nói về cuộc đời của mẹ cô, một phụ nữ Sài Gòn tên là Thanh, và cô con gái, là Mai. Monkey Brigde có chủ đề giống với Phúc lạc hội. Nội dung kể về mối quan hệ giữa hai mẹ con. Đầu truyện, người mẹ bị bệnh nằm bệnh viện, và đứa con dần dần nhớ lại chuỗi ngày khi hai mẹ con bắt đầu đặt chân lên đất Mỹ năm 1975, phải cố gắng hòa nhập với cuộc sống mới như thế nào, và miêu tả những xung đột giữa mẹ và cô, như là những xung đột thế hệ, xung đột giữa một bên hòa nhập thích nghi rất tốt, và một bên không thích nghi được với cuộc sống Mỹ, ví dụ người mẹ bắt con gái làm theo ý mình mặc dù nó không thích, người mẹ không quan tâm tới an toàn của con (vì bà luôn cảm thấy bản thân bà cũng không an toàn), ví dụ như người mẹ luôn xem cô là một đứa trẻ dù cô đã 17 tuổi, tuổi mà cô tự cho mình đã trưởng thành, cách nhìn về cuộc đời, về con người của hai mẹ con cũng khác nhau rất nhiều, chủ yếu là do người mẹ thì được giáo dục ở Việt Nam, ảnh hưởng Phật giáo hoặc tương tự Phật giáo như đạo Cao Đài, môi trường nông thôn, còn con gái thì lớn lên ở Mỹ, hấp thu văn hóa Mỹ, đoạn văn sau đây trích trong nhật ký của người mẹ cho chúng ta thấy rõ điều này: “…sự thật là, giữa chúng tôi có một sự liên hệ, mạnh mẽ và chắc chắn, giống như những mạch máu của trái tim vậy. Ở đất nước này, họ gọi là di truyền học (genentics), nhưng ở Việt Nam, chúng tôi gọi là “nghiệp” (karma). Mai tin vào di truyền vì thầy giáo Mỹ của nó dạy nó từ khi nó đến trường, còn tôi tin vào nghiệp vì tôi đã chứng kiến điều đó cả cuộc đời tôi. Di truyền và nghiệp, chúng gắn kết với nhau như hai sợi chỉ trên tấm thảm. Nếu anh tin một hòn đá cuội rơi vào cái ao sẽ tạo ra những gợn sóng vòng tròn, như vậy anh sẽ tin vào sức mạnh của nghiệp”(12).
Những khác biệt về tư tưởng kiểu như vậy ngày càng đẩy người mẹ và đứa con xa nhau “những khát khao xung đột nhau của mẹ đã để con với những im lặng vô hình như những tiếng thở dài tạo thành những bóng đêm trong cuộc sống của chúng ta”(13). Bản thân người mẹ cũng đã phải chật vật đấu tranh với những hồi ức, những khó khăn của bà, do đó, chúng ta không thể lên án người mẹ được. Còn đứa con gái, cô cũng phải tìm cách thoát khỏi ám ảnh của quá khứ để hòa nhập, nên cũng không thể trách cô. Cả hai đều phải đấu tranh để tồn tại nơi xứ người, nhưng lại không hòa hợp được với nhau.
Tương tự như trong Phúc lạc hội, qua những dòng nhật ký của người mẹ, hoặc qua những lá thư của mẹ gửi lại cho con gái, lúc đó người con mới hiểu tấm lòng của mẹ mình, dù có những “khoảng cách thế hệ”, nhưng chưa lúc nào người mẹ thôi khát khao thấu hiểu con gái mình.
Kim An-Lieberman trong luận án của mình cũng đã gọi Monkey Bridge là “câu chuyện về “mẹ-con gái” (mother-daughter tale)(14)
“Mẹ và con gái” là một thuật ngữ không phải chỉ để nói đến xung đột giữa mẹ-thế hệ trước, và con gái- thế hệ sau, mà còn nói đến tiến trình hòa nhập của thế hệ trẻ với văn hóa Mỹ, cuộc sống Mỹ. Như đã nói, “Mẹ” tiêu biểu cho văn hóa cố quốc (“motherland” đồng nghĩa với “homeland”), “con gái” đại diện cho văn hóa Mỹ (newland). Hay nói cách khác, chủ đề này muốn thông qua những “generations gap”(khoảng cách thế hệ) để nhấn mạnh theo một cách khác cách thức hòa hợp và hội nhập nơi xứ người. Cả hai thế hệ đều phải tìm cách cân bằng mối quan hệ giữa các thế hệ để có thể sống tốt. Nói rộng ra, chủ đề này nhấn mạnh đến việc con người phải vật vã thế nào để hội nhập với cuộc sống mới mà không mất đi gốc gác và nhân thân của mình.
TRÍCH DẪN
1. Siding With the Other: Collaboration and the Emergence of Vietnamese American Literature, luận án tiến sĩ của Kim-An Lieberman, 2002, UC Berkeley, tr.67-108.
2. Chuyển dẫn từ Siding With the Other: Collaboration and the Emergence of Vietnamese American Literature, sđd, tr.67.
3. Chuyển dẫn từ Siding With the Other: Collaboration and the Emergence of Vietnamese American Literature, sđd, tr.71.
4. Eva Hoffman, “Books of the Times,” điểm sách When Heaven and Earth Changed Places, by Le Ly Hayslip, New York Times 17 May 1989, chuyển dẫn từ Siding With the Other: Collaboration and the Emergence of Vietnamese American Literature, sđd, tr.90.
5. Frances McCue, “An American Now,” điểm sách Child of War, Woman of Peace, by Le Ly Hayslip, New York Times Book Review (11 Apr. 1993), chuyển dẫn từ Siding With the Other: Collaboration and the Emergence of Vietnamese American Literature, sđd, tr. 94.
6. Images of Asian American Women by Asian American Women Writers, Esther Mikyung Ghymn, Library of Congress Cataloging-in-Publication Data 1995, tr.11-36.
7. Negotiating identities: an Introduction to Asian American Women's Writing, Helena Grice, Manchester University Press 2002, tr.35-76: mother-daughter writing of the 1970s and 1980s.
8. Migrant Writing and Identities in the Asian Pacific: Emplacing the Displaces (2010), Nimi Agnes Jayathurai, Luận án tiến sĩ, ĐH Houston, tr. 38-78.
9. The Woman Warrior, p.5, 235. Chuyển dẫn từ Images of Asian American Women by Asian American Women Writers, sđd, tr.14
10. Amy Tan A Voice of One’s Own, Henderson, Katherine Usher, Boston: Houghton Mifflin Co.1999, tr.22. Đoạn gạch dưới là NV-TLHT nhấn mạnh.
11. Phúc lạc hội, Amy Tan, Nxb Trẻ 1993, tr.1
12. Monkey Bridge, Lan Cao, Penguin Books 1997, tr.170.
13. Monkey Bridge, sđd, tr.228.
14. Siding With the Other: Collaboration and the Emergence of Vietnamese American Literature (2002), Kim-An Lieberman, luận án tiến sĩ, UC Berkeley, tr.28.
TÓM TẮT
Theo tìm hiểu, số nhà văn nữ Việt Nam hiện đang sinh sống và sáng tác tại Hoa Kỳ thành công có khoảng hơn 30 người, bao gồm cả ba thế hệ: một, một rưỡi và hai.
Văn học nữ Việt Nam tại Hoa Kỳ có nhiều đặc điểm và đề tài thú vị: tính tự truyện, tính chất “đồng sáng tác”, đề tài về quê nhà, về lịch sử, về chiến tranh, về nhân dạng, về “mẹ và con gái”...
Bài viết tập trung khai thác đặc điểm “đồng sáng tác” thể hiện rất rõ ở những tác phẩm viết bằng tiếng Anh thời kỳ đầu của văn học di dân, và đề tài “Mẹ và con gái” qua tác phẩm Monkey Bridge của Lan Cao.