Từ nàng tiên cá của Hans Christian Andersen đến nàng tiên cá của Walt Disney

I. TỪ NÀNG TIÊN CÁ CỦA ANDERSEN ĐẾN NÀNG TIÊN CÁ CỦA WALT DISNEY.

 

I.1. NÀNG TIÊN CÁ CỦA ANDERSEN.

 

Nàng tiên cá là câu chuyện cổ tích quá quen thuộc “khi người ta trẻ”.  Ra đời năm 1836, Nàng tiên cá trở thành một trong những truyện nổi tiếng trong số 168 truyện kể của Andersen. Câu chuyện kể về nàng công chúa út sống dưới đáy biển khơi, nơi “nước xanh hơn cánh hoa mua biếc nhất, trong vắt như pha lê, nhưng sâu thăm thẳm, sâu đến nỗi neo buông không tới đáy…” cùng vua Thủy tề và bà Hoàng Thái hậu. Nàng đẹp nhất và hát hay nhất trong số 6 chị em, mỗi người cách nhau một tuổi. Khi vừa tròn 15 tuổi, các cô sẽ được bơi trên mặt biển để tha hồ  nhìn ngắm thế giới đất liền. Nàng tiên út của chúng ta rất say mê những câu chuyện về đất liền và về con người.

 

Khi đủ 15, nàng được thám hiểm trên mặt biển, nàng nhìn thấy một chiếc thuyền to và một hoàng tử xinh đẹp và lập tức yêu ngay hình bóng chàng. Sau đó một trận bão lớn đã đến, chàng hoàng tử dần chìm xuống và sẽ chết đuối nếu không có nàng cứu sống, thế nhưng bi kịch là chàng hoàn toàn không biết sự có mặt của nàng vì lúc đó chàng bất tỉnh.

 

Nàng tiên cá đắm say chàng hoàng tử, thường bơi đến nhìn ngắm chàng và ao ước mình có một linh hồn bất tử sau khi chết chứ không tan ra thành bọt biển như mình (dù có sống đến 300 năm!). Đánh liều, nàng đã tìm đến bà phù thủy sống ở vực xoáy và được đề nghị sẽ có môt cặp chân dài mà “dáng đi sẽ nhẹ nhàng uyển chuyển như một vũ nữ, nhưng mỗi bước đi sẽ đau như kim châm và ứa máu chân ra” ( có cái đẹp nào mà không phải trả giá?!), đổi lại, nàng phải từ bỏ giọng hát mê hồn của mình và chỉ có thể tìm tình yêu của hoàng tử bằng ánh mắt, tấm lòng, sắc đẹp… Nếu chàng hoàng tử không yêu nàng mà lấy người khác làm vợ, nàng sẽ phải chết và tan thành bọt biển. Vì tình yêu đối với con người, nàng tiên cá đã chấp nhận tất cả để bước vào cuộc thử thách.

 

Chia tay cha và các chị trong im lặng, nàng tiên cá lên bờ và gặp hoàng tử. Chàng thương yêu nàng như một người em gái và không hề biết rằng nếu mình không lấy nàng thì nàng sẽ phải chết.

 

Và điều gì đến sẽ phải đến, tim nàng tiên cá như vỡ tan khi hoàng tử sắp lấy công chúa nước láng giếng làm vợ.  Các chị gái của nàng đến bên nàng và đưa nàng một con dao, nếu nàng giết chết hoàng tử thì nàng sẽ trở lại là thủy nữ và tự do. Nhưng than ôi làm sao nàng có thể giết chết niềm mơ ước và hy vọng của mình. Nàng buông dao và buông mình xuống biển ngay khi vầng dương vừa mọc, thân thể tan thành bọt biển.

 

Nhưng nàng không chết, nàng trở thành con gái của không trung, một điều không thể thiếu đối với loài người. 300 năm nữa nàng sẽ bay lên thiên đàng với môt linh hồn mà nàng mong ước có. Với mỗi đứa trẻ ngoan nàng sẽ bớt đi được một năm, và với những đứa trẻ xấu, thời gian thử thách sẽ tăng lên một ngày. Hy vọng là nàng nhanh chóng thành thiên thần, vì có rất nhiều đứa trẻ đáng yêu trên đời này.

 

Câu chuyện Nàng tiên cá có một kết thúc đáng buồn (như nhiều câu chuyện khác của Andrsen). Nó vừa thực vừa thần kỳ, huyền ảo, đơn giản mà sâu sắc, giàu tưởng tượng nhưng rất gần gũi, vừa vui vừa buồn đem lại cho chúng ta nhiều cảm xúc thẩm mỹ. Nàng tiên cá được kết cấu theo nhiều tầng ý nghĩa. Có phần linh hoạt, nhẹ nhàng, dí dỏm dành cho trẻ em (những đoạn miêu tả tiếng hát, phong cảnh dưới nước và trần thế…); có tầng sâu triết lý mà người lớn có thể rút ra qua những hình ảnh, biểu tượng. Nàng tiên cá đối với trẻ em là một cuộc đời và con người cụ thể nhưng với người đọc lớn tuổi lại là những biểu tượng có ý nghĩa tượng trưng. Bi kịch của nàng tiên cá có phải chỉ là vì không được chàng hoàng tử đáp lại tình yêu? Tình yêu có những lý lẽ riêng của nó mà chúng ta khó có thể giải thích hay bắt buộc. Andersen hẳn biết điều đó. Vấn đề của nàng ở đây là sự ý thức “ vượt lên số phận” và muốn “sống khác đồng loại”. Nếu như các chị của nàng chỉ xem mặt đất trần gian là chỗ vui chơi, thỏa trí tò mò, và vẫn cho rằng không đâu kỳ diệu bằng đáy biển, thì nàng út cho rằng đó là nơi tuyệt vời nhất, thế giới trên bờ rộng hơn giang sơn của nàng rất nhiều, nàng yêu con người có đôi chân thanh thoát đẹp đẽ trong khi bà của nàng cho rằng cặp chân đó nặng nề quá. Nàng ao ước:“ sẵn sàng biến ba trăm năm của mình để được thành người, dù chỉ sống một ngày để linh hồn được lên thiên đàng”, để đừng tan thành bọt biển hư vô. Và nàng sẵn sàng trả giá cho quyết định của mình, từ sự chia tay với quê hương, gia đình, từ giọng hát mê ly, và cuối cùng là đến cả mạng sống để được một lần thử làm người, được đau đớn về thể xác, được nếm trải tình yêu, được tan nát con tim khi chứng kiến người mình yêu đi yêu người khác… Bi kịch muốn trở thành người của nàng là một thành công làm say đắm độc giả hơn 100 năm qua.

 

Nàng tiên cá đã trở thành một biểu tượng của đất nước Đan Mạch nhỏ bé và hiền hòa, nhân ái. Bức tượng nhỏ nhắn nàng tiên cá được đặt ở Copenhagen, do Carl Jacobsen vẽ ra sau khi xem xong vở ballet về câu chuyện huyền thoại này. Được Edward Eriksen tạc và hoàn thành ngày 23.8.1919, trải qua nhiều thăng trầm (bị mất, bị chặt đầu…), ngày nay bức tượng được gắn cố định trên một tảng đá. Nó rất nhỏ bé, chỉ cao 1.25m và nặng 175 kg. thế nhưng đã có nhiều nơi tạc giống như vậy ví dụ như ở Solvang, California, hay Napier ở New Zealand (thậm chí nơi đây còn có một huyền thoại khá giống với nàng tiên cá).

 

I.2. ĐẾN NÀNG TIÊN CÁ CỦA W.DISNEY.

 

Nàng tiên cá có rất nhiều phiên bản. Một trong những bộ phim sớm nhất làm sống lại hình ảnh nàng là Rusalochka (tiếng Nga nghĩa là nàng tiên cá) của điện ảnh Xô viết năm 1968. Sau đó năm 1976 cũng có một phim tương tự do điện ảnh Nga và Ba Lan hợp tác.

 

Năm 1984, một phim của Holywood do Ron Howard làm đạo diễn với Tom Hanks và Daryl Hannah đóng dựa trên tiền đề là nàng tiên cá nhưng cốt truyện lỏng lẻo hơn.

 

Năm 2003-2004, Bi kịch Nàng tiên cá trong một chương trình mang tên Pichi Pichi Pitch của Truyền hình Tokyo cũng gợi cảm hứng từ Nàng tiên cá của Andersen. Một điều thú vị là câu chuyện về nàng tiên cá gây hấp dẫn với khán giả Nhật Bản và được tiếp thu nhiều nhất trong số các câu chuyện huyền thoại đến từ phương Tây. Sự tiếp nhận đầu tiên là vào năm 1970 với một phim hoạt hình truyền hình nhiều tập mang tên Nàng Mako huyền ảo do công ty phim hoạt hình Toei và đạo diễn là Yugo Serikawa, căn bản đã giữ nguyên cốt truyện nhưng chuyển sang thời hiện đại Nhật Bản. Nàng tiên cá, tên là Mako, vào một trường trung học, gặp người yêu là Hakira và đôi hoa tai thần kỳ của nàng chính là “giọt nước mắt của nàng tiên cá”. Câu chuyện này là phim hoạt hình sớm nhất về nàng tiên cá, rất phổ biến ở phương Tây và Nhật Bản nhưng chưa phát hành bằng tiếng Anh.

 

Phim hoạt hình thứ hai cũng của hãng Toei, đạo diễn là Tomoharu Katsumata làm năm 1975 với tựa đề là Anderusen Dowa Ningyo Hime (Truyện của Andersen: Nàng Tiên cá). Nàng tiên cá có mái tóc vàng óng được mang tên là Marina (tiếng Anh có nghĩa là biển cả, bến cảng). Phim sau này được phát hành bằng tiếng Anh tại nhiều nước phương Tây. Những người theo chủ nghĩa thuần tuý đánh giá nó cao hơn phim của W.Disney sau này nữa, có lẽ vì nó gần với nguyên tác hơn sản phẩm của W.Disney.

 

Trong làn sóng thành công của sản phẩm Nàng tiên cá W.Disney, một bộ phim hoạt hình thứ ba của Nhật Bản là một phim truyền hình 26 tập của Nhật làm năm 1991 mang tên Những cuộc phiêu lưu của nàng tiên cá Marina. Bộ phim này được hợp tác giữa Nhật và Hàn Quốc với hai đạo diễn là Takehiro Miyano và Yun Suk Hwa cũng miêu tả nàng tiên cá Marina có mái tóc vàng óng.

 

Gần đây nhất, tháng 4.2005, kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Andersen, nhà hát hoàng gia Ballet Đan Mạch đã mời Lera Auerbach, nhà soạn nhạc quốc tịch Nga Mỹ viết một vở nhạc kịch hiện đại dựa trên huyền thoại này .

 

Trở lại bộ phim Nàng tiên cá của W.Disney, đây là bộ phim hoạt hình nổi tiếng thứ 28 của hãng này, được phát hành ngày 17.11.1989 với độ dài 82 phút. Là phim đầu tiên của hãng W.Disney dựa trên truyện cổ tích trong vòng 30 năm nay (phim cuối cùng là Công chúa ngủ trong rừng, được làm từ năm 1959).

 

Bộ  phim kể về nàng tiên cá Ariel yêu đời và tinh nghịch, yêu mến con người đất liền. Mặc dù vua cha cấm không cho lên bờ và phải sống mãi với thế giới đáy biển sâu, nàng vẫn bơi lên bờ và đã cứu thoát Eric, chàng hoàng tử của giấc mơ nàng. Quyết định trở thành người, nàng đánh đổi với bà phù thuỷ Ursula giọng nói để có đôi chân xinh đẹp. Với sự trợ giúp của nhiều người bạn tốt như Flounder (cá bống sặc) và Sebastian (cua)… Ariel đã chinh phục được tình yêu của hoàng tử và cứu được vương quốc của cha nàng trong cuộc chiến với bà phù thủy…

 

Khỏi phải nói bộ phim làm vừa lòng các khán giả nhỏ tuổi ra sao. Gần như cốt truyện của Andersen được giữ nguyên, chỉ phần kết thúc được thay đổi có hậu hơn. Không kể hiệu quả về âm nhạc, hình ảnh, màu sắc… rất thích hợp với trẻ em, mà ngay cả chi tiết cũng được chăm chút: hài hước hơn, gay cấn hơn. Các nhà làm phim hoạt hình bỏ qua hình ảnh năm cô chị của nàng tiên cá, mà thay vào đó là hình ảnh hai người bạn đáng yêu của Ariel là những sinh vật dưới đáy biển. Lời thoại, chi tiết dí dỏm (ví dụ chi tiết Ariel cầm cái nĩa lên chải đầu vì nghĩ rằng đó là cái lược…). Tóm lại Nàng tiên cá của W.Disney là một tác phẩm cho trẻ em thuần túy, hoặc cho cả người lớn nào muốn trở về thế giới tuổi thơ, bù đắp cho một tuổi thơ quá thiếu thốn của mình. Các nhà làm phim tiếp thu thế giới đa thanh của Andersen:  con người, cỏ cây, sinh vật không có ngăn cách trong quan hệ giao tiếp và giao cảm. Tiếp thu những quan niệm đạo đức: lòng nhân ái, thương người, nâng niu những mơ ước xinh xắn và xót xa trước bất hạnh của người khác, biết giúp đỡ và quan tâm dến người khác… Có thể nói phim mang tính chất giải trí, đem lại sự thanh thản, tươi vui và những bài học nhẹ nhàng cho thế giới tuổi thơ.

 

Tuy vậy, những dụng ý tư tưởng mà chỉ có người lớn mới hiểu được trong truyện của Andersen hoàn toàn không xuất hiện trong phim của W.Disney, thay đổi kết thúc, đó cũng là thay đổi tư tưởng của câu chuyện này.

 

Đến năm 1997, phần 2 của Nàng tiên cá lại được tiếp tục với tựa Trở về biển cả. Lần này, Ariel và Eric trở về biển để tìm lại đứa con bị bà phù thủybắt cóc. Trải qua bao gian truân, khó khăn và sự mưu trí của đứa bé, gia đình họ đã đoàn tụ. Phiên bản của Nàng tiên cá ở phần 2 này chủ yếu chỉ là những cuộc phiêu lưu mang tính chất giải trí đơn thuần.

 

 

 

II.                 VÀ NHỮNG TRUYỆN KHÔNG CÓ HẬU KHÁC CỦA ANDERSEN.

 

 

 

Từ sự so sánh việc thể hiện câu chuyện Nàng tiên cá lên màn ảnh, bỏ qua những yếu tố thuôc về đặc trưng thể loại, chúng ta thấy rất rõ Nàng tiên cá của Andersen là một truyện không có hậu (tức kết thúc không mỹ mãn, không happy- end), và đây là môt đặc điểm thi pháp kết cấu khá phổ biến trong các truyện của ông.

 

Motýp “ở hiền gặp lành” trong cổ tích đến Andersen thì không còn tuyệt đối nữa. Cô bé bán diêm, Nàng tiên cá, Chú lính chì dũng cảm, Cái bóng, Mụ ấy hư hỏng, Bông cúc trắng, Nữ thần băng giá, Bên gốc liễu, Một cặp tình nhân… đều là những kết thúc chia ly, tan tác, chết chóc… Nếu so với hệ thống những truyện kết thúc có hậu khác (Con trai người gác cổng, Chiếc bật lửa, Người bạn đồng hành, Đôi giày hạnh phúc, Ong già làm gì cũng đúng, Giăng bị thịt, Cu Lớn và cu Con…) thì số lượng truyện- cổ –tích- mà – không – phải- là – cổ- tích chiếm đa số. Chứng tỏ rằng Andersen có lẽ ý thức mình viết truyện không phải chỉ để làm hài lòng độc giả nhỏ tuổi mà ông còn nung nấu một ước vọng trường tồn qua những suy tư dành cho người lớn. Ví dụ ở Nữ thần băng giá, có thể để Ruyđi và Babet lấy nhau và sống hạnh phúc bên nhau, nhưng ông đã để Ruyđi chết vào đúng ngày lễ kết hôn, và buông một triết lý sâu sắc: “Can chi mà buồn. Nó chỉ cướp được cái vỏ, nhưng chẳng cướp được con người”. Tôi thấy lung linh cái ý nghĩa sâu sắc về tình yêu mà sau này S.Maugham cũng đúc kết trong truyện ngắn Chàng Đỏ: “Bi kịch trong tình yêu không phải là cái chết hay sự chia ly. Thật là đau đớn và khủng khiếp khi anh nhìn vào một người đàn bà mà anh đã yêu thương bằng cả trái tim để đến nỗi không thể sống thiếu nàng được… Rồi giờ đây nhìn vào nàng anh tự nhủ: Không có nàng thì cũng chẳng sao hết. Bi kịch trong tình yêu chính là sự lãnh đạm…”. Hay nàng tiên cá không được sống hạnh phúc bên chàng hoàng tử và tan thành bọt biển. Nhưng chả phải mong ước lớn nhất đời nàng là được có linh hồn, được bất tử nơi thiên đàng hay sao? Thì Andersen đã để điều đó xảy ra. Những kết thúc đó có thể làm cho trẻ em buồn, đau đớn, suy tư… nhưng chắc chắn chúng cũng đem đến cho trẻ những hy vọng, niềm tin, lòng trắc ẩn, bài học làm người và sống trên đời… những điều đó giá trị hơn nhiều việc chỉ chăm chăm làm cho trẻ tin rằng cuộc đời này toàn đẹp như cổ tích. Ông là một nhà thơ viết cổ tích bằng tấm lòng thiện lương trong sạch như kiểu Puskin “muôn năm ánh sáng, bóng tối cút đi”, cho dù truyện ông có kết thúc buồn đến đâu chăng nữa…

 

            Pautovsky gọi Andesen là “người kể chuyện cổ tích”, nhưng là một người kể chuyện tuyệt hay ở chỗ “trong mỗi truyện cổ tích cho trẻ con còn có một truyện cổ tích khác mà chỉ người lớn mới có thể hiểu hết ý nghĩa của nó”. Thực ra có lẽ nên hiểu “cổ tích” ở đây như một cách thức sử dụng những đặc điểm về thời gian, không gian, nhân vật, phương thức tự sự… chứ không phải ý muốn nói ông là một người thuật truyện, sưu tầm truyện cổ theo kiểu Grim.

 

            Sinh thời, Andersen rất ngưỡng mộ C.Dickens, đã từng đến ở nhà Dickens và cho rằng Dickens thật là vĩ đại. Không có ý so sánh, nhưng thật ra, mỗi nhà văn đều lớn theo cách của mình không giống một ai khác. Như mong ước cháy bỏng được có linh hồn bất tử của nàng tiên cá, Andersen cũng bất tử như vậy đối với người đọc bao thế hệ, 200 năm qua…

 

 

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO

 

 

  1. Truyện cổ Andersen, Nguyễn Văn Hải, Vũ Minh Toàn dịch, NXB Đà Nẵng 2002.(Những trích dẫn từ bài viết là lấy từ tư liệu này)
  2. Nàng tiên cá, một số biến thái và phát triển của đề tài, Đặng Thị Hạnh, TC Văn học số 1.1996.
  3. Người kể chuyện thiên tài Andersen, Vân Thanh, TC Vănhọc số 1. 1996.
  4. Truện cổ của H.Andersen, Hà Minh Đức, TC Văn học số 12, 1997.
  5. http:// hca.gilead.org. il/chron.html.

 

 

TIỂU SỬ HANS CHRISTAN ANDERSEN

 

(Sven Hakon Roseel, trích từ sách: Hans Christian Andersen: Nhà văn Đan Mạch và công dân thế giới, 1996)

 

 

 

1805

 

Hans Christian Andersen sinh ngày 2.4.1805 tại Odense, Đan Mạch.

 

1819

 

Rời Odense đến Copenhagen.

 

1819-1822

 

Sống ở Copenhagen.

 

1822

 

Nỗ lực tuổi trẻ: bước đầu của Andersen với tư cách là một nhà văn.

 

1822-1827

 

Đi học ở Slagelse và Elsinore.

 

1828

 

Đậu kỳ thi vào trường Đại học Copenhagen.

 

1829

 

Chuyến bộ hành từ kênh Holmen đến Viễn Đông Amager trong năm 1828 và 1829: thử viết kịch với vở Tình yêu ở Tháp nhà thờ thánh Nicholas.

 

1830

 

Làm thơ.

 

1831

 

Tưởng tượng và phác họa. Chuyến du lịch đầu tiên đến Đức, ra mắt Lugwig Tieck ở Dresden. Bức tranh bóng tối từ chuyến du hành đến Núi Harz và Thụy Sĩ… vào mùa hè 1831. Buổi nói chuyện đầu tiên của Andersen.

 

1833

 

Tuyển tập thơ ca.

 

1833-1834

 

Du lịch đến Pháp và Ý, gặp Heirich Heine và V.Hugo ở Paris, Bertel Thorvaldsen (nhà điêu khắc) ở Rome. Thăm Munich và Vienna.

 

1835

 

Nhà ứng tác, tiểu thuyết đầu tiên của Andersen. Những truyện thần tiên, kể cho trẻ em, tuyển tập truyện thần tiên đầu tiên của Andersen.

 

1835-1841

 

Thêm năm tuyển tập truyện thần tiên nữa.

 

1837

 

Du lịch đến Thụy Điển, gặp gỡ  Frederika Bremer.

 

1839.

 

Sách ảnh không có ảnh.

 

1840

 

Thiếu nữ Marốc.

 

1840-1841

 

Du lịch đến Ý, Hy Lạp và Constantinople, trở về thông qua ngã Balcan, Dresden và Lepzig, nơi đây Andersen gặp Felix Mendelssohn- Bartholdy.

 

1841

 

Gặp gỡ Franz Liszt ở Copenhagen.

 

1843

 

Gặp Clara Schumann ở Copenhagen. Lại du lịch đến Pháp và Đức. Yêu Jenny Lind (nữ danh ca).

 

1843-1848

 

Năm tuyển tập truyện thần tiên nữa.

 

1844

 

Du lịch đến Đức. Nhận lời mời đến thăm vua Christian VIII ở đảo North Frisian.

 

1845-46

 

Lại đi du lịch đến Đức, Ao và Ý. Tháng 6.1846 trở thành Hiệp sĩ do vua Friedrich Wilhelm IV phong tặng.

 

1847

 

Chuyện đời tôi. Đi du lịch đến Anh và Scotland. Gặp gỡ C.Dickens.

 

1848

 

Hai nữ nam tước.

 

1849

 

Du lịch Thụy Điển. Nhận lời mời của vua Oscar I.

 

1849-1855

 

Du lịch nhiều lần ở Đức, Ý, Thụy Sĩ. Gặp Richard Wagner ở Zurich. Hai tuyển tập nữa. Huyền thoại đời tôi.

 

1857

 

Làm khách mời gia đình C.Dickens.

 

1858-1872

 

Thêm 11 tuyển tập truyện thần tiên nữa. Đi du lịch nhiều nơi Ý, Tây Ban Nha, Morocco, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan.

 

1865

 

Nhận lời mời của vua King Karl XV.

 

1867

 

Trở thành công công dân danh dự của thành phố Odense.

 

1870

 

Chàng quý tộc may mắn, tiểu thuyết cuối cùng của Andersen. Gặp gỡ Henrik Ibsen (nhà soạn kịch).

 

1871-1874

 

Tiếp tục du lịch đến Na Uy, Đức, Ao, Thuỵ Sĩ- chuyến du lịch cuối cùng trong đời ông.

 

1875

 

Mất ngày 4.8, tại Rolighed ở Copenhagen, đám tang được tổ chức tại thánh đường Copenhagen ngày 11.8.

 
 
 
 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63004859
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11333
17565
63004859

Thành viên trực tuyến

Đang có 326 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website