Pushkin trong sự tiếp nhận của một nhà thơ Mỹ

Pushkin, nhà thơ lớn của dân tộc Nga, đã từ lâu được độc giả thế giới biết đến và yêu mến. Mỗi dân tộc tiếp nhận nhà thơ với những tình cảm riêng của mình.
Pushkin đến với nước Mỹ từ thế kỷ trước. Một trong những bài giới thiệu đáng chú ý đầu tiên về Pushkin với bạn đọc Mỹ là bài báo của nhà thơ Mỹ John Greenleaf Whittier (1807-1892) đăng trên tờ The National Era ở Washington D.C. ngày 11 tháng 2 năm 1847. Pushkin từng được ví với Goethe của nước Đức, Shakespeare của nước Anh, Dante của nước Ý,... nhưng ở đây, trong bài báo của mình, Whittier đã nói về Pushkin như một nhà thơ mang trong mình dòng máu của người da đen.


Bài báo của Whittier viết nhân kỷ niệm 10 năm mất của Pushkin. Nỗi xúc động đau thương về cái chết của nhà thơ Nga vẫn còn mới nguyên trong lòng nhà thơ Mỹ , dường như Pushkin vừa ra đi ngày hôm qua, chứ không phải đã mười năm trước. “Ngày 29 tháng giêng 1837, trong một lâu đài quý tộc ở phía bắc thủ đô (tức Petersburg) bên bờ sông Neva, một con người vĩ đại đang hấp hối....Ánh sáng vĩ đại đang dần tắt đi. Alexander Pushkin - nhà thơ và nhà sử học, người được cả hoàng đế và nhân dân yêu mến - ngã xuống trong cuộc quyết đấu định mệnh hai ngày trước đó, đang nằm chờ được gọi sang thế giới bên kia. Và khi cuối cùng nhà thơ Zhukovsky chan hòa nước mắt thông báo cho đám đông đang lo lắng chờ đợi rằng bạn của ông không còn nữa, thì những người quý tộc và những người nông dân đều cúi đầu trong niềm thương tiếc. Trái tim giá lạnh của Phương Bắc xót đau vì một tổn thất lớn lao. Nhà thơ của nước Nga, người duy nhất của thời đại có thể choàng chiếc áo danh dự của Derzhavin và Karamzin, đã đi vào cõi chỉ còn toàn bóng tối”
Nhưng điều đặc biệt gây nên nỗi xúc động nơi Whittier, cũng như với những người Mỹ của những năm 40 thế kỷ trước còn là: Alexander Pushkin là ai? “Con người tài năng nhường đó, vinh quang nhường đó, được tiếc thương nhường đó có thể nào lại là một người da màu - một người da đen?” Đối với người Mỹ lúc bấy giờ thật là điều khó thể nào tin được.
Alexandr Sergeevich Pushkin (1799-1837) sinh trưởng trong một gia đình quý tộc Nga. Mẹ nhà thơ là cháu của Ibrahim Hannibal, một người da đen đã được vua Pie Đại đế nhận làm con nuôi và hết lòng yêu mến. Hannibal làm đến chức tướng trong quan đội của Nga hoàng, được phong tước hiệu quý tộc và ban cho điền trang mang tên Mikhailovskoe, nơi Pushkin đã từng trải qua những tháng ngày bị lưu đày quản thúc, nơi đánh dấu nhiều công trình sáng tạo của nhà thơ. Niềm tự hào về nguồn gốc da đen của mình đã đưa Pushkin đến việc viết tác phẩm văn xuôi “Người da đen của Pie Đại đế”. Tuy tác phẩm chưa được hoàn thành, nhưng những gì đã viết ra cũng đã phác họa nên một hình tượng Hannibal hết sức hấp dẫn.
Tài năng vĩ đại và niềm tự hào về nguồn gốc da đen của Pushkin là một cổ vũ động viên lớn đối với Whittier, một nhà thơ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng nô lệ da đen ở nước Mỹ. “Tự do và chế độ chiếm hữu nô lệ không thể nào sống cùng nhau trong hòa thuận” đó là một sự thật mà Whittier đã từng tuyên bố trong một bài báo viết năm 1833 của mình.
Từ khi những người nô lệ da đen đầu tiên được đưa đến Jamestown, bang Virginia năm 1619, chế độ nô lệ dần mở rộng ra khắp nước Mỹ. Những người da đen đã là một nguồn lao động quan trọng cho nước Mỹ, nhất là cho các vùng nông nghiệp miền Nam chuyên trồng lúa gạo, bông vải và thuốc lá, nhưng số phận của họ trên đất Mỹ là số phận của những kẻ nô lệ bị áp bức bóc lột tàn bạo. Cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng nô lệ da đen đã diễn ra ngay từ buổi ban đầu, nhưng chỉ thực sự trở thành phong trào lớn từ đầu thế kỷ 19, và là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc nội chiến 1861-1865 ở Mỹ. Whittier là một trong những nhân vật nổi tiếng trong cuộc đấu tranh đó từ những năm 30 của thế kỷ trước. Vốn là con của một chủ trang trại nghèo người gốc Scotland ở tiểu bang Massachusetts, từ thuở nhỏ Whittier đã biết đến cuộc sống lao động cực khổ của người làm nông và được dạy dỗ về lòng nhân ái từ những trang Thánh Kinh mà ông cùng cha mẹ đọc mỗi ngày. Hồn thơ ca ông vì thế luôn hướng về cuộc sống lao động của những con người bình dị, những bài thơ về vùng đất thôn quê ở New England quê hương ông đầy chất hồn nhiên nhưng cũng dạt dào tình cảm. Whittier với hồn thơ- hồn người như thế đã đến với những con người tuy khác màu da với ông, nhưng là những con người, biết lao động nhưng cũng cần tự do bình đẳng. Rất nhiều những vần thơ và những trang viết của Whittier là dành cho cuộc đấu tranh chống chế độ nô lệ, tiêu biều là tập “Voice of Freedom”(Tiếng nói tự do) (1846), những tác phẩm thơ như “Song of Slaves in the Desert”(Bài ca của những người nô lệ trên sa mạc)(1847), “Massachusetts to Virginia” (Massachusetts gửi Virginia)(1843)
Whittier tìm đến với Pushkin, và nguồn gốc của Pushkin là một minh chứng hùng hồn cho giá trị của người da đen, chứng minh cho chân lý của cuộc đấu tranh mà ông theo đuổi. “Chúng tôi nói đến con người nổi tiếng này với mục đích phơi bày  sự điên rồ và phi lý của những định kiến chống lại người da màu trên đất nước này. Đó là một định kiến hoàn toàn không thích hợp với chủ nghĩa cộng hòa đã được khai sáng và giáo lý cơ đốc chân chính. Nó làm giảm giá trị của cả kẻ mang nó lẫn nạn nhân của nó. Đạp chân lên cổ người da đen, chúng ta chế giễu sự thua kém của họ; đuổi họ ra khỏi trường học, chúng ta phủ nhận khả năng cho tiến bộ trí tuệ của họ; từ chối sự chia sẻ của họ ở những nơi hội họp, nhà thờ, chúng ta trách mắng họ như những kẻ đồi bại không có khả năng vươn tới những phẩm giá đạo đức cao quý. Đó sự thực là gì nếu không phải là mưu kế để che dấu sự độc tài, là sự kiếm cớ cho sự áp bức bằng cách vu khống phỉ báng những đối tượng bất hạnh...”
Có lẽ trong buổi đầu làm quen, Whittier chưa biêt hết được giá trị của nhà thơ Nga. Ông còn nhầm khi viết “Pushkin được cả Nga hoàng và nhân dân yêu mến như nhau”. Ông cũng mới chỉ biết Pushkin là “nhà du hành thăm viếng tất cả mọi lãnh thổ lãng mạn của đế quốc mênh mông” (tức là thi ca). Whittier có lẽ cũng chưa biết đến cuộc đấu tranh của những người cùng thời đại với ông ở nước Nga, cuộc đấu tranh để giải phóng những con người khỏi nền quân chủ độc tài và chế độ chiếm hữu nông nô. Số phận những người nông nô Nga những thế kỷ trước nào có khác bao xa với số phận những người nô lệ da đen trên nước Mỹ. Pushkin là nhà thơ thiên tài, cũng đồng thời là nhà thơ của tự do, nhà thơ của những con người bình dị đang khát khao được giải phóng. Ông được nhân dân Nga yêu mến, nhưng lại là kẻ thù của Nga hoàng, bởi vậy ông không chỉ là “nhà du hành” mà còn từng là kẻ bị lưu đày. Thơ của Pushkin sở dĩ vang khắp đế quốc Nga cũng là bởi những âm thanh ca ngợi tự do, đòi giải phóng trong đó.
Whittier có thể chưa biết hết những điều này. Thậm chí có thể ông đọc chưa nhiều tác phẩm của Pushkin để hiểu về cuộc đời và sáng tác của nhà thơ Nga. Nhưng những tâm hồn đồng điệu của các nhà thơ đã tìm đến nhau, dễ dàng hòa nhập với nhau bằng những gì gần như của bản năng và huyết thống. Whittier đã hiểu Pushkin là người của chính ông, là người sẽ luôn cùng ông trong cuộc đấu tranh và trong sáng tạo thi ca. Và chúng ta cũng có thể thấy bóng dáng Pushkin, những câu thơ tự do của Pushkin thấp thoáng sau những lời của Whittier “Trong những  cuồng điên và tội lỗi của người da màu, trong tình yêu và lòng căm thù, trong đức hạnh và sự yếu ớt của họ, chúng ta vẫn nhìn thấy bản chất chung của con người, và nhận thức ra chân lý trong lời của Chúa : “Từ một loại máu Chúa đã làm ra mọi thế hệ loài người”.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62832498
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13443
13618
62832498

Thành viên trực tuyến

Đang có 510 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website