Những suy ngẫm về phương pháp so sánh mới trong nghiên cứu văn học (GS.Shih Shu-mei thuyết trình tại Khoa Văn học và ngôn ngữ)

             Sáng 24 tháng 4 năm 2014 đã diễn ra buổi sinh hoạt học thuật giữa các giảng viên, học viên cao học và sinh viên của Khoa Văn học và Ngôn ngữ với giáo sư Shih Shu-mei (Sử Thư Mỹ) đến từ Đại học California Los Angeles.

             Trong bài nói chuyện với nhan đề “Từ lịch sử thế giới đến văn học thế giới: Những suy ngẫm về phương pháp so sánh mới”, giáo sư Shih đã khái quát ba mô hình “văn học thế giới” đã được phổ biến ở phương Tây trong thời gian gần đây: đó là mô hình của nhà xã hội học người Pháp Pascale Casanova về “nền cộng hòa văn chương thế giới” với trung tâm là Paris; mô hình của giáo sư văn học so sánh Đại học Harvard (Hoa Kỳ) David Damrosch trong đó quan niệm văn học thế giới như văn bản văn học đã “lưu hành ngoài văn hóa gốc của nó” thông qua các phương thức lưu hành như dịch thuật, xuất bản; và mô hình của nhà xã hội học văn học người Ý Franco Moretti, người đã vận dụng các phương pháp quy nạp cùng nhiều công phu thu thập, thống kê tư liệu trên diện rộng để cố gắng đưa ra một bảng “niên đại tuyến tính”, chỉ ra tính chất “đa nguồn gốc” của một thể loại văn học phổ biến thế giới là tiểu thuyết. Phản biện của Shih với cả ba mô hình này là chúng đều ít nhiều chưa thoát khỏi chủ nghĩa trung tâm châu Âu, chủ nghĩa biệt lệ châu Âu (châu Âu: trong nghĩa rộng, bao hàm cả phương Tây), điều đã trở nên không chỉ không thức thời, mà còn có hại cho tư duy học thuật trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

             khắc phục điều đó, Shih chú trọng mối quan hệ giữa lịch sử với văn học (“Văn học thế giới xảy ra trong lịch sử thế giới và lịch sử thế giới bao gồm văn học thế giới”) và đưa ra “lý thuyết tương quan” (theory of relations), trong đó tương quan vừa là một cách để mô tả vừa là cách để nhận thức thế giới toàn cầu hóa, nơi diễn ra “tương tác vô hạn giữa các nền văn hóa” và diễn ra quá trình lai tạo không ngừng và rộng khắp. Công việc của nhà so sánh là bằng so sánh tương quan làm cân bằng một phần tình thế không đồng đều của văn học trên toàn thế giới, cho dù trên tổng thể là hoặc đại diện, bởi so sánh tương quan phá vỡ mô hình trung tâm - ngoại vi của lý thuyết hệ thống thế giới. Các văn bản tạo thành một mạng lưới các mối tương quan bất cứ ở nơi nào các văn bản được viết, đọc, và lưu hành. Do đó, bất kỳ văn bản nào, dù của các nước lớn hay các nước nhỏ, cũng đều có khả năng tham gia vào mạng lưới tương quan, tức tham gia vào tiến trình văn học thế giới.

             Nhìn nhận việc khắc phục chủ nghĩa trung tâm châu Âu, chủ nghĩa biệt lệ châu Âu là điều cần thiết và tất yếu trong lịch sử thế giới, song Shih cũng cảnh báo nguy cơ của những trung tâm bá quyền mới trong thời đại toàn cầu hóa. Bà hy vọng rằng quan niệm mới về văn học thế giới như là một tương quan mạng lưới các nhà văn và các văn bản kết nối hội nhập vào lịch sử thế giới sẽ mở ra khu vực địa lý mới của văn học, có nhiều khả năng đáp ứng đồng thời củng cố và thay đổi cấu hình chuyển giao quyền lực trong chính trị, kinh tế và văn hóa, tạo ra một sự công bằng hơn giữa các khu vực văn hóa trên thế giới.

             Là một học giả có uy tín về văn học so sánh ở Hoa Kỳ, Shih Shu-mei là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình về văn học so sánh, văn học Hoa ngữ, văn học di dân. Bà là giáo sư Khoa Văn học so sánh, Trường Đại học California Los Angeles, đồng thời cũng đang là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Hồng Kông.

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62981067
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5106
18300
62981067

Thành viên trực tuyến

Đang có 308 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website