Meetings of the Russians with Kawabata Yasunari

 Prof. Dr. Tran Thi Phuong Phuong

University of Social Sciences and Humanities –

Vienam National University HoChiMinh city

ABSTRACT

The topic of this conference is Vietnamese and Japanese literatures in East Asia comparative perspective. In modern time, the category of East Asia cultural region might include Far Eastern area of Russia, along with China and the countries of Sinographic culture. Russia with its vast territory spreading through Euroasian supercontinent is an embodiment of relativity of East - West cultural distinction: it is neither Eastern nor Western country. Maybe, this is one of the reasons of that Russian people in the meeting with their Japanese neighbors might feel at once strange and familiar. My paper talks about two meetings of the Russians with Japanese writer Kawabata Yasunari (one in real life, another in literature) as examples of “strangeness and familiarity” between Russia and Japan, as well as of the capability of literature to help people overcome distrust and hatred to be friend of each other.

NHỮNG CUỘC GẶP GỠ CỦA NGƯỜI NGA

VỚI KAWABATA YASUNARI

                                                              

PGS. TS. Trần Thị Phương Phương

ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TPHCM

TÓM TẮT

Chủ đề của hội thảo là Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á. Khái niệm Đông Á trong thời hiện đại, ngoài Trung Hoa và các quốc gia từng gắn với văn hóa Hán tự, còn có thể bao gồm cả một phần nước Nga. Với lãnh thổ rộng lớn trải dài trên lục địa Á – Âu, Nga là biểu hiện của sự tương đối trong phân chia phương Đông – phương Tây. Người Nga có cái nhìn vừa lạ vừa quen trong những cuộc gặp gỡ văn hóa với Nhật Bản – đất nước láng giềng từng có những quan hệ phức tạp với Nga trong lịch sử. Bài viết nói về hai cuộc gặp gỡ của người Nga với nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari, một trực tiếp ở ngoài đời, một qua tác phẩm văn chương như những ví dụ về sự “vừa lạ vừa quen” giữa người Nga và người Nhật, về khả năng của cái đẹp nghệ thuật có thể giúp con người vượt qua những rào cản nghi kỵ, hận thù để xích lại gần nhau.

NHỮNG CUỘC GẶP GỠ CỦA NGƯỜI NGA

VỚI KAWABATA YASUNARI

                                                 

                                                            Trần Thị Phương Phương

ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TPHCM

1. Khi nói đến văn hóa Đông Á, chúng ta thường nghĩ đến cộng đồng văn hóa chữ Hán (gồm Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên). Tuy nhiên, có những quốc gia, khu vực đôi khi cũng có thể xem là thuộc Đông Á, trong đó có Nga. Quá trình tiến về Viễn Đông của Nga bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII, đến thế kỷ XIX lãnh thổ Nga đã ra tới bờ Thái Bình Dương. Vùng Viễn Đông của Nga hiện nay với diện tích hơn 6 triệu km vuông và 6,3 triệu dân (đa số là người Nga và Ukraina) đang là miền đất rộng đầy tiềm năng về kinh tế và văn hóa, hấp dẫn các láng giềng hùng mạnh nhưng đất chật người đông Trung Hoa và Nhật Bản.

Từ lâu người ta vẫn nói đến hai phần của thế giới: Phương Đông và Phương Tây, và nhiều người đến nay vẫn còn nghĩ rằng: Phương Đông và Phương Tây là hết sức khác biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, phân chia Đông Tây chỉ là một sự tương đối, ước lệ. Nước Nga là biểu hiện của cái tương đối, ước lệ đó. Nước Nga không phải là một quốc gia Phương Đông, nhưng người Phương Tây cũng không bao giờ coi Nga là "người mình". Lịch sử dân tộc và vị trí lãnh thổ rộng lớn đã tạo nên cái chất trung gian cho nước Nga, cho cái nhìn của người Nga vào thế giới Đông Tây: đâu cũng xa lạ, bí hiểm mà đâu cũng có cái gần gũi, quen thuộc.

Người Nga mang theo cái nhìn đó trong cuộc gặp gỡ với nước Nhật. Có khi, đó là những cuộc gặp gỡ diễn ra với súng đạn, bom mìn, với máu và nước mắt như trong những năm 1904 -1905, trong thế chiến thứ hai,... Những vấn đề lãnh thổ, quyền lợi hay quyền lực cho đến nay cũng chưa hẳn đã giải quyết xong.

Nhưng còn có những cuộc gặp gỡ khác nhiều ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn, trong đó có cuộc gặp gỡ mà chúng tôi muốn nói đến ở đây: đó là cuộc gặp gỡ của văn hóa, nghệ thuật, cuộc gặp gỡ giữa những con người đi tìm cái đẹp. Bên cạnh nước Nga mênh mông, nước Nhật bé nhỏ là một thế giới huyền bí và hấp dẫn. Ở đó có những khu vườn không được xén tỉa cân đối và cầu kỳ, mà thô sơ, tự nhiên như chính bàn tay thiên nhiên xếp đặt. Ở đó có vườn đá Ryoan-ji, nhờ sự kết hợp một cách tài tình các hình dáng và mầu sắc mà những chất liệu rất thông thường là đá và cát "đã được nâng lên đến mức trở thành một thi phẩm triết học ca ngợi cái hùng vĩ của thiên nhiên với một ý nghĩa tượng trưng sâu xa"[1]. Ở đó có mùi hương trầm mà người Nhật gọi là "kodo" không chỉ tỏa thơm ngôi nhà, mà dường như "còn có thể nghe được, lĩnh hội được bằng thính giác như âm nhạc"[2]. Ở đó có nghệ thuật đồ gốm "giống như ma thuật","luôn làm người ta sửng sốt, kinh ngạc"[3]. Ở đó còn rất nhiều điều huyền bí khác hấp dẫn người Nga.

Nhưng huyền bí và hấp dẫn hơn cả vẫn là con người. Người Nga, vốn giản dị và hồn hậu, không phải không ngỡ ngàng khi tiếp xúc với những người Nhật kín đáo, khó hiểu. "Mỗi người Nhật tôi tiếp xúc đều là một bí ẩn, đến mức gần như thần bí, tưởng như chỉ đi quá lên một chút là tất cả sẽ thành tối mò"[4]. Trên môi những con người ấy "luôn ngưng đọng nụ cười khó hiểu"[5], họ "không bao giờ nói dối, nhưng cũng không bao giờ muốn nói cho bạn biết toàn bộ sự thật"[6], họ có truyền thống võ sĩ đạo samurai, nhưng cũng có những truyền thống hòa bình, thanh tao, tinh tế, có triết lý Thiền ăn sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống.

Những cảm nhận về nước Nhật ở trên là của một người Nga nổi tiếng – viện sĩ thông tấn, nhà Đông Phương học Nikolai Trofimovich Fedorenko (1912 – 2000). Fedorenko từng làm Đại sứ Liên Xô tại Nhật Bản, là tác giả của nhiều công trình về văn hóa, văn học và nghệ thuật Nhật Bản như Bút ký Nhật Bản (Японские записи, 1966), Sắc màu thời gian. Những đặc điểm nghệ thuật Nhật Bản (Краски времени. Черты японского искусства, 1972), Kawabata Yasunari (Кавабата Ясунари, 1982)…

Với Fedorenko, dường như mọi vẻ huyền bí của người Nhật, người Nga đều có thể tìm thấy ở Kawabata Yasunari (1899 – 1972), một trong những nhà văn lớn nhất của nước Nhật hiện đại. Ông đã ghi lại những ấn tượng sâu sắc của mình về một chuyến viếng thăm văn hào Nhật trong bài viết "Số phận bi kịch của các thiên tài" (bản dịch của Thái Hà, trích từ tập sách Kawabata Yasunari). Tất cả mọi thứ liên quan đến Kawabata đều khiến vị viện sĩ Nga, dẫu đã gắn bó nhiều năm với Nhật Bản, vẫn không khỏi ngạc nhiên, bỡ ngỡ, thậm chí không khỏi e ngại lẫn tò mò. Mọi thứ đều rất Nhật. Ông có thể nhìn vào cây cối trồng trong trang viên của Kawabata để hiểu thêm về lòng yêu thiên nhiên của những con người ở xứ sở hẹp đất, khan hiếm tài nguyên mà phong phú thiên tai, có thể nhìn vào cái cúi rạp người hai tay chạm đất khi chào khách của cô hầu để thấy họ trong những nghi thức giao tiếp luôn cực kỳ cung kính, nhìn vào cách bài trí căn phòng làm việc của Kawabata để thán phục sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong nếp sống của người Nhật thế kỷ XX.

Vị viện sĩ Nga gặp văn hào Nhật, sau một thời gian khá lâu chờ đợi vì một sự hiểu lầm. Họ hẹn nhau, ông viện sĩ đến nhà, còn ông nhà văn thì lại ra khách sạn. Khi ngôn ngữ và văn hóa khác biệt, giữa mọi người, dù là những nhà thông thái, vẫn hay xảy ra những hiểu lầm  đáng tiếc như vậy. Nhưng cuối cùng thì họ cũng gặp nhau. Đầu tiên thì im lặng, giống như "hai võ sĩ đang rình mò nhau trong bóng tối". Rồi những lời xin lỗi, và những e ngại do sự hiểu lầm được giải tỏa. Họ bắt đầu trò chuyện, trò chuyện về thời gian, về trời đất, về hoa lá cỏ cây, về con người, và về thơ ca, nghệ thuật. Khi Cái Đẹp lên tiếng thì mọi bức tường ngăn cách con người đều bị phá vỡ. Họ lập tức trở thành những người bạn tâm tình, dù rằng mới chỉ là cuộc gặp gỡ đầu tiên. Kawabata nhanh chóng lôi cuốn người bạn Nga vào thế giới của mình.

Thế giới của Kawabata là thế giới của Thiền. Suzuki Daisetsu đã viết về vai trò của Thiền trong văn hóa Nhật Bản: "ảnh hưởng của các chi phái khác nhau của đạo Phật đối với văn hóa Nhật chỉ hạn chế trong lĩnh vực tôn giáo. Chỉ riêng có Thiền ăn sâu vào mọi lĩnh vực đời sống văn hóa của nhân dân Nhật"[7]. Kawabata yêu thích những bài thơ Thiền với "những hình tượng giản dị, những từ ngữ bình thường nối lại với nhau không hề cầu kỳ, thậm chí quá thô sơ" nhưng lại "truyền đạt được bản chất tâm hồn Nhật". Bài thơ "Những hình tượng khởi thủy" của nhà thơ Thiền tông thế kỷ XIII Dogen, vỏn vẹn có 4 câu thơ giản dị, thô sơ

Mùa xuân hoa nở

Mùa hè chim cúc cu

Trăng vàng là mùa thu

Mùa đông là tuyết lạnh

mà đã làm cho Kawabata "sửng sốt bởi sự tinh tế, sâu sắc và ấm áp của tình cảm"[8]. Người nghệ sĩ trong Kawabata không đi tìm cảm xúc ở những cái ly kỳ, quái dị, những cái to lớn, hùng vĩ. Ông đi tìm cái đẹp trong những cái giản dị, nhỏ bé tưởng như tầm thường, nhưng lại chứa chất nhiều ý nghĩa sâu xa. Ví như hoa của mùa xuân, tiếng chim của mùa hè, trăng vàng của mùa thu, tuyết lạnh của mùa đông,... những hình tượng quen thuộc của thiên nhiên, tuần hoàn diễn ra trước mắt con người bao đời nay, lại là "những hình tượng khởi thủy" của thơ ca, là tiêu chuẩn ban đầu của mỹ học. Người nghệ sĩ khám phá cái đẹp trong thiên nhiên, một cách giản dị và tự nhiên như chính thiên nhiên vậy. Không cần đến lý trí, đến tư duy phân tích, không cần ý thức về hoạt động sáng tạo nghệ thuật của mình. "Khi làm bài thơ, đừng nghĩ là mình đang làm thơ", "Ta ngắm trăng, ta biến thành trăng. Và vầng trăng ta ngắm biến thành ta. Ta thả hồn vào thiên nhiên, thiên nhiên hòa lẫn trong ta"[9], đó là những điều mà các nhà thơ Thiền Nhật Bản tiền bối đã dạy cho Kawabata về nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật.

Trong cuộc nói chuyện với Fedorenko, Kawabata nói rất ít. Đúng hơn, đó là cuộc bút đàm thầm lặng. Ông mê hoặc người đang đối thoại với mình bằng ngọn bút kỳ diệu. Thuở nhỏ, Kawabata từng say mê hội họa và mơ ước trở thành họa sĩ. Nhưng rồi ông lại thành đạt trên con đường văn chương. Tuy nhiên, văn chương không làm chết nhà họa sĩ trong Kawabata. Ông là một bậc thầy của nghệ thuật thư họa, những bức thư họa của ông "được đánh giá ngang những tác phẩm xuất sắc nhất của hội họa đơn sắc Nhật Bản"[10]. Kawabata còn vẽ trong văn của mình: các tác phẩm của ông là những bức tranh tuyệt hảo về thiên nhiên và tâm hồn Nhật Bản.

Vị viện sĩ sau cuộc gặp gỡ đã mang về những món quà: chiếc hộp sơn mài đựng trong đó bút nghiên mà Kawabata vừa dùng để bút đàm, chiếc quạt Nhật và ngôi nhà nhỏ bằng đồng gói trong chiếc khăn lụa Nhật, cây gậy kỷ niệm chuyến viếng thăm ngôi chùa Nhật, bức thư họa và những cuốn sách in tác phẩm của Kawabata. Fedorenko đến gặp một nhà văn, nhưng đã mang theo về quê hương mình cả nước Nhật. Ông còn mang theo một niềm hy vọng, một lời hẹn: hè này, nhất định Kawabata sẽ đến Moskva.

Thế nhưng Kawabata không đến. Đó là năm 1972, cái chết đã làm nhà văn mãi lỗi hẹn với người Nga.

2. Cuộc gặp gỡ và trò chuyện với chính Kawabata của Fedorenko quả là hiếm hoi, nếu không nói là độc nhất vô nhị. Tuy nhiên, trong văn chương, người Nga gặp gỡ với Kawabata (hay Kawabata gặp gỡ với người Nga) không chỉ một lần.

Văn học Nga đến với nước Nhật từ những năm 70 – 80 thế kỷ XIX. Một trong những người đặt nền tảng cho nền văn học mới Nhật Bản là Futabatei Shimei đồng thời cũng là một nhà Nga học nổi tiếng, người mở ra thế giới thiên nhiên, con người và văn hóa Nga cho độc giả Nhật qua những bản dịch tác phẩm văn học Nga. Pushkin, Gogol, Turgenev, Tolstoy, Dostoevsky, Goncharov, Chekhov… rất sớm đến Nhật và có nhiều ảnh hưởng đối với các nhà văn Nhật thời hiện đại.

Kawabata cũng từng đọc các nhà văn Nga. Ông yêu thích Chekhov, có lẽ bởi Chekhov là nhà văn của sự giản dị. Dưới những trang truyện rất ngắn viết về những cái rất bình thường, tưởng như chẳng có gì, là cả "dòng chảy ngầm" (подводное течение) của những triết lý sâu xa về con người và cuộc đời. Mặc dù Kawabata không tán đồng khuynh hướng sử thi trong sáng tác của Tolstoy, song hẳn một nhà văn lấy thiên nhiên làm hình tượng khởi thủy như ông không thể không thấy Tolstoy là một trong số ít những nhà văn đã mô tả một cách thiên tài trong các tác phẩm của mình sự hòa hợp của con người với thiên nhiên, cũng như sự đề cao tư duy trực cảm, phủ nhận sự cảm thụ duy lý thế giới trong quan điểm nghệ thuật và triết học của Tolstoy phải chăng cũng có cái gì đó gần gũi với mỹ học Thiền của Kawabata.

Từ năm 1934 đến 1947, Kawabata viết Xứ tuyết, một trong những tác phẩm hay nhất của mình. Nhân vật Shimamura, một người sinh ra và lớn lên ở Tokyo ồn ào, náo nhiệt, đáp xe lửa lên miền Bắc nước Nhật để thưởng ngoạn phong cảnh của vùng tuyết trắng. Chàng đã gặp cô vũ nữ Komako. Thán phục vẻ đẹp trong trắng thuần khiết của người con gái, song Shimamura không thể đáp lại nàng bằng tình yêu mãnh liệt như tình yêu nàng dành cho chàng.

Quan hệ tương phản Shimamura - Komako gợi nhớ đến những tiểu thuyết Nga, nơi cũng có những chàng trai với tâm hồn trống rỗng không thể chia sẻ được tình yêu chân thành và trong sáng của những người con gái, bởi vì "yêu chốc lát chẳng đáng để yêu, nhưng yêu suốt đời yêu không nổi" (Lermontov). Shimamura có cái gì đó hao hao với những "con người thừa" của Nga, cũng như những thiếu nữ của các nhà tiểu thuyết Nga có những nét phảng phất giống Komako.

Tuy nhiên, Xứ tuyết nói nhiều hơn câu chuyện tình yêu của những con người cụ thể. Xứ tuyết là xứ sở bình yên tách biệt với thế giới còn lại đang ngột ngạt trong không khí chiến tranh. Kawabata viết tác phẩm trong thời gian thế chiến thứ hai, khi nước Nhật lao vào những cuộc xâm lược đẫm máu. Hình tượng tuyết mang ý nghĩa tượng trưng, biểu tượng của sự ấm áp chứ không phải của sự lạnh lẽo, không phải của những tình cảm hững hờ và xa lạ. "Nhìn vào bông tuyết, người Nhật không chỉ thán phục vẻ đẹp tuần hoàn vĩnh cửu của thiên nhiên mà còn nghĩ về bè bạn, người thân"[11]. Bởi vậy mà theo hồi ức của chính Kawabata, vào những năm chiến tranh, tác phẩm của ông đã khiến cho những người lính Nhật đang chiến đấu nơi đất khách quê người cảm động nhớ đến quê hương, họ viết nhiều thư cảm ơn nhà văn. "Những truyện như vậy đã gợi cho người đọc hy vọng vào sự cứu rỗi"[12].

Thời gian đó, phía bên kia, ở nước Nga, cũng đang là chiến tranh, cuộc chiến đã cướp đi hơn 20 triệu con người Nga cùng bao nhiêu thành phố, làng mạc, thôn xóm. Nơi đó cũng có nhà văn viết về tuyết trắng, nhà văn Konstantin Paustovsky (1892 – 1968). Truyện của ông xem ra chẳng mấy liên quan đến truyện của nhà văn Nhật: Một chàng trai ra mặt trận. Chàng viết thư cho cha, rằng nơi chiến trường khốc liệt, mỗi khi giáp mặt với cái chết, ý nghĩ của chàng luôn hướng về ngôi nhà thân yêu, nơi có khu vườn mùa đông phủ đầy tuyết trắng, nhưng lối vào luôn luôn được quét sạch, chiếc chuông treo bên cửa reo vang mỗi khi có người mở cửa, trong nhà nến thắp trên cây đàn dương cầm, cuốn sách nhạc mở ra bản nhạc mà chàng yêu thích, còn chú mèo già cuộn tròn trên chiếc đi văng. Rồi một bức thư khác, chàng viết rằng chàng bị thương và sắp được về thăm nhà. Trong chuyến về phép, đến sân ga, chàng trai mới hay tin cha mình đã qua đời, còn trong ngôi nhà của cha chàng, một nữ nghệ sĩ từ Moskva sơ tán về đang sống cùng con gái. Cha không còn và nhà thì người lạ ở, cuộc trở về chẳng còn ý nghĩa nữa. Nhưng đôi chân vẫn cứ đưa chàng về chốn thân yêu. Người phụ nữ ấy đã mời chàng vào nhà. Kỳ lạ thay, tất cả những gì chàng ước ao đều hiện ra trước mắt: lối vào nhà, chiếc chuông, cây đàn, ngọn nến, bản nhạc, và cả chú mèo,... Nàng đã đọc những bức thư mà người cha chưa kịp đọc, đã làm tất cả để đợi chàng. Hai người gặp nhau lần đầu tiên, mà tưởng như đã quen thân nhau từ lâu lắm.

Truyện ngắn mang tên Tuyết. Tuyết với nhiều người đến từ những xứ sở khác thường gắn với hình ảnh mùa đông lạnh ghê người của nước Nga, nhưng đối với người Nga thì tuyết lại ấm áp, thậm chí còn có thể "nóng bỏng" (như tên một tiểu thuyết của Yury Bondarev viết năm 1970 cũng về đề tài chiến tranh: Горячий снег - Tuyết bỏng). Tuyết của người Nga là biểu tượng của những gì gần gũi, thân thương nhất. Câu chuyện của nhà văn Nga Paustovsky và câu chuyện của nhà văn Nhật Kawabata hóa ra lại rất gần gũi với nhau: đều kể về tuyết như sự thanh bình của tình yêu thương, đối lập với sự khốc liệt của lòng hận thù.

Hình tượng tuyết còn tượng trưng cho tâm hồn trong trắng tinh khiết của người phụ nữ, những người sinh ra để yêu thương và hy sinh. Văn học Nga có truyền thống đề cao người phụ nữ, hiện thân của "tâm hồn Nga" (русская душа) nhân ái, hồn hậu. Đó cũng là một nét tương đồng với truyền thống "nữ tính" hòa bình, thanh tao của văn học Nhật mà Kawabata đã tiếp thu.

3. Nước Nhật xa lạ, huyền bí của Kawabata thì ra cũng có nhiều cái quen thuộc với người Nga. Những cuộc gặp gỡ trên đã cho thấy phần nào điều đó. Vị trí của nước Nga, trải dài trên cả Âu châu lẫn Á châu đã làm cho họ có cái nhìn gần gũi với cả các nước Phương Tây, lẫn các nước Phương Đông - đó là một lý do. Nhưng có lẽ còn có một lý do nữa quan trọng hơn: lãnh thổ của Nga rộng nhất trên địa cầu, nhưng lãnh thổ của nghệ thuật, của văn chương còn rộng hơn thế nữa. Trong lãnh thổ đó, không có sự cách ngăn đối với những giá trị đích thực, và người tạo nên những giá trị đó- những nghệ sĩ tài năng, dù thường rất độc đáo, riêng biệt, thậm chí bí hiểm, vẫn luôn có thể là những "người bạn tâm tình" của những người yêu cái đẹp ở mọi dân tộc.



[1] Fedorenko N.T. Số phận bi kịch của các thiên tài. (Thái Hà dịch) Tác phẩm mới, số 7 (tháng 9)/1990, tr.90.

[2] Tài liệu đã dẫn, tr.105.

[3] Tài liệu đã dẫn, tr.105.

[4] Tài liệu đã dẫn, tr.92.

[5] Tài liệu đã dẫn, tr.83.

[6] Tài liệu đã dẫn, tr.85.

[7] Dẫn theo Rekho K. Âm vang Thiền trong sáng tác của Kawabata Yasunari (Phương Phương dịch). Tạp chí khoa học xã hội, số 10/1991, tr.110.

[8] Kawabata đã dẫn bài thơ của Dogen và phát biểu những ý kiến về nó trong diễn văn nhận giải thưởng Nobel năm 1968. (Kawabata Y., Japan, the Beautiful and Myself. Trong: Nobel Lectures, Literature 1968 – 1980, World Scientific Publishing Co., Singapore, 1993))

[9] Dẫn theo Kawabata Y., Tài liệu đã dẫn.

[10]  Theo Fedorenko N.T. Tài liệu đã dẫn, tr.95.

[11] Rekho K. Tài liệu đã dẫn, tr.115.

[12] Từ điển các tác phẩm văn học hiện đại Nhật Bản (Kindai bungaku meishaku jiten). Tokyo, 1967, tr.258. (Dẫn theo Rekho, tài liệu đã dẫn)

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website