Lev Tolstoy và vấn đề phụ nữ

Lev Tolstoy bước vào văn học đầu thập niên 1850, hơn mười năm sau đã khẳng định vị trí của một nhà văn lớn với kiệt tác vĩ đại Chiến tranh và hoà bình. Thời gian chín muồi sáng tác của nhà văn (thập niên 60-70) cũng là thời kỳ trị vì của Alexandr đệ Nhị. Những cải cách được Nga hoàng tiến hành đầu thập niên 1860 có những tác động lớn đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá Nga. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản kéo theo sự tan rã của chế độ phong kiến gia trưởng, xuất hiện những giai cấp mới (tư sản, vô sản), và xuất hiện một tầng lớp được gọi tên là “trí thức bình dân” (raznochinskaya intelligentsia). Chủ yếu thông qua lớp “trí thức bình dân” này, những tư tưởng dân chủ cách mạng được phổ biến ở Nga, làm dấy lên những cuộc vận động xã hội, trong đó có phong trào giải phóng phụ nữ. Những người trí thức tiến bộ không bằng lòng với địa vị của phụ nữ trong xã hội Nga, họ cho rằng đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ cũng là một hình thức khẳng định giá trị của con người, là một phần của cuộc đấu tranh dân chủ xã hội.

Một trong những hệ quả cải cách của Alexandre đệ Nhị là việc phụ nữ được (hay bị) kéo vào hoạt động xã hội (người ta thống kê là có khoảng 38% dân số nữ của Petersburg vào thập niên 1870 lao động kiếm sống). Trước tiên, đó là những “phụ nữ vô sản” xuất thân từ những gia đình quý tộc bị phá sản, hay các gia đình bình dân mới nổi lên, buộc phải tự lao động kiếm sống. Kiểu phụ nữ đó đã được lý tưởng hoá trong tác phẩm Làm gì? của nhà văn dân chủ cách mạng N.G. Chernyshevsky. Chính họ là những người mở đầu cho phong trào phụ nữ ở Nga. Phong trào quan tâm đến việc thay đổi, cải thiện tình trạng của người phụ nữ, đoàn kết lực lượng phụ nữ để vượt qua khó khăn, và đến các vấn đề xã hội nói chung.

Bước vào nửa sau thập niên 60 của thế kỷ này, đến với những người phụ nữ tốt nhất và thông minh nhất của Nga, mà cùng với họ là chị gái tôi, là một thời kỳ hoạt động rộng khắp nhất, thuận lợi nhất cho tổ quốc ta, thời kỳ giành quyền chủ động mạnh mẽ nhất để giải phóng phụ nữ khỏi những xiềng xích và sự coi thường hàng ngàn năm. Trên khắp thế giới đàn ông của chúng ta đã diễn ra những đổi thay, những bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử trước đó, trong chính những giờ phút này, những sinh thể của thế giới phụ nữ đột nhiên lớn dậy và bừng nở về tinh thần và ý chí, tất cả nửa thứ hai của dân tộc Nga cũng cảm thấy nỗi đau xưa của mình,… đứng dậy và bước đi”  Khi viết về người chị gái của mình, nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng giữa thế kỷ XIX Nadezhda Stasova (1822-1895), nhà phê bình văn học Vladimir Stasov đã nói đến sự dậy lên của phong trào nữ quyền đầu thập niên 1860 như thế (Stasov V.V., Nadezhda Vasilieva Stasova, bản trên Internet: http://www.a-z.ru/women/texts/stasovr.htm). Sự dậy lên đó diễn ra đúng trong thời kỳ chín muồi sáng tác của Tolstoy – nhà hiện thực vĩ đại, và dĩ nhiên, vấn đề nữ quyền không nằm ngoài mối quan tâm của nhà văn, hay nói đúng hơn, đó là một trong những điều khiến ông quan tâm nhiều nhất.

Những năm 1870 (tức thời gian Tolstoy viết Anna Karenina), trên các trang tạp chí lớn của Nga (như Người đương thời, Người đưa tin nước Nga, v.v… nơi đăng tải các tác phẩm văn học, cũng như các bài báo chính trị xã hội) tràn ngập không khí tranh luận về các vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội trong đó có vấn đề phụ nữ. Việc xuất bản các tác phẩm của nhà tư tưởng Anh nổi tiếng John Stuart Mill bàn về tình trạng phụ nữ Anh đã làm dấy lên trong giới trí thức Nga những đề tài tranh luận như: vị trí và vai trò của người phụ nữ trong xã hội là như thế nào, phụ nữ có nên có học vấn cao hay không, có nên làm những nghề nghiệp của nam giới hay không, có thể có quyền sở hữu hợp pháp đối với con cái hay tài sản không, v.v…Trong Anna Karenina (phần IV chương 10), Tolstoy đã tái tạo lại không khí tranh luận này: có hai luồng ý kiến, một chủ trương cần gắn vấn đề giải phóng phụ nữ với việc giáo dục phụ nữ, “người phụ nữ bị mất hết quyền lợi vì không có học thức đầy đủ và sự thiếu học đó xuất phát từ chỗ không có quyền lợi”, “uy quyền, tiền tài, danh vọng: chính là những thứ mà phụ nữ tìm kiếm”; luồng ý kiến thứ hai phản bác lại điều này, cho rằng phụ nữ không cần trở thành luật sư, thẩm phán... cũng như đàn ông không cần đòi hỏi quyền cho con bú. Thái độ của Tolstoy khá phức tạp: rõ ràng nhà văn gần gũi với ý kiến thứ hai hơn khi đặt nó vào nhân vật lão công tước Cherbatsky vốn được mô tả với nhiều thiện cảm; còn kẻ phát ngôn tư tưởng giải phóng, phụ nữ bình quyền là nhân vật trẻ tuổi Petsov – “một anh gàn hăng hái, theo chủ nghĩa tự do, lắm lời” (chudak entuziast, liberal, govorun). Trong cả Chiến tranh và hoà bình lẫn Anna Karenina và nhiều tác phẩm khác, Tolstoy xây dựng những nhân vật nữ sống động với những số phận, những tính cách khác nhau, phác hoạ chân dung người phụ nữ lý tưởng theo quan niệm của nhà văn, tuy nhiên các nhân vật nam mang bóng dáng của Tolstoy như Pierre hay Levin, dù luôn trăn trở về lẽ sống, về thiện ác trong xã hội, rất quan tâm đến những bất hạnh của người phụ nữ nhưng lại thường thờ ơ với vấn đề giải phóng phụ nữ.

Cái nhìn về phụ nữ và bình đẳng giới nơi Tolstoy chịu nhiều ảnh hưởng từ nhà văn khai sáng Pháp J.J.Rousseau. Trong tiểu thuyết Nàng Héloise mới (tác phẩm được Tolstoy đưa vào danh sách 46 cuốn sách gây ấn tượng rất mạnh đối với ông), Rousseau đã cho rằng: “Người phụ nữ hoàn hảo và người đàn ông hoàn hảo phải rất ít giống nhau về tâm hồn, cũng như ít giống về khuôn mặt. Bắt chước giới khác một cách vô ích là một sự gàn dở siêu hạng” [1]. Ở chỗ khác, Rousseau viết: “Không gì tốt đẹp cho phụ nữ nằm ngoài cuộc sống biệt lập của gia đình; những mối quan tâm cho gia đình, việc nội trợ bình dị là thiên chức thực sự của họ” (Thư gửi d’Alembert bàn về kịch nghệ, 1758).

Thái độ khá bảo thủ đối với vấn đề phụ nữ đã trở thành một thứ “nhãn hiệu” của Tolstoy: có thể tìm thấy nhiều dẫn chứng trong các tác phẩm cũng như thư từ của ông. Chẳng hạn năm 1886, khi đáp lại sự công kích của một tờ báo, Tolstoy phát biểu rằng: khác với đàn ông có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, phụ nữ chỉ cần làm ba nhiệm vụ: “mang thai, nuôi và dạy càng nhiều con càng tốt”. Nếu người phụ nữ không làm được hai trong ba nhiệm vụ đó, họ sẽ “kém cỏi hơn nam giới về mặt đạo đức” (“Những người phụ nữ”, in trong: Krug chtenia, tập 2// L.N.Tolstoy, Toàn tập tác phẩm gồm 90 tập, tập 42).

Trong lời bạt cho truyện ngắn Dushechka, một tác phẩm nổi tiếng của Chekhov có liên quan tới vấn đề phụ nữ, Tolstoy đã viết:

Tôi nghĩ rằng trong lập luận, chứ không phải trong tình cảm, của tác giả khi viết ‘Dushechka’ có một quan niệm chưa rõ ràng về người phụ nữ mới, về quyền bình đẳng của họ với nam giới, người phụ nữ phát triển, thông thái, độc lập, làm việc vì lợi ích xã hội không thua kém, nếu không nói là giỏi hơn nam giới, về chính những người phụ nữ đã nêu ra và giải quyết vấn đề phụ nữ, và anh ấy (tức Chekhov) khi viết ‘Dushechka’ muốn chỉ ra rằng phụ nữ không nên là người như thế nào”. Kiểu phụ nữ mà theo Chekhov “không nên là” đó là nhân vật Olenka, người biến mối quan tâm của những người đàn ông mà cô sống cùng (lần lượt là ba người chồng và sau cùng là cậu cháu họ) thành mối quan tâm, niềm vui sống duy nhất của bản thân. Nếu Chekhov gọi Olenka là dushechka (là “cục cưng” nhưng cũng có nghĩa là “tâm hồn bé mọn”), thì Tolstoy lại ca ngợi cô như một “tâm hồn thánh thiện, tuyệt vời”, “với khả năng hiến dâng toàn bộ bản thân mình cho người mà nàng yêu thương” (Lời bạt cho truyện ngắn Dushechka của Chekhov, trong: Krug chtenia, tập 1// L.N.Tolstoy, Toàn tập tác phẩm gồm 90 tập, tập 41).

Nhà văn cũng quan tâm đến tình trạng phụ nữ độc thân. Sự mất cân bằng về giới vào thế kỷ XIX – nữ đông hơn nam – dẫn đến tình trạng nhiều phụ nữ trẻ, nhất là những “cô gái không của hồi môn” không có khả năng kết hôn, điều này cũng đồng nghĩa với việc họ có thể bị rơi vào tình trạng bị phụ thuộc, hoặc nghèo đói, hoặc tệ hơn, trở thành gái điếm. Các nhân vật Sonia trong Chiến tranh và hoà bình, Varenka trong Anna Karenina, Katyusha Maslova trong Phục sinh,… là những hiện thân của tình trạng đó. Hôn nhân là đường sống của phụ nữ, và nếu như cuộc sống gia đình không hạnh phúc, thì việc ly dị cũng đẩy người phụ nữ ra ngoài lề xã hội. Chẳng hạn trong Anna Karenina, dường như chỉ có hai con đường dành cho phụ nữ: một là kết hôn và làm mẹ như Kitty, hai là từ bỏ gia đình và đi đến kết cục bi thảm như Anna. Bởi vậy, những người phụ nữ của gia đình như nhân vật Dolly kiệt sức vì sinh nở nhiều lần, vì hàng ngày vật lộn để lo ăn, lo mặc cho các con, bị chồng phản bội nhưng vẫn phải nhẫn nhịn chịu đựng, cố gắng giữ cuộc hôn nhân, không dám phá bỏ nó.

Như vậy, đối với Tolstoy, mọi vấn đề về phụ nữ, dù hạnh phúc hay bất hạnh, đều liên quan đến gia đình, đến hôn nhân. Vừa không muốn phụ nữ bước ra ngoài xã hội đảm nhận các công việc như nam giới, nhà văn vừa cảm nhận sự bất công khi họ hoàn toàn bị trói buộc bởi gia đình.

Giai đoạn cuối đời, trong tiểu luận Vậy chúng ta phải làm gì bây giờ?, cũng như trong tiểu thuyết Phục sinh, Tolstoy càng ý thức rõ điều này hơn, ông buộc tội trật tự xã hội chỉ tạo ra những sự lựa chọn không dành cho phụ nữ.

Có lẽ Tolstoy là một trong những nhà văn đầu tiên của châu Âu đề cập đến vấn đề phụ nữ trên phương diện đời sống tình dục.

Maxim Gorky trong hồi ức về Tolstoy có nhắc lại một câu nói độc đáo của Tolstoy: “Con người trải qua những trận động đất, dịch bệnh, những nỗi sợ hãi bệnh tật đủ mọi thứ khổ sở về tinh thần, nhưng bi kịch đau đớn nhất đối với anh ta luôn luôn đã, đang và sẽ là bi kịch phòng ngủ” (Gorky M., Lev Tolstoy, chương XXI). Ngữ cảnh của phát biểu trên là cuộc trò chuyện liên quan đến tác phẩm Bản xô nát Kreutzer viết năm 1890. Đây là tác phẩm đã khiến Tolstoy bị kết tội là “ghét hôn nhân”: đối với nhân vật Pozdnyshev trong truyện (phần nào là phát ngôn viên những quan niệm của nhà văn), hôn nhân chỉ là sự hợp thức hoá, kéo dài cuộc sống phóng đãng của đàn ông. Tình yêu đôi lứa dựa trên sự hấp dẫn về thể xác được tán dương trong nghệ thuật như điều thi vị cao cả nhất, nhưng trên thực tế, những con người trẻ tuổi đã tiêu phí không ít thời gian và sức lực, đàn ông thì để đeo đuổi và chiếm hữu phụ nữ, phụ nữ thì để quyến rũ hay đánh bẫy đàn ông. Trong gia đình, người phụ nữ buộc phải có trách nhiệm hy sinh thân mình, cả thể xác lẫn tinh thần, để phục vụ những nhu cầu của người đàn ông. Con cái thay vì là mục đích của hôn nhân, lại trở thành gánh nặng chứa nhiều lo lắng hơn là niềm vui.

Khi đặt vấn đề đời sống nhục dục của con người, Tolstoy cũng chỉ ra sự bất bình đẳng giới, thậm chí cho rằng đó chính là điều cốt lõi nhất: không thể có sự giải phóng phụ nữ thực sự nếu như còn có sự bất bình đẳng trên phương diện tính dục. “Người ta nói chuyện giải phóng phụ nữ, chuyện trao cho họ quyền nọ quyền kia ngang bằng với đàn ông, thế nhưng vẫn coi họ là công cụ khoái lạc và giáo dục họ như thế từ thuở bé, và khi họ lớn lên thì xã hội lại tiếp tục bảo ban họ như thế. Và như vậy, người phụ nữ vẫn là kẻ nô lệ truỵ lạc nhục hèn, còn đàn ông luôn là kẻ chủ nô truỵ lạc của họ […] Muốn thay đổi điều đó thì phải thay đổi cái nhìn của đàn ông về phụ nữ, và thay đổi cái nhìn của phụ nữ về chính bản thân mình”. “Vấn đề quyền phụ nữ không phải ở chỗ phụ nữ có thể hay không thể bầu cử và làm quan tòa - làm những chuyện đó thì chẳng cần đến quyền gì cả. Vấn đề là ở chỗ có quyền để được bình đẳng trong quan hệ giới tính với đàn ông” (Bản xônát Kreutzer).

Trong xã hội ta đã hình thành một quan niệm chắc chắn, chung nhất cho mọi tầng lớp và được khẳng định bởi khoa học giả hiệu, rằng mối quan hệ giới tính là một việc cần thiết cho sức khoẻ và nếu như hôn nhân là điều không phải luôn luôn có thể, thì quan hệ giới tính nằm ngoài hôn nhân, không ràng buộc người đàn ông với bất kỳ cái gì trừ việc trả tiền, là một việc hoàn toàn tự nhiên và vì thế nên được khuyến khích. Quan niệm này trở nên phổ biến và chắc chắn đến nỗi các vị phụ huynh, theo lời khuyên của các bác sĩ, đã tạo điều kiện cho con cái phóng đãng; các cơ quan chính quyền, mà ý nghĩa duy nhất của chúng là ở việc quan tâm đến quyền lợi đạo đức của các công dân, cũng tạo ra sự phóng đãng, tức là điều khiển cả một giới phụ nữ phải hi sinh về thể chất cũng như tinh thần để thoả mãn những nhu cầu giả tạo của đàn ông, và những người đàn ông độc thân đã buông mình phóng đãng với một lương tâm hoàn toàn thanh thản. Và tôi muốn nói rằng, điều này rất không tốt, bởi vì không thể vì sức khoẻ của một số người này lại có thể hi sinh thân xác và tâm hồn của những người khác, cũng như không thể vì sức khoẻ một số người này lại có thể đi uống máu những người khác”. (Lời bạt cho Bản xô nát Kreutzer// Tolstoy L.N., Toàn tập tác phẩm, tập 27)

Người ta gọi quan niệm về giới của Tolstoy là một thứ “triết lý siêu hình” (“metaphysics of sex”, Olga Veronina, Philosophy of Sex and Gender in Russia) và có liên quan với thái độ phê phán của nhà văn đối với nền văn minh. Tolstoy lý giải tình dục trong xã hội văn minh như một sự bóp méo chân lý linh thiêng, là phản tự nhiên: phụ nữ bị “sử dụng như một phương tiện khoái lạc” cho đàn ông, và để phản kháng lại, họ dùng chính nhục cảm để thống trị lại đàn ông: “Hãy đến bất cứ thành phố lớn nào, dạo qua các cửa hàng mà xem. Hàng triệu thứ hàng hóa, chưa cần đánh giá công sức lao động đổ ra cho việc sản xuất, chỉ cần xem thôi, trong chín phần mười các cửa hàng đó có cái hàng gì để dùng cho nhu cầu đàn ông không. Tất cả sự xa hoa của cuộc sống là do phụ nữ yêu cầu và ủng hộ. Hãy đếm tất cả các xưởng máy, xí nghiệp xem. Một phần lớn chúng làm việc để sản xuất ra những thứ vô bổ như đồ trang sức, xe cộ, đồ gỗ, đồ chơi phục vụ cho phụ nữ. Hàng triệu người, cả mấy thế hệ nô lệ chết gục vì lao động khổ sai trong các nhà máy chỉ để phục vụ cho ý muốn đỏng đảnh của phụ nữ. Phụ nữ, như các bà hoàng, đang giam cầm chín phần mười nhân loại trong lao động khổ sai. Mà tất cả chỉ vì họ bị hạ nhục, họ bị tước đoạt quyền bình đẳng với đàn ông. Và họ đã trả thù bằng cách đánh vào nhục cảm của chúng ta và bẫy chúng ta vào lưới của họ” (Bản xônát Kreutzer).

Và Tolstoy phát biểu qua lời nhân vật của mình: “nếu như mục đích sống của loài người là hạnh phúc, là tốt lành, là tình yêu, […] tất cả mọi người sẽ hòa hợp với nhau trong tình yêu”, thì dục vọng, nhất là tình cảm giới tính là sự cản trở mục đích đó. Để vượt qua được cái ác để đi đến cái thiện, thì phải vượt qua được cám dỗ tính dục. Ở đây, có ảnh hưởng chủ nghĩa bi quan của triết gia Đức Arthur Schopenhauer, người đã đem lại cho ông “những niềm vui miên man […] mà trước đó chưa bao giờ trải qua” (Thư gửi A.A.Fet ngày 30 tháng 8 năm 1869 //Tolstoy L.N., Toàn tập tác phẩm, tập 61). Schopenhauer cũng cho rằng quan hệ tính dục là tội ác.

Tolstoy luôn đề cao phụ nữ ở phương diện bản năng. Khi trong Chiến tranh và hoà bình, nhà văn gọi Natasha sau khi lấy chồng là một “con mái khoẻ mạnh và mắn đẻ”, thì đó hoàn toàn không phải là sự chế giễu, mà ngược lại, đó là biểu tượng người phụ nữ lý tưởng. Tuy nhiên, nhà văn không thể thản nhiên trước những đau đớn về thể chất và tinh thần của người phụ nữ khi sinh nở và nuôi con. Trong các tác phẩm của mình, Tolstoy đã dành những trang mô tả ấn tượng về các cuộc vượt cạn đầy nguy nan, lúc người phụ nữ cận kề cái chết để tạo ra sự sống mới, thông qua cái nhìn của những người đàn ông. Ở Chiến tranh và hoà bình là cuộc sinh nở của “công tước phu nhân nhỏ nhắn” Liza và cảm giác về “tội lỗi không thể nào chuộc được” của André trước cái chết của nàng. Trong Anna Karenina Vronsky tự tử không thành sau cơn nguy kịch vì sinh nở của Anna. Cuộc lâm bồn của Kitty cũng tác động mạnh đến Levin, khiến chàng luôn có nhu cầu thanh minh dẫu được chính vợ an ủi rằng chàng không có lỗi…

Trong Bản xô nát Kreutzer, nhà văn phản đối việc tước bỏ khỏi người mẹ thuộc tầng lớp quý tộc quyền tự mình cho con bú, và việc thuê vú em (đó là việc “lợi dụng sự đói khổ, bần hàn và thất học của một người phụ nữ mà bắt chị ta phải rời xa đứa con mình để đến nuôi con chúng tôi”).

Có thể thấy, đối với Tolstoy, vấn đề tính dục, quan hệ giới tính được nhìn từ quan điểm xã hội và đạo đức hơn là quan điểm sinh học, và khá cực đoan. Tuy nhiên, nếu chú ý đến bối cảnh xã hội thế kỷ XIX ở Nga và châu Âu (điều kiện bất bình đẳng về giai tầng xã hội, bất bình đẳng giới, những tác động của khoa học và kỹ thuật đối với cuộc sống còn đậm chất phong kiến gia trưởng và chất thần quyền, v.v…), có thể thấy trong sự cực đoan của nhà văn có những yếu tố tiến bộ về phụ nữ, về quyền phụ nữ. Ngoài ra, nó cũng phản ánh những phức tạp trong đời sống tinh thần của nhà văn, nhất là 30 năm cuối đời mà người ta gọi là thời kỳ “khủng hoảng đạo đức”. Nhà văn cũng có những phát biểu về sự bất công trong lao động của nam giới và phụ nữ, thông qua chính cuộc sống hôn nhân của bản thân ông: “Tôi nghĩ về thái độ tồi tệ và ích kỷ của tôi đối với vợ… Tôi đã để bà ấy làm tất cả những việc nặng nề, những việc được gọi là của phụ nữ, còn bản thân thì đi săn” (Tolstoy L.N., Toàn tập tác phẩm, tập 52).

Có thể nói vấn đề phụ nữ nơi Tolstoy phức tạp, vượt khỏi những lối nghĩ thông thường lúc đương thời. Những quan điểm về phụ nữ, cũng như các vấn đề về hôn hân và gia đình được nhà văn phát biểu rải rác trong các tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, kịch, và các thư từ, tác phẩm chính luận trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ mới điểm qua một vài ý, dựa trên một lượng tư liệu còn hạn chế. Tuy nhiên, đây là một đề tài rất thú vị, với rất nhiều tư liệu mà nếu có điều kiện thời gian khảo cứu kỹ lưỡng có thể phát triển thành một chuyên luận, qua đó có thể giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề về tiểu sử, về tư tưởng và về nghệ thuật của nhà văn vĩ đại Lev Tolstoy.

TTPP

 

Chú thích:

[1] Nguồn: http://books.google.com.vn/books?id=oN6_B_AFhcwC&printsec=frontcover&dq=julie+or+new++heloise&source=bl&ots=PA-Xd7aPSS&sig


Nguồn: Bình luận văn học - Niên giám 2011, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề (2011)
 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60521469
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2962
10018
60521469

Thành viên trực tuyến

Đang có 193 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website