Năm 1891, một nhà kinh doanh xuất bản ở Petersburg tên M.M.Lederle dự định xuất bản một cuốn hướng dẫn độc giả lựa chọn sách với tiêu đề “Ý kiến của những người Nga về những cuốn sách hay nhất để đọc”, và xin ý kiến của đại văn hào Nga Lev Tolstoy, người vốn trước đó đã rất hào hứng với ý tưởng này. Trong bức thư trả lời Lederle vào ngày 25 tháng 10 năm 1891[1], Tolstoy liệt kê 46 tên sách, trong đó có Kinh Thánh của người Do Thái, các sử thi cổ đại Hy Lạp, các kinh sách của Trung Hoa (Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử), Lalitavistara (Phổ Diệu Kinh) của Phật giáo Ấn Độ, các sử thi dân gian Nga, các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ thế kỷ XVIII, XIX của Pháp (J.J.Rousseau, V.Hugo), của Nga (A.S.Pushkin, N.V.Gogol, F.I.Tyutchev, A.A.Fet), tiểu thuyết của các nữ sĩ Anh (E.Wood, G.Elliot)… như những tác phẩm gây ấn tượng rất lớn đối với nhà văn trong 5 giai đoạn từ khi ông 14 tuổi đến năm 63 tuổi. Nếu như ở thời tuổi trẻ, Tolstoy đọc chủ yếu bằng tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh, thì giai đoạn trung niên (sau 50 tuổi), ngoài các sinh ngữ trên, nhà văn còn đọc nhiều qua các ngôn ngữ cổ. Có những tác phẩm được nhắc lại trong danh sách hai lần, như Kinh Thánh, Iliad, Odyssey bởi được đọc qua cả bản dịch tiếng Nga lẫn nguyên bản tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp (với những mức độ tác động khác nhau, khi đọc trên nguyên bản, nhà văn có ấn tượng mạnh hơn).
Tolstoy có thói quen ghi chép lại theo kiểu nhật ký những câu văn thú vị ông đọc được hàng ngày, về cuối đời tập hợp lại thành hai tập Những gì đã đọcКруг чтения như vậy). Đó là bộ sách dày[2], bao gồm những trích dẫn mang tính giáo huấn, lấy từ một số lượng khổng lồ những tác phẩm có giá trị của các nhà văn, các triết gia thuộc mọi thời đại và của mọi dân tộc (trong đó có cả trích dẫn sách của chính Tolstoy). (chúng tôi tạm dịch thoát nhan đề
Trên thực tế, Tolstoy còn đọc nhiều hơn, nhưng chỉ những gì được chính nhà văn nêu ra trong hai trường hợp kể trên đã cho thấy sự đam mê, sức đọc ghê gớm và mức độ uyên bác của người độc giả vĩ đại này.
Tolstoy là một bộ nhớ kỳ diệu, thu nhận vô số kể những kiến thức văn chương của những người đi trước, song bản chất nghệ thuật ở ông cũng hết sức độc đáo: tất cả những gì ông vay mượn đều được tái tạo, trở thành cái của riêng ông. Bởi vậy, luôn có thể gặp Tolstoy như một độc giả, và Tolstoy như một tác giả trong tác phẩm của ông. Rất nhiều những “liên văn bản”, rất nhiều những “điển mẫu” (archetype) và những biến hoá của chúng dưới ngòi bút của nhà văn, không chỉ ở các tiểu thuyết lớn, mà cả ở các truyện ngắn.
Truyện ngắn Tolstoy ở Việt Nam chưa được nghiên cứu nhiều, mặc dù việc dịch thuật cũng đã có một số thành tựu. Thực ra, đây là một mảng sáng tác quan trọng của Tolstoy, được nhà văn viết trong suốt cuộc đời. Tìm hiểu truyện ngắn Tolstoy hết sức có ý nghĩa đối với việc khám phá thế giới tư tưởng và nghệ thuật của Tolstoy, cần có những công trình nghiên cứu quy mô lớn mới bao quát hết được các vấn đề. Khuôn khổ của một bài viết nhỏ chỉ cho phép chúng tôi đi vào một trường hợp cụ thể: một truyện ngắn có mối liên hệ rõ ràng với truyền thống của văn học Nga trước Tolstoy, với văn học thế giới (đặc biệt văn học cổ đại Hy Lạp), đồng thời cũng cho thấy những nét tiêu biểu, đặc thù của nghệ thuật Tolstoy.
Truyện ngắn Người tù Kavkaz (Кавказский пленник) là một trong số ít những tác phẩm mà Tolstoy cho là “nghệ thuật đích thực”, trong khi ông chối bỏ những kiệt tác vĩ đại Chiến tranh và hoà bình, Anna Karenina.
Tác phẩm được viết năm 1872, in trên tạp chí Zaria, sau đó được đưa vào quyển 2, tập thứ tư của bộ bốn tập Sách tập đọc tiếng Nga (Русские книги длячтения), xuất bản những năm 1874-1875, cùng với bộ Sách học vần (Азбуки) nhằm phục vụ hoạt động giáo dục của nhà văn ở Yasnaya Polyana. Sách tập đọc tiếng Nga sau đó được tái bản nhiều lần, trở thành một trong những sách giáo khoa được sử dụng rộng rãi trong các trường học ở nông thôn Nga cuối thế kỷ XIX.
Cốt truyện của Người tù Kavkaz, cũng như của hầu hết truyện ngắn của Tolstoy nói chung, giản dị, rõ ràng, giàu kịch tính: Một sĩ quan tên Zhilin phục vụ trong quân đội Nga hoàng ở Kavkaz xin nghỉ phép về thăm mẹ già và dự định cưới vợ. Tuy nhiên, dọc đường, anh cùng một người bạn đồng hành tên Kostylin bị bắt đưa về ngôi làng của người Tartar theo đạo Hồi[3]. Hai người bị đeo cùm ở chân, sống trong nhà kho của một người tên Abdul, ông này giữ họ để đổi lấy tiền chuộc. Vốn tháo vát và khéo tay, Zhilin sửa chữa đồng hồ, súng ống và nhiều thứ đồ lặt vặt, làm búp bê và các loại đồ chơi, vì thế thu phục được tình cảm của dân làng, đặc biệt của cô bé Dina mười ba tuổi, con gái Abdul. Dù vậy, Zhilin không nguôi ý định bỏ trốn. Cuộc chạy trốn thứ nhất không thành do vướng cùm ở chân và do Kostylin bị thương. Hai tù binh Nga sau đó bị xiềng, giam trong một cái hố chờ chết. Nhờ sự giúp đỡ của Dina, Zhilin bỏ trốn lần thứ hai, một mình, và chạy thoát về với quân Nga. Anh từ bỏ ý định về quê cưới vợ, ở lại Kavkaz phục vụ. Người bạn tù Kostylin một tháng sau đó được gia đình chuộc ra với giá năm ngàn rúp, được đưa về trong tình trạng nửa sống nửa chết.
Bối cảnh của tác phẩm là những biến cố của cuộc chiến tranh Kavkaz (1817 – 1864) giữa Nga và các tộc người vùng phía bắc Kavkaz (Chechnya, Dagestan, Karachay, Ardygea…) mà Tolstoy từng tham gia. Tolstoy phục vụ trong quân đội Nga hoàng ở Kavkaz trong hai năm rưỡi (từ mùa xuân năm 1851 đến cuối năm 1853), và gần như khởi đầu sự nghiệp văn học từ đây. Những tác phẩm nổi tiếng Thời thơ ấu (1852), Những người Cô dắc (1863) được gợi cảm hứng từ miền đất này. Cuối đời, Tolstoy trở lại với đề tài Kavkaz trong tiểu thuyết ngắn cuối cùng Hadzhi Murat (xuất bản năm 1910 sau khi nhà văn qua đời) viết về người thủ lĩnh huyền thoại trong phong trào ly khai của người Kavkaz, với những sự kiện lịch sử diễn ra trong thời gian Tolstoy ở đây.
Trong bản in Sách tập đọc tiếng Nga, đằng sau nhan đề là phụ chú về thể loại tác phẩm: “быль” – tức truyện viết về sự kiện có thật. Trên Kavkaz thời gian chiến tranh có rất nhiều vụ người Nga bị người bản địa Kavkaz bắt, giết hoặc bị giữ để trao đổi tù binh hay đòi tiền chuộc. Một số vụ đã được ghi chép lại trong các nhật ký, hay ký sự hành trình của các du khách, được xuất bản ở Nga cũng như ở châu Âu đầu thế kỷ XIX. Bản thân Tolstoy cũng là người hay ghi chép những điều ông chứng kiến, hoặc được nghe kể lại, hoặc trực tiếp xảy ra với ông, rồi từ đó tạo ra các tác phẩm. Trong nhật ký của mình, ngày 23 tháng 6 năm 1853, Tolstoy có viết: “Tôi suýt bị bắt làm tù binh, nhưng lần này tôi đã ứng biến tốt, mặc dù cũng hết sức cảm tính”[4]. Nhà viết tiểu sử Tolstoy N. N. Gusev cho rằng trong truyện ngắn của Tolstoy có yếu tố tự truyện, và một số tình tiết trong câu chuyện về Zhilin là từ sự cố trên (suýt bị những người Chechnia bắt, không bỏ người bạn đồng hành trong lúc chạy trốn, thoát được do may mắn)[5].
Như vậy, trước tiên, hiện thực đời sống vùng Kavkaz và những kinh nghiệm chiến tranh mà bản thân Tolstoy đã trải qua là chất liệu để làm nên Người tù Kavkaz.
Tuy nhiên, đối với văn chương Nga, Kavkaz có thể xem như một “thánh địa Mecca”: các nhà thơ cổ điển thế kỷ XVIII, các nhà lãng mạn và hiện thực thế kỷ XIX, các nhà tượng trưng, vị lai, đỉnh cao… thế kỷ XX đều hướng về nó, ngày nay, Kavkaz vẫn đang là “điểm nóng” thu hút mối quan tâm của các nhà văn Nga hậu Xô viết. Hình tượng “người tù Kavkaz” đã trở nên quen thuộc trong văn học Nga từ trước Tolstoy, và nguồn chất liệu cho truyện ngắn của ông, dĩ nhiên, còn từ những sách vở mà nhà văn đã đọc.
“Mặt trời thi ca Nga” A. S. Pushkin (1799 – 1837) trong năm đầu của quãng đời lưu đày (1820 - 1826) từng ở Kavkaz, và bản trường ca Người tù Kavkaz được viết năm 1821 đã đánh dấu thời kỳ thịnh vượng của chủ nghĩa lãng mạn trong sáng tác của Pushkin nói riêng cũng như trong văn học Nga nói chung. Tác phẩm là câu chuyện về một chàng trai quý tộc Nga rời bỏ thế giới văn minh đến Kavkaz để tìm kiếm tự do; chàng bị những người miền núi Cherkes bắt làm tù binh; một cô gái Cherkes đem lòng yêu chàng, nhưng không được đáp lại; cô giải thoát cho chàng trai, còn bản thân nhảy xuống sông tự vẫn.
Người tù Kavkaz của Pushkin đã khiến cho chủ đề về Kavkaz mang ý nghĩa truyền thống văn học. Nói như V. G. Belinsky, “dưới bàn tay điệu nghệ của Pushkin, Kavkaz đối với người Nga đã trở thành miền đất hứa không chỉ của ý chí tự do, mà còn của dòng thơ ca bất tận…”[6] Tác phẩm của Tolstoy nằm trong dòng chảy khởi nguồn từ Pushkin đó. Nhan đề tác phẩm, môtíp người thanh niên Nga bị bắt làm tù binh và trốn thoát nhờ sự giúp đỡ của một cô gái miền núi của Pushkin được lặp lại nơi Tolstoy.
Điều Tolstoy học được nơi Pushkin là cái nhìn trong sáng và tích cực đối với cuộc sống. Nhà nghiên cứu văn học M.B. Khrapchenko đã nhận xét: “Tolstoy và Pushkin gần nhau ở sự tin tưởng vào cuộc sống và con người. Khác với các nhà lãng mạn, ở một phía, và một loạt các nhà hiện thực không có nhãn quan lịch sử, ở phía khác, hai người nghệ sĩ này đều cố gắng thể hiện trong ngôn từ nghệ thuật sự phong phú, đa dạng của cuộc sống, vẻ đẹp của nó”[7]. Không chỉ ở cốt truyện, mà cả trong cách mô tả bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và cuộc sống của những con người vùng Kavkaz nơi Tolstoy có thể thấy bóng dáng Pushkin: con mắt của hai người đều chú trọng đến những chi tiết sinh hoạt hàng ngày (nhất là sinh hoạt văn hoá), đến sự giản dị, thân thiện trong tính cách của những người miền núi (nếu không phải lúc họ đang xung trận).
Tolstoy phục vụ trên Kavkaz ở chính những nơi nhà thơ M.Yu. Lermontov (1814 – 1841) từng ở. Kavkaz cũng là cái nôi thơ ca của Lermontov, và hình tượng người tù đã mê hoặc nhà thơ này từ thuở ấu thơ. Lermontov có trường ca Người tù Kavkaz, viết năm 18 tuổi, dưới ảnh hưởng của Pushkin. Trong tác phẩm của mình, Lermontov trích lại một số câu thơ, cũng như kể lại những sự kiện trong Người tù Kavkaz của Pushkin với trình tự gần như không thay đổi. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản Lermontov bộc lộ cái tôi sáng tạo, mà ngược lại, đó là cách để nhà thơ “tranh luận” với thầy mình: lúc chia tay với cô gái vừa cứu thoát mình, người tù đã giết chết một người đàn ông Cherkes nấp sau bụi cây – người hoá ra là cha cô gái, và điều này đã dẫn đến việc cô gái nhảy xuống sông tự vẫn (bản của Pushkin không có chi tiết này). Lermontov đã tăng tính kịch cho câu chuyện về người tù và thiếu nữ, xung đột ở đây mang tính chất tinh thần, là mâu thuẫn giữa tình yêu và đạo lý. Xu hướng đi vào khám phá thế giới tâm hồn, chú trọng phương diện đạo đức trong sáng tạo nghệ thuật của Lermontov đặc biệt được Tolstoy coi trọng. Bởi vậy, mặc dù nhan đề và cốt truyện bắt đầu từ Pushkin, nhưng truyện của Tolstoy gần với trường ca của Lermontov hơn. Và có lẽ gần hơn nữa, còn có một tác phẩm khác được Lermontov viết với nghệ thuật chín muồi hơn – trường ca Mtsyri (1838-1839). Cũng bối cảnh Kavkaz, kết cấu cốt truyện tương tự nhau (bị tù, có người giúp đỡ, an ủi, bỏ trốn), dù khác chi tiết (nhân vật của Lermontov bị một viên tướng Nga bắt từ khi lên sáu, người giúp đỡ là một tu sĩ già, cuộc trốn chạy không thành). Tuy nhiên, cái thực sự gần gũi là phương diện tinh thần: chú bé người tù của Lermontov là kẻ ngoại đạo, ban đầu kháng cự, rồi quen dần với môi trường tu viện, được rửa tội, trở thành tu sinh (mtsyri), thân thiết với người tu sĩ già, nhưng không nguôi ý định bỏ trốn để trở về quê hương. Không gian tôn giáo và thế giới tâm hồn con người là cái Tolstoy quan tâm nơi trường ca của Lermontov.
Ngoài mối liên hệ với các tác phẩm của Pushkin và Lermontov (hai nhà thơ có ảnh hưởng to lớn đối với Tolstoy), các nhà nghiên cứu còn nhắc đến một truyện ngắn Người tù Kavkaz của một tác giả có bút danh M.N., đăng trên tờ tạp chí nổi tiếng ở Nga những năm 1830 – 50 “Tủ sách để đọc” (Библиотека для чтения, số 31, năm 1838), mà có lẽ Tolstoy đã đọc nó khi còn nhỏ.[8] Ngoài nhan đề, người ta còn tìm thấy 28 chi tiết tương tự, hoặc hoàn toàn giống nhau giữa hai cốt truyện của Tolstoy và nhà văn không nhiều người biết đến này[9].
Dù được viết dưới những ngòi bút thuộc các đẳng cấp khác nhau, với những đặc điểm nghệ thuật không giống nhau (trường ca của Pushkin gợi vẻ đẹp thẩm mỹ, trong khi của Lermontov chú trọng phương diện tâm lý-đạo đức, còn truyện của M.N. thuần tuý là một tiểu thuyết phong tục khuôn khổ nhỏ), những tác phẩm trước Tolstoy đã nêu trên đều thuộc khuynh hướng lãng mạn chủ nghĩa, xuất hiện vào thời kỳ văn học Nga chưa có những tiểu thuyết “khổng lồ” (trong cả nghĩa đen là dung lượng, quy mô đồ sộ của tác phẩm). Trong khi đó, Tolstoy viết Người tù Kavkaz lúc đã khẳng định vai trò của một nhà tiểu thuyết hiện thực lớn qua kinh nghiệm của Chiến tranh và hoà bình. Nhà phê bình B.M. Eikhenbaum nhận xét Người tù Kavkaz là một “tiểu Odyssey”, bởi trong tác phẩm có thể cảm thấy tính chất “nguyên thuỷ”, “tự nhiên” của các sử thi Homer.[10] Môtíp “người tù” trong văn chương thế giới phát xuất từ thời cổ đại: trong Odyssey, người anh hùng Odysseus cùng các bạn đồng hành trên đường trở về quê hương đã bị cầm tù bởi các nữ thần biển Circe và Calypso, bởi tên khổng lồ một mắt Polyphemus,... Môtíp “con gái kẻ thù yêu và giúp đỡ người tù thoát chết” cũng đã có trong Iliad (như huyền thoại về nàng Ariadne con gái vua Minos xứ Crete giúp đỡ Theseus giết quái vật Minotaur).
Những năm 1860, tức thời gian viết Chiến tranh và hoà bình, Tolstoy đặc biệt quan tâm đến sử thi dân gian và sử thi cổ đại Hy Lạp. Mối quan tâm đó đánh dấu sự chuyển biến trong quan niệm sáng tác của Tolstoy, sự kiếm tìm những hình thức có thể chứa đựng được nội dung rộng lớn và sâu sắc. Trong lời bạt Chiến tranh và hoà bình, nhà văn đã nói về thể loại của nó: “Chiến tranh và hoà bình là gì? Đó không phải là tiểu thuyết, cũng không phải là trường ca, càng không phải là biên niên sử. Chiến tranh và hoà bình là cái mà tác giả muốn và có khả năng thể hiện trong hình thức mà nó được thể hiện”[11]. Có lẽ Tolstoy đã chia sẻ quan niệm về sử thi của nhà phônclo học nổi tiếng F. I. Buslaev (1818 – 1897) đưa ra năm 1861: “Sự toàn vẹn và thống nhất của sử thi được xác định không phải ở hình thức bên ngoài, mà ở sự hoàn chỉnh nội tại, ở sự toàn vẹn đặc trưng của bản thân tính dân tộc, ở tất cả những nhu cầu tinh thần của dân tộc.”[12] Chính điều này đã khiến nhà văn đi đến “tư tưởng dân tộc” (hay “tư tưởng nhân dân”)[13] khi xây dựng bộ tiểu thuyết sử thi kỳ vĩ của mình.
Mối quan tâm đến sử thi cổ đại Hy Lạp, cũng như cuộc tìm kiếm những hình thức có thể chứa đựng nội dung rộng lớn, sâu sắc, mang “ý tưởng dân tộc” đó không dừng lại sau khi nhà văn hoàn tất Chiến tranh và hoà bình. Bằng chứng là khi bước sang thập niên 1870, nhà văn đã học tiếng Hy Lạp cổ để có thể đọc Iliad và Odyssey trên nguyên bản, và như đã nói ở trên, việc đọc trên nguyên bản gây ấn tượng cho nhà văn mạnh hơn khi đọc qua bản dịch. Bởi vậy, những môtip có liên quan đến sử thi trong Người tù Kavkaz cho thấy tác phẩm này tuy khuôn khổ nhỏ, nhưng vẫn hướng tới quy mô lớn về nội dung tư tưởng, đa diện và đa tầng ý nghĩa. Không còn chỉ là nhân vật kiếm tìm tự do trong thế giới những người hoang dã, thể hiện khát vọng của cá nhân vươn tới tự do tuyệt đối, tới sự hoàn thiện về tinh thần, tới lý tưởng – như trong các Người tù Kavkaz lãng mạn chủ nghĩa, chủ đề truyện ngắn của Tolstoy là “chiến tranh và thế giới” (nhan đề Война и мир của bộ tiểu thuyết sử thi đúng ra cũng phải dịch như thế này). Bối cảnh truyện là chiến tranh, có vẻ như là xung đột về sắc tộc (giữa người Nga với các dân tộc miền núi Kavkaz) và tôn giáo (giữa Thiên Chúa giáo với Hồi giáo). Chiến tranh tác động đến cuộc sống, đến số phận những con người bình thường của các bên. Chàng sĩ quan Nga Zhilin bị những người Tartar bắt và có nguy cơ bị giết, chàng chỉ có một bà mẹ già ở quê sống lay lắt được nhờ niềm hi vọng vào đứa con trai duy nhất và nhờ những đồng lương anh gửi về, năm trăm rúp để đổi lấy mạng sống cho anh (và có thể cho cả bà mẹ nữa, vì nếu anh chết thì bà cũng chết) là điều không tưởng. Lão Tartar già cô độc trong làng, kẻ luôn muốn giết các tù binh Nga, lại là một bi kịch khác, oan nghiệt hơn: Ông ấy là người dũng cảm nhất trong bọn tôi, đã giết rất nhiều người Nga và có thời từng rất giàu. Ông ấy có ba bà vợ và tám đứa con, họ sống ở trong làng này. Rồi người Nga đến phá tan ngôi làng, giết chết bảy đứa con ông ấy. Chỉ còn một thằng con, nó lại đi theo người Nga.[14] Zhilin không ngừng tìm cách trốn thoát, tin vào khả năng tự lo liệu của mình và sự phù hộ của Chúa. Lão Tartar lại có cách xử lý riêng: Ông ấy cũng bỏ đi, ra hàng và sống với người Nga ba tháng. Cuối đợt đó ông ấy tìm ra thằng con, tự tay mình giết nó và bỏ trốn. Sau đó ông ta không đánh nhau nữa, đến Mecca cầu nguyện Allah. Hành động và đức tin là hai thứ giúp con người thoát khỏi tình huống bi kịch.
Cũng như trong Chiến tranh và hoà bình, trong Người tù Kavkaz, con người của hành động và đức tin là những người “từ nhân dân”. Chàng Zhilin nhà nghèo tài hoa, linh hoạt, dũng cảm, biết lo cho bản thân nhưng không bỏ rơi đồng đội lúc nguy khốn rõ ràng đứng cao hơn anh quý tộc Kostylin giàu có nhưng hèn kém, chỉ biết ủ rũ kêu than và chờ đợi số tiền chuộc của gia đình. Chính Zhilin là người luôn được dân làng gọi thân mật “Ivan, Ivan, tốt, tốt”. Ivan - cái tên như đại diện cho phần bình dị và tốt đẹp của dân tộc Nga.
Ngôi làng Kavkaz được miêu tả qua cái nhìn của người tù: đó là những người đàn bà đi lấy nước, giặt giũ ngoài sông, là những đứa trẻ nghịch ngợm, tò mò, yêu thích đồ chơi, là bánh mì dẹt và sữa, là căn nhà tường trát đất phẳng phiu, là ngôi thánh đường Hồi giáo nhỏ bé, là tiếng người giáo sĩ kêu to vào sáng sớm, trưa và tối gọi mọi người đi cầu nguyện, là tiếng gia súc rống lên lúc được lùa về lúc ban chiều… (miêu tả này đã có ở Pushkin, nhưng nơi Tolstoy rất tỉ mỉ, chi tiết – một đặc điểm văn xuôi của nhà văn từng khiến I.S.Turgenev bực mình vì cho rằng ông "muốn làm cho người đọc tin rằng ông đã biết hết thảy mọi thứ nên sa vào những cái tủn mủn như vậy, nhưng trái lại là ông không biết gì ngoài những cái tủn mủn đó", còn những người những người ủng hộ Tolstoy, cho rằng đó là phương pháp "đem chi tiết để làm cho người đọc thấy được cái tổng thể y như trong thực tế"[15]). Một cuộc sống giản dị, hiền hoà, yên bình, nếu như thỉnh thoảng không có những cuộc đụng độ ở ngoài bình nguyên và những xác chết được mang về. Anh chàng người Nga Thiên Chúa giáo đã chiếm được cảm tình của nhiều dân làng Tartar Hồi giáo, cũng như anh thực lòng quý mến cô bé Dina. Bởi vậy, khác biệt dân tộc và tín ngưỡng về bản chất không gây ra xung đột, nguyên do chiến tranh nằm ở chỗ khác, ở những tham vọng bất tận của con người. Trong Chiến tranh và hoà bình, Tolstoy thông qua miêu tả cuộc chiến tranh vệ quốc 1812 thể hiện tư tưởng dân tộc, ý tưởng về nhân dân: chiến tranh là thử thách, là chứng nghiệm những giá trị của dân tộc, của nhân dân, của con người. Tuy nhiên, “chiến tranh không phải thứ để tán dương, mà là việc làm kinh tởm nhất trên đời […] Những ông hoàng đế […] đều mặc quân phục, và ai giết được nhiều dân nhất thì được tặng thưởng”[16] – Tolstoy qua lời nhân vật Andrei Bolkonsky đã bộc lộ thái độ chống chiến tranh gay gắt như thế. Trong Anna Karenina, nhân vật mang nhiều hình bóng của nhà văn là Levin cũng khẳng định “chiến tranh là điều rất khủng khiếp, rất thú vật và rất tàn khốc” và phản đối cuộc chiến tranh Serbia (một phần của cuộc chiến giành ảnh hưởng và đất đai ở vùng Balkan và Kavkaz giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ) dưới danh nghĩa bảo vệ “những người anh em cùng nòi giống và tôn giáo với ta” [17] (tức người Slav Thiên Chúa giáo). Tinh thần phản chiến cũng như tư tưởng hoà hợp giữa các dân tộc, hoà hợp tôn giáo trong Người tù Kavkaz, tuy không được phát biểu thành tuyên ngôn như vậy, vẫn có thể thấy rõ.
Tolstoy là người Thiên Chúa giáo coi trọng đức tin, nhưng quan niệm về đức tin của nhà văn thoáng rộng. Ông viết trong Anna Karenina: “nếu bằng chứng chủ yếu về sự tồn tại của Chúa là ở chỗ Người đã phát hiện cho ai nấy đều thấy sự tồn tại của điều thiện thì tại sao phát hiện đó lại chỉ giới hạn trong phạm vi Giáo hội Cơ đốc? Các tín đồ Phật giáo và Hồi giáo cũng truyền bá và làm điều thiện, vậy tín ngưỡng của họ liên quan thế nào với phát hiện đó?”[18]. Và để tìm hiểu điều đó, Tolstoy từ trẻ đã quan tâm đến văn hoá Hồi giáo, học tiếng Arập và các ngôn ngữ vùng Trung Á (cũng như trong ba thập niên cuối đời nhà văn đọc nhiều sách vở Phật giáo). Sự am hiểu và thiện cảm về Hồi giáo như một tôn giáo “truyền bá và làm điều thiện” thể hiện trong Người tù Kavkaz qua cách nhà văn miêu tả đời sống tín ngưỡng của những người Tartar (chẳng hạn chi tiết đám tang theo nghi thức Hồi giáo cho một người Tartar bị quân Nga giết chết). Và đặc biệt là hình tượng cô bé Dina. Những nhân vật giúp đỡ, giải thoát người tù trong các trường ca lãng mạn đầy tính ước lệ, chỉ được gọi bằng cái tên chung “cô gái Cherkes” (hoặc người tu sĩ già trong Mtsyri của Lermontov chủ yếu đóng vai trò người đối thoại và lắng nghe tâm sự của người tù; nhân vật tương đương trong Người tù Kavkaz của M.N. lại là một chú bé người Nga). Nhân vật của Tolstoy là con người cụ thể: xinh tươi, lanh lợi, đôi mắt đen trong trẻo, mang cái tên đầy ý nghĩa (Dina theo tiếng Arập có nghĩa là niềm tin, đức tin). Dina cũng không phải người đã trưởng thành như các nhân vật của Pushkin và Lermontov, mà chỉ là cô bé con còn thích chơi búp bê, chính những món đồ chơi xinh xắn Zhilin làm ra đã chinh phục trái tim cô bé. Xây dựng hình tượng người giải cứu là một đứa trẻ khác dân tộc, không chỉ bởi tác phẩm của Tolstoy nhắm đến những độc giả Sách tập đọc tiếng Nga là trẻ em, mà còn thể hiện một quan niệm của nhà văn: bản chất thiện nằm ở nơi con trẻ, đức tin trong sáng nhất cũng ở nơi con trẻ. Và chính bản chất thiện và đức tin, không phải sở hữu của riêng bất cứ tôn giáo nào, dân tộc nào, là những thứ có thể hoá giải xung đột, hận thù, đem lại cho con người sự sống.[19]
Trong thư gửi A. Fet, Tolstoy gọi phong cách Người tù Kavkaz (cùng với toàn bộ các tác phẩm trong Sách học vần, Sách tập đọc tiếng Nga) là “những bức tranh chì không tô bóng”.[20] Ông cũng cho rằng đó là “kiểu mẫu về các thủ pháp và ngôn ngữ” để “viết cho các tác phẩm lớn”[21]. Không phải tình cờ nhà văn chọn Người tù Kavkaz cho các độc giả nhỏ tuổi. Ngắn gọn, giản dị, chân thật, nhưng chứa đựng những tư tưởng nhân văn sâu sắc, những tình cảm đạo đức trong sáng - đó là những thứ mà Tolstoy cho là cần thiết đối với việc giáo dục trẻ em. Hơn thế nữa, đó cũng là những phẩm chất của nghệ thuật đích thực, theo quan niệm của nhà văn.
Có lẽ chính điều này đã làm nên sự vĩ đại của nghệ thuật Tolstoy, như nhận định nhà văn Xô viết Konstantin Fedin: “Tolstoy không bao giờ già. Ông là một trong những thiên tài nghệ thuật, những người mà ngôn từ của họ là một loại nước thần. Nguồn nước đó phun lên vô tận. Chúng ta lần nữa, lại lần nữa cúi xuống đó, và lần nào cũng cảm thấy như chưa bao giờ trong đời mình được uống thứ nước trong suốt, tinh khiết và tươi mát đến như vậy”[22]
[1] Tolstoy L.N., Hợp tuyển tác phẩm, gồm 22 tập, tập 19, trang 228-230 (Nguồn trên Internet: http://www.rvb.ru/tolstoy/01text/vol_19_20/vol_19/0929.htm)
[2] Trong L.N.Tolstoy, Toàn tập tác phẩm, gồm 90 tập, tác phẩm này chiếm toàn bộ hai tập 41 (608 trang) và 42 (715 trang).
[3] Thời Tolstoy, người Nga gọi những người miền núi Bắc Kavkaz theo đạo Hồi là Tartar
[4] Tolstoy L.N., Toàn tập tác phẩm gồm 90 tập, tập 46 (Nhật ký 1847 – 1854), Moskva, NXB Văn học nghệ thuật, 1936, trang 162.
[5] Gusev N.N., Lev Nikolaevich Tolstoy: tư liệu tiểu sử từ 1870 đến 1881, Moskva, 1957.
[6] Dẫn theo: Manyulov V.A., Lermontov, trong: Lịch sử văn học Nga, gồm 10 tập, tập 7 (Văn học Nga những năm 1840), Moskva – Leningrad, NXB Viện Hàn lâm Liên Xô, 1955, trang 272 (Nguồn trên Internet: http://feb-web.ru/feb/irl/il0/il7/il7-261-.htm)
[7] Khravchenko M.B., Lev Tolstoy như một nghệ sĩ, Moskva, 1963, trang 568.
[8] Theo Gusev N.N., Tài liệu đã dẫn.
[9] Popov V.M., Cội nguồn lịch sử - văn học của Người tù Kavkaz, trong: L.N.Tolstoy, Kỷ niệm 120 năm sinh (1828 – 1848), N. Gusev chủ biên, Moskva, Bảo tàng Văn học nghệ thuật, 1948, trang 191 (Nguồn trên Internet: http://feb-web.ru/feb/tolstoy/critics/l2c/l2c2190-.htm)
[10] Eikhenbaum B., Tolstoy sau Chiến tranh và hoà bình (1870 – 1874)
[11] Tolstoy L.N., Toàn tập tác phẩm, tập 16, Moskva, 1955. Nguồn:http://az.lib.ru/t/tolstoj_lew_nikolaewich/text_1250.shtml
[12] Buslaev F.I., Sử thi dân gian Nga, trong: Buslaev F.I., Các tiểu luận về văn học dân gian và nghệ thuật, tập 7, SPb., 1861, tr.407 (Dẫn theo: Eikhenbaum B., Những vấn đề cấp thiết trong nghiên cứu L. Tolstoy, nguồn: http://feb-web.ru/feb/tolstoy/critics/eih/eih-185-.htm)
[13] “Мысль о народе” nơi Tolstoy có thể hiểu là “tư tưởng về dân tộc”, cũng đồng thời là “tư tưởng về nhân dân”.
[14] Các đoạn trích tác phẩm trong bài là dịch từ: Tolstoy L.N., Người tù Kavkaz, trong: Toàn tập tác phẩm, tập 21, Moskva, 1957 (chúng tôi dịch).
[15] Theo: Shklovsky V. Lev Tolstoy. Moskva,1978, tr.372.
[16] Chiến tranh và hoà bình, tập 3, phần 2, chương 25 (chúng tôi dịch).
[17] Anna Karenina, phần 8, chương 15 (bản dịch của Nhị Ca, Dương Tường)
[18] Anna Karenina, phần 8, chương 18 (bản dịch của Nhị Ca, Dương Tường)
[19] Trong những tác phẩm mang nội dung tôn giáo vào cuối đời của Tolstoy có truyện cực ngắn Sức mạnh trẻ thơ (1908), kể về một người tù đang bị dân chúng phẫn nộ đòi giết do đã phạm tội ác, nhưng nhờ đứa trẻ (con trai ông ta) và tình yêu con trẻ mà lòng hận thù được hoá giải, kẻ tội đồ được tha thứ. Một truyện cực ngắn khác viết trước đó, Những cô bé khôn hơn các ông già (1885) cũng có ý nghĩa tương tự.
[20] Dẫn theo: Biryukov P.I., Tiểu sử Tolstoy, tập 2, chương 6 (Thời kỳ hoạt động giáo dục thứ hai. Sách học vần). Nguồn trên Internet: http://tolstoy.lit-info.ru/tolstoy/bio/biryukov/biografiya-biryukov-2-6.htm
[21] Dẫn theo: Ogulskaya L.D. Bình chú. Trong: Tolstoy L.N., Hợp tuyển tác phẩm gồm 22 tập, tập 10, Moskva, NXB Văn học nghệ thuật, trang 508.
[22] Lev Tolstoy trong phê bình văn học Nga, Moskva, NXB Văn học nghệ thuật, 1960.