Maxim Gorky - Huyền thoại về một con người

 Gorky - TolstoyNgày 16 tháng 3 năm 1868, một cậu bé khoẻ mạnh đã chào đời trong gia đình của người thợ mộc Maxim Savatievich Peshkov. Sáu ngày sau, người ta làm lễ rửa tội và đặt cho cậu bé ấy cái tên Alexey. Đó là sự khởi đầu của Alexey Maximovich Peshkov, tức Maxim Gorky - nhà văn lớn của nước Nga thế kỷ 20.

Mất cha khi mới lên bốn, Alexey theo mẹ về sống với ông bà ngoại ở Nizhni Novgorod, một thành phố cổ kính tọa lạc bên bờ nơi gặp gỡ của hai con sông lớn Oka và Volga. Ông ngoại làm chủ một xưởng nhuộm nhỏ, là một con người luôn khiến cậu bé Alexey vừa tò mò vừa kinh hãi. Ông rất sùng đạo và tin Chúa theo cách của mình. Chúa trong ông là vị Chúa Trời gia trưởng khắc nghiệt, bởi vậy ông không ngần ngại trừng trị đứa cháu nhỏ của mình bằng những trận đòn khủng khiếp mỗi khi nó phạm lỗi. Có lần ông đánh Alexey đến bất tỉnh, và trận đòn đó để lại dấu ấn đến suốt đời: "Trái tim tôi như đã bị lột trần ra, trở nên hết sức nhạy cảm với mọi sự xúc phạm hay hành hạ dù nhỏ nhặt nhất mà mình hay bất cứ ai khác phải chịu" - Gorky sau này đã viết. Tuy nhiên, giữa những cơn thịnh nộ, ông ngoại dạy cho Alexey biết đọc, và cuốn hút cậu vào câu chuyện về thời trai trẻ lao khổ làm nghề kéo thuyền trên sông Volga. Ngay từ thời thơ ấu, cậu bé Alexey đã bắt đầu cảm nhận được, rằng con người không hề đơn giản, không có ai chỉ mang toàn tội lỗi và cũng chẳng người nào thánh thiện hoàn toàn.

Cảm nhận đó càng mạnh hơn khi bên cậu còn có bà ngoại, một phụ nữ to béo với khuôn mặt phúc hậu và đôi mắt luôn trong sáng, ấm áp, vui tươi. Bà cũng là người sùng đạo, nhưng Chúa của bà là vị Chúa của lòng nhân từ, hy sinh, luôn luôn tha thứ. Bằng giọng nói trầm ấm đầy huyền bí, bà kể cho đứa cháu trai nghe những câu chuyện về những tên kẻ cướp tốt bụng, về những vị thánh làm ra điều kỳ diệu, về những linh hồn quỷ dữ quấy phá trong các khu rừng,... Những câu chuyện được kể từ trái tim giản dị và nhân hậu của bà đã dạy cho cậu bé Alexey lòng trắc ẩn đối với những kẻ bị chà đạp, truyền cho cậu niềm ham mê khám phá thế giới đời thường và tình yêu đối với ngôn ngữ Nga bình dân hết sức sinh động và phong phú. Đó cũng chính là tài sản duy nhất và quý giá nhất mà Alexey được thừa kế: "Tình yêu đến quên mình của bà đối với thế giới đã làm tôi trở nên giàu có và đầy sức mạnh trước cuộc đời gian khổ, khó khăn".

Alexey gắn bó với bà ngoại nhiều hơn với mẹ. Người mẹ trẻ còn nhan sắc và đầy sinh lực đã tái giá một thời gian sau khi chồng chết, nhưng cuộc hôn nhân sau của bà chỉ đem lại toàn nỗi bất hạnh. Đó cũng là thời gian cậu bé Alexey được gửi vào trường tiểu học. Cậu đến trường với đôi giày của mẹ và chiếc áo khoác sửa lại từ áo bà ngoại, và trở thành đối tượng chế nhạo, trêu ghẹo của chúng bạn. Cậu dàn xếp được với bạn bè một cách nhanh chóng, song lại không thể dàn xếp được mối quan hệ với các thầy giáo và giáo sĩ trong trường. Họ không ưa cậu, không ưa đôi giày, cái áo của cậu và cũng chế nhạo cậu, còn cậu thì trả thù lại bằng những trò nghịch ngợm tinh quái, kết quả cuối cùng là cậu bị trừng phạt bởi những trận đòn nhớ đời. Trường học chưa bao giờ là nơi cậu bé Alexey được chào đón, cả về sau này cũng vậy. Tuy nhiên, cậu cũng đã bắt đầu tìm ra được người thầy đích thực của mình, người thầy đó còn đi theo dạy dỗ cậu đến suốt đời - đó là sách.

Cái chết của mẹ đã làm chấm dứt việc học ở trường của Alexey. Sau khi chôn mẹ, ông ngoại bảo với cậu: "Alexey, mày không phải là tấm mề đay, mày không thể cứ tiếp tục đeo vào cổ tao mãi được. Hãy đi ở với người đời và tự mình kiếm sống lấy". Và thế là Alexey bắt đầu bước vào trường học của cuộc đời, năm đó cậu mới mười một tuổi.

Trường đời thật lắm gian lao đối với một cậu bé. Cậu phải làm việc nhiều, đến mê mụ cả người, ngày nào cũng chồng chất hàng đống công việc lặt vặt. Xung quanh cậu là những người công nhân cũng mệt lử vì làm việc, sống chui rúc trong những căn nhà hầm tối tăm, ngột ngạt, là những tên sĩ quan cờ bạc, rượu chè, đánh lính hầu đến đổ máu và cũng chẳng nương tay với các nhân tình, là những người đàn bà ăn mặc sặc sỡ, hút thuốc lá, cũng uống rượu và đánh lính hầu. Hàng ngày, cậu bé phải chứng kiến những cảnh rượu chè, những trận ẩu đả đẫm máu. Cuộc sống đen tối ấy hẳn đã đầu độc cậu nếu như cậu không có sẵn tấm lòng luôn khao khát yêu thương được truyền từ bà ngoại, và không có những cuốn sách để cậu gửi gắm tình yêu thương vào đó. Alexey bắt đầu làm quen với những cuốn sách hay, nghiêm túc của văn học nước ngoài. Ban đầu, cậu hình dung cuộc sống của những con người được mô tả trong sách là một thế giới hạnh phúc hơn, tự do hơn, ít tàn bạo hơn cuộc sống của người Nga mà cậu đang sống. Nhưng rồi càng đọc nhiều cậu càng nhận thức được nhiều hơn, hiểu ra rằng "trẻ em ở các nước khác cũng có khi phải sống cơ cực, tôi không phải là đứa trẻ bất hạnh nhất và không cần phải thương hại bản thân mình". Mười ba tuổi, cậu đọc "Eugénie Grandet" của Balzac và hiểu ra ý nghĩa của văn chương. Tất cả những gì được viết nên trong cuốn sách tuyệt vời đó đối với cậu đều chân thực và mới mẻ. Ông lão Grandet gợi cho cậu nhớ tới ông ngoại của mình, còn nàng Egénie là biểu tượng của người phụ nữ lý tưởng: luôn yêu thương, đau khổ và hy sinh. "Khi đó tôi đã nhận ra rằng, - Gorky viết - cuốn sách hay và chân thực là một niềm vui lớn lao". Rồi sau đó, Alexey tìm đến các nhà văn, nhà thơ Nga. Pushkin là niềm vui đầu tiên, Alexey đọc những trường ca và các truyện vừa của nhà thơ một mạch với niềm khao khát đến được một chốn tươi đẹp còn đầy bí ẩn đối với cậu. Alexey còn đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn Nga khác, những cuốn sách đã củng cố trong cậu niềm tin vững chắc, rằng cậu không đơn độc và sẽ không bao giờ thất bại. "Là một thằng bé bị công việc ngu độn làm cho kiệt lực, luôn luôn phải hứng lấy những lời chửi mắng đần độn, tôi trịnh trọng hứa với mình là lớn lên, tôi sẽ giúp đỡ mọi người, hết lòng phục vụ họ ".

Suốt thời niên thiếu Alexey phải lăn lộn với đủ mọi nghề để kiếm miếng ăn, song càng trưởng thành, càng đến với sách vở, cậu càng khao khát được học tập, được đến trường. Năm 16 tuổi, chàng trai trẻ Alexey còn hết sức ngây thơ và đầy mộng ước viển vông về cuộc sống tươi đẹp đã đến thành phố Kazan với dự định thi vào trường đại học. Tuy nhiên, thực tế quá khác với các mộng ước của chàng: thay vì vào trường đại học, Alexey phải làm phu thợ ở các bến tàu trên sông Volga để khỏi bị chết đói. Cuộc sống giữa những người công nhân khuân vác, giữa những kẻ giang hồ đã trở thành "những trường đại học" của Alexey. Alexey được tôi rèn bởi những tên trộm cướp, những kẻ lưu manh, nhưng lại không trở thành kẻ trộm cướp, lưu manh, bởi chàng là con người "có tâm hồn": trong tâm hồn đó luôn lưu giữ sự trong sáng tinh khiết của tuổi thơ và những khát vọng lãng mạn mà những cuốn sách đem lại.

Ước vọng trở thành sinh viên không thành, song Alexey vẫn luôn có những mối quan hệ gần gũi với các sinh viên và những phần tử trí thức tiến bộ. Họ là những con người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sức khoẻ song lại đầy nhiệt huyết với cuộc sống, với cuộc đấu tranh chống lại trật tự xã hội để tìm đến một tương lai tốt đẹp hơn. Họ tụ họp nhau hàng tuần để đọc những cuốn sách cấm, để thảo luận các vấn đề triết học, kinh tế, chính trị. Alexey bị cuốn hút vào các các cuộc họp kín, vào các cuộc thảo luận sôi nổi đó. Tuy nhiên, sức hút của những chàng sinh viên trẻ tuổi cũng giống như sức hút của những con người lang thang cùng khổ ngoài bến tàu, họ hấp dẫn Alexey, khiến cho chàng say mê, song vẫn không làm chàng biến thành họ. Chàng là một thanh niên cao lớn, cường tráng, song lại thiếu sự khéo léo thành thạo của một người thợ lành nghề. Chàng yêu thơ và bắt đầu làm thơ, song lời nói của chàng là "lời của mình" nặng nề và cục cằn, dường như chỉ bằng những lời đó thì chàng mới có thể diễn đạt được những ý tưởng vô cùng lộn xộn đang diễn ra trong chàng. Một người bạn sinh viên đã trách chàng: "Có quỷ biết được là anh nói như thế nào. Không phải bằng lời, mà bằng những quả tạ". Chàng khổ sở vì những mâu thuẫn trong tính cách của mình, chàng không biết mình là ai, thuộc thành phần xã hội nào, và tương lai của mình sẽ ra sao. Một ngày kia, hoang mang và chán nản, chàng quyết định kết thúc cuộc đời bằng một phát súng lục vào ngực. Trong túi của chàng, cảnh sát tìm thấy mẩu giấy: "Hãy để thi sĩ người Đức Heine chịu trách nhiệm về cái chết của tôi: ông ta đã phát minh ra nỗi đau cắn rứt trong tim... Tôi yêu cầu giải phẫu và khám nghiệm thi thể tôi để tìm ra con quỷ nào gần đây đã sống trong đó. Tấm hộ chiếu kèm theo đây sẽ cho các ngài biết tôi là Alexey Peshkov, và tôi hy vọng rằng điều đó chẳng cho thấy cái gì hết".

May thay, viên đạn không xuyên qua tim chàng trai trẻ 19 tuổi ấy mà chỉ làm tổn thương lá phổi trái. Các bác sĩ đã mổ để cứu sống chàng. Trong bệnh viện, chàng còn định tự vẫn lần nữa bằng chất chlorhydric, nhưng người ta cũng phát hiện ra và kịp thời súc ruột cho chàng. Không thể chết được, chàng quyết định sống để tìm cho ra mình là ai.

Và chàng đã tìm ra. Bằng đôi chân của mình, chàng đi khắp nước Nga, dọc theo sông Volga vĩ đại, xuyên qua những thảo nguyên vùng sông Đông mênh mông, những cánh đồng Ucraina màu mỡ, đi xuống Biển Đen, rồi tiến lên vùng núi Kavkaz hùng vĩ. Chàng đi không mệt mỏi, vừa đi vừa làm việc, kiếm từng đồng kopeck để có cái ăn. Cảnh sát từng mấy lần bắt giam chàng. Trả lời câu hỏi vì lý do gì chàng đi lang thang khắp nơi, chàng đáp: "Để biết về nước Nga". Chàng bắt đầu sáng tác, viết về những kinh nghiệm chàng thu thập được trên bước đường đời gian lao của mình. Chàng viết tác phẩm "Makar Chudra" - một câu chuyện đầy chất dân gian và chất lãng mạn, gửi cho một tờ báo ở Kavkaz nhưng không dám hy vọng gì nhiều. Đến khi nghe tin tờ báo nhận đăng, chàng vội chạy tới tòa soạn để xem điều may mắn đó có phải là sự thật hay không. Ở đó, người ta hỏi chàng lấy bút danh gì để đề lên trên tác phẩm đầu tay, chàng do dự : cái họ Peshkov của chàng gợi nhớ đến "peshka" - con tốt đen - một từ chỉ sự hèn mọn và thấp kém. Mà chàng lại muốn khẳng định mình, muốn vượt lên trên số phận "tốt đen" của mình. Chàng chợt nhớ đến cái biệt danh trước kia của chàng "Cay đắng" (Gorky) bởi chàng thường nói năng gay gắt, chua cay - nó sẽ là một bút danh tuyệt vời đối với một nhà văn trẻ tuổi đang muốn nổi dậy chống lại trật tự xã hội. Thế là ngày 12 tháng 9 năm 1892, cùng với truyện ngắn "Makar Chudra" đăng trên tờ báo Kavkaz ở Tiflis (nay là thành phố Tbilisi, thủ đô nước cộng hòa Gruzia) đã xuất hiện Maxim Gorky, một cái tên mới mẻ và đầy huyền thoại trong đời sống văn học nước Nga. Với cái tên mới, chàng trai trẻ đã tìm thấy chính mình, tìm thấy công việc quan trọng nhất trong cuộc đời mình là sáng tác. Lúc bấy giờ, Gorky rời vùng núi Kavkaz để quay trở lại thành phố quê hương Nizhni Novgorod, làm thư ký cho một luật sư. Sau "Makar Chudra", truyện ngắn "Emelyan Pilai" được đăng trên tờ báo "Tin tức nước Nga" - một tờ báo có uy tín ở Moskva. Được khích lệ bởi thành công ban đầu, Gorky gửi thêm vài truyện ngắn khác đến tòa báo "Người đưa tin Volga" ở Kazan, người ta nhận đăng cùng với những lời khen ngợi. Trong số những người đầu tiên để ý đến sáng tác của nhà văn trẻ này có Korolenko[i], một nhà văn người gốc Ukraina, lúc bấy giờ đang sống tại Nizhni Novgorod sau thời gian bị lưu đày. Korolenko đã gặp gỡ và khen ngợi tài năng của Gorky, khuyên nhà văn trẻ rèn luyện thêm về mặt phong cách và nên viết những truyện dài hơn. Gorky đã nghe lời khuyên của nhà văn đàn anh này, và cho ra đời tác phẩm "Chelkash". Korolenko đã đánh giá cao tác phẩm: "Tôi đã nói anh là một nhà văn hiện thực... Nhưng đồng thời anh còn là một nhà lãng mạn chủ nghĩa". Đó cũng là lời nhận định hết sức chính xác về toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Gorky.

Nhờ sự giúp đỡ của Korolenko, Gorky bắt đầu làm việc ở các tòa báo. Công việc của một nhà báo đã giúp thêm nhiều kinh nghiệm cho nhà văn Gorky khi viết về cuộc sống của nước Nga và con người Nga. Tuy nhiên, công việc nặng nề, cộng thêm di chứng của lần tự tử không thành đã làm cho sức khoẻ của Gorky giảm sút, hai lá phổi có dấu hiệu của bệnh lao. Để chữa bệnh, Gorky phải nhờ vào sự giúp đỡ của quỹ văn học ở Petersburg, đó cũng là thời gian nhà văn kết hôn với Ekaterina Volzhina (năm 1896 - 1897).

Từ khi trở thành nhà văn, Gorky không chỉ được nhiều độc giả quan tâm, mà còn được cả chính quyền chú ý. Cảnh sát báo cáo về ông: "Hắn là một kẻ hết sức khả nghi; có học và là nhà văn giỏi; hắn đã chu du gần như khắp nước Nga (chủ yếu là đi bộ )","có thái độ chính trị không đáng tin cậy", "thường phát biểu một cách dữ dội về việc công nhân bị các ông chủ bóc lột". Người ta lục soát nhà ông, kiểm soát sự đi lại của ông. Sự phiền hà từ phía chính quyền không làm ảnh hưởng nhiều đến triển vọng văn chương của Gorky. Năm 1898, bộ truyện ngắn đầu tiên của nhà văn được xuất bản, gồm hai tập, mỗi tập khoảng mười truyện. Ba ngàn bản in được bán hết nhanh đến nỗi cả tác giả lẫn nhà xuất bản đều phải ngạc nhiên. Những truyện ngắn với giọng văn mới mẻ, thô ráp đã làm cho giới độc giả, bấy lâu nay quen với kiểu văn chương thanh lịch nhưng thờ ơ, giật mình chú ý. Từ khi Dostoevsky qua đời (1881), trên văn đàn Nga vẫn còn sừng sững Tolstoy, nhưng ông lại đang mải đọc Phúc Âm, tuyên truyền cho thuyết "không dùng bạo lực chống lại cái ác", tìm tòi những lý tưởng đạo đức trong thế giới của những người nông dân gia trưởng. Bên cạnh Tolstoy là Chekhov, người đã mô tả với những nét bút hết sức tinh tế sự buồn chán, nhạt nhẽo của cuộc sống đời thường và nỗi đau khổ dày vò tâm hồn những con người giàu tri thức song thiếu quyết tâm, thiếu hành động nơi các tỉnh lẻ ở khắp đất nước Nga. Những nhà văn trẻ của trường phái tượng trưng như Sologub, Bryusov, Balmont, Merezhkovsky[ii] thì chối từ văn chương phục vụ xã hội, đề cao tự do cá nhân, đi tìm nghệ thuật ở ngoài cuộc đấu tranh thiện - ác. Maxim Gorky giống như người đánh lên tiếng chuông ồn ào, gióng giả giữa không gian văn chương Nga đang bình lặng, trầm lắng. Những truyện ngắn viết về những kẻ khốn khó, du thủ du thực cho thấy một nét đẹp khác ở người Nga - những con người ở "dưới đáy" xã hội muốn vươn lên, muốn đấu tranh chống lại trật tự xã hội.

Sau thành công của tập sách, Gorky tin tưởng rằng mình có thể viết được một "cái gì đó " nghiêm túc, hay và có thể đánh thức được lương tri mọi người. "Cái gì đó " trước hết là tiểu thuyết đầu tiên của ông, "Foma Gordeev" (1899), trong đó ông mô tả cuộc sống của giới tiểu thị dân và tư sản ở Nizhni Novgorod, phê phán thói tham lam, ích kỷ, hống hách của bọn trưởng giả. Gorky đã đề tặng tác phẩm "Foma Gordeev" cho nhà văn lớn Anton Chekhov. Từ khi xuất bản bộ truyện ngắn đầu tay, Gorky đã có mối liên hệ với Chekhov và họ gặp gỡ nhau lần đầu tiên năm 1899. Chekhov yêu thích và khuyến khích phong thái hồn nhiên, thanh thoát, sôi nổi ở nhà văn trẻ nổi lên từ giữa lòng nhân dân này. "Anh ấy có vẻ bề ngoài của một kẻ lang thang, nhưng trong tâm hồn lại là một người phong nhã "- Chekhov đã viết như thế về Gorky sau lần gặp đầu tiên. Năm 1902, Gorky được Viện Hàn lâm khoa học Nga bầu làm viện sĩ, nhưng sau đó theo lệnh của Nga hoàng Nikolai đệ nhị Viện Hàn lâm đã phải hủy bỏ kết quả bầu cử này. Chekhov, cùng với Korolenko, đã từ bỏ danh hiệu viện sĩ của mình (hai ông đã được bầu làm viện sĩ trước đó) để phản đối việc hủy bỏ này và bày tỏ sự ủng hộ đối với Gorky. Về phần mình, Gorky sùng kính Chekhov như một người thầy - một nghệ sĩ đã mô tả một cách thiên tài trạng thái tinh thần con người và những bức tranh thiên nhiên bằng những lời lẽ giản dị nhất. Gorky đồng cảm sâu sắc với thái độ Chekhov phê phán sự trì trệ, sự tầm thường trong đời sống tinh thần của những người đương thời. Tuy nhiên, Chekhov chỉ vạch ra những thói xấu, những sự tầm thường, vô nghĩa và buồn chán của một xã hội suy đồi, trong khi Gorky lại muốn dùng tất cả sức mạnh tư duy lẫn cơ bắp của mình xé nát cái trật tự xã hội đó. Cũng như Chekhov, Gorky không chỉ dừng lại ở những sáng tác văn xuôi, mà còn tiến vào lãnh địa của sân khấu kịch với những ý tưởng nghệ thuật mới mẻ. "Những kẻ tiểu thị dân" (1901) là một cuộc tấn công mới vào tầng lớp tư sản, đồng thời khắc họa một mẫu người mới: một "con người thực sự ", một "công nhân kiểu mẫu", "một con người bình tĩnh tin tưởng vào sức mạnh của mình và vào quyền được tái tạo cuộc sống của mình theo những tư tưởng mình theo đuổi" (lời Maxim Gorky trong thư gửi Stanislavsky[iii] tháng 1 năm 1902). Vở "Dưới đáy" (1902) và thành công của nó lại càng khẳng định thêm cái mới, cái cách mạng trong kịch Gorky: ngay cả khi rơi xuống tận đáy sâu của cuộc đời, những con người nghèo khổ vẫn tiếp tục mơ ước, hy vọng, không đánh mất niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn, không ngừng vươn tới mặt trời, vươn tới hạnh phúc. "Con người- tiếng ấy vang lên rất tự hào" - câu nói của nhân vật Satin trong vở kịch đã trở thành một câu cách ngôn nổi tiếng.

Bằng những sáng tác của mình, một cách tự nhiên, Gorky đã đến với  những người mác xít, những nhà cách mạng xã hội dân chủ, đến với phong trào công nhân. Cũng như những nhà mác xít lúc bấy giờ, ông tin rằng những người công nhân sẽ giành được tự do bằng sức mạnh của chính mình. Gorky trở thành nhà văn của những người vô sản, trở thành "con chim báo bão" của cách mạng Nga. Năm 1905, cuộc cách mạng Nga đầu tiên bùng nổ. Gorky là người chứng kiến ngày chủ nhật đẫm máu 9 tháng Giêng ở Petersburg (sự kiện khởi đầu cho cuộc cách mạng 1905 -1907), chứng kiến sự tàn bạo của chính quyền Nga hoàng và nỗi căm giận của quần chúng nhân dân. Gorky hiểu rằng: "Cách mạng Nga đã bắt đầu... Cái chết không ngăn cản được tôi; lịch sử đang vẽ lên bức tranh mới bằng máu". Nhà văn viết lời kêu gọi quần chúng tham gia cách mạng. Chính quyền Nga hoàng lập tức cho bắt ông. Việc Gorky bị bắt đã gây nên một làn sóng phản đối cả trong và ngoài nước Nga. Trước sức ép của công luận, một tháng sau, người ta phải thả Gorky ra khỏi tù. Phong trào cách mạng ở Nga dâng cao với các cuộc bãi công, biểu tình, nổi dậy của công nhân và binh sĩ. Gorky đi lại như con thoi giữa Petersburg và Moskva, tham gia các cuộc mít tinh của quần chúng, viết các bản tuyên bố, thuyết phục công nhân và trí thức, đưa ra những yêu sách đối với chính quyền. Ông cùng với những đồng chí của mình, những nhà xã hội dân chủ (Bolshevik) lập ra tờ nhật báo Đời mới tuyên truyền cho những tư tưởng cách mạng. Trước nguy cơ bị chính quyền bắt giam lần nữa, những người bạn Bolshevik khuyên nhà văn lánh ra nước ngoài. Và thế là bắt đầu tám năm sống lưu vong của nhà văn, từ châu Âu sang Mỹ rồi lại quay về châu Âu, lâu nhất là thời gian sống ở Italia, trên một hòn đảo nhỏ có tên gọi Capri. Ở những đất nước mà ông tới, người ta đều đã nghe danh tiếng của ông, biết về ông như một nhà văn huyền thoại đi lên từ giữa những người lao động Nga nghèo khổ, biết về ông như một kẻ nổi loạn chống lại trật tự xã hội. Người ta vừa hâm mộ ông, vừa sợ ông như một "kẻ gây rối". Trả lời cho cơ quan nhập cư ở New York, Gorky đã nói một cách tự hào: "Tôi không phải là kẻ vô chính phủ. Tôi là một nhà xã hội chủ nghĩa. Tôi tôn trọng pháp luật, và chính vì thế mà tôi chống lại nhà nước Nga, một nhà nước ngày nay đã tỏ ra là một tổ chức vô chính phủ ". Trong thời gian sống lưu vong, Gorky đã viết nhiều tác phẩm, tiêu biểu nhất là tiểu thuyết "Người mẹ " (1906) - cuốn tiểu thuyết nói về phong trào công nhân Nga. Ý đồ viết tác phẩm được gợi lên từ những sự kiện diễn ra ở các nhà máy vùng Sormovo năm 1902, các nhân vật được xây dựng từ những con người có thật mà ông quen biết ở thành phố quê hương Nizhni Novgorod. V.I.Lenin, lãnh tụ của phong trào Bolshevik rất quan tâm đến cuốn tiểu thuyết này. Gorky viết trong Hồi ức về Lenin: "Vừa nhìn tôi với đôi mắt sáng và linh hoạt đến lạ kỳ, ông [Lenin] vừa bắt đầu nói về những sai sót trong cuốn sách "Người mẹ" của tôi. Ông mượn được bản thảo chỗ nhà xuất bản ở Berlin, và đọc nó rất nhanh. Tôi nói với ông rằng tôi viết cuốn sách đó vội quá, chẳng biết tại làm sao. Lenin gật đầu và nói: "Anh vội là phải lắm, bởi vì đó là cuốn sách rất cần thiết. Rất nhiều công nhân đã tham gia phong trào cách mạng mà không ý thức được điều đó. Đọc "Người me" bây giờ rất có ích cho họ. Đó là cuốn sách ra đời rất đúng lúc". Đó là lời khen duy nhất của ông, nhưng nó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi." Gorky đã giữ quan niệm về sự cần thiết và hữu ích của văn học đối với đạo đức con người, đối với xã hội đó cho đến cuối cuộc đời mình.

Ngôi nhà ông ở Capri lúc nào cũng nườm nượp đủ loại khách thăm viếng: những kẻ nghèo khó xin ăn, những người hâm mộ, những du khách hiếu kỳ, những người đi tìm chân lý,... Những bức thư chất đầy bàn với đủ mọi nội dung: bày tỏ sự ái mộ, bộc bạch tâm tình, xin lời khuyên nhủ, xin giúp đỡ tài chính,... Gorky chào đón tất cả khách, buộc mình phải đọc và trả lời tất cả các thư từ càng nhanh càng tốt. Nhớ lại thời tuổi trẻ gian lao, ông không cho phép mình vì lười biếng hay thờ ơ mà bỏ qua những lời thỉnh cầu của những con người nghèo khó, hèn mọn. Những người khách, những bức thư đến từ nước Nga đặc biệt cần thiết đối với Gorky bởi ông đang khổ sở vì phải xa nước Nga, nguồn sống duy nhất và dồi dào nhất của nhà văn.

Một ngày cuối thu năm 1910, Gorky nhận được tin về cái chết của văn hào Tolstoy: "Bỗng nhiên một bức điện đến từ Roma báo tin Lev Nikolayevich [Tolstoy] qua đời. Tôi cảm thấy sững người trong vòng năm phút. Rồi tôi bật khóc. Tôi giam mình trong phòng và khóc suốt cả ngày. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình mồ côi như ngày hôm đó ". Gorky đã từng gặp gỡ Tolstoy từ nhiều năm trước. Giữa Tolstoy và Gorky là một sự cách biệt lớn lao: Tolstoy hơn Gorky 40 tuổi; Tolstoy dòng dõi đại quý tộc, Gorky xuất thân từ tầng lớp lao động; Tolstoy không muốn dùng bạo lực chống lại cái ác, Gorky muốn làm cách mạng; Tolstoy tin vào Chúa, Gorky là người vô thần;.. Tuy nhiên, giữa họ lại có mối quan hệ gần như là ruột thịt, bởi chảy trong huyết quản của họ đều là dòng máu của nghệ thuật, của văn chương và của tình yêu thương con người. Nghệ thuật của Gorky được tôn vinh ở thế kỷ 20, song nguồn cội của nó là thế kỷ 19, là thời đại của Tolstoy, Chekhov và cả Dostoevsky, mặc dù Gorky luôn phê phán Dostoevsky.

Năm 1913, Gorky trở về lại Tổ quốc trong sự chào đón của cả chính quyền lẫn dân chúng. Cơ quan an ninh lập tức giám sát nhà văn ngay từ khi ông đặt chân xuống đất Nga, tuy nhiên họ chưa bắt ông, có lẽ sợ sự phản đối của dư luận. Trong khi đó, những người trí thức cách mạng, những người công nhân hết sức vui mừng. Sinh viên viết cho ông: "Ông đã về lại giữa chúng tôi, vừa lúc chúng tôi bừng tỉnh sau giấc ngủ dài mê mệt", còn những người công nhân thì tin rằng "sự trở về và ảnh hưởng tinh thần to lớn của ông sẽ giúp chúng tôi, những người vô sản Nga, thêm sức mạnh để bứt tung ách thống trị của Nga hoàng". Trong hành lý mang về quê hương của Gorky là bản thảo "Thời thơ ấu" viết về tuổi thơ của chính nhà văn. "Thời thơ ấu" cùng với "Ở giữa người đời", "Những trường đại học của tôi" hợp lại thành bộ tiểu thuyết tự thuật nổi tiếng, mô tả quá trình hình thành nhân cách của một con người thông qua đau khổ, nước mắt, sự tàn bạo và niềm tin yêu, đồng thời cũng vẽ nên bức tranh sống động của đời sống Nga, đặc biệt là đời sống của tầng lớp nghèo khổ bần hàn của những thập niên 70 -80 thế kỷ 19. Cuốn sách đó cho thấy: dù bận rộn với các hoạt động cách mạng, người nghệ sĩ trong Gorky vẫn lao động, tìm tòi và khám phá để đi đến những kết quả mới.

Gorky trở về giữa lúc phong trào cách mạng Nga đang sôi sục. Chiến tranh thế giới bùng nổ càng đổ thêm dầu vào lửa. Năm 1917 là năm quyết định với hai cuộc cách mạng: cách mạng dân chủ tư sản vào tháng 2 và cách mạng vô sản vào tháng 10. Trong bão tố cách mạng, Gorky - một người đến với cách mạng một cách hồn nhiên và tự phát - có những lúc không hiểu những người đồng chí Bolshevik của mình. Ông có những bài báo mà sau đó được tập trung lại thành tập "Những suy tư không hợp thời" cho thấy những băn khoăn dao động của ông trước các biến cố cách mạng. Nhiều người cáo buộc ông đã "phản bội nhân dân sau hai mươi năm phục vụ cho phong trào dân chủ", tuy nhiên lãnh tụ cách mạng Nga V.I.Lenin đã tuyên bố : "Gorky là người của chúng ta... Ông sẽ trở lại với chúng ta". Quan hệ giữa Lenin và Gorky là một tình bạn đặc biệt,  tuy trải qua những sóng gió, song vẫn giữ được sự quý mến và trân trọng cảm phục nhau. Lenin đã nói với Gorky từ buổi gặp gỡ đầu tiên ở London năm 1907: "Tôi là người hâm mộ tài năng của anh". Còn đối với Gorky, Lenin là con người chân chính và vĩ đại. Năm 1924, Gorky đang dưỡng bệnh ở nước ngoài thì nhận được tin về cái chết của Lenin. Cái tin đó cũng làm ông xúc động và đau đớn giống như hơn 13 năm trước khi nghe tin Tolstoy mất. Gorky nhìn thấy nơi Tolstoy là sức mạnh vĩ đại của nghệ thuật, còn nơi Lenin là một sức mạnh có thể giải phóng con người khỏi cuộc sống "dưới đáy" - sức mạnh của sự thật. Đó là hai thứ mà Gorky luôn khát khao tìm kiếm trong cuộc đời và niềm khát khao đó đã được thể hiện trong các sáng tác của ông.

Những năm 20, Gorky một lần nữa lại phải sống xa quê hương một thời gian dài (1921 -1928). Sức khoẻ của ông giảm sút trầm trọng và phải ra nước ngoài dưỡng bệnh, toàn bộ chi phí do nhà nước xô viết đài thọ. Ở nước ngoài, Gorky lập tờ tạp chí Đối thoại in các tác phẩm văn học Nga, với hy vọng tìm sự hòa giải, hòa hợp giữa các nhà văn xô viết và các nhà văn đã rời bỏ nước Nga thời kỳ cách mạng. Đáp lại nỗ lực hòa giải của Gorky là thái độ công kích gay gắt từ phía các nhà văn lưu vong và tờ tạp chí chỉ ra được 6 số. Không đối thoại được với những người đồng hương nhưng bất đồng chính kiến, song Gorky lại tìm được sự đồng tình ở nhiều nhà văn lớn của Phương Tây như Romain Rolland, Anatole France, Henri Barbusse... Thời gian ở nước ngoài, Gorky tập trung vào công việc sáng tác. Một ngày 12 tiếng đồng hồ ông ngồi viết với cây bút mực (Gorky không bao giờ dùng bút máy, còn máy chữ đối với ông là quá hiện đại) Ông hoàn thành tiểu thuyết "Sự nghiệp của gia đình Artamonov" và bắt tay vào tiểu thuyết "Cuộc đời của Klim Samgin".

Gorky luôn gắn bó với tổ quốc mình. Năm 1928 ông về thăm và năm 1931 thì trở về hẳn. Đất nước của ông đã là Liên bang xô viết (Liên Xô). Ông lại làm những cuộc hành trình đi khắp nước Nga, dù không còn là chàng trai nghèo khó xưa kia mà đã là ông già ở tuổi lục tuần hết sức nổi tiếng, tuy nhiên tình yêu với nước Nga và sức sáng tạo của Gorky vẫn còn tươi mới, dồi dào. Ông viết hàng loạt tác phẩm, ghi lại những cảm xúc của mình về nước Nga mới - nước Nga xô viết. Đặc biệt quan tâm đến sự ra đời và trưởng thành của nền văn học xô viết, ông dốc nhiều tâm sức cho việc thành lập Hội Nhà văn Liên Xô và chuẩn bị cho Đại hội lần đầu tiên của Hội vào năm 1934. Đại hội này đã đánh dấu sự ra đời của khái niệm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa - một trào lưu nghệ thuật mới mà Gorky được xem như là ngọn cờ đầu trong sáng tác (với tác phẩm "Người mẹ "), đồng thời cũng là một trong những người đầu tiên đặt nền tảng lý luận. Gorky được tôn vinh là cha đẻ của nền văn học xã hội chủ nghĩa, là nhà văn Nga vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Tuy nhiên, vinh quang không làm mất đi vẻ bình dị trong con người Gorky. Ông tự nhận xét một cách khiêm tốn về tài năng của bản thân: cho rằng mình chỉ là một người thợ trung thực trong công việc của mình. Và người thợ đó, cho đến cuối cuộc đời vẫn hết sức cần cù, nhẫn nại. Ông chạy đua với thời gian để hoàn thành bộ tiểu thuyết "Cuộc đời Klim Samgin", với ước vọng: thông qua việc mô tả bốn mươi năm cuộc đời một con người trí thức tư sản dựng lên bức tranh rộng lớn về nước Nga, chỉ ra nguyên nhân, bản chất và ý nghĩa của những sự kiện, những tiến trình đã đưa nước Nga đến cuộc cách mạng vĩ đại năm 1917. Thế nhưng Gorky đã không kịp. Cái chết đến với nhà văn vào ngày 18 tháng 6 năm 1936, khi ông 68 tuổi. Đám tang ông được tổ chức long trọng, đứng gác danh dự bên linh cữu ông là những vị lãnh đạo cao nhất của nhà nước xô viết. Thi hài ông được hỏa táng và sau đó bình đựng di cốt ông được đặt lên bức tường Kremlin ở sau lăng Lenin là nơi lưu giữ di cốt của những nhân vật vĩ đại của nước Nga xô viết.

Maxim Gorky là một huyền thoại: một con người từ "dưới đáy" xã hội, hoàn toàn bằng con đường tự học đã vươn lên thành một nhà văn vĩ đại. Mọi người nói ông là người vô thần, ông không tin vào Chúa. Điều đó có lẽ cũng không hoàn toàn đúng. Trong ông luôn có một vị Chúa toàn năng: đó là "Con Người viết hoa"- con người của lao động, của tự do, con người luôn kiếm tìm sự thật, kiếm tìm chân lý - con người đó luôn có thể vượt lên tất cả, làm được tất cả.

Và chính ông bằng cuộc đời và sáng tạo của mình đã là một minh chứng thật hùng hồn cho sức mạnh của "Con Người viết hoa" đó.

ĐÔI NÉT VỀ TRUYỆN NGẮN CỦA GORKY

Gorky khởi đầu sự nghiệp sáng tác bằng những truyện ngắn và truyện ngắn cũng là mảng sáng tác thành công nhất của ông.

Vài tháng trước khi sáng tác truyện ngắn "Bà lão Izergil", Gorky có viết: "Cần phải có những ngôn từ vang lên như những hồi chuông gióng giả, làm rung động lòng người và thúc đẩy người ta tiến lên phía trước. Hãy cứ để người ta ý thức được những sai lầm và xấu hổ vì quá khứ. Hãy cứ để người ta nhức nhối với nỗi chán ghét hiện tại và để người ta khốn khổ với nỗi khát vọng về tương lai". Gorky đã hiểu ý nghĩa cao cả của cuộc sống và của nghệ thuật là như thế. Và ông thể hiện nó trong những tác phẩm truyện ngắn của mình.

Gorky nổi tiếng như một nhà văn của "đội quân chân đất " du thủ du thực trên khắp đất nước Nga. Cuộc sống lang thang của chính nhà văn thời tuổi trẻ đã giúp ông tạo nên những hình tượng hết sức độc đáo. Thực ra Gorky không phải là người duy nhất viết về những kẻ lang thang. Trước ông, một số nhà văn Nga khác cũng từng chọn đề tài này cho những sáng tác của mình (như Reshetnikov, Uspensky[iv],...) Những kẻ du thủ du thực trong các sáng tác của họ thường được mô tả như những "cặn bã " của xã hội: những kẻ nghiện rượu, những kẻ trộm cướp, những tên giết người,... Các nhà văn đã xây dựng hình tượng những con người đó như những nạn nhân của một xã hội nơi trật tự bị đảo lộn, những nạn nhân bị đày đọa bởi số phận đến độ không còn nhìn nhận được sự đúng sai của cuộc đời, không ý thức được những bất công mà mình phải chịu đựng.

Cái độc đáo của những nhân vật du thủ du thực của Gorky là ở chỗ họ không chỉ là "cặn bã", là nạn nhân. Họ còn là hiện thân của tình yêu với thiên nhiên và với cái đẹp. Họ còn là những con người với đầy ý thức về bản thân mình, và họ tuyên chiến với xã hội. Gorky sống cuộc sống của các nhân vật, ông như hòa lẫn với họ, có khi phát biểu những tư tưởng của mình thông qua ngôn từ của họ. Những kẻ du thủ du thực của Gorky không hẳn bị số phận đè bẹp, mà ngược lại nhiều khi còn cảm thấy tự hào về cuộc sống nghèo khổ, lang thang của mình, bởi đó là cuộc sống tự do vô cùng phong phú những điều lý thú và bổ ích. Nhân vật Makar Chudra trong truyện ngắn cùng tên đã nói: "Còn như tôi đây, năm mươi tám năm trời tôi đã trông thấy nhiều điều (...) Anh tính còn xứ sở nào mà tôi chưa đi qua nữa?... Sống phải như thế mới được: đi, đi mãi, chỉ có thế thôi". Một nhân vật khác phát biểu: " Tôi sẽ đi lang thang khắp nơi cho đến khi nào bạc tóc mới thôi... Tôi sẽ buồn chán lắm nếu phải ở yên một chỗ". Các nhân vật của Gorky không chỉ là những kẻ lang thang bằng đôi chân để kiếm kế sinh nhai. Sự lang thang của họ còn có hàm ý khác nữa: đó là cuộc kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống, tìm chân lý. Không phải bao giờ họ cũng tìm ra, số phận họ nhiều khi thật bi kịch, tuy nhiên điều quan trọng là họ đã đi, đã tìm, đã vật lộn đấu tranh, đã cố vươn lên chứ không chỉ gục đầu chấp nhận cuộc sống tầm thường.

Một trong những nét độc đáo, và cũng là thành công của Gorky là mô tả những con người bé nhỏ chân đất nghèo khổ đó trong mối giao hòa với thiên nhiên Nga hết sức hùng vĩ, có khi rất dữ dội mà nhiều lúc cũng thật hiền hoà.

Hiện thực cuộc sống hiện ra trong những truyện ngắn của Gorky với hai màu sáng - tối, làm nảy sinh cả niềm vui sướng lẫn nỗi khổ đau, sự cảm thông lẫn lòng công phẫn. Hiện thực đó trước hết là chính bản thân con người.  Trong thế giới tâm hồn luôn bị giày vò đau khổ, nhà văn đã tinh tế chỉ ra những biểu hiện cao đẹp. Tuy nhiên, khát vọng vươn tới tương lai, vươn tới lý tưởng toàn mỹ về con người khó có thể hợp nhất với diện mạo cũng như những quan hệ thực tế hiện tại của con người. Bởi vậy trong nhiều tác phẩm, Gorky tìm về với những tư liệu của văn học dân gian: những truyền thuyết, những huyền thoại, và trên cơ sở những tư liệu đó xây dựng những tính cách lý tưởng, nhưng song song cùng với chất dân gian huyền thoại, cuộc sống hiện thực vẫn tiếp tục được khám phá. Và như thế, chất lãng mạn và chất hiện thực cứ đồng hành với nhau, bổ sung cho nhau trong nhiều truyện ngắn của Gorky.

Trong nhiều truyện của Gorky thường hiện diện cái "tôi" - tác giả. Tác giả là người lắng nghe những câu chuyện kể, mở đầu và kết thúc tác phẩm với những ấn tượng, tình cảm hết sức thực, hết sức sống động về người kể chuyện, về thiên nhiên và cuộc sống con người bao quanh câu chuyện kể. Đó là một  kết cấu trong đó thế giới tưởng tượng, thế giới huyền thoại cổ tích được nối với thế giới hiện thực bằng chính bản thân tác giả, vừa giúp làm nổi bật những mâu thuẫn hiện thực của cuộc sống, vừa giúp cho những khát vọng lãng mạn được thể hiện một cách chân thực hơn và mạnh mẽ hơn.

Những truyện của Gorky thường không quá dài, cốt truyện không có gì đặc sắc lắm, hoặc nhiều khi vắng bóng cả cốt truyện, các tính cách được mô tả rất giản dị, rõ ràng. Tuy nhiên, trong cái khung giản dị đó luôn đầy ắp một sự sống phong phú, đa dạng và sâu lắng - và đó chính là cốt lõi nghệ thuật truyện ngắn của Gorky.

 

 



[i] Vladimir Galactionovich Korolenko (1853-1921) nhà văn Nga (gốc Ukraina), tác giả của nhiều tác phẩm văn xuôi, bút ký,... trong đó có tác phẩm "Người nhạc sĩ mù " (1886) đã được dịch sang tiếng Việt. Ông bị chính quyền Nga hoàng bắt và đày đi Siberia (1881-1884) vì có liên quan đến các hoạt động cách mạng.

[ii] F.K.Sologub (1863-1927), V.Ya.Bryusov (1873-1924), K.D.Balmont (1867- 1942), D.S.Merezhkovsky (1865-1941) đều là các nhà thơ thuộc trường phái tượng trưng chủ nghĩa, đồng thời mỗi người lại có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của các thể loại khác (Sologub nổi tiếng với các tiểu thuyết nhiều hơn với các tác phẩm thơ, Bryusov và Balmont cũng là nhà tiểu thuyết và nhà phê bình, Merezhkovsky nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về Tolstoy, Dostoevsky, Gogol và các công trình nghiên cứu triết lý tôn giáo...). Chủ nghĩa tượng trưng ở Nga nảy nở từ thập niên cuối của thế kỷ 19 và nở rộ vào thập niên đầu của thế kỷ 20.

[iii] K.S.Stanislavsky (1863- 1938), đạo diễn sân khấu, diễn viên, nhà giáo, nhà lý luận sân khấu, người cùng với V.I.Nemirovich-Danchenko sáng lập ra Nhà hát Nghệ thuật Moskva năm 1898. Hoạt động sân khấu của Stanislavsky góp phần quan trọng vào sự phát triển của nghệ thuật sân khấu Nga và xô viết thế kỷ 20.

[iv] Feodor Reshetnikov (1841-1871), Gleb Uspensky (1843 -1902) - các nhà văn Nga có tư tưởng cách mạng dân chủ thế kỷ 19.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60427069
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8044
6820
60427069

Thành viên trực tuyến

Đang có 1009 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website