Sử thi là một trong những hiện tượng đặc biệt của nghệ thuật ngôn từ dân gian Nga.
Từ cuối thế kỷ XVIII, một lượng lớn các tác phẩm sử thi dân gian đã được phát hiện và sưu tập ở các vùng phía bắc nước Nga, được gọi là bylina (điều xảy ra trong quá khứ) hay starinabylina được nhà folklore học I.P.Sakharov (1807 – 1863) đưa vào khoa học những năm 40 thế kỷ XIX. (chuyện thời xưa), bởi cơ sở cốt truyện của chúng là một biến cố anh hùng nào đó, hay một tình huống đặc biệt nào đó của lịch sử Nga. Thuật ngữ bylina được nhà folklore học I.P.Sakharov (1807 – 1863) đưa vào khoa học những năm 40 thế kỷ XIX.
Mặc dù người ta không tìm thấy các bylina ở miền nam nước Nga và ở Ukraina, nhưng nhiều chứng cứ cho thấy các tác phẩm dân gian này liên quan đến thời kỳ nước Nga cổ Kiev, dưới thời của quốc vương Vladimir – người tiếp nhận Thiên Chúa giáo cho nước Nga, và các tráng sĩ của ông là Ilia Muromets, Aliosha Popovich, Dobrynia Nikitich và nhiều người khác, tập hợp quanh quốc vương thành một nhóm hiệp sĩ kiểu như nhóm Hiệp sĩ Bàn tròn quanh vua Arthur ở Anh. Tuy nhiên, nguồn gốc của sử thi Nga còn là vấn đề chưa có sự giải đáp thống nhất giữa các học giả. Một số người, trong đó có Propp, cho rằng bylina xuất hiện từ thời của các bộ lạc Đông Slav và có nguồn gốc thần thoại (các nhân vật tráng sĩ là hiện thân của các vị thần của người Slav cổ). Lý thuyết vay mượn lại thấy những tên nhân vật sử thi Nga trong các sử thi vùng Scandinavia, hay Lombardy (thuộc Italia) được viết vào thế kỷ XI - XII. Tuy nhiên, đa phần các học giả cho rằng thể loại sử thi bylina bắt nguồn từ thế kỷ X – XI, gắn với các sự kiện lịch sử thời nước Nga cổ Kiev, bởi mặc dù tác phẩm sớm nhất có nhắc đến sử thi là ở thế kỷ XVI, nhưng tác phẩm biên niên sử cổ thế kỷ XI - XII (Povest vremennykh let) cũng như các tác phẩm sau đó như “Truyện về thành Ryazan bị phá hủy”, và đặc biệt là “Bài ca về đạo quân Igor”, đã cho thấy dấu ấn của truyền thống sử thi.
Theo V.F.Miller, bylina ban đầu do những ca sĩ cung đình của các quốc vương Nga sáng tác. Về sau, chúng được phổ biến bởi các skomorokh – tức những nghệ sĩ lang thang xuất thân từ tầng lớp dưới, biểu diễn múa, hát, kịch hề; họ xuất hiện ở Kiev không muộn hơn giữa thế kỷ XI (những bức họa trong nhà thờ Thánh Sophia được xây dựng năm 1137 ở Kiev đã chứng minh điều này). Các bylina được hoàn chỉnh dưới tay các skomorokh, với sự thêm thắt các tình tiết cốt truyện, bổ sung các môtíp hài hước. Các skomorokh thường bị nhà thờ Thiên Chúa giáo kết tội bất kính, làm giảm uy tín Chúa, thậm chí phản Chúa. Dưới thời vua Alexei Mikhalovich (thế kỷ XVII), các skomorokh bị ngược đãi, truy đuổi, các nhạc cụ của họ (thường là đàn domra, balalaika, kèn túi, trống,…) bị tịch thu tiêu hủy, còn bản thân họ bị phạt đánh đòn (nếu bị bắt gặp tái phạm), bị trục xuất đến các vùng biên giới. Các skomorokh đã mang các bylina lên phía bắc, và qua họ truyền thống được chuyển sang những người nông dân và ngư dân các vùng miền bắc nước Nga.
Bylina là tác phẩm được sáng tác với thể thơ tự do không có vần, nhưng có nhịp điệu đặc biệt, độ dài có thể thay đổi tùy bài, nhưng thường khoảng 300 đến 400 câu thơ. Bylina gồm có ba phần chính: phần mở đầu, phần tự sự, phần kết. Phần mở đầu nhằm thu hút sự chú ý của thính giả đến câu chuyện sắp được kể, chẳng hạn trong các bylina thuộc nhóm Kiev thường mô tả buổi yến tiệc do quốc vương Vladimir chiêu đãi, nơi đó các tráng sĩ thi nhau khoe tài năng, chiến công của mình. Phần tự sự kể về cuộc phiêu lưu của tráng sĩ cũng tùy tùng. Để gây hấp dẫn, tạo sự bất ngờ, người ta sử dụng rất nhiều những sự đối lập, tương phản trong mô tả nhân vật và đối thủ của anh ta. Lúc đầu, nhân vật tráng sĩ có thể đang bệnh tật, bơ vơ, hoặc có thể còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm, chẳng ai tin vào sự dũng cảm của chàng, trong khi kẻ thù của chàng, ngược lại, là người có sức mạnh và quyền lực phi thường. Hắn to lớn khủng khiếp và hết sức phàm ăn (như Tugarin), hay tiếng hót của hắn có thể phá hủy mọi thứ (như tên Họa mi- Tướng cướp). Mọi người đều sợ hắn, đều bị hắn áp đảo. Tuy nhiên, khi đụng độ, chàng tráng sĩ đã đánh bại kẻ thù một cách dễ dàng. Trong phần kết, hoặc là sự ám chỉ các phần thưởng, hoặc nhắc đến biển, chẳng hạn như: “Và họ kể câu chuyện về chàng Dobrynya/ để làm cho biển lặng/ và để an ủi các bạn, hỡi những con người tử tế”.
Các nhà nghiên cứu thường chia bylina theo vùng nơi diễn ra các sự kiện: có hai nhóm chính là sử thi Kiev và sử thi Novgorod. Nhóm sử thi mang các đặc điểm thần thoại (được gọi là sử thi thần thoại mifologicheskie byliny) được tách thành nhóm riêng. Các tráng sĩ (bogatyr) của nhóm sử thi thần thoại là các anh hùng “thế hệ già” (starshie bogatyri), còn các tráng sĩ của nhóm sử thi Kiev là anh hùng “thế hệ trẻ” (mladshie bogatyti). Các nhân vật của nhóm Novgorod thì không được gọi là bogatyr.
Nếu xét theo tên gọi, những nhân vật sử thi “thế hệ già” như Svyatogor, Dunai, Volkh (hay Volga), Potoka,… là hiện thân của các lực lượng tự nhiên (núi, sông, suối…), có liên quan đến những tín ngưỡng thờ thần linh của người Slav cổ xưa. Ví dụ sử thi về Volkh Vseslavyevich (hay Volga Svyatoslavich) mang tính chất pháp thuật (có ý kiến cho rằng tên nhân vật Volkh có liên quan với volkhv có nghĩa là phù thủy, nhưng theo một số nhà nghiên cứu thần thoại thì nguồn gốc nhân vật này là thần săn bắn Volkh của người Slav). Về sự ra đời thần kỳ của nhân vật được sử thi kể như sau:
Trong khu vườn, khu vườn xanh biếc
Nàng Marpha Vseslavyevna
Tiểu thư trẻ trung đang dạo bước thảnh thơi
Bỗng vấp đá trượt ngã vào con rắn
Làm con rắn dữ bị chết tươi
…
Và Volkh đã được sinh ra từ cuộc “gặp gỡ” giữa nàng Marpha và con rắn đó.
Volkh có thể biến hóa thành sói xám, thành bò rừng, thành chim ưng và săn bắt các loại thú. Tuy nhiên, tính chất lịch sử cũng có thể tìm thấy trong nhân vật này. Câu chuyện trung tâm về Volkh là chuyến viễn chinh đến Ấn Độ: trong hình dạng chim, Volkh thâm nhập vương quốc Ấn Độ, nơi chàng nghe lỏm được những kế hoạch của vua và hoàng hậu; sau đó, chàng phá hủy được vũ khí của ông vua, rồi cùng đoàn tùy tùng của mình tấn công và đánh bại ông ta, cứu vương quốc khỏi bị phá hủy, cưới hoàng hậu Ấn Độ và trở thành vua. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sử thi về Volkh phản ánh cuộc đời của quốc vương Vseslav xứ Polotsk (mất năm 1101).
Thuộc “thế hệ già”, Svyatogor có lẽ là một trong những nhân vật sử thi cổ nhất và nổi tiếng nhất. Bản thân tên nhân vật đã gắn với thiên nhiên (Núi thiêng). Chàng to lớn và khỏe mạnh, Mẹ Đất khó khăn lắm mới đỡ nổi chàng. Hình tượng nhân vật này xuất hiện từ trước thời nước Nga Kiev, nhưng về sau có những thay đổi. Hiện nay còn lưu giữ được hai cốt truyện hoàn chỉnh mà nguyên thủy gắn với Svyatogor (những cốt truyện khác xuất hiện muộn hơn và không hoàn chỉnh). Một truyện kể về việc Svyatogor tìm thấy cái túi của một tráng sĩ sử thi khác là Mikula Selyaninovich (Mikula đứa con của làng). Cái túi nặng đến nỗi chàng tráng sĩ nhấc không nổi, toạc cả người, khi chàng hấp hối mới biết trong cái túi đó chứa “tất cả sức nặng của thế gian”. Cốt truyện thứ hai kể về cái chết của Svyatogor. Chàng gặp trên đường một cỗ quan tài có dòng chữ: “Ai phải nằm trong quan tài sẽ chui vào đó nằm”. Chàng bèn thử số phận. Khó khăn lắm Svyatogor mới chui vào nằm được, nắp quan tài đậy lại và chàng không thể mở ra được để chui ra. Trước khi chết, Svyatogor chuyển cho Ilya Muromets sức mạnh của mình
Đó là sự chuyển giao sức mạnh của các anh hùng “thế hệ già” cho các anh hùng “thế hệ trẻ”, mà Ilya Muromets là đại diện nổi bật nhất, hùng mạnh nhất (cùng với chàng còn có Dobrynia Nikitich và Aliosha Popovich – các bài ca về họ tập hợp thành nhóm sử thi Kiev hay sử thi Vladimir). Là con trai của một nông dân, chàng Ilya bị ốm đau, bại liệt “nằm trên lò sưởi ba mươi ba năm”. Một ngày kia những người hành hương, “kaliki perekhozhie”, đến nhà và chữa lành bệnh cho chàng, truyền cho chàng sức mạnh tráng sĩ. Từ đó, chàng trở thành một anh hùng với sứ mệnh là đến thành Kiev phục vụ cho đức vua Vladimir. Trên đường đến Kiev, chàng thắng tên Họa Mi-tướng cướp, bắt hắn vào trong bao mang đến cung điện của quốc vương. Chàng lập được nhiều chiến công khác, đặc biệt việc đánh bại tên Idolichsh (kẻ đã bao vây Kiev, cấm dân hành khất và thờ Chúa) đã khiến Ilya trở thành người bảo vệ đức tin Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, mối quan hệ của chàng với quốc vương Vladimir không được êm ả. Chàng tráng sĩ nguồn gốc nông dân không được trọng vọng đúng mức, người ta thường quên ban tặng bổng lộc cho chàng, không cho chàng ngồi vị trí danh dự trong các yến tiệc. Chàng nổi loạn và bị giam vào trong ngục bảy năm, bị bỏ đói. Khi quân Tatar xâm lược, quốc vương buộc phải cầu cứu Ilya giúp đỡ, chàng tập hợp các tráng sĩ và xông trận, đánh tan quân thù, buộc chúng phải thề không bao giờ được trở lại đất Nga.
Một nhân vật khác của nhóm sử thi Kiev là Dobrynia Nikitich, nổi danh là anh hùng diệt rắn, sinh ở vùng Ryazan (Đây là nhân vật được xem là có nguyên mẫu lịch sử: là chú của quốc vương Vladimir). Chàng cũng là người lịch thiệp, “có văn hóa” nhất trong các tráng sĩ Nga (cái tên Dobrynia bắt nguồn từ dobry – tử tế, tốt bụng; chàng hát rất hay, vừa hát vừa đệm đàn guxli, biết đọc biết viết, bắn tên giỏi,…), bởi vậy chàng luôn được cử làm sứ giả trong những tình huống gay cấn. Những truyện liên quan đến nhân vật này là: Dobrynia và con rắn, Dobrynia và Vasily Kazemirovich, Trận đánh của Dobrynia với Dunai, Dobrynia và Marinka, Dobrynia và Aliosha.
Aliosha Popovich, con trai của một cố đạo, là tráng sĩ trẻ nhất trong bộ ba nổi tiếng của nhóm sử thi Kiev. Chàng dũng cảm, láu lỉnh, nhẹ dạ, thích vui vẻ và đùa cợt. Các nhà nghiên cứu thuộc trường phái lịch sử cho rằng nhân vật sử thi này có nguồn gốc từ một nhân vật được nhắc đến trong sử ký là Alexandr Popovich. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu văn học Nga cổ nổi tiếng D.S.Likhachev lại chứng minh điều ngược lại: nhân vật hư cấu từ sử thi đã thâm nhập vào sử ký. Chiến công nổi bật của Aliosha là việc đánh bại tên Tugarin Zmeevich (con trai của Rắn).
Trong nhóm sử thi của Novgorod, nhân vật trung tâm là Sadko. Trong các truyện về Sadko có nhiều chi tiết hiện thực liên quan đến đời sống của thành phố cổ Novgorod.
Sử thi về Sadko chia thành ba phần tương đối độc lập. Phần thứ nhất kể chuyện Sadko – một nghệ sĩ chơi đàn guxli – đã làm vua biển say mê tài đàn của mình. Vua biển chỉ cho chàng cách làm giàu, và từ đó chàng trở thành một thương nhân giàu có. Trong phần hai, Sadko cá cược với các thương gia rằng có thể mua được tất cả hàng hóa của thành Novgorod. Trong một số dị bản, Sadko thắng cược, trong một số khác thua cược, nhưng cả hai trường hợp chàng đều phải rời bỏ Novgorod do xung đột với giới thương nhân. Trong phần cuối, Sadko du hành trên biển, vua biển cho mời chàng tới để gả con gái cho và nhường cho chàng vương quốc dưới nước. Nhưng Sadko từ chối các công chúa thủy cung để cưới một nàng tiên cá là hiện thân của sông Novgorod. Nàng đưa chàng về lại bến bờ quê hương, về lại với “người vợ trần gian”. V.Ya.Propp cho rằng bylina về Sadko là sử thi duy nhất của Nga có môtíp nhân vật đi xuống cõi âm (vương quốc dưới nước) và cưới một thực thể cõi âm – một môtíp rất cổ trong văn học dân gian nhiều dân tộc trên thế giới.
Có thể tìm thấy những tương đồng về mặt cốt truyện của các sử thi Nga với nhiều thần thoại, cổ tích… - tức các tác phẩm tự sự dân gian. Cũng có thể tìm thấy những dấu ấn hiện thực lịch sử trong các sự kiện diễn ra trong bylina. Tuy nhiên, bylina của Nga trước hết là các bài ca được những nghệ sĩ dân gian – những người nông dân, thợ thuyền,… hát lên. Một trong những nhà sưu tầm bylina nổi tiếng thế kỷ XIX là P.I.Rybnikov đã hồi nhớ về một nghệ sĩ dân gian đó như sau: “Ryabinin (tên của một nghệ sĩ) kể các bylina một cách khá đơn điệu, giọng của ông sau hơn sáu thập niên rưỡi không còn du dương nữa, nhưng khả năng kể chuyện tuyệt vời đã khiến cho từng câu thơ mang một ý nghĩa đặc biệt. Tôi không chỉ một lần trong thời gian kể chuyện phải buông bút và lắng nghe say sưa…”[1] Các nhà sưu tầm bylina còn gặp trường hợp trong khi ghi chép, để không bị sót những đoạn ghi chưa kịp, hoặc để kiểm tra lại, họ yêu cầu người hát bylina kể lại nội dung vừa hát, thì những nghệ sĩ dân gian đó không kể được – họ chỉ biết hát chứ không biết kể. Âm nhạc, vần điệu thơ ca và cốt truyện của bylina khi lưu truyền trong dân gian đã gắn chặt với nhau đến như vậy.
Thi luật của các bylina rất đặc biệt: có ba hoặc bốn trọng âm chính, rõ ràng trong mỗi câu thơ, các trọng âm cách nhau từ 1 đến 3 âm tiết. Để có thể đủ số trọng âm với trật tự như vậy thì phải chen thêm những trọng âm phụ, những âm tiết bổ sung, những từ cảm thán. Vì là những bài ca nên bylina có rất nhiều các điệp từ, điệp ngữ, láy âm, láy từ… Chẳng hạn câu thơ: “Iz togo li to iz goroda iz Muroma, iz togo sela iz Karacharova…” trong một bylina về Ilya Muromets có thể tạm dịch sang tiếng Việt (theo kiểu luyến láy của dân ca Việt) như sau: “Từ là từ thành phố ối a là từ thành phố Morum, từ là từ thôn làng ối a là từ thôn làng Karacharov…”
Người ca sĩ không vội vàng truyền đạt nội dung thông tin. Bylina được trình bày chậm rãi, đều đặn và trang trọng, bởi những sự kiện được kể trong đó cũng không phải là những chuyện đùa. Bylina là bài ca về quá khứ, về thời cổ xưa (như tên gọi của thể loại này). Mà quá khứ cổ xưa trong quan niệm của người xưa (người Nga cũng như nhiều dân tộc khác) – đó là nguyên lý của mọi nguyên lý. Quá khứ đó dẫu được mô tả với nhiều yếu tố thần kỳ thì vẫn được tiếp nhận như một hiện thực – đối với cả người trình diễn lẫn người nghe. Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều thế kỷ trong tu viện Pechersky ở Kiev vẫn trưng bày thánh cốt không bị hư hoại của tráng sĩ Ilya Muromets, cũng như trong những khu rừng ở vùng Morum người ta vẫn chỉ ra vết dấu chân ngựa của chàng. Những ngọn đồi rải rác ở vùng Rostov được người dân tin là những mồ chôn quân thù mà tráng sĩ Aliosha Popovich đã giết được. Những tình tiết hoang đường, khó tin nhất cũng có thể được người ca sĩ giải thích giản dị: “Vào thời xưa người ta chẳng giống thời nay”.
Dưới đây là một bản sử thi Nga tiêu biểu kể về chiến công diệt tên tướng cướp Họa Mi của tráng sĩ Ilya Muromets, thuộc nhóm sử thi Kiev (Trần Thị Phương Phương dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Nguồn: The Heritage of Russian Verse, Indiana University Press, 1965).
Hành trình đầu tiên của Ilya Moromets:
Ilya và tên Họa Mi-Tướng cướp
Chẳng phải cây sồi xanh nghiêng xuống đất
Cũng chẳng phải những trang giấy trải ra
Mà là đứa con trai quỳ phục trước cha
Cầu xin cha ban cho lời chúc phúc:
“Hãy ban cho con lời chúc phúc,
Ôi thưa cha, cha hết mực yêu thương!
Để cho con cất bước lên đường
Đến Kiev vinh quang, diễm lệ
Kinh đô nơi quốc vương Vladimir ngự trị
Với Người con thể hiện lòng trung
Phục vụ Người với tất cả tấm lòng
Bảo vệ đức tin Thiên Chúa giáo”
Ivan Timofeevich lão nông bèn bảo:
“Cha chúc phúc cho việc tốt con làm
Còn việc xấu thì cha phải khuyên can.
Con ra đi, dầu đường to, lối nhỏ
Lời của cha thì con hãy nhớ
Với người Tatar điều ác chớ đụng tay
Còn nông dân trên thửa ruộng cày
Con nhớ không bao giờ được giết”.
Ilya Muromets cúi chào cha sát đất
Rồi ngồi lên chú tuấn mã của mình
Phóng như bay ra đồng rộng mông mênh.
Chàng thúc mạnh hai bên sườn chú ngựa
Rách cả da, lòi cả thịt đen:
Chú ngựa hung hăng nổi khùng lên
Bèn phóng mình bật khỏi mặt đất
Nhảy cao hơn ngọn cây cao ngất
Suýt chạm tới tận những đám mây.
Ngựa và người phóng đi như bay
Mười lăm dặm nhảy trong một bước
Bước nhảy thứ hai, hiện ra giếng nước
Một cây sồi xanh mọc kề bên
Chàng chặt cây, nhà thờ nhỏ dựng lên
Trên nhà thờ tên của mình chàng ký:
“Từng qua đây một người tráng sĩ
Ilya Muramets oai hùng, con của Ivan”
Bước nhảy thứ ba, thành Chernigov ngay gần
Trước thành quân đông không kể xiết
Ba hoàng tử oai phong lẫm liệt
Mỗi người nắm giữ bốn vạn binh
Tim anh hùng hừng hực trào dâng
Nóng hơn lửa, nóng hơn băng đang cháy.
Ilya Muromets bèn cất lời như vậy
Với đạo quân đang đứng đằng kia:
“Trái ý cha ta chẳng mong gì
Cũng chẳng muốn sai lời người dạy bảo”.
Chàng bèn nắm trong tay ngọn giáo
Hiên ngang dạo bước giữa đoàn quân
Quay bên kia chàng tạo những quảng trường
Quay bên này chàng vạch ra đường phố
Xẻ đường đến trước ba hoàng tử,
Ilya Muromets cất lời:
“Hỡi ba hoàng tử của ta ơi!
Nên chăng cả ba ngươi ta bắt
Làm tù binh, hay đầu kia ta cắt?
Nếu bắt các ngươi làm tù binh,
Ta mở đường, dân mang bánh hoan nghênh
Còn đầu kia nếu ta đem cắt hết
Thì nòi giống các quốc vương tuyệt diệt .
Vậy hãy về nhà, loan tin khắp mọi nơi
Rằng đất Nga chẳng phải chỗ không người
Bởi đất Nga linh thiêng đã có
Những tráng sĩ oai hùng, uy vũ.”
Tướng thành Chernigov trông thấy chàng:
“Kìa sứ giả Chúa gửi đến cho ta!
Quân thù kia chàng quét đi sạch bóng
Thành Chernigov từ nay giải phóng.”
Rồi quay sang với các vương, quan
Vị tướng thành bèn ra lệnh rằng:
“Hãy ra gọi chàng trai trẻ tuổi
Đến chỗ ta ăn bánh mì và muối”.
Các vương, quan nghe lệnh tức thì,
Đến gặp tráng sĩ Muromets Ilya
“Hỡi chàng trai can trường, mạnh mẽ!
Chàng tên chi, tên chàng là gì thế?”
“Tên thân mật, Ileika giản đơn
Còn trang trọng Ilya con của Ivan”
Nghe vậy, các vương, quan bèn tiếp:
“Hỡi chàng, Ilya Muromets
Hãy đến với tướng của chúng tôi
Muối, bánh mì ông ấy chào mời.”
“Tướng các người ta không đi đến
Muối, bánh mì ta không muốn nếm
Hãy chỉ cho ta biết con đường
Thẳng tới kinh đô Kiev vinh quang”.
“Hỡi chàng, Ilya Muromets!
Con đường thẳng tới kinh đô Kiev
Chẳng dễ đâu, rừng Bryn chắn lối qua
Thêm con sông Samorodina
Chảy vắt ngang khó lòng vượt được.
Lại có tên Họa Mi – tướng cướp
Chiếm cứ trên hai mươi bảy cây sồi
Ba chục năm hắn ở đó ngồi
Chẳng người, ngựa nào qua được hết”.
Ilya nghiêng mình chào từ biệt
Rồi vượt qua khu rừng Bryn
Họa Mi nghe tiếng vó ngựa rung
Bèn cất giọng hót vang cảnh báo
Chú tuấn mã sẩy chân lảo đảo.
Ilya bèn nói với ngựa thân thương:
“Ôi tuấn mã, ơi chú ngựa can trường
Lẽ nào rừng tối mi chưa vượt
Tiếng chim hót mi chưa được nghe qua?”
Rồi Ilya bèn rút tên ra
Nhằm Họa Mi giương cung nhắm bắn
Phát tên đầu đường bay quá ngắn
Phát thứ hai lại phóng quá đà
Và rồi chàng bắn phát thứ ba
Trúng mắt phải tên Họa Mi- tướng cướp
Khiến hắn rơi khỏi hai bảy cây sồi
Chàng buộc hắn sau yên cương chàng ngồi
Rồi thẳng tiến tới kinh đô Kiev.
“Hỡi chàng, Ilya Muromets,
Họa Mi – tướng cướp nói với chàng,
Chàng đi đâu mà phải vội vàng
Hãy về nhà của tôi làm khách”
Con gái nhỏ của Họa Mi- tướng cướp
Trông thấy chàng bèn vội báo tin:
“Hãy trông kìa cha của chúng mình
Bắt thằng chột về, cột sau yên ngựa”.
Con gái lớn vội vàng ra ngó:
“Đồ nhãi ranh ngu ngốc làm sao!
Đó là chàng tuấn kiệt, anh hào
Bắt cha ta về, cột sau yên ngựa”
“Đừng bắng nhắng, mấy đứa con gái nhỏ,
Họa Mi – tướng cướp nói với con,
Đừng chọc tức chàng trai trẻ oai hùng”
Ilya hỏi tên Họa Mi tướng cướp:
“Các con ngươi sao giống nhau như đúc?”
Họa Mi bèn đáp lời Ilya:
“Sinh con trai, cho lấy gái trong nhà
Còn sinh gái, gả cho con trai làm thê thiếp
Để dòng giống Họa Mi đời đời nối tiếp”
Lời Họa Mi chọc giận chàng Ilya
Cây kiếm sắc ngọt chàng rút ra
Cả đàn con của Họa Mi chém hết.
Thế rồi chàng Ilya Muromets
Tiến đến thành Kiev vinh quang
Chàng cất lên tiếng gọi rền vang:
“Ơi quốc vương anh minh người hỡi,
Vladimir, cha của muôn dân
Ngài có cần chăng đến chúng thần
Những tráng sĩ oai hùng, uy vũ
Kẻ sẽ mang cho ngài vinh quang, danh dự
Giúp giữ thành Kiev quét sạch bọn Tatar?”
Quốc vương Vladimir bèn đáp lời Ilya:
“Sao không cần các ngươi cho được?
Ta kiếm tìm các ngươi khắp nước,
Mỗi người tới, ngựa tốt ta liền ban”
Ilya Muramets bèn tâu với quốc vương:
“Thần đã có đây rồi con tuấn mã
Buổi sáng sớm thần cùng cha dùng bữa
Buổi trưa thần muốn được ở cùng ngài,
Nhưng gặp ba chướng ngại trên đường dài
Giải phóng thành Chernigov trước nhất,
Hai là sông Smorodina phải bắc
Cây cầu dài mười lăm dặm ngang qua,
Rồi bắt Họa Mi tướng cướp là ba”.
Quốc vương Vladimir bèn nói:
“Ôi tướng cướp Họa Mi ngươi hỡi!
Hãy đến ngay điện đá trắng chỗ ta”
Họa Mi tướng cướp đáp lời vua:
“Thần không phải kẻ theo hầu bệ hạ
Lệnh của ngài thần không tuân theo nữa.
Giờ thần phải hầu hạ ân cần
Ilya Muromets chủ nhân”
Vladimir nói: “Ôi Muromets,
Con trai Ivan, Ilya Muromets!
Hãy bảo Họa Mi vào điện của ta”
Ilya Muromets bèn ban lệnh ra
Họa Mi nghe, điện của vua liền tới.
Quốc vương Vladimir lại nói:
“Hỡi Muromets, con trai của Ivan
Hãy lệnh cho hắn cất giọng hót vang”.
Và Ilya Muromets bèn nói:
“Cha chúng thần, quốc vương Vladimir hỡi,
Xin ngài đừng tức giận, nếu như
Một tay thần cắp ngài khư khư
Còn công chúa dưới tay kia thần dấu”
Rồi quay sang Họa Mi chàng bảo:
“Hỡi Họa Mi, hãy hót nửa hơi thôi”.
Nhưng Họa Mi lại hót hết cả hơi,
Mái cung điện bay xuống ô cửa sổ
Bản lề sắt gãy tung tất cả
Các tráng sĩ mạnh mẽ oai hùng
Cùng vương, quan đều ngã lăn đùng
Chỉ riêng mình Ilya đứng đó
Buông tay thả quốc vương cùng công chúa
Quốc vương Vladimir cất lời:
“Hay lắm, tướng cướp Họa Mi ơi!
Làm sao Ilya tóm mi được vậy?”
Lời quốc vương Họa Mi bèn đáp lại:
“Thưa hôm đó lễ tên thánh con thần
Thần túy lúy chẳng đứng nổi trên chân”.
Nghe nói vậy, Ilya nổi đóa
Tóm lấy đầu tên Họa Mi dối trá
Lôi hắn ra tận ngoài phía sân chầu
Ném hắn bay qua cả ngọn cây cao
Suýt chạm tới đám mây trên trời thẳm
Rồi quẳng xuống tận đất đen ướt ẩm
Cứ như vậy, tóm lấy hắn nhiều lần
Họa Mi kia xương cốt gãy nát tan.
Rồi mọi người cùng quốc vương ăn tối.
Quốc vương Vladimir mới nói:
“Hỡi Ilya Muromets, con của Ivan!
Ta dành cho ngươi ba chỗ trên bàn
Chỗ thứ nhất bên ta ngồi liền cạnh
Chỗ thứ hai phía trước ta đối diện
Chỗ thứ ba tùy ý muốn của ngươi”.
Ilya đi quanh chào tất cả mọi người
Bắt tay các vương quan quyền thế
Các tráng sĩ oai phong mạnh mẽ
Rồi ngồi xuống đối diện nhà vua
Aliosha Popovich thấy vậy chẳng ưa
Bèn vớ lấy con dao bằng thép
Ném vào người Ilya Muromets
Lưỡi dao bay, Ilya bắt được ngay
Cắm nó xuống bàn gỗ sồi trước mặt.
[1] Dẫn theo: Demidenko E.L. Các bylina và các bài ca lịch sử (Byliny i istoricheskie pesnii). Trong website: http://lit.1september.ru/articlf.php?ID=200502415