Tiếp cận Truyện Kiều từ hướng so sánh văn học và phương pháp so sánh loại hình lịch sử.

Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765[1] - 1820) là tác phẩm tiêu biểu của văn chương trung đại Việt Nam. Truyện Kiều được viết vào khoảng cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19, dựa vào một tác phẩm tiểu thuyết văn xuôi của nhà văn Trung Hoa có bút hiệu Thanh Tâm Tài Nhân, viết về số phận của một người phụ nữ tài sắc tên Thúy Kiều, vốn xuất thân từ tầng lớp trung lưu, nhưng do hoàn cảnh xô đẩy đã phải trở thành gái giang hồ, lưu lạc truân chiên 15 năm trời mới được trở về đoàn tụ với gia đình. Đây là một tác phẩm truyện Nôm - một thể loại tự sự viết bằng văn vần, rất phát triển vào nửa sau thế kỷ 18 - thế kỷ 19. Về thời điểm ra đời chính xác của Truyện Kiều các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh luận, song chắc chắn rằng, khi Truyện Kiều  ra đời thì bộ phận văn học bằng tiếng dân tộc của Việt Nam (văn học chữ Nôm) đã có những thành tựu đáng kể. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du là người tiếp tục phát huy những thành tựu của truyện Nôm nói riêng và của văn học chữ Nôm nói chung, đồng thời cũng có những bước đột phá để chuẩn bị cho một thời kỳ văn học mới. Truyện Kiều là đỉnh cao của truyện Nôm, đó là tác phẩm truyện Nôm được viết bằng nghệ thuật điêu luyện nhất, và cũng chứa đựng một nội dung phong phú và sâu sắc hơn cả. Lồng trong câu chuyện nàng Thúy Kiều còn có cả những triết lý nhân sinh quan của nhà thơ Nguyễn Du. Truyện Kiều được viết dưới dạng văn vần và bằng thể thơ lục bát (gồm từng cặp câu 6 âm tiết - câu 8 âm tiết luân phiên nhau). Đây là một thể thơ khởi nguồn từ dân gian Việt Nam, giàu âm thanh nhạc điệu, lại độc đáo ở khả năng thu ngắn, kéo dài (đó là thể thơ mà từ đó có thể tạo ra bài thơ rất ngắn chỉ gồm hai câu lục bát 14 âm tiết, mà cũng có thể tạo ra những tác phẩm dài hàng nghìn câu). Lục bát của Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện khó có người theo kịp. Có lẽ đó là tác phẩm duy nhất đã bộc lộ hết tất cả sức mạnh  của thơ ca truyền thống Việt Nam.

 

Hoài Thanh, một nhà phê bình văn học nổi tiếng ở Việt Nam đã viết: "Truyện Kiu từng là nim say mê lớn trong hàng trăm năm, đối với hàng triệu người. Truyện Kiu sẽ mãi mãi là một nim say mê lớn"[2]Chính nim say mê đó đã khiến cho bao người Việt Nam và cả người nước ngoài đọc và nghiên cứu Truyện Kiu, để cho ra đời nhiu công trình có giá trị.

Truyện Kiều từ trước đến nay đã được nghiên cứu trên nhiều phương diện: khảo đính, chú giải, tìm hiểu khám phá những giá trị nội dung và nghệ thuật, dịch và giới thiệu ra nước ngoài... Trong quá trình tiến hành những nghiên cứu đó, các nhà nghiên cứu chắc chắn không ít thì nhiều đều từng làm công việc so sánh. “Tất cả đều  được nhận thức bằng so sánh”, câu cách ngôn cổ đó đã trở nên phổ biến. Tất nhiên không phải tất cả mọi sự vật đều có thể đem ra so sánh được, thật vô nghĩa khi chúng ta đem so sánh hai sự vật hoàn toàn chẳng liên quan gì với nhau, chẳng có một mối tương đồng nào. Tuy nhiên khi sự so sánh là hợp lý và chính đáng, nó có thể trở thành phương tiện nhận thức thật sự, giúp người ta xác định các đặc tính của những hiện tượng có liên quan đến nhau và từ đó đánh giá được các giá trị hay tìm ra những quy luật phát triển chung hay đặc thù. Việc so sánh được tiến hành với Truyện Kiều cũng không nằm ngoài mục đích đó.

Truyện Kiều được so sánh về nhiều mặt và ở những mức độ khác nhau. Truyện Kiều có thể được nghiên cứu trong mối quan hệ với các lĩnh vực như triết học, tôn giáo, xã hội học, tâm lý học. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ nói đến nghiên cứu so sánh  Truyện Kiều trong phạm vi của văn học, tức là so sánh Truyện Kiều như một hiện tượng văn học, với một hay nhiều hiện tượng văn học khác. Có ba hướng chủ yếu trong việc so sánh này:

Nghiên cứu so sánh Truyện Kiều với chính nó: Thực chất, đây là vấn đề liên quan đến văn bản, vấn đề khảo đính và chú giải Truyện Kiều. Từ trước đến nay có hàng chục bản Truyện Kiều bằng chữ nôm và chữ quốc ngữ, và khi so sánh đối chiếu với nhau thì mỗi bản đều có chỗ khác biệt. Việc so sánh đối chiếu các bản Truyện Kiều giúp cho các nhà nghiên cứu khảo đính và chú giải Truyện Kiều được chính xác hơn và từ đó cũng giúp hiểu Truyện Kiều được đúng đắn hơn.

Nghiên cứu so sánh Truyện Kiều với các hiện tượng văn học Việt Nam: Việc so sánh Truyện Kiều với các tác phẩm văn học của dân tộc vừa cho thấy sự phát huy truyền thống trong sáng tác của Nguyễn Du, vừa cho thấy những nét độc đáo đặc sắc của riêng nhà thơ và Truyện Kiều. Đặc biệt, Truyện Kiều thường được đem so sánh với các tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, nhất là với các truyện Nôm cùng thời về cả nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật để đi đến kết luận: Truyện Kiều là đỉnh cao sáng tạo nghệ thuật, là “tập đại thành” của văn chương trung đại Việt Nam.

 

Nghiên cứu so sánh với các hiện tượng văn học ngoài dân tộc cũng là điều rất cần thiết cho việc tìm hiểu và đánh giá Truyện Kiều. Trước hết là việc so sánh Truyện Kiều với nguyên tác của nó - tiểu thuyết  Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 16- đầu thế kỷ 17 ở Trung Hoa. Nguyễn Du đã dựa trên Kim Vân Kiều truyện mà viết thành thiên tiểu thuyết bằng thơ dài 3254 câu thơ lục bát với tên Đoạn trường tân thanh, hay gọi nôm na là Truyện Kiều. Việc so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện cho thấy nguồn gốc của Truyện Kiều, nhưng chủ yếu cho thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải là bản dịch từ văn xuôi sang văn vần, mà là một sáng tạo của Nguyễn Du cả về mặt hình thức lẫn nội dung tác phẩm.

Cùng với sự phát triển của lịch sử, Truyện Kiều  đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam để đến với độc giả trên thế giới. Việc dịch và giới thiệu Truyện Kiều ra nước ngoài đã được thực hiện nhiều chục năm qua. Tính cho đến nay có khoảng 30 bản dịch ra 20 tiếng nước ngoài. Ngoài ra đã có những công trình nghiên cứu so sánh Truyện Kiều với một số tác phẩm của một số nền văn học dân tộc khác như văn học Nga, văn học Đức, văn học Hàn Quốc, ...

So sánh Truyện Kiều với các tác phẩm văn học của các dân tộc khác trên thế giới là một hướng mới mẻ trong nghiên cứu Truyện Kiều. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là phải có những cách tiếp cận, những phương pháp so sánh thích hợp thì việc so sánh mới thực sự có ý nghĩa.

Một trong những phương pháp so sánh được tiến hành trong nghiên cứu so sánh Truyện Kiều với các tác phẩm văn học thế giới là phương pháp loại hình lịch sử (historical typology).

So sánh loại hình lịch sử không phải là phương pháp duy nhất trong nghiên cứu văn học so sánh và cũng không phải là quan niệm của mọi nhà nghiên cứu. Văn học so sánh Phương Tây nhìn chung có thiên hướng thực chứng, chú trọng vào các sự kiện cụ thể nhiều hơn các khái quát lý luận, mặc dù cũng có xu hướng muốn đi ngược lại để tránh sa vào những ngõ cụt của sự so sánh tỉ mẩn.

Loại hình lịch sử là sản phẩm của nghiên cứu văn học Liên xô cũ và vẫn được duy trì cho đến nay. Có thể gọi đó là "trường phái Nga" trong văn học so sánh, bên cạnh các trường phái Pháp và Mỹ. Những cơ sở ban đầu của trường phái này được đặt ra từ cuối thế kỷ 19 trong các công trình về thi pháp lịch sử của A.Veselovsky, và thực sự được khẳng định dưới thời Liên Xô với những tên tuổi lớn như I.Anissimov, V.M.Zhirmunsky, M.P.Alekseev, N.I.Konrad, I.G.Neupokoeva... So sánh loại hình lịch sử dựa trên quan điểm triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, xem xét văn học như một phạm trù lịch sử có những mối quan hệ bên trong và bên ngoài dân tộc. Văn học nằm trong bối cảnh của dân tộc, đồng thời cũng nằm trong bối cảnh của thế giới, vì vậy có vấn đề văn học dân tộc và văn học thế giới, vấn đề tiến trình phát triển của văn học trong phạm vi dân tộc và phạm vi thế giới. Các nhà nghiên cứu loại hình học cho rằng những quy luật chung của quá trình phát triển lịch sử cho phép nói đến những hiện tượng tương đồng xuất hiện trong các nền văn học khác nhau mà không phải là kết quả của sự giao lưu trực tiếp, và từ đó có thể nói đến những quy luật phát triển trên bình diện thế giới của văn học, đến sự phân chia các hiện tượng văn học theo những loại hình lịch sử khác nhau.

Không phải ai cũng đồng ý với phương pháp loại hình. Những người phản đối phương pháp này trước hết thường là những nhà văn, những người không muốn người ta quên đi giá trị độc đáo riêng biệt, cái làm nên giá trị nghệ thuật của tác phẩm, cái chứng tỏ tài năng của nhà văn, mà ngược lại bị xếp vào trong những ngăn ô của loại hình này hay loại hình khác. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học phủ nhận loại hình văn học vì cho rằng, khác với những khoa học khác, nghiên cứu văn học không nhằm mục đích phát hiện các quy luật chung mà là nghiên cứu những hiện tượng cá biệt độc đáo. Trong bài viết về những nguyên tắc của nghiên cứu so sánh loại hình, nhà nghiên cứu văn học Nga M.B.Khrapchenko đã dẫn ý kiến của học giả người Đức W.Kayser cho rằng: chỉ có tác phẩm văn học là đối tượng chân chính của khoa học về thi ca, và do đó Kayser đã loại trừ tất cả những yếu tố như cá nhân nhà văn, hoàn cảnh xã hội, thời đại... ra khỏi nghiên cứu văn học. Khrapchenko đã rất có lý khi phản bác lại. Ông cho rằng sự độc đáo của nhà văn không cùng nghĩa với việc loại bỏ các mối liên hệ của nhà văn với môi trường xung quanh, trong đó có mối liên hệ với những nhà văn khác, cũng như sự độc đáo của tác phẩm văn học không có nghĩa là nó bị cô lập, tách khỏi chủ thể sáng tạo ra nó, khỏi môi trường sản sinh ra nó. Lịch sử của một nền văn học không phải chỉ đơn thuần là tổng số của các nhà văn đơn lẻ cộng lại, cũng không phải là tổng số của các tác phẩm đơn lẻ cộng lại, mà còn là cả một hệ thống của những mối quan hệ qua lại, còn là cả một quá trình vận động và phát triển với những quy luật phổ biến và đặc thù[3].

Đúng là nghiên cứu văn học khác với những khoa học khác, nhưng như thế không có nghĩa là nghiên cứu văn học không cần đi tìm những cái mang tính chất quy luật, phổ biến. Cái khác biệt của nghiên cứu văn học là tìm thấy cái chung, cái phổ biến mang tính chất quy luật trong sự thống nhất hữu cơ với cái cá biệt, đặc thù. Đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của nghiên cứu loại hình văn học.

So sánh lịch sử nghiên cứu các mối liên hệ giữa các nền văn học khác nhau, làm sáng tỏ những ảnh hưởng, tác động qua lại. Ngoài ra so sánh văn học còn nghiên cứu những đặc thù của các nền văn học dân tộc, sự phát triển lịch sử trên cơ sở đối chiếu nền văn học này với nền văn học khác, và nghiên cứu những đặc thù cũng quan trọng như nghiên cứu những quan hệ qua lại, những mối tương đồng. Loại hình học lại đặt mục tiêu chủ yếu là phát hiện ra những nguyên tắc, những nguyên lý cho phép nói đến tính thống nhất thẩm mỹ, đến sự phân thuộc của hiện tượng văn học nào đó vào một loại hình nào đó. Sự phân thuộc này không hiếm thấy khi xem xét nhiều hiện tượng văn học tương đồng với nhau nhưng không nằm trong những mối liên hệ trực tiếp với nhau.

Trong công trình Lý luận nghiên cứu văn học so sánh, nhà nghiên cứu văn học so sánh người Tiệp Khắc D. Dyurishin có đưa ra sự phân chia những hiện tượng tương đồng và khác biệt của các hiện tượng văn học thành hai loại: tương đồng hay khác biệt về mặt khởi nguyên (tức là do quan hệ ảnh hưởng và tác động trực tiếp) và tương đồng khác biệt về loại hình (không dựa trên quan hệ ảnh hưởng trực tiếp) và từ đó có thể nói đến so sánh về mặt khởi nguyên và so sánh về mặt loại hình như hai phương pháp nghiên cứu so sánh văn học[4]. Như vậy thì có thể coi loại hình học ở đây như một dạng phương pháp được vận dụng trong nghiên cứu văn học so sánh. Chúng tôi sử dụng ở đây khái niệm nghiên cứu so sánh loại hình để chỉ sự nghiên cứu những hiện tượng tương đồng và khác biệt, vừa làm sáng tỏ những tính chất đặc thù của hiện tượng văn học, vừa cho thấy sự phân thuộc của hiện tượng văn học đó trong loại hình nào đó, nhằm tìm thấy [5]những quy luật phát triển chung nào đó của văn học. Việc nghiên cứu đó đòi hỏi phải xem xét các hiện tượng văn học trong sự phát triển lịch sử, do đó có thể thêm vào thuật ngữ trên hai chữ “lịch sử”, thành so sánh loại hình lịch sử.

Theo chúng tôi, loại hình lịch sử là một trong những phương pháp đem lại hiệu quả đối với việc nghiên cứu so sánh được tiến hành với Truyện Kiều, nhất là khi đối tượng được chọn để so sánh với Truyện Kiều là tác phẩm của những nền văn học không có sự giao lưu trực tiếp với văn học Việt Nam lúc đương thời. Ví dụ, khi so sánh Truyện Kiều với Xuân Hương Truyện của Hàn Quốc có thể thấy những nét tương đồng trong cảm hứng nhân đạo (sự cảm thông với những số phận đau khổ của những con người bình thường, nhất là những người phụ nữ, trong hoàn cảnh xã hội phong kiến giai đoạn suy tàn; sự thể hiện những khát vọng hạnh phúc, tình yêu đôi lứa, khát vọng công lý và tự do của con người thời đại;...) cũng như trong các hình thức nghệ thuật ( thể loại, cốt truyện, nhân vật,...) Trong hợp như thế, rất khó giải thích những tương đồng giữa các tác phẩm chỉ bằng những lý do ảnh hưởng. Thế nhưng, có thể tìm thấy và lý giải nguyên do của những tương đồng đó khi nhìn vào những điều kiện lịch sử xã hội có nhiều nét giống nhau của hai dân tộc thời đại ra đời tác phẩm, từ đó rút ra những kết luận về tính quy luật của sự phát triển văn học dân tộc và thế giới, đồng thời thấy được vị trí và vai trò của mỗi tác phẩm trong tiến trình đó.

Ngoài ra, đối tượng của nghiên  cứu so sánh loại hình nói chung cũng không chỉ đơn thuần là những tương đồng. Việc nghiên cứu những khác biệt giữa các tác phẩm cũng rất quan trọng. Một mặt, nó giúp xác định chính xác sự phân thuộc của hiện tượng văn học vào trong một loại hình nào đó. Mặt khác, nó còn cho thấy những tính chất đặc thù, riêng biệt của hiện tượng văn học, là điều kiện hết sức quan trọng. Sự giống nhau và khác nhau trong các tác phẩm văn học không phải là sự giống - khác rành mạch, đơn giản, mà thường hết sức phức tạp và tế nhị. Trong những tác phẩm lớn thì sự phức tạp và tế nhị đó càng lớn. Bởi trong tác phẩm lớn, bên cạnh những tiếp thu, phát huy những thành tựu của văn học dân tộc và thế giới, thì cái độc đáo, cái mới mẻ, cái không lặp lại bao giờ vẫn luôn là giá trị quan trọng khiến cho chúng trở thành bất hủ. Thường khi so sánh những tác phẩm như vậy, nhất là khi so sánh những khác biệt, rất dễ vấp phải những vấn đề tình cảm dân tộc, vấn đề định các giá trị. Truyện Kiều là niềm tự hào của người Việt Nam, nhưng Xuân Hương Truyện lại là niềm tự hào của người Hàn Quốc, Evgeny Onegin là niềm tự hào của người Nga, ... Phương pháp so sánh loại hình, như đã nói, là nhằm tìm ra những quy luật chung, nhưng cũng không bỏ qua những cá biệt, đặc thù. Việc so sánh để định giá trị hơn kém, cao thấp giữa các tác phẩm văn học lớn, nhất là khi các tác phẩm khác nhau về loại hình lịch sử, hoàn toàn không phải là mục đích của so sánh loại hình. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy việc so sánh đòi hỏi người nghiên cứu bên cạnh những vốn kiến thức cần thiết còn phải hết sức thận trọng và tinh tế khi tiến hành công việc của mình.

Một trong những vấn đề mà giới nghiên cứu văn học so sánh quan tâm hiện nay là vấn đề so sánh Đông - Tây. Ban đầu, khoa nghiên cứu so sánh văn học phát triển ở Phương Tây, hạn chế chủ yếu trong việc so sánh những hiện tượng văn học Phương Tây với nhau. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của lịch sử, sự giao lưu Đông - Tây, trong đó có giao lưu văn hóa, văn học ngày càng mở rộng, văn học so sánh không chỉ còn là lãnh địa của riêng người Phương Tây, mà người Phương Đông cũng đã thâm nhập vào, góp phần không nhỏ vào việc khai thác, nghiên cứu. Sự phát triển của các trung tâm nghiên cứu văn học so sánh ở Đông Á và Nam Á cho thấy vị trí quan trọng của văn học so sánh ở Phương Đông hiện nay. Đối tượng của văn học so sánh càng mở rộng sang nhiều hiện tượng văn học của Phương Đông.

Phương Đông - Phương Tây là sự phân chia đã có từ lâu. Phần Phương Tây chủ yếu bao gồm các nền văn hóa, văn học Âu châu bắt nguồn từ truyền thống Hy Lạp - La Mã. Phần Phương Đông chủ yếu là văn hóa, văn học Á châu với các nguồn Ấn Độ, Trung Hoa, A rập. Từng có những ý kiến cực đoan cho rằng Phương Tây và Phương Đông là hết sức khác biệt, là không bao giờ có thể gặp nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, từ lâu hai nền văn hóa đó vẫn luôn có sự giao lưu, thâm nhập lẫn nhau. Đáng chú ý là phần lớn các nhà nghiên cứu so sánh văn học theo loại hình lịch sử của Nga, cái nôi của trường phái này, đều là các chuyên gia nghiên cứu văn học Phương Đông. Bản thân nước Nga cũng là một hiện tượng đặc biệt: một phần nhỏ nằm ở châu Âu, một phần lớn thuộc về châu Á. Sự hiện diện của nước Nga cũng là một biểu hiện của tính chất tương đối trong sự phân chia Phương Đông - Phương Tây. Trong điều kiện của một đất nước như vậy, các nhà văn học so sánh Nga hơn bao giờ hết có điều kiện để hiểu được sự giao lưu giữa Phương Đông và Phương Tây trong suốt chiều dài lịch sử từ cổ đại đến hiện đại.Văn học Phương Tây, như một tổng thể, là sự tiếp nối từ văn học Hy Lạp - La Mã, qua văn học trung đại rồi đến thời kỳ cận-hiện đại, từng tiếp thu nhiều ảnh hưởng của Phương Đông, đặc biệt như Kinh Thánh của Thiên chúa giáo vốn là sản phẩm của Phương Đông, nhưng lại trở thành một nguồn quan trọng của văn học Phương Tây. Ngược lại, văn học Phương Đông với sự phát triển tương đối ít ngắt quãng thành các giai đoạn rõ ràng như Phương Tây, cũng tiếp thu những ảnh hưởng của Phương Tây, nhất là thời kỳ cận hiện đại (từ thế kỷ 18-19). N.I.Konrad, một trong những nhân vật lớn của so sánh loại hình lịch sử, đồng thời là nhà Đông Phương học nổi tiếng của Nga, đã đưa ra nhận xét thú vị và không phải không dựa trên những cơ sở nghiên cứu đáng tin cậy là: phong trào Phục Hưng trong văn học thế giới đi từ Phương Đông sang Phương Tây (bắt đầu từ Trung Quốc - thế kỷ 8, sau đó đến Trung Á, Iran và Tây Bắc Ấn Độ - thế kỷ 9, sang Ý vào thế kỷ 13 để mở đầu thời kỳ này ở Châu Âu và kéo dài đến thế kỷ 18); còn các trào lưu văn học thời kỳ cận hiện đại - thời kỳ chủ nghĩa tư bản - như chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực... lại vận động theo chiều ngược lại: từ Tây sang Đông[6]. Ngoài những mối quan hệ ảnh hưởng, còn có thể thấy bên cạnh những khác biệt giữa Phương Đông và Phương Tây còn có những hiện tượng tương đồng do sự phát triển lịch sử mang tính chất quy luật đem lại, là đối tượng của so sánh loại hình.

Sự đi trước của Phương Tây trên nhiều phương diện kinh tế và văn hóa ở thời cận hiện đại (nhất là cùng với làn sóng thuộc địa từ Tây sang Đông) là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến cái gọi là : chủ nghĩa trung tâm châu Âu (Eurocentrism), lấy châu Âu là trung tâm và nhìn nhận các sự vật từ cái nhìn của người Âu châu. Chủ nghĩa trung tâm châu Âu ảnh hưởng cả vào trong nghiên cứu văn học so sánh khi đối tượng nghiên cứu là các hiện tượng văn học Phương Đông.

Ảnh hưởng của văn học Phương Tây lên các nền văn học Phương Đông trong thời cận - hiện đại là điều không thể phủ nhận. Thời kỳ thực dân Pháp ở Việt Nam (1858 -1954) là thời kỳ người Việt Nam vừa đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân để giành độc lập dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa của người Pháp nói riêng và của thế giới nói chung, đặc biệt là thế giới Phương Tây, thông qua người Pháp. Ảnh hưởng của văn hóa Phương Tây đối với Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 đã làm xáo trộn nhiều cái trong đời sống văn hóa Việt Nam, trong đó có văn học nghệ thuật: Nho học dần thay thế cho Tây học, chữ quốc ngữ thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm, xuất hiện các trào lưu lãng mạn chủ nghĩa, hiện thực chủ nghĩa,... Tiến trình hiện đại hóa văn học đã diễn ra và văn học trung đại đã lui vào quá khứ.

Đây là một hoàn cảnh khá tiêu biểu cho nhiều nền văn học Phương Đông. Có thể đặt ra câu hỏi: Phải chăng ảnh hưởng của văn hóa Phương Tây là nguyên nhân dẫn đến tiến trình hiện đại hóa của văn học các dân tộc Phương Đông?

Câu trả lời của chúng tôi là: Không. Nhìn vào lịch sử văn học Việt Nam, có thể thấy  đầu thế kỷ 20 đã có những điều kiện cho công cuộc hiện đại hóa văn học. Những thành tựu của văn học thế kỷ trước, đặc biệt là bộ phận văn học viết bằng chữ dân tộc (văn học Nôm) đã cho thấy những bước chuyển biến chuẩn bị cho cho sự ra đời của những trào lưu sáng tác mới với những nguyên tắc phản ánh và hình thức nghệ thuật mới. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một ví dụ tiêu biểu. Tập trung trong mình những tinh hoa của những thế kỷ trước, là "tập đại thành" của văn chương trung đại Việt Nam, Truyện Kiều còn chứa đựng nhiều cái mới trong quan niệm nghệ thuật về con người, về quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Bị xếp vào loại "yêu thư" cũng là bởi Truyện Kiều đã mang theo mình cái mới mà những người đương thời phản ứng, nhất là những người còn mang nặng tinh thần của Nho giáo, hệ thống triết lý tư tưởng thống trị đời sống tinh thần trung đại Việt Nam nhưng đến thế kỷ 19 đã ở thời kỳ suy tàn. Mặt khác, sự tiếp nhận rộng rãi tác phẩm vào trong công chúng, nhất là tầng lớp bình dân, mặc kệ cả những lời cảnh cáo :"Đàn ông  chớ đọc Phan Trần, Đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều" cũng cho thấy nhu cầu của xã hội đối với văn chương đã đòi hỏi những sự đổi mới. Bên cạnh mặt nội dung tư tưởng, hình thức của tác phẩm, từ thể loại, cốt truyện, nghệ thuật xây dựng tính cách đến ngôn ngữ, cũng biểu hiện những cái mới đang được nhen nhóm lên trong lòng cái cũ.

Như thế, không phải văn học Pháp, hay rộng hơn là văn hóa Phương Tây, đã mang đến sự đổi mới cho văn học Việt Nam, mà sự đổi mới đó trước hết là từ chính trong lòng của văn học Việt Nam mà những ảnh hưởng của văn học Pháp là chất xúc tác vô cùng quan trọng thúc đẩy nó diễn ra. Cái mới từ bên ngoài đem lại niềm hứng khởi cho những người nghệ sĩ đang khát khao tìm tòi. Bắt chước, học theo là điều không thể tránh khỏi, nếu không nói là điều cần thiết, nhưng sáng tạo đổi mới trên nền tảng của truyền thống dân tộc mới là điều quan trọng. Những kinh nghiệm của thơ ca và văn xuôi giai đoạn 1930-1945 là minh chứng cho thành công của sự đổi mới nhưng không tách rời truyền thống dân tộc trong văn học Việt nam. Phong trào Thơ Mới không phải là sự học theo thơ Pháp để chối bỏ thơ dân tộc. Những thử nghiệm các thể thơ Pháp đã không mang lại kết quả, và thành tựu của thơ mới Việt Nam vẫn là ở những thể thơ dân tộc với những cách tân. Tiểu thuyết và truyện ngắn lãng mạn cũng như hiện thực của các nhà văn Việt Nam sẽ không thể sống với thời gian, nếu như không phải là những bức tranh điển hình của đời sống Việt Nam, và được viết nên bởi ngôn ngữ cũng thuần túy Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần phải nói đến văn thơ yêu nước, phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, như một phần không thể thiếu trên bộ mặt văn học đổi mới đó.

Những kết luận trên chúng tôi rút ra được từ việc nghiên cứu văn học Việt Nam trên cơ sở so sánh với một số nền văn học khác có những tương đồng về loại hình lịch sử (so sánh với các tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc của Nga, của Trung Hoa...). So sánh loại hình lịch sử cho phép xem xét các hiện tượng văn học các dân tộc khác nhau trên thế bình đẳng: mỗi dân tộc đều có một tiềm năng riêng của mình, nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Có giao lưu, có ảnh hưởng, và giao lưu, ảnh hưởng là yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển. Tuy nhiên, giao lưu ảnh hưởng phải luôn đi liền với sự phát triển nội lực. Văn học mỗi dân tộc đều có những đặc điểm phát triển riêng, nhưng lại cũng có những cái tuân theo những quy luật phát triển chung của văn học thế giới, những cái chung nằm trong cái riêng đó là cơ sở cho sự tiếp thu ảnh hưởng. Mọi ảnh hưởng từ bên ngoài vào, nếu vừa có thể hòa hợp được với cái riêng biệt (nhưng không hòa tan mất cái riêng biệt), vừa giúp thúc đẩy phát triển cái có tính chung nhất thì sẽ được tiếp nhận và tạo nên tiến bộ cho văn học dân tộc, còn ngược lại thì hoặc sẽ bị đào thải, hoặc sẽ làm suy thoái hay triệt tiêu văn học dân tộc.

Chúng tôi nghĩ rằng, một trong những ưu điểm của phương pháp so sánh loại hình lịch sử khi so sánh các hiện tượng văn học Đông - Tây là : giúp tiếp cận các hiện tượng văn học dân tộc một cách khách quan trên bình diện văn học thế giới, tránh những cực đoan của chủ nghĩa trung tâm châu Âu (eurocentrism) lẫn những cực đoan của chủ nghĩa dân tộc (nationalism). Điều này rất có ý nghĩa khi so sánh Truyện Kiều với một số kiệt tác của văn học Phương Tây.

Ngoài ra, Truyện Kiều là một tác phẩm của văn học trung đại Việt Nam. Ảnh hưởng của văn học Trung Hoa đối với văn học của một số nước Đông Á, trong đó có Việt Nam nói chung, và đối với bản thân Truyện Kiều nói riêng cũng rất lớn. Bởi vậy, khi nghiên cứu so sánh Truyện Kiều với nguyên tác của nó (tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân), hay so sánh với một số tác phẩm của văn học trung đại các dân tộc Đông Á khác (như so sánh với Xuân Hương Truyện của Hàn Quốc), vấn đề quan hệ giữa giao lưu ảnh hưởng và sự phát triển nội lực văn học dân tộc được đặt ra tương tự như vấn đề Đông - Tây đã nêu trên, chỉ khác ở chỗ phạm vi của nó là trong khu vực Đông Á. Và ở đây cũng vậy, vận dụng đúng đắn phương pháp so sánh loại hình lịch sử sẽ giúp tránh những cực đoan của chủ nghĩa trung tâm Trung Hoa (Sinocentrism), đồng thời đánh giá được đúng mức vai trò ảnh hưởng của các dân tộc Đông Á, nhất là ảnh hưởng của văn hóa, văn học Trung Hoa.

Như đã nói ở trên, loại hình lịch sử không phải là phương pháp duy nhất trong nghiên cứu so sánh văn học. Vận dụng nó khi tiếp cận Truyện Kiều từ hướng so sánh không có nghĩa là loại trừ những phương pháp khác, mà trái lại, việc phối hợp so sánh loại hình lịch sử với so sánh khởi nguyên (so sánh các tương đồng và dị biệt do quan hệ ảnh hưởng, giao lưu), hay với các phương pháp nghiên cứu như văn bản học, cấu trúc học... là điều cần thiết để việc so sánh mang lại hiệu quả và trở nên có ý nghĩa.

 

 

Tài liệu tham khảo:

1.    Akiyama and Leung. Crosscurrents in the Literatures of Asia and the West. University of Delaware Press, Associates University Presses, 1997.

2.    China and the West: Comparative Literature Studies. The Chinese University Press. Hongkong, 1980.

3.    Comparative Literature: Method and Perspectives. Edited by Newton P.Stallknecht and Horst Frenz. Southern Illinois University Press, 1961.

4.    Comparative Literature in the Age of Multiculturalism. Edited by Charles Bernheimer. John Hopkins University Press, 1995.

5.    Dima Alecxander Printsipy sravnitel'nogo literaturnovedenia. Progress, Moskva, 1977.

6.    Dyurishin Dionis. Teoria spavnitel'nogo izuchenia literatury. Progress, Moskva, 1979.

7.    Istoricheskaya poetika: Literaturnye epokhi i tipy khudozhe -stvennogo soznanya (Thi pháp lịch sử : Các thời đại văn học và các loại hình ý thức nghệ thuật). Institut mirovoi literatury. Moskva, 1994.

8.    Konrad N.K. Phương Đông và Phương Tây. (Trịnh Bá Đĩnh dịch). NXB Giáo Dục, 1997.

9.    Lý Valenti . Truyện Xuân Hương và Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tạp chí văn học, số 3, 1992.

10. Miner Earl. Comparative Poetics. An Intercultural Essay on Theory of Literature. Princeton University Press, 1990.

11. Nguyễn Du. Truyện Kiều. Văn học, Hà Nội, 1979.

12. Nguyễn Du. Về tác gia và tác phẩm. Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn và giới thiệu. NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1998.

13. Nguyễn Văn Dân. Lý luận văn học so sánh. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.

14. Perspectives comparatistes. Etudes réunies par Jean Bessière et Daniel-Henri Pageaux. Paris, 1999.

15. Poetics. East and West. Edited by Milena Dolezelova-Velingerova. University of Toronto, 1988-89.

16. The Comparative Perspective on Literature. Approaches to Theory and Practice. Edited and with an Introduction by Clayton Koelb and Susan Noakes. Cornell University Press, 1988.

17. Tipologia i vzaimosvyazi srednevekovykh literatur Vostoka i Zapada (Loại hình học và các quan hệ qua lại của các nền văn học Phương Đông và Phương Tây). Institut mirovoi literatury. Moskva, 1974.

18. Trần Thanh Đạm. Sự chuyển biến của văn chương Việt Nam sang thời kỳ hiện đại. Trường Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 1995.

19. Wellek René and Warren Austin. Theory of Literature. HJB Books. Third edition. San Diego, New York, London, 1956.

 



[1] Có ý kiến cho rằng Nguyễn Du sinh năm 1766.

[2] Hoài Thanh. Nghìn thu vọng mãi. Trong cuốn: Nguyễn Du. Truyện Kiều. Hà Nội, NXB Văn học, 1979, tr.57.

[3] Khrapchenko M.B. Nghiên cứu văn học theo loại hình và những nguyên tắc của nó. Trong cuốn: Những vấn đề loại hình học của chủ nghĩa hiện thực Nga. Matxcơva, 1969, tr.9

[4] Dyurishin Lý luận nghiên cứu văn học so sánh. Moskva, 1980, tr.96-101.

 

[6] Ý này được Konrad nói đến trong lời giới thiệu cho tập 1 bộ Lịch sử văn học thế giới do Viện Văn học thế giới mang tên Gorky xuất bản.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63733038
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
31132
22198
63733038

Thành viên trực tuyến

Đang có 416 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website