Hệ thống giáo dục đại học của Nga khởi đầu bằng việc thành lập hai trường đại học ở Moskva và Petersburg vào giữa thế kỷ XVIII. Cuộc tranh cãi xem trường nào trong hai trường là cổ nhất của nước Nga đến nay vẫn còn chưa ngã ngũ. Trường ĐHTH Moskva (MGU) được thành lập vào ngày 25 tháng 1 (12 tháng 1 theo lịch cũ của Nga) năm 1755. Hiện nay, ngày 25 tháng 1 là Ngày Sinh viên ở Nga. Trường ĐHTH St.Petersburg (SPbGU) được xem là thành lập vào năm 1819, nhưng có ý kiến (và hiện nay là quan điểm chính thức của Trường SPbGU) cho rằng trường này là hậu thân của Đại học Hàn lâm Petersburg, được thành lập khi sát nhập Học viện St.Petersburg và Viện Hàn lâm Petersburg theo sắc lệnh của Hòang đế Piotr I năm 1724.
Dù có tranh cãi về danh hiệu “cổ nhất” thì hiện nay hai trường ĐHTH của hai thủ đô này là hai trường lớn danh tiếng nhất nước Nga (MGU có hơn 40 ngàn sinh viên đại học, khoảng 7 ngàn sinh viên sau đại học, hơn 8 ngàn giảng viên. SPbGU có khoảng 21 ngàn sinh viên, 2100 giảng viên), và đều là trường của nhà nước (gosudarstvenny universitet).Vào thời Xô viết, nước Nga là nước có nền giáo dục dành cho đại chúng, miễn phí, kể cả ở bậc đại học và sau đại học. Điều này khiến cho Nga, ngoài việc mọi người dân đều có trình độ văn hóa ít nhất là trung học, còn là nước có tỉ lệ người có trình độ đại học cao nhất ở châu Âu (hơn 50% dân Nga có trình độ đại học). Tuy nhiên học đại học vẫn được xem là danh giá.
Hiện nay, ngoài hệ thống trường công lập (chiếm 50 %), đã có các trường ngoài công lập. Trong các trường công, ngoài những sinh viên thuộc diện ngân sách, còn có các sinh viên phải tự túc kinh phí học tập (tỉ lệ so với sinh viên diện ngân sách thay đổi tùy theo ngành đào tạo, và cũng tương tự như ở VN, những ngành “thời thượng” như giảng dạy tiếng Anh, quản trị kinh doanh rất hút người học, số sinh viên tự túc đông hơn sinh viên ngân sách. Tuy nhiên, tổng số sinh viên phải trả học phí chỉ chiếm đến 15% tổng số sinh viên). Sinh viên khá giỏi được nhận học bổng nhà nước, sinh viên ngoại tỉnh được bố trí ở trong các ký túc xá.
Việc thi tuyển vào các trường đại học, nhất là các trường “top” như đại MGU, SPbGU đầy tính cạnh tranh. Học phí từ khoảng 2000 đến 8000 USD/năm, những chi phí khác (nhà ở, sinh hoạt phí, sách vở,…) khoảng từ 1500 đến 5000 USD/ năm tùy vùng và cách sinh hoạt. Nhiều trường có hệ đào tạo từ xa và có những khóa học đáp ứng các nhu cầu cộng đồng hay các nhu cầu chuyên môn, tuy nhiên hệ này không được phát triển bằng ở các nước Tây Âu và Hoa Kỳ. Năm học của đại học Nga bắt đầu từ ngày 1 tháng 9 và kết thúc vào giữa tháng 6, kỳ nghỉ hè kéo dài từ 1 tháng 7 đến 31 tháng 8, đó cũng là thời gian tuyển sinh.
Do những nhu cầu quốc tế hóa, hệ thống giáo dục ở Nga trong khoảng 4-5 năm nay bắt đầu thay đổi. Các trường đại học dần chuyển sang hệ thống giống như Anh Mỹ: 4 năm bậc cử nhân (bakalavr / bachelor) và 2 năm thạc sĩ (magistr / master). Nhưng sự chuyển đổi đó mới đang bắt đầu, một số trường đã thực hiện theo hệ thống mới, một số vẫn theo hệ thống cũ (5 năm đại học, sau đại học đào tạo phó tiến sĩ khoa học, rồi tiến sĩ khoa học).Trong chương trình đại học Nga: 80% môn học là theo quy định của nhà nước, 20% do trường đại học quyết định, tức là cũng có “chương trình khung” như ở đại học Việt Nam.
Ngành văn học ở các trường đại học tổng hợp (universitet – với ý nghĩa là đào tạo khoa học cơ bản) của Nga luôn gắn với ngôn ngữ và được đào tạo trong các khoa Ngữ văn (Philologichesky fakultet). Sinh viên ra trường sẽ trở thành các “nhà ngữ văn học” (philolog) và giáo viên văn học và ngôn ngữ ở các trường phổ thông.
II. VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO VĂN HỌC Ở ĐHTH QUỐC GIA MOSKVA (MGU)
Khoa Ngữ văn của Trường MGU được thành lập năm 1941. Trước đó, nó là một bộ phận của Khoa Lịch sử- Ngữ văn. Chương trình đào tạo đại học ở đây kéo dài 5 năm (hệ ban đêm thì 6 năm). Hiện nay Khoa có các ngành đào tạo sau:
- Tiếng Nga và văn học (hệ ban ngày và hệ ban đêm)
- Các ngôn ngữ và văn học Tây Âu (trước kia là Ngữ văn Roman-German)
- Ngữ văn Slav
- Ngữ văn cổ điển (Hy Lạp – La Mã cổ đại)
- Ngôn ngữ học lý thuyết và ứng dụng
- Ngữ văn Byzance và Hy Lạp mới
- Tiếng Nga như ngoại ngữ
- Lý thuyết và thực hành dịch.
Khoa có ba ngành đào tạo mang tính thực tiễn, liên kết với các cơ sở xã hội, chỉ hoạt động theo hợp đồng.
- Trang bị ngữ văn cho hoạt động xuất bản thông tin
- Trang bị ngữ văn cho các mối quan hệ xã hội
- Tội phạm học-ngữ học
Khoa có các Văn phòng (cabinet):
- Phương ngữ học,
- Scandinavia,
Các phòng thực nghiệm:
- Nghiên cứu từ nguyên học,
- Từ vựng học và từ điển học máy tính,
- Ngữ âm học và giao tiếp ngôn ngữ,
- Văn học Nga,
- Nghiên cứu khẩu ngữ,
- Thực hành máy tính,
Các trung tâm khoa học đào tạo:
- Ngôn ngữ các phương tiện thông tin đại chúng
- Camoens (liên kết với Viện Camoens của Bồ Đào Nha)
- Khảo thí (tiếng Nga cho người nước ngoài và tiêng Nga cho giao tiếp)
- Công nghệ thông tin mới dùng cho đào tạo ngành khoa học nhân văn
- Tin học dành cho khoa học- đào tạo
Và một Hội đồng Ngữ văn của Liên hiệp các trường đại học Liên bang Nga.
Khoa có 19 bộ môn, mà quy mô, chức năng của mỗi bộ môn tương đương với một Khoa của chúng ta (từ Kafedra của tiếng Nga thường được dịch sang tiếng Anh là Department), nhưng chỉ chịu trách nhiệm chuyên môn. Đứng đầu bộ môn thường là một giáo sư rất có uy tín khoa học, có thể là các viện sĩ hàn lâm. Uy tín khoa học của các vị chủ nhiệm bộ môn có thể ảnh hưởng đến khuynh hướng nghiên cứu và giảng dạy của bộ môn và Khoa thậm chí tạo thành trường phái nghiên cứu. Các bộ môn ở Khoa này là:
- Văn học dân gian Nga
- Lịch sử văn học Nga
- Lịch sử văn học Nga thế kỷ XX
- Lịch sử văn học nước ngoài
- Lý luận văn học
- Tiếng Nga
- Ngữ văn cổ điển (cổ đại Hy La)
- Ngữ văn Byzance và Hy Lạp mới
- Ngữ văn Slav
- Anh ngữ học
- Đức ngữ học
- Pháp ngữ học
- Ngữ học German
- Ngữ học Roman
- Ngôn ngữ học lý thuyết và ứng dụng
- Ngôn ngữ học đại cương và so sánh lịch sử
- Tiếng Nga cho người nước ngoài
- Tiếng Nga cho các khoa tự nhiên
- Tiếng Nga cho các khoa xã hội nhân văn
Việc tuyển sinh hàng năm do Trường và Khoa chịu trách nhiệm tổ chức, có thông báo rộng rãi, thi vào tháng 7, đợt thi kéo dài 20 ngày, thí sinh chỉ được thi vào một khoa của Trường. Nếu muốn học ngành Tiếng Nga và văn học (tương tự vào khoa Văn học và Ngôn ngữ của chúng ta), thí sinh phải thi các môn sau:
- Tiếng Nga và văn học (thi viết)
- Lịch sử Nga (vấn đáp)
- Văn học Nga (vấn đáp)
- Tiếng Nga (vấn đáp)
(Nếu thi vào các ngành ngữ văn nước ngoài, cũng thi các môn trên, nhưng có thêm thi viết môn ngoại ngữ, ngành ngôn ngữ học lý thuyết và ứng dụng thì phải thi thêm môn toán)
Thi tuyển vào đại học, cũng như mọi kỳ thi học kỳ, thi tốt nghiệp đại học, trước các buổi thi đều có các buổi hướng dẫn (konsultasia), nội dung các câu hỏi ôn thi thì đã được công bố trước, buổi hướng dẫn này giúp thí sinh giải đáp những thắc mắc liên quan đến nội dung ôn thi và hình thức thi cử.
Vấn đề chính tả rất được chú ý ở các khoa Ngữ văn (sinh viên đại học hàng năm và trước khi thi tốt nghiệp đều có các kỳ kiểm tra chính tả). Việc đánh giá khả năng viết đúng dựa theo những quy tắc chính tả và dấu câu đã được chính thức công nhận (Bộ quy tắc chính tả và dấu câu do D.E.Rozental chủ biên). Có những từ điển mới sửa đổi quy tắc (ví dụ bộ Quy tắc có sửa đổi năm 2004 của Lopakhin) nhưng không được sử dụng.
Ở MGU, đào tạo theo kiểu Anh- Mỹ với các bậc Bachelor (cử nhân ngữ văn, 4 năm) và Master (thạc sĩ ngữ văn, 2 năm) chỉ dành cho người nước ngòai, còn đối với sinh viên Nga vẫn giữ cách đào tạo cũ. Bậc đại học kéo dài 5 năm (hệ ban đêm, tại chức thì 6 năm). Tốt nghiệp đại học, người học được công nhận danh vị Philolog –Prepodavatel (nhà ngữ văn học- giáo viên dạy tiếng và văn học), tức là vẫn giữ cách ghi bằng tốt nghiệp truyền thống của Nga từ thời Xô viết. Bậc sau đại học vẫn đào tạo hệ phó tiến sĩ (aspirantura) và tiến sĩ khoa học (doctorantura). Ở Khoa Ngữ văn về văn học có các ngành đào tạo phó tiến sĩ là “Văn học Nga”, “Văn học các dân tộc, các quốc gia nước ngoài (với chỉ dẫn nền văn học cụ thể)”, “Lý luận văn học và văn bản học”, “Nghiên cứu phônlo”, “Ngữ văn cổ đại Hy-La, Byzance và Hy Lạp mới”.
BẬC ĐẠI HỌC:
Khoa Ngữ văn của MGU có quy mô rộng, đào tạo nhiều ngành, việc giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về văn học tương tự như ở Khoa Văn học và Ngôn ngữ ở VN có thể thấy ở ngành Tiếng Nga và văn học.
Ngành Tiếng Nga và văn học là một trong những ngành truyền thống, lâu đời nhất ở đại học Nga. Ngành này ở trường ĐHTH Moskva có từ năm 1755, tức là từ khi thành lập trường (thời đó nó thuộc vào Khoa Triết học).
Sinh viên chuyên ngành Tiếng Nga và văn học được học các môn học chuyên sâu và mở rộng về lịch sử văn học Nga (từ thời nước Nga cổ Kiev đến thời hiện đại) và văn học dân gian Nga, tiếng Nga hiện đại (ngữ âm, từ vựng, tạo từ, hình thái học, cú pháp học, phong cách học), tiếng Slav cổ, ngữ pháp lịch sử, lịch sử tiếng Nga văn học và phương ngữ học. Để tạo nền tảng cho việc nghiên cứu ngữ văn, sinh viên được học các ngôn ngữ cổ (tiếng Latin và Hy Lạp cổ, tiếng Slav cổ) và hiện đại. Ngòai ra có các môn cơ bản về lịch sử văn học nước ngoài từ thời cổ đại Hy La đến thời hiện đại. Sinh viên có thể tự chọn học lịch sử của một trong các nền văn học các nước Slav vốn có “họ hàng” với Nga. Tốt nghiệp, sinh viên nhận bằng tốt nghiệp với nghề nghiệp được đào tạo là “Nghiên cứu ngữ văn, giảng dạy tiếng Nga và văn học”. Khi vào ngành này, từ năm thứ 3 sinh viên lại chọn các ngành chuyên sâu do các bộ môn đảm trách:
- Bộ môn Tiếng Nga (nghiên cứu tiếng Nga hiện đại, chữ viết Nga cổ, các phương ngữ và đặc ngữ, ngôn ngữ thơ ca và các văn bản quảng cáo)
- Bộ môn Lịch sử văn học Nga (đào tạo chuyên gia về văn học Nga cổ, văn học Nga thế kỷ XVIII-XIX, tư liệu học và văn bản học)
- Bộ môn Lịch sử văn học Nga thế kỷ XX (bao gồm cả văn học Nga hải ngoại và văn học các dân tộc ở Nga)
- Bộ môn Sáng tác dân gian Nga đào tạo các chuyên gia folklore học
- Bộ môn Lý luận văn học nghiên cứu các lĩnh vực chung về văn học, sinh viên của các ngành ngữ văn đều có thể vào chuyên ngành này;
- Bộ môn Ngôn ngữ học đại cương và ngôn ngữ học so sánh lịch sử cũng tiếp nhận sinh viên của tất cả các ngành ngữ văn.
Khi đã chọn các ngành chuyên sâu, sinh viên ngoài việc học các môn cơ sở của ngành Tiếng Nga và văn học (gồm cả văn và ngữ), sẽ nghe giảng các chuyên đề, dự các seminar (spetskurs, spetsseminar) của các bộ môn và thực hiện khóa luận tốt nghiệp ở các bộ môn này.
Một số thông tin về chương trình đào tạo văn học của ngành Tiếng Nga và Văn học, bậc đại học ở Khoa Ngữ văn MGU:
Sáng tác dân gian Nga:
Các môn học cơ sở:
- Folklore Nga (dạy cho sinh viên năm thứ nhất ngành Ngữ văn Nga và ngành Ngữ văn Slav, giảng vào học kỳ 1)
- Folklore Slav
- Lý luận folklore (giáo trình chuyên sâu dành cho sinh viên năm thứ 2 ngành Ngữ văn Nga)
Các chuyên đề (spetsskurs) thay đổi theo từng năm học. Ví dụ: cho học kỳ 2 năm học 1999-2000: Thi pháp folklore, Ngôn ngữ nghệ thuật folklore, Thu thập xử lý tư liệu để xuất bản, Folklore thế kỷ XX và thế kỷ XX trong folklore, Folklore và dân tộc học, Folklore và văn học Nga cổ, Folklore: những vấn đề thi pháp lịch sử; cho học kỳ 2 năm học 2000– 2001: Cấu trúc văn bản folklore (dành cho sinh viên năm thứ 2), Thi pháp lịch sử folklore (dành cho sinh viên năm 3-4), Tiểu thuyết huyền thọai (Chọn đọc các chương sách), Các trường phái hàn lâm trong nghiên cứu folklore của Nga, Đặc trưng các thể loại folklore và những hình thức lưu hành hiện đại, Folklore và văn hóa truyền thống dân tộc: những vấn đề thời sự, …
Thực tập điền dã vào mùa hè ở các tỉnh của Nga, do các GV hướng dẫn. Trong năm học có các bài giảng để chuẩn bị cho các chuyến thực tập (sau một hoặc hai bài giảng, sinh viên năm thứ nhất sẽ có các seminar chia thành từng nhóm nhỏ)
Văn học Nga:
Chia hai Bộ môn: Lịch sử văn học Nga và Lịch sử văn học Nga thế kỷ XX (trước kia, đó là hai bộ môn: Lịch sử văn học Nga và Lịch sử văn học Xô viết).
Bộ môn Lịch sử văn học Nga có 10 giáo sư, 11 phó giáo sư, 3 giảng viên cao cấp, một chuyên viên ngữ văn bậc một), trưởng Bộ môn là giáo sư V.B.Kataev, tiến sĩ khoa học, viện sĩ thông tấn, viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học giáo dục. Bộ môn Lịch sử văn học Nga thế kỷ XX có 27 giảng viên, trong đó có 15 tiến sĩ khoa học, trưởng Bộ môn là giáo sư B.S.Bugrov, chuyên gia về kịch Nga thế kỷ XX.
Dưới đây là danh mục các môn học liên quan đến văn học Nga mà sinh viên ngành Tiếng Nga và văn học phải học:
Các môn cơ sở:
- Lịch sử văn học Nga cổ
- Lịch sử văn học Nga thế kỷ XI - XVIII
- Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX (chia thành 2 hoặc 3 giai đoạn)
- Dẫn luận nghiên cứu lịch sử văn học Nga thế kỷ XI – XIX
- Lịch sử phê bình văn học Nga thế kỷ XVIII – XIX
- Lịch sử văn hóa Nga
- Lịch sử văn học Nga thế kỷ XVIII
- Phương pháp giảng dạy văn học ở trường trung học.
Các môn học tự chọn:
- Tư liệu học và văn bản học văn học Nga
- Sinh hoạt văn học Nga thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX
- Văn học cổ điển Nga trong bối cảnh văn học thế giới
- Lý thuyết và lịch sử thơ Nga
- Số phận văn học cổ điển Nga trong thời đại của chủ nghĩa hậu hiện đại
- Pushkin và văn học Nga: từ “Bài ca về đạo quân Igor” đến chủ nghĩa hậu hiện đại
- Lịch sử tiểu thuyết Nga
- Văn học Nga thế kỷ XX (chia theo các thập kỷ)
Văn học nước ngoài:
Ở Khoa Ngữ văn, chương trình văn học nước ngoài chuyên sâu chủ yếu dành cho các ngành ngữ văn Roman- German (chỉ học văn học châu Âu và Hoa Kỳ, phần phương Đông lại thuộc về chương trình của Viện Văn học Á Phi của Trường MGU), nhưng ngành ngữ văn Nga cũng học một số môn có tính chất tổng quan:
- Văn học cổ đại Hy La
- Văn học nước ngoài (học tổng quan các nền văn học Âu, Mỹ, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, chia thành 3: năm thứ hai học thế kỷ XVII-XVIII, năm thứ ba học thế kỷ XIX, năm thứ tư học thế kỷ XX)
Lý luận văn học:
Hai môn bắt buộc đối với sinh viên ngữ văn là Dẫn luận nghiên cứu văn học (học vào năm thứ 1) và Lý luận văn học (học vào năm thứ 4).
Các chuyên đề:
- Mỹ học và triết học thế kỷ Bạc (năm 2- 4, ngành ngữ văn Nga)
- Thi pháp tác phẩm tự sự nghệ thuật (năm 2-3)
- Các tác phẩm của L.Tolstoy (1850-60) trong đánh giá của giới phê bình đương thời (năm 2-4)
- Những “studio” văn học của các nhà tượng trưng Nga (năm 3-4, ngữ văn Nga)
- Phân tích và lý giải tác phẩm văn học (năm thứ 3, hệ ban đêm)
Các seminar:
- Sự tiến hóa và biến hóa của các hình thức thể loại trong văn học Nga và Tây Âu thế kỷ XIX-XX;
- Phân tích và lý giải tác phẩm văn học (trên tư liệu văn học Nga đầu thế kỷ XX)
- Thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học
- Sáng tác của Tolstoy và sự tiếp nhận Tolstoy ở nước ngoài
- Thi pháp của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa hậu hiện đại Nga (năm 3-4 chuyên ngành Ngữ văn Nga)
- Những hình thức ý thức văn học của các nhà văn trong ngữ cảnh văn xuôi Nga những năm 20-30 thế kỷ XX.
- Thi pháp văn học nghệ thuật (năm thứ 2-3 ngữ văn Nga và ngữ văn Roman-German)
Luận văn tốt nghiệp:
Đề tài của sinh viên được thảo luận với người hướng dẫn và hoàn chỉnh tên đề tài vào cuối năm thứ 4: khoảng tháng 4, học kỳ thứ 8, tên các đề tài được thông qua ở bộ môn, sau đó, những sửa chữa tên đề tài, hướng nghiên cứu vẫn có thể được, nhưng không thay đổi toàn bộ đề tài. Vào tháng Hai của học kỳ thứ 10 (học kỳ 2 năm thứ 5) có cuộc họp Bộ môn để phân người phản biện (người phản biện do sinh viên và người hướng dẫn đề xuất), báo cáo sơ bộ về luận văn và nhận xét của người hướng dẫn cũng được trình bày ở cuộc họp này. Luận văn được bảo vệ vào cuối tháng năm, hạn chót chính thức nộp luận văn là một tuần trước ngày bảo vệ, tuy nhiên sinh viên được khuyên nên nộp càng sớm càng tốt: “độ dài thời gian giữa khi nộp với khi bảo vệ tỉ lệ thuận với mức độ tôn trọng của sinh viên với người phản biện”. Luận văn phải dày ít nhất 50 trang đánh máy, size 14, giãn dòng 1,5, nộp 3 bản in và một đĩa (mềm hoặc CD)
CHƯƠNG TRÌNH SAU ĐẠI HỌC:
Khoa Ngữ văn đào tạo 13 chuyên ngành sau đại học (bậc phó tiến sĩ và tiến sĩ): Văn học Nga, Văn học nước ngoài (có định rõ nền văn học), Lý luận văn học và văn bản học, Folklore học, Tiếng Nga, Các ngôn ngữ Slav, Các ngôn ngữ German, Các ngôn ngữ Roman, Ngữ văn cổ đại Hy La, Byzance và Hy Lạp mới, Lý luận ngôn ngữ, Ngôn ngữ học so sách lịch sử, Ngôn ngữ ứng dụng và ngôn ngữ toán, Lý thuyết và phương pháp nghiên cứu và giáo dục (theo lĩnh vực và theo bậc học).
Bậc đào tạo nghiên cứu sinh (aspirantura) kéo dài 3 năm, sau khi tốt nghiệp nhận bằng phó tiến sĩ khoa học (kandidat nauk). Để thi vào hệ nghiên cứu sinh, phải có đơn xin dự thi có chữ ký của người hướng dẫn khoa học (tức là phải có người nhận hướng dẫn khoa học thì mới được thi vào). Ngoài ra, bản sao luận văn tốt nghiệp đại học, bản nhận xét của người hướng dẫn và người phản biện luận văn tốt nghiệp đại học cũng là những giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ dự thi (nghĩa là khả năng nghiên cứu khoa học, viết luận văn được kiểm tra ngay từ đầu vào). Vì là trường công, nên các công văn cử đi học của cơ quan cử đi học đối với người của cơ quan nhà nước hay những cơ quan có hợp đồng đào tạo với trường cũng được yêu cầu phải có (thí sinh tự túc kinh phí thì không cần). Chuyển tiếp sinh thì phải có văn bản cuộc họp xét duyệt của Hội đồng khoa học Trường.
Kỳ thi nghiên cứu sinh diễn ra vào tháng 9, gồm ba môn: chuyên ngành, ngoại ngữ và triết học (không được thi lại, nhưng nếu thi đạt một, hai hoặc tất cả các môn, kết quả có thể được bảo lưu trong vòng 5 năm). Ngày 1 tháng 10 có kết quả tuyển sinh, 1 tháng 11 bắt đầu thời gian học.
Năm đầu tiên, nghiên cứu sinh chuẩn bị để thi tối thiểu (minimum), gồm: môn chuyên ngành (3 vấn đề được mỗi nghiên cứu sinh tự xác định ngay từ đầu năm học với sự đồng thuận của giáo sư hướng dẫn), môn ngoại ngữ và môn triết. Trong năm đầu tiên này, nghiên cứu sinh bắt buộc phải dự học các giờ triết học và ngoại ngữ, còn seminar về phương pháp luận thì có thể tham dự tự nguyện. Một số bộ môn bắt buộc các nghiên cứu sinh phải dự các giờ học dành riêng cho nghiên cứu sinh (ví dụ chuyên ngành Lý luận văn học), dự giờ của sinh viên ngành ngữ văn (thường là năm 3-4) và các giờ của giáo sư hướng dẫn.
Năm thứ hai và thứ ba dành cho việc viết luận án. Đầu học kỳ 1 của năm thứ hai, nghiên cứu sinh phải trình đề cương toàn luận án, rồi sau đó mỗi học kỳ lần lượt trình bày các chương luận án, được thảo luận đánh giá bởi hội đồng của bộ môn. Luận án phải được bảo vệ trước ngày 1 tháng 11 của năm học thứ ba.
Các nghiên cứu sinh hoặc bắt buộc phải giảng dạy, hoặc được khuyến khích làm việc này. Việc hướng dẫn các seminar cho sinh viên đại học được tính như điểm thực tập sư phạm.
Các giáo trình dành cho nghiên cứu sinh ở các bộ môn không giống nhau. Ví dụ, các giáo sư của Bộ môn Lý luận văn học có những chương trình riêng của mình dành cho nghiên cứu sinh, gắn với những vấn đề mà các nghiên cứu sinh Lý luận văn học phải quan tâm như: tác phẩm văn học (mối tương quan giữa “tác phẩm” và “văn bản”; văn bản như một khái niệm của ngữ văn học, ký hiệu học và văn hóa học; tác phẩm văn học như một hình thức mang nội dung; thành phần cấu tạo tác phẩm tùy theo thể loại; những phương diện mới trong cách hiểu về ý nghĩa và cấu trúc tác phẩm;v.v…), về bản chất của văn học như một loại hình nghệ thuật, về thể loại (nguồn gốc, sự phát triển, phân loại, các thể loại trong văn học thế giới), lịch sử các trường phái lý luận văn học, mối quan hệ giữa văn học với lịch sử triết học.
Ở bộ môn Lịch sử văn học Nga, Có 2 phó giáo sư đang làm luận án tiến sĩ khoa học, có 22 luận án phó tiến sĩ đang được thực hiện tại bộ môn. Xu hướng văn học so sánh thể hiện rõ trên nhiều đề tài luận án (Ví dụ: Dostoevsky ở Thụy Điển; Văn học dịch trong các tạp chí những năm 1820-30 và sự hình thành văn xuôi Nga; Kịch Chekhov trong thế giới Anh ngữ: lịch sử tiếp nhận; Chekhov và Goethe). Việc nghiên cứu các thể loại “cận văn học”, mối quan hệ văn học với văn hóa, lịch sử cũng được quan tâm (Ví dụ: Sự phản ánh xu hướng ẩn dật (Hesychasm) Byzance thế kỷ XV-XVI trong văn học và nghệ thuật Nga; Hình tượng hoàng đế Nikolai I trong văn học Nga thời đại ông, Các thể loại tạp chí xuất bản định kỳ của Nga và Đức nửa sau thế kỷ XIX: những tương đồng loại hình và những quan hệ giao lưu văn hóa;…) Có đề tài lạ và thú vị như “Thi pháp các bản nháp thơ trữ tình của Pushkin”.
Có thể thấy xu hướng mở rộng phạm vi nghiên cứu là một nét đáng chú ý của ngành văn học ở MGU.
Mặc dù Văn học so sánh không phải là một môn học chính thức nằm trong chương trình ở bậc đại học, nhưng sự quan tâm đến văn học so sánh không phải là nhỏ. Ngoài các đề tài luận án, việc nghiên cứu giảng dạy văn học so sánh còn được thực hiện ở các khóa học bổ túc kiến thức. Khóa trình văn học so sánh được mở từ năm 2000, cấp chứng chỉ cho học viên (nếu là sinh viên Ngữ văn sẽ được cấp chứng chỉ kèm bằng tốt nghiệp). Chương trình học gồm 4 học kỳ, 9 môn (từ 16 đến 68 giờ/môn, bài giảng và thực hành seminar), học vào các ngày thứ bảy (thường là buổi chiều, thời gian nghỉ của những người đang đi làm, đi học):
Học kỳ I: Dẫn luận nghiên cứu văn học so sánh (32 giờ, thi hết môn), Di sản cổ đại Hy La trong văn học châu Âu (16 giờ, kiểm tra), Nghiên cứu so sánh lịch sử phônclo (16 giờ, kiểm tra)[1];
Học kỳ II: Giao lưu văn học Tây Âu, Nga và Hoa Kỳ (34 giờ, thi hết môn); Giao lưu văn học tây và nam Slav (34 giờ, thi hết môn);
Học kỳ III: Dịch nghệ thuật như hình thức giao lưu văn học (32 giờ, thi hết môn); Văn học Nga trong ngữ cảnh văn học thế giới (32 giờ, kiểm tra); Các nhà Nga học nước ngoài nói về văn học Nga thế kỷ XIX-XXI (32 giờ, kiểm tra);
Học kỳ IV: Văn học Nga trong ngữ cảnh văn học thế giới (tiếp theo, 34 giờ, thi hết môn); Văn học Nga thế kỷ XX-XXI: những triển vọng giao lưu văn học (34 giờ, thi tốt nghiệp: vừa trả lời các câu hỏi liên quan đến môn này trước Hội đồng thi quốc gia, vừa trình bày những luận điểm cơ bản của bài viết (tiểu luận tốt nghiệp) của khóa học).
III. VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO VĂN HỌC Ở ĐHTH QUỐC GIA ST.PETERSBURG (SPbGU)
Khoa Ngữ văn của trường SPbGU cũng giống của trường MGU đào tạo đa ngành, mà ngành ngữ văn Nga chỉ là một trong số đó. Khoa có 31 Bộ môn với 1149 giảng viên, trong đó có 3 viện sĩ hàn lâm, 1 viện sĩ thông tấn, 104 giáo sư, 321 phó giáo sư, 468 giảng viên có học vị phó tiến sĩ và tiến sĩ khoa học.
Để vào được hệ ban ngày ngành Ngữ văn chuyên ngành Tiếng Nga và văn học (diện kinh phí nhà nước), thí sinh phải thi ba môn: Tiếng Nga và văn học (vấn đáp), Văn học (viết) và Ngoại ngữ. Nội dung ôn thi cho thấy chương trình học về văn học Nga và tiếng Nga ở bậc phổ thông rất nặng, và cũng mang tính lý thuyết, hàn lâm khá nhiều.
Thí sinh thi vào thuộc diện tự đóng tiền thì yêu cầu nhẹ hơn nhiều (ví dụ về tiếng Nga không yêu cầu các kiến thức lý thuyết về ngôn ngữ, mà chủ yếu kiểm tra các khả năng thực hành, các kiến thức ngữ pháp cơ bản. Phần văn học Nga cũng ít tác giả và vấn đề phải học hơn). Số lượng sinh viên không nhiều (so với con số hàng trăm sinh viên ngữ văn mỗi năm của Khoa ta). Ví dụ năm 2007, ngành tiếng Nga và văn học hệ ban ngày tuyển 50 sinh viên (35 thuộc diện ngân sách, 15 tự túc), hệ đêm 40 sinh viên (10 thuộc diện ngân sách), hệ tại chức 60 sinh viên (20 thuộc diện ngân sách). Tỉ lệ chọi khi thi vào là 1/2,9, điểm chuẩn là 12.
Khoa có hệ “văn bằng hai” khá linh hoạt, thời lượng học tập có thể từ 1 đến 6 học kỳ tùy theo trình độ đã có sẵn của sinh viên trước khi vào học và tính chất của nghề nghiệp sẽ được đào tạo.
Hình thức đào tạo của trường thể hiện sự chuyển đổi sang hệ thống giống Anh -Mỹ: các bậc đào tạo gồm: cử nhân, thạc sĩ, phó tiến sĩ.
Ở bậc cử nhân (bachelor) đào tạo trong thời gian 4 năm, các môn học cơ sở của ngành ngữ văn của trường SPbGU không khác với trường MGU (vì như đã nói, ở đại học Nga 80% các môn là theo quy định chung của nhà nước), và cũng không thay đổi mấy so với thời Xô viết. Giáo trình sử dụng cũng là những giáo trình được Bộ Giáo dục Nga chính thức cho phép dùng trong các trường đại học. Tuy nhiên, sự thay đổi nằm trong nội dung giáo trình (ví dụ trong môn Dẫn luận nghiên cứu văn học, những quan niệm lý luận văn học hiện đại phương Tây được đưa vào)
Chương trình cụ thể của sinh viên ngữ văn SPbGU như sau:
1.Folklore Nga
2.Văn học Nga:
- Lịch sử văn học cổ Nga (54 tiết, tỉ lệ lý thuyết –thực hành: 36-18)
- Lịch sử văn học Nga thế kỷ XVIII (48 tiết, tỉ lệ LT-TH: 32-16)
- Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX (chia thành 3 phần) (90 tiết, tỉ lệ LT-TH: 72 – 18)
- Lịch sử văn học Nga nửa sau thế kỷ XIX (phần I: 80 tiết, tỉ lệ LT-TH: 64- 16)
- Lịch sử văn học Nga nửa sau thế kỷ XIX (phần II: 90 tiết, tỉ lệ LT-TH: 72-18)
- Lịch sử văn học Nga cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX (thế kỷ Bạc) (80 tiết: tỉ lệ LT-TH: 64-16)
3.Văn học hiện đại Nga:
- Văn học Nga thế kỷ XX (những năm 20) (48 tiết, tỉ lệ LT-TH: 36-12)
- Văn học Nga thế kỷ XX (những năm 30- những năm 60) (48 tiết, tỉ lệ LT-TH: 36-12)
- Văn học Nga thế kỷ XX (những năm 60 – 90) (54 tiết, tỉ lệ LT-TH: 36-18)
- Văn học Nga hải ngoại (16 tiết)
4. Lịch sử phê bình văn học (56 tiết)
5. Dẫn luận nghiên cứu văn học (dạy trong 2 học kỳ, 84 tiết, tỉ lệ LT-TH: 68 -16)
6. Lý luận văn học
- Tu từ học (54 tiết, tỉ lệ LT-TH: 36-18)
- Thi pháp (luật) học (48 tiết, tỉ lệ LT-TH: 32-16)
- Bố cục và cấu trúc văn bản (54 tiết, tỉ lệ LT-TH: 36-18)
- Giải thích học (hermeutics) (32 tiết, tỉ lệ LT-TH: 20-12)
- Phương pháp luận nghiên cứu văn học (36 tiết, tỉ lệ LT-TH: 18-18)
- Seminar bổ trợ cho môn lịch sử văn học Nga (68 tiết cho sinh viên hệ ngày và tối, 20 tiết cho tại chức, chuẩn bị các kỹ năng nghiên cứu văn học
- Văn bản học (16 tiết)
- Lý thuyết và thực hành nghiên cứu tiểu sử văn học (7 tiết)
7. Phương pháp giảng dạy văn học (32 tiết lý thuyết và 16 tiết thực hành)
8. Văn học nước ngoài: học tương tự như ở MGU.
IV. MỘT SỐ NHẬN XÉT CHUNG
1. Chương trình có phần khung ổn định (những môn học cơ sở mang tính truyền thống, kế tục từ thời Xô viết, không khác nhau giữa các trường ĐH), tuy nhiên sự linh động, những đổi mới thể hiện ở nội dung bên trong của các môn, ở những môn học tự chọn, các chuyên đề.
2. Thời lượng môn học khác nhau tùy mức độ quan trọng của từng môn học. Ngoài những giờ giảng của GS phụ trách chính môn học, các giờ thực hành-thảo luận được chính GS giảng và các GS khác trong bộ môn phụ trách. Giờ thực hành xen kẽ với giờ giảng và được đưa lên thời khóa biểu. Nội dung cho từng buổi thực hành, các câu hỏi, tài liệu tham khảo cho các buổi này đều được chuẩn bị sẵn, nhiều khi được ghi trong các đề cương môn học (các đề cương được bộ môn chuẩn bị, in thành sách và công bố trên mạng).
3. Trong đào tạo ngữ văn, không có sự tách biệt hẳn ngữ học với văn học, kể cả khi sinh viên đã chọn chuyên ngành. Sinh viên chỉ học riêng các spetskurs – chuyên đề spetsseminar – thảo luận chuyên đề (các môn này thường kiểm tra, không thi lấy điểm), và làm luận văn tốt nghiệp theo chuyên ngành mình chọn, còn vẫn học chung các môn văn học và ngôn ngữ với thời lượng tương đương nhau. Khi thi tốt nghiệp, nếu sinh viên chọn chuyên ngành về văn học Nga sẽ làm luận văn tốt nghiệp về văn học Nga và thi tốt nghiệp (thi quốc gia-gosekzamen) về ngôn ngữ (kiểm tra các kiến thức về tiếng Nga và lý luận ngôn ngữ); ngược lại nếu chọn chuyên ngành ngôn ngữ thì làm luận văn về ngôn ngữ và thi tốt nghiệp môn văn học (kiểm tra các kiến thức về văn học Nga và lý luận văn học).
4. Việc mở rộng nghiên cứu thể hiện đặc biệt rõ ở bậc đào tạo sau đại học, là bậc học chú trọng việc nghiên cứu độc lập của người học.
5. Các trường ĐHTH của Nga là những trường đào tạo khoa học cơ bản, tuy nhiên, việc đào tạo nghề cũng được quan tâm. Theo truyền thống, ngành Tiếng Nga và văn học ở ĐHTH thường đào tạo giáo viên Tiếng Nga và Văn học cho bậc trung học (giảng dạy 3 lớp cuối của bậc phổ thông là 9, 10, 11). Sinh viên trong các giờ học về phương pháp giảng dạy văn học được giới thiệu về chương trình văn học ở phổ thông, các thao tác tổ chức giảng dạy, phân tích tác phẩm văn học cho học sinh phổ thông. Việc thực tập sư phạm tại trường phổ thông cũng là một phần chương trình, tiến hành ở các năm học (những năm đầu đi thực tế, còn thực tập giảng dạy là vào năm học cuối).
Ngoài đào tạo giáo viên, những kỹ năng được rèn luỵên trong một số môn học (nhất là các chuyên đề), và các đề tài luận văn có thể giúp sinh viên thích ứng với một số công việc như xuất bản, báo chí,… (mặc dù báo chí ở Nga đã là ngành đào tạo chuyên biệt ở các Khoa Báo chí từ lâu đời). Ở Khoa Ngữ văn SPbGu còn có đào tạo về nghệ thuật học.
6. Khoa Ngữ văn của hai trường MGU và PsbGU là nơi tập trung những chuyên gia về văn học đông về số lượng, có uy tín về chuyên môn, và đặc biệt, những giáo sư cao tuổi vẫn tham gia giảng dạy, quản lý chuyên môn như những thành viên chính thức của Khoa (ví dụ Giáo sư Trưởng Khoa Ngữ văn Trường MGU sinh năm 1936, là nữ. Tỉ lệ giảng viên nữ ở ngành Ngữ văn cũng khá lớn, khoảng 50%).
***
Báo cáo của chúng tôi được thực hiện chủ yếu dựa trên các thông tin lấy từ các trang web chính thức của Trường ĐHTH Moskva và ĐHTH Saint-Petersburg, và một số kinh nghiệm thực tế của những người đã học bậc đại học và sau đại học ở hai trường này, cũng như ở Nga nói chung. Tuy còn chưa đầy đủ, và chắc còn có những điểm phải cập nhật, bổ khuyết (nhất là trong tình hình các trường đại học này đang thời kỳ của những chuyển đổi), nhưng hi vọng báo cáo có thể giúp hình dung khái quát về việc đào tạo ngữ văn ở những trường đại học nổi tiếng của một đất nước từng có ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam. Theo chúng tôi, so với các mô hình của Anh-Mỹ-Pháp hay một số nước châu Á, mô hình đào tạo của Nga gần gũi với Việt Nam hơn, và thực sự nó vẫn còn nhiều điều đáng để chúng ta tiếp tục học hỏi trong quá trình đổi mới đào tạo đại học hiện nay.
[1] Về hình thức thi cử, ở đại học Nga có hai dạng: kiểm tra (zachyot) không đánh giá điểm, chỉ đánh giá đạt hay không đạt (zachteno, nezachteno); thi (ekzamen) có đánh giá điểm, với 4 bậc điểm chính: xuất sắc (otlichno: 5 điểm), tốt (khorosho: 4 điểm), đạt (udovletvoritelno: 3 điểm), không đạt (neudovletvoritelno: 2 điểm). Sinh viên nếu đạt toàn điểm 5 được gọi là otlichnik (sinh viên xuất sắc), ở bậc đại học nếu điểm thi tốt nghiệp (gosekzamen) và điểm khóa luận đều đạt 5, trên 75% các môn thi của toàn khóa đạt điểm 5 và không có điểm 3 nào thì được nhận bằng tốt nghiệp loại ưu (có màu đỏ, trong khi bằng tốt nghiệp bình thường màu xanh dương)
Trần Thị Phương Phương: TS, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh