Tác phẩm lubok Chuột chôn mèo, khoảng thập niên 1760
Mối quan hệ giữa sáng tác văn học và đời sống vật chất (‘быт’) là vấn đề nổi bật từng được đặt ra trong văn học Nga thế kỷ XIX và văn học Xô viết thế kỷ XX, nhất là vào thời kỳ đầu sau Cách mạng tháng Mười, tức cũng là thời kỳ hoạt động chủ yếu của chủ nghĩa hình thức Nga như một trường phái lý luận phê bình văn học. Các nhà thơ tiền phong Nga, những người cùng thời và ít nhiều liên quan đến các nhà hình thức chủ nghĩa đều nói đến cuộc đụng độ giữa nhà thơ với “đời sống”: chẳng hạn Sergei Esenin trong Thư gửi một người phụ nữ (1922) nhắc đến “đời sống bị bão tố đảo tung” (развороченный бурей быт – chúng tôi in đậm). V.Mayakovsky khoảng năm 1928-30 viết “thuyền tình va vào đời vỡ nát” (любовная лодка разбилась о быт). Marina Tsvetaeva trong ghi chú cho trường ca Kẻ bẫy chuột (1925) thì có câu “Đời không giữ lời với Thơ. Thơ trả thù” (Быт не держит слово Поэзии, Поэзия мстит). M.Bulgakov trong truyện ngắn Đời quý như ngọc (tạm dịch từ nhan đề Самоцветный быт, 1923) và các tác phẩm văn xuôi viết những năm 1920-đầu 1930 cũng đầy những bức tranh trào phúng, nghịch dị về đời sống vật chất ở thành thị.
Khái niệm “быт” trong tiếng Nga chỉ phần đời sống vật chất và xã hội của con người: thức ăn, nhà ở, áo quần, tài sản, của cải, và các phương tiện thiết yếu cho sự tồn tại, rộng hơn là chỉ kinh tế, sản xuất (хозяйство), và thường được đặt trong mối quan hệ tương phản với những phương diện tinh thần mang tính “bậc cao” như văn học, nghệ thuật, triết học, khoa học, v.v…
Chủ nghĩa hình thức Nga là một trường phái lý luận phê bình văn học xuất hiện từ đầu thập niên 1910, với tuyên ngôn mở đầu là công trình của Shklovksy Sự phục sinh của từ (1914). Tổ chức của các nhà hình thức luận Nga – “Hiệp hội nghiên cứu ngôn ngữ thi ca” (OPOYAZ) tồn tại từ 1916 đến 1925, nhưng hoạt động của trường phái này thì kéo dài đến đầu những năm 1930. Các nhà lý luận văn học như Victor Shklovsky, Boris Eikhenbaum hay Yury Tynyanov là những gương mặt tiêu biểu nhất của trường phái hình thức Nga (bên cạnh các nhà ngữ học như Roman Yakobson, Lev Yakubinsky,…) Quan điểm cơ bản của họ là đề cao tính tự trị của văn học, cho rằng nghiên cứu văn học, như một khoa học, cần tập trung vào chính bản thân văn học, tức cấu trúc tác phẩm, ngôn ngữ tác phẩm. Vào những năm sau Cách mạng và Nội chiến, thời kỳ của chính sách kinh tế mới NEP (1921-1929), trong văn học Xô viết, chủ nghĩa hình thức nổi lên như một đối trọng với những tư tưởng của chủ nghĩa Marx, nhất là với quan niệm về “phản ánh” của chủ nghĩa duy vật biện chứng trong cách hiểu của các nhà phê bình “Proletkul” (Văn hoá vô sản) hay RAPP (Hiệp hội các nhà văn vô sản Nga) cho rằng đặc trưng văn học là sự phản ánh hệ tư tưởng của nhà văn, phản ánh những đặc điểm kinh tế xã hội (tức đời sống vật chất) khúc xạ qua lăng kính hệ tư tưởng đó. Các nhà hình thức luận muốn tìm đặc trưng văn học trong chính bản thân văn học, trong ngôn ngữ chứ không phải trong những cái nằm ngoài văn học, trong “đời sống vật chất”. Shklovsky đã viết trong một bài báo năm 1919, rằng “chúng tôi, những nhà vị lai, đã giải phóng nghệ thuật khỏi đời sống vật chất mà trong sáng tác vốn chỉ đóng vai trò làm đầy hình thức và thậm chí có thể tống khứ đi hoàn toàn…”[1] Cái đời sống vật chất đó chỉ là chất liệu để nghệ thuật, bằng các thủ pháp của mình, khai thác nó, vì thế sáng tạo chỉ là hoạt động tích cực mang tính một chiều.
Năm 1921, chính quyền Xô viết của V.I. Lenin tiến hành chính sách kinh tế mới (NEP) thay thế cho chính sách “cộng sản thời chiến”, nhằm mục đích vực dậy nền kinh tế bị suy sụp sau những năm nội chiến thông qua phát triển kinh tế tư nhân và phục hồi những quan hệ thị trường. Thời kỳ NEP với những chính sách như thay thế việc trưng thu lương thực bằng thuế lương thực, sử dụng thị trường và các hình thức sở hữu tư nhân, thu hút vốn nước ngoài thông qua các hợp đồng tô nhượng (foreign concessions), cải cách tiền tệ, v.v… đã có những tác động lớn đến đời sống trên mọi phương diện của nước Nga Xô viết (và Liên Xô nói chung), trong đó có đời sống văn hoá, văn học. Những năm 1920, những người được gọi một cách thông tục là NEPman (tức các doanh nghiệp nhỏ thời NEP) như các nhà buôn tư nhân, các chủ quán, các thợ thủ công,… – những người không quan tâm nhiều lắm đến tinh thần cách mạng, lý tưởng xây dựng xã hội mới – trở nên giàu có và đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá. Văn học nghệ thuật cổ điển không hấp dẫn họ, thay vào đó là văn hoá đại chúng mang tính giải trí. Giá trị nghệ thuật của những tác phẩm đại chúng là vấn đề gây tranh cãi. Chẳng hạn như bài hát nổi tiếng những năm 1920 Những chiếc bánh mì vòng (Бублички) về cô gái bán bánh mì vòng ngoài đường phố Odessa (nhưng những từ ngữ trong đó cũng có thể gợi liên tưởng đến sự bán thân), với ca từ của nhà thơ chuyên viết tiểu phẩm trào phúng bằng thơ Yakov Yadov (tên thật là Yakov Petrovich Davydov, bút danh Yadov bắt nguồn từ “яд” – thuốc độc) đã trở thành biểu tượng của thời kỳ NEP, nó bị phê phán, chế giễu là tầm thường, thô tục, phi nghệ thuật, phi chính trị… nhưng đồng thời sự phổ biến và sức sống lâu dài của nó lại được nhiều người cho là biểu hiện của sự độc đáo và tài năng. Những thể loại mang tính giải trí cũng chiếm lĩnh các nhà hát. Chẳng hạn Mikhail Bulgakov vào năm 1926 đã được Nhà hát Bakhtangov (lúc bấy giờ là sân khấu thứ ba của Nhà hát Nghệ thuật Moskva, và đang đầy tinh thần NEP) đặt hàng viết một vở hài kịch nhẹ nhàng về đề tài NEP, và ông cho ra đời vở Căn hộ của Zoyka, được dàn dựng trên sâu khấu của nhà hát Bakhtangov, cũng như các nhà hát ở Leningrad, Kiev, ở Litva… những năm sau đó cho đến khi bị cấm vào năm 1929.
Thời kỳ NEP chứng kiến sự phục hồi của ngành xuất bản như một lĩnh vực kinh doanh. Các sắc lệnh của chính quyền Xô viết “Về việc trả tiền các tác phẩm xuất bản” (О платности произведений печати, 28/11/1921), “Về xuất bản tư nhân” (О частном издательстве, 12/12/1921) tạo điều kiện cho sự tái phát triển các quan hệ hàng hoá - tiền tệ. Hệ thống xuất bản miễn phí thời nội chiến với tên gọi “Xuất bản trung ương” (Центропечать) bị xoá bỏ. Thay vào đó, bộ phận thương mại (Торгсектор) được thành lập, nằm trong thành phần của xuất bản nhà nước.
Kinh doanh báo chí, đặc biệt ở các thành phố lớn, thực sự có một cuộc bùng nổ trong những năm 1920. Như ở Moskva, “các tạp chí được sinh ra gần như mỗi ngày – một số mất đi, số khác ngược lại thì tăng ấn bản”[2]. Báo chí thời kỳ này, ngoài những thông tin về đời sống công nhân, thường xuyên đăng tải các tác phẩm trào phúng, những truyện ngắn mang tính giải trí, thơ ca giễu nhại và tranh châm biếm. Đó có thể gọi là “thời kỳ phóng lãng” (разгульное время) ngắn ngủi chỉ kéo dài một thập kỷ, nhưng có ảnh hưởng đáng kể đến văn hoá, văn học Nga những thời kỳ sau.
Trong một hoàn cảnh kinh tế xã hội và văn hoá kiểu “thị trường xã hội chủ nghĩa” như thế (tương tự như ở Việt Nam chúng ta từ 1986), các nhà hình thức luận Nga không thể không quan tâm đến tác động của các yếu tố vật chất “ngoại văn học”, nhất là khi họ có những mối quan hệ gần gũi với chủ nghĩa vị lai và hậu thân của nó là Mặt trận cánh tả LEF, (như chính Shklovsky trong trích dẫn ở trước đã tự gọi mình và những người trong OPOYAZ là “các nhà vị lai”). Mà các nhà vị lai, bên cạnh những cách tân hình thức đầy táo bạo, còn nổi tiếng là những kẻ giỏi kiếm ra tiền với các chiến lược tìm kiếm phương thức tiếp cận công chúng, thu hút các nhà tài trợ, quảng bá, phát hành một cách nhanh chóng nhất và thu lợi nhuận từ hoạt động nghệ thuật. Vào năm 1925, Eikhenbaum có kế hoạch xuất bản một cuốn sách nhan đề Lao động văn học, và trong nhật ký của mình, ông viết “Cần phải nghiên cứu về đời sống văn học – những đề tài thuần tuý và cao cả thì lưu lại để dành cho bản thân, trong công trình này cũng cần phải chỉ ra rằng không có [quan hệ] nhân quả đơn thuần, phải làm sáng tỏ sự chế định lẫn nhau.”[3] Có thể thấy, như chính bản thân Eikheinbaum đã viết, các nhà hình thức luận Nga vào giữa những năm 1920 bước vào một giai đoạn mới, đặt những vấn đề thuần tuý thi pháp sang một bên (“để dành cho bản thân”) để quan tâm đến tác động qua lại giữa văn học với đời sống vật chất nằm ngoài nó (dù vẫn nhấn mạnh thái độ phủ nhận quan điểm cho rằng điều kiện xã hội có tính quyết định trực tiếp đối với văn học của các nhà phê bình Marxist đương thời).
Trong bài báo với nhan đề “Đời sống văn học” (“Литературный быт”) xuất hiện vào mùa xuân năm 1927, trên tạp chí Na literaturnom postu (На литературном посту, tạm dịch là “Nắm chức vụ văn học”, tờ tạp chí của RAPP vốn có tư tưởng đối lập với trường phái hình thức – điều phần nào phản ánh không khí học thuật khá cởi mở ở thời kỳ này), mặc dù vẫn giữ quan điểm về đặc trưng văn học nằm chính trong bản thân văn học, và để xác định đặc trưng đó phải tách biệt nghiên cứu văn học khỏi triết học, sử học, xã hội học, chính trị học… (“Văn học không sinh ra do những sự kiện nằm bên ngoài nó và vì thế cũng không thể quy về [những sự kiện] đó”[4]), nghĩa là bản chất sáng tạo văn học không ở mối quan hệ nhân quả với hiện thực nằm ngoài văn học, Eikhenbaum tuy thế lại cho rằng trong đời sống vật chất nằm ngoài văn học vẫn có những sự vật có thể tương tác với văn học và được nhận thức cùng với văn học. Eikhenbaum đưa ra thuật ngữ “đời sống văn học”, trong khi đó Tynyanov thì có khái niệm “thực tại văn học” (литературный факт) (cũng là nhan đề bài báo của nhà phê bình này). Theo Eikhenbaum, nghiên cứu lịch sử văn học không chỉ cần chú ý đến vấn đề văn học là gì, tác phẩm văn học được viết ra như thế nào (về vấn đề này các nhà hình thức luận đã có cả loạt bài, như “Nghệ thuật như là thủ pháp” của Shklovsky, “Chiếc áo khoác của Gogol được viết như thế nào?” của Eikhenbaum, v.v…), mà còn cần chú ý đến vấn đề làm thế nào để thành nhà văn, nhà văn sống như thế nào, những điều kiện kinh tế xã hội tác động đến cuộc sống và công việc sáng tác của nhà văn ra sao, quan hệ của nhà văn với độc giả ra sao. Đó chính là những vấn đề của một xu hướng nghiên cứu văn học được mang tên “xã hội học văn học” – và trên phương diện này, nhà hình thức luận Eikhenbaum đồng thời cũng có thể được xem là nhà xã hội học văn học tiên phong.
Eikhenbaum cho rằng cuộc cách mạng vô sản ở Nga dẫn đến sự sắp xếp lại các nhóm xã hội và hình thành một cơ cấu kinh tế mới, nhà văn mất đi hàng loạt những chỗ dựa từng có trong quá khứ (một lớp độc giả ổn định có trình độ cao, các tờ tạp chí và các tổ chức xuất bản,…) đồng thời cũng buộc nhà văn phải trở nên chuyên nghiệp hơn trước kia. Hình thành quan hệ hàng hoá trong “sản xuất văn học” (thuật ngữ của các nhà hình thức luận, gần gũi với quan niệm của các nhà vị lai chủ trương “nghệ thuật sản xuất”). Eikhenbaum cho rằng giờ đây vị thế của nhà văn càng trở nên gần với vị thế của người thợ làm việc theo đơn đặt hàng hay làm thuê, hơn nữa, “đơn đặt hàng” đó lại không có những chuẩn mực rõ ràng, xác định, hoặc mâu thuẫn với những quan niệm của nhà văn về nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Xuất hiện một kiểu nhà văn nghiệp dư không bận tâm nhiều về những vấn đề này, sẵn sàng đáp ứng “đơn đặt hàng” văn học bằng những tác phẩm kém chất lượng. Vì thế, vấn đề chuyên nghiệp hoá sáng tác văn học trở nên rất cần thiết, bởi vừa do nhu cầu xã hội, vừa do yêu cầu để nâng cao chất lượng của bản thân sáng tác văn học.
Ảnh: Tác phẩm lubok A.S. Pushkin, 1899, NXB Ivan Sytin, Moskva
Eikhenbaum phân biệt hai hình thức tổ chức xã hội của văn học: thứ nhất là các hội nhóm, các salon văn chương và thứ hai là báo chí, xuất bản. Nếu ở hình thức hội nhóm hay salon văn chương, nhà văn trùng với người đọc, bởi họ sáng tác cho chính mình và những bạn bè, người thân thuộc cùng giới với mình, số lượng người đọc không nhiều và việc sáng tác không vì mục đích thương mại, thì ở hình thức thứ hai, nhà văn và độc giả (với số lượng đông đảo, không chỉ ở giới trí thức thượng lưu, mà còn các tầng lớp bình dân) tách biệt nhau, mối liên kết của họ là thông qua giới kinh doanh báo chí và xuất bản (mà Eikhenbaum gọi thành tên là “các nhà biên tập và các nhân viên kế toán”). Đồng tiền là trung gian – nhà văn được trả nhuận bút cho sản phẩm của mình, còn độc giả là người mua sản phẩm đó. Hình thức thứ hai đã khiến văn học trở thành một “ngành kỹ nghệ”, và sáng tác của nhà văn bị điều đó tác động. Theo Eikhenbaum, “tính chất văn học” (литературность) đóng vai trò chủ yếu của đặc trưng văn học, nhưng chỉ có thể nghiên cứu hiệu quả trên bình diện phát triển riêng biệt. Chẳng hạn thể thơ iamb bốn chân của Pushkin không thể có liên quan gì với bối cảnh kinh tế xã hội thời Nikolai đệ Nhất. Tuy nhiên, việc Pushkin chuyển sang viết văn xuôi để đăng trên tạp chí (một bước phát triển trong sáng tác của nhà thơ) thì lại bị tác động bởi quá trình chuyên nghiệp hoá lao động văn chương diễn ra ở Nga vào đầu những năm 1830 và việc báo chí trở nên có vai trò quan trọng như một “thực tại văn học” (thuật ngữ “литературный факт” của Tynyanov). Mặc dù giữ quan điểm cho rằng điều kiện kinh tế xã hội không phải là “nguyên nhân” của văn học (ở đây là thể loại văn xuôi nơi Pushkin), nhưng Eikhenbaum đồng thời cũng không thể lờ đi tác động của nó. Những điều kiện mới của đời sống vật chất như: giới độc giả mở rộng ra ngoài phạm vi của tầng lớp quý tộc, xuất hiện bên cạnh các nhà buôn sách là các nhà xuất bản chuyên nghiệp, các hợp tuyển mang tính nghiệp dư biến thành các ấn phẩm định kỳ mang tính thương mại, v.v… đã làm thay đổi công việc của nhà văn, biến nó thành “nghề nghiệp”, thay vì là một “thiên chức”. Việc tờ Ngôi sao phương Bắc và trường ca Đài phun nước Bakhchisarai của Pushkin thành công bất ngờ về thương mại (nếu như với Người tù Kavkaz, Pushkin được nhận 500 rúp thì Đài phun nước… đem lại cho nhà thơ 3000 rúp[5]), việc nhà văn được trả nhuận bút cao (như tờ Người đưa tin Moskva của Pogodin tuyên bố trả 150 rúp cho một trang viết, điều khiến Bulgarin cho là “việc làm viển vông”) đã tạo nên “xu hướng thương mại trong nền văn học mới”[6] – những điều đó tuy gây ra những tranh cãi gay gắt, nhưng cũng là tất yếu và tác động đáng kể đến sự phát triển văn học nói chung và sáng tác của các nhà văn nói riêng. Chính Pushkin cũng đã nhận định về điều này vào năm 1836: “Văn học của chúng ta trở thành một lĩnh vực kỹ nghệ đáng kể trong khoảng gần 20 năm nay. Trước đó nó chỉ được xem như là một công việc phong nhã, quý tộc…”[7] Các tờ tạp chí từ giữa thế kỷ XIX trở thành một hình thức tổ chức chuyên nghiệp của các nhà văn, ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học. Chúng trở thành trung tâm của đời sống văn học, còn chính bản thân các nhà văn, nhà thơ cũng trở thành những chủ báo, những nhà biên tập. Một trong những người chống lại xu hướng này là Lev Tolstoy. Điền trang yên ả Yasnaya Polyana nơi Tolstoy khép mình trong đó, theo Eikhenbaum, là sự đối lập lại với toà soạn của Người đương thời (tờ tạp chí văn học có lượng ấn bản lớn nhất thế kỷ XIX và vào những năm 1860-70 đang hết sức sôi động), là một tương phản về đời sống văn học, là thách thức của nhà văn điền chủ với nhà văn chuyên nghiệp. Việc sáng tác văn học được chuyên nghiệp hoá đã giải phóng nhà văn khỏi tính giai cấp, nhưng đồng thời lại đặt ông ta vào một vị thế phụ thuộc khác: vào độc giả - người tiêu dùng, vào “người đặt hàng”.[8]
Shklovsky, người muốn tách nghiên cứu văn học khỏi những vấn đề nằm ngoài văn học, ban đầu không hoàn toàn đồng tình với hướng đi của Eikhenbaum (tức rời khỏi những đề tài “thuần tuý”, “cao cả” mang tính lý thuyết), nhưng rồi chính ông cũng không thể không bàn tới nó. Trong công trình Kỹ thuật nghề văn (Техника писательского ремесла) xuất bản năm 1927, khi nói về nhà văn chuyên nghiệp, Shklovsky cho rằng ông địa chủ Lev Tolstoy chỉ thành nhà văn chuyên nghiệp khi sang tuổi 40, lúc khởi đầu Chiến tranh và hoà bình. Ông trích đoạn thư của Tolstoy gửi Fet kể chuyện văn hào bị ngã ngựa và gãy tay, sau khi tỉnh khỏi thuốc mê mới tự bảo “mình là nhà văn” (Tolstoy dùng từ “литератор” tức người sống bằng lao động văn học) rồi khuyên Fet hãy biến văn học thành công việc kiếm sống chủ yếu và gác lại công việc nhà nông (mà Fet cũng như Tolstoy không thật thành công). Trong khi đó, theo Shklovsky, Pushkin là tấm gương của một nhà văn chuyên nghiệp hơn cả, sống hoàn toàn bằng lao động văn học, rồi sau đó từ văn học bước sang lĩnh vực lịch sử. Những ví dụ của văn học nước ngoài cũng được Shklovsky đưa ra, như tiểu thuyết Cuộc phiêu lưu của ông Pickwick được Dickens viết theo đơn đặt hàng và dung lượng các chương của nó được quy định bởi việc in từng phần lên các số báo. Tương tự với các loại hình nghệ thuật khác như sân khấu (kỹ thuật kịch Shakespeare chỉ có thể hiểu được khi biết kết cấu sân khấu nhà hát Anh thế kỷ XVI), như điện ảnh (để có thể tạo tác phẩm mang tính nghệ thuật thì phải biết rút ngắn lại). Tác động của thời đại, trong đó có áp lực của kinh tế, là một “thực tại mang tính tiến bộ” (прогрессивный факт) mà thiếu nó không thể tạo ra những hình thức nghệ thuật mới – đó là điều mà nhà hình thức luận Shklovsky đã thừa nhận trong cuốn sách của mình.[9]
Ở đây, Shklovsky đã chia sẻ quan điểm của Tynyanov khi nói đến khái niệm “thực tại” (факт) và tác động của nó đối với sự tiến hoá của văn học. Trong các bài báo “Thực tại văn học” (1924) và “Về tiến hoá văn học” (1927), khác với Eikhenbaum và Shklovsky là không bàn trực tiếp vào vấn đề kinh tế, thương mại, mà chủ yếu là vào hình thức văn bản (nhưng cũng là do điều kiện xuất bản mà ra), Tynyanov nói đến sự tiến hoá của các thể loại văn học dưới tác động không tránh khỏi của đời sống vật chất (mà ông gọi là “thực tại văn học”). Chẳng hạn như các bài thơ trữ tình khuôn khổ nhỏ được tập hợp như một sự ngẫu nhiên để in thành hợp tuyển, rồi đến một lúc cái ngẫu nhiên đó trở thành cố định, hợp tuyển được nhận thức như một cấu trúc – hình thành thể loại thơ trữ tình khuôn khổ lớn như trường ca. Điều tương tự cũng diễn ra với tiểu thuyết, nó có thể hình thành từ những “mảnh, đoạn” tự sự nhỏ. Có những hiện tượng trong quá khứ là các trò giải trí (như trò đố chữ, chơi chữ), hay các văn bản sinh hoạt (như thư tín), hay loại văn học đường phố (бульварный роман/ бульварная литература – hình thức văn học đại chúng, rẻ tiền, không có nhiều giá trị nghệ thuật) nằm ở ngoại biên, không được xem là nghệ thuật, thì vào thời sau (như “thời Karamzin”, hay “ngày nay” tức những năm 1920) lại bước vào trung tâm của nghệ thuật. Đời sống vật chất của nghệ thuật (художественный быт) “chứa đầy những phôi mầm của các hoạt động trí tuệ khác nhau”, và “về vai trò chức năng nghệ thuật bên trong, nó là một cái gì đó tách khỏi bản thân nghệ thuật, nhưng về hình thức của các hiện tượng lại tiếp giáp với nhau”.[10] Có thể thấy Tynyanov từ rất sớm, vào giữa những năm 1920, đã đề cập những khái niệm “trò chơi”, “phân mảnh”, “ngoại biên”, “trung tâm”, và cả vấn đề “giải trung tâm” – điều mà ngày nay, trong “điều kiện hậu hiện đại”, trở thành một thứ mốt thời thượng.
Năm 1929, Shklovsky và Eikhenbaum làm công việc san định cho công trình Văn học và thương mại của ba tác giả gần gũi với trường phái hình thức là Teodor Grits, Vladimir Trenin và Mikhail Nikitin, trong đó nghiên cứu về thời đại nửa đầu thế kỷ XIX khi những quan hệ thương mại đã hoàn toàn được thiết lập trong “sản xuất văn học”. Một trong những vấn đề được khảo sát trong cuốn sách này, và cũng là vấn đề từng được các nhà hình thức ít hay nhiều đề cập là hiện tượng “văn học đại chúng” (tạm dịch khái niệm лубочная литература), tức những ấn phẩm văn học rẻ tiền, kém chất lượng cả về hình thức lẫn nội dung (thậm chí vào cuối thế kỷ XIX còn mang cả yếu tố khiêu dâm), chủ yếu do các nhà xuất bản “đại chúng” ở Moskva ấn hành hướng tới các độc giả bình dân ít học ở thành thị và nông thôn. Loại văn học này cũng gắn với loại ấn phẩm có tên gọi “xuất bản đường phố” (“уличная печать” - một dạng báo lá cải xen lẫn quảng cáo). Các nhà văn đại chúng được nhà xuất bản trả nhuận bút rẻ, nhưng họ viết đặc biệt nhiều, không quan tâm gì lắm đến vấn đề tác quyền (vì chủ yếu là cải biên, phóng tác các tác phẩm nổi tiếng đã có trước đó).
Hiện tượng văn học đại chúng được các nhà hình thức Nga quan tâm như một phần không tách rời khỏi tiến trình phát triển văn học. Họ quan tâm đến các nhà văn, nhà xuất bản và kiểu độc giả của loại hình văn học này, cho rằng trong một số trường hợp, nó thậm chí trở thành nguồn cho văn học “bậc cao” vay mượn. Chẳng hạn Eikhenbaum trong bài viết về N.S.Leskov với nhan đề “Чрезмерный” писатель” (tạm dịch là Nhà văn “quá quắt”, xuất bản lần đầu trong bộ Hợp tuyển tác phẩm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Leskov năm 1931) đã gọi nhà văn này là “nghệ sĩ tạp hý” (эстрадник), người hào hứng với các thể loại thô sơ, đơn giản gần như “văn đại chúng” hơn là các thể loại “bậc cao”, và cho rằng Lev Tolstoy trong Anna Karenina cũng hướng tới “văn học đại chúng” bởi vẻ đẹp ngôn ngữ dân tộc của nó, đối lập với thứ ngôn ngữ “văn học truyền thống” (tức ngôn ngữ sách vở) mà văn hào nói một cách miệt thị là “không phải tiếng Nga mà là tiếng Tây Ban Nha”.
Trong Lời nói đầu của cuốn sách Văn học và thương mại nói trên, các tác giả viết:
Khi khảo sát sản phẩm văn học như thứ hàng hoá để đưa ra thị trường, dĩ nhiên đặt ra trước chúng ta vấn đề về giá trị tiêu dùng đặc trưng của loại hàng hoá đó, về các thể loại thu hút thị trường hơn cả. Bởi vậy chúng tôi tập trung chú ý đến những thể loại không chuẩn mực (văn học đại chúng) và những thực tế văn học riêng biệt (cấu trúc các tạp chí và hợp tuyển), điều mà từ trước đến nay chưa được các nhà nghiên cứu phân tích ngoại trừ Victor Borisovich Shklovsky (xem: bài báo của ông “Tạp chí như hình thức văn học”)[12]
Các tác giả cũng cho rằng các bài báo của Eikhenbaum (“Đời sống văn học”, “Văn học và nhà văn”), của Tynyanov (“Về tiến hoá văn học”) được xem là các bài báo cơ bản liên quan đến vấn đề này.[13]
Đầu thập niên 1930, trường phái hình thức Nga thôi tồn tại ở Nga. Nếu những tư tưởng thuần tuý lý luận của các nhà hình thức, dù bị phê phán gay gắt (và không phải hoàn toàn không có cơ sở), cũng đã đặt nền tảng cho nghiên cứu văn học hiện đại và có những ảnh hưởng không nhỏ, không chỉ ở phương Tây mà cả ở chính đất nước Xô viết nơi phê phán nó, thì những quan điểm về vấn đề quan hệ văn học với kinh tế thị trường, dù nền kinh tế đó ở Liên Xô từ những năm 1930 đã được thay thế bằng kinh tế kế hoạch của nhà nước, cũng vẫn có ý nghĩa (chẳng hạn như vấn đề văn học, văn hoá đại chúng gắn với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa), và càng có ý nghĩa hơn khi vào thời cải tổ (perestroika) và sau đó là thời Hậu Xô viết, kinh tế thị trường lại được phục hồi ở Nga.
Riêng với Việt Nam, bối cảnh kinh tế xã hội và văn hoá thời kỳ của chủ nghĩa hình thức Nga, dù cách chúng ta đã gần một thế kỷ, lại có rất nhiều tương đồng. Bởi vậy, những quan niệm của trường phái này nhìn từ góc độ văn học thị trường có thể giúp chúng ta thêm một số kinh nghiệm khi đối diện với tình hình văn học hiện nay.
Trần Thị Phương Phương
Nguồn: Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học- Nghệ thuật, tháng 11/2018, trang 113-121
CHÚ THÍCH:
[1] V.Shklovsky, “Về nghệ thuật và cách mạng”, trong: Bảng tính Hamburg: Các bài báo. Hồi ức. Tiểu luận (1914 – 1933) (Гамбургский счет: Статьи – воспоминания – эссе (1914–1933)). Truy cập tại: http://iknigi.net/avtor-viktor-shklovskiy/11370-gamburgskiy-schet-stati-vospominaniya-esse-19141933-viktor-shklovskiy/read/page-7.html
[2] A.Morozov, “Tạp chí định kỳ ở Moskva những năm 1920”(Московская журнальная периодика 1920-х годов), Tạp chí Moskva, 1.07.2003. Truy cập tại: http://mj.rusk.ru/show.php?idar=800876
[3] Dẫn theo: B. Eikhenbaum, “Đời sống văn học” (Литературный быт), phần chú giải của M.O.Chudakova, Trong: Eikhenbaum B.M., Về văn học (О литературе), Moskva: Nhà văn Soviet, 1987 tr.521. Truy cập tại: http://philologos.narod.ru/eichenbaum/eichen_litbyt.htm
[4] B. Eikhenbaum, “Đời sống văn học” (Литературный быт), Tài liệu đã dẫn, tr. 428-436.
[5] Theo: Pavel Milyukov, Bách khoa thư vê văn hoá chính thống giáo Nga (Энциклопедия русской православной культуры), mục Pushkin, bản e-book, 2009.
[6] S. Shevyryov, “Văn học và thương mại” (Словесность и торговля), Tạp chí Người quan sát Moskva, số 1/1935. Truy cập tại: http://az.lib.ru/s/shewyrew_s_p/text_0031.shtml
[7] Dẫn theo: Pavel Milyukov, Tài liệu đã dẫn.
[8] Các ý kiến của Eikhenbaum lấy từ tài liệu trên.
[9] Các ý kiến của Shklovsky lấy từ: V.Shklovsky, “Về việc Lev Tolstoy không tách khỏi đại chúng như thế nào” (О том, как Лев Толстой не отрывался от масс), trong: V.Shklovsky, Kỹ thuật nghề văn (Техника писательского ремесла), 1927. Truy cập tại: http://www.e-reading.club/chapter.php/1033219/3/Shklovskiy_-_Tehnika_pisatelskogo_remesla.html
[10] Các ý kiến của Tynyanov lấy từ: Yu.Tynyanov, “Thực tại văn học” (Литературный факт), trong: Yu.Tynyanov, Thi học. Lịch sử văn học. Điện ảnh (Поэтика. История литературы. Кино), Moskva, 1977, tr. 255-270. Truy cập tại: http://www.philology.ru/literature1/tynyanov-77e.htm
[11] B. Eikhenbaum, “Nhà văn “quá quắt”” (“Чрезмерный” писатель), trong: B.Eikhenbaum, Về văn xuôi, Leningrad, 1969, tr. 327-345 (In lần đầu với nhan đề “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh N. Leskov” (К 100-летию рождения Н. Лескова), trong N.Leskov, Hợp tuyển tác phẩm gồm 4 tập, Moskva-Leningrad, 1931).
[12] T. Grits, V.Trenin, M.Nikitin (V.Shklovsky và B.Eikhenbaum san định), Văn học và thương mại: Cửa hàng sách của A.F.Smirdin (Словесность и коммерция: Книжная лавка А.Ф. Смирдина), Moskva: NXB Federatsia, 1929 (Bản hiện đại: NXB “Argaf”, 2001), tr. 9.
[13] T. Grits, V.Trenin, M.Nikitin, Tài liệu đã dẫn, tr. 7-10.