Andrei Voznesensky và “thơ ca tạp hý”

Ngày 11 tháng 9 năm 1956, một ngày hội tôn vinh thơ ca được tổ chức tưng bừng ở thủ đô Moskva, điều chưa từng có trước đó trong thơ ca Nga, kể cả trong những thời kỳ hưng thịnh của nó (các thời đại vàng đầu thế kỷ XIX, hay bạc đầu thế kỷ XX). “Ngày thơ” trở thành lễ hội định kỳ diễn ra hàng năm ở Liên Xô, và nay là ở nhiều nơi trên thế giới, là dịp để các nhà thơ tiếp xúc với đông đảo công chúng độc giả. Từ những hoạt động thơ ca mang tính đại chúng này, một khuynh hướng thơ ca xuất hiện với tên gọi “thơ ca tạp hý” (poezia estrada).

Thuật ngữ “thơ ca tạp hý” (còn có tên gọi khác là “thơ đại thanh” – gromkaya poezia) được dùng để chỉ một hiện tượng diễn ra trong văn chương từ những năm 50 – 60: các nhà thơ đọc thơ của họ trong bảo tàng, cung thể thao, trên quảng trường… cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn khán thính giả. Hoạt động này đã khiến cho các nhà thơ biến thành những “ngôi sao”, những thần tượng của đại chúng. Giọng nói, dung mạo, cử chỉ, phong cách ứng xử… mọi thứ biến thành một thứ huyền thoại bao quanh hình ảnh nhà thơ, trở thành một phần gắn liền với thông điệp nghệ thuật mà nhà thơ muốn chuyển tải tới công chúng.

Hình thức “trình diễn” thơ như thế thực ra đã có từ trước (chẳng hạn thời Pushkin có việc ứng khẩu thơ – như được mô tả trong tác phẩm “Đêm Ai Cập” của nhà thơ, hay các nhà thơ “thời đại bạc”, đặc biệt Mayakovsky và các nhà thơ vị lai, cũng thường xuyên “trình diễn” thơ, và là tấm gương cho các “nhà thơ tạp hý”- estradniki). Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị - xã hội mới, với điều kiện phát triển của khoa học kỹ thuật (phát thanh, phim ảnh, và về sau là truyền hình) nó đưa thơ ca lên một tầm ý nghĩa mới cả về nội dung cảm hứng, lẫn về hình thức thể hiện. Tiếng nói của nhà thơ là những “tiếng nổ” làm “tan băng”:

Thời đại đã vỡ kêu gào

Bằng tiếng tôi nay vỡ giọng

Tôi là thời đại, thời đại là tôi

Có quan trọng gì: ai ban đầu câm lặng

          (E.Evtushenko, “Tạp hý”)

Cảm hứng chính luận, cảm hứng công dân bao trùm sáng tác của các nhà thơ. Tác phẩm thơ ca trở thành “bài ca của tác giả” (avtorskaya pesnia): hướng tới sự giao tiếp cao độ, tăng cường tính hình tượng, tính chính luận, tính thuyết giáo, tính hùng biện. “Thơ ca tạp hý” là thứ thơ ồn ào khuấy động cảm xúc người đọc – cũng là người nghe (từ đó có tên gọi gây nhiều tranh luận “thơ đại thanh”) bởi mang đậm chất thời sự, và nhiều cách tân táo bạo.

Cùng với “thơ ca tạp hý” xuất hiện một thế hệ nhà thơ mới sinh ra vào thập niên 30, trưởng thành sau chiến tranh, tên tuổi  và tài năng được khẳng định ở nửa sau thế kỷ XX, và nổi bật nhất trong số họ là Andrei Andreevich Voznesensky.

Voznesensky sinh năm 1933 tại Moskva, bắt đầu sáng tác từ thuở thiếu thời (Năm 14 tuổi Voznesensky đem thơ mình gửi cho Boris Pasternak, và tình bạn với Pasternak đã ảnh hưởng rất nhiều đến số phận của nhà thơ).

Những năm 50, Voznesensky không đơn giản chỉ bước vào, mà là bùng nổ trong thơ ca “như một chùm pháo hoa, toé ra những ẩn dụ đa sắc”[1]. Tập thơ đầu tay “Tranh bích hoạ” gây nhiều phản ứng tiêu cực, nhưng đến tập thứ hai “Đồ thị parabol” thì Voznesensky trở nên thực sự nổi tiếng. Các đêm thơ huyền thoại được tổ chức trên sân vận động Luzhniki, trong khán phòng lớn của Bảo tàng Bách khoa, đầy ắp người nghe, và Voznesensky trở thành một trong những “ngôi sao” hàng đầu. Các tập thơ của Voznesensky được bán hết sạch ngay khi chúng vừa xuất hiện trong các quầy sách. Mỗi bài thơ mới của Voznesensky đều trở thành sự kiện.

Voznesensky là nhà thơ đầu tiên phá vỡ bức tường ngăn cách thơ Xô viết với phương Tây : đầu những năm 60, Voznesensky thực hiện những chuyến đi sang châu Âu và Hoa Kỳ. Các đêm thơ của ông được tổ chức ở Paris, ở San Francisco... Kết quả của những chuyến đi này là tập thơ “Bốn mươi đoạn trữ tình ngoại đề từ trường ca Quả lê hình tam giác” (1962). Tập thơ “Những phản thế giới” (1964) gây nên nhiều tranh luận trong giới phê bình, nhưng đồng thời được dựng thành những hoạt cảnh và các ca khúc ở Nhà hát Taganka – nhà hát chính kịch và hài kịch ở Moskva. Là nhà thơ nổi lên trong thời kỳ chống Stalin, nhưng Voznesensky cũng lên tiếng phản đối cả những chính sách của N.S.Khrushchev khiến vị nguyên thủ Liên Xô này từng nổi giận doạ tước quyền công dân của nhà thơ. Tổng thống Hoa Kỳ J.F.Kennedy và gia đình thì coi Voznesensky như một người bạn. Thái độ của các chính khách lớn của hai cường quốc đối đầu trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” càng làm Voznesensky trở nên nổi tiếng.

Phong cách thơ Voznesensky được định hình rất sớm: từng tốt nghiệp đại học kiến trúc, Voznesensky mang tư duy của một nhà kiến thiết. Nhà thơ luôn thể hiện mong muốn đo đạc tầm vóc con người hiện đại bằng những phạm trù, những hình tượng của nền văn minh thế giới.

Số phận như tên lửa

Bay theo hình parabol

 

Thường bay trong bóng đêm

Hiếm hoi hơn thì trong cầu vồng

Sống cuộc đời rực lửa,

...

                   (“Bài ca hình parabol”)

Tính ẩn dụ trở thành nét độc đáo của thơ Voznesensky. Trong bài thơ “Goya”, hình tượng người nghệ sĩ là biểu tượng của tinh thần nhân đạo cao cả, còn giọng nói của Goya là cơn giận dữ đối với chiến tranh và bất cứ sự tàn bạo nào:

Tôi là Goya

Con quạ đen bay trên cánh đồng hoang

Khoét lỗ mắt tôi trống hoác

Tôi là nỗi đau

Tôi là giọng nói

của chiến tranh, của những thành đô âm ỉ cháy

năm bốn mốt, trên tuyết trắng phau

Tôi là cơn đói.

 

Tôi là cổ họng

Của người đàn bà bị treo trên quảng trường

Thân thể loã lồ đong đưa như quả chuông.

 

Tôi là Goya !

Ôi những chùm nho

Của sự báo thù ! Như loạt đạn vút lao về phía Tây

Tôi là tro bụi của vị khách không mời

Đóng những ngôi sao chắc chắn lên bầu trời tưởng niệm

Như đóng những chiếc đinh.

Tôi là Goya !

                   (1959)

Trong bài thơ có thể thấy ảnh hưởng thơ vị lai của Khlebnikov qua những hình tượng liên quan đến Kinh Thánh, qua tương quan giữa những hình tượng bầu trời, vì sao với hình tượng nhà thơ, nhưng đồng thời cũng thấy cả dấu ấn của thơ siêu thực (một hiện tượng mới mẻ đối với thơ Xô viết), thể hiện ở sự dao động giữa ý thức và vô thức trong các hình tượng.

Tìm hiểu thơ Voznesensky cũng có nghĩa là mở rộng tầm thính thị. Chẳng hạn có thể gặp nơi Voznesensky “rock n roll” khi ở Nga loại nhạc này còn bị cấm, còn ngay ở Mỹ, công chúng cũng còn đang tiếp nhận hết sức dè dặt :

Rock

n

roll !

dép đập lên tường

Rượu rum

trong miệng -

mặt như đèn néon

Âm nhạc

              kêu gào gây gổ

Kèn đồng

    nhảy múa như trăn!

Chúng ta –

      sản phẩm của hạt nhân phân rã

Là sự báo thù

cho cha ông bị đuổi xua

                                

Trong tiếng rú gào những chiếc môtô và những con bò

Lễ tế Tửu thần kinh hoàng như giỗ người đã chết

Rock, rock

                 vũ điệu kia oan nghiệt

Tuổi trẻ chúng ta trôi như cơn mộng du

Rock! Rock!

SOS! SOS!

          (“Ngoại đề theo nhịp rock n roll”)

Thơ Voznesensky và nhạc rock đã được kết hợp lại trong vở rock-opera “Yunona và Avos” (nhạc của A.Rybnikov) nổi tiếng những năm 1970.

Tuy nhiên, giữa những âm thanh từ những bục sân khấu tạp hý, cũng như tiếng ồn của các phương tiện giao thông đô thị hiện đại: máy bay, ô tô, môtô…, nhà thơ vẫn luôn đi tìm sự tĩnh lặng và hài hoà nội tâm:

Ngang qua khu điều dưỡng

Những chiếc môtô rú gầm

Sau tay lái cặp tình nhân

Như những thiên thần khu Ruvlyov[2]

          (“Xa lộ Ruvlyov”, 1962)

Hướng về thiên nhiên để tìm sự hài hoà – điều này trong thơ ca đã có từ lâu, dù thế Voznesensky vẫn cho thấy cái mới: đề tài thiên nhiên còn gắn với những vấn đề của thời đương đại (ví dụ vấn đề môi trường).

Và đề tài vĩnh cửu của thơ ca – tình yêu – cũng là một mảng quan trọng trong sáng tác của Voznesensky. Thơ tình Voznesensky rộng hơn và sâu hơn chức năng thông thường của nó. Mối quan tâm của nhà thơ đối với “phép mầu nhiệm tình yêu” đầy phức tạp và cũng rất tuyệt vời luôn gắn với cảm xúc kinh ngạc trước sự độc đáo bất ngờ, trước những sức mạnh sáng tạo mãnh liệt của con người cá nhân. Hình tượng người nữ thường hoà nhập với thiên nhiên, là hiện thân vẻ đẹp thơ ngây, tinh khiết của thiên nhiên. Đó là “cành cây dương đẫm nước”, là “mạch nước nhỏ từ núi cao”. Còn nhân vật trữ tình luôn đấu tranh chống lại mọi sự giả dối, để giữ gìn, trân trọng những cảm xúc của tình yêu như giữ gìn chính bản thân con người mình:

Đâu phải chuyện đùa khi ta đánh mất mình

Em mải chạy đi, nước qua kẽ tay sao giữ lại

                   (“Bài ca bị đánh mất”)

Voznesensky là nhà thơ có sức sáng tạo rất lớn. Kể từ tập thơ đầu “Tranh bích hoạ” năm 1960, ông đã cho ra đời gần 40 tập thơ, trong đó có các tập nổi tiếng “Bài ca hình parabol” (1960), “Quả lê tam giác” (1962) “Những phản thế giới” (1964), “Trái tim Aeschylle” (1966), “Nghệ nhân vẽ kính” (1976, Giải thưởng Nhà nước Liên Xô năm 1978),…  Những năm gần đây, nhà thơ còn sáng tác thơ thị giác (visual poetry) – kết hợp ngôn từ với hội hoạ.. Là người luôn hướng tới sự tổng hợp nghệ thuật, ông kết hợp việc đọc thơ với âm nhạc và trình bày bằng những hình ảnh được gọi là videom.

Các cuộc triển lãm videom đó diễn ra trong Bảo tàng nghệ thuật tạo hình Moskva, và ở nhiều bảo tàng ở Paris, New York, Berlin, gây nhiều tiếng vang, thu hút người yêu thơ và nghệ thuật.

Tên tuổi Voznesensky thường được nhắc cùng với Evgeny Evtushenko (sinh năm 1933). Có rất nhiều điểm liên kết thơ của hai nhà thơ này với nhau: đó là tình bạn đồng niên, đó là những đêm cùng nhau trình diễn thơ gây náo động các khán phòng, sân vận động. Nhiều đề tài, nhiều môtíp trong thơ họ hô ứng với nhau (Ví dụ: Voznesenky có bài thơ “Những bông hoa trên thân cây”, còn Evtushenko có bài “Bông hoa khoai tây” đều thể hiện tình yêu đối với những loại hoa giản dị). Thậm chí có người còn nhầm lẫn họ với nhau ở vẻ bề ngoài. Oleg Khlebnikov – một nhà thơ Nga đương đại – có kể rằng trong một buổi gặp gỡ cách đây vài năm, một nhà báo khi thấy Evtushenko bước vào đã reo lên:  “Trông kìa, Voznesensky!”[3]

Dẫu vậy, Voznesensky dĩ nhiên vẫn rất khác Evtushenko, như chính ông từng viết: “Nhà thơ không có bạn sóng đôi/ mọi khúc song ca đều kết thúc bằng quyết đấu”. Nếu như thơ Evtushenko hấp dẫn bởi sự giản dị, dễ hiểu, thì sức hấp dẫn của thơ Voznesensky lại ở chỗ giàu ẩn dụ, thiên về trí tuệ.

Và hai nhà thơ này, cùng với Robert Rozhdestvensky (sinh năm 1932) và Bella Akhmadulina (sinh năm 1937) đã tạo thành một “bộ tứ” tuyệt vời.

Chúng tôi rất đông. Có lẽ đến bốn người… (Voznesensky)

Bốn người nhưng làm khuấy động cả đời sống thơ ca Xô viết giữa thế kỷ XX, và âm hưởng còn vang đến tận hôm nay. Nhiều bài thơ trữ tình của họ được phổ nhạc, trở thành những bài hát hết sức nổi tiếng (trong đó có bài “Triệu đoá hoa hồng” của Voznesensky đã rất quen thuộc ở Việt Nam).

Rozhdestvensky ra đi cách đây 16 năm (năm 1994). Và ngày 1 tháng 6 năm 2010, đến lượt trái tim Voznesensky ngừng đập. Chỉ còn lại hai người, Evtushenko và Akhmadulina, cũng đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Thơ của họ đối với độc giả ngày nay vẫn luôn chất chứa sự năng động nội tại, vẫn luôn là cảm xúc về sự vận động của thời gian, của thời đại, là sự nhạy bén với cái mới. Và Voznesensky là trung tâm gắn kết, như Akhmadulina từng viết:

Nghề nghiệp dẫn dắt hồn chúng ta

Gắn lên ta ngôi sao xanh biếc

Giá trị của mình em yêu thích

Chỉ khi bên anh, gắn kết cùng anh

          (“Gửi Voznesensky”, 1977)

 

 

 



[1] Evtushenko E., Andrei Voznesensky. Trong: Những khổ thơ thế kỷ. Hợp tuyển thơ ca Nga. Minsk-Moskva, “Polifak”, 1995.

[2] Bài thơ nói đến xa lộ Ruvlyov – một tuyến đường có lịch sử lâu đời, mà năm 1960 trở thành một phần của Moskva đang được mở rộng. Trên đường này có khu nghỉ dưỡng của các nhà lãnh đạo Liên Xô.

[3] Khlebnikov O. Evtushenko và Voznesensky. Hai người và tất cả chúng ta, “Novaya gazeta”, số 14, 24 tháng 2 năm 2005.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63005526
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12000
17565
63005526

Thành viên trực tuyến

Đang có 295 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website