Akaky trong “Chiếc áo khoác” và nhà văn Gogol

 

Kỷ niệm 200 năm ngày sinh tác giả Những linh hồn chết (Năm 2009 cũng được UNESCO chọn là Năm Gogol)

1. Truyện vừa “Chiếc áo khoác

Chiếc áo khoác” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Gogol, được viết trong thời gian từ năm 1839 đến năm 1842, và thuộc nhóm “Những truyện Petersburg” của nhà văn. Ban đầu trong bản thảo, Gogol đặt nhan đề là “Truyện về người công chức đi cướp áo khoác” (Povest o chinovnike kradushchem shineli), nhưng khi xuất bản nhà văn lại sửa thành “Chiếc áo khoác” (Shinel).

Nhân vật chính của truyện là Akaky Akakievich Bashmachkin – một công chức bàn giấy, đã lớn tuổi. Công việc của ông ta là sao chép các loại giấy tờ, và ông say mê công việc đó. Cuộc sống bình lặng đến vô cảm bỗng thay đổi khi Akaky cần có một chiếc áo khoác mới với giá tám mươi rúp. Để có được chiếc áo, nhân vật đã phải làm việc hết mình, tiết kiệm hết mức, và cuối cùng, ước mơ thành hiện thực. Ngày ông mặc chiếc áo khoác mới đến công sở, các đồng sự vốn trước kia luôn trêu chọc, coi thường ông bỗng trở nên niềm nở, ân cần, thậm chí có người còn mời ông đến nhà dự tiệc sinh nhật. Nhưng buổi tối, lúc Akaky ở đám tiệc trở về, ông bị những người “ria mép xồm xoàm” cướp mất chiếc áo. Cầu cứu từ lính gác, quận trưởng cảnh sát đến “nhân vật quan trọng”, nhưng Akaky không nhận được một sự giúp đỡ nào, thậm chí còn bị một “nhân vật quan trọng” quát mắng đến nỗi không đứng vững nổi. Trở về nhà, ông lên cơn sốt và lặng lẽ chết trong cô đơn. Ít lâu sau cái chết của Akaky, người ta đồn có con ma trông giống ông ta hoành hành trong thành phố, chuyên cướp áo khoác của mọi công chức, bất kể thuộc phẩm trạch nào. Nạn nhân cuối cùng của con ma chính là “nhân vật quan trọng”. Hình như đã hài lòng với chiếc áo của “nhân vật quan trọng”, con ma thôi không đi cướp nữa, mặc dù nhiều người vẫn còn quả quyết vẫn thấy nó xuất hiện ở những khu phố hẻo lánh.

2. Anh công chức mất khẩu súng săn

Cốt truyệnChiếc áo khoáctrước liên có liên quan đến các truyện tiếu lâm lưu truyền trong giới công chức Petersburg.

Gogol luôn cần các truyện cười, chẳng hạn, năm 1835, trước khi viết vởQuan thanh tra”, Gogol từng viết cho Pushkin: “Xin làm ơn cho tôi một cốt truyện nào đó, buồn cười hay không cũng được, nhưng là một truyện tiếu lâm thuần túy Nga…”[1] Còn sau đó, năm 1837, trong bức thư gửi N.Ya.Prokopovich ông viết: “Đặc biệt hãy hỏi xin Julia (tức P.A. Annenkov), nói ông ấy viết cho tôi. Anh ấy có cái để viết, có lẽ trong giới văn phòng đang có truyện cười gì đó”.[2]

P.A.Annenkov, nhà phê bình, đồng thời là bạn của Gogol, trong hồi ức về nhà văn đã kể lại rằng ý tưởng viết truyện “Chiếc áo khoác” lần đầu tiên xuất hiện nơi Gogol vào năm 1836, trước khi nhà văn ra nước ngoài: “… Có lần, trong khi có mặt Gogol, người ta kể một chuyện vui về một anh chàng công chức nghèo nào đó rất mê săn chim, đã tiết kiệm hết mức và lao động cật lực để ky cóp được số tiền đủ mua một khẩu súng săn tốt với giá hai trăm rúp. Buổi đầu, anh chàng ngồi trên chiếc thuyền nhỏ bơi trên vịnh Phần Lan đề đi săn, đặt cây súng quý giá trước mũi, mải trầm tư mộng tưởng đến lúc sực tỉnh, nhìn xuống dưới mũi mình thì không thấy món đồ chơi mới đâu. Cây súng đã bị cuốn trôi vào đám sậy rậm rịt, anh ta không thể nào len vào được, mọi cố gắng tìm kiếm đều vô vọng. Anh công chức về nhà, lên giường nằm và không dậy được nữa: anh ta lên cơn sốt. Chỉ nhờ bạn bè, sau khi biết về sự cố, đã gom góp mua bù, anh ta mới sống lại, nhưng mỗi khi nhớ lại câu chuyện khủng khiếp đó, mặt anh ta đều tái nhợt như người chết (…)  Câu chuyện vốn cũng có cơ sở thực tế đó đã làm mọi người cười, trừ Gogol cúi đầu nghe một cách trầm tư. Truyện tiếu lâm là ý tưởng đầu tiên của tác phẩm tuyệt vời “Chiếc áo khoác”, và ý tưởng đó gieo vào đầu Gogol chính vào buổi tối hôm đó”[3].

Ý kiến cho rằng những truyện cười dân gian thành thị, đặc biệt là những truyện tiếu lâm về giới công chức, là một trong những nguồn quan trọng cho sự ra đời những tác phẩm của Gogol, trong đó có “Chiếc áo khoác”, được nhiều nhà nghiên cứu chia sẻ. Truyện tiếu lâm không chỉ được phổ biến dưới dạng truyền khẩu, mà còn được ghi chép, tập hợp thành những tuyển tập và xuất bản nhiều lần. Chính trong “Chiếc áo khoác” cũng có chi tiết: các công chức buổi tối rảnh rỗi thường tụ tập chơi bài, uống trà và kể chuyện cười cho nhau nghe, như câu chuyện về cái đuôi ngựa của Falconet (tức bức tượng Piotr Đại đế do nhà điêu khắc người Pháp Étienne Falconet dựng năm 1782 trên quảng trường Senat ở Saint-Petersburg). Hình tượng nhân vật Akaky chắc chắn có mối liên hệ với các truyện cười dân gian. Ngoài truyện về anh chàng mất súng ở trên, người ta còn dẫn một truyện khác như nguồn của “Chiếc áo khoác”: có một công chức nhiều năm làm nghề sao chép, bị trêu chọc bắt chép đi chép lại ba lần một tờ giấy với nội dung rằng chính ông ta, với tên họ đầy đủ, bị kết tội chém đầu. Người công chức cần mẫn chép đến lần thứ ba thì bảo: “Hình như công văn này nói về cái đầu của ai đó”.[4] Có thể thấy những tương đồng giữa nhân vật của Gogol với “cỗ máy sao chép” trong câu chuyện cười: Akaky làm ký lục cho đến lúc bạc đầu, ông tận tụy với công việc sao chép đơn giản và không thể làm được việc gì khác (khi cấp trên muốn giao ông công việc có tính sáng tạo hơn một chút là chuyển một bản báo cáo thành một bức thư thì ông cũng đầu hàng). Ngay cả lúc rảnh rỗi ông cũng sao chép cho vui những tài liệu nào đó không phải vì nội dung hay hình thức của tài liệu, mà vì đó là của cấp trên gửi đến. Bản thân cái tên của ông ta, Akaky Akakievich (tức Akaky con của ông Akaky), mà lúc sinh ra được mẹ đặt cho cũng là một sự sao chép (“tên bố nó làm sao thì cứ gọi nó như vậy”), đã nhấn mạnh cái bản chất “chỉ biết chép mà không biết nghĩ” của nhân vật.

Mối liên hệ với truyện cười dân gian mà bản chất thể loại là hài hước, trào phúng, nghịch dị, đa nghĩa… đã góp phần tạo nên đặc trưng sáng tác của Gogol. Gogol, như nhận xét của Belinsky, “là một người nổi tiếng thích đùa và sắc sảo[5] Tiếng cười Gogol hướng vào những mặt trái, mặt tối, mặt tầm thường thấp hèn của xã hội và con người Nga thế kỷ XIX. Pushkin lúc sinh thời cũng nhận ra tài năng này của Gogol: “Ông luôn nói với tôi – chính Gogol đã nhớ lại – rằng không có một nhà văn nào có cái tài vạch ra một cách rõ ràng cái dung tục tầm thường (poshlost) của cuộc sống như thế, mô tả với sức mạnh như thế cái dung tục tầm thường của con người tầm thường dung tục (poshlost poshlogo cheloveka), làm cho tất cả cái vụn vặt nhỏ mọn vốn không ai để ý bỗng trở nên to lớn trước mắt tất cả mọi người”[6] Truyện của Gogol phơi bày sự trống rỗng, vô nghĩa bao trùm lên cuộc sống những con người Nga, trong số đó có các công chức thành thị (kiểu nhân vật tiêu biểu của Gogol), cuộc sống đó đã bị thay thế bằng sự tồn tại vật chất tầm thường. Với “Chiếc áo khoác”, Gogol đã đẩy quá trình mất nhân tính nơi con người đến cực điểm, khi tạo nên nhân vật Akaky – một con người mà mọi niềm vui chỉ ở khối lượng giấy tờ được cấp trên giao cho chép, và mối tình duy nhất trong đời là với cái áo khoác.

3. Con người nhỏ bé

Chiếc áo khoác” của Gogol đề cập đến một trong những đề tài tiêu biểu của văn học Nga: hình tượng “con người nhỏ bé”. Đó là kiểu nhân vật văn học thời đại của chủ nghĩa hiện thực, thường ở vị trí thấp kém trong bậc thang đẳng cấp xã hội, chẳng hạn như những công chức quèn, những kẻ tiểu thị dân hay thậm chí là quý tộc nghèo. Khi văn học càng mang tinh thần dân chủ, thì hình tượng “con người nhỏ bé” càng thu hút sự quan tâm của các nhà văn. Bản thân khái niệm “con người nhỏ bé” lần đầu tiên được đưa vào phê bình văn học bởi V.G.Belinsky, trong bài báo viết năm 1840 về vở kịch “Đau khổ vì trí tuệ” của A.Griboedov.

Có thể xem Pushkin là người khởi xướng đề tài này trong văn học Nga, với những tác phẩm như “Người coi trạm”, “Kỵ sĩ đồng”, trong đó mô tả bi kịch của những người công chức nghèo bị vùi dập bởi cường quyền, bởi những hoàn cảnh phi nhân tính, bởi sức mạnh cái ác, bởi số phận nghiệt ngã. Gogol là người tiếp tục Pushkin.

Akaky là một “con người nhỏ bé”. Bản thân họ của ông ta đã thể hiện điều đó : Bashmachkin (xin lưu ý phụ tố “ch” trong cái họ này, chỉ sự nhỏ bé, bản tiếng Việt của Phạm Thủy Ba in là “Basmakin” đã bỏ qua nó), bắt nguồn từ bashmachka (tên gọi thu nhỏ của bashmak). “Bashmak” là loại giày cổ thấp, thô, ở nông thôn thời xưa thường được làm bằng gỗ, trông như cái guốc – nên chúng tôi tạm dịch là “guốc”, thay vì là “giày dép”. Trong truyện Gogol viết : “họ ấy được tạo nên từ “bashmak” khi nào, vào thời nào, không ai biết cả… Cả cha, cả ông nội, thậm chí cả ông anh vợ (mặc dù Akaky không có vợ - TTPP), tất cả những người mang họ Bashmachkin đều đi ủng”[7]. Ủng (sapogi) cổ cao, thường làm bằng da, là thứ sang trọng hơn Một nhà kinh tế học Nga đầu thế kỷ XVIII là I.T.Pososhkov (1670-1726) trong tác phẩm nổi tiếng của mình “Sách về sự nghèo và giàu” đã miêu tả người ở chức cao trong giới thương nhân giàu có : “chân đi ủng, còn guốc thì người ở chức này dứt khoát không bao giờ đi”[8]. Trong “Những linh hồn chết” của Gogol, tất cả nông nô nhà lão địa chủ Plyushkin chỉ có một đôi ủng dùng chung để bước vào phòng khách của ông chủ, mỗi khi ra khỏi phòng phải cởi trả lại và đi chân trần. Như vậy, “guốc” ở đây, so với đi chân trần (dấu hiệu của nông nô) là một bậc cao hơn : người công chức không còn là nông nô – tầng lớp nô lệ nhất trong xã hội Nga. Tuy nhiên, “guốc” trong tương quan với “ủng” lại là sự thấp kém, đặc biệt khi so về hàng thứ bậc chức vụ và độ giàu nghèo.

Nhân vật của “Chiếc áo khoác” là công chức xuất thân từ tầng lớp bình dân, có phẩm hàm là “titulyarny sovetnik” - tạm dịch là “cố vấn danh nghĩa”. Đó là phẩm hàm thứ 9 trong 14 bậc công chức dưới thời Nga hoàng, và thuộc nhóm phẩm hàm thấp nhất, trong xưng hô chỉ được gọi là “vashchee blagorodie” (tạm dịch là “thưa ông”), mà không có tiếp đầu tố “vysoko” hay “prevoskhoditelstvo” (với nghĩa là “cao, lớn”, tạm dịch là “bẩm quan lớn”, “bẩm cụ lớn” ) như với các phẩm hàm bậc trên (nếu so sánh với cách xưng hô ở Việt Nam thì Akaky thuộc loại “không phải thằng mà cũng chẳng phải ông”). Vào đầu thế kỷ XIX, người công chức nếu không thuộc dòng dõi quý tộc, đa phần kết thúc sự nghiệp của mình ở phẩm hàm này, không thể lên đến bậc cao hơn, bởi vậy mới có những “cố vấn danh nghĩa vĩnh cửu” như Akaky, ngồi bàn giấy đến bạc đầu và trở thành đối tượng trêu chọc, khinh thường của đồng nghiệp, kể cả những người trẻ tuổi.

“Con người nhỏ bé” Akaky ban đầu xuất hiện với vẻ trào phúng, khôi hài: “vóc người thấp bé, mặt hơi rỗ hoa, tóc hơi hung hung, mắt đã hơi kèm nhèm, trán hơi hói, hai bên má hằn những nếp nhăn và có nước da được gọi là của kẻ bị bệnh trĩ”, cổ áo quá hẹp đến nỗi cái cổ ông ta trở nên “dài một cách lạ kỳ”, mũ áo lúc nào cũng vương cọng rơm, sợi chỉ, vỏ dưa, bởi vì “ông có tài nghệ đặc biệt là lúc đi trên đường luôn bước ngay dưới cửa sổ đúng lúc người ta vứt ra từ đó đủ thứ rác rưởi”,… Tuy nhiên, hình tượng đó dần dần nhuốm màu đáng thương: chiếc áo khóac cũ kỹ đã quá rách nát không còn đủ sức chống chọi với cái lạnh buốt giá của mùa đông Petersburg, và để sắm được chiếc áo mới, Akaky phải nhịn ăn, thôi không uống trà, không thắp nến buổi tối, đi nhón chân nhẹ nhàng để đế giày đỡ mau mòn, quần áo đưa đi giặt thưa hơn. Và Akaky thực sự trở thành nhân vật bi kịch khi bị cướp mất chiếc áo giữa đêm khuya giá lạnh, cuống cuồng chạy cầu cứu khắp nơi. Đỉnh điểm của bi kịch ấy không phải là lúc Akaky bị “nhân vật quan trọng” giáng một trận quát tháo sấm sét vào người, mà chính là lúc ông lặng lẽ chết trong cô đơn, không để lại gì đáng giá ngoài cái áo khoác cũ và mấy cây bút lông ngỗng, mà cũng chẳng có ai thừa kế, chẳng có ai tiếc thương.

Gogol năm 19 tuổi đã lên thủ đô Petersburg lập thân, lập nghiệp. Thành phố này, cả về thời tiết lẫn con người, hẳn đã không niềm nở tiếp đón chàng trai đến từ miền quê Ukraina phương nam. Cuộc sống Gogol chật vật, khốn khó, với nhiều thất bại. Ông từng làm công chức nhà nước một thời gian đủ để căm ghét công việc bàn giấy tầm thường vô nghĩa và thấu hiểu nỗi nhục nhằn của thân phận “con người nhỏ bé”.  Vì vậy những công chức quèn đã trở thành nhân vật trung tâm trong hầu hết tác phẩm của ông, thường được xây dựng chủ yếu với bút pháp trào phúng. Tuy nhiên, trong “Chiếc áo khoác”, hình tượng đó được lột tả trên cả hai phương diện hài lẫn bi, và tính bi kịch ở mức độ tập trung cao nhất. Sau thành công của “Quan thanh tra” – vở kịch được xem là kiểu mẫu cho hài kịch hiện thực Nga, trong đó nhân vật chính cũng là một “con người nhỏ bé”, Gogol đã viết: “tôi cảm thấy rõ hơn bao giờ hết cái nhu cầu được sáng tác một tác phẩm đầy đặn, trong đó không chỉ có cái cần phải cười.”[9] “Tác phẩm đầy đặn” đó là bản trường ca “Những linh hồn chết” mà theo ý đồ của nhà văn sẽ có quy mô rất lớn (“cả nước Nga hiện ra trong đó”), nhưng rồi chỉ có tập 1 được hoàn tất và xuất bản, tập 2 bị nhà văn thiêu hủy trước khi qua đời ít lâu. Thời gian nhà văn hoàn tất tập 1 “Những linh hồn chết” cũng là thời gian ông cho ra đời “Chiếc áo khoác”, và rõ ràng “Chiếc áo khoác”, tuy khuôn khổ nhỏ hơn, nhưng cũng thể hiện nhu cầu sáng tạo tác phẩm “không chỉ có cái cần để cười”.

Câu chuyện về Akaky và chiếc áo khoác được kể từ ngôi thứ nhất. Cái tôi - người kể chuyện hiện diện từ đầu đến cuối truyện: đó là một người rất am hiểu về giới công chức:  công việc, tính nết, nếp sống, thói quen, cách ăn mặc, thú tiêu khiển, tâm lý… của họ, tất cả đều được kể lại một cách rất tỉ mỉ. Trong suốt diễn biến các sự kiện liên quan đến Akaky, cái tôi – người kể chuyện luôn tỏ thái độ của mình. Mặc dù giọng lưỡi trào lộng, chua cay, nhưng tâm trạng thì luôn ưu tư, thâm trầm, thương cảm. “Các người hãy để tôi yên! Tại sao các người cứ hành hạ tôi thế?” –  “con người nhỏ bé” chỉ kêu lên yếu ớt có một lần duy nhất khi bị hạ nhục quá mức, nhưng âm vang của tiếng kêu đó vọng suốt tác phẩm, và cùng với nó là lời nhắc nhở về sự bình đẳng: “Tôi là anh em của người mà!”

Nhà phê bình phái hình thức Nga B.M.Eikhenbaum trong bài viết nổi tiếng: “Chiếc áo khoác của Gogol được tạo ra như thế nào?” có nói đến vai trò người kể chuyện và cách thức kể chuyện của Gogol: với Gogol, cái quan trọng không phải là cốt truyện (cốt truyện thường nghèo nàn, thậm chí không có cốt truyện), mà là vai trò người kể chuyện.[10] Theo hồi ức của những người đương thời (I.S.Turgenev, D.A.Obolensky, P.V.Annenkov,…), Gogol hay đọc truyện của mình cho mọi người và đọc rất hay, luôn thay đổi ngữ điệu, nhấn rõ từng từ, khiến người nghe phải chú ý đến các sắc thái tinh tế của các ý tưởng.

Nếu như truyện của Gogol được viết ra nhằm hướng tới người nghe, người đọc tương tự như sự trình diễn sân khấu như vậy, thì rõ ràng tiếng kêu “hãy để cho con người nhỏ bé được yên, đừng hành hạ họ nữa” và “chúng ta là anh em” là những lời của chính Gogol thốt ra, thể hiện một tấm lòng đầy nhiệt huyết, đầy nhân đạo của nhà văn khi hướng về “con người nhỏ bé”. Đó chính là lý do mà “Chiếc áo khoác” được xem là ngọn cờ đầu của “Trường phái tự nhiên”, khuynh hướng văn học hiện thực chủ nghĩa xuất hiện những năm 40-50 thế kỷ XIX, dưới ảnh hưởng của nhà phê bình dân chủ V.G.Belinsky. Một trong những đặc điểm quan trọng của trường phái này là tinh thần dân chủ, nhân ái và quan tâm sâu sắc đến những “con người nhỏ bé” như nạn nhân của cái ác ngự trị trong xã hội Nga nửa phong kiến nửa tư bản. Và để nói về mức độ ảnh hưởng của Gogol trên phương diện này, không gì hơn là dẫn câu nói nổi tiếng được coi là của F.M.Dostoevsky: “Tất cả chúng ta đều bước ra từ Chiếc áo khoác của Gogol”.

4. Bóng ma

Nếu “Chiếc áo khoác” của Gogol kết thúc ở cái chết của nhân vật Akaky, thì giá trị nhân đạo, giá trị phản ánh hiện thực, hay phê phán vạch trần cái ác đều đã đạt ở đỉnh cao. Tuy nhiên, nhà văn chưa dừng lại đó, mà thêm vào một phần “vĩ thanh” mà chính bản thân nhà văn như cũng bất ngờ về sự hiện diện của nó: “Nhưng ai có thể ngờ rằng mọi chuyện về Akaky Akakievich đến đây nào đã hết…câu chuyện nghèo nàn này của chúng ta bỗng nhiên lại có thêm cái kết huyền ảo”.

“Cái kết huyền ảo” này không ngừng là đề tài thảo luận của giới phê bình và nghiên cứu văn học.

Trước hết, “cái kết huyền ảo”, như chính cách nói của nhà văn, là một sự đối lập, bổ sung cho “câu chuyện nghèo nàn” về nhân vật “con người nhỏ bé”: một con ma nhưng hết sức sống động, được coi là hồn của ông công chức Akaky, tung hoành cướp bóc, trả thù những kẻ đã hành hạ mình, trả thù cho những ngày đã phải sống âm thầm nhẫn nhịn.

Môtíp nổi loạn, báo thù không phải hiếm gặp nơi Gogol. Ông có truyện “Cuộc báo thù khủng khiếp” (trong tập “Những buổi tối ở gần ấp Dikanka”). Vở kịch “Quan thanh tra” cũng có thể là một dạng câu chuyện về sự báo thù khi viên công chức quèn đói khát không xu dính túi Khlestakov bỗng khiến tất cả các “nhân vật quan trọng” của thành phố N.N. phải khiếp sợ luồn cúi. Trong “Những linh hồn chết” có câu chuyện về đại úy Kopeikin nổi loạn sau hành trình cầu xin trợ cấp thương binh bất thành… Các cuộc báo thù đều huyền ảo hay giống như trò chơi, nhưng đều gây kinh sợ và có nhiều nạn nhân.

Về ý nghĩa hình tượng “hồn ma nổi loạn”, “hồn ma báo thù” trong “Chiếc áo khoác” có những giải thích khác nhau. Đó là “chiến thắng của lẽ phải” (I.F.Annensky), là biểu hiện của cuộc trỗi dậy tất yếu và tất thắng của cách mạng (I.Grossman-Roshchin), là khả năng phản kháng cường quyền khủng khiếp của những con người nhỏ bé, nhưng chưa có điều kiện để thành hiện thực. Người ta còn nhìn thấy ở đây là sự đánh thức lương tri, không chỉ nơi “con người nhỏ bé” mà cả nơi những kẻ thuộc hàng “nhân vật quan trọng”.

Ý nghĩa báo thù, phản kháng, thức tỉnh trong cái kết “Chiếc áo khoác” có lẽ là dễ nhận thấy nhất, được chia sẻ nhiều nhất và nói đến từ lâu nhất.

Người ta cũng nhìn thấy trong cái kết này mối liên hệ với đời sống hiện thực: khi viết đoạn kết, cũng như toàn bộ “Chiếc áo khoác”, Gogol hướng tới độc giả đương thời, những người có thể hiểu những ám dụ của Gogol đằng sau các chi tiết trong truyện, liên tưởng đến những người thực, việc thực. Việc con ma xuất hiện, lột áo khoác của người đi đường, bất kể “đệm bông hay bằng bông, cổ da mèo hay cổ hải ly, áo khoác da cáo hay da gấu…” là một ám dụ. Vào thời Gogol, áo khoác gắn với các thứ bậc trong giới công chức Nga. Năm 1834, chính quyền còn ra hẳn một quy định về các loại chế phục mà các công chức phải tuân thủ. Mặc áo với chất liệu thích hợp, tương ứng với cấp bậc của mình là biểu hiện của sự tôn trọng công việc, tôn trọng trật tự, trở thành một thứ luân lý của công chức được gọi tên là “phẩm giá áo khoác” (chest mundira)[11]. Bởi vậy, con ma cướp áo mà không quan tâm đến chất liệu áo, cũng mang ý nghĩa phản kháng lại trật tự, luân lý đó.

Ngoài ra, đây còn là sự phản ánh thực trạng cướp bóc, mất an ninh phổ biến ở thành phố Petersburg và sự bất lực của chính quyền. Pushkin từng ghi trong nhật ký của mình về điều này: “Đường phố không còn an ninh nữa… Cảnh sát dường như chỉ quan tâm đến chính trị thay vì đến bọn trộm cướp và bảo vệ đường phố. Bọn lang thang cướp bóc suốt đêm”[12]. Ẩn ý chính trị có lẽ cũng có chi tiết về “nhân vật quan trọng”: trước sự cố gặp con ma và bị nó cướp áo, nhân vật này rời khỏi nhà và “bước lên đứng trên xe trượt” (stal v sani) để đến nhà nhân tình – tư thế “đứng trên xe trượt” đó gợi nghĩ đến viên mật thám khét tiếng A.Benkendorf, thủ trưởng của Phòng III cảnh sát, chuyên giám sát kiểm duỵêt sáng tác của các nhà văn Nga, bởi ở Petersburg bấy giờ chỉ có ông ta mới đứng trên xe trượt khi đi đường như vậy.[13]

Yu.Mann trong công trình “Thi pháp Gogol” có lưu ý đến cách kể chuyện ở đoạn kết: rằng bóng ma Akaky chỉ được biết đến qua “những lời đồn” (một hiện thực khủng khiếp được Gogol nói đến không chỉ một lần trong các tác phẩm của mình), chứ bản thân tác giả chưa bao giờ đồng nhất con ma với Akaky.[14] Như vậy, hình tượng con ma mang đầy tính huyền hoặc, phi lý, nhưng đồng thời sự hiện diện của nó không hề phá vỡ tính hiện thực của tác phẩm, khiến “Chiếc áo khoác” hoàn toàn có quyền được xem là tác phẩm khai sinh ra một chủ nghĩa hiện thực sống động mà về sau sẽ được phát triển trong văn học Nga.

5. Cái tên Akaky

Gần đây, khi nghiên cứu về Gogol, người ta chú ý nhiều hơn đến phương diện tâm linh trong sáng tác của ông, đặc biệt là những sáng tác thời kỳ cuối, trong đó có “Những đoạn chọn lọc từ thư từ gửi bè bạn”, tập 2 của “Những linh hồn chết”, và cả “Chiếc áo khoác”.

Gogol là người mộ đạo, đọc nhiều sách vở Thiên Chúa giáo. Trong bài báo “Cuối cùng thì bản chất thơ ca Nga là gì và đặc điểm của nó là gì?”[15], Gogol đã chỉ ra ba nguồn đặc trưng dân tộc mà các nhà thơ Nga cần phải khai thác: đó là dân ca,  tục ngữ và văn chương nhà thờ. Việc truy tìm nguồn gốc cái tên Akaky trong kho tàng văn chương nhà thờ, nhất là các sách thánh sử (zhitie) có thể làm sáng tỏ thêm một số ý nghĩa nữa của tác phẩm “Chiếc áo khoác” cũng như đặc điểm tư duy sáng tạo của Gogol.

Akaky gốc Hy Lạp mang ý nghĩa “nhu mì, hiền lành”. Câu chuyện về người công chức Akaky nhẫn nhịn chịu đựng những trêu chọc, quát tháo, xúc phạm từ các đồng nghiệp, từ cấp trên và “nhân vật quan trọng”, có rất nhiều tương đồng với truyện về “Sự vâng lời” kể về thánh Acacius trong tác phẩm “Lestvitsa” (tức “Cầu thang lên trời” theo tiếng Slav cổ) của Ioanna Sinaite[16] – nhà văn và triết gia Thiên Chúa giáo người Byzance thế kỷ VI – VII. Truyện kể rằng có một ông tu sĩ già rất lười nhác và thô lỗ, không biết sao lại được một chàng trai trẻ tên Acacius nhận làm thầy. Chàng trai sống giản dị nhưng khôn ngoan, nhẫn nại chịu đựng mọi sự mắng nhiếc, quát tháo, đánh đập của ông thầy già suốt chín năm rồi về chầu Chúa. Chàng được chôn dưới hầm mộ dành cho các cha. Năm ngày sau ông tu sĩ già đến gặp cha bề trên, báo: “Thưa cha, huynh Acacius đã chết”. Nhưng vị cha cả tỏ thái độ không tin, yêu cầu thầy tu kia dẫn đến hầm mộ. Cha cả đến bên mộ, gọi Acacius như gọi người sống (“bởi huynh đích thực đã sống sau khi chết”) và hỏi: “Huynh Acacius, huynh chết rồi ư?” Người tu sĩ khiêm nhường, nhẫn nhịn Acacius đáp lời bề trên: “Thưa cha, kẻ luôn vâng lời làm sao chết được?”. Ông thầy tu già từng là thầy của Acacius nghe vậy kinh hãi, phủ phục xuống đất trong nước mắt; sau đó ông ta xin tu viện trưởng một tu phòng gần mộ Acacius và sống ở đó nốt phần đời còn lại một cách rất tử tế, luôn luôn nói với các tu sĩ khác rằng: “tôi đã giết người”.[17]

Lestvitsa” là tác phẩm gồm 30 truyện, mô phỏng 30 bậc thang, cũng là 30 bước trong hành trình vượt qua các tội lỗi trần thế, thanh tẩy tâm hồn để đến được với “Chúa ba ngôi”, cũng là đến với niềm tin, hi vọng và tình yêu. Truyện về thánh Acacius nằm ở bậc thang thứ 4 trong nhóm truyện “đấu tranh chống lại những hư ảo trần thế”, truyện thứ 5 tiếp sau đó là “Sám hối” mở đầu cho nhóm truyện “những đau thương trên hành trình đến với hạnh phúc”. Gogol chắc chắn đã đọc “Lestvitsa” từ khi còn trẻ, những năm cuối đời ông ghi chép nhiều sách thánh, trong đó cũng có sách này. Gogol rất ưa thích hình tượng “cầu thang lên trời”, lối lên xuống giữa trời và đất của Chúa và các thiên thần – một trong những biểu tượng quan trọng của đạo Thiên Chúa. Nhân vật chàng Cô dắc Levko trong truyện “Đêm tháng năm hay người đàn bà chết đuối” (tập truyện “Những buổi tối ở gần gấp Dikanka”) của Gogol đã nói về “cầu thang lên trời” như sau: “Chúa có một cái thang rất dài từ trời nối xuống đất. Thang được các thiên thần tối cao dựng lên trước Ngày Chúa Phục sinh; và khi Chúa vừa bước lên bậc thang đầu tiên, mọi linh hồn xấu xa đều bị phủi bay khỏi mặt đất, rơi từng đám vào lò lửa, bởi vậy vào ngày lễ của Chúa Kitô, không còn một linh hồn xấu nào trên trần gian”[18].

Nhân vật Akaky, của Gogol có những nét rất gần gũi với thánh Acacius trong sách của Ioanna Sinaite, hay nói chung là gần gũi với hình tượng của một vị tu hành: cuộc sống đạm bạc, kham khổ, thái độ cam chịu, sự thờ ơ với mọi tồn tại vật chất xung quanh, sự tiết dục, và cả niềm đam mê “sao chép” (công việc chủ yếu của các tu sĩ thời cổ là sao chép các kinh sách nhà thờ, họ thường được gọi là “pisets- người sao chép) Những kẻ đồng sự thường trêu chọc Akaky, hay “nhân vật quan trọng” đã sỉ nhục ông gợi nghĩ đến ông thầy thô lỗ xấu tính. Và cuối cùng, bóng ma nhưng sống động hơn bao giờ hết, sự sợ hãi và hối hận của những kẻ đã từng hành hạ người công chức nghèo – cũng tương ứng với sự sống lại của thánh Acacius và niềm ăn năn của người thầy tu già.

Mô hình truyện “Chiếc áo khoác” gợi nghĩ đến đến thể loại thánh sử trong văn học Nga cổ. Trong thánh sử, câu chuyện cuộc đời một vị thánh thường bắt đầu từ sự ra đời, giới thiệu về cha mẹ, giới thiệu tên và ý nghĩa tên của nhân vật, và những dấu hiệu đặc biệt trên người (hoặc trên mặt) cho thấy sự ban phúc của Chúa. Nhân vật thường có nếp sống đặc biệt: xa lánh mọi vui thú, không kết hôn (với phái nữ chỉ liên hệ với mẹ mình hay những người phụ nữ lớn tuổi), sống cô đơn, làm những công việc thấp hèn, làm việc cần cù mà không đòi hỏi sự ban thưởng, cuối cùng, khi chết thường tạo ra những điều màu nhiệm. Rõ ràng “Chiếc áo khoác” cũng được xây dựng như thế. Có điều, ở đây vừa có sự mô phỏng, vừa như có sự giễu nhại: khi nói đến mẹ nhân vật thì luôn có sự nhắc nhở là bà đã chết (pokoinitsa – người quá cố); bà mẹ phải lựa chọn giữa những cái tên nguồn gốc nước ngoài khó hiểu, không thuận tai nghe của người Nga (nhưng khi kết hợp lại với nhau lại tạo những âm thanh ngộ nghĩnh, hài hước) để ra được tên Akaky, nhưng không phải vì ý nghĩa của nó[19]; dấu hiệu trên khuôn mặt đứa bé lúc ra đời thì lại là cái nhăn mặt báo hiệu số phận làm anh công chức quèn.

Khi nói đến nguồn sách vở nhà thờ đối với “Chiếc áo khoác”, cũng như sáng tác của Gogol nói chung, chúng tôi không chú trọng phân tích sâu những tư tưởng tôn giáo của Gogol, mà chỉ chú ý đến một điều: là một người mộ đạo, từng hành hương đến Jerusalem, cuối đời hoàn toàn hướng vào hoạt động tâm linh – Gogol chắc chắn không đùa cợt với những sách vở tôn giáo. Vậy có thể giải thích sao về những giễu nhại ở trên?

Khi giải thích về các tác phẩm của mình, Gogol có nói đó là cách ông phơi bày những tội lỗi của con người, trong đó có chính bản thân nhà văn. Ông viết trong “Những đoạn chọn lọc từ thư từ gửi bè bạn”: “tất cả những tác phẩm gần đây của tôi đều là lịch sử tâm hồn của chính bản thân tôi”[20]

Chúng ta có thể gặp trong nhiều tác phẩm của Gogol hình ảnh người nghệ sĩ với những lý tưởng cao cả nhưng cũng đồng thời bị cám dỗ bởi những nhu cầu vật chất đời thường, những dục vọng trần thế (“Bức chân dung”, “Đại lộ Nevsky”…), như chính bản thân ông. Trong “Quan thanh tra”, anh chàng công chức Khlestakov, khi chơi trò dối trá giả làm quan thanh tra, đã khoe khoang “từng là bạn kề gối của Pushkin” – đó phải chăng là sự ám chỉ mối quan hệ của Gogol với Pushkin (Pushkin là bậc thầy, là ân nhân đã giúp đỡ Gogol rất nhiều trong sáng tác, nhưng chưa bao giờ là bạn của nhà văn). Trong “Những linh hồn chết”, có thể thấy cái “tôi” trữ tình xuất hiện theo kiểu “nhân vật song hành” với các nhân vật của truyện (chẳng hạn, trước câu chuyện về điền chủ Plyushkin vì thói hà tiện  cùng với tuổi già đã ngày càng trở nên tha hóa đến mất cả nhân tính, nhân hình là những dòng suy tư của nhân vật “tôi” về tuổi trẻ bị đánh mất, về tâm hồn bị già cỗi và khô cứng của mình bởi thời gian và những lo toan đời thường).

Vậy có thể hiểu thêm một hàm ý nữa của “Chiếc áo khoác”: đó là một tự truyện, và nhân vật Akaky là bức chân dung của chính nhà văn. Akaky sinh vào tháng 3 (theo lịch Nga cũ), là tháng sinh của Gogol. Cuộc đời của nhân vật có nhiều điểm tương đồng với nhà văn: làm công chức bàn giấy, không lập gia đình, sống cô đơn (đó là sự lựa chọn của Gogol như ông đã viết: “tôi muốn tự giáo dục mình trong khung cảnh xa cách với mọi người”[21]). Việc nhân vật chết đi – sống lại (dưới dạng “con ma”), có thể liên tưởng đến việc vào thời kỳ hoàn tất tác phẩm “Chiếc áo khoác”, Gogol trải qua một trận ốm (tâm bệnh nhiều hơn là về thể chất) tưởng không qua khỏi, nhưng rồi lại bình phục. Điều này tác động đến nhà văn rất nhiều, thậm chí ông đã viết những đoạn “di chúc” như sau ở đầu “Những đoạn chọn lọc từ thư từ gửi bè bạn”: “Tôi trăng trối rằng đừng chôn thi thể tôi trong khi chưa thấy những dấu hiệu của sự phân rã… hi vọng rằng, có thể, sau khi chết tôi sẽ lên tiếng nhắc nhở về sự cẩn trọng”[22].

Gogol sùng đạo đến mê tín, thậm chí từng định vào tu viện sống như một thầy tu[23], tuy nhiên, có lẽ tất cả những điều đó chỉ là hệ quả của một cuộc đấu tranh giữa “cái dung tục tầm thường của con người tầm thường dung tục” với ước muốn vươn tới sự toàn thiện, là cuộc đấu tranh với “linh hồn chết” để giành lại “linh hồn sống”nơi con người Gogol. Và sự “giễu nhại”, sự “phá cách” thánh sử là để cho thấy cái khoảng cách giữa “đời người” với “đời thánh” mà nhà văn muốn rút ngắn lại.

Nhưng trên hết, Gogol là một nghệ sĩ. Tiếp thu nguồn sách vở nhà thờ, nơi Gogol có cả sự giễu nhại lẫn sự mô phỏng, có “phản thánh sử” và có “thánh sử” (“antizhitie” và “zhitie”). “Phản thánh sử” là phần trào phúng, châm biếm, là sự vạch trần và phê phán cái ác trong xã hội, trong con người, trong cá nhân nhà văn thông qua tiếng cười – một sức mạnh quan trọng của nghệ thuật Gogol. Còn “thánh sử” là mục đích cao cả mà nghệ thuật đó vươn tới, nhất là khi đã ở giai đoạn chín muồi của tài năng. Bản chất sự phát triển sáng tác của Gogol là ở chỗ: từ văn chương nghệ thuật thuần túy vươn tới một thứ văn chương linh thiêng – văn chương đó cũng là một “lestvitsa”- cầu thang đưa con người vượt qua tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn để hướng tới cái Thiện.

6. Hai trăm năm trong “Chiếc áo khoác

Tiêu đề trên chúng tôi mượn từ một bài báo ngắn của Dmitri Petrov, với phụ chú: “Những mơ ước còn ẩn dấu của Gogol” đăng trên tờ báo mạng có tên “Chastny Korespondent” (www.chaskor.ru) số kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại văn hào Nga Nikolai Vasilievich Gogol.

Có rất nhiều hoạt động kỷ niệm nhà văn diễn ra khắp Nga, Ukraina trong “năm Gogol” 2009: các bảo tàng tổ chức nhiều triển lãm về Gogol; các tượng đài Gogol được trùng tu, được dựng thêm; nhiều hội thảo khoa học về Gogol được tổ chức; “Tuần lễ sách” trong tháng ba ở Moskva chỉ dành riêng cho Gogol, Hội đồng xuất bản sách thành phố Moskva cho ra mắt bộ “Hợp tuyển Gogol” gồm 3 tập dưới dạng quà tặng; những ngày đầu tháng 4 diễn ra Liên hoan sân khấu kỷ niệm ngày sinh Gogol; còn các khán giả điện ảnh và truyền hình được thưởng thức nhiều bộ phim về Gogol và phim chuyển thể từ tác phẩm của Gogol (trong đó có bộ phim hoạt hình “Chiếc áo khoác” của đạo diễn Yury Norshtein), v.v…

Mặc dù thế, trên các báo chí Nga, vẫn có những ý kiến cho rằng, kỷ niệm Gogol như thế vẫn còn lặng lẽ quá, nhất là so với đợt kỷ niệm 200 năm Pushkin mười năm trước. Nhắc đến Gogol, người ta luôn không quên nhắc đến Pushkin và so sánh với Pushkin – người được coi là “cha đẻ của nền văn học mới của Nga”, là “khởi đầu của mọi sự khởi đầu”. Sáng tác của Pushkin, so với Gogol, không chỉ đi trước, mà còn phong phú hơn, đa dạng hơn. Chỉ riêng ở lĩnh vực văn xuôi (một mảng trong sáng tác của Pushkin), ông đã là người đặt nền tảng cho nền văn xuôi nghệ thuật Nga, mà Gogol là người kế tục. Tuy nhiên, con đường của Gogol vẫn khác biệt với Pushkin. Đối với Pushkin, văn chương là một hiện tượng “tự đủ” (samodostatochnoye), không cần phải biện giải nó bằng những thứ khác ngoài nó. “Mục đích của thơ ca là thơ ca” - Pushkin đã viết trong bức thư gửi V.Zhukovsky để trả lời về mục đích sáng tác trường ca “Những người Tsygan[24]. Trong khi đó, văn chương đối với Gogol chỉ là phương tiện, là một bậc thang đi lên cao nữa. Bởi vậy, từ chính Gogol, chứ không phải là Pushkin, văn chương Nga trở nên lớn hơn, rộng hơn chính bản thân nó, mở ra tầm triết học, tầm tư tưởng (mà hai vị đàn em khổng lồ là Dostoevsky và Tolstoy sẽ là những người tiếp tục phát huy).

Trước lễ kỷ niệm Gogol, Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) đã làm một cuộc điều tra kiến thức về các nhà văn cổ điển Nga trên 1600 người Nga ở 142 điểm dân cư thuộc 42 tỉnh thành và khu vực tự trị của Nga. Kết quả cho thấy tác gia được đọc nhiều nhất vẫn là Pushkin, nhưng tác gia có tác phẩm được nhận biết nhiều nhất lại là Gogol (70% người nhận ra “Những linh hồn chết”, 63% người nhận ra “Quan thanh tra” là của Gogol; nhưng chỉ có 52% người nhận ra “Poltava”, 59% người nhận ra “Kỵ sĩ đồng” là của Pushkin)[25].

Không thể và không nên so sánh hơn kém giữa hai con người Nga vĩ đại này. Đó là những “hiện tượng đặc biệt của tinh thần Nga” mà sức ảnh hưởng sau hai thế kỷ và hơn thế nữa vẫn rất mạnh mẽ. Đồng thời ở nơi họ, nhất là ở Gogol, vẫn còn chứa chất nhiều bí ẩn mời gọi những nghiên cứu và khám phá. “Chiếc áo khoác” và nhân vật Akaky Akakievich là một phần của những bí ẩn đó.



[1] Dẫn theo Eikhenbaum B.M. “Chiếc áo khóac” của Gogol được tạo ra  như thế nào. (trong cuốn: Về văn xuôi, Leningrad, Văn học nghệ thuật, 1969, tr.306-326)

[2] Dẫn theo tài liệu trên.

[3] Annenkov P. Hồi ức văn chương, Moskva, 1960. Dẫn theo: Emets D.A. Truyền thống thánh sử trong truyện “Chiếc áo khoác” của Gogol,

[4] Diglatorskaya O.G., Cái huyền ảo trong “Những truyện Petersburg” của N.V.Gogol, Vladivostok, 1986, tr.160.

[5] Belinsky V.G. Toàn tập tác phẩm, tập 6, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Moskva, 1956, tr.220.

[6] Dẫn theo: Antokolsky P. Trường ca “Những linh hồn chết” (Bài giới thiệu cho tác phẩm “Những linh hồn chết” của Gogol), NXB Văn học nghệ thuật, Moskva, 1978, tr.4.

[7] Các đoạn trích “Chiếc áo khoác” lấy từ bản tiếng Nga trong: Gogol N.V. Hợp tuyển tác phẩm (9 tập), tập 3, Moskva, “Sách Nga”, 1994.

[8] Pososhkov I.T. Sách về sự  nghèo và giàu, chương 4: Về giới thương nhân (Nguồn: http://www.krotov.info/history/18/1710/pososhkov_02.htm#4 )

[9] Dẫn theo: Tamarchenko D.E. Từ lịch sử tiểu thuyết cổ điển Nga. NXB Viện Hàn lâm Liên Xô, Moskva - Leningrad, 1961, tr. 108.

[10] Eikhenbaum B.M. Chiếc áo khoác của Gogol được tạo ra như thế nào? Nguồn: http://feb/gogol/critics/ein-306/eih-306-.htm

[11] Shepelev L.E., Thế giới công chức Nga: thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, SPb, 1999, tr.176.

[12] Pushkin A.S. Toàn tập tác phẩm, tập 8, Moskva, 1964.

[13] Dobin E.S., Nghệ thuật của chi tiết, Leningrad, 1975.

[14] Mann Yu. Thi pháp Gogol. Những dị bản đề tài. Moskva, 1996, tr. 92-93.

[15] Gogol N.V. Những đoạn chọn lọc từ thư từ gửi bè bạn, XXXI (Nguồn: http://feb-web.ru/feb/griboed/critics/krit/krit14.htm)

[16] Viêt theo tiếng Anh là John Sinaites, 525-606, là tu sĩ ở tu viện Thánh Catherine trên núi Sinaite.

[17] Ioanna Sinaite, Lestvitsa (Cầu thang lên trời), chương 4 (Nguồn Internet : http://www.wco.ru/biblio/books/ioannl1?main.htm )

[18] Gogol N.V. Đêm tháng năm hay người đàn bà chết đuối. Trong: Gogl N.V. Toàn tập tác phẩm (14 tập), tập 1, tr.154 (Nguồn Internet: http://feb-web.ru/feb/gogol/texts/ps0/ps1/ps1-153-.htm)

[19] Thực ra, tên Akaky vào đầu thế kỷ XIX cũng là một tên hiếm, bởi như theo “Sách hướng dẫn các cha xứ nông thôn” năm 1875, nó thuộc nhóm những tên gốc Hy Lap, Do Thái và La Mã, “mặc dù có nghĩa cao thượng, nhưng khi hòa âm với các từ tiếng Nga thì lại gợi những ý nghĩa thấp hèn”.

 

[20] Gogol N.V. Những đoạn chọn lọc từ thư từ gửi bè bạn, (Phần XVIII: Bốn bức thư liên quan đến “Những linh hồn chết” gửi cho những người khác nhau, bức thứ 3). Nguồn: http://az.lib.ru/g/gogolx_n_w/text_0160.shtml

[21] Gogol N.V., Tài liệu trên (Lời nói đầu).

[22] Gogol N.V., Tài liệu trên (Phần I: Di chúc)

[23] Theo: Vopopaiev V.A. Kinh nghiệm viết tiểu sử tinh thần, Moskva, Palomshik, 2008, tr.212-213.

[24] Pushkin A.S. Thư gửi Zhukovsky, ngày 20 tháng 4 năm 1825. Trong: Toàn tập tác phẩm (16 tập), tập 13, Moskva, Leningrad, 1937, tr.166.

[25] Dẫn theo RIA Novosti (Thông tấn Nga), ngày 1 tháng 4 năm 2009.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60427116
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8091
6820
60427116

Thành viên trực tuyến

Đang có 759 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website