Alexandr Sumarokov

Một nhân vật quan trọng của thơ ca Nga thế kỷ XVIII là Alexandr Petrovich Sumarokov (1717-1777).

 

Sumarokov là nhà thơ chuyên nghiệp đầu tiên của Nga: đó cũng là một dấu hiệu phát triển quan trọng của văn chương Nga. Đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, Tản Đà mới có tuyên ngôn cho loại hình người sáng tác văn chương chuyên nghiệp “Còn non, còn nước, còn trăng gió/ Còn có thơ văn bán phố phường”, còn ở Nga hiện tượng này bắt đầu từ nửa đầu thế kỷ XVIII. Gắn với sự chuyên nghiệp hóa hoạt động sáng tác văn chương là sự ra đời và phát triển của nghề xuất bản và báo chí. Mốc khởi đầu của báo chí Nga là năm 1702 – thời điểm phát hành tờ báo in đầu tiên “Tin tức” (Vedomosti) (Trước đó đã có các tờ báo viết tay, nhưng chỉ được chép khoảng một hai bản để hoàng đế và một số quý tộc cận thần đọc). Đây là tờ báo của nhà nước, được xuất bản theo sắc lệnh của Pyotr I, nhằm mục đích tuyên truyền cho những chính sách cải cách của hoàng đế nên rất chú trọng đến tính chất tư tưởng, chính trị. Đồng thời, tờ báo in đầu tiên này cũng đánh một dấu bước phát triển của văn hóa Nga, nhất là từ năm 1710, nó được in bằng mẫu tự quốc ngữ (grazhdansky shtripht) thay cho mẫu tự Slav cổ.[1] Số lượng ấn bản của nó dao động từ vài chục cho đến vài ngàn bản. Từ 1728, có thêm nhiều tờ báo, tạp chí của nhà nước xuất hiện (“Chú giải”, “Bình luận”, “Tin tức Moskva”…). Đến giữa thế kỷ XVIII, tờ báo tư nhân đầu tiên ra đời: đó là tờ “Con ong cần cù” của Sumarokov (1759). Khác với các tờ công báo thiên về việc đưa các tin tức của triều đình và của giới công chức, ít chú trọng đến thông tin văn hóa, tờ “Con ong cần cù” chủ yếu là một tờ báo mang tính văn học. Nó được xuất bản hàng tháng với lượng ấn bản lên đến 1200, nhưng do có khuynh hướng phê phán mà nó không được triều đình ủng hộ. Nữ hoàng Elizaveta cũng như đại công nương Ekaterina – sau trở thành nữ hoàng Ekaterina II – đều không ưa tờ báo, và vì thế đến tháng 12 năm 1759 nó bị đình bản. Sau tờ “Con ong cần cù”, có thêm nhiều tờ báo văn học tư nhân khác (chủ yếu có khuynh hướng châm biếm) xuất hiện như các tờ “Truten” và “Họa sĩ” của N.I.Novikov,  “Bạn của những người trung thực” của D.I.Fonvizin, “Khán giả”, “Bưu điện linh hồn” của I. Krylov, v.v... Báo chí Nga thế kỷ XVIII (cũng như ở các thế kỷ sau) có liên quan mật thiết với sự phát triển của văn học. Các nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của thế kỷ đều tham gia hoạt động báo chí, và như có thể thấy ở trên, Sumarokov là một trong những người đi tiên phong.

 

Lao động văn chương, báo chí là nguồn sống, và như nhiều người sống bằng nghề cầm bút trong quá khứ, dù xuất thân từ tầng lớp quý tộc, Sumarokov đã sống và chết trong cảnh bần hàn.

 

Kém Lomonosov 6 tuổi, Sumarokov là người đương thời với Lomonosov, cùng góp phần tạo nên chủ nghĩa cổ điển trong văn học Nga, nhưng cũng đồng thời rất khác biệt với Lomonosov, tạo nên một cái gọi là “trường phái Sumarokov” bên cạnh “trường phái Lomonosov” của thơ ca Nga thế kỷ XVIII.

 

Năm 1748, Sumarokov viết “Thư về phép làm thơ” (Epistola o stikhotvorchestve) trong đó bằng những lời thơ du dương và rất nhiều thành ngữ, châm ngôn được sử dụng rất đắt, nhà thơ đã dịch sang tiếng Nga nội dung bản luận văn nổi tiếng của Boileau “Nghệ thuật thi ca”. Tuy nhiên, “Thư về phép làm thơ” cũng là tác phẩm mang những tư tưởng của bản thân Sumarokov, hướng tới nền thơ ca Nga.

 

Sumarokov sáng tác trên mọi thể loại thơ châu Âu mà người Nga thế kỷ XVIII đã biết đến: thơ ca tụng, thơ tín ngưỡng, tụng ca mang phong cách Anacreon, bi ca, sonnet, ballad, rondeau, eclogue (loại thơ đồng quê ngắn), thơ epistola (viết dưới dạng bức thư), thơ trào phúng, châm biếm, ngụ ngôn, cổ tích, …

 

Nếu như Lomonosov nổi tiếng với những tụng ca đầy cảm hứng hân hoan, hào sảng, thì phong cách của Sumarokov lại đậm chất bi ai. Đó cũng là một khía cạnh của tâm hồn Nga được phản ánh trong thơ ca, như Pushkin từng viết :

 

Từ anh đánh xe đến nhà thơ hạng nhất

 

Tất cả đều cất tiếng hát u sầu

 

Bởi vậy, thể loại mà Sumarokov đóng góp nhiều nhất cho thơ Nga là các bài bi ca (tiếng Hy Lạp là elegeia, có nguồn gốc từ elegos – bài ca than khóc). Bi ca là những bài thơ với độ dài trung bình, bày tỏ những suy tưởng, hay cảm xúc - thường là cảm xúc buồn, và thường là từ ngôi thứ nhất, kết cấu bài thơ không tuân theo một trật tự nhất định nào. Là một thể thơ có từ thời cổ đại (xuất hiện khoảng vào thế kỷ VII trước công nguyên ở Hy Lạp), bi ca được sáng tác nhiều vào thời Phục hưng và thời chủ nghĩa cổ điển (từ giữa thế kỷ XIX và sang thế kỷ XX, không còn bi ca như một thể loại thơ ca nữa, tên gọi “elegy” chỉ được nhắc đến như dấu hiệu của truyền thống trong một số nhan đề bài thơ hay tập thơ, ví dụ “Bi ca Duin” của R.Rilke, “Bi ca Buka” của B.Brecht, một số bài thơ của Akhmatova).

 

Mặc dù Sumarokov ngưỡng mộ tài năng của Lomonosov, nhưng thơ Sumarokov lại đi theo một hướng đối lập với thơ Lomonosov. Khác với phong cách trang trọng, hoa mỹ, với nhiều ẩn dụ mang tính sách vở, bác học của Lomonosov, Sumarokov chú trọng sự giản dị, trong sáng của ngôn từ và hình tượng. Là một trong những người đi đầu của chủ nghĩa cổ điển Nga vốn coi trọng thi pháp chuẩn mực (cả trên phương diện sáng tác lẫn lý thuyết), nhưng Sumarokov cũng mạnh dạn thử nghiệm trên mọi cấu trúc vận luận, kể cả loại thơ không vần với các câu thơ có độ dài ngắn không cố định như các bài hát dân gian.

 

Sumarokov đã tập hợp quanh mình một loạt các nhà thơ trẻ tuổi hơn (V.I.Maikov, M.M.Kheraskov, I.F.Bogdanovich,…) tạo nên một  “trường phái thơ Sumarokov”. Họ chia sẻ quan niệm sáng tác và phong cách của ông, viết những bài bi ca và thơ tửu sắc theo phong cách Anacreon, những tác phẩm ngụ ngôn và thơ trào phúng, những bài thơ tình mang tính riêng tư,…

 

Sumarokov có thể được xem là người sáng lập ra thơ tình hiện đại của Nga, những bài thơ hay nhất của ông, nhất là các khúc ca, vẫn còn có sức mạnh lay động lòng người bởi sự chân thành và vần điệu đầy nhạc tính. Bởi vậy có thể dừng lại đôi chút để nói đến thơ tình của Sumarokov trong sự phát triển thơ tình Nga thế kỷ XVIII. Chủ đề tình yêu trần thế không thuộc phạm vi quan tâm của văn học Nga cổ, tuy nhiên có thể thấy những khúc ai ca của nàng Yaroslavna khóc quốc vương Igor trong “Bài ca về đạo quân Igor” hay của những người vợ các chiến binh trong “Zadonshchina” là những hạt mầm của thơ tình được nuôi dưỡng đã từ rất lâu trong văn chương thành văn Nga. Đó là chưa kể đến truyền thống của những bài ca tình yêu lưu truyền trong dân gian. Cuộc hội nhập với phương Tây thế kỷ XVIII, sự tiếp xúc với truyền thống tôn sùng Nữ thần Tình yêu của phương Tây từ cổ đại (Hy Lạp – La Mã) đến đương đại (chủ yếu là Pháp, Anh thế kỷ XVII-XVIII) đã thúc đẩy mối quan tâm đến chủ đề này nơi các nhà thơ Nga, nhất là những người “Tây học” nổi tiếng như Trediakovsky, Lomonosov. Tuy nhiên, Trediakovsky chỉ dừng lại ở việc dịch ra thành thơ tiểu thuyết của Paul Tallement “Chuyến du hành đến đảo tình yêu”. Còn Lomonosov, như đã nói ở trên, dẫu không lãng quên những cảm xúc tình yêu, nhưng ông lại muốn cất tiếng ca về những người anh hùng nhiều hơn; và hình tượng Người Nữ mà ông tôn thờ là “Mẹ Hiền – nước Nga”. Chỉ đến Sumarokov chủ đề tình yêu trần thế mới thực sự chiếm vai trò quan trọng. Có lẽ bản thân con người và số phận tình yêu của nhà thơ tác động không nhỏ đến điều này: Sumarokov là người đã vượt qua rào cản về đẳng cấp xã hội, yêu và kết hôn với một phụ nữ nông nô. Điều này hết sức đặc biệt ở thế kỷ XVIII; tận cuối thế kỷ, tác phẩm “Cô Liza đáng thương” (1792) của nhà văn theo chủ nghĩa tình cảm Karamzin còn gây chấn động giới độc giả như một phát minh mới: “Người nông dân cũng biết yêu”!

 

Các bài thơ tình yêu của Sumarokov nằm trong dòng chảy của chủ nghĩa cổ điển, bởi vậy tuân thủ nghiêm ngặt thi pháp chuẩn mực. Chính vì vậy thơ tình của ông thường được viết trong những hình thức thể loại thuần túy cổ điển như idyll, eclogue. Cả hai đều có thể tạm dịch là thơ điền viên, thơ đồng quê, nhưng thực ra không đúng lắm (cũng như gọi ode là tụng ca, elegy là bi ca, epigram là thơ trào phúng)[2].

 

Là một nhà thơ của chủ nghĩa cổ điển, Sumarokov luôn cố gắng tách biệt các thể loại tương ứng với các đề tài. Đối với chủ nghĩa cổ điển, mỗi nội dung (ca ngợi chiến công anh hùng, tình yêu u sầu, nỗi đau mất mát, niềm hân hoan…) sẽ tìm được một thể thơ thể hiện thích hợp tương ứng, quan trọng phải cố định thể thơ với đề tài, và không lẫn lộn các thể loại khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế, mọi thứ phức tạp hơn rất nhiều.

 

Trong các idylleclogue của Sumarokov, luôn có sự thâm nhập của các yếu tố elegy. Ngoài ra, mối tương tác giữa thơ ca dân gian và thơ ca thành văn đã diễn ra trong thơ Sumarokov, sau này trở thành một yếu tố quyết định sự phát triển của các thể loại này trong thế kỷ XVIII và XIX. Một trong những người kế tục Sumarokov với khuynh hướng này là M.I.Popov (khoảng 1742 – 1790), ông này rất quan tâm đến các thần thoại Slav cổ đại, đến văn học dân gian Nga. Các khúc ca đã trở thành một thể loại trữ tình linh hoạt nhất, không bị trói buộc bởi những yêu cầu nhất định về nhịp điệu.

 

 

 

Dưới đây là một bài thơ tình của Sumarokov, viết năm 1755:

 

 

Tôi nhuốm đầy chất độc chết người

Tuổi trẻ của tôi trôi trong khốn khó

Trái tim kêu gào giận dữ mỗi ngày

Ngực ngập tràn khổ đau cùng đau khổ

Trước bất hạnh tôi đã chào thua

Khó giữ vững để không gục đổ

 

Chỉ mình em là niềm vui sướng của tôi

Chỉ mình em – ánh sáng, niềm an ủi

Em là phần thưởng cho nỗi khổ đau

Mà hạnh phúc mang cho tôi đó.

Cuộc đời tôi chẳng sướng vui nào nữa

Em đã cuốn trôi đi phần dữ dội của mình

 

Trong máu của em, hỡi em quý giá

Chẳng phút nào lạnh lẽo với tôi

Tôi phấn chấn chỉ bởi niềm vui được nhìn ngắm

Như số mệnh lôi mất đi mọi sức sống mất rồi

Cứ để mọi bất hạnh dồn lại đây

Chỉ cần giữ được em trong khao khát.

 

Phương Phương dịch

(1755)

 

Смертельного наполнен яда,

В бедах младой мой век течет.

Рвет сердце всякий день досада

И скорбь за скорбью в грудь влечет,

Подвержен я несчастья власти,

Едва креплюся, чтоб не пасти.

 

Ты в жизни мне одна отрада,

Одна утеха ты, мой свет!

За горести мне ты награда,

Котору счастье мне дает,

Мне в жизни нет иныя сласти.

Тобой сношу свирепство части.

 

В крови твоей, драгая, хлада

Ко мне ни на минуту нет.

Бодрюсь одним приятством взгляда,

Как рок все силы прочь берет.

Пускай сберутся все напасти,

Лишь ты тверда пребуди в страсти.

 

 

 

 


[1] Mẫu tự Slav cổ chủ yếu dùng cho sách vở nhà thờ, được viết tay, cầu kỳ phức tạp. Hệ thống mẫu tự quốc ngữ được ban hành theo sắc lệnh của Pyotr I, đơn giản, ít chữ hơn, thích hợp với việc in máy.

[2] Idyll (tiếng Hy Lạp eidyllion  nghĩa là bức tranh nhỏ) chỉ tác phẩm thơ (hay văn xuôi khuôn khổ nhỏ, viết về cuộc sống đồng quê, thường mang tính lý tưởng hóa ; nhưng thuật ngữ này cũng để chỉ cả những bài thơ có tính tự sự mang chủ đề sử thi hay lãng mạn.

Eclogue bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp ekloge với nghĩa « nháp, chọn lọc (đặc biệt là những đoạn ngắn) ». Thuật ngữ này ban đầu để chỉ những bài thơ ngắn, hoặc những trích đoạn chọn lọc từ các tập thơ. Thời La Mã, do ảnh hưởng của tác phẩm « Mục đồng ca » (Bucolica) của Virgil, eclogue được dùng để chỉ những bài thơ mục đồng của các nhà thơ La Mã phỏng theo thơ Virgil. Eclogue tiếp tục được các nhà thơ thời Phục Hưng và các thời đại sau sáng tác, nội dung chủ yếu gắn với cuộc sống bình yên của đồng quê, nhưng cũng có những eclogue viết về biển (như các eclogues của nhà thơ Ý thế kỷ XVI Jacopo Sannazaro, hay của nha thơ Anh thế kỷ XVIII William Diaper), hoặc « Eclogue thị thành » của nhà thơ thế kỷ XX Mary Wortley.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60423551
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4526
6820
60423551

Thành viên trực tuyến

Đang có 169 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website