Sở Cuồng Lê Dư – học giả tiên phong trong việc nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

Đoàn Lê Giang-Lê Quang Trường(*)

Từ cuối thập niên 1980 quan hệ Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu nồng ấm trở lại, việc học tập và nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam và Nhật Bản được tăng cường. Năm 1990 giới sử học hai nước đã mở hội thảo về Hội An, nơi còn lưu lại nhiều dấu tích về giao thương Việt Nam và Nhật Bản TK.XVII. Trong tập kỷ yếu hội thảo, có bài Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Gaiban tsusho (Ngoại phiên thông thư) của Giáo sư Kawamoto Kunie, một nhà Việt Nam học có tiếng của Nhật Bản([1]). Đây là bài viết đầu tiên bằng tiếng Việt giới thiệu về các bức thư trao đổi giữa Mạc phủ Tokugawa (Nhật Bản) và chúa Trịnh, chúa Nguyễn (Việt Nam). Năm 1995, trên Kiến thức ngày nay số Xuân, chúng tôi (Đoàn Lê Giang) có viết bài giới thiệu về nhà thơ Nhật Bản Abe no Nakamaro (TK.VIII), bạn thơ của Lý Bạch lưu lạc đến Việt Nam (bài Một người bạn của Lý Bạch lưu lạc ở Việt Nam)…Ngoại phiên thông thư và Abe no Nakamaro là hai sự kiện quan trọng, nổi bật về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không thể bỏ qua. Từ cuối thập niên 1990 trở đi việc nghiên cứu về quan hệ văn hoá, văn học giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Gần đây, nhân tìm hiểu phần Hán văn trên Nam phong tạp chí, chúng tôi mới phát hiện ra là từ gần 100 năm trước Lê Dư đã nghiên cứu về những chuyện nói trên khá kỹ, chỉ tiếc là ông viết bằng Hán văn, nên ít người chú ý đến.

Sở Cuồng Lê Dư 楚狂黎輿. Lê Dư (?-1967) người Quảng Nam, năm 1900 ông cùng với Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác ra Hà Nội học tiếng Pháp và tham gia công tác tại trường Đông Kinh nghĩa thục và phong trào Đông du. Năm 1908 ông bị Nhật trục xuất cùng với các lưu học sinh Đông du khác. Ông tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc, từng đến Triều Tiên. Năm 1925 ông về nước làm việc ở trường Viễn Đông bác cổ, cộng tác thường xuyên với Nam phong tạp chí, Hữu thanh, Đông tây … sáng tác và trước thuật nhiều tác phầm có giá trị như: Tây Sơn ngoại sử, Nữ lưu văn học sử, Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập… Năm 1920 Lê Dư công bố loạt bài viết có giá trị với tên chung là Liệt quốc thái phong ký列國採風記 (Ghi chép về phong tục các nước), trong đó viết về Nhật Bản bắt đầu từ số 41 (tháng 11/ 1920).

Trong hai số 41 (tháng 11/ 1920) và 42 (tháng 12/1920), Lê Dư giới thiệu về các lĩnh vực của Nhật Bản : Địa lý Nhật Bản, Nhân chủng và tính quốc dân Nhật Bản, Lịch sử Nhật Bản, Ngôn ngữ và văn tự của Nhật Bản, Văn học Nhật Bản.

Nam phong tạp chí số 43 (tháng 1/ 1921, phần Hán văn), Lê Dư viết : Liệt quốc thái phong ký, tục tam: Cổ thời ngã quốc dữ Nhật Bản giao thông chi lịch sử 列國採風記, 續三, 古時我國與日本交通之歷史 (Ghi chép phong vật các nước, phần 3: Lịch sử ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản thời cổ).

Nam phong tạp chí số 45 (tháng 3/ 1921, phần Hán văn), ông viết: Liệt quốc thái phong ký, tục tứ: Nhật Bản chi giáo dục日本之教育 (Ghi chép phong vật các nước, phần 4: Giáo dục Nhật Bản).  

Trong hai số Nam phong tạp chí số 54 (tháng 12/ 1921, Hán văn) và 56 (tháng 2/ 1922), Lê Dư lần lượt giới thiệu 35 bức thư trao đổi giữa chúa Trịnh, chúa Nguyễn và Mạc phủ Tokugawa in trong tập Ngoại phiên thông thư - An Nam quốc thư : Bài 1 : Cổ đại Nam Nhật giao thông khảo 古代南日交通攷, phụ đề: Bản triều tiên đại dữ Nhật Bản giao thông chi văn thư 本朝先代與日本交通之文書, 25 bức ; Bài 2: Cổ đại ngã quốc dữ Nhật Bản chi giao thông (tục) 古代我國與日本之交通 (), 10 bức.

Như vậy có thể nói Sở Cuồng Lê Dư là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời cũng là người đầu tiên giới thiệu tập thư từ trao đổi giữa hai nước trong  Ngoại phiên thông thư.

Để ghi nhận công lao của Lê Dư như là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời cũng giới thiệu một tư liệu quý còn nhiều khả năng tiếp tục khai thác, chúng tôi xin trích dịch dưới đây bài :

- Liệt quốc thái phong ký, tục tam: Cổ thời ngã quốc dữ Nhật Bản giao thông chi lịch sử 列國採風記, 續三, 古時我國與日本交通之歷史 (Ghi chép phong vật các nước, phần 3: Lịch sử ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản thời cổ) đăng trên Nam phong tạp chí (Hán văn), số 43, tháng 1/ 1921

- Liệt quốc thái phong ký, tục tứ: Nhật Bản chi giáo dục日本之教育 (Ghi chép phong vật các nước, phần 4: Giáo dục Nhật Bản) đăng trên Nam phong tạp chí (Hán văn), số 45, tháng 3/ 1921([2]).

****

LỊCH SỬ GIAO LƯU GIỮA NHẬT BẢN VÀ NƯỚC TA (VIỆT NAM) THỜI XƯA列國採風記, 續三, 古時我國與日本交通之歷史

Khoảng năm 700 (thời đại Thánh Võ Thiên hoàng của Nhật Bản), Phật Triết thiền sư 佛哲禪師người Lâm Ấp cùng với Bồ Đề Tăng Chính 菩提僧正người Ấn Độ đến Nhật Bản truyền bá Phật giáo, và dạy điệu múa Bạt đầu vũ 拔頭舞và Bồ đề vũ菩提舞. Người Nhật gọi điệu múa đó là điệu múa Lâm Ấp. Nhật Bản có điệu múa bắt đầu từ đây. Có thể thấy, Nhật Bản văn minh, người nước ta cũng có góp sức vào việc ấy.

Năm 716 (Đường năm Khai Nguyên thứ 4, Nhật Bản thời Nguyên Chính Thiên hoàng) người Nhật là A Bộ Trọng Ma 阿部仲磨 (Abe no Nakamaro) (còn có tên  là Triều Giám 晁監, tức Triều Hành 朝衡)([3]), Cát Bị Chân Bị吉備真備 (Kibi no Makibi)([4])… theo chân các sứ nhà Đường sang du học Trung Quốc. Đến năm 753, cùng với chánh sứ Đằng Nguyên Thanh Hà 藤原清河(Fujiwara no Kiyokawa)([5]) trở về Nhật Bản. Ở Minh Châu明州 (tức Tứ Minh四明, nay là Ninh Ba) cùng với các bạn thơ Lý Bạch, Vương Duy, Trừ Quang Hy… xướng hoạ thơ từ biệt, bấy giờ đêm khuya trăng sáng, A Bộ cất tiếng đọc rằng:  

美加佐能屋满爾伊天志津起加毛 (Mikasanoyamani Ideshi, tsukikamo) tức là cùng trăng đến núi Tam Lạp/ Mikasa, được đời xưng truyền là khúc tuyệt xướng Tam Lạp.([6])

Lại làm thơ rằng:

御命將辭國

非才忝侍臣

中天戀明主

海外憶慈親

Ngự mệnh tương từ quốc,

Phi tài thiểm thị thần.

Trung thiên luyến minh chủ,

Hải ngoại ức từ thân.

(Vâng mệnh rời đất nước,

Thẹn bề tôi bất tài.

Luyến minh quân Hoa hạ,

Nhớ mẹ hiền ngoài khơi.)

Lý Bạch tặng cho ông một bài thơ lúc tiễn đưa rằng:

日本晁卿辭帝都

征帆一片繞平湖

明月不歸沈璧海

白雲秋色滿蒼梧

Nhật Bản Triều khanh từ đế đô

Chinh phàm nhất phiến nhiễu bình hồ

Minh nguyệt bất quy trầm bích hải

Bạch vân thu sắc mãn Thương Ngô

(Ông Triều Hành người Nhật Bản từ biệt kinh đô,

Một mảnh buồm đi xa còn vương vấn mặt hồ

Trăng sáng không về được, chìm trong biển biếc

Mây trắng nhuốm màu thu vương đầy Thương Ngô)([7])

Vương Duy tặng một bài thơ rằng:

積水不可極

安知滄海東

九州何處遠

萬里若乘空

去國唯看日

歸帆但信風

鰲身映天黑

魚眼射波紅

鄉樹扶桑外

主人孤島中

別離方異域

音信若為通

Tích thuỷ bất khả cực,

An tri thương hải đông.

Cửu Châu hà xứ viễn,

Vạn lý nhược thừa không.

Khứ quốc duy khan nhật,

Quy phàm đản tín phong.

Ngao thân ánh thiên hắc,

Ngư nhãn xạ ba hồng.

Hương thụ Phù Tang ngoại,

Chủ nhân cô đảo trung.

Biệt li phương dị vực,

Âm tín nhược vi thông.

(Chứa nước mãi không đầy,

Hay đâu biển phía đông.

Xứ Cửu châu (Kyushu) xa xôi ở đâu?

Vạn dặm như cưỡi thuyền trên trời

Rời nước về Nhật chỉ cần nhìn hướng mặt trời

Thuyền về quê chỉ cậy vào gió

Thân rùa bể rực lên giữa trời đêm,

Mắt cá chiếu đỏ sóng biển.

Quê hương ở ngoài cõi Phù Tang,

Chủ nhân ở trong đảo lẻ loi.

Biệt ly hai phương trời khác nhau,

Tin tức làm sao mà báo cho nhau được!)

Thế rồi ông dong thuyền đi bị gió thổi dạt đến nước Lưu Cầu, lại giương buồm nhằm hướng Đại Ngung大隅/ Ōsumi Hantō (địa danh ở Nhật Bản)([8]) mà đi, nhưng lại gặp gió lớn thổi dạt vào Quảng Nam Đà Nẵng, sau cùng với Thanh Hà/ Kiyokawa 清河, đến Hoan Châu (tức Nghệ An ngày nay) được người nước ra và quan Đường Đô hộ tiếp đãi thân tình. Ông lại giong thuyền đi về hướng bắc, lại đến Trường An (nay là tỉnh Thiểm Tây) lại làm quan cho nhà Đường. Vua Đường Huyền Tôn đặc tiến trao cho Thanh Hà/ Kiyokawa 清河chức Bí thư giám, rồi đổi tên là Hà Thanh河清, và trao cho Trọng Ma仲磨/ Nakamaro chức Quang Lộc đại phu, sau thăng lên chức Tả tán kỵ thường thị. Trọng Ma/ Nakamaro vì mến mộ Trung Quốc nên không chịu về Nhật, đổi tên thành Triều Hành, nên còn gọi là A Bộ Triều Hành阿部朝衡. Ông ở Đường được 54 năm. Năm 770 (năm Đại Lịch thứ 5 đời Đường Đại Tôn, năm Bảo Quy thứ 5 của Nhật Bản) ông qua đời, được tặng chức Lộ Châu潞州đại đô đốc.

Năm 867 (năm Hàm Thông thứ 8 đời Đường, năm Trinh Quán thứ 9 của Nhật Bản), Cao Nhạc Thân vương 高岳親王(Takaoka shinnou) là hoàng thái tử của Thiên hoàng Ta Nga/ Saga嵯峨天皇, pháp hiệu là Chân Như真如nhập đạo làm đệ tử của đại sư Hoằng Pháp 弘法 (Kobo daishi) ở Trung Quốc. Vì nghĩ ở Nhật khó mà được phật pháp chân chính, nên sang Trung Quốc du học 15 năm. Năm 882, lại muốn đến Thiên Trúc, liền đi về phía nam, băng sông vượt núi, nếm đủ khó khăn, đến nước La Việt 羅越gần Vân Nam (nay là Ai Lao哀牢) bị cọp giết hại, gửi xương nơi núi sâu. Người Nhật vốn trọng những người trong hoàng tộc, lại giàu lòng hoài cổ, nên các bậc sĩ phu mỗi khi ngồi nói chuyện với tôi đều thuật lại chuyện này.

Năm 1592 (năm Quang Hưng thứ 15 đời Lê Thánh Tôn, năm Văn Lộc thứ nhất của Nhật), Trung Quốc và Nhật Bản chiến tranh dai dẳng khiến dân mệt mỏi, vua Thế Tôn nước ta gửi thư cho vua Minh (năm Vạn Lịch thứ 20 đời Minh), xin đem quân An Nam sang Nhật để thừa cơ tấn công, vua Minh không thuận. Nghị viên Nhật Bản là Trúc Việt Dữ Tam Lang/ Takekoshi Yosaburō竹越與三郎tác giả cuốn Nam quốc ký có thuật chuyện này, bảo rằng vua An Nam bấy giờ có việc thỉnh xin như thế ắt là có chỗ rất tự tin vậy, mà vua Minh không cho, thật là đáng tiếc. Tôi cũng rất lấy làm tiếc bởi việc nước ta thời xưa vì thế mà không thể  dương oai với nước ngoài được vậy.

Năm 1593 (năm Văn Lộc thứ 2 của Nhật), 3 chiếc thuyền từ Kinh đô/ Kyoto京都, 1 thuyền từ Sakai (địa danh ở Nhật)([9]), 5 chiếc thuyền từ Trường Kỳ/ Nagasaki 長崎của Nhật tổng cộng là 9 thuyền đi đến các xứ Đông Kinh 東京, Giao Chỉ 交趾, Campuchia để buôn bán làm ăn. Có các thuyền chủ rất nổi tiếng như Giác Thương Dữ Nhất/ Suminokura Yoichi 角倉與一 ([10]) của Kinh đô, Trà Ốc Tứ Lang/ Chaya Shirōjirō 茶屋四郎次郎([11]) của vùng Sakai , Hoang Mộc Tôn Thái Lang/  Araki Sotaro荒木尊太郎, Thuyền Bản Di Thất Lang/ Yashichiro船本弥七, Di Tả Vệ Môn/ Yasaemon彌左衛門 của Trường Kỳ/ Nagasaki… nhiều người đã cư ngụ ở Hội An của Quảng Nam.

Xét thấy ở Hội An có một loại nhà được gọi là nhà của người Nhật Bản, lại có một chiếc cầu gọi là Chùa Cầu. Hiếu Minh hoàng đế triều Nguyễn ta từng ngự đề ba chữ “Lai Viễn Kiều來遠橋” treo ở sảnh của cầu đó, đến nay vẫn còn. Chiếc cầu ấy trông rất u nhã, kiến trúc giống với những chiếc cầu cổ xưa của Nhật, đó là thứ mà người Nhật xây dựng khi cư ngụ ở Hội An, đồng thời họ cũng từng xây dựng nhà cửa để ở. Cuối thời Minh, trưng sĩ Chu Thuấn Thuỷ tiên sinh có làm quyển Cung dịch An Nam ký sự 供役安南紀事 có ghi rằng: đem cầm bán những thứ trong nhà trả cho Di Tả Vệ Môn/ Yasaemon 彌左衛門40 lạng bạc 8 tiền, trả tiền thuê phòng cho chủ nhà trọ Quyền Binh Vệ/ Gonnobyoe 權兵衛30 lạng. Họ Chu bấy giờ cũng là khách cư ngụ ở Hội An, có thể biết người Nhật ở Hội An từng có nhà cho người ta thuê ở.

Khoảng năm 1600 (thời đại Đức Xuyên của Nhật), nước ta giao thương với nước Nhật rất thịnh, Đà Nẵng và Trường Kỳ/ Nagasaki có đường biển qua lại theo định kỳ. Công văn qua lại rất nhiều. Hiện nước Nhật lưu giữ văn thư của nước ta có đến 36 văn kiện. Năm 1915 (năm Đại Chính thứ 4 của Nhật) số văn kiện này từng được triển lãm tại nhà bảo tàng công viên Thượng Dã/ Ueno ở Đông Kinh, bấy giờ tôi có tham dự nhưng lại không lưu ý sao chép giữ gìn để đến nỗi bây giờ phải hối tiếc.

Năm 1627 (năm Khoan Vĩnh thứ 4 của Nhật), nước ta đưa thư sang Nhật xin thông thương.

Năm 1635 Nhật Bản hạ lệnh cấm qua lại bằng đường biển với các nước khác, không cho thông thương với các nước ngoài, những ai đi biển ra nước ngoài đều bị xử cực hình, đồng thời cấm thông thương với Giao Chỉ và Chiêm Thành. Thế rồi từ đó giao thông bị đứt. Cuối thời họ Túc Lợi/ Ashikaga, thương buôn hải tặc([12]) cứ vượt ra biển, trên cờ đề chữ Bát Phiên/ Yawata 八幡, thuyền buôn của họ thường đi ăn cướp.

Đầu thời Văn Lộc, họ Phong Thần/ Toyotomi bắt đầu cấp tín bài cho phép đi biển xa. Đến họ Đức Xuyên đặt 12 nhà thuyền, nhưng những thương nhân người Nhật thường ngang ngược. Nước ta cùng với Xiêm La từng sai sứ xin ngăn cấm việc ấy. Đến nay đã được 43 năm mới dừng giao dịch, đồng thời ban lệnh nghiêm cấm. Gặp lúc 5 người từng sống ở Quảng Nam quay về Nhật đều bị xử tử. Sau đó định lại chế độ tàu thuyền, cấm dựng 3 cột buồm, trừ những tàu lớn ra không được chở quá 500 thạch, đặt làm định lệ, để phòng việc đi biển xa vậy.

Năm 1693 (năm Chính Hoà thứ 14 đời Lê Dụ Tôn), vua nước ta đưa thư sang Trường Kỳ/ Nagasaki cảm ơn việc họ đã đưa các lưu dân trở về.

Năm 1727 (năm Bảo Thái thứ 8 đời Lê Dụ Tôn), nước Campuchia sai Ác Nhã Thế 握雅世 đến Trường Kỳ/ Nagasaki của Nhật để tặng sản vật và xin thông thương. Đức Xuyên Cát Tông/ Tokugawa Yoshimune德川吉宗 lệnh cho tín bài khi đi thuyền (thuyền bài) và trả các sản vật của họ.

Năm 1729 (năm Vĩnh Khánh thứ 1 đời Lê Duy Phòng) nước ta tặng một con voi. Nhật Bản Thiên hoàng thân đến xem xét, voi quỳ xuống như bái lễ, mọi người đều cho là điềm lạ.

Năm 1765 (năm thứ 26 đời Lê Hiển Tôn, năm Minh Hoà thứ 2 của Nhật), nhà thuyền ở Thuỷ Hộ/ Mito 水户xứ Thường Châu/ Hitachi常州của Nhật Bản là Tả Nguyên Thái/ Sgenta左源太 gồm 6 người… vào ngày 5 tháng 2 đi thuyền Cơ Cung Phàm 姬宮凡có 12 lá buồm xuất bến từ cảng Diêu Tử/ Chōshi 銚子, trải 43 ngày đêm trên biển đến ngày 17 tháng 3 thì cập bến Mỗi Nhật每日(không rõ địa danh này ở đâu) của nước ta, rồi lại đến vương thành Hội An. Ngày 2 tháng 11 năm ấy, nhà thuyền ở Tiểu Danh/ Kona小名 xứ Áo Châu/ Oshu奧州của Nhật Bản là Thiện Tứ Lang/ Zenshiro 善四郎 đi thuyền Trú Cát Phàm 住吉凡 có 12 lá buồm xuất phát từ bến Tiểu Danh/ Kona 小名, trải 82 ngày trên biển đến ngày 25 tháng 1 năm sau thì đến được sơn đảo, ngày 2 tháng 2 đến Nam Việt. Ngày 16 tháng 6 đến vương thành Hoihonkoku (không rõ ở đâu) lại đi thuyền, đổi sang đường bộ đi được 15 dặm, lại đi thuyền sông đến ngày 21 tháng 4 tới được Hội An, và tại đây gặp được các bạn tri giao là Tả Nguyên Thái/ Sagenta左源太.

Năm 1794 (năm thứ 6 đời vua Quang Trung, năm Khoan Chính thứ 6 của Nhật), ngày 27 tháng 8 nhà thuyền ở Danh Thủ/ Natori名取xứ Áo Châu奧州là Danh Tàng/ Katsukura 名藏 gồm 16 người đi thuyền lớn có 25 lá buồm xuất phát từ cảng Hàn Phong Trạch/ Sabusawa 寒風澤, trải 50 ngày trên biển, ngày 21 tháng 11 đến được một thôn nhỏ Tây Sơn của Quảng Nam (cách biển chừng 4 dặm), rồi đi thuyền sông, đến ngày 20 tháng 12 thì tới phủ Thuận Hoá được nước ta tiếp đãi thân thiết. Mấy tháng sau họ theo thuyền của Trung Quốc trở về Nhật Bản.

(Việc này có chép trong các sách Nhật Bản Nam phiêu ký, An Nam phiêu lưu vật ngữ, Á Châu nhân An Nam phiêu lưu ký…)

 

GIÁO DỤC CỦA NHẬT BẢN日本之教育)

Muốn xem văn hoá của một nước cần phải xét giáo dục của nước đó, mà muốn xét giáo dục của họ ắt phải đích thân đến xem trường học của họ. Nay xin khái thuật qua sự phát triển giáo dục và những tiến bộ khoa học của Nhật Bản thật khiến người ta phải kinh ngạc tán thán. Nước Nhật giàu mạnh vang danh trên thế giới chẳng qua là chuyện của 50 năm trở lại đây. Nếu xét hiệu quả mà nó mang lại thì chính là ở phổ cập giáo dục. Nhật Bản chỉ có ba đảo mà trường học có đến bốn chục nghìn. Cho nên anh tài nở rộ, thế nước mạnh mẽ, vì thế mới như hôm nay.

Học chế của Nhật Bản

Cả nước chia làm 7 khu đại học lớn. Phàm những trường học ở Nhật bất luận là quan lập, công lập hay tư lập đều do các phủ huyện nắm giữ, và thuộc Văn bộ tỉnh quản lý. Trẻ em từ 6 tuổi đến 14 tuổi gọi là học linh, đều phải cho đi học. Bậc làm cha mẹ phải gánh lấy trách nhiệm và bị xử phạt nếu để cho trẻ em bị thất học. Đây là chế độ giáo dục ép buộc phải thi hành. Quy chế của các trường học đều do các quan ở Văn bộ giám sát. Sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học thì phải vào trung học, học trung học 5 năm xong thì lên cao đẳng. (Trường cao đẳng có 2 loại, 1 là khoa dự bị đại học chuyên ngành, 2 là trường chuyên ngành), tốt nghiệp cao đẳng thì vào đại học. Học xong 3 năm đại học sẽ do hiệu trưởng cấp học vị cử nhân (học sĩ) (như học vị cử nhân văn học của Pháp). Kể từ lúc nhập học cho đến tốt nghiệp đại học tất cả là 17 năm. Học sinh nếu không có bệnh tật gì hoặc không bị lưu ban, thì thông thường khoảng 23, 24 tuổi có thể tốt nghiệp, nếu không thì đến 25, 26 tuổi mới có thể tốt nghiệp. Phàm những người tốt nghiệp đại học loại ưu, thì Văn bộ sẽ cấp học bổng cho người đó du học ở nước ngoài để mở rộng kiến thức uyên bác hơn. Còn các cử nhân khác hoặc do hiệu trưởng tiến cử hoặc do luận văn đạt chuẩn thì Văn bộ sẽ cấp cho học vị tiến sĩ (như học vị tiến sĩ văn học của Pháp).

Trong trường học có vườn động vật, vườn thực vật, có phòng kim thạch, phòng cổ sinh vật, phòng mô hình máy móc thổ mộc, phòng cổ khí vật, rất nhiều thứ để học sinh dùng làm thí nghiệm. Lại có thư viện, chứa các sách từ cổ chí kim, để cho người ta đọc tự do. Lại có nhà bảo tàng bày rất nhiều đồ vật các nước Âu Á để khảo chứng, chẳng có gì là không có, thật là toàn mỹ. Sự đầy đủ của giáo dục Nhật Bản là như thế.

Điều đáng ngưỡng mộ là nhà trẻ và trường tiểu học. Phàm những trẻ em 4, 5 tuổi phải được lệnh cho vào nhà trẻ. Trong nhà trẻ bày tất cả các quốc kỳ của các nước trên thế giới cùng những thứ đồ chơi phát triển trí năng của trẻ. Hàng ngày có các bảo mẫu cùng tham gia chơi và chỉ bảo cho chúng, khiến cho chúng làm quen và nhận biết mọi thứ. Trẻ nhỏ được môi trường vui chơi như thế, suốt ngày vui vẻ trong đó, những điều xấu của xã hội hạ lưu chẳng có chỗ để xâm nhập, nên có bậc cha mẹ của trẻ chẳng nhọc nhằn vất vả la mắng hay đòn roi, mà trẻ em vẫn vào nền nếp. Cho đến tuổi đi học thì vào tiểu học, bấy giờ dạy cho chúng phải tu thân sửa mình, dạy quốc ngữ, làm toán, lịch sử, địa lý, vật lý, vẽ, ca hát, thủ công, may vá, thương nghiệp, nông nghiệp, tiếng ngoại quốc… Trong đó, việc tu thân xem như là yếu chỉ, gồm hiếu đễ, yêu thương, cần kiệm, cung kính, thực thà, tin tưởng, nghĩa dũng… Việc dạy học trước hết dạy cho các hạng mục hết sức thiết thực gần gũi thực tiễn, sau đó dần dần tiến vào dạy những điều như có trách nhiệm với xã hội với đất nước để nâng cao phẩm chất, củng cố ý chí, tăng trưởng chí tiến thủ, khiến cho học sinh biết chuộng phẩm đức tốt đẹp, nuôi thành chí khí trung quân ái quốc. Còn yếu chỉ dạy quốc ngữ là để cho học sinh biết ngôn ngữ thông dụng và sử dụng thường ngày và cần phải biết văn chương chữ viết, đạt được khả năng biểu đạt tư tưởng của mình một cách chính xác, đồng thời mở mang trí tuệ của trẻ. Về làm toán thì cốt yếu ở việc tính toán thông dụng thường ngày và cung cấp những kiến thức trong sinh hoạt thường ngày, đồng thời khiến cho tư tưởng của học sinh đạt đến mức độ chính xác. Về lịch sử cốt yếu ở việc biết giữ gìn quốc thể, nuôi dưỡng chí khí của quốc dân. Môn địa lý cốt yếu ở việc cung cấp những kiến thức thông thường về tình hình cuộc sống của con người trên trái đất, biết được khái lược về địa thế của nước Nhật Bản, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Về môn vật lý chủ yếu khiến cho học sinh biết được những hiện tượng thiên nhiên và các sinh vật trong tự nhiên, biết được mối quan hệ qua lại giữa thiên nhiên với con người, đồng thời khiến cho học quan sát kỹ càng, nuôi dưỡng lòng yêu thế giới tự nhiên. Môn vẽ chủ yếu tạo cho học sinh những khả năng nhận biết các hình thể và vẽ lại chúng, đồng thời nuôi dưỡng tính thẩm mỹ của trẻ. Ca hát cốt yếu ở việc tạo cho trẻ biết hát những bài hát bình dị, nuôi dưỡng mỹ cảm của trẻ để hun đúc các đức tính tốt đẹp. Về thủ công cốt yếu ở việc dạy trẻ có thể chế tạo những đồ dùng đơn giản, nuôi dưỡng thói quen yêu lao động. May vá cốt yếu ở cách may vá áo quần bình thường đồng thời nuôi dưỡng tính tiết kiệm và thói quen tận dụng mọi thứ. Môn thương nghiệp cốt yếu dạy những tri thức liên quan đến thương nghiệp thông thường, nuôi dưỡng sự nhạy bén và tính phấn đấu, cả thói quen trọng chữ tín. Về nông nghiệp chủ yếu dạy những kiến thức thông thường về nông nghiệp, tăng thêm sự thú vị, nuôi dưỡng lòng cố gắng lao động và ích dụng. Môn ngoại ngữ chủ yếu dạy khả năng đối thoại đơn giản và hiểu được chút văn chương để tiện việc xử thế giao tiếp. Tinh thần giáo dục của Nhật Bản là như thế.

Cho nên tính quốc dân của người Nhật rất ưu mỹ, người ta gọi là hồn Đại Hoà (Yamato damashi). Việc hàm dưỡng từ khi mang thai thật cũng có nguyên nhân của nó. Chiến công của các cuộc chiến tranh giữa Nhật với Thanh, Nhật với Nga, người ta không quy công cho những quân nhân thuỷ hay lục mà quy công cho những người dạy bậc tiểu học, thật không phải không có lý.

Còn về quy tắc, bất luận trường học nào cũng đều rất nghiêm khắc. Việc chấn chỉnh thời gian học tập chẳng chờ phải ai bàn. Việc trang phục ăn uống của học sinh cũng rất nghiêm khắc, học sinh không được ăn mặc quá đẹp, không được ăn uống trong hàng quán rượu chè, nhờ đó mà nuôi dưỡng học phong nghiêm khắc, xưa nay chưa từng có việc uống rượu tiêu phí tự do mà không đoái hoài tới nhân cách. Tây học khoáng đạt hơn nhưng họ chọn lọc những thứ tốt đẹp, như học sinh ở các nơi khác vậy.

Các loại trường học ở Đông Kinh, Nhật Bản

Đại học Đế Quốc (chia làm 6 đại học: Pháp khoa, Lý khoa, Văn khoa, Y khoa, Công khoa, Nông khoa. Cả nước có 3 trường), Đại học Hải Quân, Đại học Lục Quân, Trường Sĩ quan Lục quân, Trường Hộ Sơn Lục quân, Trường Pháo công Lục quân, Trường Kinh lý Lục quân, Trường mẫu giáo Lục quân,Trường binh hải quân, Trường cơ quan hải quân, Trường quân y hải quân, Trường chủ kế hải quân, Viện học tập (tức là nơi học tập của con em quý tộc), Trường nữ hoa tộc (nơi học tập của con gái quý tộc), Đại học Tảo Đạo Điền/ Waseda, Đại học Minh Trị/ Meiji, Đại học Trung ương, Đại học Nhật Bản/ Nippon, Đại học Đông Dương/ Toyo, Đại học Khánh Ứng/ Keio, Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng công nghiệp, Cao đẳng y học, Cao đẳng thương nghiệp, các trường chuyên môn và các trường cao đẳng (trường quan lập cả nước có 8 trường). Đại học nữ Đông Kinh, Trường nữ Sư phạm cao đẳng, Trường mỹ thuật Đông Kinh (dạy về hội hoạ, điêu khắc, mỹ thuật…), Trường âm nhạc Đông Kinh, Trường ngoại ngữ Đông Kinh, Viện Đông Á đồng văn thư, Trường Thành Thành, Trường trung học (cả nước có khoảng 400 trường), Trường  nữ cao đẳng (cả nước có khoảng 200 trường), trường học khuyết tật (cả nước có khoảng 15 trường), trường nữ sư phạm (cả nước có khoảng mấy chục trường), trường tiểu học (cả nước có khoảng hơn 30 000 trường).

Nội dung học tập của các phân khoa đại học của Đại học đế quốc

Các môn của Đại học Pháp khoa: Hiến pháp, Quốc pháp, Dân pháp, Thương pháp (luật kinh doanh), Hình pháp, Luật tố tụng Dân sự, Luật tố tụng Hình sự, Kinh tế học, Tài chính học, Thống kê học, Chính trị học, Chính trị sử, Hành chính pháp, Quốc tế công pháp, Quốc tế tư pháp, Pháp chế sử, Tỉ giảo pháp chế sử (lịch sử pháp chế so sánh), La Mã pháp, Anh Cát Lợi pháp, Đức Ý Chí pháp, Pháp Lan Tây pháp, Pháp lý học.

Các môn của Đại học Công khoa: Thổ mộc công học, Cơ giới công học, Tạo thuyền học (chế tạo thuyền), Bạc dụng cơ quan học (điều khiển tàu), Tạo binh học, Điện khí công học, Kiến trúc học, Ứng dụng hoá học, Hoả dược học (thuốc nổ), Thái khoáng học, Dã kim học (luyện kim), Ứng dụng lực học, Lực học.

Các môn học của Đại học Văn khoa: Quốc ngữ, Quốc văn, Lịch sử, Hán học, Trung Quốc ngữ học, Địa lý, Triết học, Triết học sử, Tâm lý, Luân lý, Luận lý, Xã hội học, Giáo dục học, Mỹ học, Ngôn ngữ, Phạn ngữ, Anh ngữ, Anh văn, Pháp ngữ, Pháp văn, Đức ngữ, Đức văn.

Các môn của Đại học Y khoa: Giải phẫu, Sinh lý, Y hoá học, Bệnh lý, Bệnh lý giải phẫu, Dược vật, Nội khoa, Sản khoa, Phụ nhân khoa, Tiểu nhi khoa, Ngoại khoa, Nhãn khoa, Bì phu bệnh (bệnh ngoài da), Vi sinh trùng, Tinh thần bệnh, Vệ sinh, Pháp y, Nhĩ tỵ yết hầu khoa (khoa tai mũi họng), Dược liệu…

Các môn của Đại học Nông khoa: Nông học, Nông nghệ hoá học, Hoá học, Lâm học, Thực vật, Động vật, Côn trùng, Dưỡng tàm (nuôi tằm), Viên nghệ (nghề làm vườn), Súc sản (chăn nuôi), Nông sản chế tạo, Sâm lâm lợi dụng (sử dụng và khai thác rừng), Địa chấn, Thổ nhưỡng, Nông lâm vật lý, Khí tượng, Nông chính, Kinh tế, Gia súc giải phẫu, Gia súc sinh lý, Gia súc nội khoa, Gia súc ngoại khoa.

Các môn của Đại học Lý khoa: Số học (Đại số, tam giác), Lý luận, Tinh học (sao), Vật lý, Hoá học, Động vật, Thực vật, Địa chất, Cổ sinh vật, Khoáng vật, Địa chấn, Nhân loại học.

 

Tư liệu tham khảo

  1. Kondo Juzo近藤 重蔵, Ngoại phiên thông thư 外蕃通書 – An Nam quốc thư安南國書., Quyển 11-14 (Hán văn và tiếng Nhật cổ)
  2. Ogura Sadao 小倉貞男, Người Nhật Bản thời Châu ấn thuyền朱印船時代の日本人, Chuko shinsho 中公新書913 (tiếng Nhật), 1989
  3. Sở Cuồng Lê Dư 楚狂 黎輿, Liệt quốc thái phong ký, phần 3 - Cổ thời ngã quốc dữ Nhật Bản giao thông chi lịch sử 列國採風記, 續三, 古時我國與日本交通之歷史, Nam phong tạp chí 南風雜誌 (Hán văn),  số 43, tháng 1 năm 1921
  4. Ủy ban quốc gia, Hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An, Đô thị cổ Hội An, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 năm 2014



* PGS, TS. Đoàn Lê Giang và TS Lê Quang Trường là giảng vên khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. 

[1] Đô thị cổ Hội An, NXB.KHXH, HN, 1991

[2] Còn tư liệu Ngoại phiên thông thư mà Lê Dư giới thiệu trên Nam phong tạp chí số 54, 56, chúng tôi (ĐLG) đã trình bày trong một báo cáo khác có tên : Ngoại phiên thông thư - tập tư liệu tối cổ về quan hệ Việt - Nhật (báo cáo đọc tại Hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy tiếng Nhật và nghiên cứu Nhật Bản tại  Việt Nam : quá khứ-hiện tại-tương lai » ベトナムにおける日本語教育日本研究――過去現在将来  do Trường Đại học Hà Nội tổ chức ngày 15 tháng 10 năm 2013).

[3]   Chính xác là A Bộ (hoặc Bội) Trọng Ma Lữ阿倍仲麻呂/ Abe no Nakamaro (698770).

[4]  Kibi no Makibi (695-775): Văn nhân thời Nara. Năm 717 lưu học sang Đường, 735 về nước. Khi về mang các sách Đường lễ,  Đại diễn lịch kinh…Ông được triều đình trọng dụng, sau lại làm phó sứ sang Đường. Làm đại thần chính nhị vị. Tác phẩm: Tư giáo loại tụ, San định luật lệnh.

[5]   Đằng Nguyên Thanh Hà 藤原清河(Fujiwara no Kiyokawa): Quý tộc thời Nara, Năm 750 du học nhà Đường. Sau này cùng Abe no Nakamaro về Nhật thì gặp bão trôi dạt đến An Nam. Được đưa về Trung Quốc, làm quan và chết ở Trung Quốc.

[6]     Bài này nguyên văn là: 天の原/ ふりさけ見れば/ 春日なる/ 三笠の山に/ いで し月かも.

Phiên âm Latin: Ama no hara/ Furisake mireba/ Kasuga naruMikasa no yama ni/  Ideshi tsuki kamo.    

Dịch: Bầu trời bát ngát/ Ngẩng đầu lên ngắm nhìn/ Mảnh trăng kia có phải/ Từ núi Mikasa, Kasuga quê ta/ Mọc lên. (Đoàn Lê Giang dịch, xem thêm: Đoàn Lê Giang, Abe no Nakamaro trong quan hệ Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản số 3 năm 1999).

[7]  Bản trên Nam phong có 2 chữ không đúng (gạch chân). Nguyên văn trong Toàn Đường thi, quyển 184: 晁卿 , 晁卿辭帝都, 征帆一片繞蓬壺。明月不歸沉海,白雲愁色滿蒼梧. Phiên âm: Nhật Bản Triều Khanh từ Đế đô/ Chinh phàm nhất phiến nhiễu Bồng Hồ/ Minh nguyệt bất quy trầm bích hải/ Bạch vân sầu sắc mãn thương ngô. Dịch: Bạn Nhật Triều Khanh rời Đế đô/ Buồm mây một lá đã xa bờ./ Trăng sáng không về chìm bể biếc/ Sắc buồn mây trắng, trắng Thương ngô. (Đoàn Lê Giang dịch, xem thêm: Abe no Nakamaro trong quan hệ Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, tài liệu đã dẫn)

 

 

[8] 大隅 Ōsumi Hantō: Bán đảo Osumi, ở đông bắc tỉnh Kagoshima (Kyushu) hiện nay.

[9] Sakai: tức chỉ Osaka

[10] Suminokura Yoichi角倉與一 (1571-1632): hiệu là Soan 素庵, nhà buôn quốc tế, nhà kiến trúc, nhà thư pháp thời Edo sơ kỳ.

[11] Chaya Shirōjirō 茶屋四郎次郎: Phú thương ở Kyoto thời Edo. Từng là người thân cận của Tướng quân Tokugawa Ieyasu, là một trong những nhà buôn lớn thời Châu ấn thuyền đầu thời Edo.

[12] Nguyên văn: “Hải cổ gian phỉ”, chỉ những thuyền vừa đi buôn trên biển vừa làm hải tặc. 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website