Thơ mới Nam Bộ 1932-1945

Tham luận đọc tại Hội thảo Phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn - 80 năm nhìn lại  

Với bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ đăng trên Phụ nữ tân văn số 122 (10/3/1932), Phan Khôi đã tuyên chiến công khai với Thơ cũ. Mở đầu ông kể lại duyên do ông làm bài thơ theo lối mới này:

Mới đây, tôi có được gặp ông Phạm Quỳnh ở Sài Gòn. Trong khi nói chuyện, ông nhắc đến mấy bài Trúc chi từ của tôi đã làm trên sông Hương khi gặp người bạn cũ là ông Nguyễn Bá Trác ở ngoại quốc mới về; ông Phạm tỏ ý khen mấy bài đó và nói chính mình đã dịch nó ra tiếng Pháp. Sau hết, ông khuyên tôi nên giữ cái thái độ ngâm thơ như hồi đó thì hơn.”

Ông không thể sáng tác thơ theo kiểu cũ nữa vì ý tứ, thể điệu truyền thống thì người xưa nói hết cả rồi. Còn những ý mới muốn nói ra thì bị niêm luật trói buộc không diễn tả được. Ông tiếp:

“Đại phàm thơ là để tả cảnh, tự tình, mà hoặc tình hoặc cảnh cũng phải quý cho chơn. Lối thơ cũ của ta, ngũ ngôn hay thất ngôn, tuyệt cú hay luật thể thì nó bị câu thúc quá. Mà dầu có phóng ra theo lối thất cổ, …cũng vẫn còn bị câu thúc. Hễ bị câu thúc thì nó mất cái chơn đi, không mất hết cũng mất già nửa phần. (…) Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thục nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được, song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết.”

Bài thơ Tình già đã ra đời như thế:

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
"Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!"

(…)
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi.
(1)

Bài thơ không thật hay, hình tượng thơ không thật mới, nhưng với sự công khai cái tôi xù xì và một thể thơ tự do không chịu bất cứ câu thúc nào đã mở toang ra một chân trời mới cho sáng tạo thơ ca. Bài thơ đã động vào một cái thành trì ngàn năm của xứ sở được mệnh danh là “Thi quốc” này, nên nó đã tạo ra một cơn địa chấn dữ dội. Các nhà thơ, học giả dị ứng với Thơ mới đã làm một cuộc phản kích mạnh mẽ chống lại Thơ mới do Phan Khôi khởi xướng – như Hoài Thanh đã thuật lại:

Tháng 8/1933, ông Tân Việt (báo Công Luận) bênh vực thơ cũ tại diễn đàn hội Khuyến học Sài Gòn. Tháng 10/1933 Văn học tạp chí, Hà Nội chê các nhà thơ mới không biết dùng từ.

Rồi đến Tản Đà phản đối thơ mới trên Tiểu thuyết thứ bảy (tháng 11-12/1934); Hoàng Duy Từ trên Văn học tạp chí (12/1934); ông Nguyễn Văn Hanh tranh luận với cô Nguyễn Thị Kiêm  tại hội Khuyến học Sài Gòn (1/1935); ông Tùng Lâm Lê Cương Phụng công kích thơ mới trên Văn học tuần san, Sài Gòn (6/1935) v.v(2)

Có lẽ bài đả kích, nhạo báng Thơ mới sâu cay nhất là bài của thi sĩ thời danh lúc bấy giờ - Tản Đà. Số Xuân 1934 Phụ nữ tân văn có đăng bài về “Thơ mới” của ông:

“Từ khi Lý Bạch chết, thiên hạ không chuộng thơ mà thơ kém hay. Bởi thế mới có Phan tiên sinh ra đời.

Từ khi Bá Nha chết thiên hạ không chuộng đàn, mà đàn kém hay. Bởi thế mới có Quách tiên sinh ra đời.

Phan tiên sinh cải lương về thơ, ở đời chưa gặp ai tri kỷ.

Quách tiên sinh cải lương về đờn, ở đời chưa gặp ai tri âm.

Một hôm, kỳ ngộ duyên may, hai tiên sinh gặp gỡ…”

            Và Tản Đà kín đáo chê thơ Phan Khôi bằng mấy câu “thơ mới”:

Bá Nha xa

Lý Bạch khuất

Thơ có họ Phan, đờn họ Quách

Thơ có chữ

Đờn có tơ

Đờn thời ngơ ngẩn, thơ vẩn vơ

Tài tử văn nhân nhường rứa rứa

Bút hoa ngao ngán bận đề thơ.

Đòn phản kích của Tản Đà nặng nề như vậy, nhưng phe ủng hộ Thơ mới vẫn không nao núng, vì họ quy tụ được nhiều thanh niên có tri thức mới mẻ và tâm hồn trẻ trung. Những người trẻ này đã nói lên tiếng nói của thế hệ mình, và đó cũng chính là tiếng nói của tương lai. Phát pháo của Phan Khôi mở ra cho họ chân trời sáng tạo tự do mà họ hằng ấp ủ.

            Lưu Trọng Lư là người đầu tiên lên tiếng ủng hộ Phan Khôi: anh đã gửi một bức thư cùng với mấy bài thơ mới cho Phụ nữ tân văn và được báo này đăng vào số 153. Cuối bài viết anh tiên đoán một tương lai rộng lớn cho thơ mới:

         “Cái lối thơ mới của chúng ta là đương ở vào thời kỳ phôi thai, thời kỳ tập luyện, nghiên cứu. Không biết rồi đây nó đi được đến chỗ thành công, hay là nửa đường bị đánh đổ! Đó là sự bí mật của lịch sử văn hoá mai sau! Dầu thế nào đi nữa nó cũng có giá trị là giúp cho sự tự do phát triển của thi ca, đưa thi ca đến một chỗ cao xa rộng lớn, nó như thúc giục, như khiêu khích, như kêu gọi nhà thi nhân ra làm một cuộc canh tân dầu có thất bại, thất bại vì lòng mong ước quá cao, thì nó cũng đã hiến cho ta một cái công lớn: nó chính là một tiếng chuông cảnh tỉnh làng thơ giữa lúc đương triền miên trong cõi "chết".” (Phụ nữ tân văn số 153, tháng 6-1932).

Tiếp theo Lưu Trọng Lư, Nguyễn Thị Kiêm đã lên diễn đàn hội Khuyến học Sài Gòn hết sức tán dương, bênh vực thơ mới. Cũng theo Hoài Thanh thuật lại:

Tháng 1/1935 ông Đỗ Đình Vượng diễn thuyết tại hội Trí Tri Hà Nội.

Tháng 1/1935 cô Nguyễn Thị Kiêm lại diễn thuyết tại hội Khuyến học Sài Gòn để tranh luận với ông Nguyễn Văn Hanh.

Tháng 11/1935 ông Vũ Đình Liên diễn thuyết tại hội Trí Tri Nam Định. (3)

Thơ mới ở Nam Bộ chiến thắng là bởi sau Thượng Tân Thị, Nguyễn Liêng Phong, thơ cũ không sản sinh được ai khả dĩ hơn nữa, trong khi đó thì Thơ mới liên tục sinh ra các nhà thơ mới trẻ trung, tài hoa, đầy cá tính: Manh Manh, Hồ Văn Hảo, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Khổng Dương, Sơn Khanh, Huỳnh Văn Nghệ…

Có thể chia Thơ mới Nam Bộ ra thành 3 nhóm với 3 loại phong cách khác nhau:

-         Nhóm Phụ nữ tân văn có: Phan Khôi, Manh Manh, Hồ Văn Hảo, Lư Khê… với “giọng thơ Tây”

-         Nhóm Hà Tiên có: Đông Hồ, Mộng Tuyết… với khuynh hướng lãng mạn

-         Nhóm Huỳnh Văn Nghệ có ông cùng Khổng Dương, Sơn Khanh, Nguyễn Hữu Trí… với giọng hiện thực trầm hùng.

Nhóm Phụ nữ tân văn: Phan Khôi là người khởi xướng cho Phong trào thơ mới trên Phụ nữ tân văn, nhưng bản thân ông không phải là một nhà thơ. Ông là nhà văn hóa, một người nhạy bén và dũng cảm dám công khai tấn công vào thơ cũ, phá vỡ khuôn khổ cũ để đi tìm chân trời mới biểu đạt tự do tình cảm cảm con người.  Manh Manh, Hồ Văn Hảo mới thực sự là những nhà thơ mới. Manh Manh tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, nữ sĩ vừa tốt nghiệp Trường Trung học Thiếu nữ Bản xứ (Collèges des Jeunes Filles Indigènes) – trường có trình độ học vấn cao nhất dành cho nữ giới ở Đông Dương lúc bấy giờ. Nguyễn Thị Kiêm đăng dàn diễn thuyết bảo vệ thơ mới tại Hội Khuyến học Sài Gòn vào ngày 26/7/1933 – hơn một năm sau bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ của Phan Khôi ra đời. Nhà phê bình Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam phải trầm trồ khen ngợi cô Nguyễn Thị Kiêm là “một nữ sĩ có tài và có gan”, đồng thời đánh giá: “Hội Khuyến học Sài Gòn thành lập đến bấy giờ đã 25 năm. Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng lần thứ nhất có cuộc diễn thuyết được đông người nghe như thế”. Bên cạnh việc diễn thuyết, Manh Manh cũng công bố một số bài thơ mới của cô. Thơ của cô rất Tây vì đều mô phỏng âm điệu thơ Pháp: Thơ gửi cho em Vân theo điệu Gió chiều, Mộng du theo điệu Sợi tơ lòng:

-            Em Vân, em Vân

                        Khóc nhà thân

                        Vội tách trần;

                        Thương cho em

                        đang tuổi nhỏ nhen

                        cô thân hai lần

                        Xa xuôi (xôi) trăm dặm.        

                        khôn đến chậm

                        mắt em chan

                        oà lệ thảm;

                        nỗi sầu khi

                        cùng thở than!...                            

                                    (Thơ gửi cho em Vân, PNTV số 192, 23/ 3/ 1933)

 

-     Chiều hôm tựa cửa sổ,

Trông bóng chiều thiết tha…

Chân trời mây bay xa…

Thân ta chỉ một chỗ!

Trông bóng chiều thiết tha…

Tấm màn đêm rắp xổ.

Thân ta chỉ một chỗ,

Mơ màng cảnh thật xa…

            (Mộng du, PNTV số 192 ngày 23/ 3/ 1933)

Trong thơ Manh Manh, số câu trong một khổ, số từ trong một câu không giới hạn, có khi ngắn 3-4 âm tiết như các bài: Viếng phòng vắng, Canh tàn, có khi rất dài – 8 chân, 10 chân, 24 chân như các bài Hai cô thiếu nữ, Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay ghế lối thơ mới. Đây là thơ 4 chân:

- Gió lọt phòng không

Tạt hơi dông

Lạnh như đồng

Ngồi mơ tưởng

Ngày xưa phất phưởng

Dấy động tơ lòng…

Trải đã mấy trăng

Hỡi nhện giăng

Với rêu lan

Tấm vách cũ

Từ khi người chủ

Một giấc lặng trang.

Tan nát vóc xưa

dưới mồ mưa

sương phủ dập!…

                                    (Viếng phòng vắng, PNTV số Xuân 1933, ngày 19/1/1933)

 

- Em ơi, nghe lóng nghe

Gió đêm thoáng qua cửa…

Lụn tàn một góc lửa

Lạnh ngắt chốn buồng the!

…………………………

Gió đêm thoáng qua cửa

Não dạ, dế tỉ te

Lạnh ngắt chốn buồng the…

Em ôi, khêu chút lửa.

                                    (Canh tàn, PNTV số 192 ngày 23 – 3 – 1933)

Đây là 8 chân:

-   Hai cô thiếu nữ đi ra đồng

(một cô ở chợ, một cô ở đồng)

Hai cô thiếu nữ đi ra đồng

Một mảnh lụa hồng, một vóc vải đen

Hai cô rủ nhau đi xuống đầm

Cô đi chơn không, cô mang dép đầm

Hai cô rủ nhau đi xuống đầm

Bóng lụa hồng tách bóng vải thâm

Mỗi người, tay xách một giỏ mây

Băng đi tha thướt dưới bóng nhành cây

Mỗi người, tay xách một giỏ mây

Cô đây bắt cá, cô nầy hái hoa…

                   (Hai cô thiếu nữ, PNTV số 204 ngày 15 – 6 – 1933)

Đây là 10 chân, giọng thơ rất khiêu khích, bài thơ này hình như là bài thơ văn xuôi – một thể thơ rất khó chấp nhận đương thời, nhưng sẽ rất thịnh hành 60-70 năm sau đó:

Phải, tôi đấy, Manh Manh, mấy bạn à!

Lâu quá không làm thơ, mấy bạn cũng “nột dạ”

Phải, tôi đấy, Manh Manh, mấy ông à!

Lâu quá không làm thơ, mấy ông lấy làm lạ?

Bạn yêu tự hỏi nhỏ: “E… chỉ sợ?

Tội nghiệp chớ! Người thì trẻ nên có hơi khờ…”

 (Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay ghét lối thơ mới, PNTV số 228 ngày 14/12/1933)

Những câu thơ 20 đến 28 chân dưới đây là một sự cực đoan học theo thơ Tây:

Các anh ơi, dẹp lọ, dẹp đèn, dẹp tim, dẹp móc

Để tôi dắt các anh ra mắt một người đàn bà

Một người đàn bà từng biết bao phen lăn lóc

Giữa tạo vật với phong ba (Đây chẳng phải là “tạo vật”, “phong ba” theo nghĩa bóng của các anh thường than thở)                          

                       Người từng lướt đi chẳng kể nắng nung, tuyết lạnh, đất nghiêng, đá vỡ

Người ăn vận như bạn trai, ngồi lưng ngựa long chong, mà qua đèo, xuống phố, lên dốc, lội hào              

Cùng một bọn tuỳ tùng dân lạ, sấn đi giữa non núi chình chòng                            

Rồi trải qua những ngày phẳng lặng, những đêm hung dông bão…

Các anh ơi, đó là nhà thám hiểm, lại là giống đàn bà, đem cái trí, cái tài, cái gan của mình để phục vụ sự khoa học                                

                  (Một bài thơ mới gởi riêng cho các anh  ghiền: Bà Lafugie,  nhà thám hiểm và họa sĩ, PNTV số 239 ngày 26/4/1934)

Hồ Văn Hảo cũng đi theo hướng phá cách này. Trong các buổi diễn thuyết của mình, Manh Manh thường dẫn thơ Hồ Văn Hảo. Hai bài thơ được nhắc đến nhiều nhất là bài Tự tình với trăng Con nhà thất nghiệp. Bài Tự tình với trăng có giọng thơ khá giống với Viếng phòng vắng, Canh tàn của Manh Manh:

Màn trời ai vén,

Để chị Hằng mặt thẹn đỏ tươi tươi:

Một nụ cười,

Ra chìu (chiều) xẻn lẻn.

……………

Gió thổi lai rai,

Mùi hương man mác mà say cả lòng.

Nước chập chồng;

Mây chập chồng,

Như ai thêu nổi giữa vùng gấm xanh.

(Tự tình với trăng, PNTV số 205 ngày 22/6/1933)

Bài Con nhà thất nghiệp không chỉ là mở rộng câu thơ, khổ thơ, mà điều quan trọng nhất là mở rộng phạm vi phản ánh của thơ: thơ không phải chỉ có mây gió trăng hoa, mà còn có thể có cả thất nghiệp với cơm áo gạo tiền. Chẳng lẽ chỉ có thiên nhiên và tình ái mới là xúc cảm thành thực trong tâm hồn thi nhân, còn cảnh nhà thất nghiệp thì không. Vì thế Con nhà thất nghiệp đã mạnh dạn đi theo hướng này. Xin đọc một đoạn:

Ngọn đèn leo lét

Xác xơ một nóc nhà tranh;

Trên chiếu tan tành,

Một trẻ thơ nằm im, xanh mét (…)

Lạnh lùng đứa bé

Cựa mình, cất tiếng ho ran,

Người mẹ vội vàng

Vuốt ve rằng: “Nín đi con nhé!

Cha con gần về tới” (…)

Một luồng gió lạnh chen vô,

Đèn vụt tắt; tối mò…

Ai đó?

Ai? Mình về đây?

Chút nữa đã bị còng:

Mới chun vào, họ la, ăn trộm!

Nếu chân không chạy sớm,

Mặt vợ con còn thấy chi mong!

Con nhà thất nghiệp thực sự mở ra một hướng quan trọng của thơ mới Nam Bộ: thơ viết về hiện thực đói nghèo.

Đọc thơ mới của Phan Khôi, Manh Manh, Hồ Văn Hảo tuyệt nhiên không thấy một chút thi điệu truyền thống nào. Phan Khôi thì thẳng tuột, Manh Manh và Hồ Văn Hảo lại gợi nhớ đến điệu thơ, cách gieo vần thơ Pháp mà lớp thanh niên Tây học như họ đã ngấm vào máu thịt, dù chưa thật phổ cập trong xã hội. Cái mới mẻ của họ là ở đấy, nhưng cái thất bại cũng là ở đấy. Con đường đổi mới thể thơ của họ không có ai theo cả, sau họ thơ mới sẽ đổi mới một cách chừng mực hơn với sự thỏa hiệp với thơ truyền thống. Nói cách khác thơ mới sau Manh Manh, Hồ Văn Hảo lại cắm rễ sâu vào thơ truyền thống qua nhịp thơ khá quen thuộc mà các thể hát nói, song thất lục bát, thơ cổ phong đã định hình. Cho đến nay nhìn lại, có thể nói thơ Manh Manh, Hồ Văn Hảo không thật hay, thậm chí còn khá vụng về, từ ngữ, chính tả còn nặng phương ngôn Nam Bộ, nhưng điều đáng quý ở hai  nhà thơ này là thái độ sống, thái độ sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Đó là điều Manh Manh, Hồ Văn Hảo và cả Lư Khê đã đóng góp cho phong trào Thơ mới với tư cách là những người đi tiên phong. 

Nhóm thơ Hà Tiên: Đông Hồ, Mộng Tuyết với khuynh hướng lãng mạn có thể coi như  một thi phái riêng của thơ mới Nam Bộ. Bên cạnh đó còn có Trúc Hà, Lư Khê để hình thành nên “Hà Tiên tứ tuyệt”. Tuy nhiên Trúc Hà ít làm thơ mà thiên về phê bình và truyện ngắn. Lư Khê vừa có giọng thơ Hà Tiên lại vừa có phong cách gần với nhóm Phụ nữ tân văn nơi người yêu và sau này là phu nhân của ông: nữ sĩ Manh Manh làm “tao đàn nguyên soái”. Như đã nói ở trên, nhóm văn chương này xoay xung quanh Đông Hồ và trường Trí Đức học xá, phong cách văn chương của nhóm rất giống với văn Nam Phong, còn thơ họ học theo nhóm Xuân Diệu, Thế Lữ trong Tự lực văn đoàn. Đông Hồ làm thơ từ thập niên hai mươi, nổi danh trong làng thơ cũ với  tập tùy bút xen lẫn thơ Linh Phượng đăng trên Nam phong tạp chí. Khi phong trào thơ mới bột phát ông nhanh chóng chuyển hướng và ủng hộ thơ mới bằng tập Cô gái xuân có khuynh hướng lãng mạn, với hồn thơ mới mẻ trẻ trung khác hẳn tập thơ văn trước đó. Xin đọc lại một đoạn bài thơ Cô gái xuân mà Hoài Thanh đã chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam:

Trong xóm làng trên, cô gái thơ,

Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ,

Gió đông mơn trớn bông hoa nở,

Lòng gái xuân kia vẫn hững hờ.

 

Lững thững lên trường buổi sớm chiều,

Tập tành nghiên bút, học may thêu

Quần đen, áo trắng, khăn hồng nhẹ,

Ngọn xõa ngang vai, tóc bỏ đều. (…)

 

Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh,

Lòng cô phất phới biết bao tình.

Vội vàng để vở bên bờ cỏ,

Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh (…)

                                    (Cô gái xuân, 1935)

Hoài Thanh dành cho Đông Hồ những lời thật trân trọng: “Đông Hồ sẽ chỉ ca tình yêu và tuổi trẻ. Ngòi bút của thi nhân riêng âu yếm những nỗi lòng của người thiếu nữ, khi bình yên lặng lẽ, khi phơi phới yêu đương, Cô gái xuân của Đông Hồ thỏ thẻ những lời đến dễ thương, những lời tuồng như lả lơi mà vẫn trong sạch. Ta thấy trong lời nàng cả cái êm dịu cái mơn trớn vuốt ve của tình ái.” (4)

Nữ sĩ Mộng Tuyết, học trò của Đông Hồ ở Trí Đức học xá, đồng thời cũng là bạn thơ, bạn đời của ông trong một mối tình định mệnh. Mộng Tuyết sáng tác theo chủ trương của Đông Hồ. Cô có tập Phấn hương rừng được Tự Lực văn đoàn khen tặng 1939. Đồng thời cô cũng góp mặt cùng các nữ thi sĩ hàng đầu của làng Thơ mới: Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ để xuất bản tập thơ Hương Xuân (NXB. Nguyễn Du, Hà Nội, 1943), tập thơ được coi là thi tuyển nữ giới đầu tiên của văn học Việt Nam. Đọc thơ Mộng Tuyết, ta thấy đằng sau những nhan đề, những từ ngữ có vẻ xưa cũ: Dương liễu tân thanh, Vân Muội, Tràng An, Bích Ngô, Giang Nam… là một hồn thơ trẻ trung và táo bạo một cách kỳ lạ. Người nữ trong thơ Mộng Tuyết với vẻ bề ngoài kín đáo, e ấp, hay xấu hổ, nhưng bên trong tâm hồn thì thật mới. Cô hay nói về đời sống sinh hoạt thường ngày rất con gái của mình: chải đầu, trang điểm, ngủ mơ, sửa lại áo xiêm… Cô hay ngắm nhìn vẻ đẹp của mình: một cái mũ thời trang, một cái áo mới, một kiểu tóc, gương mặt, vầng trán (Làm cô gái Huế, Em bị cười, Em trả thù…). Tất cả những điều ấy rất xa lạ với thơ cũ, một nền thơ ca trọng đạo lý, trọng chí khí, trọng sự cao nhã. Đọc đến bài thơ Em xấu hổ người ta phải kinh ngạc: chưa có bài thơ nào vừa kín đáo, e ấp lại vừa táo bạo đầy vẻ sắc dục như thế. Có thể sánh bài này với bài thơ Tranh lõa thể của Bích Khê, nhưng hai bài thực cũng rất khác nhau. Tranh lõa thể chỉ có thân thể mà không có tâm hồn, người nữ trong thơ chỉ là một bức tranh đẹp chứ không phải là một con người sống động như trong bài thơ của Mộng Tuyết. Xin hãy đọc cả bài:

EM XẤU HỔ

Nhớ chuyện đêm qua còn thẹn thùng

Mặt hồ phẳng lặng ánh trăng trong

Bóng trăng cùng với em đang tắm

Làn nước vờn da em lạnh lùng.

 

Giậu trúc bờ bên, gió phất phơ

Bỗng nghe tiếng hát vẳng bay qua

Giật mình ngơ ngác nhìn... Em thấy

Sau trúc, trời ơi! anh bước ra.

 

Quàng vội khăn bông em chạy vào

Ngẩn ngơ anh hỏi: - Đã làm sao?

- Không làm sao cả, nhưng em thấy

Thèn thẹn lòng em nó thế nào!...

(Hà Nội báo số 18 – ngày 6/5/1936)

“Bóng trăng cùng với em đang tắm/ Làn nước vờn da em lạnh lùng”. Lời thơ dễ thương mà táo bạo tới mức đến mấy chục năm sau nữ sĩ vẫn phải ngại, và phải tự mình sửa lại cho nó bớt sắc dục hơn: “Trễ tràng xiêm áo em đang tắm/ Làn nước vờn da em lạnh lùng”(5).

Bình luận về thơ Mộng Tuyết, Hoài Thanh có những nhận xét thật tinh tế:

“Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như khi được đọc thư tình gửi cho một người bạn: người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tây của một tâm hồn, trong tay dường như đang nắm cả một niềm ân ái (…) Nàng, một người đàn bà thiệt, nàng có đàn bà hơn những người đàn bà trong tưởng tượng kia không? (…) Những lời tuy bình dị mà có một vẻ yêu kiều riêng tưởng ngòi bút đàn ông khó có thể viết ra được”(6).

Quả là không quá lời khi khẳng định: Mộng Tuyết là thi sĩ tài hoa nhất, có bản sắc nhất trong nhóm Hà Tiên, và là nữ thi sĩ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới cả nước. Nói như thế tôi có nghĩ đến Manh Manh, Hằng Phương, Vân Đài, Anh Thơ.

Nhóm Huỳnh Văn Nghệ với giọng hiện thực trầm hùng. Cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940 ở Sài Gòn xuất hiện hàng loạt các nhà thơ mới với một phong cách khác: giàu chất hiện thực, thiên về nam tính, cứng cỏi, ngôn ngữ đậm chất Nam bộ, âm điệu trầm hùng…Đó là Khổng Dương với tập Ly tao xuất bản 1940, Sơn Khanh tập Tiếng lòng, 1942 (cả hai đều quê Trà Vinh), Nguyễn Hữu Trí (quê Mỹ Tho?) và Huỳnh Văn Nghệ (quê Bình Dương) có nhiều thơ đăng trên báo Sống.

Thơ Khổng Dương thường viết về tình yêu, về thân phận và những suy nghĩ về thời cuộc. Lời thơ, hình ảnh không thật đặc biệt, nhưng nổi bật ở giọng thơ trầm, giàu nam tính:

Trăng êm bóng ngủ sau đèo

Gió về thủ thỉ bên lầu với đêm

Tương tư lòng rối tơ mềm

Nhớ nhung len tận bên thềm người yêu

Buồn lây sông núi tiêu điều

Cây mơ rũ lá, nước triều lửng lơ

                                                            Tương tư

Đôi bài có giọng cổ kính, trầm hùng – một giọng thơ khá tiêu biểu của thơ Nam Kỳ:

Đây một linh hồn không bến đỗ,

Lạc loài theo gió bụi đôi phương.

Chợ đời chán ngắt phường vong bổn,

Tâm sự dồn thêm nặng bước đường.

Bốn vách, đã cười cho số phận,

Râu mày càng thẹn với quê hương.

Hờn nung lửa giận căng tim nhỏ,

Âm ỉ màu tro khó cháy bừng.…

                                       Tâm sự

Giọng thơ ấy ta cũng thấy ít nhiều ở Sơn Khanh, Nguyễn Hữu Trí, nhưng nổi bật nhất là ở Huỳnh Văn Nghệ. Thơ Huỳnh Văn Nghệ giàu chất hiện thực, hồn thơ phóng khoáng, mạnh mẽ. Đây là đoạn mở đầu bài thơ tình:

Cứ gầm thét, chiếc xe đâm đầu chạy,

Như điên cuồng trong ánh sáng một ngày thu.

Vùn vụt đi không biết sẽ đến đâu?

Cứ gầm thét chiếc xe đâm đầu chạy.

Như điên cuồng trong ánh sáng một ngày thu,

Trên xe lửa một ngày thu

Anh nói với cô gái mình thầm yêu về phong cảnh đất nước và khát vọng ra đi thoát khỏi cái tù đọng ở làng quê:

Cảnh nước non thay đổi tôi say mê,

Còi càng thét, tiếng ca tôi càng lớn,

Bảo cô em: “Hãy cùng anh sung sướng,

Với cảnh nước non thay đổi say mê”.

Còi càng thét, tiếng ca tôi càng lớn:

“Hỡi em ơi xa lánh lũy tre già,

Cùng anh đi, đi mãi, đi xa…”

Huỳnh Văn Nghệ sau này sẽ nổi danh là “thi tướng rừng xanh” với những bài thơ trong tập Chiến khu xanh, nhất là bài Nhớ Bắc. Thế nhưng bài Nhớ Bắc thực sự đã được sáng tác từ năm 1940, khi nhà thơ tiễn một người bạn lên tàu ra Bắc. Sau này bài thơ được sửa đi sửa lại nhiều lần, nhưng giọng thơ ái quốc, trầm hùng, cổ kính mà tài tử đã định hình ngay từ đầu:

Ai đi về Bắc ta theo với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long (…)

 

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên

Chinh Nam say bước quá xa miền

Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm

Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên

Cả bốn thi sĩ trên sau 1945 đều theo tiếng gọi của Tổ Quốc mà tham gia kháng chiến chống Pháp. Họ là thế hệ chuyển tiếp giữa thơ lãng mạn và thơ kháng chiến – mà phong  cách thơ của họ trước 1945 đã có những dấu hiệu báo trước.

Thơ mới Nam Bộ 1932-1945 không thật phong phú, thành quả không thật lớn lao, nhưng không phải không có giọng điệu và đóng góp riêng. Trong Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh-Hoài Chân có nhắc đến Phan Khôi, Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Văn Hảo, nhưng tuyển chính thức chỉ có hai nhà thơ Nam Bộ là Đông Hồ và Mộng Tuyết. Đóng góp lớn nhất của các nhà thơ mới Nam Bộ là ở chỗ: đi đầu trong phong trào thơ mới, đổi mới một cách mạnh mẽ, táo bạo, đồng thời bảo vệ thơ mới một cách quyết liệt. Thơ mới Nam Bộ mang đậm tính chất hiện thực, ngôn ngữ giàu sắc thái địa phương, giọng điệu khá phong  phú: giọng thơ rất” Tây” lúc đầu ở Phụ nữ tân văn, giọng trong sáng, mượt mà và táo bạo ở nhóm thơ Hà Tiên, giọng trầm hùng cổ kính của các nhà thơ “nam tính” vào thập niên 1940… Thơ mới Nam Bộ là một phần không thể thiếu làm nên tính đa dạng trong thống nhất của nền thơ ca Việt Nam hiện đại.

ĐLG

______________

Chú thích

(1)   Bài thơ Tình già, theo phát hiện của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, đã được Phan Khôi công bố lần đầu tiên trên phụ san số Tết của báo Đông Tây ở Hà Nội, nhưng dường như ít ai để ý. Phải đến khi công bố trên Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn vào tháng 3/1932 mới gây được dư luận mạnh mẽ.

(2)   Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam 1932-1941 – “Một thời đại trong thơ ca”

(3)   Hoài Thanh, Thi Nhân Việt Nam 1932-1941 – “Một thời đại trong thơ ca”

(4)   Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam 1932-1941 – “Đông Hồ”

(5)   Hương vườn Úc – Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, NXB. Công an Nhân dân, 2008, tr.121

(6)   Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam 1932-1941 – “Mộng Tuyết”

______________

Tài liệu tham khảo

1.       Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam 1932-1941, NXB Văn học tái bản, 1998

2.       Báo Phụ nữ tân văn 1929-1935

3.       Báo Sống 1935

4.       Các tập thơ của Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Khổng Dương, Sơn Khanh…

* Bài viết dựa trên tư liệu của công trình Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học Nam Bộ 1930-1945, PGS.Lê Giang làm chủ nhiệm, Đề tài NCKH cấp trọng điểm ĐHQG TP.HCM, thời gian thực hiện: 2008-2010.


 



(*) PGS.TS., Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-TP.HCM.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63731519
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
29613
22198
63731519

Thành viên trực tuyến

Đang có 979 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website