Thơ Haiku và văn học Nhật Bản trong chương trình phổ thông

Văn học Nhật Bản là nền văn học lớn trên thế giới. Các sách về văn học Châu Á thường xếp chương viết về văn học Nhật Bản sau văn học Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Cận Đông. Văn học Nhật  Bản có những cống hiến lớn đối với nhân loại, nổi bật nhất là 2 nhà văn được trao giải Nobel văn học là Kawabata Yasunari (Nobel 1968) và Ôe Kenzaburo (Nobel 1994). Trong khi đó cả châu Á cho đến nay cũng chỉ có 6 nhà văn có được vinh dự ấy. Bốn nhà văn kia là: Rabindranath Tagore (nhà văn Ấn Độ, Nobel năm 1913) và Shmuel Yosef Agnon (nhà văn Israel, Nobel năm 1966), Cao Hành Kiện (nhà văn Trung Quốc, quốc tịch Pháp, Nobel năm 2000), Mặc Ngôn (nhà văn Trung Quốc, Nobel 2012). Không chỉ văn học hiện đại mà văn học cổ điển Nhật Bản cũng có những giá trị đặc sắc. Thơ haiku của Nhật Bản được coi là một trong những thể thơ có ảnh hưởng rộng rãi nhất trên thế giới. Vì vậy việc lựa chọn thơ haiku để giảng dạy trong nhà trường là một điều rất hợp lý.

1. Thơ haiku trong sách giáo khoa hiện nay

Trong chương trình giáo khoa hiện nay thơ haiku được đưa vào cả hai bộ sách:

- Bộ sách cơ bản (SCB): bài Thơ hai-cư của Ba-sô do Đoàn Lê Giang soạn đưa ra 8 bài thơ haiku của Bashô.

- Bộ sách nâng cao (SNC): bài Thơ hai-cư do Lưu Đức Trung soạn, đưa ra 6 bài haiku, trong đó có 3 bài của Ba-sô, ba bài của Bu-sôn.

            Về văn bản: Các bài trong SCB đều được dịch từ tiếng Nhật cổ qua sự chú giải của các học giả Nhật, có tham chiếu với các bản đã được ra tiếng Việt để tránh những chỗ sai lầm và non yếu của các bản dịch ấy. Các bài của SNC đều được dịch từ tiếng Anh hoặc Hoa, không phải từ tiếng Nhật nên rất khó đảm bảo chính xác về cách hiểu, cách dịch.  Thơ hai-cư thì rất kiệm lời, mỗi bài chỉ có mấy từ, âm điệu rất đặc biệt, cho nên việc dịch từ ngôn ngữ trung gian không phải nguyên tác rất dễ sai lệch với nguyên nghĩa.

      Như SNC đã chú: nguồn dịch thơ Bu-sôn lấy từ Nipponia. Nipponia là một cuốn họa báo giới thiệu sơ lược về Nhật Bản bằng tiếng Việt, không phải sách học thuật, thậm chí cũng không phải sách cho đối tượng phổ thông. Điều ấy cho thấy các tác giả của SGK  nâng cao chưa thực sự nghiêm túc trong việc sử dụng tài liệu để biên soạn sách.

      Đi sâu vào bản dịch, quả là có nhiều vấn đề phải bàn:

      Bài 2 của sách nâng cao:

Hoa đào như áng mây xa

Chuông đền U-e-no vang vọng

            Hay đền A-sa-cư-xa.

      Nguyên văn, phiên âm và dịch nghĩa bài này như sau:

花 の 雲                                              (Dịch nghĩa:

鐘 は 上 野 か                                    Đám mây hoa anh đào

浅 草 か                                             tiếng chuông là chuông chùa vùng U-ê-nô

(Zoku minashiguri - 1687)                  hay chùa vùng A-sa-ku-sa ?)

Phiên âm:                                              Dịch thơ:

Hana no kumo                                    Từ đám mây hoa                                     

kane wa Ueno ka                                tiếng chuông vọng lại                   

            Asakusa ka.                                         chùa U-ê-nô hay A-sa-ku-sa ?         

                                                                                                (Đ.L.G dịch)

            Như đã thấy bản dịch trong SNC rất xa, thậm chí còn phản lại nguyên tác. “Đám mây hoa” là cách nói ẩn dụ trong thơ ca Nhật Bản để chỉ hoa anh đào rụng nhiều như mây chứ không phải “Anh đào như áng mây xa” – một cách nói so sánh. Đồng thời chuông ở Ueno và Asakusa không phải là của đền (thờ thần) mà là chùa (thờ Phật). Bài dịch của SNC không liên kết được hình ảnh đám mây hoa anh đào rụng – đẹp mà vô thường với tiếng chuông chùa như là yêu cầu cần phải có trong cách hiểu triết – mỹ học thiền tông. Thế mới thấy nếu không có hiểu biết thấu đáo về đối tượng thì rất dễ dịch sai, hiểu sai.

      Bài 4: Sách nâng cao viết:

Gần xa đâu đây

Nghe tiếng thác chảy

Lá non tràn đầy.

      Người biên soạn không cho biết nguyên văn, nhưng có lẽ bài ấy là bài thơ dưới đây:

ほ ろ ほ ろ と                                                (Dịch nghĩa:

山 吹 ち る か                                                Rì rào rì rào

滝 の 音                                                          hoa yamabuki (sơn xuy) rụng

(Oi no kobun - 1688)                           hay là tiếng thác nước.)

Phiên âm:                                                          Dịch thơ:

Horohoro to                                                    Rì rào rì rào                                       

yamabuki chiru ka                                          tiếng hoa dã quỳ rụng                                   

            taki no oto.                                                      hay tiếng thác trên cao.

                                                                                                (Đ.L.G dịch)

      Bài dịch của sách giáo khoa nâng cao dịch từ tượng thanh “horohoro” (rì rào, rì rầm) thành một từ miêu tả “gần xa đâu đây”. Tứ thơ cũng không phải là “Nghe tiếng thác chảy/ Lá non tràn đầy” mà là nghe tiếng hoa núi “Yamabuki” rụng rì rào hay là tiếng thác chảy rì rào. Tứ thơ thể hiện vẻ đẹp mơ hồ của một thế giới nhất thể.

      Một số bản dịch trong sách nâng cao nghe khô khan, không lột tả được cái thú vị của tác phẩm:

      Ví dụ: Bài 5 của SNC:

Dưới mưa xuân lất phất

Áo tơi và ô

                        Cùng đi.

      So sánh với nguyên tác:

                        Phiên âm:                                                          (Dịch nghĩa:

Harusame  ya                                     Mưa xuân

            monogatari yuku                                            vừa đi vừa trò chuyện

             mino to kasa.                                     áo tơi và ô / dù)

                                    (Buson kushù)

            Dịch thơ:  

Mưa xuân lất phất rơi

            vừa đi vừa trò chuyện

            ô và áo tơi.

                        (Đ.L.G dịch)

Bài thơ miêu tả cảnh mùa xuân đẹp và lãng mạn. Cảnh trong bài thơ không có người, chỉ có mưa xuân lất phất bay, ô và áo tơi sát bên nhau, ghé vào nhau mà trò chuyện. Những chiếc ô lợp bằng vải lụa, màu sắc rực rỡ, hình dáng xinh xắn là vật bất ly thân của các cô gái thành phố. Còn áo tơi bằng lá cọ, lá nón màu sắc nâu trầm hay bạc thếch thường gắn với hình ảnh người nam nông dân. Một cô gái thành phố xinh đẹp đi với một người nam nông dân giản dị thể hiện bằng hình ảnh ô và áo tơi trong trời mưa xuân có gì đó thật thân thương mà cũng thật lãng mạn. Động từ “vừa đi vừa trò chuyện” (monogatari yuku) trong nguyên tác bị SNC lược bỏ để thay vào đó một câu khô khan thẳng đuột là “Cùng đi” – việc làm ấy thật khó hiểu! Bài dịch của SGK nâng cao có lẽ đã “mô-đi-phê” từ bài dịch của Nhật Chiêu: “Mưa xuân thầm thì/ Bên nhau đôi bóng/ Ô và áo tơi đi”(1) .

2. Việc giảng dạy thơ haiku trong trường phổ thông

2.1. Thực trạng việc dạy và học thơ haiku: Giảng dạy thơ haiku trong trường phổ thông, qua tìm hiểu của chúng tôi, có 3 loại thái độ sau đây:

- Loại thứ nhất: Hiểu và thích thú. Có một số trường thầy cô giáo dạy văn có nghiên cứu các sách và các tài liệu trên internet, cũng như tìm hiểu kỹ các bài trên sách giáo khoa, nên đã hiểu, yêu thích thơ haiku, từ đó truyền tri thức và cảm hứng của mình cho học sinh, khiến cho học sinh cũng yêu thích nó. Có trường còn tổ chức cho học sinh tập làm thơ haiku, thậm chí thành lập các câu lạc bộ thơ haiku, từ đó có không ít bài thơ haiku thú vị. Trong mấy năm qua, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản ở TP.HCM tổ chức ba cuộc thi thơ haiku, số lượng tham dự đợt ba lên đến 200 người với hơn 4000 bài, trong số đó có khá nhiều thầy cô dạy văn phổ thông và của học sinh.

- Loại thứ hai: Không hiểu, nên bỏ gần như không học. Không ít trường, nhất là các tỉnh vùng sâu vùng xa, nhiều thầy cô dạy văn chưa hề được học về văn học Nhật Bản ở đại học, lại không chủ động, tích cực tìm tòi tư liệu nên gần như không hiểu thơ haiku. Đồng thời lại thấy thơ haiku không thi bao giờ nên thầy trò lẳng lặng bỏ luôn bài về thơ haiku không học.

- Loại thứ ba: Học chiếu lệ. Trung gian giữa hai loại trên là loại thái độ thứ ba là học một cách chiếu lệ, có trường chỉ cho học sinh các lớp chuyên ban KHXH&NV học mà thôi. Hệ quả là học sinh cũng không tiếp thu được bao nhiêu, việc soạn thơ haiku trong sách giáo khoa thành ra phí phạm.

2.2. Nguyên nhân của tình trạng tiêu cực trong việc tiếp nhận thơ haiku ở nhà trường có thể tìm ở những lý do sau đây:

2.2.1. Sách nâng cao – bộ sách mà thơ haiku được giảng dạy chính thức đã có bản dịch không tốt vì không phải dịch từ nguyên tác mà là dịch qua ngôn ngữ trung gian (tiếng Anh, Hoa hoặc chỉnh sửa một bản tiếng Việt thành một bản tiếng Việt khác không hay gì hơn). Hơn nữa người biên soạn sách nâng cao có lẽ chưa có điều kiện tìm hiểu sâu và có hệ thống về văn học Nhật Bản nên trong sách giáo viên giảng về haiku khá lúng túng, hời hợt, sai lầm nhiều và có cả những sai lầm rất ấu trĩ. Có lẽ vì thế mà sách giáo khoa, sách giáo viên đã không truyền được tri thức và cảm hứng cho thầy cô giảng dạy và cho học sinh khi tiếp thu bài học này.

2.2.2. Thơ haiku là thể thơ cô đúc, khó hiểu, thậm chí khá xa lạ với truyền thống thưởng thức thơ ca của người Việt. Thơ tiếng Việt thường khá dài, và hay ở chỗ sáng tạo ra những hình tượng gây ấn tượng mạnh, những cách dùng từ đẹp đẽ, mượt mà, có sức khơi gợi tình cảm cao. Muốn hiểu thơ haiku, người ta phải có kiến thức nền về văn học-văn hóa Nhật Bản, phải có hiểu biết nhất định về Thiền tông và mỹ học Thiền, phải có sẵn một  khả năng cảm thụ thơ ca nhất định thì mới có thể hiểu và cảm nhận được cái hay của nó. Trong khi đó nhiều giáo viên chưa từng được học văn học Nhật Bản ở đại học, nhiều người không tìm được các giáo trình, sách nghiên cứu về văn học Nhật Bản – nhất là ở vùng sâu vùng xa. Việc trang bị kiến thức nền về Thiền, mỹ học Thiền là vấn đề khá nan giải đối với các khoa ngữ văn ở đại học, chỉ vài đại học lớn là có thể giảng dạy được vấn đề này. Cho nên người dạy và người học đều hiểu và bình giảng thơ haiku bằng những kiến thức không chính xác.

2.2.3. Việc dạy và học văn hiện nay khá thực dụng. Nền giáo dục hiện nay của chúng ta từng bị gọi bằng cụm từ rất bi đát “nền giáo dục khảo thí” – tức là giáo dục không cốt ở chỗ phát triển trí tuệ, nhân cách con người mà chỉ nhằm phục vụ cho các kỳ thi: thi gì học nấy. Văn học nước ngoài gần như bị loại ra khỏi các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, thế nên các thầy cô và học trò cũng lẳng lặng loại thơ haiku ra khỏi chương trình.

            Đó là những nguyên nhân nổi bật khiến cho việc giảng dạy thơ haiku ở trường phổ thông khá ảm đạm.

2.3.  Giải pháp trước tình hình ấy chính là giải quyết các nguyên nhân nói trên, cụ thể là:

- Cần rà soát, biên soạn lại bài về thơ haiku trong sách giáo khoa và giải thích lại, hướng dẫn chuẩn bị lại về thơ haiku trong sách giáo viên. Cần phải dùng người biết tiếng Nhật, có hiểu biết một cách hệ thống và sâu sắc về văn hóa Nhật để biên soạn bài này.

- Cần phải giảng dạy nghiêm túc, đầy đủ về văn học Nhật Bản ở các khoa ngữ văn của các trường đại học sư phạm, đại học KHXH và nhân văn – những nơi cung cấp nguồn giáo viên phổ thông để họ có thể vững vàng trong khi soạn bài và đứng lớp.

- Cần có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên ngữ văn trong dịp hè về văn học Nhật Bản và thơ haiku để lấp lỗ hổng về kiến thức cho họ.

- Cần phải biên soạn sách tham khảo tốt về thơ haiku, xuất bản/ tái bản thêm sách về văn học Nhật – nhất là sách của NXB Giáo dục, để có đủ tài liệu cho giáo viên và học sinh tham khảo.

- Sau khi đã có sách biên soạn tốt rồi thì thỉnh thoảng phải cho kiểm tra, thi cử về thơ haiku cũng như văn học nước ngoài cho học sinh có ý thức học tập hơn.

3. Nên chọn vấn đề khác của văn học Nhật Bản giảng dạy trong trường phổ thông

            Lựa chọn văn học Nhật Bản để giảng dạy trong trường phổ thông là quyết định sáng suốt, thể hiện tầm nhìn của nhóm biên soạn chương trình ngữ văn phổ thông trung học trong các bộ sách giáo khoa mấy chục năm qua. Chương trình trước chọn Kawabata Yasunari (Nobel 1968) vì nhà văn này được coi như hiện tượng tiêu biểu của thập kỷ tôn vinh văn hóa châu Á và là biểu tượng của sự hòa hợp văn hóa Đông Tây sau 100 năm công cuộc duy tân Minh Trị. Chương trình hiện hành chọn thơ haiku vì muốn giới thiệu một thể loại văn học cổ điển Nhật Bản được biết đến rộng rãi trên thế giới. Nếu tới đây có thay đổi chương trình thì có nên tiếp tục chọn thơ haiku hay chọn vấn đề khác của văn học Nhật? Theo tôi nên chọn một vấn đề / tác giả khác.

            Một vấn đề hay tác giả văn học Nhật Bản khác nếu được chọn trong chương trình phổ thông theo tôi, cần đáp ứng 4 yêu cầu sau đây:

1)      Tác giả ấy phải đáp ứng được yêu cầu của việc giáo dục tư tưởng, nhân cách và thẩm mỹ cho thanh niên Việt Nam mà chương trình ngữ văn trong nhà trường hướng tới.

2)      Tác giả ấy phải là một nhà văn/ nhà thơ tiêu biểu của văn học Nhật Bản.

3)      Tác giả ấy phải đảm bảo tính sư phạm, tương đối dễ dạy, dễ tiếp thu ở Việt Nam.

4)      Tác phẩm của tác giả ấy phải được dịch ra tiếng Việt với một chất lượng tốt, trong đó văn xuôi thường dễ hiểu, đỡ bị sai hơn thơ.  

Để đáp ứng những yêu cầu trên, theo tôi tốt nhất là chọn nhà văn Ôe Kenzaburo. Ôe là nhà văn được giải Nobel năm 1994 (yêu cầu 2), tác phẩm của ông hay, hiện đại, nhưng cũng tương đối dễ hiểu, không quá bạo liệt, không có yếu tố tính dục quá đáng (yêu cầu 3). Những tác phẩm tiêu biểu của ông đã được dịch ra tiếng Việt:

-         Nuôi thù, truyện vừa, Diễm Châu dịch

-         Một nỗi đau riêng, tiểu thuyết, Lê Ký Thương dịch

-         Quái vật trên không, truyện ngắn, Phan Thu Hiền dịch

-         Cây mưa thông minh, truyện ngắn, Dương Tường dịch

-         Những con cừu người, truyện ngắn, Lê Ngọc Thảo dịch

-         Người câm bất ngờ, truyện ngắn, Lê Ngọc Thảo dịch(2)

-         Tôi và nước Nhật Bản mơ hồ (Diễn từ trong lễ nhận Nobel văn học, nhiều bản dịch khác nhau)(3)

Tất cả các bản dịch đều là của các nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả có tay nghề (yêu cầu 4). Có thể lựa chọn một trong các tác phẩm đó, vì tất cả đều có tính nhân văn, đều hiện đại, đều đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục tư tưởng, nhân cách và thẩm mỹ cho học sinh nước ta (yêu cầu 1).

Dưới đây tôi xin diễn giải cụ thể hơn.

Ôe Kenzaburo từng được xưng tụng là “ngọn cờ đầu của văn học hậu chiến Nhật Bản”, “nhà văn dân chủ chủ nghĩa hiện đại Nhật Bản”, “cây đại thụ của văn học Nhật Bản”…Ôe viết nhiều, có đến hơn 20 tác phẩm, nhìn chung có thể quy lại 2 chủ đề chính:

1)      Những tác phẩm có khuynh hướng dân chủ chủ nghĩa, phê phán chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nhật Bản như:  Niềm kiêu hãnh của người chết (Shisha no ogori, 1957), Nuôi thù (Shiiku, 1957),  Hái nụ giết trẻ (Memushiri Kouchi, tiểu thuyết, 1958), Những con cừu người (Ningen no hitsuji, tiểu thuyết, 1958), Thời đại chúng ta (Warera no jidai, 1959), “Seventeen” (tựa đề phiên âm từ tiếng Anh: 17 tuổi, 1961), Tiếng kêu (Sakebi Koe, ), Sổ tay Hiroshima (Hiroshima noto, tiểu luận, 1965), Trận bóng đá năm Vạn Diên thứ nhất (Mannen ganen no futtoboru, tiểu thuyết 1967 – bản tiếng Anh là “Silent Cry” / Tiếng kêu thầm lặng)…

2)      Những tác phẩm nói về bi kịch của con người trong xã hội hiện đại. Ấn tượng nhất trong số ấy là các tác phẩm lấy nguyên mẫu từ Hikari, con trai Ôe bị khuyến tật về não. Các tác phẩm xuất hiện từ giữa thập kỷ 60 và thập kỷ 70 đã gây một sự kinh ngạc đối với độc giả trong nước và độc giả Âu Mỹ: Một nỗi đau riêng (Kojinteki na taiken, tiểu thuyết, 1964), Quái vật trên không (Sora no kaibutsu Agui, truyện ngắn, 1964), Hãy dạy chúng tôi thoát khỏi bệnh điên (Warera no kyụki wo ikinobiru michi wo oshieyo, tiểu thuyết 1969), Nạn hồng thủy tràn ngập hồn ta (Kozui wa waga tamashii ni oyobi, tiểu thuyết 1973), Người mới đã đến, hãy thức dậy! (Atarashii hito yo mezameyo, tiểu thuyết 1983), Họ hàng nhân sinh (Jinsei no shinseki, 1989), Cây xanh bốc cháy (tiểu thuyết bộ ba), Gia đình hồi phục (Kaifukusuru kazoku, 1995)

Ngược hướng với Kawabata, không quay về nước Nhật quá khứ, Ôe hướng ngòi bút của mình về đương đại và ra thế giới. Ông suy nghĩ về những vấn đề đang nảy sinh ở ngay trong lòng xã hội Nhật Bản hiện đại, về con người của ngày hôm nay và những vấn đề đang dằn vặt nhân loại chuẩn bị bước sang thế kỷ mới. Vì thế, giới phê bình Nhật bản đánh giá Ôe là nhà văn có tính thế giới. Có thể nói hiện thực và biểu tượng, thực tế và huyền thoại, nền văn minh phương Tây từ Thánh kinh, Dante đến Eliot, J.Sartre, Henry Miller… và văn hóa Nhật Bản, văn hóa phương Đông đã hòa quyện một cách tuyệt vời trong các tác phẩm của Ôe.

Như đã nói, các tác phẩm của Ôe đã được dịch ra tiếng Việt, tác phẩm nào cũng có thể đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên tôi cho rằng tiểu thuyết Một nỗi đau riêng (Kojinteki na taiken, tiểu thuyết, 1964) có lẽ thích hợp nhất. Truyện dày chừng 200 trang bản tiếng Việt, khá tiện để đưa một trích đoạn vào giảng dạy. Nhân vật chính của tác phẩm là Điểu và tình huống truyện là việc hai vợ chồng Điểu chờ đón đứa con sắp ra đời. Trớ trêu thay, đứa bé được sinh ra lại bị bệnh thoát vị não. Bác sĩ cho biết: Đứa trẻ có thể được cứu sống nếu được phẫu thuật, nhưng lớn lên cũng bị thiểu năng về trí tuệ. Điểu sẽ phải lựa chọn con đường nào? Anh ta tìm đến đến rượu để quên, anh ta vùi đầu vào sex với người tình như một cách trốn chạy… Nhưng anh ta vẫn không thể lảng tránh được thực tại đau đớn kia. Bác sĩ khuyên anh ta giết con bằng cách rút bớt khẩu phần sữa. Điểu đã đồng ý làm theo phương án ấy, nhưng kỳ lạ thay đứa bé vẫn không chết. Điểu đã cùng với người tình đưa đứa bé đi đến một tay lang băm để thực hiện âm mưu của mình. Anh ta nghĩ giết sinh linh yếu ớt bệnh hoạn này, anh ta sẽ giải thoát cho một kiếp người, đồng thời cũng là giải thoát cho vợ chồng anh, xong việc anh ta sẽ đi châu Phi – mảnh đất hoang dã, vừa là thực hiện giấc mơ bấy nay, vừa như một cách trốn chạy khỏi mảnh đất này. Thế nhưng trên đường cùng nhân tình đưa đứa bé đi, nhân tính bản năng trong người tình, trong anh thức dậy, đã ngăn cản anh ta khỏi một tội ác. Điểu quyết định giữ lấy đưa con, cùng với vợ đối diện với một thực tại: nuôi đứa con của mình và  đưa nó hòa nhập với cộng đồng người.

Câu chuyện được viết ra từ hoàn cảnh có thực của Ôe. Vợ chồng Ôe có người con trai sinh ra đã bị bệnh não bẩm sinh mà nguyên nhân có thể là do di chứng của bom nguyên tử ở Hiroshima hay do ô nhiễm môi trường. Quá trình nuôi dưỡng và chữa trị tâm lý cho con của vợ chồng Ôe cuối cùng đã thành công: Hikari- con trai của họ đã trở thành một nhạc sĩ có tài. Nhạc của anh đã được dùng như một liệu pháp để chữa trị những chấn thương tinh thần cho những bệnh nhân bị thiểu năng trí tuệ.

Một nỗi đau riêng được viết ra theo tinh thần hiện đại, hậu hiện đại với những kỹ thuật dòng ý thức, hình tượng nghịch dị…rất mới mẻ, hấp dẫn. Chủ nghĩa nhân văn, tư tưởng tôn giáo, chủ nghĩa hiện sinh được hòa trộn với nhau, thể hiện những vấn đề cơ bản mà hiện đại của con người: tội ác, sự trừng phạt, sám hối, tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương…

Đánh giá về sự nghiệp văn học của Ôe Kenzabarô, Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển viết: “Ôe Kenzabarô đã sáng tạo ra thế giới tưởng tượng đầy chất thơ, đã miêu tả tình trạng đau đớn trong khổ cảnh của con người thời hiện đại bằng sự ngưng kết những ngụ ngôn và sinh hoạt hiện thực (...) Đã miêu tả thành công quan hệ của con người trong một thế giới hỗn độn, mà ở đó tri thức, tình cảm, giấc mơ, dã tâm, thái độ... đã hòa quyện với nhau một cách kỳ diệu” (4).

Kết luận

Văn học Nhật Bản vừa hiện đại lại vừa gần gũi với người Việt Nam, vì mặc dù Nhật Bản là nước công nghiệp hóa từ rất sớm, rất thành công, nhưng cũng là một đất nước châu Á. Những vấn đề của nước Nhật cũng là những vấn đề của Việt Nam hiện tại và tương lai. Dạy văn học Nhật Bản trong nhà trường không chỉ là nhằm dạy tinh hoa của một nền văn học lớn, mà còn là hướng cho học sinh những vấn đề của đất nước mình, của thế hệ mình sẽ phải đối diện trong tương lai. Đổi mới việc biên soạn và giảng dạy văn học Nhật Bản trong sách giáo khoa là rất cần thiết, nhưng cũng đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc giảng dạy một tác giả, tác phẩm khác của văn học Nhật Bản phù hợp hơn – mà Ôe Kenzaburô là một trường hợp rất đáng suy nghĩ.

                                                                                                Tháng 11 năm 2012

                                                                                                            Đ.L.G

CHÚ THÍCH

(1)   Nhật Chiêu: Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, NXB. Giáo dục, tái bản lần 2, 2003, tr.281

(2)   - Ōe Kenzaburo: Nuôi thù, truyện vừa, Diễm Châu dịch, NXB. Trình bầy, Sài Gòn, 1970; in lại trong tập Truyện dịch Đông Tây, tập 7, NXB Lao động – TTVHNN Đông Tây, 2005

- Ōe Kenzaburo: Một nỗi đau riêng, tiểu thuyết, Lê Ký Thương dịch, NXB. Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1997

- Ōe Kenzaburo: Quái vật trên không, truyện ngắn, Phan Thu Hiền dịch, trong Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Nhật Bản, NXB. Trẻ,1996

- Ōe Kenzaburo: Cây mưa thông minh, Dương Tường dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc – tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà văn, 1998

- Ōe Kenzaburo:  Những con cừu người, truyện ngắn, Lê Ngọc Thảo dịch

http://www.erct.com/2-ThoVan/LNThao/Nhung_con_cuu_nguoi.htm

- Ōe Kenzaburo: Người câm bất ngờ, truyện ngắn, Lê Ngọc Thảo dịch

http://www.erct.com/2-ThoVan/LNThao/Nguoi_cam_bat_ngo.htm

(3)   Nhan đề bài diễn từ này đã được dịch thành nhiều cách khác nhau: “Nhật Bản, sự nhập nhằng, và bản thân tôi”, “Sinh ra từ tính đa nghĩa của Nhật Bản”, “Nhật Bản, tính hai mặt và chính Tôi”…Tất cả đều đúng một phần. Thực ra nguyên văn tiếng Nhật là “あいまいな日本の私” (Aimaina Nihon no watashi), dịch theo đúng cấu trúc ngữ pháp là: Tôi của nước Nhật Bản mơ hồ. Từ cách hiểu này có dịch thoát hơn: Tôi và nước Nhật Bản mơ hồ” hay “Nước Nhật Bản, sự mơ hồ và tôi”, hay “Sinh ra từ nước Nhật mơ hồ” . Aimai là tính từ “mơ hồ”. Có lẽ Ôe muốn đối thoại với diễn từ Nobel 1968 của Kawabata “美しい日本の私”(Utsukushii Nihon no watashi/ Tôi của nước Nhật Bản đẹp). Trong bài diễn từ của mình, Ôe muốn nói về sự mơ hồ của nước Nhật giữa Đông và Tây, giữa phát triển theo mô hình dân chủ và theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan…

(4)   Đoàn Lê Giang : Ôe Kenzaburo và vũ trụ văn học của ông, Tạp chí Văn tháng 12/ 1994



* PGS, TS – Trường Đại học KHXH và NV – ĐHQG TP.HCM

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

64102917
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
24706
29791
64102917

Thành viên trực tuyến

Đang có 477 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website