Tên riêng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nên viết thế nào?

Đối với hầu hết các nước trên thế giới, người Việt viết tên riêng (nhân danh, địa danh) của nước ấy không gặp vấn vấn đề gì rắc rối lắm. Tuy nhiên với ba nước Trung, Nhật, Hàn, do những quan hệ văn hóa lịch sử lâu đời với Việt Nam (các nước khu vực văn hóa chữ Hán/ “Đồng văn”), nên nhân danh, địa danh các nước này đã có truyền thống được đọc/ viết bằng âm Hán Việt hay Hán Hòa, Hán Hàn. Vì vậy đối với Việt Nam hiện nay đưa ra quy tắc viết tên riêng các nước này không hề đơn giản. 

HONG LEI HAY HỒNG LỖI? VẤN ĐỀ CÁCH VIẾT TÊN RIÊNG TRUNG QUỐC

Người Việt Nam chúng ta từ trước đến nay đã đọc/ viết gần như toàn bộ nhân danh địa danh Trung Quốc bằng âm Hán Việt, như: Chu, Tần, Khổng Tử, Lão Tử, Lưu Bang, Đỗ Phủ đến cả Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn, Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch, Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào, Mạc Ngôn, Can Lộ Lộ, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Hồng Lỗi…cũng đều được đọc/ viết bằng âm Hán Việt.

Toàn bộ hệ thống truyền thông, giáo dục của chúng ta có bao giờ giật mình nghĩ rằng chúng ta đã đọc và viết như thế là bất thường, không giống với thông lệ quốc tế cũng như không giống như cách người Việt đối xử với các nước khác không?

Ưu điểm của cách đọc và viết nhân danh địa danh Trung Quốc bằng âm Hán Việt là dễ đọc, dễ nhớ, dễ viết, nhưng nhược điểm của nó cũng rất lớn:

  1. Cách đọc/ viết ấy không thể hiện đúng tên người tên đất Trung Quốc, nên sẽ rất trở ngại để hiểu biết về Trung Quốc hiện tại, rất khó tra cứu trên internet và khó kết nối được ý tưởng khi đọc về Trung Quốc qua các tài liệu tiếng Anh hay các ngôn ngữ châu Âu khác.
  2. Rất dễ lẫn lộn với tên người tên đất Việt Nam. Ví dụ: nếu đọc tên Lý Khắc Cường thì khó biết chắc là người Trung Quốc hay Việt Nam; đọc tên hoa hậu Vũ Văn Hà thì khó biết được đó là hoa hậu Yu Wen-xia Trung Quốc; nếu đọc là Hà Bắc thì không phân biệt được tỉnh Hebei của Trung Quốc và tỉnh Hà Bắc trước đây của Việt Nam; đọc là Trường Sa thì không phân biệt được thành phố Trường Sa/ Changsha thuộc tỉnh Hồ Nam/ Hunan Trung Quốc với quần đảo Trường Sa của Việt Nam…Chúng ta cứ thật thà, ngây thơ, lười biếng dùng lẫn lộn như vậy mà không có một chút ý thức phòng vệ văn hóa nào!
  3. Đọc tên người tên đất Trung Quốc thành âm Hán Việt tạo ra cảm giác gần gũi không cần thiết. Chúng ta không thấy phản cảm khi đọc tên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Hồng Lỗi洪磊 sao? Chúng ta nên đọc tên ông ta là Hong Lei (Hóng Lěi) nghe theo đúng nguyên tắc ngoại giao, và để khi nghe ông ta tuyên bố về Việt Nam thì mình hiểu ngay: ông ta đang nói bằng giọng Hán tộc. Chúng ta thuận miệng thuận tay nói và viết cái tên Lý Khắc Cường cứ như bà con anh em với mình mà không có ý thức phân biệt rằng đó là Thủ tướng Li Keqiang của nước CHND Trung Hoa…
  4. Chúng ta đọc/ viết tên riêng Trung Quốc bằng âm Hán Việt khiến cho cách nói và cách viết của chúng ta có vẻ dị biệt, không giống với thông lệ quốc tế mà ta tuân thủ, và điều ấy dễ gây cảm giác là chúng ta tiếp cận vấn đề Trung Quốc không giống với cách tiếp cận quốc tế.

Như vậy chúng ta cần phải đọc và viết tên riêng Trung Quốc thế nào?

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần phân biệt quan hệ văn hóa Việt Nam và Trung Quốc ra thành hai thời kỳ:

Thời kỳ thứ nhất: thời kỳ “đồng văn” (cùng chung thứ chữ): từ đầu cho đến cuối TK.XIX. Thời kỳ này Việt Nam cũng như các nước Nhật, Hàn đều nằm trong Khu vực văn hóa chữ Hán, cùng dùng chữ Hán và các chữ loại chữ bản địa khác (chữ Nôm của Việt Nam, chữ kana của Nhật, chữ Hangul của Hàn Quốc).

Thời kỳ thứ hai: từ đầu thế kỷ XX đến nay. Thời kỳ này tình trạng “đồng văn” đã chấm dứt, mỗi nước xây dựng nền văn hóa hiện đại theo những cách thức riêng của mình: Trung Quốc vẫn tiếp tục dùng chữ Hán và giản đơn giản hóa đi, Việt Nam thì dùng chữ quốc ngữ Latin. Từ 1979 đến nay (đương đại): quan hệ Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ giữa hai nước láng giềng trong bối cảnh thế giới đa cực và toàn cầu hóa.

Hiểu như vậy thì chúng ta sẽ dễ dàng phân biệt cách viết tên riêng Trung Quốc.

Trước hết: nhân danh địa danh ở thời kỳ thứ nhất – thời kỳ “đồng văn” (từ TK.XIX trở về trước) nên nhất loạt dùng phiên âm Hán Việt. Chúng ta sẽ đọc/ viết là Khổng Tử, Giả Nghị, Đào Uyên Minh, Đỗ Phủ, Tương Giang…Như vậy chúng ta vẫn đọc thơ Nguyễn Trãi theo âm ấy: “Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ/ Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh” mà không cần đọc là “Đầu tiếc đội mòn khăn Du Fu/ Tay còn lựa hái cúc Yuan Ming”! Chúng ta vẫn đọc tên bài thơ của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục là “Trường Sa Giả Phó bi” mà không cần đọc là “Changsha Jia Fu bi”!

Nhưng tên riêng Trung Quốc trong thời kỳ thứ hai khi tình trạng “đồng văn” chấm dứt (từ đầu TK.XX trở đi), thì chúng ta nên đọc/ viết theo đúng âm Bắc Kinh (bính âm), từ nào khó đọc thì phiên âm trong ngoặc đơn như những tên riêng nước ngoài khác. Nếu chưa thực hiện được ngay thì tên riêng Trung Quốc đương đại (từ sau 1979) nhất thiết phải đọc/ viết theo quy tắc ấy. Theo đó thì:

 

Nên đọc/ viết là

Không nên đọc/ viết là

Hu Jintao (Hú Jǐntāo)

Hồ Cẩm Đào

Xi Jinping (Xí Jìnpíng)

Tập Cận Bình

Hong Lei (Hóng Lěi)

Hồng Lỗi

Mo Yan (Mò Yán)

Mạc Ngôn

Hoa hậu Yu Wenxia (Yŭ Wénxiá)

Hoa hậu Vũ Văn Hà

Thành phố Changsha (Chángshā)

Thành phố Trường Sa

Tỉnh Hebei (Hébĕi)

Tỉnh Hà Bắc

 

  • PHÚC TRẠCH DỤ CÁT HAY FUKUZAWA YUKICHI, THẾ TÔNG HAY SE JONG? VẤN ĐỀ CÁCH VIẾT TÊN RIÊNG NHẬT BẢN, HÀN QUỐC

Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng ta có thói quen đọc/ viết nhân danh địa danh, nhân danh hơi khác so với Trung Quốc: lúc thì bằng âm Hán Việt lúc thì nguyên ngữ Nhật, Hàn. Có thể thấy có 3 loại:

  1. Loại 1: Chỉ đọc/ viết bằng âm Hán Việt.
  2. Loại 2: Vừa bằng âm Hán Việt vừa bằng tiếng Nhật, Hàn.
  3. Loại 3: Chỉ đọc/ viết bằng âm Nhật, Hàn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta nên chấm dứt tình trạng phiên âm tên nước ngoài bằng âm Hán Việt – ngay cả với Nhật, Hàn, tất nhiên trừ trường hợp tên gọi ấy đã quá lâu đời, quá phổ biến. Theo đó:

Loại 1 (quen dùng âm Hán Việt): Vẫn tiếp tục dùng âm Hán Việt. Như thế chúng ta vẫn đọc/ viết là: Nhật Bản, Minh Trị, Triều Tiên, Hàn Quốc, Kim Nhật Thành…

Loại 2 (lưỡng khả Hán Việt và tiếng Nhật/ Hàn) và loại 3 (chỉ dùng tiếng Nhật/  Hàn): Nên nhất loạt đọc/ viết theo chữ phiên âm Latin/ Romaji của tiếng Nhật, Romaja của tiếng Hàn. Như thế chúng ta sẽ đọc/ viết là: Motoori Norinaga (chứ không viết là Bản Cư Tuyên Trường), Fukuzawa Yukichi (chứ không viết Phúc Trạch Dụ Cát), Tokyo (chứ không viết Đông Kinh), (trường hợp Nhật Bản); Sejong (chứ không viết Thế Tông), Kim Si-seup (chứ không viết là Kim Thời Tập), Kim Jong-il (chứ không viết Kim Chính Nhật); Lee Kwang-soo (chứ không viết là Lý Quang Thù)…

  • LỜI KẾT

Nếu việc đọc/ viết chính tả Nhật Bản, Hàn Quốc theo đúng tiếng Nhật, Hàn với  chữ Romaji, Romaja (có giản lược các dấu phụ) không khó lắm, chỉ cần cố gắng để ý một chút là được. Nhưng đọc/ viết nhân danh, địa danh Trung Quốc đương đại theo âm Bắc Kinh (Bính âm, bỏ bớt dấu) lại không hề đơn giản. Chúng ta phải nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề và có quyết tâm cao mới có thể bỏ thói quen cũ, tạo thói quen mới. Đề nghị báo chí làm một cuộc vận động thực hiện chủ trương này, các phóng viên, biên tập viên, các dịch giả nghiêm khắc làm trước. Các nhà giáo, các nhà nghiên cứu cùng làm trong sách giáo khoa, soạn từ điển tên riêng Hán Việt-Trung văn để tra cứu…Cứ như thế chúng ta sẽ tạo thói quen mới trong xã hội: phân biệt rõ tên người và tên đất giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cước chú: Người Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm việc như thế này từ lâu.

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62981583
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5622
18300
62981583

Thành viên trực tuyến

Đang có 391 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website