"Học văn để đối xử với người bệnh như con người"

Tâm đắc với ý tưởng "ngành y xét tuyển có thêm môn văn", PGS. TS  Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM, cho rằng "các bác sĩ cần đối xử với bệnh nhân như là một thân phận, một con người, chứ không phải con bệnh hay "con mồi".


Ông có ý kiến gì trước đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế rằng, các trường đại học y khi tuyển sinh đại học nên có thêm môn văn?


Từ năm nay, Bộ GD-ĐT đã quyết định thay đổi phương thức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học bằng cách thi ba môn bắt buộc: Toán, Văn, Ngoại ngữ và thi thêm một số môn tự chọn khác nữa.

Sự thay đổi ấy đã đoạn tuyệt dứt khoát với kiểu thi theo khối A, B, C với ba môn – một cách tuyển sinh được hình thành từ thời kháng chiến đến nay đã tỏ ra lạc hậu vì khối thi nào cũng lệch.

ngành y; môn văn
Thí sinh thi vào ĐH Y Hà Nội năm 2014. Ảnh: Văn Chung


Chính sự thay đổi ấy đã tạo tiền đề cho Bộ trưởng Y tế đề xuất khi tuyển sinh vào đại học y khoa nên xét thêm môn Văn. Tôi thấy ý kiến ấy rất mạnh dạn và sáng suốt.

Thời đại ngày nay không thể chỉ tuyển vào đại học bằng 3 môn toán lý hoá (khối A), hay toán hoá sinh (khối B), văn sử địa (khối C).

Tôi đã thấy nhiều thủ khoa khối A mà nói không ra câu trước đám đông, nhiều kỹ sư, cử nhân kinh tế ra trường rồi mà không viết không nổi một văn bản giao dịch, chữ viết như gà bới và chính tả thì sai vô thiên lủng.

Những kỹ sư, cử nhân như thế có thể thành công trong nền kinh tế dịch vụ và quan hệ rộng rãi như hiện không?

Đấy là còn chưa nói đến ngoại ngữ. Đối với ngành y thì môn ngữ văn lại càng quan trọng hơn.

Giới giáo dục y khoa tại Mỹ hiện đang có một cái nhìn mới về đào tạo bác sĩ và đang tìm kiếm ứng viên rộng ra khỏi các cử nhân sinh - hóa nhằm có được những sinh viên phát triển hoàn thiện hơn để tạo ra các bác sĩ vừa có óc phân tích khoa học vừa phải có sự quan tâm đến con người. Khuynh hướng tìm kiếm và tuyển vào ngày càng nhiều sinh viên thuộc các ngành xã hội và nhân văn, thậm chí cử nhân Anh văn cũng được đón chào. Ông dự đoán khi nào khuynh hướng này sẽ phát triển ở Việt Nam?

Ngành y là ngành tiếp xúc với con người, nên hiểu biết về nhân văn là hết sức cần thiết.

Môn Ngữ văn đem lại cho người bác sĩ tương lai những tri thức, kỹ năng không thể thiếu.

Học Ngữ văn trước hết là học ngôn ngữ: học ăn học nói, học viết cho đúng ngữ pháp, chính tả.

Quan trọng hơn nữa: học ngữ văn cũng là học làm người và học cách hiểu con người. Những tác phẩm văn học lớn đem lại cho người ta sự phong phú, nhạy cảm về tâm hồn; sự quan tâm, yêu thương đồng loại; sự cao thượng về đạo đức và thái độ biết lắng nghe người khác.

Hiện nay nước ta không thiếu gì những bác sĩ chuyên môn giỏi nhưng vô cảm, nhẫn tâm và hám lợi. Sự lệch lạc về đạo đức ấy có thể giết chết người bệnh.

Nếu các trường y quan tâm hơn đến phẩm chất nhân văn và khả năng diễn đạt ngôn ngữ thì chúng ta sẽ có những thế hệ bác sĩ khác: biết lắng nghe, biết chia sẻ, có ý thức về đạo đức, sứ mệnh và biết nói năng với người bệnh dễ nghe hơn.

Vì thế không phải ngẫu nhiên mà việc đào tạo y khoa ở Mỹ rất chú trọng phẩm chất nhân văn. Muốn trở thành bác sĩ ở Mỹ thì phải học mất khoảng 12 năm.

Ngành y chỉ tuyển những sinh viên đã tốt nghiệp một đại học rồi, trong đó ưu tiên những sinh viên tốt nghiệp các ngành đại học nhân văn. Bởi vì một bác sĩ có tri thức nhân văn thì họ đối xử với bệnh nhân tốt hơn, họ nhìn bệnh nhân như một con người, một thân phận, chứ không phải chỉ là một con bệnh, hơn nữa một “con mồi”!

Tôi nghĩ các đại học y ở nước ta cũng cần phải học tập kinh nghiệm đào tạo y khoa ở Mỹ một cách nghiêm túc.

Ngoài ngành y, các ngành học khác có nên xét tuyển thêm môn văn?

Theo tôi cách tuyển sinh đại học năm nay bằng cách thi bắt buộc 3 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ và thi tự chọn một số môn khác là rất hợp lý, đáng khuyến khích.

Thực ra cách thi này học tập cách thi SAT của Mỹ, đây là cách thi tuyển tiên tiến đã được chứng minh được tính ưu việt của nó từ lâu.

Tôi cho rằng nhiều ngành chỉ tuyển sinh khối A trước kia như kinh tế, bách khoa cũng nên để ý đến xét tuyển bằng điểm môn ngữ văn.

Vì như đã nói, môn văn không phải là văn chương mơ mộng, mà là môn ngữ văn – một môn học giáo dục ngôn ngữ và phẩm chất nhân văn cho học sinh sinh viên.      

Theo ông, cần có những giải pháp gì để việc dạy học các môn khoa học xã hội nhân văn có ý nghĩa thiết thân với học sinh?

Để môn ngữ văn đảm đương được vai trò nói trên, thì chính môn văn cũng phải thay đổi.

Thay đổi chương trình, thay đổi cách học, thay đổi cách thi… Thay đổi theo hướng tránh học vẹt, học thuộc lòng văn mẫu, mà phải chú trọng vào nâng cao phẩm chất nhân văn và khả năng sử dụng ngôn ngữ.

Không chỉ môn văn, các môn khoa học xã hội như lịch sử, giáo dục công dân cũng phải thay đổi toàn diện, sâu sắc mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với ngành khoa học xã hội-nhân văn.

Cảm ơn ông!

Lê Huyền thực hiện

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/hoc-van-de-doi-xu-voi-nguoi-benh-nhu-con-nguoi-201759.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63660682
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4400
17595
63660682

Thành viên trực tuyến

Đang có 892 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website