Sự ra đời của từ "Văn học" và quan niệm mới về văn học của các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản

Hiện nay, Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản đều dùng chung từ “văn học” (cách đọc Trung Quốc: wénxúe, cách đọc Nhật Bản: bungaku)với hàm nghĩa tương đương với từ literature trong tiếng Anh và những từ cùng gốc trong một số tiếng nước khác. Tuy nhiên, ngoài từ “văn học” ra, người ta còn sử dụng nhiều từ khác nữa như: văn, thơ văn, văn chương …

 

Những từ như thơ, văn, văn chương đã có lịch sử lâu đời gắn liền với văn hóa Trung Quốc cổ (ví dụ: Thi (thơ) trong từ Thi kinh, chữ Văn dùng trong Luận ngữ, Văn chương trong “Văn chương thiên cổ sự – Đắc thất thốn tâm tri” của Đỗ Phủ …). Nhưng từ “văn học” chỉ mới có lịch sử trên dưới 100 năm nay.

Cùng với công cuộc vận động Duy Tân và cận đại hóa xã hội Việt Nam, hàng loạt những danh từ mới được đưa ồ ạt vào vốn từ vựng Việt Nam như: xã hội, kinh tế, văn hóa, văn minh, triết học, lịch sử, mỹ  học, tự do, dân chủ, dân quyền, vật lí, hóa học, sinh vật, điện thoại, câu lạc bộ ...Những từ này có nguồn gốc Nhật Bản –nước Đông Á duy tân thành công sớm nhất, được “nghịch xuất” (xuất khẩu ngược lại) từ Nhật Bản sang Trung Quốc (điều này đã được nhiều học giả Trung Quốc và Nhật Bản nhìn nhận). Rồi từ “tân thư” Trung Quốc mà vào Việt Nam.

Từ “văn học” phải chăng cũng nằm trong số đó? Về việc này Lỗ Tấn đã nói rõ “Chúng ta gọi những ghi chép bằng cổ ngữ với một thứ văn tự cực kỳ khó khăn như thế là “văn”, nhưng bây giờ người ta muốn nó mới thêm một chút nữa thì gọi là “văn học”. Từ này không phải lấy ra từ Văn học: Tử Du, Tử Hạ mà là từ du nhập từ Nhật Bản, là cách dịch từ tiếng Anh: literature của người Nhật” (Môn ngoại văn đàm, trong Thả Giới Đình tạp văn)(1)

Câu Văn học: Tử Du, Tử Hạ mà Lỗ Tấn nói trên là trong sách Luận ngữ thiên Tiên tiến. Trong thiên này, khi nói về những học trò xuất sắc của mình (gọi là Tứ Khoa thập triết), Khổng Tử nói: “Về đức hạnh thì  có Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung. Về ngôn ngữ thì có Tể Ngã, Tử Cống. Về chính trị thì có Nhiễm Hữu, Quý Lộ. Về văn học thì có Tử Du, Tử Hạ” (Đức Hạnh: Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiêm, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung. Ngôn ngữ: Tể Ngã, Tử Cống. Chính trị: Nhiễm Hữu, Quý Lộ. Văn học: Tử Du, Tử Hạ).

Ngôn ngữ được hiểu là có khả năng nói chuyện, biện thuyết. Thời Đông Chu các nước thường hay đưa thuyết khách đi biện bạch ngoại giao.

Văn học được hiểu là khả năng biết điển cố, đọc hiểu kinh Thi, kinh Thư và kinh sách cổ điển khác. Tử Du, Tử Hạ không phải là người sáng tác thơ văn mà là người có nhiều khả năng trên. (2)

Như vậy hàm nghĩa từ “văn học” – literature không phải có ý nghĩa như từ văn học được dùng trong Luận ngữ cũng như cách hiểu của người Trung Quốc trước thời cận đại.

Với ý nghĩa là literature, người Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản ngày xưa dùng từ văn, văn thơm văn chương nhưng nội dung cũng hơi khác một chút. Ví dụ “văn” trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp bao gồm các thể loại văn hình tượng Trung Quốc cổ, nhưng cũng không chỉ thế, còn có cả nhiều loại văn mà hiện nay chúng ta không quan niệm là văn chương nữa như các sách Kinh Thư (sách lịch sử), Kinh Lễ, Kinh Nhạc (sách nghiên cứu lễsách nghiên cứu lễ nghi, âm nhạc), Kinh Dịch (sách triết học), Kinh Xuân Thu (lịch sử)  ... Sở dĩ có tình trạng trên vì ngày xưa “văn, sử, triết bất phân”, sự phân chia tuy đã có, nhưng chưa thật rạch ròi.

Từ “văn học” với tính cách là từ dịch từ literature, trong cách hiểu hiện nay của nó chỉ xuất hiện ở Nhật Bản sau cuộc Duy tân Minh Trị (1868). Theo Suzuki Shùji, nhà nghiên cứu nổi tiếng về văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản thì lai lịch từ “văn học” như sau:

- Trước 1868 chưa có từ  “văn học”. Trong từ điển Anh – Hòa (Anh - Nhật) tối cổ do Dương Thư điều sở  (cơ quan nghiên cứu sách phương Tây) của Mạch phủ Tokugawa soạn, gọi là Anh – Hòa đối dịch tụ trân từ điển thì từ literature chỉ được dịch đơn giản là  “Jishiri” (biết chữ). Còn từ điển Hòa – Anh tối cổ là bộ Hòa – Anh ngữ lâm nhập tập thành của Jeanes Curties Hepburn (người Mỹ), xuất bản lần thứ nhất năm 1867 thì: văn đạo dịch là literature (tránh dùng từ văn học); văn học dịch là nghiên cứu văn học, đặc biệt là văn học cổ điển Trung Quốc. Cho đến bản in lần thứ ba (Minh Trị thứ 19-1886), từ văn học mới được dịch là literature.

- Người đầu tiên dịch từ literature thành “văn học” là Nishi Amane (Tây Chu). Nishi là người trong lớp lưu học sinh đầu tiên do Mạc phủ cử đi nước ngoài học đại học ở Hà Lan. Về nước ông làm việc ở Khai Thành sở của Mạc Phủ (3). Thời Minh Trị ông ở trường Dục Anh xá ở Tokyo, giảng dạy tổng quát về các môn khoa học cận đại ở Châu Âu trong tập Bách Khoa liên hoàn giáp thư ông đã dịch literature thành “văn học” (tuy cũng có lúc lại dùng văn chương học).

- Cho đến năm 1875, từ “văn học” được chính thức thừa nhận trong một báo cáo của Bộ Giáo dục Nhật Bản về chương trình học của Khai Thành học hiệu. Năm sau – 1876, tạp chí Đồng nhân xã văn học tạp chí (Tạp chí văn học   của hội Đồng Nhân xã do Nakamura Masanao chủ trương) ra đời; đánh dấu từ “văn học” được phổ biến rộng rãi trong xã hội Nhật Bản(4).

Ở Trung Quốc, từ “văn học” được dùng khi nào, chưa có tài liệu nào khẳng định chắc chắn. Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu là những trí thức tiên phong trong phong trào duy tân Trung Quốc. Năm 1898, trong một tập báo cáo đề là Nhật Bản chính biến thảo gởi lên cho vua Đức Tông, Khang Hữu Vi đã dùng từ  “văn học”, nhưng hàm nghĩa còn mơ hồ: “Đại học Tokyo chia ra ba bộ phận: Pháp học (luật pháp), Li học (Khoa học tự nhiên) và Văn học. Văn học chia ra làm hai khoa: Thứ nhất, Triết học, Chính trị học, Kinh tế học. Thứ hai, Văn học Nhật Bản và Trung Quốc (Hữu Đông Kinh đại học hiệu, phân Pháp học, Lí học, Văn học tam bộ, Văn học phân vi nhị khoa. Nhất viết: Triết học, Chính trị học, Lí tài khoa học. Nhị viết: Hòa Hán văn học khoa). ”

 Lương Khải Siêu lưu vong sang Nhật sau Mậu Tuất chính biến (1898), ông lập ra tuần báo Thanh Nghị xuất bản ở Yokohama. Lương Khải Siêu đánh giá rất cao tác dụng của sách báo duy tân Nhật Bản, ông viết: “Người nước ta có chí về tân học thì nên học văn Nhật Bản, Nhật Bản từ 30 năm duy tân trở lại đây đã rộng tìm tri thức khắp thế giới, làm sách hữu dụng không dưới vài ngàn loại (...). Nay  tôi cứ mỗi ngày gấp rút dịch ra để hiến cho đồng bào ta” (5). Thanh Nghị bị đình bản, tháng 2-1902, ông xuất bản bán nguyệt san Tân Dân tùng báo rồi Tân tiểu thuyết. Từ những tờ báo này, cả một hệ thống từ dựng gốc Nhật đã được  đưa ồ ạt vào Trung Quốc (xuất khẩu ngược chữ Hán), trong đó có cả từ “văn học”.

Tuy nhiên, phải đợi đến Hồ Thích, Trần Độc Tú với cuộc vận động “Văn học cách mạng” (cách tân đổi mới văn học - 1919) đánh bại nền học và văn nghệ cũ thì từ “văn học” mới được dùng rộng rãi trong xã hội, lấn áp từ Văn, văn chương cũ.

Ở Việt Nam, các sĩ phu yêu nước trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX là những người đầu tiên có công phổ biến nền học thuật mới. Trong đó vai trò của trường Đông kinh nghĩa thục (1907) là nổi bật hơn cả. Nhờ đó mà các danh từ mới của khoa học phương Tây theo “tân thư”được du nhập vào Việt Nam. Những danh từ mới lúc đầu có nhiều nguồn gốc khác nhau, ví dụ:

 

Gốc Nhật

Gốc Trung Quốc

Tiếng Việt

Thiết đạo

 

Đường sắt

Tiềm thủy đĩnh

 

Tàu ngầm

Điện thoại

 

Ống nói

Vật lí

Cách trí

 

Xã hội học

Quần học

 

Cộng hòa

Quần trị

 

Kinh tế học

Kinh tế học /Lý tài khoa học

 

Dân quyền

 

Quyền dân

Duy tân

Biến pháp

 

 

Sau đó, qua thử thách chỉ còn một cách là còn được chấp nhận như hiện nay chúng ta đã rõ.

Riêng về từ “văn học” cũng đã được nhắc đến nhưng hàm nghĩa vẫn có vẻ chưa rõ lắm, ví dụ như:

Lại còn “văn học”lên câu,

Bệnh mê truyện quái, lòng âu sách tình.

(Cáo hủ lậu văn - 1907)

Nam phong tạp chí có vai trò rất lớn trong việc làm phong phú tiếng Việt, góp phần đưa tiếng Việt phát triển cùng với quá trình cận đại hóa nước nhà. Tuy nhiên, trong giai đọan đầu, Phạm Quỳnh cũng như Nam phong tạp chí vẫn còn hay dùng chữ văn chương, chỉ thỉnh thoảng mới dùng từ “văn học”. Ví dụ: “Quốc âm sau này cũng thành một nên “văn học” xứng đáng chẳng kém gì người” (tục ngữ ca dao-1921). Cũng năm này, Phạm Quỳnh có bài diễn thuyết rất dài tựa đề là Văn học nước Pháp(6). Cứ như thế từ “văn học”được dùng phổ biến trong tiếng Việt, đồng thời những từ cũ như thơ văn, văn chương dần dần thu hẹp phạm vi sử dụng.

Cho đến cuối những năm 20, rồi 30, 40 hàng loạt sách nghiên cứu phê bình văn học ra đời, cho thấy từ “văn học” đã được công nhận rộng rãi trong xã hội. Đó là các sách: Nữ lưu văn học sử của Lê Dư, Văn học khái luận của Đặng Thai Mai, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm ...

Từ  “văn học” được ra đời và sử dụng cùng với quan niệm mới về văn học ở Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Về vấn đề này chúng tôi mong muốn có một dịp khác được trình bày ki càng hơn, ở đây chỉ xin nêu vắn tắt.

1. Nền “văn học” mới chủ yếu là được viết bằng ngôn ngữ đó.

Ra đời cùng với phong trào Duy tân của các nước Viễn Đông, nền văn học mới là do một tầng lớp trí thức mới đảm trách – trí thức đô thị, hướng đến một công chúng mới, đông đảo hơn, trước hết là ở đô thị rồi đến nông thôn. Để nền văn học mới cũng như nền học thuật mới đến được với mọi người, trước hết nó phải dễ hiểu. Cho nên ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam đều có phong trào, gọi theo kiểu Hán ngữ là ngôn văn nhất trí (nói và viết nhất trí với nhau), cũng có nghĩa là được viết bằng ngôn ngữ nói là chủ yếu.

Nishi Amane, người khai sinh ra từ “văn học”, năm 1871, trong Bách học liên hòan, khi giới thuyết về ý nghĩa của từ này, ông bắt đầu từ vấn đề ngôn ngữ. Ông cho rằng: ngôn ngữ có hai loại: tử ngữ (Dead Language) và sinh ngữ (Living Language), văn học hiện nay phải là văn học viết bằng sinh ngữ, nghĩa là ngôn văn nhất trí như ở phương Tây vậy.

Chủ trương ngôn văn nhất trí ở Trung Quốc là yêu cầu sử dụng bạch thoại trong sáng tác văn học cũng như trong báo chí và các ngành học thuật khác.

Ở Việt Nam, để ngôn văn nhất trí trước hết là phải cổ động dùng chữ Quốc ngữ La-tinh, đó là chủ trương của các sĩ phu Duy tân đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, trước đó nữa, trứơc cả khi Lương Khải Siêu, Hồ Thích để xướng dùng văn bạch thoại, năm 1886 – nghĩa là cùng năm Tsubuochi Shôyô viết cuốn Tinh thần tiểu thuyết  (Tiểu thuyết thần tủy) mở đường cho văn học cận đại Nhật Bản – ở Việt Nam, Nguyễn Trọng Quản trong lời đề tựa cho cuốn tiểu thuyết của mình (Thầy Lazaro Phiền) đã minh định mục tiêu của mình: “Tôi có dụng ý lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay (...). Bởi đó tôi mới dám bày đặt một truyện đời này là sự thường có trước mắt ta luôn, như vậy thì sẽ có nhiều người sẽ lấy lòng vui mà đọc”(7).

2. Nền “văn học” mới phải gắn bó với hiện thực. Văn học phải gắn bó góp phần đổi mới xã hội và có tính hiện thực cao. Đó là chủ trương của các nhà văn thời Minh Trị ở Nhật Bản; Lương Khải Siêu, Hồ Thích, Lỗ Tấn ... ở Trung Quốc; Phan Bội Châu, Hoàng Ngọc Phác, nhóm Tự lực văn đoàn ... ở Việt Nam. Nói về việc này, gây ấn tượng nhất là ý kiến của Lương Khải Siêu về tiểu thuyết: “Muốn đổi mới dân tộc một nước không thể không đổi mới tiểu thuyết nước đó. Vì muốn đổi mới nền đạo đức thì phải đổi mới tiểu thuyết. Muốn đổi mới chính trị phải đổi mới tiểu thuyết. Muốn đổi mới phong tục phải đổi mới tiểu thuyết. Muốn đổi mới học thuật phải đổi mới tiểu thuyết. Và muốn đổi mới lòng người, đổi mới tư cách con người cũng phải đổi mới tiểu thuyết. Tại sao vậy? Vì tiểu thuyết có sức chi phối con người mạnh không hiểu nổi” (Luận tiểu thuyết dữ quần trị chi quan hệ)(8).

Thực ra thì ý thức về sứ mạnh lớn lao của văn học cũng như đòi hỏi tính hiện thực cao không phải là điều chỉ đến thời cận đại mới có. Nhưng quan niệm trên là sự phản ứng lại thực tế thơ văn đương thời – một thứ văn chương già nua, là đoạn cuối những ngày tàn của văn học trung đại. Đó là loại truyện Khuyến thiện trừng ác, giáo huấn lộ liễu, phi hiện thực kiểu như Bakin, là thơ tanka, haiku sáo mòn hết sức sống ở Nhật Bản. Là tuyểu thuyết chí quái, truyện truyền kỳ, là cổ văn phái Đồng Thành ở Trung Quốc. Là thơ văn chữ Hán khô cứng ở Việt Nam, kể cả thơ luật khuôn sáo, sầu thảm trên Nam phong tạp chí.

3. Nền “văn học” mới là nền văn học học tập mô hình văn học phương Tây. Rời bỏ tính chất khu vực Đông Á, nó hướng đến một chân trời mới. Và rồi tiểu thuyết mới, kịch, phê bình văn học, tân thể thi (Shintaishi) của Nhật Bản, tân thi của Trung Quốc, và Thơ Mới của Việt Nam cũng lần lượt ra đời.

Như vậy, nền văn học mới ở các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản đã hình thành. Gọi nó là văn chương cũng được, nhưng trong bộ cánh mới của một “tân nhân vật”, nó cũng muốn “mới thêm một chút nữa” (chữ dùng của Lỗ Tấn), nên người ta gọi nó là “văn học”. Rồi cũng từ đó, từ “văn học” còn được dùng để gọi luôn cả cái hồi xưa gọi là văn và văn chương.

 

                                                               (Tạp chí Văn học số 5 năm 1998)

CHÚ THÍCH

(1)               Dẫn theo Suzuki Shùiji: Sự ra đời của từ “văn học” và văn học Trung Quốc, Nhật Bản, trong sách nghiên cứu văn học so sánh với văn học Trung Quốc. Cấp cổ thư viện, Tokyo, 1986 (tiếng Nhật).

(2)               Luận ngữ. Quảng tri thư cục xuất bản, Hongkong, 1965 (chữ Hán).

(3)               Mạc phủ Tokugawa có thành lập cơ quan nghiên cứu sách báo phương Tây gọi là Dương Thư điều sở. Năm 1863 đổi thành Khai Thành sở. Minh Trị thứ 1 (1868) được đổi thành Khai Thành học hiệu – là trường Cao đẳng duy nhất ở Nhật Bản cho đến trước khi Đại học Tokyo ra đời (1871).

(4)               Suzuki Shùji: Sđd.

(5)               Nguyễn Văn Y: Lương Khải Siêu. Hoa Đăng xuất bản, Sài Gòn, 1972; tr.84.

(6)               Thượng Chi văn tập. Bộ Quốc gia giáo dục Sài gòn, 1962.

(7)               Nguyễn Văn Trung: Những áng văn chương quốc ngữ đầu tiên: Thầy Phiền của Nguyễn Trọng Quản. Đại học Sư phạm Tp.HCM (Bản ronéo), 1987.

(8)             Nghiên cứu văn học so sánh với văn học Trung Quốc. Sđd; tr.354.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60427458
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8433
6820
60427458

Thành viên trực tuyến

Đang có 184 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website