Nguyễn Thị Manh Manh – nữ sĩ tiên phong trong Phong trào Thơ mới

(Đoàn Lê Giang, Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên giám 2012)

  1. Vài nét về tiểu sử và sự nghiệp

Nguyễn Thị Manh Manh tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, có nhiều bút hiệu như: Manh Manh, Myn, Nguyễn Văn Myn, Lệ Thủy…, sinh năm 1914 tại tỉnh Gò Công. Cha là tri huyện Nguyễn Đình Trị, một nhà báo có tiếng đương thời. Nguyễn Thị Kiêm lúc nhỏ học ở Gò Công, sau lên Sài Gòn học trường Trường trung học thiếu nữ bản xứ (Collèges des Jeunes filles Indigènes), tức trường Collèges des Jeunes filles Annamites de Saigon/ Trường nữ Trung học Annam Sài Gòn([i]).

Khoảng năm 1931-1932, Nguyễn Thị Kiêm tốt nghiệp bằng Thành Chung ban sư phạm, rồi được giữ lại trường dạy học. Vừa dạy học, Nguyễn Thị Kiêm vừa tham gia hoạt động xã hội và viết báo, cô viết cho Phụ nữ tân văn, Công luận, Nữ lưu

Khoảng những năm 1933-1934, cô đăng bài trên Phụ nữ tân văn ủng hộ Phong trào Thơ mới của các thi sĩ đàn anh: Phan Khôi, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... Ngày 26/7/1933, năm 19 tuổi cô đăng đàn diễn thuyết tại Nhà hội của Hội khuyến học Sài Gòn về đề tài Thơ mới. Tiếp đó cô lần lượt ra Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Hà Nội... diễn thuyết hô hào cải cách văn chương, cải cách xã hội, nhất là cổ động cho nữ quyền. Các buổi diễn thuyết được đông đảo người tham dự và ủng hộ nhiệt liệt.

Sau này có lẽ Nguyễn Thị Kiêm có tham gia hoạt động yêu nước chống Pháp. Trong Hồi ký 1925-1964, tập 2 (1945-1954), nhà văn, nhà báo Nam Đình Nguyễn Thế Phương có kể chuyện Manh Manh đi rải truyền đơn chống Pháp nhưng không nói rõ của tổ chức nào.

Nguyễn Thị Manh Manh kết hôn với người bạn thơ Lư Khê Trương Tuấn Cảnh([ii]). Trương Tuấn Cảnh sinh năm 1916 tại Hà Tiên, là nhà thơ, nhà báo có tiếng đương thời, được người đời xưng tụng là “Hà Tiên tứ kiệt” cùng với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà. Hai người kết hôn khoảng năm 1936-1937, lúc ấy Nguyễn Thị Kiêm 22-23 tuổi, Lư Khê 20-21 tuổi. Hai người sinh được người con gái, gọi là bé Mi Nu. Bé Mi Nu yểu mệnh, chỉ sống được một tuổi. Nguyễn Thị Kiêm không sinh được nữa, nên để cho chồng kết hôn với người khác. Năm 1950, Lư Khê bị ám sát chết. Cũng năm ấy Manh Manh sang định cư ở Pháp và sống âm thầm ở đấy cho đến cuối đời. Nữ sĩ mất ngày 26/1/2005 tại một nhà dưỡng lão ở Paris.

Tác phẩm: Nguyễn Thị Manh Manh để lại tổng cộng 10 bài thơ mới, đó là: Viếng phòng vắng, Thơ gởi cho em Vân, Mộng du, Canh tàn, Lá rụng, Sa đà, Hai cô thiếu nữ, Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới, Một bài thơ mới gởi riêng cho các anh ghiền: Bà Lafugie - nhà thám hiểm và họa sĩ, Đêm khuya qua Xuân Lộc. Đáng chú ý là loạt bài du ký: Cuộc hành trình từ Nam ra Bắc, Hà Nội với mấy cái cảm tưởng đầu (Phụ nữ tân văn số ngày 25/10/1934, 8/11/1934, 13/12/1934), Dưới chân đèo Cả (Phụ nữ tân văn số 252/ 1934). Bên cạnh đó cô có nhiều phóng sự trên báo Phụ nữ tân văn, Nữ lưu… Đóng góp quan trọng hơn cả của Manh Manh là các bài diễn thuyết rất nổi tiếng đương thời:

-          Phụ nữ và văn học, bài diễn thuyết vận động thành lập nữ lưu học hội tại Hội chợ phụ nữ 1932 (Phụ nữ tân văn số 131, ngày 26/5/1932, sau nhà in Nguyễn Văn Viết in lại, Sài Gòn chung với bài Phụ nữ với thể dục của cô giáo Út/ Bùi Thị Út diễn thuyết tại Hội chợ nói trên)

-          Về lối thơ mới, bài diễn thuyết ở Hội Khuyến học Sài Gòn, ngày 26/7/1933 (Phụ nữ tân văn, số 211, ngày 10/8/1933; số 213 ngày 24/8/1933)

-          Dư luận nam giới đối với phụ nữ tân tiến, bài diễn thuyết ở Hội Quảng Tri, Huế, ngày 8/5/1934 (Phụ nữ tân văn, số 243, ngày 24/4/1934)

-          Một ngày của một người đàn bà tân tiến, bài diễn thuyết ở Hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội, ngày 8/9/1934 (Phụ nữ tân văn, số 259, ngày 20/9/1934)

-          Có nên tự do kết hôn hay không? Bài diễn thuyết ở nhà séc Lạc Bằng do Hội Trí Tri Nam Định tổ chức ngày 03/11/1934 (Phụ nữ tân văn, số 267, ngày 21/11/1934)

-          Có nên bỏ chế độ đa thê không? Bài diễn thuyết ở Hội quán Hội Trí Tri Hải Phòng (Phụ nữ tân văn, số 268, ngày 29/11/1934).

2. Người bênh vực và khẳng định Thơ mới

Nguyễn Thị Kiêm thuộc thế hệ những phụ nữ đầu tiên được hưởng trọn vẹn nền giáo dục Tây học. Trường Áo Tím của cô là trường nữ đầu tiên trong cả nước. Trường thành lập năm 1913, sau đó mới đến trường nữ ở Hà Nội (trường Trưng Vương hiện nay), trường Đồng Khánh ở Huế. Tất nhiên trước Manh Manh đã có những người phụ nữ được hưởng nền giáo dục Tây học như: Nhàn Khanh, Tương Phố, Đạm Phương, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Phan Thị Bạch Vân… nhưng tất cả còn nửa cổ nửa kim, và chưa đạt những bằng cấp cao. Ông Huyện Nguyễn Đình Trị quê Gò Công có hai cô con gái, ông đều cho vào học trường nữ. Cô chị học xong được ông cho sang Pháp du học, lấy được bằng Tiến sĩ văn chương và quay trở lại dạy ở Trường Áo Tím, cô đã sống một cuộc đời chắc là hạnh phúc và bình lặng của nữ giáo sư trung học. Cô em – Nguyễn Thị Kiêm, lấy được bằng tốt nghiệp trung học (bằng Thành chung) năm 1932 thì ở lại trường dạy học, đồng thời tham gia hoạt động báo chí và xã hội. Cô trở thành phóng viên của tờ Phụ nữ tân văn  mà chủ bút của nó là nhà ngôn luận cự phách Phan Khôi. 

Ngày 10/3/1932, trên báo Phụ nữ tân văn số 122, Phan Khôi đã tuyên chiến công khai với Thơ cũ với bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ. Trong đó ông cho rằng cần phải phá bỏ tất cả niêm luật thơ cũ để có thể trình bày một cách thành thực tình, cảnh ở trong thơ. Phan Khôi đã tiên liệu cuộc đấu tranh để đả phá thành trì của thơ cũ đã từng tồn tại hàng nghìn năm không phải là chuyện dễ, trước ông đã có người thất bại, thậm chí có thể cả ông cũng thất bại, nhưng tương lai tươi sáng cho Thơ mới nhất định sẽ đến:

Chẳng phải tôi là người thứ nhứt làm ra việc nầy. Hơn mười năm trước ở Hà Nội cũng đã có một vị thanh niên làm việc ấy mà bị thất bại.

Tôi dại gì lại đi theo cái dấu xe đã úp? Nhưng tôi tin rằng cái lối thơ của ta đã hết chỗ hay rồi, dường như một chỗ đế đô mà cái vượng khí đã tiêu trầm rồi, ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô. Tôi cầm chắc việc đề xướng của tôi đây sẽ thất bại lần nữa, nhưng tôi tin rằng sau nầy có người làm như tôi mà thành công.

Sau bài viết của Phan Khôi, người ủng hộ nhiệt thành nhất là Lưu Trọng Lư với bài Bức thơ ngỏ cùng Phan Khôi tiên sinh sau khi đọc bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ (Phụ nữ Tân Văn, số 174, ngày 27/10/1932). Cuộc đấu tranh giữa Thơ mới và thơ cũ rất quyết liệt, từ Sài Gòn cuộc tranh luận này lan ra cả nước: người tán đồng cũng lắm, kẻ chê bài dè bỉu cũng nhiều. Người chê bai Thơ Mới đều là những tay cự phách trong làng thơ ca, báo chí, học thuật.

Trong tình hình ấy, ngày 26/7/1933 tại Hội Khuyến học Sài Gòn, Nguyễn Thị Manh Manh đã đăng đàn diễn thuyết để bảo vệ Thơ mới. Manh Manh sinh năm 1914, vậy là năm ấy cô mới 19 tuổi. 

Trong bài diễn thuyết của mình, mở đầu Manh Manh đã chỉ ra những hạn chế của các thể thơ truyền thống, nhất là thơ Đường luật. Cô nói:

“Thơ Đường luật là một lối thơ rất bó buộc về từng câu từng chữ, chặt chịa về luật bình trắc, về phép đối câu, đối chữ. Vì khuôn khổ luật phép phiền phức nên người làm thơ Đường ở trong một phạm vi eo hẹp lúng túng, hễ cảm hứng ra bài nào là câu văn nhái lại như mấy trăm bài khác; còn ý tưởng dường như đã có nhiều nguời “phát minh” ra trước rồi. Bằng muốn bỏ hết mấy sáo cũ, diễn những tư tưởng mới mẻ thì không trúng khuôn khổ. Ta chỉ nói rằng thơ Đường luật không dùng được nữa, vì bao nhiêu cái đề  hay, bao nhiêu cái ý tưởng sâu đều đã có một hạng thi tài đời xưa phô tả hết rồi người đi sau vì cái vòng niêm luật ấy phải lập lại câu cũ ý xưa mà thôi, thành ra lời văn không thích hạp với sự đời bây giờ mà ý tưởng thì không tả ra hết được.”([iii])

Từ đó cô khẳng định: thơ mới ra đời là một nhu cầu tất yếu để diễn tả tình tứ: “Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà “đẹt mất” thì rất cầm phải có một lối thơ khác, do lề lối nguyên tắc rộng rãi hơn. Thơ này khác lối xưa nên gọi là “Thơ mới”.

Hẳn không ít độc giả rất thích thú với cách dùng khẩu ngữ Nam Bộ qua từ “đẹt mất” để diễn tả tình trạng tư tưởng và tình cảm của người làm thơ không lớn lên được do sự gò bó của niêm  luật. 

Sau đó bài diễn thuyết đề cao các bài thơ mới, bắt đầu từ bài Tình già của Phan Khôi. Cô gái tân học 19 tuổi này đã phê bình bài thơ của nhà chí sĩ, học giả Phan Khôi thế này: “Về hình thức thì bài Tình già không được gọn, nhưng về nội dung, tình tứ giãi ra một cách rõ ràng, dễ hiểu mà thật thà. Chỉ đọc qua là nghe khác hẳn lối thơ xưa, có vẻ thiết thực và cảm hóa được người đọc”.

Lời phê bình ấy không thể nói là không chí lý. Tiếp theo Manh Manh ca ngợi giọng điệu mới mẻ trong bài Trên đường đời của Lưu Trọng Lư, Vắng khách thơ của Thanh Tâm – như cô nói: “đó là ba bài thơ mới đầu hết mà ít có ai để ý tới”.

Sau đó Manh Manh nói về thơ của mình và thơ của Hồ Văn Hảo. Về Hồ Văn Hảo, Manh Manh có cái nhìn rất tinh, rất sắc :

“Bài thơ đầu của Hồ Văn Hảo là Tự tình với trăng. Câu văn thật êm đềm mà rõ rệt, người xem bài này có thể vẽ ra được một cảnh : “Màn trời ai vén/ Để chị Hằng mặt thẹn đỏ tươi tươi/ Một nụ cười/ Ra chiều xẻn lẻn…”. Tiếc là ý tưởng bài thơ này hơi cũ, tác giả chê cõi đời này là “bể khổ trầm luân”, không thiết tha gì đến đời, muốn lên ở cung trăng, cho êm tịnh”.    

Manh Manh đặc biệt ca ngợi bài thơ Con nhà thất nghiệp của Hồ Văn Hảo (Ngọn đèn leo lét/ Xác xơ một nóc nhà tranh/ Trên chiếu tan tành/ Một trẻ thơ nằm im, xanh mét…). Cô ca ngợi bài thơ này vì nó đã mở ra một chân trời sáng tạo mới: thơ ca làm sao phải tả được những xúc động chân thật nhất của con người: “Có lẽ trong thơ văn, người cu ly ở trần, quần vắn là một động vật không có gì lãng mạn chăng? Có lẽ cái bi kịch một người nghèo khổ phải đi ăn trộm hụt, chúng hay được la “ăn trộm! ” rồi anh chạy trốn, kịch ấy không gì lạ, đáng để ý chăng? ”.

Kết thúc bài diễn thuyết, Manh Manh tỏ ra tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Thơ mới: Tôi xin nhắc rằng chúng tôi chẳng hề nói mình đã đặt ra những thơ mới hoàn toàn xuất sắc bao giờ, chỉ mong rằng lối thơ mới được nhiều người để ý đến và có thể trở nên một lối thơ thông dụng để tả một cách thiết thực rõ ràng những thi cảm của các thi nhân hiện thời.

Cuộc đăng đàn diễn thuyết về Thơ mới của Manh Manh sau đấy đi vào lịch sử văn học, vì đây là lần đầu tiên sau 25 năm hoạt động của Hội khuyến học Sài Gòn lần này mới có nữ sĩ đăng đàn diễn thuyết như lời Bác sĩ Trần Văn Đôn, Hội trưởng đã nói. Còn hai nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân nhận xét: Cũng lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được đông người nghe như thế” và khen ngợi Manh Manh là “một nữ sĩ có tài và có gan”.

3. Nữ thi sĩ tiên phong đổi mới thơ ca

Manh Manh đăng đàn diễn thuyết bênh vực Thơ mới với tư cách là nhà hoạt động văn hóa đi tìm những chân trời sáng tạo mới cho thơ hơn là một thi sĩ chuyên nghiệp. Toàn bộ sự nghiệp thơ ca của Manh Manh để lại chừng mươi bài: Viếng phòng vắng, Thơ gởi cho em Vân, Mộng du, Canh tàn, Lá rụng, Sa đà, Hai cô thiếu nữ, Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới, Một bài thơ gởi riêng cho các anh ghiền: Bà Lafugie - nhà thám hiểm và họa sĩ, Đêm khuya qua Xuân Lộc. Mặc dù thơ của Manh Manh không thật hay nhưng không phải là không có phong cách riêng và nhất là những bài thơ mới của cô là những sáng tạo có tính vạch thời đại, đoạn tuyệt mạnh mẽ với thơ cũ.

Thơ Manh Manh đậm chất hiện thực như thơ Hồ Văn Hảo mà cô từng bênh vực. Bài Hai cô thiếu nữ tiêu biểu nhất cho cảm hứng đó:

“Hai cô thiếu nữ đi ra đồng

(một cô ở chợ, một cô ở đồng)

Hai cô thiếu nữ đi ra đồng

Một mảnh lụa hồng, một vóc vải đen

Bài thơ kể câu chuyện về hai cô gái đi ra đồng, người bắt cá, người hái hoa, và câu chuyện diễn ra pha màu cổ tích: hai người trở về thì gặp một bà lão nghèo đứng khóc bên vệ đường. Hỏi chuyện thì biết bà đang phải nuôi ba cháu mồ côi cả cha mẹ, hiện nhà hết gạo. Hai cô đưa hết những thứ mình có được: cô đưa giỏ cá, cô đưa giỏ hoa. Bà lão nhận giỏ cá còn từ chối giỏ hoa vì nó chẳng giúp ích gì… Bài thơ kết lại:

“Hai cô thiếu nữ đi khỏi đồng

Cô ở đồng hay nhẹ bỗng tấm lòng

Hai cô thiếu nữ đi khỏi đồng

Cô áo hồng mang nặng cái giỏ bông…

                   (Phụ nữ tân văn, số 204, ngày 15/6/1933)

Bài thơ ngây thơ như câu chuyện cổ tích mà cô kể lại, nhưng lại có ý nghĩa như một tuyên ngôn về nhân sinh và nghệ thuật của nữ sĩ: ý nghĩa của nhân sinh và nghệ thuật là ở chỗ phụng sự nhân dân. Chính cuộc đời của một nhà báo, nhà hoạt động xã hội - nữ quyền và cả một nhà yêu nước là minh chứng cho điều đó.

Cảm hứng thứ hai khá rõ trong thơ Manh Manh là đấu tranh cho nữ quyền. Trong bài Một bài thơ gởi riêng cho các anh ghiền: Bà Lafugie - nhà thám hiểm và họa sĩ, nhà thơ say mê với hình ảnh nhà thám hiểm, nhà khoa học – bà Lafugie, ca ngợi bà như biểu tượng của phụ nữ mới mạnh mẽ:

                        “Người từng lướt đi chẳng kể nắng nung, tuyết lạnh, đất nghiêng, đá vỡ

Người ăn vận như bạn trai, ngồi lưng ngựa long chong, mà qua đèo, xuống hố, lên dốc, lội hào              

Cùng một bọn tuỳ tùng dân lạ, sấn đi giữa non núi chình chòng                           

Rồi trải qua những ngày phẳng lặng, những đêm hung dông bão…

Lấy đó làm gương cho các anh ghiền á phiện đầy rẫy trong xã hội bấy giờ. Bài thơ kết thúc bằng cách nói lạ và thú vị :

“Các anh có nghe tôi chăng? Hay là:

Đang lúc tâm hồn tôi rúng động, vì một bậc anh tài mới thoáng qua

Đang lúc tôi hăm hở hát ca, cái can đảm, cái khí liệt, cái hùng dũng

Của một người đàn bà, mà các anh vẫn nằm điềm nhiên vẫn móc, vẫn tim, vẫn hút, vẫn ghiền

Thì các anh ơi

Đành rằng trọn đời, trên thế giới người ta:

Các anh chẳng phải là đàn ông, mà các anh cũng chẳng đáng làm đàn bà!

                                                                              (Phụ nữ tân văn, số 239, ngày 26/4/1934)

Nổi bật nhất trong thơ Manh Manh là nỗi buồn man mác: buồn vì một người đã mất chỉ còn lại một căn phòng không (bài Viếng phòng vắng, Thơ gởi cho em Vân), buồn vì cô đơn trên đường lữ thứ (Đêm khuya qua Xuân Lộc), và buồn vì “không hiểu vì sao tôi buồn - một nỗi buồn man mác trước cảnh “Lá rụng, trong một đêm “Canh tàn, với nỗi mơ màng “Mộng du

“Chiều hôm tựa cửa sổ,

Trông bóng chiều thiết tha…

Chân trời mây bay xa…

Thân ta chỉ một chỗ!

                                                            (Mộng du, Phụ nữ tân văn, số 192, ngày 23/3/1933)

 Manh Manh là nữ sĩ đầu tiên của phong trào Thơ mới cách tân hình thức thơ ca, và cách tân một cách mạnh mẽ – ngay từ những bài đầu tiên. Manh Manh xuất hiện lần đầu với bài Viếng phòng vắng đăng trên Phụ nữ tân văn số Xuân ngày 19/1/1933 :

“Gió lọt phòng không

Tạt hơi đông

Lạnh như đồng

Ngồi mơ tưởng

Ngày xưa phất phưởng

Dấy động tơ lòng…

(…)

Hò hẹn khiếp sau

lại tìm nhau

có đặng nào?

Dầu có tin

nàng sẽ tái sinh

ở vũ trụ nào?

        

Thôi duyên có bấy

nhiêu ngần ấy!...

Hoa để tàn

trong trương sách([iv])

hơi lây lách

Như thấm từ hàng!

 

Nàng tựa đoá hoa

mà người ta

là quyển sách

lật nửa chừng

từ mỗi tờ, bừng

hương lên bay tách…

           

Gió lọt phòng không

tạt hơi đông

lạnh như đồng

Ngồi tơ tưởng

Tình xưa phất phưởng

Ấm dịu cõi lòng…

Thể thức của bài thơ này rõ ràng là rất mới. Nó mới không chỉ ở câu dài câu ngắn khác nhau, vì câu dài ngắn khác nhau vẫn có thể rất xưa cũ, nếu hình tượng, ngôn ngữ thơ chưa đổi mới - như thơ Tản Đà chẳng hạn :

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai

Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi

Nửa năm tiên cảnh

Một bước trần ai

Ước cũ duyên thừa có thế thôi!

Đá mòn, rêu nhạt

Nước chảy, huê trôi

Cái hạc bay lên vút tận trời!

(Tống biệt)

Bài Viếng phòng vắng mới ở nhịp điệu ngắn mà trúc trắc, ở nhiều câu thơ vắt dòng, ở rất nhiều ngôn ngữ đời thường theo giọng Sài Gòn bấy giờ, và ở nhiều hình tượng mới không hề có trong thơ xưa: nàng sẽ tái sinh/ ở vũ trụ nào (không phải kiếp nào), Nàng tựa đoá hoa/ mà người ta/ là quyển sách…. Bài thơ này và những bài thơ sau đó xuất phát từ một tâm tình khác, một điệu hồn khác – một điệu tâm hồn hình thành từ cái học mới với những Vigny, Baudelaire, Verlaine… Như chính Manh Manh đã nói: Bài Thơ gửi cho em Vân theo điệu Gió chiều, bài Mộng du, Canh tàn theo điệu bài Hòa âm chiều ([v]):

Điệu này tôi có làm hai bài Canh tànMộng du (đọc hai bài ấy). Tôi xin chép một bài ra đây để tiện chỉ cách đặt:

Canh tàn

Em ơi, nghe lóng nghe

Gió đêm thoáng qua cửa, 

Lụn tàn một góc lửa,

Lạnh ngắt chốn buồng the ! 
. . . . . 

Gió đêm thoáng qua cửa... 

Não dạ, dế tỉ te. 

Lạnh ngắt chốn buồng the. 

Em ôi, khêu chút lửa, 

. . . . .

Não dạ, dế tỉ te. 

Gió ru... "thiết chi nữa !"

Em ôi, khêu chút lửa,

Rồi lại ngồi đây nghe 
. . . . .

Gió ru... "thiết chi nữa !"

Sụt sùi mấy cành tre...

Em ngồi đây có nghe.

Tơ lòng chị đứt nữa ?...

Bài này có 4 khúc, mỗi khúc 4 câu, mỗi câu 5 chữ. Khác là câu thứ 2 và 4 của khúc trước đem vô khúc kế làm ra câu thứ 1 và 3. Tôi ngụ ý đặt điệu này theo bài Harmonie du soir của thi sĩ Pháp Charles Baudelaire. Có mấy câu lập đi lập lại (chúng tôi tô đậm - ĐLG). Không phài là túng vận hay là chỉ để êm tai, mà thật là cái dụng ý để tả cái buồn, một cái ý tưởng đang vấn vít theo mãi”([vi]).

Để tiện hình dung, chúng ta xem lại bài Harmonie du soir của Baudelaire (những chỗ in đậm là để lưu ý những câu lặp lại):

“Voici venir le temps où vibrant sur sa tige
Chaque fleur s’évapore ainsi qu’un encensoir;
Les sons et les parfums tournent dans l’air du soir;
Valse mélancolique et langoureux vertige!


Chaque fleur s’évapore ainsi qu’un encensoir;
Le violon frémit comme un coeur qu’on afflige;
Valse mélancolique et langoureux vertige!
Le ciel est triste et beau comme un grand reposoir.


Le violon frémit comme un coeur qu’on afflige,
Un coeur tendre, qui hait le néant vaste et noir!
Le ciel est triste et beau comme un grand reposoir;

Le soleil s’est noyé dans son sang qui se fige.


Un coeur tendre, qui hait le néant vaste et noir,
Du passé lumineux recueille tout vestige!
Le soleil s’est noyé dans son sang qui se fige...
Ton souvenir en moi luit comme un ostensoir!
([vii])

Trong bài diễn thuyết, Manh Manh cũng nhắc đến bài Chanson d’automne (Bài ca mùa thu) của thi sĩ Paul Verlaine (1844-1896). Xin chép dưới đây để thấy rằng về hình thức, những bài thơ Thư gửi em Vân, Lá rụng… của Manh Manh rất giống bài thơ ấy:

Chanson d’automne

Les sanglots longs
Des violons
De l’automne
Blessent mon coeur
D’une langueur
Monotone.

Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l’heure,
Je me souviens
Des jours anciens
Et je pleure

Et je m’en vais
Au vent mauvais
Qui m’emporte
Deçà, delà,
Pareil à la
Feuille morte.
([viii])

Có lẽ những cách tân của Manh Manh quá táo bạo, nên gặp phản ứng khá mạnh của những người cựu học. Vì thế Manh Manh có làm bài thơ Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới để trả lời lại với giọng thơ đầy khiêu khích:

“Phải, tôi đấy, Manh Manh, mấy bạn à!

Lâu quá không làm thơ, mấy bạn cũng “nột dạ”?

Phải, tôi đấy, Manh Manh, mấy ông à!

Lâu quá không làm thơ, mấy ông lấy làm lạ?

Trong bài này Manh Manh đã đẩy hình thức thơ gần như thành văn xuôi. Đây là sự cách tân có tính cực đoan nhất mà Thơ Mới có thể có, vì thơ văn xuôi phải đến hai chục năm sau đó mới được bàn tới.

Manh Manh nắm khá chắc về thơ ca cổ điển dân tộc, bằng chứng là cô có làm hai bài thơ Đường luật rất chỉnh: Vịnh hội chợ đêm Việt-Pháp, Tặng “Văn học tuần san”([ix]), nhưng Manh Manh không cách tân thơ ca bằng cách quay về những hình thức truyền thống ít bị ràng buộc hơn như thơ cổ phong, hát nói, dân ca hay lục bát. Manh Manh học cách đổi mới thơ ca từ thơ Pháp.  Dẫu con đường cách tân thơ ca như thế ít có ai theo, nhưng có thể thấy Manh Manh đã nói lên tiếng nói của những thanh niên Tây học không chịu gò bó vào những khuôn khổ cũ mà công cuộc cận đại hóa – dẫu là ở một nước thuộc địa, với văn chương và tư tưởng Pháp đã mở ra cho họ.

ĐLG.

 

Tài liệu tham khảo

1.      Nguyễn Q. Thắng, Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, Nxb. Văn học, 2007.

2.      Phan Văn Hoàng, Nhớ một nữ sĩ có gan và có tài, báo Hồn Việt, 22/3/2011, http://honvietquochoc.com.vn/Nhan-vat/Nho-mot-nu-si-co-tai-va-co-gan.aspx.

3.      Thanh Việt Thanh, Thiện Mộc Lan, Nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1998.

4.      Trương Minh Đạt, Những kỷ niệm sống với anh Lư Khê và chị Manh Manh, trong sách Nghiên cứu Hà Tiên, Nxb. Trẻ, 2008.

 



[i]   Nay là trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai.

[ii]   Lư Khê tên thật là Trương Tuấn Cảnh, sinh ngày 05/02/1916, tại Thuận Yên, Hà Tiên. Tốt nghiệp Thành Chung, trường Collège de Cần Thơ (Trung Học Cần Thơ), sau đó đi lên Sài Gòn dạy học, viết báo, làm thơ, viết cho các tờ: Sống (1935), Nữ lưu tuần báo (1936), Thế giới tân văn (1937), Tự do (1938), Tuần lễ NAY (1940), Đông Tây (1942), Gió Mùa, Tân Việt… Sau 1945, Lư Khê ở Sài Gòn, chủ trương các báo: Sự thật (1946-47), Ánh sáng (1947-1950)…Ngày 03/7/1950, Lư Khê bị ám sát.

[iii] Bài diễn thuyết của cô Nguyễn Thị Kiêm về lối thơ mới, Phụ nữ tân văn, số 211, ngày 10/8/1933 và số 213, ngày 24/8/1913. Các trích dẫn trong bài ấy dưới đây cũng theo nguồn ấy.

[iv] Trang sách

[v]   Khi đăng trên báo, Manh Manh có viết trong ngoặc đơn dưới đầu đề bài Mộng du là theo điệu Sợi tơ lòng. Nhưng trong bài diễn thuyết Manh Manh lại nói là viết theo điệu bài Harmonie du soir (Hòa âm chiều) của Baudelaire. Phải chăng Sợi tơ lòng là cách mà nữ sĩ dịch đầu đề bài Harmonie du soir?

[vi] Bài diễn thuyết của cô Nguyễn Thị Kiêm về lối thơ mới, Phụ nữ tân văn, số 211, ngày 10/8/1933 và số 213, ngày 24/8/1913.

[vii]             Bài thơ này được Vũ Đình Ninh dịch như sau: 

    “Trên cành run rẩy gót thời gian/ Từng đóa hoa lay thở khói trầm/ Chùm tiếng và hương choàng buổi tối/ Điệu buồn Valse lướt ngực âm âm!

    Từng đóa hoa lay thở khói trầm/ Đàn violon run khúc thương tâm/ Điệu buồn Valse lướt âm âm ngực! Bầu trời diễm lệ vọng xa xăm.

    Đàn violon run khúc thương tâm/ Tim mềm đau nhức mãi đen thâm! Bầu trời diễm lệ xa xăm vọng/ Chết đuối vừng dương vũng máu bầm.

    Tim mềm đau nhức mãi đen thâm/ Dĩ vãng bày ra dấu vết hồng! Chết đuối vừng dương bầm vũng máu/ Một vùng kỷ niệm sáng trong tâm!

[viii]             Bài thơ này được T.T dịch như sau :

    “Tiếng nức nở nỉ non/ Của những cây đàn violon/ Của mùa thu/ Làm tan nát tim tôi/ Trong mỏi mòn/ Đơn điệu.

    Tất cả ngột ngạt/ Và nhợt nhạt, khi mà/ Giờ đã điểm/ Tôi nhớ lại/ Những ngày xa xưa/ Và tôi khóc.

    Và tôi ra đi/ Theo gió chướng/ Cuốn tôi bay/ Đây, đó/ Giống như những chiếc/ Lá rụng.

[ix] Ví dụ bài Tặng “Văn học tuần san”: “Văn học tuần san sắp ấn hành,/ Làm cho khỏi phụ tiếng Thần kinh./ Gốc xưa đạo đức tài bồi dưỡng,/ Vẻ mới từ chương điểm chuyết xinh./ Trận bút quét ngàn quân liệt bại,/ Ngọn đèn soi một nẻo văn minh./ Mang sao tạp chí cho bền vững,/ Cùng với sông Hương núi Ngự Bình. (Phụ nữ tân văn, số 194, ngày 13/4/1933).

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60421590
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2565
6820
60421590

Thành viên trực tuyến

Đang có 194 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website