Nhiều thế hệ sinh viên rời ghế Khoa Văn Tổng hợp ra trường hàng mấy chục năm vẫn còn nhớ mãi phong thái thung dung, tác phong nghệ sĩ và nhất là lời giảng hào hùng, giọng đọc thơ ru hồn của GS.Hoàng Như Mai. Người nghe bị cuốn hút bởi cách phân tích sắc sảo, bởi tinh thần học thuật tự do và nhất là bởi cái tình với văn chương. Trong thời chiến tranh và bao cấp, việc giảng văn nhiều khi phải hy sinh cả chính văn chương để đạt được những mục tiêu trước mắt, nhưng ngay cả trong những lúc như thế, Giáo sư vẫn nuôi trong tâm hồn nhiều thế hệ sinh viên niềm yêu thích với những áng thơ văn đích thực: Ngày về, Tây Tiến, Màu tím hoa sim, Bên kia sông Đuống v.v. để đến bây giờ, những tác phẩm ấy đã có được vị trí xứng đáng trong chương trình môn Văn và trong lịch sử văn học dân tộc.
Giáo sư Hoàng Như Mai sinh năm 1919 ở Phủ Lạng Thương, Bắc Giang, trong một gia đình quan lại cao cấp (thân phụ là Tuần phủ). Thuở nhỏ học tiểu học ở Bắc Giang, rồi học Trường Bưởi (Trung học Bảo Hộ) ở Hà Nội. Đỗ tú tài năm 20 tuổi, sau đó vào học Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương. Chán học, chuyển sang học Trường Cao đẳng Luật khoa, rồi bị bệnh phải nghỉ học. Sau khi bình phục, theo lời mời của một người bạn, ông chuyển sang làm giáo viên cho Trường Trung học Tư thục Đông Hải (thị xã Hải Dương). Trong thời gian này, ông bắt đầu viết sách viết báo và được NXB.Hàn Thuyên in hàng loạt sách: Thặng dư giá trị, Đời sống thợ thuyền trong xã hội tư bản, Lê-nin và Cách mạng tháng 10…Ông tham gia Cách mạng tháng 8 ở Hà Nội. Pháp gây hấn ở Nam Bộ, ông cùng người bạn đời yêu quý của mình – cô Kim Trang, khóa cửa nhà gửi lại hàng xóm, xách va ly lên đường “Nam tiến” cùng với một nhóm kịch, vừa đi vừa diễn kịch cổ động kháng chiến. Đoàn kịch yêu nước lãng mạn này đến Phú Yên đúng vào lúc Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đành phải quay về để tham gia kháng chiến ở miền Bắc. Từ năm 1948 ông trở lại ngành giáo dục, làm hiệu trưởng nhiều trường thuộc Thái Bình, Việt Bắc…Năm 1953 ông làm Hiệu trưởng Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, đưa học sinh sang học ở Trung Quốc. Năm 1958 ông chuyển về Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phụ trách phần văn học Việt Nam hiện đại. Năm 1980, ông vào công tác tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh (nay là Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM). Năm 1982 ông được Nhà nước phong chức danh Giáo sư, và năm 1990 được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. ông là một trí thức đa tài, từng thử bút ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn sâu sắc. Về kịch, ông là tác giả của nhiều vở kịch nổi tiếng như Tiếng trống Hà Hồi (1948), Dòng sông biên giới (1957), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (1982)…Về thơ, bạn bè, học trò và những người yêu quý ông thuộc khá nhiều bài thơ của ông, những bài ấy đăng rải rác nhiều nơi, đến năm 1993 được tập hợp lại, in thành tập thơ Trao cho nhau cuộc đời. Về nghiên cứu sân khấu, ông có: Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (1968), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986). Về nghiên cứu văn học, ông là người đầu tiên biên soạn giáo trình văn học Việt Nam hiện đại (Văn học Việt Nam 1945 - 1960)…
Học trò yêu quý GS.Hoàng Như Mai bởi tính cách nghệ sĩ của Thầy. Thầy nghệ sĩ trong giờ giảng, nghệ sĩ trong những trang viết, nghệ sĩ trong cả những bài, những công trình nghiên cứu. Người ta thấy ở Hoàng Như Mai một tâm hồn nghệ sĩ đích thực và một người tri kỷ của văn chương, nghệ thuật.
Học trò và những người cầm bút lớp sau yêu quý Thầy Mai bởi tư duy trẻ trung và tấm lòng chân thành nâng đỡ cho lớp trẻ. Thầy trẻ trung vì luôn ủng hộ cho cái mới, kể cả cái mới còn đang dang dở, chông chênh. Thầy không bao giờ dùng kinh nghiệm quá khứ, dẫu là của một người từng trải và hiểu biết rất rộng, để làm tiêu chuẩn đánh giá hiện tại và định hướng cho tương lai.
Học trò và những người từng tiếp xúc với Thầy Mai yêu quý Thầy còn vì phong thái đĩnh đạc, thung dung chỉ thấy nhiều ở những trí thức lớp trước. Khó khăn không ít, nhưng chưa bao giờ người ta thấy Thầy than thở.
Và vượt lên trên tất cả là cái tình yêu thương của Thầy đối với học trò. Những câu thơ viết về sinh viên của Thầy thầy tràn đầy tình thương và nỗi đau hiếm thấy trên đời:
Thầy cô người mất người còn
Sinh viên mấy nấm mồ chôn chiến trường
Trở về Khoa Ngữ văn
Năm nay, nhân Kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của Thầy, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM vinh dự được Thầy đồng ý cho tập hợp những bài viết rải rác của Thầy trên báo chí để in thành tập sách với nhan đề Hoàng Như Mai văn tập. Tập sách có 3 phần:
- Phần 1, là những bài có tính chất hồi ức của Thầy
- Phần 2, là những bài viết, bài nói chuyện về văn hóa, giáo dục, những bài phê bình, nghiên cứu văn học
- Phần 3: Phụ lục, sưu tập những bài viết của bạn bè, đồng nghiệp và học trò về Thầy.
Đọc tập sách này, chúng ta thấy một trí tuệ sắc sảo, học vấn uyên thâm; một cuộc đời trí thức gian nan, thăng trầm cùng với dân tộc; một tâm hồn trong sáng, trẻ trung; một lòng yêu văn, yêu nghề, yêu đời và yêu thương học trò vô hạn. Cho đến nay với 90 xuân, Thầy đã có hơn 60 năm cầm bút và cầm phấn. Thầy vẫn tiếp tục cầm bút và vẫn đang hướng dẫn học trò làm luận án tiến sĩ. Quả là một người thầy “Dạy người không biết mỏi” (Hối nhân bất quyện - chữ trong Luận ngữ)! Người ta thường tôn xưng GS.Hoàng Như Mai là một người nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu, một nhà hoạt động văn hóa lớn. Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng trên hết tôi nghĩ, Giáo sư là một người Thầy – một vị “Sư biểu” của ngành giáo dục đất nước ta.
Tháng 8 năm 2008
Đoàn Lê Giang
(PGS.TS, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và Nhân văn TP.HCM)