I. “ĐẠC NGỰA BÒ VÀNG” LÀ CHUYỆN CÓ THẬT VÀ DIỄN RA Ở NGAY KINH ĐÔ
Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ được nhà soạn tuồng, nhà thơ Đào Tấn yêu quý đặt cho biệt danh là “Hoàng Độc Thi Nhân” (nhà thơ cưỡi bò vàng). Người đời vẫn truyền tụng giai thoại cụ Thượng Trứ sau khi về hưu, đi đâu cũng thường cưỡi con bò cái vàng, đeo nhạc ngựa, sau đít bò có đeo cái mo cau, ai hỏi thì cụ kêu là để “che miệng thế gian”. Trong bài thơ nổi tiếng làm sau khi về hưu của Cụ là Bài ca ngất ngưởng cũng có nhắc đến chuyện cưỡi bò:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự,
Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng,
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình tây cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Đô môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng…
Bài thơ là bản tổng kết cuộc đời Nguyễn Công Trứ, thể hiện rõ được tâm lý, tính cách của Cụ, nên từ nhiều năm nay nó đã được đưa vào các tuyển tập về Nguyễn Công Trứ và cả sách giáo khoa phổ thông trung học.
Thế nhưng có phải biệt danh “Hoàng Độc Thi Nhân”, cũng như câu thơ “Đô môn giải tổ chi niên/ Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng” là gắn với giai thoại cưỡi bò ở quê không? Thực ra câu thơ ấy nếu dịch theo đúng ngữ pháp Hán văn thì phải hiểu là: Vào năm / vào lúc cởi dây ấn từ quan ở Kinh đô, thì ta cưỡi con bò vàng đeo lục lạc ngựa ngất ngưởng đi ra.
Thế nhưng các sách có bài này lại không giải thích như vậy.
Trước hết là sách giáo khoa Văn 11 hiện hành (sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000 của NXB Giáo dục). Chú thích 9 sách này viết: “Lúc về hưu ông thường cưỡi bò vàng có đeo nhạc ngựa (thiên hạ cưỡi ngựa, riêng Nguyễn Công Trứ cưỡi bò). Ông còn đem một mo cau buộc chỗ đuôi bò và nói để che miệng thế gian” ([1])
Không thỏa mãn với lời giải thích này, chúng tôi tìm đến cuốn Thơ văn Nguyễn Công Trứ của Trương Chính ([2]), cuốn sách nguồn của sách giáo khoa. Ở trang 142, giải thích cho câu trên, chú thích 7 viết: “Lúc về hưu trí, ông thường cưỡi bò vàng đeo nhạc ngựa”.
Các tài liệu khác về Nguyễn Công Trứ cũng viết tương tự:
Cuốn Hy Văn tướng công di truyện do Hồng Liên Lê Xuân Giáo biên soạn, xuất bản ở Sài Gòn năm 1973- một cuốn sách được coi là rất đáng tin cậy vì dựa vào những nguồn tài liệu gốc về Nguyễn Công Trứ, viết: “Hơn mười năm trong cảnh điền viên hưu dưỡng – từ 70 tuổi đến 81 tuổi – cụ Ngộ Trai Nguyễn Công Trứ, với một con bò cái vàng, mang lục lạc đồng như lục lạc ngựa, dạo khắp đó đây trong vùng Nghệ An và Hà Tĩnh mỗi khi tạm biệt chùa Cảm Sơn”([3]).
Tổng tập văn học Việt Nam tập 16 xuất bản năm 1997 cũng không có cách giải thích nào thuyết phục hơn, khi viết rằng: “Về quê nghỉ ngơi, ông thường cưỡi bò vàng, cổ bò cho đeo nhạc ngựa, đi du ngoạn thăm thú các nơi trong vùng”([4]).
Sách Ngữ văn 10 (sách thí điểm) xuất bản năm 2003, người biên soạn cũng chú thích theo các tài liệu trước: “Tương truyền ông về hưu, thường cưỡi bò vàng có đeo nhạc ngựa, lại treo ở phần trên đuôi bò cái mo cau, nói là để che miệng thế gian”([5])
Như vậy các sách trên đều thống nhất với nhau cho rằng: việc Nguyễn Công Trứ cưỡi bò vàng là chuyện ở quê, sau khi đã rời bỏ Kinh đô rồi chứ không phải ở ngay Kinh đô. Vậy thì tại sao trong Bài ca ngất ngưởng, Nguyễn Công Trứ lại viết: Vào năm/ vào lúc cởi dây ấn từ quan ở Kinh đô, thì ta cưỡi con bò vàng đeo lục lạc ngựa ngất ngưởng đi ra? Nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh trong bài viết Bài ca ngất ngưởng- lời tuyên ngôn([6]) đã hiểu đúng như thế, nhưng chưa đưa được tài liệu nào để chứng minh cho cách hiểu của mình và cải chính lại cách hiểu lầm trước đó.
May mắn tôi được cho biết: trong một tập gia phả ghi chép về Nguyễn Công Trứ ([7]), có đăng thơ viết về sự kiện Nguyễn Công Trứ cưỡi bò từ Kinh đô về quê. Đó là tập sách Hán Nôm Gia phả tập biên, ký hiệu VHc 02867 (Thư viện Hán Nôm) trong đó có chép một chùm thơ bạn bè tặng Nguyễn Công Trứ khi ông về hưu:
Trước hết là bài thơ của Giang Văn Hiển, Kinh kỳ ngự sử:
Thất thập lão ông đắc giải trâm,
Lao lao thân thế tiếu thăng trầm.
Hoàng kim tán tận khinh thừa độc,
Bạch xã quy lai hảo viện cầm.
Thưởng cúc cố viên đồng nguyệt ngọa,
Phần hương sơn viện đối thiền ngâm.
Đô môn hoãn bộ tần hồi thủ,
Vị hữu khu khu luyến khuyết tâm.
Dịch nghĩa:
Ông lão bảy mươi được cởi trâm về nghỉ,
Cười cho một đời với bao gian nan chìm nổi.
Bạc vàng vứt bỏ, tiêu đi hết, ông nhẹ nhàng cưỡi bò về quê,
Quê nghèo quay về, vui với đàn ca.
Vườn cũ ngắm hoa, cùng bạn bè nằm dưới trăng,
Chùa núi đốt hương, ngâm thơ với sư già.
Rời khỏi cổng kinh thành thong thả, nhiều lần quay đầu lại,
Vì còn lòng mến chúa khư khư không nguôi.
Dịch thơ:
Ông lão bảy mươi được bỏ trâm,
Cười cho thân thế những thăng trầm.
Lưng bò thơi thảnh không vàng bạc,
Quê cũ vui vầy với sắt cầm.
Lối cúc vườn xưa cùng thưởng nguyệt,
Làn hương chùa núi khúc thơ ngâm.
Kinh đô nhẹ bước đầu trông lại,
Còn chút lòng son: trung ái tâm.
Đ.L.G dịch
Dòng thơ thứ ba cho ta biết: Nguyễn Công Trứ đã vứt bỏ hết vàng bạc, nhẹ nhàng cưỡi trên lưng bò rời khỏi Kinh đô. Bài thơ này trong tập tài liệu của Lê Xuân Giáo (đã nói ở trên) cũng có, tuy có khác ở hai câu kết ([8]). Về việc cưỡi bò, Lê Xuân Giáo lại chú thích cho sai lạc đi: “Lúc về hưu, cụ Nguyễn Công Trứ hay cưỡi con bò cái vàng đi du lãm sơn thủy” (sđd, tr.45).
Sở dĩ dám khẳng định chú thích như thế là sai lạc, vì chúng tôi căn cứ vào bài thơ khác nữa cũng thuộc chùm thơ bạn bè tặng Nguyễn Công Trứ khi ông về hưu đã nói ở trên. Đó là bài thơ của Ngô Bỉnh Đức, án sát sứ Hải Dương. Bài thơ nói rõ việc Nguyễn Công Trứ cưỡi bò ra khỏi Kinh đô là chuyện có thật, và sự kiện đó đã gây một cú “sốc” đối với dân kinh kỳ: họ đổ xô ra xem quan Phủ doãn cưỡi bò về quê. Bài thơ ấy như sau:
Hoàng độc nhất tiên đình bắc khứ,
Đô nhân tranh khán thử ông hồi.
Khởi tri lịch lạc điên kỳ giả,
Tằng bão vinh khô đắc táng lai.
Hồng Lĩnh tây bàn sơn tự chướng,
Lam Giang đông chú thủy như lôi.
Hoàn danh bị phúc giang hồ lão,
Trường thuyết quân ân sủng dị tài.
Dịch nghĩa:
Bò vàng một roi rời khỏi trạm mà về bắc,
Dân kinh đô tranh nhau xem ông này về quê.
Há biết rằng một con người chìm nổi lên xuống nhiều lần,
Là người từng ôm nhiều vinh nhục, được mất.
Núi Hồng vây ở phía Tây như bức bình phong,
Sông Lam chảy về Đông ào ào như sấm.
Danh và phúc đều hoàn toàn, giờ trở thành ông lão nơi sông hồ,
Người đời cứ truyền mãi chuyện ơn vua biết quý kẻ có tài lạ.
Dịch thơ:
Bò vàng nhẹ quất ông về Bắc,
Dân chúng ra xem chật đế kinh.
Há biết một đời bao được mất,
Hay chăng thân thế những hư vinh.
Về đông Lam Thủy gầm như sấm,
Quê cũ Hồng Sơn dựng tấm bình.
Danh - phúc vẹn toàn, nay sảng khoái,
Biết dùng tài lạ- chúa hiền minh.
Đ.L.G dịch
Như vậy đã rõ.
Năm 1846 Nguyễn Công Trứ được thăng làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên (chức quan hành chính đứng thứ hai ở phủ Thừa Thiên). Năm 1847 được thăng Thự Phủ doãn phủ Thừa Thiên (chức quan đứng đầu phủ Thừa Thiên; Thự phủ doãn là Quyền phủ doãn). Đã 70 tuổi, Nguyễn Công Trứ dâng sớ xin về hưu nhưng không được chấp nhận. Năm 1848, Tự Đức năm thứ nhất, Nguyễn Công Trứ lại dâng sớ xin về. Vua cho thực thụ chức Phủ doãn Thừa Thiên và đồng ý cho về hưu. Nguyễn Công Trứ cưỡi bò từ Kinh đô về quê. Dân Kinh kỳ đổ ra xem quan Phủ doãn về quê theo kiểu lạ lùng chưa từng có xưa nay.
Hành động ấy là một sự thách thức đối với hệ thống quan lại bất tài, thối nát vì tham nhũng của triều Nguyễn bấy giờ. Hồi xưa Mã Viện đi chinh chiến phương Nam, khi về chở đầy xe ý dĩ (bo bo), bị người ta truyền tai nhau là xe vàng ngọc. Nguyễn Công Trứ không muốn bị thế gian đàm tiếu, bị bọn nịnh thần nhân dịp này xúc xiểm rằng quan Phủ doãn Nguyễn Công Trứ mang nhiều vàng bạc về quê sau ba chục năm làm quan.
Hành động ấy cũng khẳng định Nguyễn Công Trứ không còn luyến tiếc gì hư vinh mà triều đình đem lại. Làm quan xong, ông không cưỡi ngựa nữa, vì ngựa là con vật của “công vụ”, của triều đình, đi ngựa là biểu tượng của quyền lực hay quyền quý cao sang. Nay về nghỉ, ông cưỡi bò- con vật bình thường của làng quê, như một lão nông, như người chăn bò chính hiệu.
Nói tóm lại, qua bài thơ của Giang Văn Hiển, Kinh kỳ ngự sử, và nhất là bài của Ngô Bỉnh Đức, án sát sứ Hải Dương, chúng ta có thể hiểu thông câu thơ trong Bài ca ngất ngưởng, va có thể đính chính được cách hiểu sai lầm trong sách giáo khoa hiện hành cũng như thí điểm, trong Tổng tập văn học Việt Nam và các tuyển tập thơ về Nguyễn Công Trứ. Ngay cả cái biệt danh “Hoàng Độc Thi Nhân” cũng không phải chủ yếu nói về giai đoạn ở quê nhà của Nguyễn Công Trứ mà chính là nói về hành động cưỡi bỏ ở ngay Kinh đô, vì hành động như thế mới gây ấn tượng mạnh mẽ, mới thực sự là ngất ngưởng.
II. VĂN BẢN BÀI CA NGẤT NGƯỞNG
Bài ca ngất ngưởng được đưa vào hầu hết các tập sách về Nguyễn Công Trứ. Chung quy lại từ trước tới nay bài thơ này có hai dị bản. Bên cạnh đó, trong Gia phả tập biên đã nói ở trên cũng có một dị bản nữa, như vậy tổng cộng là có ba dị bản. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu văn bản Bài ca ngất ngưởng trong Gia phả tập biên, đồng thời tiến hành so sánh với hai bản hiện hành để đánh giá giá trị của từng văn bản. Để tiện trình bày xin quy ước như sau:
- Bản A: bản Bài ca ngất ngưởng trong Gia phả tập biên, ký hiệu VHc 02867 (Thư viện Hán Nôm) mà chúng tôi đã giới thiệu ở phần trên. Bản này được dùng làm bản trục.
- Bản B: bản Bài ca ngất ngưởng trong Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên ([9]). Bản này cũng giống với bản trong Việt Nam ca trù biên khảo của Đỗ Đoàn Bằng, Đỗ Trọng Huề ([10]), chắc là Việt Nam ca trù biên khảo sử dụng văn bản Văn đàn bảo giám hoặc cùng lấy từ một nguồn.
- Bản C: Thơ văn Nguyễn Công Trứ của Trương Chính (sđd, tr.141-142). Bản này cũng được sử dụng trong Tổng tập văn học VN tập 16, Nguyễn Công Trứ- tác giả, tác phẩm, giai thoại do Nguyễn Viết Ngoạn biên soạn([11]), sách giáo khoa Văn 11 hiện hành (hợp nhất chỉnh lý năm 2000), Ngữ văn 10 (sách giáo khoa thí điểm)…
Sau đây là bản Bài ca ngất ngưởng trong Gia phả tập biên (ký hiệu VHc 02867)- bản A:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự,
Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng,
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc Bình Tây cờ đại tướng (a),
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên,
Đô môn giải tổ chi niên,
Nhạc (b) ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dáng(c) từ bi,
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Được mất dương dương người tái thượng (d),
Khen chê phơi phới trận thu phong (e),
Khi thơ khi rượu lúc cắc tùng(f),
Không Bụt(g) không Tiên không vướng tục.
Không(h) Trái, Nhạc(i) cũng phường Mai Phúc(j),
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,
Trong triều ai ngất ngưởng như ông(k).
(Công ký quy hưu, lư vu Cảm Sơn tự thời tác, nghĩa là: Ông đã về hưu, làm nhà ở cạnh chùa Cảm Sơn mà làm ra)
Về nhan đề, phần lớn đều ghi là Bài ca ngất ngưởng, nhưng bản B chỉ có “Ngất ngưởng”. Bản A không có nhan đề.
(a) Bản B: Lúc Bình Tây cầm cờ đại tướng; Bản C giống bản A. Bản B có vẻ thuận tai dễ hát hơn vì nó là câu thất ngôn, trong khi đó bản A và C lại “đảo phách” bằng câu lục ngôn.
(b) Bản B, C: “Đạc”. “Đạc” hay “nhạc” không khác về ý nghĩa, nhưng nếu nói về đồ vật treo ở cổ ngựa thì “đạc” chính xác hơn.
(c) Bản B: “dáng”, Bản C: “dạng”. Thực ra ở đây chỉ là một chữ Nôm, nhưng được phiên âm khác nhau. Chúng tôi cho rằng là chữ Nôm thì nên phiên là “dáng” như bản B thì hợp lý hơn..
(d) Bản B: “người thái thượng”, Bản C giống bản A. Chúng tôi cho rằng “người tái thượng”- người trên ải, lấy từ tích “Tái ông thất mã” phù hợp hơn là “Thái thượng”. “Thái thượng” hiểu theo nghĩa là “thái cổ” hay “Thái Thượng Lão Quân” đều không đúng vì mặc dù về nghĩa không có gì khác với “tái thượng”, nhưng về hình thức thì ít ai gọi “Thái thượng” thay cho “Thái cổ” hay “Thái thượng lão quân cả”.
(e) Bản B, C: “ngọn đông phong”. Bản B, C hay hơn bản A (trận thu phong) vì trận thu phong vừa có vẻ mạnh lại có cảm giác buồn chứ không phơi phới được.
(f) Bản B, C: “Khi ca khi tửu khi cắc khi tùng” có vẻ thuận tai, dễ hát hơn bản A “Khi thơ khi rượu lúc cắc tùng”.
(g) Bản B, C: “Không Phật”. Bản A: “Bụt” nghe dân dã hơn, nhưng có vẻ chỉ nhân vật cụ thể chứ không phải tôn giáo.
(h) Bản B, C: “Chẳng” thuận tai hơn bản A là “Không”
(i) Bản B: “Hàn, Nhạc”, Bản C: “Trái, Nhạc”.
(j) Bản B: “Mai Phúc”, Bản C: “Hàn, Phú”
Gộp chung cả (i), (j) lại thì:
“Không Trái, Nhạc cũng phường Mai Phúc” (Bản A)
“Chẳng Hàn, Nhạc cũng phường Mai Phúc” (Bản B)
“Chẳng Trái, Nhạc cũng phường Hàn, Phú” (Bản C)
bản nào hợp lý hơn?
Hàn, Nhạc là Hàn Kỳ, Nhạc Phi là những danh thần, danh tướng hạng nhất đời Tống. Trái là Trái Tuân, danh thần đời Hán. Mai Phúc là danh nho và ẩn sĩ đời Hán([12]).
Như vậy về ý nghĩa:
- Bản B có vẻ hợp lý hơn cả, vì ý của nó là: Chẳng làm được danh thần, danh tướng như Hàn Kỳ, Nhạc Phi thì cũng làm được danh nho và ẩn sĩ như Mai Phúc, như vậy khá thông suốt.
- Bản A thì ngoài việc từ “Không” không hay bằng “Chẳng” thì còn kém hay hơn bản B do chữ “Trái, Nhạc”. Đó là danh thần, danh tướng hai đời khác nhau: Hán và Tống.
- Bản C có vẻ kém hợp lý nhất, vì: Hàn Kỳ, Phú Bật là những danh thần hạng nhất của nhà Tống, cho nên viết là: Chẳng làm được danh thần như Trái Tuân đời Hán, Nhạc Phi đời Tống thì cũng làm danh thần hạng nhất như Hàn Kỳ, Phú Bật đời Tống, là không hợp lý.
Nhưng về hình thức thì Bản C có vẻ hay hơn cả, vì Trái, Nhạc là hai người, mà Hàn, Phú cũng hai người, có vẻ cân đối. Trong khi đó bản A, B: “Mai Phúc”, chỉ là một người, rõ ràng là không cân đối bằng.
(k) Bản B: “Đời ai ngất ngưởng như ông”. Ban C giống bản A (Trong triều ai ngất ngưởng như ông). Quy tắc của câu kết trong bài hát nói là phải lục ngôn, nên bản B (Việt nam ca trù biên khảo, Văn đàn bảo giám) là hợp lý nhất.
Kết luận:
Từ những phân tích như trên, có thể thấy rằng:
- Bản A (bản Gia phả tập biên) là bản gần với nguyên tác nhất, nếu không nói nó chính là nguyên tác, vì nó được chép trong Gia phả.
- Bản B (Văn đàn bảo giám, Việt Nam ca trù biên khảo) có lẽ được chép theo các văn bản hát nói trong các sách ca trù, như vậy nó đã được người hát sửa lại, nên đúng với quy tắc hát nói nhất..
- Bản C (Thơ văn Nguyễn Công Trứ của Trương Chính) là bản suôn sẻ hơn cả, đồng thời cũng là bản được lưu hành rộng rãi nhất hiện nay. Chúng tôi nghĩ có lẽ bản này đã được dân gian sửa lại và không loại trừ cả chính tác giả nữa.
Vì vậy trong sách giáo khoa hay những tuyển tập chính thức về ông có thể dùng dùng bản Bài ca ngất ngưởng trong Thơ văn Nguyễn Công Trứ của Trương Chính (bản C), nhưng cũng nên có chú thích thêm về văn bản của bài này để người đọc có cái nhìn toàn cục, rõ ràng hơn, đầy đủ hơn. Riêng câu cuối cùng, theo quy tắc của thể hát nói, câu này bao giờ cũng là câu lục ngôn, vì vậy dùng thất ngôn như sách giáo khoa hiện nay (theo bản C) là không đúng. Câu này phải là lục ngôn, nên dùng câu như bản B (Văn đàn bảo giám, Việt Nam ca trù biên khảo) mới đúng : “Đời ai ngất ngưởng như ông”.
Tháng 12 năm 2004
Đ.L.G
(Tạp chí Nghiên cứu văn học số 2 năm 2006)
[2] Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Trương Chính biên soạn, NXB.Văn học, HN, 1983
[3] Hy Văn tướng công di truyện, Hồng Liên Lê Xuân Giáo biên soạn, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên xuất bản, SG, 1973, tr.50
[4] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 16, NXB.Khoa học xã hội, HN, 1997, tr.119
[5] Ngữ văn 10 (sách thí điểm) , NXB.Giáo dục 2003, tr.144
[6] Nguyễn Công Trứ- con người, cuộc đời và thơ, Nhiều tác giả, NXB.Hội Nhà văn, HN 1996
[7] Anh Nguyễn Hữu Tưởng, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã chỉ cho chúng tôi tư liệu này. Nhân đây chúng tôi xin gửi lời cám ơn anh.
[8] Hai câu trong tài liệu của Lê Xuân Giáo như sau: “Tự cường bất tức suy càn đạo/ Bác lãm quần thư duyệt cổ câm” (Tự cường không dứt suy càn đạo/ Kho sách xem cùng duyệt cổ câm). Chúng tôi chưa rõ soạn giả dựa vào tài liệu nào. Theo tôi, hai câu của bài thơ trong Gia phả tập biên mà chúng tôi sử dụng, hay hơn.
[9] Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên, NXB.Văn học tái bản, 1998
[10] Việt Nam ca trù biên khảo của Đỗ Đoàn Bằng, Đỗ Trọng Huề, NXB.TP.HCM tái bản, 1994
[11] Nguyễn Công Trứ- tác giả, tác phẩm, giai thoại, Nguyễn Viết Ngoạn biên soạn, NXB.Đại học Quốc gia TP.HCM, 2002
[12] Mai Phúc: người đời Hán, học giả nghiên cứu về Kinh Thư và Kinh Xuân thu. Làm quan Nam Xương úy, sau bỏ quan về ẩn dật, đọc sách để dưỡng tính. Gặp lúc quyền thần lộng hành, ông dâng sớ xin tước bỏ quyền bính của chúng, nhưng triều đình không nghe. Đến khi Vương Mãng chấp chính, Mai Phúc bỏ nhà đi ngao du. Người ta đồn rằng: ông đến Cửu Giang thì thành tiên.