Bước đầu tìm hiểu thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức

1. Trịnh Hoài Đức (1765-1825), thuở nhỏ tên An, tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai, người gốc Trung Quốc, một trong ba nhà thơ nổi tiếng của đất Gia Định. Ông cùng Nhữ Sơn Ngô Nhân Tĩnh, Tri Chỉ Lê Quang Định được đời tôn vinh là Gia Định tam gia. Tác phẩm của Trịnh Hoài Đức hiện nay còn Gia Định thành thông chí Cấn Trai thi tập cùng một số bài văn bia chép trong Đại Nam anh nhã tiền biên.

 

Tổ tiên của Trịnh Hoài Đức ở làng Phúc Hồ, huyện Trường Lạc, tỉnh Phúc Kiến, đời đời làm quan. Cuối đời Minh đầu đời Thanh, ông nội ông là Trịnh Hội, hiệu Sư Khổng di cư sang Việt Nam (vì không chịu cắt tóc theo kiểu nhà Thanh), ngụ cư tại xã Thanh Hòa, thuộc huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa. Cha của Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh, thuở nhỏ chăm học, viết đại tự rất đẹp và nổi tiếng cao cờ. Trịnh Khánh mất vào năm Quý tỵ (1773), bấy giờ Hoài Đức lên mười tuổi.

Hoài Đức lúc còn nhỏ đã có chí hướng noi gương ông cha học hành. Vâng lời mẹ, ông cùng Ngô Nhân Tĩnh theo học với cụ Võ Trường Toản. Chính trong bài Tự tự tập thơ của mình, Hoài Đức viết: “Chúng tôi còn ham thơ Đường; thích phong cách vần điệu, nên thường hỏi các bậc thầy đương thời”, “tìm mua sách về phép làm thơ của ba thời kỳ nhà Đường và sách của chư gia, để cùng nhau dùi mài nghiền ngẫm những cái sâu xa, uyên áo về khí cách và thể tài”[1]. Về sau, các ông còn lập nên thi xã lấy tên là Gia Định Sơn hội. Những người trong hội “đều lấy chữ Sơn đặt tên hiệu, đó là để ghi nhớ nguồn gốc học cách làm thơ vậy”[2]. Dựa vào lời nói trên, chúng tôi còn đang phân vân không hiểu vì sao các ông lấy hiệu có chữ Sơn. Đọc thơ ông và Ngô Nhân Tĩnh, mới thấy thơ của các ông có nét gần gũi với phong cách thơ Nghĩa Sơn Lý Thương Ẩn, đặc biệt là chùm thơ vô đề của Ngô Nhân Tĩnh.

Hiện thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội còn lưu giữ những bản in và chép tay thơ của Trịnh Hoài Đức. Bước đầu, qua tra cứu, chúng tôi đã tìm được những tập sau:

-         Cấn trai thi tập, ký hiệu A.780, bản khắc in. Phía trên tờ bìa ghi: Gia Long thập bát niên trọng xuân thuyên (khắc in vào tháng 2 năm Gia Long thứ 18, tức năm 1819); ở giữa chữ lớn ghi: Cấn Trai thi tập; bên phải ở dưới ghi: Trịnh (các chữ tiếp theo dường như đã bị đục xóa); bên trái phía dưới ghi: Bản trai tàng bản. Có ba bài tự, bạt nhưng không có Tự tự.

-         Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.1392, bản khắc in. Tờ bìa giống hệt với bản có ký hiệu A.780. bên trong có bài Tự tự ở đầu. Sau Tự tự lại là Cấn Trai Quan quang tập, rồi đến Cấn Trai Khả dĩ tập, tiếp theo chúng tôi lại thấy trang bìa của tập thơ Thập Anh đường thi tập được khắc in là Thập Anh thi tập (ở trên ghi Minh Mệnh tam niên mạnh xuân thuyên (tức năm 1822), bên phải ghi: Ngô (tên dường như bị đục bỏ), bên phải ghi: Cấn Trai tàng bản), tiếp theo là trang bìa của Gia Định tam gia thi được khắc theo lối chữ chân phương nét tròn mềm mại hơn, ở trên ghi: Minh Mệnh tam niên mạnh xuân cát nhật; bên phải ghi: Trịnh Lê Ngô tam gia hợp thuyên; bên trái ghi: Cấn Trai tàng bản. Tiếp theo là mục lục ba tập thơ của ba tác giả. Sau phần mục lục là Cấn Trai thi tập tự của Nguyễn Địch Cát, Cấn Trai thi tập bạt của Ngô Thì Vị, Độc Cấn Trai thi tập bạt của Diệu Quang Bá, Gia Định tam gia thi tập tự của Trịnh Hoài Đức (riêng bài này được khắc theo lối chữ lệ, phần tên của Trịnh Hoài Đức thì chữ Hoài Đức lại được thay bằng dạng chữ khải, có lẽ đã bị đục bỏ, và do người đời sau thêm vào, rồi đến Cấn Trai Thoái thực truy biên.

-         Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.3139, bản chép tay, có đủ các bài tự, bạt, nhưng cũng không có Tự tự. Có lẽ được chép theo bản A.780.

-         Cấn Trai thi tập, bản in của Trần Kinh Hòa, in tại Hồng Kông, 1962. Trong tập này, Trần Kinh Hòa dựa vào các bản trên để hiệu đính và sắp xếp khá đầy đủ.[3]

Như vậy về thơ, Trịnh Hoài Đức chỉ có tập Cấn Trai thi tập mà thôi. Còn về tác phẩm Gia Định tam gia thi tập, khắc in năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) chính là Cấn Trai thi tập được in lại chung với tập thơ Thập Anh thi tập (tức Thập Anh đường thi tập) của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa nguyên thi thảo của Lê Quang Định, có lời tựa của Trịnh Hoài Đức, nên không thể kể đấy là một tác phẩm mới riêng biệt được, để tránh việc hiểu nhầm thơ của Trịnh Hoài Đức in trong Gia Định tam gia thi tập là một tác phẩm hoàn toàn khác với Cấn Trai thi tập.

Về tập thơ Bắc sứ thi tập của Trịnh Hoài Đức mà nhiều người nói đến thì thế nào?

Năm Nhâm Tuất (1802), Trịnh Hoài Đức được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc tiến cống cùng với hai phó sứ là Hối Sơn Hoàng Ngọc Uẩn và Nhữ Sơn Ngô Nhân Tĩnh. Theo bài tựa tự viết cho tập thơ của mình, trong thời gian đi sứ, ông làm rất nhiều thơ, xong việc, ông về nước, mới đóng thành tập đặt tên là Sứ hành quan quang. Cũng trong thời gian này, ông đã sưu tập những bài thơ trước đây, đóng thành tập đặt tên là Thoái thực truy biên xếp thứ tự theo thời gian sáng tác. Đến năm Bính Tý (1816), vì thấy tập thơ của mình bị sâu mọt gặm nát, ông mới biên tập lại các tập thơ, tập đầu đặt tên là Thoái thực truy biên, tập tiếp theo lấy tên là Quan quang tập và thu thập những bài thơ ứng chế, tống tặng, ai vãn từ năm Giáp Tý (1804) trở về sau, đến cuối năm Bính Tý (1816) đặt tên là Khả dĩ tập. Rồi đóng chung thành một quyển, lấy tên hiệu đặt cho tập thơ là Cấn Trai thi tập.[4]

Cấn Trai thi tập gồm có ba tập nhỏ là: Thoái thực truy biên, Quan quang tậpKhả dĩ tập, tất cả gồm 327 bài. Quan quang tập được ông sáng tác từ năm 1802 đến 1804, khoảng thời gian trải gần 3 năm, trên đường đi sứ Trung Quốc, gồm 152 bài. Tính riêng tập Quan quang thì Hoài Anh đã dịch được khoảng 90 bài, như vậy số bài còn lại trong tập Quan quang vẫn chưa được dịch.[5]

Quan niệm của nhiều người lâu nay cho rằng thơ của Trịnh Hoài Đức có Gia Định tam gia thi tập, Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập… là chưa chính xác[6]. Gia Định tam gia thi tập là tên gọi chung của ba tập thơ Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, Thập Anh đường thi tập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa nguyên thi thảo của Lê Quang Định. Bắc sứ thi tập chỉ là tên gọi khác (có lẽ do người đời sau tự đặt ra) của tập Sứ hành quan quang, mà sau này chính Hoài Đức lấy tên lại là Quan quang tập nằm trong tập Cấn Trai thi tập của ông.

 

2. Thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức là khúc ca của một người đắc lộ thanh vân mang trọng vụ bang giao giữa hai nước Việt - Trung. Bởi vậy, trong suốt tập Quan quang thường thấy vang vọng những tiết điệu tự hào dân tộc, phong thái ung dung tao nhã của một sứ thần Việt Nam trong giao tế, đối đáp với người Trung Quốc. Nhưng đằng sau đó, tâm sự của ông vẫn hướng về quê nhà nhiều hơn là những cuộc phong lưu tao nhã. Đó có lẽ là tâm sự chính, nỗi niềm tha thiết nhất của ông trong thời gian đi sứ.

2.1. Tiếp nối dòng thơ đi sứ Việt Nam, thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức, cũng mang những đặc điểm chung của loại thơ sứ trình. Nếu ở thời trước, thơ đi sứ “chứa chan ân tình lo nước, thương nhà”, nỗi niềm “băn khoăn của một sứ thần đối với hòa bình, độc lập của dân tộc” như Trần Lư, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Công Hãng…[7] thì ở Trịnh Hoài Đức, ta cũng thấy thấp thoáng những nỗi niềm ấy, những tình cảm ấy. Tuy nhiên, qua giọng thơ của ông, nó có vẻ ít trăn trở suy tư hơn so với thơ đi sứ của Nguyễn Tố Như. Còn so với thơ của Nhữ Sơn Ngô Nhân Tĩnh, một trong Gia Định tam gia, thì thơ của họ Ngô cũng thâm trầm kín đáo hơn. Điều ấy, chỉ có thể lý giải rằng do cuộc đời hoạn lộ của Trịnh Hoài Đức thẳng tiến, ít gặp trắc trở hơn họ Nguyễn và họ Ngô chăng?

Khúc ca về nỗi nhớ quê hương và lòng tự hào dân tộc của sứ thần Trịnh Hoài Đức bàng bạc ở những dòng thơ suốt chặng Quan quang. Từ những khúc lưu đề đáp tặng đến những bài cảm vịnh hoài cổ đều mang trong nó hơi thở của cảm xúc chân thành.

Trong suốt chặng đường đi sứ, thơ Trịnh Hoài Đức đã khiến cho những quan lại ở Trung Quốc phải mến phục, đúng như lời nhận xét của Hoài Anh, rằng ông có chất của một người ngoại giao hơn hẳn Ngô Nhân Tĩnh. Trong Thập Anh đường thi tập của Ngô Nhân Tĩnh, ta thấy có rất ít những bài thơ thù đáp tặng các nhân sĩ Thanh triều, trong khi với Trịnh Hoài Đức, loại thơ ấy có rất nhiều. Thơ Ngô Nhân Tĩnh thiên về nội tâm, suy tư hơn của Trịnh, vì vậy nó có nét gần với thơ của Nguyễn Tố Như?

Khi bị lưu trệ ở tỉnh Quảng Đông Quảng Tây, Hoài Đức có dịp dạo chơi các nơi, đặc biệt là những ngôi danh lam cổ tự. Mỗi lần như thế, cảm hứng xúc khởi, vị sứ thần như thành người Phật tử trong cảnh thiền lâm:

Đa thừa thiện tuệ khai mê lộ,

Biến lễ Như Lai chứng đạo tâm.

(Du Hải Chàng tự tặng Tuệ Chân thượng nhân)

(Thường nhờ bậc thiện tuệ khai mở đường mê,

Lễ khắp Như Lai để chứng lòng đạo.)

(Chơi chùa Hải Chàng, tặng Tuệ Chân thượng nhân)

Những câu tiếp theo, tác giả còn ca ngợi đức độ và pháp lực của Tuệ Chân thượng nhân, lòng từ bi của thượng nhân đã thuần hóa được hoẵng nai, pháp lực của thượng nhân khiến cho loài độc xà chướng khí tránh xa:

Kỷ lộc hóa tuần cao nghĩa trủng,

Chướng xà pháp đại viễn hoang sầm.

Nam tông y bát truyền chân đắc,

Thập lý bà bà bạch tượng âm.

(Du Hải Chàng tự tặng Tuệ Chân thượng nhân)

(Hoẵng nai được thuần hóa nên mộ nghĩa cao,

Độc xà khí chướng vì pháp lực lớn mà tránh xa núi hoang.

Ngài được chân truyền y bát phái Nam tông,

Xa xa mười dặm đã thấy bóng voi trắng to to.)

(Chơi chùa Hải Chàng, tặng Tuệ Chân thượng nhân)

Khi ngủ lại chùa Bạch Vân sơn, nỗi niềm thương nhớ quê hương trào dâng trong lòng lữ khách. Chỉ có ánh trăng đêm hiểu lòng du tử:

Vĩnh dạ hồi tuyền thiền thất nguyệt,

Phân minh như chiếu viễn lai tâm.

(Túc Bạch Vân Sơn tự)

(Suốt đêm trường quanh quẩn cùng trăng nơi thiền thất,

Aùnh trăng sáng như chiếu lòng người từ xa đến đây.)

(Ở lại chùa Bạch Vân Sơn)

… Hoài Đức còn đi thăm rất nhiều chùa chiền, đến đâu ông cũng có thơ. Đến thăm chùa Thê Hà Sơn, tác giả ngẫu hứng làm đến hai bài. Cả hai bài thơ đều chứng tỏ Hoài Đức có lòng mến mộ Phật giáo, nhưng thấp thoáng vẫn thấy tấm lòng ưu tư lo cho nhiệm vụ chưa tròn:

Hành nhân bất tận đăng lâm cảm,

Nam bắc huyền huyền thiên nhất nhai.

(Đăng Thê Hà Sơn tự, 1)

(Người đi đường chẳng dứt mối hoài cảm lên thăm,

Nam bắc xa xôi một cõi trời.)

(Lên chùa Thê Hà Sơn, 1)

Bài thứ hai, càng thấy rõ tâm tình ấy của ông:

Thê Hà viễn thướng sưởng nham phi,

… Kiểu hãnh du nhân cương bán túy,

Cốc oanh hà sự cấp quy phi?

(Đăng Thê Hà Sơn tự, 2)

(Đến chùa Thê Hà núi mở lên cao,

… May mà người đi chơi vừa ngà say,

Oanh núi cớ gì bay về gấp như thế?)

(Lên chùa Thê Hà Sơn, 2)

Cánh chim trời bay về gấp gáp như thúc giục lòng về cố quốc của sứ thần họ Trịnh. Chơi chùa để lòng thanh thản nhưng lại động mối tình quê hương, mà có khi ta nghe trong đó có chút đạo vị thật sự.

Dạo chơi chùa Quang Hiếu, tiếng thơ của ông dường cởi mở hơn, dường như đang một lòng trở về với bến đạo:

Mục ngưu ca tại nhân hà khứ?

Thùy tịch thiền quan vị ngã tham.

(Du Tương Sơn Quang Hiếu tự)

(Bài hát chăn trâu vẫn còn mà người ở đâu?

Ai vì ta mở cửa thiền để ta vào?)

(Dạo chơi chùa Quang Hiếu ở Tương Sơn)

Trong bài thơ, ông tự chú rằng: “đạo Phật có lời ca Chăn trâu lưu truyền ở đời”, chứng tỏ ông cũng là người khá am hiểu Phật giáo. Ông còn làm nhiều thơ tặng Minh Viễn lão thiền sư, tặng Dương Tuyền lão hòa thượng… ở Trung Quốc, và đâu đâu cũng để lại những dấu ấn tốt đẹp…

Trong tập Quan quang của ông, thơ đề tặng, xướng họa với các quan thần nhà Thanh rất nhiều, gần 1/3 của tập này, mà mỗi bài cũng mỗi vẻ, chứng tỏ ông luôn là người lịch thiệp trong giao tế. Những quan thần nhà Thanh lúc bấy giờ vô cùng mến phục Trịnh Hoài Đức. Không những thế, nhân dân những nơi ông đến cũng rất có cảm tình với ông và sứ đoàn Việt Nam. Đến đâu ông cũng có thơ đề tặng, ghi lại mối tình của mình đối với những quan nhân triều Thanh: Tặng Hổ môn tả dực tổng binh Hoàng Tiêu, Họa Vân Gian Diêu Kiến tú tài kiến tặng nguyên vận, Tặng Đông quan chánh đường Phạm Văn An, Tặng Việt thành bạn sứ Thái Thế Cao, …

Khi tặng thơ cho Tu chức lang tỉnh Quảng Tây, ông viết:

Nghiêu giai xuất thụy minh,

Tứ cực cộng lai đình.

… Cố ngã mi vô bạch,

Đa quân hữu nhãn thanh…

(Tặng Quảng Tây tỉnh Tu chức lang Bành Tung Linh bạn sứ)

(Thềm vua Nghiêu mọc cỏ minh tốt đẹp,

Bốn phương cùng đến sân…

… Ông lo cho tôi chu đáo, lông mày không trắng,

Phần nhiều nhờ ông có con mắt xanh…)

(Tặng quan tiếp sứ Tu chức lang tỉnh Quảng Tây Bành Tung Linh)

Hoặc khi thơ tặng cho Tổng binh tả dực Hổ môn Hoàng Tiêu:

Súy mạc hiên ngang tọa thượng tân,

Hoàng quân khí vũ quýnh phong trần…

… Bỉnh mao ngã thị Nam lai sứ,

Nhất ấp thanh huy bội phục tần.

(Tặng Hổ môn tả dực tổng binh Hoàng Tiêu)

(Trướng soái hiên ngang một vị khách trên chỗ ngồi,

Tướng mạo Hoàng quân thật khác hẳn vẻ phong trần…

… Tôi là người cầm cờ mao từ phương Nam đến,

Vừa vái dung quang, lòng luôn bội phục.)

(Thơ tặng Hổ môn tả dực tổng binh Hoàng Tiêu)

Từ đó cho thấy, Trịnh Hoài Đức hết sức nhún nhường trong việc giao tiếp cùng các quan lại triều Thanh. Nhưng trong lòng của sứ thần họ Trịnh, vẫn luôn dạt dào niềm tự hào dân tộc, ông viết lại giữa đường đi:

Sĩ phu quát mục khan bàng đạo,

Thảo mộc khuy tâm bái hạ phong.

(Đồ trung thư sự)

(Sĩ phu hai bên đường nhìn với vẻ nể trọng,

Cây cỏ cam lòng chịu làm kẻ hạ phong.)

(Ghi chép chuyện trên đường đi)

Có thể nói, thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức là tiếng lòng của một người xa quê, của một sứ thần đang mang nhiệm vụ của đất nước. Vì thế, thơ ca của ông luôn vang vọng một tình yêu quê hương, thương nhớ người thân bè bạn khi ông lưu cửu nơi đất khách và nỗi trăn trở về tháng ngày lần lữa mà chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhưng khi đã xong nhiệm vụ, thì bấy giờ có thể cười vang mà về nước. Đến ải Nam quan, thấy cảnh hai nước thái bình ông viết:

Nam quan vô sự lạc tình đa,

Trung ngoại dân di kích nhưỡng ca…

(Sứ bộ xuất Nam quan hồi quốc khẩu chiếm)

(Nam quan thảnh thơi vô sự, vui vẻ vô cùng,

Nhân dân hai nước ca hát mừng cảnh thái bình…)

(Sứ bộ ra khỏi Nam quan về nước, ứng khẩu đọc thơ)

Nỗi niềm tự hào dân tộc trong ông lại được dịp trỗi dậy, vì vậy, hai câu kết của bài thơ, tác giả đã cảnh cáo những kẻ có ý xâm lược:

… Ký ngữ chướng lam kim tự tích,

Phi diên thiếp thiếp trụy hồng ba.

(… Nhắn gửi rằng lam chướng đất này, nay vẫn như xưa,

Chim diều hâu bay lượn thường bị rơi xuống làn sóng lớn)

Điều ấy chứng tỏ, một mặt, khi Trịnh Hoài Đức đi sứ để bang giao thì những bài thơ ông viết đều mang tính chất thù tạc, còn khi đã hoàn thành nhiệm vụ thì vẫn không quên nhắc nhở những kẻ có ý đồ xâm lược đừng nuôi ý xâm chiếm nước ta. Thế mới thấy, Hoài Đức xem đất nước này là quốc thổ, quê hương của mình, là mảnh đất tâm hồn đã nuôi dưỡng, vun bồi cuộc đời ông, nên ông chịu ơn mảnh đất và con người nơi đây…

Bài tự cười mình cũng được làm trong thời gian đi sứ, bài thơ như một bức chân dung tự họa của ông:

Thiên nhược ư dư hống tiếu đoan,

Sinh phùng loạn thế cưỡng danh An.

Nhân nhưng mang tuế thâu nhàn nhật,

Tàm quý vi tài bác hảo quan.

Nê túy nhất bôi kiêu tửu bá,

Nha đồ ngũ vận ngạo thi đàn.

Cận lai kiểu hãnh càn khôn lượng,

Thủy tú sơn kỳ túc ngã hoan.

(Tự trào)

(Trời như đùa cợt với ta,

Sinh gặp thời loạn, mà gượng đặt tên An.

Vì bận rộn quanh năm, nên nay trộm được mấy ngày nhàn,

Tự thẹn thấy mình tài ít mà được chức quan tốt.

Uống một chén đã say nhè, nhưng xưng là tửu bá,

Thơ năm vần như quạ quào, mà ngạo nghễ cả thi đàn.

Gần đây may nhờ trời đất rộng lượng,

Có non sông đẹp đẽ đủ làm lòng ta vui.)

(Tự cười)

Trong Sứ hành tự thuật, Trịnh Hoài Đức còn nói những chặng đường ông đã trải qua, những ứng biến của ông khi nói tiếng Quảng, khi nói tiếng Bắc Kinh, rồi lại nói chuyện ông phải để râu để giữ gìn quốc thể… Phần ghi chú có nói sứ đoàn của ông không giống như những sứ đoàn trước, ăn mặc triều phục đẹp đẽ, ứng đối nhanh nhẹn, nên các bậc sĩ phu, quan chức, cả những người dân Trung Quốc đều xem trọng sứ đoàn Việt Nam:

Lĩnh hải cùng nhân tích,

Thừa xa phục giá chu.

Thủ phùng tuần phủ triển,

Tu phụng đế vương lưu.

Nam bắc tùy thanh ứng,

Giang sơn hữu cú thù.

Quy lai thê tử vấn,

Hạnh miễn tiếu hư du.

(Sứ hành tự thuật)

(Vùng biển núi Lĩnh chẳng thấy bóng người,

Đi xe rồi lại đi thuyền.

Tay này, gặp tuần phủ thì dang ra,

Râu này, vì phụng mệnh vua mà để dài.

Ở Nam hay ở Bắc đều tùy tiếng nói mà đối đáp,

Cảnh đẹp non sông, thì dùng thơ thù họa.

Khi trở về nhà, vợ con có hỏi,

Rằng may mắn không uổng một chuyến vui chơi.)

(Tự thuật hành trình đi sứ)

2.2. Nhưng bộ phận thơ đề tặng hẳn không thể nói hết nỗi niềm của Trịnh khi xa xứ, mà chủ yếu chỉ là thơ bang giao. Còn bộ phận thơ cảm hoài, vịnh cổ tích, xúc cảm hứng khởi mới truyền tải được hồn thơ và tâm tình của ông.

Cứ mỗi chặng đường, qua từng cổ tích, vị sứ thần ấy lại có lời thơ cảm vịnh.

Chuyến khởi hành của sứ đoàn triều Nguyễn giương buồm trong đại dương mênh mông chưa được bao ngày thì gặp phải một cơn bão ở vùng biển Quảng Đông Trung Quốc, nhân đó tác giả có ghi lại một bài thơ:

Tam Châu tình vãn sứ phàm hành,

Hôn hắc hà lai phiêu mẫu tinh.

Việt hải ba đào lâm hác trướng,

Thượng xuyên phong vũ địa thiên manh.

Chỉ tương trung nghĩa trì chu tiếp,

Hề hữu điên nguy úy ngạc kình.

Đế giám thê hàng thần tiết khổ,

Ưng giao nhạc độc hộ nghê tinh.

(Phụng sứ Đại Thanh, kinh Quảng Đông dương phận Tam Châu đường, ngộ cụ phong)

(Tam Châu chiều lặng, sứ thuyền giong,

Gió lốc từ đâu đến bão bùng.

Việt hải sóng ngàn trào vách núi,

Thượng xuyên mưa gió tối bầu không.

Đem lòng trung nghĩa gìn lèo lái,

Nào sợ ngạc kình nản nguy hung.

Đế tỏ thuyền bè, thần bớt khổ,

Cờ nghê gìn giữ, có non sông.)[8]

(Phụng mệnh đi sứ Đại Thanh, qua vùng Tam Châu biển Quảng Đông, gặp bão)

Trong gian nguy Hoài Đức vẫn một lòng lo nghĩ đến quốc gia đến nhiệm vụ, ông tự nói đem hết lòng trung nghĩa để báo đáp cái ơn tri ngộ.

Qua sông Linh Đinh, sóng nước dạt dào, non núi lô nhô hùng vĩ, nơi mà Văn Thiên Tường đời Tống cũng có bài Quá Linh Đinh dương nổi tiếng, Trịnh Hoài Đức dấy lên nỗi niềm hưng vong chìm nổi của cuộc đời, trước cảnh chiều tà, bè sao ngàn dặm nước về đông:

Thiên lý tinh tra trục thủy đông,

Linh Đinh dương lý vãn phàm xung…

Vô cùng nhạc độc hưng vong cảm,

Đào khấp ba hào ngũ dạ phong.

(Quá Linh Đinh dương)

(Bè sao ngàn dặm nước xuôi đông,

Chiều biển Linh Đinh, buồm tối giong…

… Non nước vô cùng, thương được mất,

 Sóng khơi gào khóc, gió đêm rong.)

(Qua biển Linh Đinh)

Hành trình của vị sứ thần họ Trịnh lắm gian nan, ba năm đi sứ Trung Quốc, những tưởng như ông được trở về đất tổ, mừng vui lắm mới phải. Nhưng không. Đối với ông, Việt Nam đã trở thành quê hương, thành mảnh đất tâm hồn. Vì vậy, nỗi niềm nhớ quê Trấn Biên Đồng Nai của họ Trịnh vẫn lấp lánh trong hơn trăm bài khi ông xa xứ nhận trọng trách của triều đình:

Tinh thiều Việt địa ngột do huyền,

Trình lộ gian nan tuế tự thiên.

Thê tử biệt lai tam duyệt tải,

Đệ huynh vọng xứ nhất phương thiên.

Hoa minh Lộc Động hàm thu nguyệt,

Liễu ám Dương Thành tỏa mộ yên.

Chẩm bạn hoán tinh hồ hải mộng,

Thanh thanh hàn nhạn lạc cô thuyền.

(Sứ hành thứ Quảng Đông thư hoài)

(Xe sứ đến đất Việt, cứ ở lần lữa mãi,

Lộ trình gian nan, năm này tiếp năm kia.

Xa cách vợ con đã gần ba năm,

Anh em trông ngóng một phương trời.

Hố Nai hoa nở ngậm bóng trăng thu,

Quảng Châu liễu rợp khói chiều pha.

Bên gối, tỉnh giấc mộng hồ hải,

Bởi tiếng nhạn mùa thu rơi từng tiếng xuống thuyền.)

(Sứ đoàn ở Quảng Đông viết gửi nỗi niềm)

Có khi ngắm cảnh xứ người, ông lại động lòng hoài cảm. Trong thâm xứ cõi lòng vị sứ thần như ẩn chứa một nỗi niềm của người du tử. Ngóng hòn Vọng phu nơi hẻm núi Linh Dương, nghĩ đến chuyện xưa chàng họ Tiêu một đi không trở lại, để người con gái chờ đợi ngàn năm trên bến Linh Dương, hồng lệ chứa chan tràn ngập cả khe suối, hóa đá chờ chồng:

Tiêu lang nhất khứ mộng nan chiêu,

Thiên tải Linh Dương lập a kiều.

Hồng vũ lệ uông xuân giản trướng,

Lục vân hoàn loạn dã bồng phiêu…

(Linh Dương hiệp (giáp) vọng phu thạch)

(Biền biệt chàng Tiêu, mộng khó về,

Ngàn năm nơi Linh Dương người con gái vẫn đứng đó.

Lệ đỏ như mưa trào tuôn khe suối mùa xuân,

Mái tóc mây xanh biếc rối bời như cánh bồng hoang xoay tít…)

(Hòn Vọng phu ở hẻm núi Linh Dương)

Để rồi hai câu cuối như tự nghĩ đến mình:

Cổ vãng hà đa du đãng tử,

Vọng phu đáo xứ bích sơn tiêu.

(Linh Dương hiệp (giáp) vọng phu thạch)

(Thuở xưa sao quá nhiều kẻ du tử đến thế,

Để ngọn núi nào cũng có đá vọng phu?)

(Hòn Vọng phu ở hẻm núi Linh Dương)

Nói là nói thế, nhưng chính tác giả cũng đang biến vợ mình thành “hòn vọng phu” chưa hóa đá đó thôi!

Tháng mùa đông, từ tỉnh Quảng Đông đi đến tỉnh Quảng Tây để họp với sứ đoàn thỉnh phong của Lê Quang Định, trên đường đi, ông cùng hai phó sứ là Ngô Nhân Tĩnh và Hoàng Hối Sơn làm thơ xướng họa cả thảy 30 bài. Mỗi bài là một cảnh, một tâm sự:

Viễn kinh sương tuyết niên tương mộ,

Cực vọng sơn xuyên lộ bất cùng.

Đắc xứng ý thời hành thả chỉ,

Mạc thiêm túc xứ chuyết cầu công…

(Đông nguyệt do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây tỉnh hội thỉnh phong sứ thủ lộ tiến kinh đạo trung đồng Ngô, Hoàng lưỡng phó sứ thứ lạp ông tam thập vận, bài 1.)

(Đường xa trải bao tuyết sương, năm sắp tàn rồi,

Núi sông nhìn khắp, đường vời vợi xa.

Khi đắc ý thì biết lúc hành lúc chỉ (hành: làm quan; chỉ: ở ẩn)

Chớ vẽ thêm chân cho rắn, đem cái vụng mà cầu lấy cái khéo.)

(Tháng mùa đông, giữa đường từ Quảng Đông đi đường thủy đến tỉnh Quảng Tây, hợp với sứ đoàn thỉnh phong mượn đường đến kinh, cùng với hai vị phó sứ họ Ngô, họ Hoàng làm ba mươi bài theo vận lạp ông, bài 1.)

Cảm thức đường dài, trời đất vô cùng, thiên hạ rộng lớn từ đó đưa đến cảm thức về cuộc đời, biết cách hành xử, chớ cưỡng cầu điều chi. Viết đến đây, bỗng dưng, tôi lại nhớ đến câu thơ của Lý Thương Ẩn:

Khuyến quân mạc cưỡng an xà túc,

Nhất trản phương lao bất đắc thường.

(Hữu cảm)

(Khuyên người chớ gượng vẽ chân cho rắn,

Một chén rượu thơm cũng không được nhấm môi)

(Có cảm xúc)

Bài hai trong cụm ba mươi bài thơ trên lại kể lại hành trình từ Quảng Đông đến Quảng Tây:

Quảng Đông thu hựu Quảng Tây đông,

Nhất diệp biên chu lộ kỷ trùng.

(Mùa thu ở Quảng Đông, sang mùa đông đã ở Quảng Tây,

Một chiếc thuyền nhỏ, đường xa ngàn trùng.)

Thế nhưng trong hoàn cảnh ấy, tâm thái của người nghệ sĩ bất chợt trào dâng, nhìn cảnh bên đường, cảm thấy gần gũi:

Đáo xứ vô cùng tân điểm xuyết,

Sơn xuyên như vị khách vi dung.

(Đông nguyệt do Quảng Đông… , bài 2)

(Khắp nơi nơi thấy cảnh vật điểm xuyết mới mẻ vô cùng,

Núi sông như vì khách mà điểm dung.)

(Tháng mùa đông, giữa đường từ Quảng Đông…, bài 2)

Rồi có lúc tác giả thầm nhẩm đếm gian khổ trên hành trình, chợt mừng thấy mình vẫn dẻo dai. Nhưng điều mừng nhất của ông là thấy cảnh dân tình sống hoà thuận yên ổn:

Tự ngã lao lao lũ nhạn tân,

Bán niên bắc lĩnh, bán nam mân.

Lăng ba thấp thấu Vương sinh miệt,

Mạo tuyết hàn xâm Mạnh Hạo cân.

Mặc sổ đạo đồ đa khổ huống,

Ám căng cân lực thượng cường nhân.

Thương Ngô hành kiến nông tang lạc,

Thuấn giáo nam tuần vị vẫn luân.

(Đông nguyệt do Quảng Đông …, bài 11.)

(Từ thuở lao đao, hoá khách nhàn,

Nửa năm núi bắc, nửa trời Mân.

Sóng pha ướt đẫm Vương sinh miệt,

Đội tuyết rét lùa Mạnh Hạo cân.

Nhẩm tính đường dài bao khổ nạn,

Thầm mừng gân sức vẫn tuổi xuân.

Thương Ngô ngang thấy dâu tằm tốt,

Thuấn giáo phương nam, vẫn thấm nhuần.)

(Tháng mùa đông, giữa đường từ Quảng Đông…, bài 11)

Ba mươi bài thơ ấy như một bức tranh liên hoàn khắc hoạ tâm tình của Trịnh Hoài Đức: băn khoăn lộ trình vời xa, lo lắng nhiệm vụ chưa tròn, có khi thương nhớ quê hương, bè bạn nơi quốc thổ:

Thâm thâm lữ nhạn độ nam quan,

Ngã thượng li gia vị tạm hoàn.

Kỳ phú hữu nhân tranh lão thủ,

Càn khôn vô dược trú hồng nhan….

Thử khứ Yên đài ưng bất viễn,

Cử đầu hồng nhật tại tiền san.

(Đông nguyệt do Quảng Đông…, bài 15)

(Từng đàn nhạn bắc vượt nam quan,

Ta vẫn xa quê, cách biệt làng.

Cờ phú có người tranh lão thủ,

Càn khôn không thuốc giữ đồng nhan.

…. Đây đến Yên đài, còn mấy độ?

Ngẩng đầu hồng nhật ở đầu non.)

(Tháng mùa đông, giữa đường từ Quảng Đông…, bài 15)

cũng có khi nhớ vợ thương con rồi tự cười trách mình vô dụng:

… Tinh sứ gián khai yêm dịch quán,

Kinh thê bần bệnh cách phương thiên.

Kinh doanh tráng chí mê như ngã,

Hồ thỉ sinh sơ tiếu lãng huyền.

(Lữ thứ hoa triêu)

(… Sứ giả đình trệ mãi nơi dịch quán,

Người vợ nghèo bệnh thì cách trở phương trời xa.

Lo thi thố chí lớn, ta thật mê lầm,

Nực cười cho cung tên thuở trẻ uổng treo lên.)

(Tiết hoa triêu nơi đất khách)

Nơi tha hương, Hoài Đức luôn nhớ đến quê hương, nỗi nhớ chuyển thành mộng, mộng để được sống cùng quê hương gia đình dù chỉ trong phút giây. Nhưng cái rét phương bắc khiến mộng chẳng thành, vì gió tuyết, vì đêm xa xứ:

Lữ dạ thê lương mộng bất thành,

Vũ linh tuyết lạc phá tàn canh.

Nhẫn giao sóc xuý xâm tiêu trướng,

Hận sát phong di khiếm thế tình.

(Sứ quán dạ ngâm)

(Đêm khách thê lương mộng chẳng thành,

Mưa rơi tuyết rắc phá tàn canh.

Màn là bấc thốc, ai đành dạ,

Trút hận dì phong thiếu thế tình.)

(Đêm nơi sứ quán ngâm thơ)

Nỗi nhớ quê trở đi trở lại trong nhiều bài thơ viết trong thời gian đi sứ của ông, chứng tỏ Hoài Đức một lòng xem Trấn Biên Đồng Nai là quê hương thật sự của mình. Xen lẫn giữa những bài thơ nhớ quê ấy là nỗi niềm than thở lần lữa mãi nơi đất khách, chưa hoàn thành xong nhiệm vụ để được trở về quê hương:

Minh nhật tiêu hoa nan viễn hiến,

Lữ đình thần tử thán tha đà.

(Quế Lâm trừ dạ)

(Ngày mai hoa hồ tiêu khó dâng lên vì ở xa xôi quá,

Nơi đình trọ đất khách, kẻ bầy tôi than thở nỗi ngày tháng dần dà.)

(Đêm ba mươi tết ở Quế Lâm)

Những tháng ngày nơi đất khách, Hoài Đức thấy đâu cũng buồn, nghe tiếng sáo mà lòng như thổi bùng ngọn lửa nhớ quê hương:

Cửu tác tha hương khách,

Na kham chiết liễu thanh.

Sầu đồng giang cửu khúc,

Giang khúc nhiễu giang thành.

(Tương hành tạp vịnh, Văn địch)

(Tha hương làm khách mãi,

Chiết liễu điệu xui lòng.

Chín khúc sông sầu nhớ,

Quanh thành sông lượn vòng.)

(Tạp vịnh trên sông Tương, Nghe tiếng sáo)

Lên chơi lầu ở Trường Sa, nỗi nhớ quê lại đến:

Đình bôi nhật mộ quy phàm viễn,

Thi tứ tiêu tao cố quốc thu.

(Đăng Trường Sa Củng Cực lâu lưu đề)

(Buổi chiều tối trông những cánh buồm về xa tít, ta dừng chén rượu,

Thi tứ buồn bã nhớ đến mùa thu nơi quê hương.)

(Lên chơi lầu Củng Cực ở Trường Sa đề thơ lại)

Thương nhớ quốc thổ quê hương, vợ con, bè bạn, hẳn nhiên là đặc điểm của thơ đi sứ. Có xa quê hẳn có thơ nhớ quê. Có xa người thân thì ắt có lòng hoài vọng tin thư. Thao thức với bóng chiều, trằn trọc cùng vầng trăng, thi hứng tràn đến thì gọi bộc đồng pha trà ngâm đọc (Đông nguyệt do Quảng Đông…, bài 14, 15, 20)… Dẫu thế nào, thì chất nghệ sĩ trong con người sứ thần Trịnh Hoài Đức vẫn hiện diện, có khi, trong thoáng giây, ông hiện ra như một người đạo sĩ, thâm trầm, yên tĩnh:

Tục lự câu tiêu tận,

Nhân sinh lạc hữu nhai.

(Hành quán khiển hứng)

(Nỗi niềm tục luỵ đều tiêu tan hết,

Niềm vui của kiếp người có bến bờ.)

(Hứng thơ nơi dịch quán)

Nhưng Hoài Đức vẫn là một người sôi nổi, giao tế rộng rãi và lịch thiệp.

 

3. Bước khỏi vườn thơ của Trịnh, có lẽ vẫn chưa hả lòng, vì bởi còn nhiều điều chưa kịp nói, còn nhiều câu chưa kịp trích dẫn, còn nhiều ý chưa kịp triển khai.

Về thể thơ, chỉ tính riêng trong tập Quan quang, thể thất ngôn bát cú có đến 122 bài (tập Quan quang có 152 bài), kế đến là thể ngũ ngôn luật (12/152), lục ngôn tuyệt cú (8/152), ngũ ngôn tuyệt cú (7/152), thất ngôn tuyệt cú (3/152). Chỉ nói riêng về việc ông làm thơ lục ngôn đến tám bài, đó cũng là một kiểu thử nghiệm. Thể lục ngôn, dĩ nhiên xuất nguồn từ Trung Quốc, nhưng rất ít người viết theo thể này. Tiết điệu của thể lục ngôn êm đềm hơn loại thơ thất ngôn, nên cũng khó sáng tác. Riêng họ Trịnh có đến tám bài thơ kiểu này khi ông đi thuyền trên sông ở Hồ Nam:

Tùy phong hồi Việt thương đĩnh,

Trục thủy thướng Yên sứ chu.

Nghênh tống hành nhân khốn quyện,

Niên lai vân bạch sơn đầu.

(Hồ Nam đạo trung chu hành tạp vịnh, 1)

(Thương thuyền xuôi gió về Việt[9],

Thuyền sứ ngược dòng đến Yên.

Đưa tiễn hành nhân mỏi mệt,

Bao năm mây trắng đầu ngàn.)

(Tạp vịnh khi đi thuyền ở Hồ Nam, 1)

Hoặc:

Nhân tụ sơn yêu thành ấp,

Khách lai nham lộc nghĩ hàng.

Ngữ ngôn nhân khách tương tả,

Minh nguyệt do như cố hương.

(Hồ Nam đạo trung chu hành tạp vịnh, 5)

(Người họp lưng đèo lập ấp,

Khách vào thuyền ghé chân truông.

Ngữ ngôn ta khách sai biệt,

Trăng sáng như miền cố hương.)

(Tạp vịnh khi đi thuyền ở Hồ Nam, 5)

Bài thứ tám có thể nói là một bài thơ bộc lộ phong thái nghệ sĩ của vị sứ thần họ Trịnh nhất:

Niếp trọng cận thiêm thi thảo,

Hồ khinh tần phúc tửu bôi.

Giang hoa hà tất vấn chủ,

Thả khán cập thời hoa khai.

(Hồ Nam đạo trung chu hành tạp vịnh, 8)

(Tráp nặng vì thêm thơ mới,

Bầu nghiêng bởi dốc rượu hoài.

Hoa sông đâu cần hỏi chủ,

Cũng nở kịp thời ta coi.)

(Tạp vịnh khi đi thuyền ở Hồ Nam, 8)

Qua một số bài thơ, câu thơ được dẫn trên, có thể nói ngôn ngữ thơ của Trịnh Hoài Đức dẫu chưa thật sự gây cảm giác ấn tượng nhưng nhìn chung ngôn ngữ trong thơ ông giàu nhạc điệu và hình ảnh. Những hình ảnh thường thấy trong thơ của họ Trịnh vẫn là vầng trăng, núi non, sông nước… Không gian trong thơ Chỉ Sơn bao giờ cũng rộng lớn bao la, rợn ngợp. Cảm thức không gian thời gian trở nên mênh mông và đằng đẵng trong thơ vị sứ thần xa xứ như Trịnh Hoài Đức cũng là điều dễ hiểu. Với ông mọi cảnh vật đã được tâm trạng hóa, tình cảm hóa. Nỗi niềm tâm sự của Trịnh Chỉ Sơn đã in dấu trong suốt chặng Quan quang, và đã hóa thành hơi thở của sự sống trong thơ ca của mình.

Có thể nói, thơ Trịnh Hoài Đức dùng khá nhiều điển cố lạ. Phải chăng ông đã chịu ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật thời Trung, Vãn Đường, mà đặc biệt là phái thơ của Ôn Lý? Nhưng cũng có khi, ông dùng điển cố tài tình như không như những bài Văn địch, Linh Dương hiệp vọng phu thạch, Đông nguyệt do Quảng Đông…,Hữu cảm,  v.v.

Thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức, nhìn chung đa dạng về thể tài, phong phú về nội dung. Do dung lượng của một báo cáo khoa học nên chúng tôi chưa thể nói nhiều, bàn kỹ về nội dung và nghệ thuật thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức, mà ở đây, chỉ giới thiệu mang tính tổng quan.

Có lẽ trong tiếng thơ của Trịnh, còn lại là những âm vang của niềm thương nhớ quê hương, tự hào của một người dân Việt. Những nỗi niềm ấy, sẽ dễ đi vào lòng bạn đọc hôm nay, mặc dù đến nay, ông vẫn còn là một nhà thơ khá xa lạ, chưa được giới thiệu rộng rãi. Quan quang tập chỉ là một phần trong Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, do vậy, để hiểu hết về ông, chúng tôi còn dự định nghiên cứu ông kỹ hơn và đặt trong sự đối sánh với hai người bạn ông trong Gia Định tam gia là Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định cùng với nền văn học Hán Nôm ở vùng đất Nam bộ thế kỷ XIX.

 

TP. Hồ Chí Minh, 11-2007

L.Q.T

 

 

 

Thư mục tham khảo chính:

 

1.                      Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dịch - chú giải, NXB. Tổng hợp Đồng Nai, 2006.

2.                      Trịnh Hoài Đức, Cấn Trai thi tập, Trần Kinh Hòa giới thiệu, Phòng Nghiên cứu Đông Nam Á biên soạn, Sở Nghiên cứu Tân Á xuất bản, Hồng Kông, 1962.

3.                      Trịnh Hoài Đức, Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.780, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

4.                      Trịnh Hoài Đức, Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.1392, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

5.                      Trịnh Hoài Đức, Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.3139, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

6.                      Đinh Gia Khánh (cb), Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII, NXB Giáo dục, 2004.

7.                      Hội đồng Khoa học Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập II, Văn học - Báo chí - Giáo dục, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.

 

 



[1] Trònh Hoaøi Ñöùc, Caán Trai thi taäp, Töï töï, TS. Ñoã Thò Haûo dòch, daãn theo Hoaøi Anh, Gia Ñònh tam gia, NXB. Ñoàng Nai, 2005, tr. 69.

[2] Trònh Hoaøi Ñöùc, Caán Trai thi taäp, Töï töï, TS. Ñoã Thò Haûo dòch, sñd.

[3] Rieâng vôùi taøi lieäu naøy, toâi ñöôïc thaày Nguyeãn Khueâ cung caáp, treân trang bìa loùt cuûa saùch coù ñoùng daáu cuûa tröôøng Ñaïi hoïc Vaên khoa.

[4] Trònh Hoaøi Ñöùc, Caán Trai thi taäp, kyù hieäu A.1392, Töï töï.

[5] Hieän chuùng toâi ñang tieán haønh chænh lyù vaø phieân dòch nhöõng baøi thô chöa ñöôïc dòch cuûa Trònh Hoaøi Ñöùc vaø cuûa caû Ngoâ Nhaân Tónh, Leâ Quang Ñònh, hy voïng trong töông lai gaàn seõ boå sung vaøo coâng trình phieân dòch thô ca cuûa Gia Ñònh tam gia.

[6] Cao Töï Thanh trong baøi vieát “Vaên hoïc Haùn Noâm ôû Gia Ñònh” in trong Ñòa chí vaên hoùa thaønh phoá Hoà Chí Minh, taäp II, Nxb. TP. Hoà Chí Minh, 1998, tr. 86, cuõng coù nhaéc ñeán vaán ñeà naøy ôû phaàn chuù thích.

[7] Xin xem Buøi Duy Taân, Thô vònh söû, thô ñi söù vaø chuû nghóa yeâu nöôùc in trong Ñinh Gia Khaùnh (cb), Buøi Duy Taân, Mai Cao Chöông, Vaên hoïc Vieät Nam theá kyû X - nöûa ñaàu theá kyû XVIII, NXB Giaùo duïc, 2004, tr. 482-503.

[8] Nhöõng baøi thô trong naøy ñeàu laø cuûa chuùng toâi dòch.

[9] Vieät: chæ vuøng ñaát Quaûng Ñoâng Quaûng Taây.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63663146
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6864
17595
63663146

Thành viên trực tuyến

Đang có 828 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website