… Lan trong rừng vắng (... không cốc u lan)

Ly Thuong AnLý Thương Ẩn xuất hiện trong thi đàn, khi mà thơ ca đã đạt đến đỉnh cao về phong cách cũng như về nội dung, vẫn có thể tạo dựng cho mình một chỗ đứng riêng biệt trong làng thơ, tề danh cùng với các nhà thơ lớn thời Vãn Đường như Đỗ Mục, Ôn Đình Quân… hẳn nhiên bản thân phải có phong cách riêng cho mình. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thơ Đỗ Mục tuấn sảng, Ôn Đình Quân ủy mị, thì Lý Thương Ẩn vừa thâm trầm vừa ỷ lệ. Nguyên Hiếu Vấn đời Kim cho rằng thơ của Ôn, Lý là tiếng lòng mới mẻ, là “tân thanh”, với phong cách thơ gần giống với Trương Hoa:

 

Phong vân nhược hận Trương Hoa thiểu,Ôn Lý tân thanh nại nhĩ hà?Luận thi tam thập thủ, 3

(Gió mây như hận Trương Hoa thiếu,

Tiếng thơ Ôn, Lý biết thế nào?)

Đọc thơ của Lý Thương Ẩn, ta như lạc vào mê cung, như lạc giữa rừng sâu chằng chịt cây lá. Thỉnh thoảng, người đọc thấy đâu đó lập lòe những đóm lửa, những vệt sáng cuối đường, hay le lói như bóng trăng xuyên qua tàng lá chốc chốc bị những đám mây mờ giăng mắc. Cũng có lúc cánh rừng thơ ông vạch vài lối đi thông thoáng, chợt thình lình khép kín lối vào. Cái lối thơ ấy như kiểu kẻ vào thiên thai một lần, khi trở ra rồi tìm lại không thấy đâu nữa. Lối thơ khép mở như những cánh cửa, đặc biệt hơn là những cánh cửa trong khu rừng già khiến người đọc không khỏi ngẩn ngơ tự hỏi. Cái gì đã khiến thơ Lý Thương Ẩn trở nên như thế? Quả khó có thể giải thích rành mạch về nó. Tuy nhiên có thể nói rằng chính những mâu thuẫn trong lòng ông khiến tiếng thơ ông bộc khởi như thế.

Sở dĩ nói vậy ấy bởi thơ là tiếng lòng, lòng đã không thông sướng cởi mở, há thơ sảng khoái được sao? Những u uất trong lòng thi nhân cứ thế thi nhau tràn ra mặt giấy. Sầu não, bối rối, uất ức, trầm ngâm, kêu gào, lặng lẽ, thiết tha, chán ngán, khát vọng, đau đớn… Thơ Lý Thương Ẩn không có cái khí hào sảng kiểu Lý Bạch, cái bi thương và nỗi đau lớn lao như Đỗ Phủ; thơ ông cũng không rõ ràng như của Bạch Cư Dị, mà lại có cái hiểm dị kiểu Lý Hạ; dẫu là thơ diễm tình nhưng vẫn ẩn chứa nỗi niềm và sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời và tình yêu, một tâm hồn hồn hậu hiếm có, hoàn toàn không giống với lối thơ của Ôn Đình Quân. Bởi cuộc đời Lý Thương Ẩn đã không được đãi ngộ như Lý Bạch, mà cũng chẳng cùng như Đỗ Phủ; cũng chẳng có cái đắc chí phong vân như Bạch Cư Dị, mà lại có cái nỗi đau uất nghẹn như Lý Hạ. Chính xã hội Vãn Đường thời bấy giờ đã gây cho ông một tâm trạng phức hợp khó giãi, nên thơ cũng uốn éo khúc khuỷu như nỗi lòng của ông. Nỗi lòng của Lý Thương Ẩn xem ra cũng chẳng khác gì với nỗi lòng của Tố Như Nguyễn Du:

Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ,Hồng sơn sơn hạ Quế giang thâm.

(Ta có tấc lòng khôn giãi tỏ,

Sâu như dòng sông Quế dưới chân núi Hồng.)

 Nỗi lòng đã khó giãi thì dùng lời cho người ta khó biết. Tuy không ít lần thi nhân cho rằng đó không phải là do ngôn ngữ bí hiểm mà chỉ tại người cố ý không hiểu:

Phi quan Tống Ngọc hữu vi từ,Khước thị Tương vương mộng giác trì.Hữu cảm(Không phải vì Tống Ngọc có lời lẽ sâu xa,Mà chỉ tại vua Sở chậm tỉnh mộng.)Và:Tần trung cửu dĩ ô đầu bạch,Khước thị quân vương vị bị tri.Nhân dục(Nước Tần đầu quạ từ lâu bạc,

Chỉ tại quân vương chẳng biết gì.)

Không những người ta cố ý không hiểu mà còn nghi ngờ tấm lòng của người quân tử:Nhất tự Cao Đường phú thành hậu,Sở thiên vân vũ tận kham nghi.Hữu cảm(Từ khi bài phú Cao Đường làm xong,Cả chuyện mây mưa nước Sở cũng đều nghi ngờ là có ý khác.)

Hoặc:

Bất tri hủ thử thành tư vị,Sai ý uyên sồ cánh vị hưu.An Định thành lâu

(Vô tri được chuột ngờ ngon ngọt,

Cứ sợ uyên sồ giữ chẳng thôi)

Đó là bi kịch của Thương Ẩn cũng như của những người tài tử khác thời bấy giờ.

Chưa bao giờ thấy nhà thơ nào nhiều mâu thuẫn như ông. Những mâu thuẫn giữa khát vọng hoài bão và thực hiện hoài bão, mâu thuẫn giữa xuất và xử, giữa bôn ba trong trường danh vọng và quay về ẩn cư vui cùng đạo pháp, lạ hơn là mâu thuẫn cả trong tình yêu, trong cái nhìn về những con người hồng nhan tài sắc… Những mâu thuẫn ấy đan xen khiến lòng ông chẳng vò mà rối. Cái rối rắm ấy dẫn đến yếu tố mờ ảo, kỳ bí trong thơ ông.

Thế cho nên có người nói khó khảo được hành trạng nhân phẩm của ông, còn như bảo rằng ông có tài mà không có hạnh e hơi bất nhẫn. Đọc kỹ thơ ông, thấy lồng trong đó những nỗi đau khó giãi, những mừng vui pha lẫn oán trách, niềm thiết tha lẫn nỗi hững hờ…

Xuân tàm đáo tử ti phương tận,Lạp cự thành hôi lệ thủy can.Vô đề(Tằm xuân đến chết tơ còn vướng,Ngọn nến dẫu tàn lệ vẫn sa.)

Khát vọng muốn thực hiện tài năng và hoài bão vấn vương của nhà thơ như kiếp tơ tằm khôn dứt. Thế nhưng con đường nhập chính của thi nhân chẳng bao giờ làm ông thỏa khát vọng, nên mới “sáng soi gương buồn đầu điểm bạc, đêm ngâm thơ ánh nguyệt lạnh lùng”. Cảm xúc ấy xưa nay thường vẫn là cảm xúc của những tài tử bất đắc chí, đau đời đau mình, thở than trong đêm vắng. Ta cũng bắt gặp tài tử Nguyễn Du:

Minh kính hiểu hàn khai lão sấu,Sài phi dạ tĩnh bế thân ngâm.Ngọa bệnh

(Sáng lạnh soi gương mình ốm sọm,

Đêm thanh đóng cửa giọng rên sầu.)[1]

Dẫu khi biết cuộc đời nghiệt ngã, nhưng lòng nhiệt thành của tác giả vẫn dạt dào:

Trực đạo tương tư liễu vô ích,Lai phương trù trướng thị thanh cuồng…Vô đề nhị thủ, kỳ nhị

(Dẫu biết tương tư là vô ích,

Si tình nào ngại chuốc buồn thương.)

Thế rồi có khi lại mâu thuẫn, khát vọng càng lớn thì nỗi đau càng nhiều:

Xuân tâm mạc cộng hoa tranh phát,Nhất thốn tương tư nhất thốn hôi.Vô đề tứ thủ, kỳ nhị

(Hoa nở, lòng xuân đâu dám nở,

Tấc lòng nhung nhớ tấc buồn thương.)

Khát vọng thi thố tài năng, kinh bang tế thế của ông, suốt đời dang dở hầu như còn nguyên vẹn:

Giả Sinh du nhẫn cực,Tác phú hựu luận binh.Thành thượng(Giả Sinh tài sức lắm,Thơ phú với luận binh.)

hoặc:

Như hà khuông quốc phận, Bất dữ túc tâm kỳ?U cư đông mộ(Cớ sao phận giúp nước,Chẳng thỏa lòng từng hăng?)

Mâu thuẫn luôn hiện diện trong nỗi lòng của ông. Buổi chiều lòng bức bối buồn bã, dong xe lên đồi chơi. Trước cảnh thiên nhiên đẹp đẽ lòng thấy thích thú sảng khoái. Nỗi buồn bã trước khi chưa dong xe chơi đồi nay đã tiêu tan, những tưởng thế, nhưng buồn này chưa dứt sầu kia đã về:

Tịch dương vô hạn hảo,Chỉ thị cận hoàng hôn.Lạc Du nguyên

(Tà dương khoe sắc thắm,

Chỉ tiếc sắp hoàng hôn.)

Trông trời lại nghĩ đến ta. Vũ trụ như tấu theo bản hòa ca buồn của thi nhân. Nỗi niềm nuối tiếc thở than ấy, nghe như thi nhân thấu ngộ chân lý vô thường của cuộc đời. Không ít lần như thế, rằng:

Vị tri ca vũ năng đa thiểu,Hư giảm cung trù vị tế yêu.Mộng trạch(Múa hát nào hay được mấy chốc?Mà cung lạnh bếp, giữ vòng eo.)

Đó là cái kiểu vừa muốn được ân sủng nhưng lại vừa muốn được tự do. Cái lẽ vô thường còn được nhìn thấy ở chỗ:

Đắc sủng ưu di thất sủng sầu…Cung từ

(Được yêu những sợ lúc phòng lạnh không.)

Chuyện đời vô thường như cơn mưa chiều:

Sở thiên trường đoản hoàng hôn vũ,Sở ngâm

(Hưng vong nước Sở như mưa tối,)

Như giọt sương trên lá cỏ:Thảo gian sương lộ cổ kim tình.Lãm cổ(Xưa nay mọi chuyện như hạt sương trên cỏ.)

Vì hiếu phải về nhà cư tang nhưng lòng ông lúc nào cũng muốn ra làm quan. Đó là mâu thuẫn. Hoặc khi nằm bệnh ông viết:

Đa bệnh hân y hữu đạo bangThủy trai

(Nhiều bệnh nhưng mừng vì nước có đạo)

Thế nhưng sau niềm vui ấy không phải là một sự yên bình thường thấy ở những ẩn sĩ lánh đời vui với thiên nhiên ruộng vườn. Trong ông đau đáu một nỗi niềm thầm kín:

Thùy nhân vị báo cố giao đạo,Mạc tích lý ngư thì nhất songThủy trai(Ai người nhắn với bạn bè cũ,Đôi chép tiếc gì một bức thư.)

Mòn mỏi mong ngóng nhưng vô vọng. Cũng giống như hình ảnh người đẹp là biểu tượng của người tài tử rất thường thấy trong thơ của Lý và trong thơ của những nhà thơ khác thời trước. Thì hình ảnh lầu cao là biểu tượng của khát vọng thi triển hoài bão của Lý Thương Ẩn. Nếu không lý giải được điều đó, người sẽ rất khó hiểu khi thấy trong thơ ông xuất hiện hình ảnh cao lâu, trùng lâu...

Đông nam nhật xuất chiếu cao lâuĐại tạêng nhị thủ, kỳ nhị

(Đông nam hừng nắng dọi lầu cao)

Hay như:

Hoàng kim kham tác ốc,Hà bất tác trùng lâu?Vô đề(Nhà kia vàng đã đắp,

Sao chẳng dựng lầu cao?)

Và:Lãng Châu ưng cánh hữu cao lâu.Vọng Hỷ dịch biệt Gia Lăng giang thủy nhị tuyệt,kỳ nhất(Lãng Châu hẳn có gác lầu cao.)Thế nhưng bạn bè ông ai cũng có cơ hội đắc chí, còn bản thân thì:Kim triêu tương tống đông lưu hậu,Do tự khu xa cánh hướng nam.Vọng Hỷ dịch biệt Gia Lăng giang thủy nhị tuyệt, kỳ nhất(Sáng nay tiễn bạn về đông hết,Còn một mình dong xe hướng nam.)

Với người xưa, lên lầu cao là một kiểu chiếm lĩnh vũ trụ, mở rộng tầm mắt:

Dục cùng thiên lý mục,Cánh thướng nhất tằng lâu.Vương Chi Hoán, Đăng Quán Tước lâu

Đỗ Phủ Đăng cao, Lý Bạch Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng đài, Vương Chi Hoán Đăng Quán Tước lâu, hay Trần Tử Ngang Đăng U Châu đài… đều là để chiếm lĩnh và giao hòa cùng vũ trụ[2], hay chí ít cũng là lên lầu để trông về cố hương. Rất ít trong số đó nhắc đến lầu cao là để nói đến khát vọng thi triển tài năng, được trọng dụng như Lý Thương Ẩn.

… Khi mâu thuẫn giữa khát vọng thi triển tài năng và hiện thực kìm hãm việc thi thố tài năng khát vọng ấy thì trong lòng thi nhân lại nảy sinh mâu thuẫn mới. Lui về quy ẩn chăng? Cố thực hành tài năng chăng? Mâu thuẫn này tìm thấy trong loạt bài thơ cảm hứng về tài năng và cuộc đời, về những cuộc tìm đến tư tưởng Phật giáo, Lão giáo với những vị tu sĩ, ẩn sĩ…

Mâu thuẫn cứ thế giằng xé trong nội tâm mà đến cuối đời vẫn không giải quyết được. Rốt cuộc lại quy cho mệnh trời. Cái số phận “tài mệnh hại nhau” cứ đeo bám những kẻ tài tử. Một đằng muốn đập tan số phận nghiệt ngã ấy, nhưng một đằng lại gò mình vào đó:

Khuyến quân mạc cưỡng an xà túc,Nhất trản phương lao bất đắc thường.Hữu cảm(Khuyên người chớ gượng vẽ thêm chân rắn,Một chén rượu cũng không được nếm.)

Thế nên suốt đời thi nhân vẫn luẩn quẩn trong mê lộ cuộc đời đầy mâu thuẫn. Kể cả trong tình yêu, dưới cái nhìn của Lý Thương Ẩn vẫn đầy mâu thuẫn. Yêu đương có khi muốn được bay trong bao la vũ trụ, có khi muốn được giam cầm. Nhưng dẫu sao vẫn chung một khát vọng: tình yêu phải được bên nhau. Những mâu thuẫn này người đọc dễ dàng tìm thấy trong loại thơ diễm tình của ông.

Với những người con gái tài sắc, Lý Thương Ẩn cũng có cái nhìn cảm thông. Ông đứng về phía họ để lên tiếng, nóigiùm họ nỗi lòng.

Xảo tiếu tri kham địch vạn ki,Khuynh thành tối tại trứ nhung y.Bắc Tề nhị thủ, kỳ nhị(Ai biết cười duyên địch vạn người,Khuynh thành tại kẻ khoác nhung y.)

Quả thật lời nói ấy giống với lời của Hoa Nhị phu nhân họ Phí:

Quân vương thành thượng thụ hàng kỳ,Thiếp tại thâm cung na đắc tri.Tứ thập vạn nhân tề giải giáp,Ninh vô nhất cá thị nam nhi?Thuật vong quốc thi(Cờ hàng vua cắm khắp thành trì,Thiếp ở trong cung nào biết chi.Bốn chục vạn người cùng giải giáp,Lẽ nào không một đấng nam nhi?)

Thế nhưng ở một bài khác, Lý Thương Ẩn lại cho rằng chính sắc đẹp dẫn đến việc nước loạn.

Ký mã Yên tê động địa lai,Tự mai hồng phấn tự thành hôi.Quân vương nhược đạo năng khuynh quốc,Ngọc liễn hà do quá Mã Ngôi.Mã Ngôi nhị thủ, kỳ nhất(Ngựa Ký sừng Yên động đất trời,Tự chôn nhan sắc, tự buồn đau.Quân vương nếu biết điều khuynh quốc,Ngọc liễn vì đâu đến Mã Ngôi.)

Trong tiếng thơ ấy, người đọc vẫn nhận ra, thi nhân ngầm trách bậc quân vương không chăm lo đến quốc sự dẫn đến nước loạn, mà trong lời trách cứ vẫn nghe tiếng nói thì thầm thông cảm. Sự bất lực của quân vương phải chôn vùi người đẹp mà mình yêu quý để rồi tự chuốc lấy nỗi buồn đau chơi vơi. Trong bài thứ hai, thi nhân lại so sánh tình yêu chia lìa của Đường Minh Hoàng và Dương Quý phi với tình yêu dân dã của nàng Mạc Sầu và chàng trai họ Lư:

Như hà tứ kỷ vi thiên tử,Bất cập Lư gia hữu Mạc Sầu.Mã Ngôi nhị thủ, kỳ nhị (Cớ sao bốn chục năm làm thiên tử,Mà không bằng nhà họ Lư (hạnh phúc vì) có nàng Mạc Sầu).

Đó là những mâu thuẫn khó lý giải của thi nhân trước những vấn đề khác nhau, hay đôi khi cùng chung một vấn đề. Sở dĩ Lý Thương Ẩn tự mâu thuẫn bởi có lúc ông đứng ở điểm nhìn này hay điểm nhìn khác để quan sát sự việc. Chính cuộc đời khiến ông phải thay đổi chỗ đứng và điểm nhìn…

Những mâu thuẫn ấy dẫu sao cũng góp phần làm tiếng thơ của Lý Thương Ẩn trở nên đa thanh, nhiều cung bậc, mông lung và kỳ bí. Cũng vì vậy có người cho rằng thơ ông như những cành lan mọc nơi kẽ núi, trong hang vắng, hay trong rừng sâu đang hồn nhiên hé nở rung rinh giữa vũ trụ muôn màu. Trong thế giới thơ đa thanh phồn tạp của đời Đường, thơ Lý Thương Ẩn vẫn chiếm một vị trí đặc biệt. Đọc rộng thơ ông và bình tâm chiêm nghiệm, sẽ thấy người tài tử đó có một tâm hồn hồn hậu, một cõi lòng tha thiết với cuộc đời và tình yêu, nào phải chỉ là một kẻ ong bướm đa tình, vô hạnh như có người gán ghép cho ông. Tiếng thơ ông sẽ còn cùng hậu thế và đời sau hẳn có người hiểu ông hơn…


[1] Trương Chính, Nguyễn Thạch Giang dịch.

[2] Xin xem thêm Nguyễn Thị Bích Hải, Thi pháp thơ Đường, Nxb. Thuận hóa, 1995.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62832322
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13267
13618
62832322

Thành viên trực tuyến

Đang có 573 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website