Tổng kết tọa đàm quốc tế
“Đông phương nhã vận: nghiên cứu về kịch và ký lục Việt Nam – Trung Quốc”
(Ngày 10 tháng 5 năm 2025)
Kính thưa toàn thể quý vị;
Toạ đàm quốc tế “Đông phương nhã vận: nghiên cứu về kịch và ký lục Việt Nam – Trung Quốc” khép lại các phiên với hai chủ đề chính: 1) nghiên cứu nghệ thuật truyền thống Trung Quốc và Việt Nam, Kinh kịch, hý khúc, Côn kịch (Trung Quốc), tuồng, cải lương, đờn ca tài tử (Việt Nam) từ phương diện cải biên từ tác phẩm văn học sang các loại hình nghệ thuật sân khấu, gợi mở cho chúng ta những nghiên cứu liên ngành từ văn bản văn học, ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ nghệ thuật tượng trưng/ biểu trưng và cả vấn đề lịch sử tiếp nhận. 2) nghiên cứu tư liệu địa chí và ký lục thời Minh-Thanh Trung Quốc liên quan đến các vấn đề lịch sử, văn hoá, xã hội Việt Nam.
Các bài viết của các học giả Trung Quốc như: GS. CHEN Jun 陳均 教授 Đại học Bắc Kinh: “Đào hoa phiến” (Quạt hoa đào) và lịch sử cảm xúc Trung Quốc thế kỷ 20; GS. ZHANG Jing 张静教授, Viện Nghiên cứu nghệ thuật Trung Quốc: Tìm hiểu lịch sử của Côn kịch qua tranh; GS. GU Shu-guang 谷曙光教授, Đại học Nhân dân Trung Quốc: Hắc tịch oan hồn: từ tiểu thuyết, đến sân khấu kịch nửa cải cách và điện ảnh; GS. LI Ling 李玲博士, Viện Nghiên cứu nghệ thuật Trung Quốc: Các màn trình diễn “cuồng ngôn” mang tính tranh luận của Nhật Bản và văn bản tác phẩm "Trà và Rượu" ở Trung Quốc và Nhật Bản; TS. FEI Bi 菲比博士, Đại học Bắc Kinh: Sức hút của Côn khúc: đôi điều cảm nhận đến từ lưu học sinh (昆曲的魔力:来自一位留学生的感悟与思考). Một sự hô ứng với các tham luận của học giả Trung Quốc là các tham luận của các học giả Việt Nam và nước ngoài đang công tác tại Việt Nam: TS. CHUANG Chiu-chun 莊秋君博士, Đại học Thăng Long, Sự chuyển thể và lưu truyền của Nhị Độ Mai trong các loại hình hí kịch truyền thống của Việt Nam; TS. NGUYỄN Thanh Phong, Tìm hiểu kịch bản tuồng hát bội Tam quốc điễn nghĩa ở Nam Bộ, Việt Nam; TS. PHAN Thu Vân: Danh tác Trung Quốc trên sân khấu cải lương Việt Nam; TS. LÊ Hồng Phước: Âm nhạc miền Nam Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế; TS. NGUYỄN Phúc An, NGUYỄN Đoàn Tuyết Anh, TRẦN Thị Sang: Ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản trong Tiếng hạc trong trăng: Từ nhan đề đến bối cảnh kịch; TS. NGUYỄN Hoàng Yến: Nghiên cứu kịch bản cải lương Tây sương ký.
Các tham luận trên cho chúng ta hình dung có tính đối chiếu giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống Trung Quốc và Việt Nam, sự ảnh hưởng và tiếp biến, vận dụng trong kịch nghệ truyền thống (văn bản, sân khấu, điệu bộ, âm nhạc, nhạc cụ…) của các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam.
Các bài viết tham luận cho chủ đề chiều nay là: TS. VŨ T. Thanh Trâm: Nghiên cứu Việt Nam du lịch ký; TS. NGUYỄN Văn Hoài: Tư liệu văn học trong tác phẩm Việt Nam tập lược của Từ Diên Húc; TS. HOÀNG Ngọc Cương, PGS.TS. LÊ Quang Trường, Việt Nam qua tư liệu Thù vực châu tư lục; TS. NGUYỄN Đông Triều: Lịch sử Việt Nam qua Bình định Giao Nam lục; PGS.TS. LÊ Quang Trường, LÊ Quốc Tín: Khảo sát tác phẩm An Nam đồ thuyết và Trùng đính Việt Nam đồ thuyết; TS. TRẦN Thị Diệu Hiền: Hình ảnh Việt Nam qua một số tác phẩm ký lược của các học giả nhà Thanh, Trung Quốc; TS. ĐỖ Thuý Hà: Khảo sát tiếng Việt cổ trong Hoa di dịch ngữ…
Các tham luận đã tập trung nghiên cứu phê phán các vấn đề sử liệu, văn bản, các giá trị nội dung, giá trị tư liệu nhằm so sánh và bổ sung các nguồn sử liệu của hai bên, đặc biệt là sự nhận thức nhìn từ bên ngoài các vấn đề lịch sử, nhân vật, địa chí, văn hoá, xã hội Việt Nam.
Từ những nghiên cứu gợi ý trên, các vấn đề cần sẽ tiếp tục nghiên cứu trong tương lai. Văn học là nền tảng của nghệ thuật sân khấu. Sân khấu nghệ thuật làm sống động thêm tác phẩm văn học. Từ ngôn ngữ văn học, kịch bản văn học đã chuyển thành ngôn ngữ hình thể, điệu bộ, âm nhạc, kịch bản sân khấu. Do đó chúng ta cần có thêm các nghiên cứu để làm sáng tỏ sự chuyển thể từ kịch bản văn học sang kịch bản sân khấu, nghiên cứu ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ sân khấu, nghiên cứu sự chuyển đổi ngôn ngữ từ tác phẩm văn học đến sân khấu, những ảnh hưởng của kịch truyền thống và hiện đại, nghệ thuật kể chuyển bằng hình thể, vấn đề sân khấu hoá tác phẩm văn chương, nghiên cứu vai trò âm nhạc trong việc chuyển tải tư tưởng văn học qua sân khấu… Văn học và sân khấu có mối quan hệ bổ trợ, làm giàu cho nhau, tạo nên mối quan hệ đa chiều từ nghệ thuật đến xã hội. Nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và nghệ thuật có thể cho ta những nhận thức sâu sắc, những khám phá thú vị về sức sống của tác phẩm văn học khi bước ra khỏi trang giấy, cách công chúng tiếp nhận nghệ thuật qua nhiều hình thức đọc, xem, nghe.
Và từ những nghiên cứu tư liệu địa chí ký lục của các học giả Việt Nam có thể cho chúng ta thấy sự phức tạp và thú vị do những tư liệu bên ngoài mang lại. Nguồn tư liệu của hai nước có chỗ dị đồng. Bởi xuất phát từ thực tiễn và việc thu thập thông tin khác nhau, từ lập trường chính trị, văn hoá khác nhau, những ảnh hưởng từ chính trị bang giao khác nhau, sự khác biệt về văn hoá và tập quán của hai bên…
Sự khác biệt từ nguồn tư liệu Trung-Việt là hệ quả của việc hạn chế thông tin, sự khác biệt ngôn ngữ, tập tục và lý do khá quan trọng là mục đích chính trị ngoại giao của hai bên. Trải từ hàng ngàn năm, nguồn sử liệu Trung Quốc luôn ghi chép và coi Đại Việt là phiên thuộc, trong khi đó Việt Nam luôn bức phá và khẳng định độc lập lãnh thổ dân tộc. Các nghiên cứu phê phán tư liệu này cho ta hình dung nhận thức về một cuộc tranh quyền giải thích lịch sử giữa hai quốc gia, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của việc so sánh đối chiếu đa nguồn sử liệu khi nghiên cứu.
Nghiên cứu và giao lưu nghệ thuật truyền thống giữa hai nước; nghiên cứu so sánh nguồn tư liệu cổ của Trung Quốc về Việt Nam, vì vậy có giá trị khoa học nhất định trong việc tái nhận thức và khẳng định bản sắc văn hoá, khẳng định các giá trị văn hoá trường tồn, phát huy mối quan hệ giao lưu giữa hai nước trong một bối cảnh hiện đại và hoà bình.
Chúng tôi chân thành cảm ơn quý vị lãnh đạo, đại biểu, quý giáo sư, nhà nghiên cứu đã viết bài tham gia buổi toạ đàm và giao lưu văn hoá hôm nay.
Kính chúc quý vị hạnh phúc, khoẻ mạnh và thành công.
Lê Quang Trường