Điểm nhìn nghệ thuật trong hai phiên bản phim điện ảnh cùng chuyển thể từ tác phẩm văn học Người đẹp say ngủ của Kawabata

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Điểm nhìn nghệ thuật trong hai phiên bản phim điện ảnh cùng chuyển thể từ tác phẩm văn học Người đẹp say ngủ của Kawabata

 

Đặng Thu Hà

ThS., trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội

TÓM TẮT

Chuyển thể tác phẩm văn học để xây dựng thành kịch bản và phim là một cách chế tác phổ biến trong suốt chiều dài của lịch sử điện ảnh thế giới. Trong đó, có những tác phẩm văn học không chỉ được chuyển thể một lần mà nhiều lần, bởi nhiều quốc gia, đa thể loại và với những phiên bản khác nhau. Tiểu thuyết Người đẹp say ngủ của văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari là một trường hợp như vậy. Ra đời vào năm 1961, tác phẩm đã trở thành nguồn cảm hứng cho một số nhà làm phim ở nhiều quốc gia. Tiêu biểu nhất phải kể đến 2 phiên bản điện ảnh, một của điện ảnh Đức Ngôi nhà của những người đẹp ngủ (2008, đạo diễn Vadim Glowna) và của điện ảnh Úc Người đẹp say ngủ (2011, đạo diễn Julia Leight). Hai phiên bản này khi đặt cạnh tác phẩm nguyên gốc, chúng ta sẽ nhận thấy một điều hết sức thú vị: ngoài sự khác biệt về phương tiện biểu đạt đặc thù của loại hình mà tác giả sẽ không bàn tới trong giới hạn bài viết này thì cùng một hệ thống nhân vật và tình huống sự kiện chính, mỗi một tác giả lại tiến hành kể chuyện rất khác nhau, khiến cho kết cấu, cốt truyện, tư tưởng chủ đề và không gian thời gian nghệ thuật… trong tác phẩm hoàn toàn thay đổi. Thử đặt câu hỏi cho nguồn gốc của sự khác biệt trong mỗi cách tường thuật câu chuyện này, ta sẽ tìm thấy một câu trả lời khá xác đáng: tất cả nằm ở điểm nhìn nghệ thuật của mỗi tác giả trong tác phẩm.

Từ khóa: Điểm nhìn nghệ thuật, điện ảnh, chuyển thể, Người đẹp say ngủ

Danh mục website