Thể ký trong văn học trung đại Việt Nam

Trần Ngọc Nữ(*)

TÓM TẮT

 

                    Ký là thể loại quan trọng của văn học trung đại, được viết bằng chữ Hán. Bài viết này bước đầu đi vào tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển và giá trị của thể ký. Tìm hiểu những bước đi của ký sẽ giúp chúng ta hình dung quá trình trưởng thành của văn xuôi tự sự nói riêng và của nền văn học trung đại Việt Nam nói chung.

 

Cũng như truyện ngắn và tiểu thuyết chương hồi, ký chủ yếu được viết bằng chữ Hán dưới hình thức các văn thể Trung Hoa. Tìm hiểu những bước đi của ký sẽ giúp chúng ta hình dung quá trình trưởng thành của văn xuôi tự sự nói riêng và của nền văn học trung đại Việt Nam nói chung. Nguyễn Đăng Na trong chuyên luận Ký Việt Nam thời trung đại - quá trình hình thành, phát triển và đặc trưng nghệ thuật in trong Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam đã chia ký thành bốn thời kỳ phát triển: Thế kỷ X- thế kỷ XIV; thế kỷ XV- thế kỷ XVII; Thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XIX; nửa cuối thế kỷ XIX với những kiến giải sâu sắc về con đường phát triển thể ký trong dòng văn xuôi tự sự. Bài viết tập trung khảo sát ký Việt Nam hậu kỳ trung đại nên chúng tôi sắp xếp các giai đoạn hình thành và phát triển thể ký thành ba giai đoạn, trong đó giai đoạn ba tương ứng với giai đoạn ba và bốn theo sự sắp xếp của Nguyễn Đăng Na.

            1. Giai đoạn 1: Thế kỷ X - thế kỷ XIV

            Lịch sử hình thành văn học viết Việt Nam là một quá trình kéo dài hàng thế kỷ từ khi chữ Hán du nhập vào nước ta, quá trình này cũng diễn ra đồng thời với sự nghiệp giải phóng dân tộc, chống đồng hóa. Trong những cuộc khởi nghĩa chắc chắn phải có những lời hiệu triệu, những thơ văn ghi lại những chiến công của nhân dân ta và chắc đã từng được lưu lại. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta chỉ mới tìm lại được diện mạo của văn học viết Việt Nam trước thế kỷ X qua mấy bức thư tranh luận về tôn giáo và một tác phẩm tôn giáo - triết học. Vả lại chúng tôi cũng đồng tình với quan điểm cho rằng nền văn học viết của dân tộc chỉ có thể tính từ khi có nền tự chủ. Vì vậy chỉ có thể xét lịch sử hình thành thể ký trong văn học viết Việt Nam từ cái mốc thế kỷ X trở đi. Văn học thời kỳ này cũng tập trung chủ yếu vào việc phản ánh một chủ đề là độc lập dân tộc, tinh thần tự chủ của nhân dân. Truyện được khơi nguồn từ kho tàng văn học dân gian, tuy còn lẫn nhiều huyền tích và yếu tố hoang đường nên có nhiều thành tựu. Viết về những nhân vật thời dựng nước hay những anh hùng chống giặc ngoại xâm thì truyện được khai thác yếu tố huyền thoại và dân gian một cách tối đa. Trong khi đó, mảnh đất của ký bị thu hẹp rất nhiều. Khoảng thời gian từ khi giành được độc lập quá ngắn so với bao nhiêu đề tài ngồn ngộn của chủ đề khẳng định chủ quyền, tự chủ. Bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu cảnh và người cần đề cập tới thì hoặc quá xa về thời gian hoặc bị phủ một lớp sương huyền thoại quá dày. Do đó, ký không thể là một dạng thức được sử dụng nhiều trong văn học giai đoạn này. Có thể gọi giai đoạn này là giai đoạn manh nha, đặt móng xây nền của ký. Giai đoạn thế kỷ X - thế kỷ XIV, ký tồn tại chủ yếu ở ba dạng chính là văn khắc, tự bạt và ngữ lục thuộc văn học chức năng. Khái niệm văn khắc được đề cập ở đây có nội hàm hẹp hơn rất nhiều so với nguyên nghĩa của nó, chủ yếu được xét đến gồm văn bia và văn chuông khánh, những tác phẩm ký được khắc trên đá hoặc kim loại. Nội dung được khắc trên chúng chủ yếu là bia công đức hoặc bia kỷ niệm có gắn đến mục đích tôn giáo, chủ yếu là Phật giáo. Trong 15 bài văn bia thời Lý còn lại thì phần ký bao giờ cũng gồm 2 phần: kể lại và ghi nhớ. Nội dung không có gì nổi bật nhưng văn phong thì rất đa dạng, có bài ký đạt đến trình độ nghệ thuật cao, vừa phù hợp với nhu cầu chiêm ngưỡng bái vọng, vừa phản ánh được niềm tự hào dân tộc của thời đại. Văn chuông khánh cũng tương tự như văn bia nhưng số lượng chữ thường ít hơn. Do đó nội dung giản lược, kết cấu bài ký linh hoạt và giá trị nghệ thuật ít. Giai đoạn này cùng với sự hình thành ký trên văn khắc, tự, bạt cũng để lại nhiều bài trong đó sử dụng ký như là một phương thức biểu đạt thể hiện sinh động cảm quan sáng tác của tác giả, hoặc những lời kể lại, bình luận của người khác về quá trình sáng tác, nội dung và giá trị của tác phẩm. Có thể kể Lục thì sám hối khoa tự của Trần Thái Tông là một trong những bài tự có những đoạn văn ký sự hay nhất giai đoạn này. Trong đó, tác giả kể lại hoàn cảnh đau lòng của bản thân dẫn đến việc trốn lên núi xuất gia, tâm trạng tội lỗi dẫn đến việc thành tâm cầu mong sám hối và dựa vào kinh điển Phật để lập ra khoa sám hối lục thời này bằng lời lẽ rất chân thật, văn phong giàu cảm xúc. Giai đoạn này, cùng với sự phát triển của Phật giáo đã hình thành một dạng thức ghi chép đặc biệt trong đó hình ảnh chân thật của các vị thiền sư được phản ánh rất rõ nét. Thông qua đó có thể hiểu được một phần hành trạng của các vị, đồng thời nhìn nhận rõ hơn nếp sống tâm linh của nhân dân thời kỳ đó. Đó là Ngữ lục của các vị thiền sư được các đệ tử ghi chép lại. Có thể kể tiêu biểu là Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục được ghi chép bằng một văn phong phóng khoáng, lời lẽ nhiều ẩn dụ, hình ảnh tươi mới đại diện cho một thời kỳ dân tộc đang trên đà phát triển rực rỡ. Những đoạn văn sử dụng ký như chất liệu sáng tác trên thể hiện được đời sống tâm linh của dân tộc, thể hiện được khát vọng hòa mình với thiên nhiên hay tư tưởng nhập thế, lấy từ bi gieo mầm trong cuộc sống của đạo Phật. Điều đó đã đặt nền móng cho thể ký phát triển ở giai đoạn sau. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng văn khắc là một thể loại riêng không đồng hành cùng ký, tự bạt dần đi vào chức năng khảo cứu và chia tay văn xuôi tự sự còn ngữ lục vẫn thuộc văn học chức năng, tuy vẫn sử dụng ký như phương tiện biểu đạt nhưng bằng một thủ pháp khác thường không giống với ký trong văn học thực thụ.

2. Giai đoạn 2: Thế kỷ XV - thế kỷ XVII

Theo chiều dài lịch sử phát triển đất nước, văn học cũng phải hòa mình vào dòng chảy đó, phản ánh hiện thực đời sống và các giá trị tinh thần. Sau cuộc khởi nghĩa chống quân Minh thành công, nước Đại Việt trên đường trở thành một quốc gia phát triển toàn diện về các mặt. Điều đó tạo tiền đề cho ký phát triển. Kể từ Thanh hư động ký của Nguyễn Phi Khanh cùng Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, ký Việt Nam chính thức ra đời. Tuy nhiên, trừ một số bài ký ngắn, giai đoạn này ký tuy thoát khỏi văn học chức năng nhưng lại bị lẫn vào trong truyện. Ranh giới giữa truyện và ký thì lại rất mỏng manh. Trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, tuy ông có chia các tác phẩm thành 3 loại thể lục, truyện, ký và thể hiện chúng ngay trong tên gọi của chúng nhưng ranh giới giữa các thể thì không thể phân biệt được. Rõ ràng Nam Xương nữ tử truyện nhiều tính chất ký hơn thì lại gọi là truyện còn Đào thị nghiệp oan ký là một truyện thì lại ghi là ký. Chúng ta cũng có thể lấy nhiều tác phẩm trong Thánh tông di thảo đễ làm dẫn chứng cho việc lộn xộn về tên gọi giữa truyện và ký giai đoạn này. Chúng tôi cho rằng sở dĩ có việc trên là do việc xác định truyện và ký phụ thuộc vào thái độ của người cầm bút. Nếu người viết tách mình ra khỏi các nhân vật, các sự kiện thì gọi là truyện còn ngược lại thì gọi là ký. Tất nhiên ở đây không thể bỏ qua yếu tố thần kỳ hay tính chất hoang đường của sự kiện. Do đó là một trong những đặc trưng của văn học Việt Nam trung đại nên việc miêu tả các yếu tố hoang đường, kỳ ảo đó như thế nào cũng nằm trong tiêu chí phân biệt giữa truyện và ký. Có thể dẫn ra sự so sánh giữa Lưỡng Phật đấu thuyết ký trong Thánh tông di thảoVân cát thần nữ truyện của Đoàn Thị Điểm để thấy đâu là truyện còn đâu là ký. Ở đây rõ ràng một bên mượn yếu tố thần kỳ để bài xích hiện thực còn một bên kể lại đúng sự hoang đường như nó từng tồn tại. Do đó Vân cát thần nữ truyện là tác phẩm thuộc thể loại ký. Hồ Nguyên Trừng thực sự là người đầu tiên đặt chân lên biên giới của thể ký. Một số thiên trong Nam ông mộng lục tính chất ký khá rõ. Tuy nhiên cái tôi cá nhân còn mờ nhạt, những đoạn miêu tả chẳng qua là những đoạn lắp ghép rời rạc còn đôi lời bình xen vào thì phần lớn đặt hồ nghi hay dẫn lại lời trong kinh truyện. Tất nhiên là người trong cuộc của một thời đại vừa biến động nên những ghi chép của ông có cái hơi thở của cuộc sống và tính hiện thực rất cao. Đồng thời cũng mang nặng tâm tư nên nó gây nhiều xúc cảm. Điều này là một bước tiến rất dài nếu so với An Nam chí lược của Lê Trắc xuất hiện trước đó hơn thế kỷ. Tuy có tính văn học nhưng trước giờ An Nam chí lược vẫn thuộc tác phẩm thiên về sử. So sánh với Nam ông mộng lục ta thấy nếu như những dữ kiện của Lê Trắc chỉ có giá trị sử học thì những đoạn hồi ức về các nhân vật của Hồ Nguyên Trừng nổi bật cá tính nhân vật và gửi gắm tình cảm của tác giả. Hồ Nguyên Trừng chẳng những là người mở đầu cho thể ký trong văn học Việt Nam trung đại mà còn là người mở đầu cho một dòng văn đặc biệt trong văn học nước ta: dòng văn hải ngoại. Sau đó lần lượt Lê Thánh Tông, Nguyễn Dữ mỗi người tạo những bước đi đầu tiên của ký trên con đường tách mình khỏi truyện nhưng tính truyện trong những thiên tự sự của các tác giả này mạnh hơn tính ký. Giai đoạn này theo chúng tôi là giai đoạn hình thành thể ký.

3. Giai đoạn 3: Thế kỷ XVIII - thế kỷ XIX

Công dư tiệp ký 

            Chúng tôi cho rằng sở dĩ giai đoạn văn học trước tuy hội đủ điều kiện để ký phát triển nhưng ký giai đoạn này chỉ dừng lại ở việc hình thành là do cái tôi của người cầm bút bị bó buộc trong khuôn khổ của Nho giáo - ý thức hệ được Lê Thánh Tông đưa lên làm tư tưởng độc tôn. Phần khác, chúng ta lại trải qua những biến động trong chính trị xã hội một cách rất sâu sắc, người cầm bút hoang mang không thích ứng kịp với sự phát triển của xã hội. Những ghi chép mang tính chất ký chỉ dừng lại ở việc vẽ ra hiện thực chứ chưa gợi nên những điều sâu kín bên trong. Mặt khác, việc lựa chọn đề tài để viết cũng chưa có những hướng đi thực sự hướng về đời sống xã hội muôn màu. Phải đợi đến thế kỷ XVIII, lực lượng cầm bút vừa phát triển về số lượng và chất lượng mới có điều kiện cho phép văn xuôi tự sự nói chung và ký nói riêng phát triển thành những đỉnh cao. Về nội dung và nghệ thuật của văn học ký giai đoạn này sẽ được chúng tôi trình bày ở các chương sau. Ở đây chúng tôi sẽ làm rõ những yếu tố thực tiễn và lý luận khiến cho ký trở thành một trong những đỉnh cao của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn này.

            Về chính trị xã hội: Việc hình thành Lưỡng đầu chế ở thế kỷ XVII là một sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội. Sau hơn một thế kỷ tồn tại dạng thức quyền lực nhà nước đặc biệt này nó đã bộc lộ những khủng hoảng trong ý thức hệ và trong xã hội. Số lượng người đọc chữ thánh hiền chân chính xuất chính làm quan ngày càng ít vì họ không biết phải phục vụ cho ai. Vua - biểu tượng tối cao của nhà nước chỉ có hư vị, mọi quyền lực đều do nhà Chúa nắm giữ. Hơn nữa các đời Chúa sau khi nắm đại quyền thì lao vào hưởng thụ, xây cất cung điện nguy nga làm lao tổn sức dân, ngành nghề điêu tàn, nông sự bỏ bê. Tình trạng chiến tranh và chia cắt ở hai miền Nam - Bắc còn làm trầm trọng hơn vấn nạn của người dân. Ca dao có những câu: Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang. Và: Khôn ngoan qua được Thanh Hà/ Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy.

            Cùng với sự đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, tình cảm của người dân hai miền Đàng Trong - Đàng Ngoài còn có một yêu cầu khác nổi cộm lên là yêu cầu thống nhất đất nước sau hai thế kỷ chia cắt. Những cuộc nổi dậy của nông dân liên tiếp mà lịch sử từng ghi nhận trong Tứ bình thực lục hoặc trong những bộ tư sử như Lịch triều tạp kỷ hay Lê quý kỷ sự cung cấp cho chúng ta một phần cái nhìn xã hội Đại Việt đang quằn quại trong khổ đau. Người cầm bút tìm thấy trong ngồn ngộn những sự việc ấy những chất liệu thấm đẫm tình nhân đạo và sâu sắc tính hiện thực. Một điều kiện khác khiến ký phát triển rực rỡ như một bộc phát là ý thức của người cầm bút. Giờ đây dù là người trong chốn cửa quyền hay nho sĩ bình dân, ai cũng thấy mình phải có trách nhiệm ghi lại những mặt của đời sống xã hội bức thiết. Khởi nghĩa Tây Sơn và cuộc chiến thần thánh chống quân Thanh đem lại cho xã hội màu sắc mới. Giờ đây non sông liền một dải, vua Quang Trung đã có những cải cách đem lại bộ mặt mới cho đất nước. Nhiều chất liệu mới đem lại cho văn học những tác phẩm sâu sắc về nội dung và đặc sắc về nghệ thuật, trong đó không ít tác phẩm thuộc thể ký. Triều Nguyễn bằng những cố gắng của mình đã có những biện pháp giữ gìn trật tự xã hội nhưng chủ yếu là bảo vệ quyền lợi giai cấp. Các vua đầu triều Nguyễn tuy có những cải cách nhưng chưa đi vào gốc rễ của sự việc. Đặc biệt, biến cố 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam là mốc chuyển biến quan trọng khiến đất nước từ đây trải qua những ngày tháng tuy đau thương nhưng dân tộc không ngừng phấn đấu, tôi luyện và trưởng thành. Thời cuộc chuyển biến khiến cho lực lượng cầm bút không thể làm ngơ trước những biến chuyển của xã hội. Đau thương của dân tộc là nguồn sức mạnh khiến cho các tác phẩm thời kỳ này luôn có chất chiến đấu cao và sức lan tỏa lớn. Chưa bao giờ trong lịch sử văn học trung đại lại xuất hiện nhiều tác phẩm văn học tự sự như giai đoạn hậu kỳ này, trong đó có nhiều tác phẩm ký, góp phần hoàn thiện dòng phát triển của văn học tự sự thời trung đại. Việc truyền đạo của các giáo sĩ, cùng những cố gắng trong việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ đã tạo ra một nguồn lực mới trong việc sử dụng ngôn ngữ trong văn học. Những sáng tác đầu tiên của người Việt bằng chữ quốc ngữ đã đặt nền móng cho ký thời hiện đại. Đó là đóng góp lớn của thể ký hậu kỳ trung đại vào lịch sử văn học Việt Nam.

            Về kinh tế: Nền kinh tế chúng ta gắn liền với thể chế chính trị xã hội. Những thương hội, thương xá và cảng biển được thành lập và phát triển đem lại nguồn lực kinh tế cho đất nước. Điều kiện hạ tầng cơ sở cho phép chúng ta có cơ hội giao thương, tiếp xúc với nước ngoài. Từ đó ý thức chính trị của một bộ phận trí thức được nâng cao. Họ tha thiết mong mỏi đất nước đổi mới để tránh họa ngoại xâm. Từ giữa thế kỷ XIX, nhiều tác phẩm ra đời từ những chuyến đi ra thế giới bên ngoài đã mang lại hơi thở thời đại cho văn học. Việc nhà Nguyễn từ chối sử dụng những ý kiến do các sĩ phu giai đoạn này dâng lên thể hiện ý thức giai cấp cực đoan. Tuy nhiên những tác phẩm mang hơi thở thời đại này mà phần lớn là tác phẩm thuộc thể ký đã là một đóng góp cho văn học Việt Nam. Nó cũng góp phần trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX.

            Về đời sống văn học: Có thể nói chưa bao giờ trong đời sống văn học nước nhà đã có một lực lượng sáng tác hùng hậu và một khối lượng tác phẩm thuộc nhiều thể loại như giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX này. Một điều đặc biệt khác, trong giai đoạn hậu kỳ trung đại, những tác phẩm đỉnh cao của văn học đều xuất hiện trong giai đoạn này. Truyện thơ Nôm, tiểu thuyết chương hồi, truyện ngắn đều đạt được đỉnh cao trong thời gian này. Trong đó, ký cũng phát triển rực rỡ và đạt thành tựu cao nhất. Trước hết nói về lực lượng sáng tác, các tác gia thuộc mọi tầng lớp đều có thể sáng tác ký. Đó có thể là những đại khoa như Bùi Huy Bích, Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thượng Hiền,… Những quan lại địa phương như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Trương Quốc Dụng,… Những  văn nhân mai danh như tác giả Sơn cư tạp thuật hay những nhà tân học như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Trương Vĩnh Ký… Mỗi người bằng tài năng và bút lực của mình đều góp phần vào ngôi nhà văn học ký những tác phẩm xuất sắc. Tuy đứng trên những lập trường khác nhau và có những ý thức hệ khác nhau nhưng mỗi tác phẩm đều cố gắng vẽ nên hiện thực đời sống như bản thân đời sống tồn tại. Diện mạo ký văn xuôi chữ Hán thế kỷ XVIII - XIX rất sôi động. Những biến động cuối thế kỷ XVIII khiến cho các nhà văn dần hình thành một cách sáng tác: ghi chép sự thực cụ thể. Những sự vật sự việc giờ không còn là những tấm bình phong để tác giả ngụ ý nữa mà dần trở thành những đối tượng nhận thức, miêu tả. Vũ Phương Đề (1698 - 1761)  là tác giả đầu tiên có một tác phẩm ký văn học đúng nghĩa. Công dư tiệp ký là tác phẩm ký có giá trị và vị trí quan trọng trong lịch sử văn học. Tác phẩm gồm 43 thiên ghi chép chủ yếu về thế gia, danh thần, danh nho, tiết nghĩa, chí khí, ác báo, tiết phụ, ca nữ, thần quái, danh phần dương trạch, danh thắng, thú loại bằng một phương thức ghi chép xác thực. Tuy còn có những yếu tố mơ hồ nhưng tính chất truyền kỳ đã không còn. Sau Vũ Phương Đề, Lê Quý Đôn (1726 - 1784), Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) là hai học giả lớn nhất thế kỷ XVIII. Lê Quý Đôn là nhà bác học thông cổ kim, để lại nhiều tác phẩm khảo cứu có giá trị. Có những bút ký đọc sách như Quần thư khảo biện, những sách kiến văn như Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ, có nhật ký công tác như Bắc sứ thông lục… Những ghi chép của Lê Quý Đôn có tính khoa học rất cao đồng thời văn phong vô cùng trong sáng, khúc chiết xứng đáng là những tác phẩm ưu tú nhất của văn học nước nhà. Nếu như ký của Lê Quý Đôn thiên về khảo cứu thì ký của Ngô Thì Sĩ thiên về trữ tình. Ký của Ngô Thì Sĩ không nhiều được tập hợp trong Ngọ Phong văn tập nhưng có một nét riêng. Đọc những bài ký của ông chúng ta thấy một cuộc đời quan trường đầy chông gai. Tài cao, trí tuệ và đạo đức nhưng ông bất lực trước cảnh bế tắc của đất nước. Ngoài ra tình cảm dạt dào của ông thể hiện khi viết về những người thân trong gia đình là điều hiếm thấy thời bấy giờ thể hiện cái Tôi trữ tình sâu sắc. Ngoài 3 tác gia lớn trên còn có thể kể nhiều tác giả khác với những tác phẩm ký đặc sắc như Bùi Huy Bích với Lữ trung tạp thuyết, Phan Huy Ôn với Khoa bảng tiêu kỳ và các bài ký rải rác của Ninh Tốn trong các văn tập. Trong thời kỳ biến động tiếp theo, chỉ hai mươi năm mà thay nhau 4 triều đại. Tầng lớp sáng tác sống trong môi trường sôi động nhất, thấy nhiều nghe nhiều và nỗi lòng cần bày tỏ cũng nhiều. Dù chọn theo trong hàng ngũ nào, điều hướng tới của các tác phẩm ký trong giai đoạn này đều tập trung vào hiện thực đời sống. Lớp nho sĩ cấp tiến tận tâm phò nhà Tây Sơn có những đóng góp lớn cho văn học nước nhà. Nhiều nhà văn có những cách tân, sáng tạo trong việc vận dụng thể ký vào sáng tác văn học. Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm có những bài ký tường chú, trong đó thể hiện quan điểm rõ ràng về chính trị và sáng tác văn học. Tuy nhiên giai đoạn này thành tựu cao nhất phải kể đến tác phẩm của ông già lười đất Thượng Hồng, Hải Dương Lê Hữu Trác với tác phẩm Thượng kinh ký sự, tác phẩm xuất sắc nhất của thể ký trong văn học trung đại Việt Nam. Thượng kinh ký sự là tập bút ký ghi lại đầy đủ cuộc hành trình của tác giả trên đường lên kinh chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán và Chúa Trịnh Sâm. Ở đây, những ngày cuối cùng của số phận nhà Trịnh và quang cảnh Thăng Long trong cơn bão sắp đến được ghi lại chân thực, xúc động một cách chân thành. Đồng thời còn thấy được trọn vẹn chân dung tác giả là một người thờ ơ với danh lợi, giàu cảm xúc và nhạy cảm với thời thế sắp đến. Sau Lê Hữu Trác, một lực lượng sáng tác hùng hậu đem đến cho văn học những tác phẩm ký đạt đỉnh cao của trình độ nghệ thuật. Đó là Bắc hành tùng ký của Lê Quýnh, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Sơn cư tạp thuật của tác giả ẩn danh, Lan trì kiến văn lục của Vũ Trinh. Mỗi tác phẩm là những chuỗi ngày ghi chép, cảm nhận cuộc sống theo nhãn quan độc đáo của riêng mình đem lại cho người đọc cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống đi từ thời loạn đến thời bình với những hồi quang của thời gian đã qua. Các tác phẩm trên sẽ được tìm hiểu, phân tích kỹ hơn trong các chương sau để tìm ra đặc trưng nổi bật của thể ký giai đoạn này. Ở đây chúng tôi muốn nhắc đến một tác phẩm ký nổi bật khác mà trước đây chưa được nhìn nhận đúng mức. Đó là Công thần Nguyễn án phủ sứ truyện của Nguyễn Bá Xuyến. Đây là tập hồi ký đặc sắc trong di sản văn học cổ điển ghi lại tiểu sử, chặng đường lập thân gian nan của tác giả trong một xã hội loạn lạc mà ở đó tác giả với chí hướng phò minh chủ giúp an dân đã lao mình vào không ngần ngại. Nó tiêu biểu cho một lớp người trong một thời kỳ đặc biệt mà chúng ta chỉ có thể gặp lại bóng dáng trong thế kỷ sau. Nó còn có thể gọi là một hồi ký chiến trận mà tác giả với tư cách người trong cuộc đã ghi nhận một cách chân thực và sinh động. Một số tác phẩm ký khảo cứu trong thời bình như Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch,… cũng góp thêm hương sắc cho vườn hoa văn học ký giai đoạn này. Nửa sau thế kỷ XIX chứng kiến bước phát triển của ký mà trước đây nhiều nhà nghiên cứu chưa nhìn nhận đúng mức. Một số người cho rằng sau thời kỳ huy hoàng của ký với các tác phẩm đỉnh cao, các tác phẩm giai đoạn nửa sau này chỉ là kéo dài thêm hành trình của ký trung đại trước khi nó kết thúc sứ mệnh của mình trong lịch sử văn học. Theo ý chúng tôi, những tác phẩm giai đoạn này có những giá trị riêng của nó. Trong đó có những tác phẩm mở đường cho các loại hình văn học thời hiện đại. Những tập ký ghi chép thời gian đi công cán ở nước ngoài như Hải trình chí lược của Phan Huy Chú, Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức, Như Tây nhật trình của nhóm Phạm Phú Thứ,… đã giải đáp nỗi băn khoăn của Lê Quý Đôn: “các bậc tiền bối nước Nam đi sứ, thi tập thì nhiều, duy ký sự thì chưa có” (tựa Bắc sứ thông lục). Tuy nhiên, đúng như nhận xét của các nhà nghiên cứu, các tác phẩm này thiên về ghi chép tổng quát, khảo cứu sử địa, giá trị văn học không cao bằng giai đoạn trước. Thành tựu của ký nửa sau thế kỷ XIX còn thể hiện đặc sắc trong các tiểu truyện về các anh hùng chống Pháp như Nguyễn Đình Chiểu viết về Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Phan Thanh Giản viết về Trương Định,… Ở đây, giá trị thẫm mỹ đem lại cho người đọc khi đọc các tiểu truyện này là tính chân thực, tình cảm dạt dào và không giấu diếm niềm tự hào về một lớp người xả thân báo quốc. Thành tựu của ký giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX này còn thể hiện tuy không phải là một tác phẩm ký thực sự nhưng bằng chất liệu hiện thực, thông qua những đoạn ký tiêu biểu đem đến nghệ thuật cao cho tác phẩm. Có thể kể Hoàng lê nhất thống chí của nhóm Ngô gia văn phái, Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu. Nhắc đến thành tựu của ký giai đoạn này không thể không nhắc các tác phẩm ký bằng chữ quốc ngữ mà tiêu biểu là Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký. Nhìn chung, ký giai đoạn này mang nhiều tên gọi khác nhau như ký, bút, lục, truyện, thuật. Hình thức lưu truyền ngoài một số khắc in chủ yếu là chép tay. Vì vậy đó là nguyên nhân khiến ký chỉ thực sự phát triển khi in ấn phát triển. Điều đó chúng ta có thể thấy ở Nam Phong tạp chí những năm 20 thế kỷ XX. Còn thời gian này, ký tuy thành tựu rực rỡ nhưng mức độ phổ biến không bằng truyện thơ. Văn ghi chép ở những giai đoạn sau khi đất nước bước vào chặng đường mới tuy phát triển nhưng mãi mãi sẽ không tìm lại được những giá trị thẫm mỹ như ký giai đoạn này. Chúng tôi gọi sự phát triển của ký giai đoạn này là thời kỳ đỉnh cao và tiếp diễn của ký.

*

            Bằng những cơ sở thực tiễn và lý luận, chúng tôi đã trình bày nội hàm của ký trong văn học trung đại Việt Nam và quá trình hình thành phát triển của thể ký trong văn học. Đặc biệt nói rõ nguyên nhân khiến ký đạt đỉnh cao trong văn học tự sự vào giai đoạn thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX và tiếp diễn ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX. Đó không phải là sự phát triển đột biến huy hoàng rồi lụi tàn mà phát triển có cơ sở vững chắc, có sự chuẩn bị về nội dung, nghệ thuật biểu đạt và lực lượng sáng tác. Đó chính là lý do khiến chúng tôi nghĩ rằng tại sao ký sau khi hết vai trò của mình ở thời trung đại vẫn còn giá trị tiêu biểu đến ngày nay trong khi truyện thơ và tiểu thuyết chương hồi không thể có được vị trí ấy.

 

Tài liệu tham khảo

1.      Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (1992), Văn học Việt Nam thế kỷ thứ X – nửa đầu thế kỷ XVIII, tập 1&2, tái bản, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.

2.      Nguyễn Lộc (1978), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, tập 1 & 2, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.

3.      Nguyễn Lộc (1976), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.

4.      Nguyễn Đăng Na (giới thiệu và tuyển chọn) (2001), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại – Ký, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 

THE GENRE OF CHRONICLE

IN VIETNAMESE MEDIEVAL LITERATURE

 

Abstract

Chronicle is an important genre of medieval literature written in Sino characters. This article studies the formation and development of chronicle, as well as its values. Studying the progress of chronicle helps us to clearly imagine the growing up of Vietnamese narrative prose and Vietnamese medieval literature.

 



(*) HVCH, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

Danh mục website