Tư tưởng “Thực học” (Jitsugaku) trong cải cách văn hoá giáo dục ở Nhật Bản thời Minh Trị

(Cao Thúy Nga(*), Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 14 (68), THÁNG 11 NĂM 2013)

TÓM TẮT

Ra đời trong bối cảnh lịch sử nhiều biến động vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở khu vực Đông Á, tư tưởng Thực học (Jitsugaku) đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa ở Nhật Bản. Sự thành công của Nhật Bản cũng đã khiến cho các nước Đông Á phải nhìn lại nền giáo dục cũ kỹ của mình. Bài viết giới thiệu về tư tưởng Thực học trong cải cách văn hóa giáo dục thời Minh Trị ở Nhật Bản. Đồng thời, bài viết phân tích những đặc điểm khác biệt khiến Nhật Bản có thể thực hiện phong trào Duy tân nhanh chóng và hiệu quả hơn các nước Đông Á khác.

 

***

1. Sự hình thành tư tưởng Thực học ở Nhật Bản

Tư tưởng Thực học ra đời trong bối cảnh lịch sử nhiều biến động ở các nước Đông Á vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhiều nước Đông Á lạc hậu đang đứng trước nguy cơ trở thành thuộc địa, hay nửa thuộc địa trước sức mạnh quân sự và khoa học kỹ thuật tiên tiến của các nước phương Tây. Trong khi đó nền học vấn trong nước theo lối “Hư học” đã tỏ ra không còn hợp thời. Trước tình hình đó, giới trí quý tộc, trí thức xuất thân là những nhà Hán học sớm nhận thức được sự lạc hậu của nền giáo dục cũ và tìm kiếm một lối học mới đáp ứng nhu cầu của thời đại. Trong khi đó, tầng lớp quý tộc, trí thức ở  Nhật Bản đã nhận thức được sự lạc hậu của mình so với sự phát triển khoa học kỹ thuật của phương Tây và tích cực cho người sang các nước phương Tây để học hỏi. Có thể nói đó chính là một trong những nhân tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của công cuộc Minh Trị Duy tân, Nhật Bản phát triển sánh ngang các cường quốc phương Tây, ngày càng mạnh lên và thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa. Trước thành công vang dội của Nhật Bản cũng như thất bại nặng nề của Nhà Thanh trước các cường quốc phương Tây, các nước Đông Á có chung nền Hán học phải nhìn lại nền giáo dục hiện tại của mình, họ nhận thấy nền giáo dục nước nhà có nhiều bất cập, từ đó đề cao phương pháp học tập của Nhật Bản, đó là phương pháp Thực học .

Những người đầu tiên phổ biến tư tưởng này ở Nhật là Kaibara Ekken (1630-1714), Ito Jinsai (1627-1705) và Yamaga Soko (1622-1685), ba triết gia nổi tiếng thời kì Mạc phủ Tokugawa. Mục đích của tư tưởng Thực học thời kì này là hướng tới một cách nhìn, một phương pháp học mới để thay thế cho lối học “từ chương” mang tính truyền thống của Nho giáo nhằm cải tạo xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khác với tư tưởng Thực học của thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, quan điểm của các nhà Thực học thời Minh Trị tiêu biểu như Nishi Amane (1829 – 1897), Fukuzawa Yukichi (1834-1901) là sự kế thừa và phát triển giữa tư tưởng mang tính truyền thống phương Đông của Nhật Bản và tư tưởng hiện đại của phương Tây.

Nishi Amane là một nhà triết học Thực học từng có thời gian du học ở Hà Lan. Theo Nishi Amane, đối tượng của học thuật chính là sự thật và mục đích cốt lõi của Thực học chính là đem đến những lợi ích thiết thực cho công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh. Cũng giống như tư tưởng Thực học của các nhà triết học thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, Nishi cũng phê phán lối học mang nặng tính trừu tượng và xa rời thực tế của Nho giáo. Ông cho rằng: Komon (kinh nghiệm) chính là chìa khóa của học vấn chứ không phải Kammon (trừu tượng). Nói một cách cụ thể hơn thì tri thức mà con người có được là kết quả của những gì mà con người đã quan sát và trãi nghiệm trong thực tế. Từ quan điểm này Nishi đặc biệt nhấn mạnh vai trò to lớn của việc nghiên cứu lịch sử và triết học. Hai ngành khoa học này cũng chính là chìa khóa quan trọng trong việc nghiên cứu phương Tây để áp dụng vào công cuộc cải cách đất nước[1]. Đối với lịch sử, Nishi cho rằng “lịch sử là sự ghi chép một cách có hệ thống và thứ tự những sự kiện quan trọng của cộng đồng con người, thể hiện rõ rệt mối liên hệ mật thiết giữa nguyên nhân và kết quả. Sự phát triển của lịch sử không mang tính cơ học và bất biến, việc nghiên cứu lịch sử không đơn thuần chỉ là nghiên cứu lý thuyết suông mà phải áp dụng vào đời sống thực tiễn thúc đẩy sự phát triển của xã hội” [2].

Fukuzawa Yukichi là một trong những nhà Tây học tiên phong của Nhật Bản, từng là thành viên trong phái đoàn Iwakura đi thị sát học tập các nước phương Tây. Fukuzawa luôn thể hiện sự ngưỡng mộ đối với nền giáo dục tiên tiến phương Tây. Ông chủ trương kêu gọi người dân hãy theo đuổi nền giáo dục Thực học năng động trên nền tảng khoa học hiện đại của phương Tây nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao tinh thần độc lập của người dân Nhật Bản. Có như thế mới đem đến khả năng giải quyết được những vấn đề mà con người và đất nước Nhật Bản đang phải đối mặt. Quan điểm giáo dục Thực học của Fukuzawa thể hiện rõ ở phương châm: học phải đi đôi với hành, và hơn thế học là để thực hành, phải đảm bảo hai yếu tố cơ bản: tính thực tế và hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Muốn thực hiện phương châm ấy, theo Fukuzawa, cần phải tìm lời giải đáp cho hai câu hỏi: Học cái gìhọc như thế nào?

Về câu hỏi “học cái gì?”, Fukuzawa đề xuất: “Trước hết phải học những môn thực dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: Phải thuộc lòng bốn mươi chữ cái Kana; học cách soạn thảo thư từ, ghi chép chương mục kế toán; sử dụng thành thạo bàn tính; nhớ cách cân đo, đong, đếm. Tiếp đến phải học các môn như địa lý để biết được phong thổ Nhật Bản và các nước trên địa cầu; Vật lý là môn giúp ta phân biệt được tính chất của mọi vật thể trong thiên nhiên, qua đó tìm ra tác dụng của nó, học Sử vì đây là môn học giúp ta hiểu biết cặn kẽ mọi sự kiện ghi trên niên biểu lịch sử, qua đó chúng ta có thể nghiên cứu quá khứ, hiện tại của quốc gia; học Kinh tế là môn giải đáp cho chúng ta mọi vấn đề liên quan đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình cũng như nền tài chính của cả quốc gia; học môn Đạo đức giúp ta hiểu về hành vi, hành động của bản thân, hiểu cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người”[3]. Nghĩa là, để tăng hiệu quả của thực tiễn tri thức thì cần phải bổ sung vào chương trình giáo dục những môn học mang tính thực dụng cao, tức là những môn đã trở thành thông dụng trong giáo dục ở phương Tây nhưng vẫn vắng bóng ở Nhật, để thay thế cho những lời giáo huấn được cho là không thiết thực của các thầy Khổng – Mạnh.

Còn “học như thế nào?” thì Fukuzawa chỉ rõ, người học “cần thiết phải đọc tất cả các quyển sách của châu Âu đã được dịch ra tiếng Nhật. Đối với các bạn có khả năng thì tôi khuyên nên đọc trực tiếp các nguyên bản bằng tiếng Anh, Pháp, Đức. Khi đọc phải nắm được nội dung chủ yếu của môn học, trên cơ sở đó phải hiểu được bản chất cơ bản của sự vật”[4].

Từ việc trả lời hai câu hỏi trên, Fukuzawa nhấn mạnh rằng, chỉ có học như thế mới hiệu quả và có ích cho cuộc sống. Đó chính là Thực học mà ai cũng phải học, là nội dung giáo dục mà hết thảy mọi người đều phải tự trang bị, không phân biệt đẳng cấp, không khoảng cách giàu nghèo. Fukuzawa còn nhấn mạnh việc Nhật Bản muốn phát triển ngang hàng với các cường quốc trên thế giới cần phải phổ cập một nền giáo dục cận đại theo kiểu phương Tây. Ông cho rằng cần phải cận đại hóa nền giáo dục theo phương Tây, một nền giáo dục rất chú trọng đến khoa học tự nhiên, dựa vào khoa học tự nhiên để tạo nên các thiết bị máy móc hỗ trợ tích cực cho việc phát minh ra các kỹ thuật cao – yếu tố thiết yếu để cận đại hóa đất nước. Một điểm mà ông cũng nhấn mạnh là phải học tập các nước phương Tây, coi trọng lao động trí óc hơn lao động chân tay. Lao động trí óc được xem là lao động chủ yếu thông qua trí lực của mình, thúc đẩy phát triển trình độ khoa học kỹ thuật của quốc gia cũng như nền văn minh của nhân loại. Những người lao động trí óc phải sử dụng nhiều trí lực, tiêu phí nhiều thời gian và tiền bạc để nghiên cứu các nguyên tắc vận động của sự vật và tìm ra được những phát minh sáng chế có ích cho quốc gia. Vì vậy theo ông họ xứng đáng được nhận nhiều sự khích lệ hơn bất kỳ ai khác trong sự nghiệp phát triển nền khoa học nước nhà[5]. Có thể nói, trong lúc giáo dục Nhật Bản đang hít thở bầu không khí Hán học lúc bấy giờ thì quan điểm Thực học của Fukuzawa quả thật trở thành một làn gió mới mẻ ít nhiều lay chuyển tư duy giáo dục của người Nhật. Chính ông là người có công lớn trong việc hiện thực hóa tư tưởng Thực học và việc xây dựng một nền giáo dục mới ở Nhật Bản cùng với việc ban hành Học chế (1872).

2. Thực học trong cải cách văn hóa giáo dục thời Minh Trị

Sau khi lật đổ chế độ Mạc phủ, chính quyền Minh Trị đã nhanh chóng tiến hành nhiều biện pháp để nhanh chóng tiếp thu văn minh phương Tây như dịch sách báo, thuê chuyên gia phương Tây làm cố vấn và giảng dạy ở Nhật và tiến đến gởi học sinh ra nước ngoài lưu học nhằm trực tiếp nắm được những kỹ thuật và tiếp thu văn minh phương Tây. Những việc làm này nếu như thời Mạc phủ Tokugawa trước đây, các Han[6] phải tiến hành một cách bí mật thì nay đã được chính quyền Minh Trị ra những chính sách thực thi rộng rãi trong cả nước. Đó là chính sách cơ bản và lâu dài để người Nhật nắm quyền chủ đạo trong công cuộc xây dựng nền khoa học, văn hóa, giáo dục độc lập, tự chủ và tiên tiến. Chính họ đã góp phần đào tạo lớp trí thức mới với tư tưởng học tập tiến bộ, đóng vai trò thúc đẩy quá trình tiến bộ của Nhật Bản.

Nhận thức bài học quý giá từ chuyến đi của xứ đoàn Iwakura rằng một đất nước giàu mạnh phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống giáo dục, Nhật Bản đã mời các giáo sư nước ngoài đến dạy cho học sinh, sinh viên Nhật. Các ngành khoa học tự nhiên mời các giáo sư người Đức, Mỹ, Anh; các ngành khoa học xã hội mời giáo sư Pháp, Mỹ, Đức. Tổng cộng là 1.700 người. Họ đã giúp Nhật Bản rất nhiều trong công cuộc xây dựng một nền tảng giáo dục mới theo tư tưởng Thực học. Giáo sư người Đức Ludwig Reiss (1861-1928) giúp thiết lập trung tâm nghiên cứu lịch sử ở đại học Tokyo, Tiến sĩ David Murray làm cố vấn cho Tanaka Fujimaro trong việc soạn thảo Học chế Gakusei. Ông Scott giới thiệu phương pháp sư phạm của Pestalozzi, chú trọng sử dụng vật mẫu và tranh ảnh trong khi giảng dạy. Bruton nhấn mạnh sự cần thiết phải hướng dẫn thực hành cho học sinh, không phải cứ dạy lý thuyết suông mà phải biết áp dụng vào thực tế. Để cải cách giáo dục có hiệu quả, chính phủ đã nghiên cứu xem hệ thống giáo dục nào tiên tiến có thể áp dụng vào Nhật Bản.

Tháng 8 năm 1872, chính quyền Minh Trị đã ban hành Học chế. Học chế là luật giáo dục hướng tới mục tiêu xây dựng một nền giáo dục cho mọi người dân và xây dựng xã hội học tập làm nền tảng canh tân đất nước, xây dựng Nhật Bản thành quốc gia “Phú quốc cường binh”. Nguyên tắc cơ bản của Học chế gồm 4 điểm, trong đó điểm thứ ba có nêu “giáo dục Thực học có ích cho đời sống hằng ngày từ khoa học tự nhiên, công nghệ đến pháp luật, chính trị, y học…”. Những tư tưởng của Học chế chịu ảnh hưởng rất nhiều từ kiến nghị của nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi trong tác phẩm Khuyến học được ban hành vào tháng 2 năm 1872. Theo Học chế, chính phủ đã học tập hệ thống giáo dục của Pháp, lập nhiều khu Đại học, Trung học và Tiểu học khắp cả nước. Cả nước có 8 khu đại học, mỗi khu đại học có 32 khu trung học, mỗi khu trung học có 210 khu tiểu học. Và Bộ Giáo dục thực hiện thống nhất quản lý giáo dục trong cả nước. Chính phủ Minh Trị cũng coi trọng giáo dục ở hệ thống trường chùa Terakoya ở nông thôn. Trường học mở cửa rộng rãi, giúp cho việc phổ cập giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt địa vị xã hội, nguồn gốc xuất thân. Đồng thời xây dựng một cơ cấu tổ chức giáo dục chặt chẽ, thay thế dần các chuyên gia và giáo sư nước ngoài bằng các nhà khoa học người Nhật đã từng đi học ở nước ngoài trở về nước hoặc các học trò người Nhật của họ.

Với phong trào du học của thanh niên Nhật, Bộ Giáo dục là nơi phụ trách việc đưa học sinh ra nước ngoài học tập tiếp thu kiến thức về phục vụ đất nước. Năm 1872, Bộ giáo dục Nhật ban hành những nội quy dành cho du học sinh, trong đó có quy định các trường đại học có nhiệm vụ chọn những học sinh giỏi có đạo đức tốt đưa đi du học và trong việc lựa chọn phải có sự thảo thuận với Bộ giáo dục và Bộ ngoại giao. Số du học sinh cũng được chia làm hai loại, loại được nhận học bổng từ chính phủ và loại du học tự túc. Chính phủ rất khuyến khích dạng du học tự túc của sinh viên. Theo số lượng lưu học sinh Nhật Bản (1868-1874)[7], tính đến năm 1874 tổng số du học sinh là 550 người đang du học ở các nước tiên tiến phương Tây như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức,… Trong đó, nhiều nhất là ở Mỹ (209 sinh viên), đứng thứ hai là Anh (168 sinh viên), đứng thứ ba là Đức (82 sinh viên), Pháp đứng thứ tư (60 sinh viên). Các sinh viên này sau khi tốt nghiệp về nước sẽ trở thành các giảng viên của các trường đại học, góp phần đào tạo lớp trí thức mới, nguồn nhân lực quý giá cho sự nghiệp hiện đại hóa Nhật Bản[8]. Chính phủ cũng quan tâm đến việc đưa sách vở nước ngoài đến với dân chúng Nhật Bản. Một trong những phương pháp quan trọng trong việc tiếp thu tư tưởng và văn hóa phương Tây là biên phiên dịch sách vở, báo chí nước ngoài sang tiếng Nhật để phổ biến cho dân chúng. Chính cách thức này đã truyền thụ một khối lượng lớn kiến thức tiên tiến cho số đông học sinh và tri thức Nhật bằng con đường nhanh nhất và chi phí rẻ nhất. Chính vì thế, năm 1869 một ban biên tập và phiên dịch sách vở nước ngoài đã thành lập, được sự ủng hộ và khuyến khích tối đa từ chính quyền Minh Trị nên công việc phát triển nhanh chóng. Đây cũng là bước đi nhằm thay thế các chuyên gia nước ngoài bằng các chuyên gia trong nước của chính quyền Minh Trị. Có thể nói rằng chính chủ trương này và những kết quả mà Nhật Bản đã đạt được trong lĩnh vực dịch và phổ biến sách nước ngoài vào Nhật là một trong những nhân tố quan trọng giúp Nhật Bản nhanh chóng vượt xa Trung Quốc và các nước châu Á lúc bấy giờ.

Trong giai đoạn đầu, những loại sách được Nhật Bản quan tâm hơn cả là sách khoa học-kỹ thuật. Sau đó, họ đã dành sự chú ý thích đáng cho các sách về tư tưởng, triết học, cơ chế xã hội,… và dần mở rộng ra các tác phẩm văn học nổi tiếng, các sách về nghệ thuật trang điểm, hội họa,… Theo tài liệu thống kê của các nhà nghiên cứu Nhật Bản, số lượng đầu sách khoa học xã hội được dịch là 633 cuốn (tính đến năm 1887) và sách văn học là 120 cuốn (tính đến năm 1890), trong đó chủ yếu là sách tiếng Anh và tiếng Pháp. Thuộc vào nhóm sách khoa học xã hội là những sách về kinh tế, chính trị, luật pháp, thống kê. Đây là những sách giáo khoa đầu tiên của Nhật Bản về cơ chế chính trị, xã hội của phương Tây. Hầu hết những sách quan trọng được xuất bản ở Anh bấy giờ đều được dịch ra tiếng Nhật. Ngay cả các sách văn học, tiểu thuyết – với tư cách là phương tiện chuyển tải tư tưởng mới và phê phán tư tưởng lỗi thời cũng được các độc giả Nhật Bản đón nhận một cách nhiệt tình, hào hứng. Các dịch giả đa phần là những người thuộc giai cấp Shizoku (Sĩ tộc), là những người thuộc tầng lớp trung lưu. Họ thành lập những nhóm chuyên nghiên cứu phương Tây, trong đó giữ vai trò đầu đàn là Fukuzawa. Những người này, đầu tiên học Hán học, sau đó chuyển sang tiếng Hà Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức là những ngôn ngữ khá phổ biến trên thế giới lúc đó. Các dịch giả này hầu hết là những người đã từng ra nước ngoài, đã từng trực tiếp tận mắt thấy xã hội phương Tây. Họ được chính quyền Minh Trị tạo mọi điều kiện để có thể đóng góp tài năng của mình. Trên thực tế, họ là những người đảm đương vai trò đầu tàu trong việc truyền bá tư tưởng tiên tiến phương Tây.

Những thay đổi từ trong tư duy đã mang lại những thành quả to lớn cho Nhật Bản trong cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Những thành quả mà Nhật Bản đạt được trong văn hóa giáo dục thời Minh Trị Duy tân là kết quả của sự học tập những khoa học kỹ thuật tiến bộ của phương Tây với những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời tạo nên những giá trị đặc sắc chỉ có ở Nhật Bản. Hệ thống giáo dục Thực học đã có thể đào tạo lực lượng lao động có hiệu quả cao đưa đất nước tiến tới hiện đại hóa. Được kế thừa bởi truyền thống và những thành tựu từ thời Tokugawa và các thời kỳ trước đó, chính quyền Minh Trị đã thành công trong việc đề ra những chủ trương và biện pháp cải cách giáo dục mới, đã đem lại thành tựu mọi mặt cho xã hội Nhật Bản. “Chiến lược giáo dục lập quốc” của Thiên Hoàng Minh Trị đã dành sự ưu tiên đặc biệt cho việc hoàn thiện hệ thống giáo dục và đào tạo một lớp người đủ trí, lực, năng động, tháo vát, biết cách tổ chức công việc để đưa đất nước thoát khỏi vòng thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

3. Kết luận

Lịch sử Nhật Bản đã chứng minh rằng người Nhật có tinh thần thực sự cầu thị, trong suốt tiến trình lịch sử lâu dài đã không ngừng học tập bên ngoài để tự hoàn thiện. giáo sư Edwin O.Reishauer khi nghiên cứu về Nhật Bản đã nhận xét: “Người Nhật có một ưu điểm đặc biệt là họ chứng tỏ khả năng học tập nước ngoài rất tài tình[9]. Và ngay từ trang đầu tiên trong cuốn “Nhật Bản – câu chuyện về một quốc gia”, Edwin O.Reishauer khẳng định: “Từ xưa Nhật Bản đã là một trong những quốc gia có nền văn hóa đặc sắc nhất và đến nay đang là một cường quốc kinh tế, tiến sát đến những tiến bộ lớn nhất trong nền văn minh nhân loại… Cả địa lý lẫn tài nguyên thiên nhiên đều chẳng đóng góp được gì vào sự vĩ đại của quốc gia này mà chính là nhân dân kiệt xuất và quá trình lịch sử đặc biệt[10]. Còn học giả Mỹ Vogel Ezraff trong cuốn “Hoa Kỳ học gì ở Nhật Bản” thừa nhận rằng: người Nhật vốn có thói quen nhìn ra nước ngoài để tìm kiếm những điều cần học hỏi…

Trong cùng một điều kiện lịch sử vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong khi hầu hết các nước châu Á trở thành thuộc địa hay bán thuộc địa của các nuớc tư bản phương Tây duy chỉ có Nhật Bản với tinh thần Thực học đã phát triển vượt bật thoát khỏi nguy cơ biến thành thuộc địa và từng bước trở thành cường quốc về quân sự và kinh tế ở khu vực châu Á, xác định vị thế của mình trên trường quốc tế. Trước tiên là do Nhật Bản đã không ngừng học tập những cái mới, ngoài ra cũng do có sự khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ nhận thức, tư tưởng của giai cấp lãnh đạo.

 Sự khác biệt thứ nhất đó là yếu tố con người. Đứng trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước tư bản phương Tây, trong khi tầng lớp võ sĩ, trí thức người Nhật tỏ ra say mê tìm tòi, khám phá học hỏi, trước là để nâng cao sức mạnh lãnh địa của mình, sau là để tự cường dân tộc thì phần lớn quan lại triều đình nhà Thanh ở Trung Quốc cũng như nhà Nguyễn ở Việt Nam tỏ ra coi thường công nghệ, chống lại kỹ thuật, coi kỹ thuật là lừa bịp, coi máy móc là hại tim đều phải chống. Hơn nữa, tầng lớp quý tộc, trí thức Nhật Bản ban đầu tuy đều là những nhà Hán học nhưng do sớm nhận ra những hạn chế và bất cập của lối “Hư học” Tống - Nho, ảnh hưởng của của văn hóa Trung Hoa, nên đã nhanh chóng chuyển sang Thực học, học tập những tri thức và kỹ thuật tiên tiến có ích cho đời sống xã hội với phương pháp học thực nghiệm của phương Tây. Phần đông họ được học tập ở nước ngoài và trở thành những nhà Tây học am hiểu nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội của phương Tây. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong tiến trình hiện đại hóa dân tộc Nhật Bản, những đề xuất của họ được chính quyền Minh Trị áp dụng và đạt được thành công trong công cuộc duy tân đất nước. Trong khi đó, phần lớn tầng lớp quan lại các nước Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam do ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, yêu giai cấp, không muốn thay đổi, vẫn khư khư ôm lối “Hư học” cũ. Một số ít được ra nước ngoài trực tiếp tiếp xúc với khoa học kỹ thuật, văn minh phương Tây nhưng lại có yếu tố của Thiên Chúa giáo, số còn lại do hạn chế về ngoại ngữ nên chủ yếu tiếp thu thông qua sách báo được dịch ra chữ Hán của Trung Quốc hay từ Nhật Bản. Những đề xuất mang tính cấp tiến của họ không những không được triều đình phong kiến tiếp thu mà còn bị chống đối bởi tầng lớp quan lại bảo thủ, muốn duy trì quyền lợi giai cấp hơn là thay đổi vì lợi ích của dân tộc, vì ý thức và trách nhiệm của giai cấp lãnh đạo đối với tầng lớp nhân dân.

 Sự khác biệt thứ hai là về mặt tư tưởng - giáo dục. Nho giáo không phải là một triết học hoàn toàn xa rời thực tế: Khổng Tử là một trong những con người thực tế nhất thế giới. Các vương triều Đông Á đã lợi dụng tư tưởng của ông, chế định hóa thành những bài thi mang tính giáo điều cứng nhắc, biến những tư tưởng có giá trị nhân văn muôn đời thành những công thức trống rỗng, giáo điều từ chương, phương pháp học tập chủ yếu là học thuộc kinh nghĩa, văn sách, thơ phú cốt để thi làm quan. Lối học từ chương đã dẫn đến việc chỉ học thuộc theo lối tầm chương, trích cú, kinh viện và tuyệt đối hóa lời thánh nhân mà không dám thay đổi, sáng tạo bất cứ điều gì, xem nhẹ khoa học kỹ thuật, thiếu tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống đã tỏ ra không còn phù hợp với tình hình phát triển của thời đại mới. Trước tình hình các quốc gia tư bản phương Tây ngày càng lớn mạnh, văn minh nhờ vào những thành tựu tiên tiến của khoa học kỹ thuật thì với hệ tư tưởng giáo dục Nho giáo với lối “hư học” ở các nước Đông Á nói chung vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã tỏ ra không còn hợp thời.

Với các quốc gia Đông Á tiêu biểu như Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam để duy trì những giá trị truyền thống, những đặc quyền, đặc lợi và vị thế chính trị, các thể chế quân chủ ngày càng có khuynh hướng độc tôn, tôn vinh thái quá Nho giáo. Song song với xu thế đó là việc đơn biệt hóa lĩnh vực và nội dung giáo dục, coi những lý thuyết đã trở nên giáo điều thành cơ sở của tư duy và hành động. Có thể coi đây là nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự suy thoái của giáo dục và là một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự suy yếu và sụp đổ của thể chế.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, trong một thể chế chính trị phân quyền, trên thực tế Mạc phủ Edo dù muốn cũng không thể áp đặt vị thế độc tôn của hệ tư tưởng Nho giáo. Sự thâm nhập tương đối muộn cũng như tính độc lập của các lãnh địa khiến cho Nho giáo không thể chiếm ưu thế chính trị tuyệt đối và thẩm thấu vào tất cả các giai tầng cùng những giá trị xã hội. Trong một cái nhìn so sánh cho thấy ở Triều Tiên và Việt Nam, Nho giáo giữ vai trò chi phối trong hệ thống chính trị và văn hóa trong suốt 500 năm, trong khi ở Nhật Bản, Nho giáo chỉ có thể trở thành hệ tư tưởng chính thống trong khoảng hai thế kỷ. Sự “chậm bước” đó của Nhật Bản rất có ý nghĩa. Đáng chú ý là cùng với Nho giáo thì Phật giáo, Shinto cũng có nhiều ảnh hưởng lớn và cuối cùng đến giữa thế kỷ XIX, Shinto đã trở thành hệ tư tưởng trung tâm của dân tôc Nhật Bản khi nước này muốn từ bỏ mô hình lỗi thời để vươn đến một xã hội hiện đại. Như vậy, trong một thể chế phong kiến phân quyền, Nho giáo luôn phải chia sẻ “quyền lực” với Phật giáo và Shinto giáo và không thể giữ vị thế độc tôn. Càng về cuối thời kỳ Edo, nhiều nhà trí thức trong các lãnh địa nhận thấy sự lạc hậu của thể chế phong kiến cùng với giáo dục theo lối “Hư học” với những giá trị truyền thống không còn là liệu pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề thực tại của xã hội. Sự thất bại đau đớn của nhà Thanh trong chiến tranh thuốc phiện khiến cho những người có tư tưởng cấp tiến càng quyết tâm dấn thân tìm ra con đường đi mới cho dân tộc mình. Trong bối cảnh đó, nhiều trường thực nghiệm đã được thiết lập với tư tưởng giáo dục Thực học. Thay vì chống phương Tây một cách cực đoan, Nhật Bản đã chuyển sang học tập khoa học kỹ thuật phương Tây, dùng chính sức mạnh của họ để chế ngự các cường quốc một cách tích cực.

Sự khác biệt thứ ba là về điều kiện kinh tế - xã hội. Ở Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX dù đã có sự xuất hiện của phong trào Thực học rồi đến các phong trào cải cách nhưng ở cả ba nước này, các phong trào cải cách đã không có được nền tảng kinh tế và hậu thuẫn của xã hội vững chắc. Trong khi đó, ở Nhật Bản cuối thời Edo, sự phát triển của kinh tế hàng hóa, tiền tệ, ngân hàng đã làm xuất hiện giai cấp tư sản mới. Quan hệ phong kiến tan rã, công thương nghiệp phát triển mạnh đã tác động đến xã hội. Các thành thị xuất hiện cùng với sự phát triển của văn hóa thị dân với tư tưởng dễ tiếp nhận cái mới. Sự lớn mạnh về kinh tế cũng như sức mạnh quân sự của chính quyền tự trị ở các Han, một đặc trưng kinh tế - xã hội không có ở Trung Quốc, Triều Tiên hay Việt Nam. Ở Nhật Bản, các Daimyo phân tán thành hai thế lực, lực lượng bảo thủ ở phía Bắc và lực lượng canh tân ở Tây – Nam mạnh hơn chống lại tính bảo thủ và hạn chế của chế độ phong kiến. Ngược lại ở Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam, sự phát triển của phong trào Thực học cũng như những nhân tố tư tưởng, văn hóa mới chưa hội đủ những điều kiện cần thiết hầu có thể làm thay đổi và tạo nên bước ngoặt cho sự nghiệp canh tân trong khi lực lượng canh tân vừa ít vừa yếu thì phái bảo thủ, chống cải cách vẫn còn rất mạnh.

Như vậy, nhờ có những sự khác biệt tích cực như trên, mà Nhật Bản chủ động và có chuyển biến căn bản từ tư tưởng và giáo dục “Hư học” lấy Nho giáo cùng với nền văn minh Trung Hoa làm trung tâm sang tư tưởng và giáo dục Thực học lấy khoa học kỹ thuật và văn minh phương Tây làm trọng tâm. Nhờ thế, Nhật Bản đã có thể “cất cánh” và trở thành quốc gia tiên phong ở châu Á trong phong trào duy tân, cải cách thành công, thoát khỏi sự xâm lược của các cường quốc phương Tây, giữ vững độc lập quốc gia và tự cường dân tộc. Sự thành công của Nhật Bản cho thấy, không lệ thuộc vào khuynh hướng chung của khu vực là hướng về Trung Hoa, học tập và làm theo khuôn mẫu Trung Hoa, Nhật Bản đã sớm phát hiện ra những khiếm khuyết và sự bất cập của chế độ giáo dục đó để có thể lựa chọn ra một con đường phát triển phù hợp. Do những thành công của Nhật Bản, trong khi giới cầm quyền Mãn Thanh, Choson và nhà Nguyễn vẫn chủ trương bám giữ những “giá trị truyền thống” thì giới trí thức, cải cách và cách mạng của các quốc gia này đã dần chuyển hướng sang mô hình Nhật Bản, tiếp nhận những thành tựu văn minh và kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản. Ngày nay, mặc dù Nhật Bản đã trở thành một cường quốc tư bản chủ nghĩa có nền kinh tế và khoa học sánh ngang với các nước phương Tây nhưng đồng thời Nhật Bản cũng là một quốc gia có nền văn hóa truyền thống đặc sắc hàng đầu ở châu Á với ý thức cao trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Nhật Bản là một dân tộc xứng đáng được học tập.

Việt Nam hiện đang trong thời kỳ mở cửa, có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đó là những tiền đề thuận lợi từ bên ngoài. Nhiều cuộc cải cách giáo dục đã được thực hiện song vẫn chưa triệt để và toàn diện, hiệu quả mang lại chưa cao, chưa tạo ra bước đột phá. Thiết nghĩ giáo dục ở Việt Nam vẫn trong giai đoạn tạo ra những tiền đề xã hội từ bên trong cần thiết cho một cuộc cách mạng thật sự trong văn hóa giáo dục. Thực học ở Việt Nam cần phải gắn liền việc học tập với việc nghiên cứu và ứng dụng, tạo ra những giá trị thực tế cho cuộc sống hơn là chỉ áp dụng khoa học kỹ thuật một cách máy móc. Đồng thời cần tạo ra một cơ chế mới cho một nền giáo dục độc lập, tự chủ, phát huy hết tinh thần chủ động, sáng tạo của người học. Điều đó cần sự cống hiến của một đội ngũ trí thức được học tập và đào tạo ở các quốc gia tiên tiến trên các lĩnh vực. Đó là những tiền đề đầu tiên, những điều kiện cơ bản cho cuộc cách mạng Thực học có thể khai sinh trên đất nước Việt Nam hiện nay nhằm có thể cải cách nền giáo dục một cách triệt để và toàn diện.

 

Tài liệu tham khảo

1.     Huỳnh Phương Anh, “Bước đầu tìm hiểu về tư tưởng của Nishi Amane và sự ảnh hưởng của nó đối với phong trào văn minh hóa ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: So sánh phong trào “văn minh hóa” ở Việt Nam và Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ĐH KHXH&NV, ĐHQG Tp.HCM

2.     Fukuzawa Yukichi – Chương Thâu dịch (1995), Nhật Bản cách tân giáo dục thời Minh Trị, Nxb Chính trị quốc gia.

3.     Fukuzawa Yukichi – Phạm Hữu Lợi dịch (2007), Khuyến học: Hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật, Nxb Tri thức.

4.     Nguyễn Văn Hồng (1994), Lịch sử giáo dục thời Minh Trị Duy tân, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5.     Nguyễn Văn Kim (2003), Nhật Bản với châu Á – Những mối quan hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế - xã hội, Nxb ĐHQG Hà Nội.

6.     Nguyễn Tiến Lực (2010), Minh Trị Duy tân và Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam.

7.   Martha Chaikilin (2003), Cultural Commerceand Dutch Commercial Culture: The Influence of European Material Culture on Japan, 1700-1850, Leiden Press.

8.     Thomas R.H.Havens, Comte, Mill and the Thought of Nishi Amane in Meiji Japan, The Journal of Asian Studies, Volumn XVI (Feb, 1982)

9.     B.Jansen Marius (1984), “Rangaku and Westernization”, Modern Asian Studies XVIII, Princeton University Press.

10. Kei Nishitani (1999),『 Innovation and Tradition – Fukuzawa Yukichi in the Intellectual History of Japan』奈良女子大学文学部養育文化情報学講座年報、第3号1999年。

 

PRACTICAL LEARNING (JITSUGAKU) IN CULTURAL AND EDUCATIONAL INNOVATIONS IN JAPAN DURING THE MEIJI PERIOD

Abstract

            Born during the highly eventful period of East Asia, from the late ninteenth to the early twentieth century, the conception of Practical Learning (Jitsugaku) grew into one of the most important tools for the modernisation of Japan. The success of Japan on its modernisation road also encouraged other East Asian nations to examine their own out-of-date education. This article introduces the content of Practical Learning and its role in cultural and educational innovations in Japan during the Meiji period. It also points out certain differences that enable Japan to go farther and faster in its Modernisation Movement than other nations.



(*) Khoa Nhật Bản học, Trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật & Du lịch Sài Gòn.

[1] Huỳnh Phương Anh, “Bước đầu tìm hiểu về tư tưởng của Nishi Amane và sự ảnh hưởng của nó đối với phong trào văn minh hóa ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: So sánh phong trào “văn minh hóa” ở Việt Nam và Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ĐH KHXH&NV, ĐHQG Tp.HCM.

[2] Thomas R.H.Havens, Comte, Mill and the Thought of Nishi Amane in Meiji Japan, The Journal of Asian Studies, Volumn XVI (Feb, 1982), p.220

[3] Fukuzawa Yukichi – Phạm Hữu Lợi dịch (2007), Khuyến học: Hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật, Nxb Tri thức, tr. 26-27.

[4] Fukuzawa Yukichi – Phạm Hữu Lợi dịch (2007), Khuyến học: Hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật, Nxb Tri thức, tr. 27.

[5] Fukuzawa Yukichi (2008, Phạm Hữu Lợi dịch), Khuyến học hay những bài học về tinh thần độc lập về tư tưởng của người Nhật Bản, Nxb Trí thức, Hà Nội, tr. 25.

[6] Han (phiên) các lãnh địa trong chế độ Mạc phủ (hệ thống chính trị phong kiến thời Edo Nhật Bản)

[7] Nguyễn Tiến Lực (2010), Minh Trị Duy tân và Việt Nam, Nxb Giáo dục VN, tr. 214.

[8] Nguyễn Tiến Lực (2010), Minh Trị Duy tân và Việt Nam, Nxb Giáo dục VN, tr. 91.

[9] Martha Chaikilin (2003), Cultural Commerceand Dutch Commercial Culture: The Influence of European Material Culture on Japan, 1700-1850, Leiden Press, p. 38

[10] B.Jansen Marius (1984), “Rangaku and Westernization”, Modern Asian Studies XVIII, Prineton Univesity Press, p. 11

Danh mục website