Có người phụ nữ tảo tần dưới mái nhà chung…

(Ảnh minh họa, Google)

Có người phụ nữ tần tảo dưới mái nhà chung thì đó là sự an bình. Quan niệm ấy của người xưa, về sau ắt vẫn thế. Ngôi nhà cổ với tên gọi “Đức Lưu Quang(“Lưu truyền đức sáng”) của ông bà ngoại tôi cho đến hôm nay vẫn ăm ắp sự an bình, tình thương yêu nhờ có bàn tay chăm sóc, vun vén của bà ngoại (nhiều hơn cả).

Tôi – thuộc thế hệ con cháu, những chuyện xa xưa của ông bà chỉ biết được qua lời kể của ba mẹ, chủ yếu là từ mẹ, bởi con gái vốn gần mẹ, và bởi ba tôi vốn ít nói. Kể cũng lạ, có những câu chuyện trong chính gia đình mình nhưng lúc còn quây quần thì không hề được nhắc tới, chỉ khi đi xa nó mới được gợi mở và chia sẻ chân thành. Tôi là đứa con, đứa cháu may mắn: sinh ra và lớn lên bên ba mẹ, anh em, bà con làng xóm, và điều tôi tự hào nhất là tôi còn đầy đủ ông bà nội ngoại. Nhờ những năm tháng tuổi thơ ấm áp đó mà giờ đây kỉ niệm, kí ức thời thơ ấu tôi có cả một kho rộng lớn. Vẫn luôn hoài niệm; vẫn luôn sẻ chia, “kể lể” một cách say sưa, say sưa về những điều ngọt ngào ấy chính là một phần con người tôi hôm nay. Bởi tôi có nghe đâu đó: kỉ niệm cho ta thêm sức mạnh chứ không làm ta mềm yếu. Và những kỉ niệm, kí ức của tôi về bà ngoại là minh chứng rõ ràng nhất về ý nghĩa của điều gọi là sức mạnh của những gì đã qua. Thật khó để nói ra đôi lời trân quý, kính trọng với bà… có những điều vốn không thể diễn đạt bằng lời! Trong tôi, bà ngoại luôn hiện hữu với dáng vẻ của một con người hành động, hoạt động: cho đến tận hôm nay, khi tuổi bà đã 93.

Mẹ tôi kể (khi tôi đã vào Sài Gòn học đại học), trong thời kỳ trước giải phóng, gia đình ông bà tôi khá sung túc, ông được làm một chức quan trong làng, bà thì có gian hàng gia vị ở chợ xã. Thời buổi loạn lạc, chẳng lường trước được điều chi: cậu thứ ba của tôi vì hoàn cảnh phải đi lính cho chế độ cũ, trong khi cậu thứ tư theo Cách mạng. Bà tôi đã chạy đôn chạy đáo trong thời gian cậu Ba bị giam tận Hà Nội, lo thuốc thang tiền bạc…rồi đau đớn tột cùng khi nghe tin cậu Tư hi sinh. Bản thân tôi quả thật không thể hình dung được tình hình và khó có thể hiểu được những gì đã xảy ra, chỉ biết thương bà vô cùng, nỗi đau của người mẹ mất con và nỗi đau về tinh thần khi phải chịu những lời dị nghị: “con cái bất hoà”. Tuy nhiên, cùng với ông ngoại, mấy cậu dì còn lại, bà kiên trì với tất cả khó khăn để chăm lo cho gia đình. Để đến hôm nay, cậu cả của tôi đã hơn một lần sung sướng mà thốt lên: “Tôi 73 tuổi vẫn còn mẹ”, và mọi người trong gia đình đều phải tự hào vì gia đình ngoại tôi đã “tứ đại đồng đường”, cùng sống dưới mái nhà rường này. Đúng như câu đối: Đức thừa tiên tổ tứ đại đồng đường thiên niên thạch/ Phúc ấm nhi tồn bát tuần song thọ vạn thế vinh (Tạm dịch là: Hưởng đức tổ tiên 4 đời cháu con thịnh vượng/ Nhờ phúc thọ ấm song thân gia tộc mãi mãi hiển vinh) được treo giữa gian thờ nhà ông bà mấy chục năm nay. Cũng theo quan niệm người xưa, ngôi nhà trải qua 4 thế hệ kế tiếp sinh sống thì dòng họ đó được coi là có phúc.

Và điều tôi đặc biệt nhớ về bà, là những điều vừa mới xảy ra. Đó là những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, những ngày mà với tôi sau này có thể sẽ không thể gặp lại, lặp lại… những ngày mà tôi với bà tất bật cho: mâm cỗ đưa ông táo, mâm cỗ ngày 29 tháng Chạp (thay vì 30), mâm cỗ đưa ông bà (những ngày Tết cậu mợ tôi bận bịu hàng họ nên không phụ giúp được nhiều) và nhớ nhất, thương nhất là khi tay phải bà bị con gà trống mổ nhằm. Một miếng da bằng nửa ngón tay cái tróc hẳn ra, máu chảy…tôi biết là đau lắm nhưng bà vẫn rất bình tĩnh, bà cột chân cái con gà bướng bỉnh rồi mới cho tôi coi vết thương. Nhìn thấy tay bà run run, tôi nghẹn ngào. Mặc dù đây không biết lần thứ bao nhiêu bà bị thương kiểu thế này, tính bà hay lam hay làm, ngoài ngõ sạch thì trong vườn, trong nhà cũng phải tươm tất. Bà đã làm điều đó trong suốt 70 năm...ở ngôi nhà chung này! Nhiều lúc tôi, mẹ tôi hay mấy dì, mấy mợ nói thẳng, nói dỗi vì thương, vì lo: “Bà cứ ngồi đó, để con làm cho”. Nhưng bà nhất quyết không chịu, không phải không tin tưởng vào con cháu, bà nhoẻn miệng cười (để lộ hàm răng đen láy): “Bà làm được mấy bận nữa thôi, sau này mấy đứa tha hồ mà làm”. Nhắc đến đây, tôi chợt nhớ ra là cách đây mới có 1 năm bà vẫn thường đi chùa với mấy dì trong xóm. Mẹ tôi là người phản đối kịch liệt nhất việc này, mẹ nói: “…miễn mình tu trong tâm là được”. Có điều, nếu bà như mẹ tôi nói, thì bà đâu còn là “người hành động tuyệt đối” trong lòng tôi.

            Có lẽ mẹ và dì tôi, cả chị em chúng tôi nữa đều học được từ bà, đó là: một tinh thần lạc quan trong một cơ thể khoẻ mạnh; sự chu đáo trong đời sống gia đình lẫn sự chân thành trong tình yêu thương./.

 

Tháng Ba, năm 2012.

Thông tin truy cập

60865750
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7937
17592
60865750

Thành viên trực tuyến

Đang có 305 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website