Liệu chiến tranh có xảy ra không?

Nửa tháng nay, lòng dân cả nước bất an khi ngoài biển Đông Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền Việt Nam; tại một số địa phương xảy ra tình trạng những người thiếu ý thức đã phản ứng manh động. Có dư luận lo ngại xảy ra chiến tranh. 


Trong những ngày ra quần đảo Trường Sa đang lúc tình hình biển Đông đang sục sôi, suốt nhiều ngày lênh đênh trên biển và đến các đảo trong quần đảo Trường Sa, tôi không làm sao liên lạc điện thoại về nhà, khiến ai cũng lo lắng. Mãi đến hôm ghé đảo Cô Lin mới có sóng viễn thông, tôi nhận được tin nhắn thật cảm động của em tôi: “Mấy ngày nay em lo lắm, sợ lỡ có chiến tranh xảy ra, có khi nào... anh bị kẹt lại ở ngoài ấy không về được không. Trong đây, tình hình có vẻ nóng lắm anh ạ, mọi người rủ nhau xuống đường. Có kẻ cũng nhân dịp này đổ dầu vào lửa, lộn xộn vô cùng! Theo anh nghĩ, chiến tranh có xảy ra không? Mong anh bình an trở về đất liền”.

Lúc đó, đang ở Trường Sa, tôi chưa có câu trả lời về điều em tôi đang đau đáu âu lo: Liệu chiến tranh có xảy ra không? Chỉ thấy ở các đảo ai cũng đều đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, có tàu chiến túc trực vòng ngoài, có bãi chông chống tàu đổ bộ (ảnh), có các công sự chiến đấu kiên cố. Nhưng tôi không hề bắt gặp vẻ lo âu trên nét mặt những sĩ quan dạn dày và vẫn thấy những nụ cười rất vui trên môi những chàng lính trẻ.

Nhưng rồi tôi cũng phải băn khoăn khi thấy có nhiều người có trái tim nóng nhưng cái đầu cũng nóng. Và đã có không ít người bốc đồng, manh động đến mức gây thêm hiểm họa cho đất nước, đúng là đổ dầu vào lửa. Do đó, với bài “Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”, tôi muốn lạm bàn, góp tiếng nói để các bạn trẻ hiểu hơn về tình cảnh sẽ thật khủng khiếp nếu đất nước lại bước vào một cuộc chiến tranh. Vui khi đã có nhiều bạn like và share bài viết này, và qua đó quan điểm này được đến với nhiều bạn đọc hơn. Ngay sau khi post bài viết này, tôi nhận được hơn 30 đề nghị kết bạn, như một biểu hiện thân thiện và tin cậy.

Sáng nay, tôi lại nhận được câu hỏi của một bạn trẻ: “Mấy hôm rày nhiều người lo lắng bảo nhau đi rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng, để sắm vàng cho an toàn nếu bùng phát chiến tranh. Liệu chiến tranh có xảy ra không?”. Khi đã quan sát tình hình, thu thập nhiều nguồn thông tin, tôi đã có thể trả lời đầy tin tưởng: “Chắc chắn sẽ không xảy ra chiến tranh đâu!”. Tôi đang viết ra điều mình nghĩ và tin.

Thật ra cuộc đời đâu dễ biết ra sao ngày sau. Nếu như người yêu hỏi rằng: “Anh nghĩ ngày mai em có bỏ anh không?”, thì cũng không dám trả lời rằng: “Anh tin chắc chắn không!”, bởi trong cuộc đời này chỉ có mỗi một điều chắc chắn là không có gì chắc chắn cà. Mình yêu người ta nhưng đâu có đủ thông tin về người ta trong quá khứ và hiện tại, nên sẽ không có cơ sở để phán đoán chuyện tương lai.

Hôm nay, khi hay Tổng thống Nga Putin sẽ thăm Trung Quốc ngày 20-5 tới đây, nhiều người Việt Nam đã thấy hụt hẫng thất vọng. Bởi đã lỡ đặt rất nhiều kỳ vọng vào Putin, nhưng khi xảy ra đụng độ trên biển Đông lại không thấy Nga có bình luận gì, nay ông Putin lại còn sang thăm Trung Quốc. Nếu chúng ta biết thông tin rằng trong bối cảnh đang bị phương Tây tẩy chay, với chuyến thăm này Nga sẽ vớ được một hợp đồng kinh tế thật béo bở: cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ tấn khí đốt mỗi năm trong vòng 30 năm, biết vậy thì sẽ tỉnh ngộ, hiểu rằng Nga đang… ngậm miệng ăn tiền. Cũng đừng trách Putin, nước nào cũng phải nghĩ đến cái lợi của đất nước mình. 40 năm trước, năm 1974, khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, hạm đội 7 của Mỹ đang nằm ngay trên biển Đông, nhưng lại điềm nhiên không ứng cứu, để Trung Quốc dễ dàng cướp Hoàng Sa từ tay chính quyền Sài Gòn. Bởi trước đó Mỹ đã đi đêm với Trung Quốc, thỏa thuận bán đứng Hoàng Sa của Việt Nam và đuổi Đài Loan khỏi Liên hợp quốc để kéo Trung Quốc khỏi người đồng minh Liên Xô, nhảy vào một thị trường cả tỷ dân. Nhớ lại vậy để hiểu đó mới là cuộc đời, và không ngây thơ trông mong có ai đó giúp chúng ta ngăn bành trướng Trung Quốc, giải phóng Hoàng Sa và các điểm - đảo bị mất ở Trường Sa.

Khi không còn lo Mỹ hay Nga làm kỳ đà cản mũi, Trung Quốc còn sợ gì nữa mà không khởi động một cuộc chiến tranh để hiện thực hóa tham vọng đường lưỡi bò? Vâng, vậy thì nguy cơ chiến tranh vẫn đang treo lơ lửng trên đầu. Nhưng tôi vẫn tin rằng chiến tranh sẽ không xảy ra. Bởi cả hai đối thủ Việt Nam và Trung Quốc đều không hưởng lợi gì nếu xảy ra chiến tranh. Còn nhớ cuối năm 2008 khi đến thăm Việt Nam, Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã nói thẳng thắn quan điểm của Mỹ: “Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam sớm có vai trò lớn hơn trong hợp tác an ninh trong vùng. Quan điểm của phía Hoa Kỳ là các nước cần tuân theo tuyên bố hồi năm 2002 về giải quyết các xung đột trên biển Đông một cách hòa bình, và Hoa Kỳ sẵn sàng ''trợ giúp hòa bình'' trong vấn đề này. Chúng ta đang ở thế kỷ 21 và giải quyết mọi việc một cách hòa bình. Xung đột sẽ chỉ làm phức tạp những lợi ích kinh tế mà tất cả các bên đều cùng có thể hưởng từ biển Đông. Tôi nghĩ tất cả các bên hiểu điều này và họ sẽ làm điều hợp lý nhất - đó là giải quyết mọi việc một cách hòa bình''.

Theo tôi, người Mỹ đã phân tích rất đúng, xin nhắc lại câu này: “Xung đột sẽ chỉ làm phức tạp những lợi ích kinh tế mà tất cả các bên đều cùng có thể hưởng từ biển Đông. Tôi nghĩ tất cả các bên hiểu điều này và họ sẽ làm điều hợp lý nhất - đó là giải quyết mọi việc một cách hòa bình”. Chắc hẳn Trung Quốc cũng không khờ khạo để không hiểu như vậy.

Việt Nam với truyền thống và phương châm chiến đấu bách chiến bách thắng “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”, chúng ta sẽ một lần nữa thực hiện điều này. Ra Trường Sa, tôi được nghe các chỉ huy trưởng các đảo đều nhấn mạnh nguyên tắc đã được chỉ đạo khi đứng nơi đầu sóng ngọn gió: “Hết sức kiềm chế, không được nổ súng trước”. Tại vùng biển Hoàng Sa trong những ngày đụng độ căng thẳng này, các cảnh sát biển Việt Nam đã rất kiên cường, kiên quyết, nhưng cũng đang hết sức kiên trì và kiềm chế. Trong cuộc tiếp xúc cử tri TPHCM ngày 16-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: “Người dân nên bình tĩnh. Chúng ta đang chống lại hành vi sai trái của Trung Quốc, đồng thời thực hiện tất cả các giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã gửi Liên hợp quốc. Kênh ngoại giao của Việt Nam đã làm việc đầy đủ, kiên quyết và hết sức mạnh mẽ với Trung Quốc. Câu chuyện trên biển Đông không thể giải quyết một sớm một chiều, nếu không bình tĩnh sẽ bị sập bẫy, mang lại phương hại cho đất nước”.

Rõ ràng trước sự tham lam, ngạo mạn và dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc, đối sách của Nhà nước Việt Nam trước sau như một, vẫn là sự bình tĩnh giữ hòa bình, giữ bờ cõi bằng phương châm linh hoạt “Dĩ bất biến ứng vạn biến". Sẽ không có chiến tranh, bởi đi đôi với tham vọng bành trướng, chính Trung Quốc đang đứng dưới nhiều rủi ro rình rập, họ đang lấm lét dưới lưỡi gươm Damocles lơ lửng trên đầu. Họ cũng thừa biết nơi đang đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam không có dầu khí, nhưng cứ “chém gió” xem thử phản ứng của Việt Nam và quốc tế để lấn tới. Vấn đề của chúng ta bây giờ là chứng tỏ được bản lĩnh và sự cứng cõi trước đòn nắn gân thăm dò của Trung Quốc, và… tạo điều kiện cho Trung Quốc rút giàn khoan một cách đỡ xấu hổ.

17-5-2014

Danh mục website