Sắc điệu tình yêu trong thơ lục bát của Đồng Đức Bốn

 (Nguyễn Thị Bích Phụng, Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 12 (66), THÁNG 7 NĂM 2013)

TÓM TẮT

           Đồng Đức Bốn (1948-2006) là nhà thơ thành công với thể thơ lục bát. Ông lấy thơ ca làm phương tiện để giải bày tâm tư và tình cảm “cái tôi” tình yêu của mình. Trong bài viết này, chúng tôi đọc lại 14 bài thơ viết về tình yêu (được rút ra từ 5 tập thơ của ông) để thấy các sắc điệu tình yêu và nghệ thuật lục bát của Đồng Đức Bốn.

***

“Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” đã bay xa, thơ tình ở lại

“Sao chim mỏ vàng hay hoa cỏ độc/ Ngủ im lìm trong sương khói giêng hai” (Nguyễn Khoa Điềm)

Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc giờ đây không “ngủ im lìm trong sương khói giêng hai” mà đã bay về bên kia chân trời bằng cơn mưa rào, bằng câu lục bát; chỉ còn lại tình yêu của một - Đồng Đức Bốn neo đậu bến trần gian.

Tình yêu là cung bậc thăng hoa của mọi người, lục bát là cánh nôi ru của truyền thống nhưng “Lục bát tình yêu” thì có lẽ dành cho Bốn. Bởi những cung đường bay đi, tìm kiếm chật vật cả đời của Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc đã làm nên những khác lạ hiếm thấy mà chỉ có thơ mới giải mã được. Thơ của ông là lời nấc nghẹn, là cái nhìn chua xót, là giọt mắt chìm, là hụt hẫng tẽn tò, là nẻo đường tìm mình ở phía cánh đồng cải hoa, là tình yêu đơn độc đến bơ vơ,… và ông bảo: Đó là những khoảng khắc tôi hóa thân vào trời đất.

Thơ, là cấu trúc (gestalt) của trí tưởng tượng. Có bao nhiêu nhà thơ, người yêu thơ thì có bấy nhiêu con đường và sự dẫn dụ cảm thụ thi ca. M.Bakhtin từng cho rằng, lời trong thơ không hề thuần túy là lời cá nhân mà là sự đắm say của “dàn đồng ca”. Trong dàn đồng ca đó, tôi tìm thấy mình trong tiếng nói của người khác, là thứ thơ mà trong đó, cảm xúc và suy tư của các nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống được thực hiện một cách gián tiếp. Là tiếng hát tâm hồn, thơ trữ tình có khả năng biểu hiện phức tạp thế giới nội tâm từ các cung bậc tình cảm cho tới chính kiến, những tư tưởng triết học [2]. Đồng Đức Bốn lấy thơ ca là phương tiện để giải bày tâm tư và tình cảm “cái tôi” tình yêu của mình. 

Theo khảo sát của Nguyễn Thúy Quỳnh [4, tr.397] thì có đến 109/196 bài thơ tình. Thử dạo một vòng nhỏ với 14 bài thơ viết về tình yêu của ông được lấy bất kỳ ở năm tập thơ, chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu nơi đây với nhiều sắc điệu: một tình yêu trong trẻo, đê mê; một tình yêu buồn đắm đuối mà luôn đơn độc; hay một tình yêu thiết tha, bạo liệt,… của Đồng Đức Bốn - người cất giữ một hồn thơ lục bát khá lạ lùng.

Một tình yêu trong trẻo, đê mê…

          Không có cái dữ dội gấp gáp như tình yêu Xuân Diệu, không có cái gào xé đến tan loãng cùng trăng như tình yêu của Hàn Mặc Tử, và cũng không còn điều gì vẹn nguyên để chia cho em - một nửa như tình yêu của Nguyễn Trọng Tạo,… Đồng Đức Bốn chân chất thật thà với tình yêu trong trẻo đê mê đi tìm em ở Bến sông Mê bằng câu lục bát để đời: “Chưa về đò đã nhẹ sang/ Anh nghe tiếng sóng biết bàn tay em/ Bồi hồi những giọt mưa đêm/ Sáng như nến thắp ở bên mái chèo” (Đêm sông cầu II).

Tha thiết, đê mê và trong sáng quá, chỉ nghe tiếng sóngbiết bàn tay em, tình yêu thăng hoa đến lạ lùng để tác giả tưởng chừng nến được thắp sáng hai bên mái chèo.

Hay khi bảo rằng tôi còn một chút duyên quê thôi, thì tình yêu trong trẻo đến đê mê ấy vẫn ngự trị trong thơ ông: “Tôi còn một chút duyên quê/ Yêu em nên phố bốn bề đều hoa/ Nói gì thì kệ người ta/ Không em phố chẳng còn là phố đâu” (Duyên quê).

        Lời yêu tự nhiên như hơi thở, như giọng nói đâu đó, đời thường dân dã của ông mà thốt ra thơ y như lộc trời cho. Cái chất khác lạ và hiếm gặp ở thơ ông, có thể kể đến hai hệ quả: hệ quả thứ nhất là thơ ông tự nhiên như nói (Hội Lim, Đi xích lô từ phố Bà Triệu ra cầu Chương Dương); hệ quả thứ hai, ngược lại đó là ông nói được cái tôi - mình bằng thơ lục bát (Đời tôi, Đường đi, Thương mình lặn lội đường xa…). Hai hệ quả này dường như đã bổ sung, hỗ trợ cho nhau, để làm nên một Đồng Đức Bốn. Chính vì thế mà thơ lục bát của ông cứ nhẹ tênh, luễnh loãng [3] vượt qua những âm vần gieo gượng ép đôi lúc nặng nề của thể thơ truyền thống. Bỏ qua dòng lục bát dân gian, bỏ qua dòng lục bát hiện đại, dòng lục bát huyền ảo, ông đi men theo dòng lục bát dân gian hiện đại để rong ruổi tìm kiếm phận mình khi tình yêu chỉ là một nỗi buồn đắm đuối đơn độc…

            Một tình yêu buồn đắm đuối mà luôn đơn độc

         Mười bốn bài với 602 chữ bằng 43 cặp lục bát, thì Đồng Đức Bốn chỉ dùng 39 từ ghép (đất trời, câu hát, gió mùa, tơ nhện lục bát, búp sen, sông Thương…); hơn 20 hư từ không mang nghĩa (thì, là, mà, còn, cái, cứ, đã, để, gì, kệ…), chưa kể các trường hợp lặp lại, trong mỗi bài thơ của ông mà chúng tôi đã khảo sát. Các hình ảnh thường xuất hiện như: Sông, mưa đêm, đò, mái chèo, chim ngói, vườn hồng, bụi gai, hoa, gió giông…). Việc khảo sát tính toán như vậy để thấy rằng, dù thơ ông chỉ loanh quanh với khoảng 600 từ (Lục bát của Đồng Đức Bốn có một cái gì khác người, hiếm và lạ”; “ Vốn từ của anh loanh quanh khoảng 600 từ” - Nguyễn Huy Thiệp) [7], nhưng đọc thơ ông, chiêm ngưỡng thơ ông thì không bao giờ nhàm chán. Bởi ông chính là nghệ sĩ đưa chúng ta đến với những cung đường tâm trạng cảm xúc. Hay nói cách khác: ông đã làm nên những vần thơ tự nhiên mà giàu chất sống, chính từ cuộc đời lấm láp phong trần của mình. Cả cuộc đời khổ công tìm kiếm bám níu vào miền cảm xúc dồi dào, ý thức tìm mình, để khát khao khẳng định; bám víu vào miền vô thức của tâm thức để đau đời, chua xót. Đấy là bản ngã và bản lĩnh người làm thơ. Một sự trống trải đơn độc đến vô hình khi chính mình quay quắt tìm lại mình ở phía đằng mưa, một hiện thực bẽ bàng, tỉnh ngộ với những cái để đời được - mất, đắp đổi, bán mua,… trở đi trở lại trong thơ ông, làm nên nỗi buồn đẹp đến thắc thỏm… Cái đẹp quê mùa, nửa mơ nửa tỉnh, nửa dân gian nửa hiện đại như ăn sâu vào thơ, chìm đắm vào thơ ông không vơi đi được, không dứt đi được.

            Tình yêu trong thơ Nguyễn Quang Thiều cũng buồn mà thao thiết nhưng không vương vấn nỗi đơn độc đến tê người như Đồng Đức Bốn. Nguyễn Quang Thiều để cho hai trái tim biết thổn thức nói với nhau, tìm về nhau, tìm đường tựa vào nhau dưới ánh sao trời: “Em tựa vào anh như tựa vào cay đắng/ Trái đất tựa vào những tinh tú thẳm xa…/ Đêm hoang sơ chỉ có hai ta/… Ta như hai đứa trẻ non mềm vừa mới sinh ra” (Những ngôi sao). Hay khi buồn nhất, có thể tổn thương đến tứa máu, Nguyễn Quang Thiều cất tiếng hát: “Khi tôi hát tưởng chừng như tứa máu/ Qua kẽ môi mình nóng mặn tình yêu” (Đêm gần sáng).

Thơ Đồng Đức Bốn không thế. Đắm đuối yêu, sẵn sàng đưa em qua trận bão người, sẵn sàng đi tìm em trên dòng sông gai, tìm em ở bến sông Mê, để rồi chỉ còn lại mình đơn độc bơ vơ: mình tôi giữa dòng, mình tôi giữa trời, đi vào cõi thơ, đổi lấy chiều tương tư, đến bến không tìm mình, để hát cho riêng mình, để đò không cũng chìm, rồi lạc giữa bốn bề, lạc giữa vườn hồng,… Rốt cuộc, tấm chân tình đa đoan của Đồng Đức Bốn dành cho tình yêu vẫn chỉ cập bến buồn đắm đuối, đơn độc. Hoài công tìm kiếm, để được gì? Có chăng là được phóng bút làm thơ, ngăn em đừng buông giọt mắt xuống sông, hay rút trăng buộc lại con đò, hoặc tìm em ở bến không chồng ngày xưa. Một tình yêu như thế, mãi mãi ông sẽ đi tìm, dù cánh chim mỏ vàng đã ngưng hót. Lốt chân chim ấy đã đậu trên vai thành hồ, thành những mảng hồ khô cứng cong queo, đầy chai sạn và vết xước: “Tôi đi tìm một tình yêu/ Trên dòng sông chứa rất nhiều ban mai/ Tôi đi tìm dòng sông gai/ Lốt chân chim đậu trên vai thành hồ” (Sông thương ngày không em).

Một tình yêu thiết tha, bạo liệt…

          Nguyễn Quang Thiều cũng có tình yêu tha thiết đê mê lắm, đến muốn hòa trộn hai màu đen trắng (Chuyển dịch màu đen), đê mê tóc nàng vú nàng và những bí mật đàn bà (Hoa hồng), nhưng đến ngày pháo nổ ở sau nhà mình thì cũng biết: “Chồng em có ở xóm đình/ Để tôi tránh lối rập rình đón đưa” (Bây giờ đang cuối mùa đông), chứ chẳng bao giờ ngông cuồng đến như Bốn, quyến dụ, thách thức: Em bỏ chồng về ở với tôi không?

            Hình ảnh em đi theo chồng được trở đi trở lại trong thơ Đồng Đức Bốn với nhiều góc độ của miền vô thức, nó như bộc phát ra thành thơ khi hiện tượng đó được gặp lại trong trí não (ví như lúc thì: em mang câu hát theo chồng, bây giờ em đã sang sông, bây giờ em đi lấy chồng, tìm em ở bến không chồng…). Chính điều này đã làm nên cái ngông trong thơ ông. Hụt hẫng, tiếc nuối và đơn độc bơ vơ, chỉ còn lại mình trên con đường đời bụi trần này, thì sá gì, ta hãy một lần trong vạn lần được níu kéo em bằng nỗi buồn tím lịm và cái ngông của kẻ sĩ: “Và tôi tin một ngày gần lắm/ Em bỏ chồng về ở với tôi không?/ Giã từ câu hát người ơi/ Là khi tôi thấy đất trời rỗng không/ Em mang câu hát theo chồng/ Thuyền tôi đậu nắng trên sông gãy sào” (Câu hát theo chồng)

          Tất cả đều đã mất, tất cả đều cong, đều gầy (Đời tôi), đều gãy khi em đi lấy chồng. Tha thiết đến bạo liệt, Đồng Đức Bốn chìm đắm vào cả “Cái đêm em ở với chồng” để mà đau xót, để mà tức tưởi “Em trong chăn ấm có đùa với ai/ Ngang trời tiếng vạc mảnh mai/ Chém trăng đã đứt thành hai mảnh rồi/ Mảnh nào em để cho tôi” (Cái đêm em ở với chồng).

*

         Trên con đò lục bát tìm mình bằng vốn liếng trời cho, Đồng Đức Bốn đã mải miết đi/về để lại những nẻo đường tìm kiếm cho mình trong thơ. Khó mà nói hết những điều ông đã thác gửi trong năm tập thơ, nhất là 23 bài thơ cuối đời khi nằm trên giường bệnh thập tử nhất sinh, đối mặt với tử thần. Chỉ biết rằng khó tìm thấy nơi đâu một tình yêu đơn độc bơ vơ mà cái sắc điệu buồn lạ lùng đến thế. Đó là nỗi buồn của người ra đi phiêu lãng đến cuối chân mây, ra đi không phải vì mình mà vì những người ở lại: Hồn thơ lục bát ra đi/  Xin người ở lại sống vì nhau hơn…                                                                                  

 

Tài liệu tham khảo

1. Đồng Đức Bốn (2006), Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc, Nxb Văn học, Hà Nội.

2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên) (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Inrasara (2011), Thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn từ một hướng nhìn, Nxb Hội Nhà văn.

4. Nguyễn Thúy Quỳnh (2006), Tuyển tập thơ Đồng Đức Bốn - Quy chiếu từ một số thống kê về thể tài và hình tượng nghệ thuật, Nxb Hội Nhà văn.

5. Đinh Quang Tốn (2011), “Những bài thơ cuối cùng của Đồng Đức Bốn”, http://tapchinhavan.vn/news/sang-tac/Nhung-bai-tho-cuoi-cung-cua-Dong-Duc-Bon-320/.

6. Nguyễn Quang Thiều (2010), Châu thổ, Nxb Hội Nhà văn.

7. Nguyễn Huy Thiệp (2006), Giăng lưới bắt chim, Nxb Hội Nhà văn.

8. Lê Ngọc Trà (2005), Lý luận và Văn học, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

 

COLOURS OF LOVE IN SIX-EIGHT POEMS BY DONG DUC BON

Abstract

Poet Dong Duc Bon (1948-2006) was very successful with the six-eight form, a traditional form of Vietnamese poetry. He used poetry as a mean to express his feelings and his loving self. In this article, 14 poems extracted from 5 collections of his will be analysed to reveal the colours of love and his talent in the six-eight poetry form.

 

Danh mục website