Bài thơ Vọng Quan Âm miếu nằm trong tập thơ Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du, một tác phẩm kết tinh trí tuệ, tài hoa và chiều sâu tư tưởng của thi hào. Thơ viết về một ngôi miếu thờ Quan Âm, nhưng không phải để ca ngợi mà là để phê phán sự lạm dụng đạo Phật và tác hại của những hành vi trái với triết lý từ bi, vô ngã. Với ngôn từ hàm súc và giọng thơ thâm thúy, bài thơ vừa thể hiện sự phê phán sắc sảo, vừa lột tả nỗi đau xót trước cảnh môi sinh bị tàn phá, đạo lý bị bóp méo.
望觀音廟
阮攸
伊誰絕境構亭臺,
盡松枝墜鶴胎。
石穴何年初鑿破,
金身前夜卻飛來。
停雲處處僧眠定,
落日山山猿叫哀。
一炷檀香消慧業,
回頭已隔萬重崖。
Phiên âm:
Vọng Quan Âm miếu
Nguyễn Du
Y thuỳ tuyệt cảnh cấu đình đài,
Phạt tận tùng chi truỵ hạc thai.
Thạch huyệt hà niên sơ tạc phá,
Kim thân tiền dạ khước phi lai.
Đình vân xứ xứ tăng miên định,
Lạc nhật sơn sơn viên khiếu ai.
Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp,
Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai.
Dịch nghĩa:
Ai người dựng nên đình đài ở chốn tận cùng này?
Chặt hết cành tùng, rớt trứng hạc
Hang đá, năm nào bắt đầu đục phá?
Tượng Phật (mình vàng) mới bay đến đêm qua
Khắp chốn mây ngừng trôi, sư yên giấc
Núi núi bóng chiều rơi, vượn kêu thương
Đốt nén hương đàn để tiêu tan nghiệp chướng do trí tuệ gây ra
Quay đầu lại đã cách núi muôn trùng.
Dịch thơ:
Ai xây đình miếu chốn xa vời?
Chặt trụi cành tùng trứng hạc rơi.
Hang đá năm nao vừa đục phá,
Mình vàng đêm trước mới về phơi.
Mây ngừng chốn chốn sư yên giấc,
Chiều xuống non non vượn khóc hoài.
Đốt nén đàn hương tiêu tuệ nghiệp,
Ngoảnh đầu đã cách vạn trùng khơi.
(PQA dịch)
Hai câu đề bài thơ là một câu hỏi chất vấn gay gắt, mạnh mẽ:
Y thuỳ tuyệt cảnh cấu đình đài,
Phạt tận tùng chi truỵ hạc thai.
(Ai người dựng nên đình đài ở chốn tận cùng này?
Chặt hết cành tùng, rớt trứng hạc.)
Nguyễn Du mở đầu bằng câu hỏi tu từ vừa thể hiện sự ngạc nhiên vừa nhằm chỉ rõ sự phi lý và đáng trách trong việc xây dựng miếu thờ Quan Âm nơi núi non hoang vu, "tuyệt cảnh". Chốn này vốn là nơi hoang vu, chỉ có chim muông và thiên nhiên vui sống hòa hợp với nhau nhưng nay đã bị biến thành công trình xây dựng đình đài của con người. Việc "phạt tận tùng chi" (chặt hết cành tùng) không chỉ phá hoại cây cối mà còn làm tổn hại đến sự sống của các sinh linh như loài hạc (rớt trứng). Một sự tàn phá, tận diệt môi sinh, nòi giống của muôn loài. Đây là một sự mỉa mai sâu sắc, vì hành động này đi ngược lại tinh thần từ bi, yêu thương chúng sinh của đạo Phật.
Tiếp theo, hai câu thực hàm ý mỉa mai, phê phán sự giả tạo trong tín ngưỡng:
Thạch huyệt hà niên sơ tạc phá,
Kim thân tiền dạ khước phi lai.
(Hang đá, năm nào bắt đầu đục phá?
Tượng Phật (mình vàng) mới bay đến đêm qua.)
Hàm ý mỉa mai, phê phán sự giả dối, phi lý trong tín ngưỡng của người đời được tác giả khắc họa bằng hình ảnh hang đá bị đục phá để tạo nên nơi đặt tượng Phật. Sự xuất hiện của kim thân (tượng Phật mình vàng) được nhà thơ diễn đạt đầy trào phúng: "mới bay đến đêm qua". Đây là cách nhấn mạnh tính ảo tưởng trong mục đích, chiêu bài của những công trình tín ngưỡng không xuất phát từ lòng thành kính mà chỉ là sự phô trương tham vọng của một số cá nhân nào đó. Tượng Phật được dựng lên nhưng không mang tinh thần từ bi, giác ngộ mà chỉ để thỏa mãn sự ham hố của những kẻ buôn thần bán Phật.
Tứ thơ tiếp tục được khắc sâu hơn ở ảnh tượng trái ngược giữa thiên nhiên và con người trong hai câu luận:
Đình vân xứ xứ tăng miên định,
Lạc nhật sơn sơn viên khiếu ai.
(Khắp chốn mây ngừng trôi, sư yên giấc,
Núi núi bóng chiều rơi, vượn kêu thương.)
Hai câu thơ tạo nên sự đối lập giữa cảnh tượng thiên nhiên và đời sống tu hành. Các tăng nhân dường như thờ ơ với cảnh sắc xung quanh, họ chìm trong giấc ngủ mê mải, bỏ mặc núi rừng xơ xác với tiếng kêu ai oán của đàn vượn. Hình ảnh "mây ngừng trôi" và "bóng chiều rơi" vừa gợi cảm giác tĩnh mịch nhưng lại chứa đầy bi thương. Tội ác con người gây nên dường như làm cho thiên nhiên không còn một chút sinh khí. Tiếng vượn kêu không chỉ là âm thanh của thiên nhiên mà còn là tiếng lòng của tác giả, bày tỏ nỗi xót xa trước cảnh đời bị đảo lộn.
Hai câu kết bài thơ mang tính triết lý sâu sắc. Đó cũng là một lời khuyên nhủ thiết tha và cảnh tỉnh đanh thép của tác giả.
Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp,
Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai.
(Đốt nén hương đàn để tiêu tan nghiệp chướng do trí tuệ gây ra,
Quay đầu lại đã cách núi muôn trùng.)
Tác giả Nhất Thanh trong bài viết “Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du” đã thảng thốt kêu lên “Lạ nhất trong bài này là câu thứ bảy : "Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp". Sao lại là tiêu tuệ nghiệp ? Có phải tác giả muốn nói đến cái nghiệp do trí tuệ gây ra ? Tức Sở tri chướng, Thế trí biện thông ? Quả là ít ai dám dịch chữ này.” Theo thiển ý của chúng tôi, thi hào phê phán những người lợi dụng đạo Phật, xem việc đốt hương lễ bái như là cách để xóa bỏ mọi nghiệp chướng, trong khi chính họ đã gây nên bao đau thương cho chúng sinh và thiên nhiên. Nguyễn Du nhắc nhở rằng nếu không tỉnh ngộ, con người sẽ lạc lối, cách biệt với con đường chân chính mà đức Phật đã khổ công tìm ra. Hình ảnh "vạn trùng nhai" là biểu tượng cho sự xa cách giữa cái thiện và cái ác, giữa trí tuệ và lòng tham.
Bài thơ đã đạt đến nghệ thuật đặc sắc, cấu tứ chặt chẽ, lối biểu đạt hàm súc vốn có của thơ Đường luật kinh điển. Tác giả cấu tứ theo lối "tương phản", tạo nên sự đối lập giữa mục đích cao cả của đạo Phật và hành vi phá hoại thiên nhiên của những kẻ vô minh vọng động; sự tĩnh lặng giả tạo của tăng nhân và tiếng kêu bi thương của thiên nhiên.
Nguyễn Du sử dụng giọng điệu vừa hài hước, vừa chua xót. Những câu hỏi như "Ai người dựng nên đình đài?" hay hình ảnh "kim thân mới bay đến đêm qua" đều ẩn chứa sự đả kích mạnh mẽ, buộc người đọc suy ngẫm. Chỉ với 56 chữ nhưng là những từ ngữ hết sức cô đọng tạo nên những hình ảnh thơ giàu tính biểu tượng giúp Nguyễn Du truyền tải được những suy nghĩ sâu xa, những tầng nghĩa uyên áo, gợi nên nhiều liên tưởng đầy chua xót trước hiện tình đạo Phật trong thời mạt pháp.
Bài thơ Vọng Quan Âm miếu không chỉ là một tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật mà còn mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Qua hình ảnh thiên nhiên bị tàn phá và đạo lý bị bóp méo, Nguyễn Du gửi gắm thông điệp phê phán sâu sắc đối với những kẻ lợi dụng tín ngưỡng vì mục đích cá nhân. Đồng thời, bài thơ còn là lời nhắc nhở con người phải sống hài hòa với thiên nhiên và tôn trọng những giá trị cao quý của đạo Phật.
Hơn 200 năm qua, kể từ khi thi hào đi sứ sang Trung Quốc, mắt trông thấy thảm cảnh của thiên nhiên bị con người tàn phá ở một vùng rừng núi hẻo lánh ở Quảng Tây để xây chùa dựng tượng, lòng ông vô cùng đau xót trước sự vô minh, tăm tối của con người đã vì mê tín, dị đoan đi ngược lại tôn chỉ chân chính của đức Phật, đến nay, soi vào trong cuộc sống, chúng ta thấy vô vàn những chuyện động trời do con người làm ra thời mạt Pháp còn ghê gớm hơn cả thời Nguyễn Du sống. Có thể nói, đến nay, những cảnh báo mạnh mẽ của Nguyễn Du trong bài thơ Vọng Quan Âm miếu lại càng nóng hổi tính thời sự.
Phạm Quang Ái