Sáng ngày 12/8/2016, nữ GS. Kimberly A. Goyette và GS. Ngô Thanh Nhàn đã đến tham quan, làm việc với Phòng Nghiên cứu Hán Nôm - Khoa Văn học & Ngôn ngữ. Tiếp hai giáo sư có PGS. TS. Đoàn Lê Giang – Trưởng khoa Khoa Văn học & Ngôn ngữ, ThS. Nguyễn Văn Hoài – Trưởng phòng Nghiên cứu Hán Nôm, TS. Nguyễn Hoàng Yến –Phó trưởng phòng Quản lí Khoa học - Dự án của Trường ĐH KHXH&NV và các giảng viên của Bộ môn Hán Nôm.
GS. TS. Kimberly A. Goyette là Giám đốc Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt Nam thuộc ĐH Temple, Philadelphia, Hoa Kỳ. Lĩnh vực chuyên môn của giáo sư là giáo dục học; những vấn đề về giáo dục, văn hóa Việt Nam; những vấn đề về dân tộc, người gốc Á tại Hoa Kỳ;... Gần đây, ngày 11/8/2016, giáo sư là người đồng tổ chức và đồng chủ trì Hội thảo quốc tế về Giáo dục và hội nhập xã hội (The International Conference on Education and Social Integration - ICESI 2016) tại ĐH Tôn Đức Thắng. Giáo sư là người thường xuyên tham gia các chương trình nghiên cứu về giáo dục Việt Nam.
GS. Ngô Thanh Nhàn là Phó giám đốc hỗ trợ Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt Nam, ĐH Temple và nguyên là Phó chủ tịch Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nôm Preservation Foundation - VNPF). Giáo sư là một nhà ngôn ngữ học chuyên về xử lí ngôn ngữ tự nhiên trên máy tính, đã đóng góp vào việc mã hóa và chuẩn mã chữ quốc ngữ, chữ Nôm và chữ Chăm trên máy tính; đã khởi xướng và đồng tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến bảo tồn, nghiên cứu chữ Nôm; từng tham gia nhiều dự án, đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy di sản chữ Nôm Việt Nam như: Dự án Bảo tồn di sản Nôm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Thông tin Khoa học và Xã hội, Thư viện Huế,...
Đến tham quan, làm việc với Phòng Nghiên cứu Hán Nôm – Khoa Văn học & Ngôn ngữ, hai giáo sư bàn về khả năng hợp tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản Hán Nôm khu vực Nam Việt Nam như thu thập, phân loại tư liệu Hán Nôm theo chuẩn quốc tế; số hóa tư liệu Hán Nôm để bảo tồn và phát huy tốt hơn trong tương lai.
Ấn tượng với Phòng Nghiên cứu Hán Nôm – Khoa Văn học & Ngôn ngữ, sau buổi làm việc, hai giáo sư cho biết trước mắt sẽ ủng hộ khoảng 2000 túi bảo quản tư liệu cổ chuyên dụng (tùy theo yêu cầu thực tế) và hỗ trợ Khoa trong việc phân loại, tổng hợp các tư liệu Hán Nôm hiện có theo chuẩn quốc tế để tiến hành các bước nghiên cứu sâu, cụ thể hơn trong tương lai.
Buổi gặp gỡ đã mở ra một triển vọng tốt đẹp về việc hợp tác sưu tập và bảo tồn di sản Hán Nôm ở khu vực phía Nam Việt Nam.