Ngày 1/3/2017, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM đã tổ chức buổi toạ đàm khoa học “Using History and Literature to Study Environmental Problems: International Perspectives from the Environmental Humanities” (Nghiên cứu các vấn đề về môi trường từ góc độ Lịch sử và Văn học: Bối cảnh quốc tế từ Khoa học Nhân văn Môi trường) do Giáo sư Mart Stewart là diễn giả chính, nhà văn, dịch giả Lý Lan làm phiên dịch.[1] Buổi nói chuyện tập trung vào ba vấn đề xoay quanh chủ đề chính: 1) Khoa học nhân học môi trường là gì? 2) Phê bình sinh thái – Văn học môi trường hay Lịch sử môi trường 3) Thảo luận: Khoa học nhân văn môi trường ở Việt Nam. Chủ đề của tọa đàm thu hút nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nhà trường, các học viên cao học và sinh viên ngành Văn học tham gia.
Mở đầu bài nói chuyện, GS Stewart giải thích nguyên nhân chính khiến môi trường trở thành một vấn đề nóng bỏng trên phạm vi toàn cầu và vai trò của khoa học nhân văn môi trường đối với việc giải quyết vấn đề đó. Ông khẳng định nhà văn đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi nhận thức cũng như hành động của con người đối với môi trường tự nhiên. Trong phần 2, GS đưa ra định nghĩa về phê bình sinh thái, nhiệm vụ và các đặc trưng của phê bình sinh thái để chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa con người và thế giới tự nhiên. GS đã trình bày các phát hiện mới khi đặt Quê hương tan rã của Chinua Achebe, Trái tim đen tối của Joseph Conrad dưới góc nhìn sinh thái. Để minh họa cho việc áp dụng phương pháp phê bình sinh thái, GS đi vào phân tích vấn đề môi trường được đặt ra trong tác phẩm Mùa xuân im lặng của Rachel Carson. Thêm vào đó, ông cũng đề cập đến những tiên đoán của con người trước sự trỗi dậy chống lại con người của thiên nhiên qua các bộ phim giả tưởng. Là một nhà nghiên cứu nước ngoài nhưng GS Stewart rất quan tâm đến văn học Việt Nam khi ông chỉ ra những tác phẩm văn học Việt Nam viết về thiên nhiên và khai thác mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người. Cuối cùng, theo GS, việc học tập và giảng dạy về văn học môi trường là một việc vô cùng cần thiết vì nó thúc đẩy chúng ta nghĩ về khía cạnh đạo đức, công lý trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, hay đơn giản là giúp ta kể lại những câu chuyện về môi trường một cách hấp dẫn hơn.
Phần thuyết trình của GS Stewart đã khơi gợi cho người nghe những trăn trở cần thiết vì môi trường là vấn đề cấp bách trên toàn cầu, ở Việt Nam nó càng trở thành nhức nhối khi ảnh hưởng của việc tàn phá tự nhiên đã đe dọa đến sự sống mỗi con người. Sau khi nghe GS Stewart trình bày, PGS. TS Nguyễn Hữu Hiếu, PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Xuân và TS. Bùi Trân Phượng đã có những trao đổi học thuật về tính tiên báo và tính xã hội của văn học về môi trường, phân biệt yếu tố nhân tạo và yếu tố thiên tạo. GS. TS Huỳnh Như Phương và TS. Bùi Trân Phượng cũng bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều công trình nghiên cứu văn học chuyên sâu về vấn đề môi trường trong văn học Việt Nam.
[1] Diễn giả Mart Stewart hiện đang giảng dạy trong lĩnh vực Lịch sử khoa học và Lịch sử môi trường tại Trường Đại học Western Washington University, Bellingham, Washington, Hoa Kỳ.