Hơn 100 nhà nghiên cứu, sinh viên đã tham dự Tọa đàm “Tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành của nhà văn Ngô Minh Ích và văn học Đài Loan” do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức tại cơ sở Đinh Tiên Hoàng vào ngày 2/11.
PGS.TS Lê Quang Trường chia sẻ về sự nghiệp sáng tác của nhà văn Ngô Minh Ích - Ảnh: BTC.
PGS.TS Lê Quang Trường - Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TS Phan Thu Vân - Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP HCM và TS Nguyễn Hồng Anh - giảng viên Văn học nước ngoài, Trường ĐH Sư phạm TP HCM là các diễn giả của toạ đàm.
Kết hợp sự bí ẩn và phép màu
Phát biểu mở đầu toạ đàm, PGS.TS Lê Quang Trường bày tỏ sự thán phục tác giả Ngô Minh Ích với nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành. Tác phẩm này đã được chuyển thể thành phim truyền hình 10 tập do đạo diễn Dương Nhã Triết thực hiện.
Tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành xuất bản năm 2011, lấy bối cảnh khu chợ Trung Hoa ở Đài Bắc vào những năm 1970 - thời kỳ chuyển mình của đất nước. Khu chợ gồm tám tòa nhà, mang tên Trung, Hiếu, Nhân, Ái, Tín, Nghĩa, Hòa và Bình, tạo thành một thế giới nhỏ, nơi lũ trẻ sinh sống và trưởng thành. Những đứa trẻ nơi đây với những ước mơ, nỗi sợ, sự tò mò và niềm hy vọng, được khắc họa sinh động qua lăng kính hoài niệm của tác giả.
Nhà văn Ngô Minh Ích đã tái hiện không chỉ bằng sự chân thật của ký ức, mà còn bằng cảm xúc man mác và ấm áp. Tác phẩm là hành trình tìm lại một thời thơ ấu mà bất kỳ ai đi qua đều muốn quay về, nơi có những phép màu giản dị ẩn giấu giữa buồn vui thường nhật.
TS Phan Thu Vân nhận định Ngô Minh Ích là một nhà văn có sức sáng tạo tài hoa khi ông có thể sáng tác ở đa dạng đề tài cũng như thể loại, từ chủ đề chiến tranh (Chiếc xe đạp mất cắp), sinh thái (Người mắt kép) cho đến quá khứ (Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành).
Sinh viên đặt câu hỏi về nghệ thuật viết truyện của Ngô Minh Ích cho các diễn giả - Ảnh: BTC.
Tự cảm thụ về nền văn học Đài Loan
Theo TS Phan Thu Vân, hiện tại vẫn có nhiều tranh luận về nền văn học Đài Loan. Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng văn học Đài Loan có nét tương đồng, thậm chí là một phần của văn học Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, những ý kiến phản bác nhận định văn học Đài Loan sở hữu giá trị riêng biệt, tạo nên sự rạch ròi.
TS Thu Vân dẫn chứng trường hợp của tác giả Trương Ái Linh - người được xem là một phần sống động của nền văn học Đài Loan. Tuy nhiên, Trương Ái Linh là người đại lục. Một số tác phẩm của Trương Ái Linh không được xuất bản tại đại lục nhưng lại được xuất bản ở Đài Loan. Cho nên vấn đề xác định tác giả này có thuộc nền văn học Đài Loan hay không vẫn còn là một tranh cãi.
Qua đó, TS Phan Thu Vân cho rằng việc tiếp cận với Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành của Ngô Minh Ích sẽ giúp độc giả tự cảm nhận và đi tìm câu trả lời thỏa đáng cho riêng mình về nền văn học Đài Loan.
Từ trước năm 1975, nhiều tác giả Đài Loan đã được giới thiệu tại Việt Nam như Quỳnh Dao, Cổ Long; gần đây có Diệp Thạch Đào, Trần Trường Khánh, Cửu Bả Đao, Bạch Tiên Dũng, Kevin Chen… và mới nhất là Ngô Minh Ích. Ngoài tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành, tác giả này cũng được yêu mến tại Việt Nam với hai tiểu thuyết Người mắt kép và Chiếc xe đạp mất cắp.
Các diễn giả tại chương trình nhấn mạnh việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa đa dạng là điều tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Nền văn học Việt Nam ở thời điểm hiện tại có thể tham khảo thêm những giá trị đặc sắc của các nền văn học khác và cách thức tiếp cận bạn đọc ở nhiều nơi. Nhờ đó, văn học Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa các tác phẩm trong nước tiếp cận được với bạn bè quốc tế.
Tọa đàm “Tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành của nhà văn Ngô Minh Ích và văn học Đài Loan” được nhiều người quan tâm - Ảnh: BTC.
Khuê Cách
Nguồn: Đại học Quốc gia TP.HCM