K.VH - Ngày 04.7.2025, NCS. Nguyễn Văn Hoài (GV Khoa Văn học) đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với đề tài "Nghiên cứu việc chuyển thể từ tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc sang truyện thơ Nôm Việt Nam (Khảo sát ba tác phẩm: Truyện Song Tinh, Hảo cầu truyện, Ngọc Kiều Lê)", chuyên ngành Văn học Việt Nam, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM.
Trong văn học cổ điển Nhật Bản, Hàn Quốc, có sự phát triển mạnh mẽ loại tiểu thuyết phóng tác từ tiểu thuyết Trung Quốc. Đó là loại tiểu thuyết chỉ mượn cốt truyện Trung Quốc, còn thì bản địa hoá bằng cách thay đổi tên người, tên đất, bối cảnh lịch sử từ Trung Quốc thành Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó ở Việt Nam, vì nhiều nguyên nhân, loại tiểu thuyết phóng tác như thế rất ít, mà thay vào đó là truyện thơ Nôm chuyển thể từ tiểu thuyết Hán văn Trung Quốc, như: Nhị độ mai được chuyển thể từ Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai, Truyện Song tinh từ Định tình nhân, Hảo cầu tân truyện từ Hảo cầu truyện, Ngọc Kiều Lê tân truyện từ Ngọc Kiều Lê, Kim Vân Kiều tân truyện (Truyện Kiều) từ Kim Vân Kiều truyện, v.v. Các sách Trung Quốc vào Việt Nam có thể đến từ "Con đường thư tịch Đông Á" (tương tự như Con đường tơ lụa, Con đường gốm sứ) - như có nhà nghiên cứu Nhật Bản từng nói.
Về Truyện Kiều người ta đã nghiên cứu rất kỹ. Truyện Nhị độ mai cũng đã được các học giả Việt Nam, Trung Quốc quan tâm nghiên cứu. Luận án "Nghiên cứu việc chuyển thể từ tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc sang truyện thơ Nôm Việt Nam (Khảo sát ba tác phẩm: Truyện Song Tinh, Hảo cầu truyện, Ngọc Kiều Lê)" do NCS. Nguyễn Văn Hoài thực hiện, có tham vọng không chỉ đi vào một tác phẩm mà muốn tìm quy luật của sự chuyển thể đó. Luận án đã tổng kết hiện tượng chuyển thể này thành ba quá trình: Giản hoá, Thi hoá và Dân tộc hoá. Nói thì giản dị vậy nhưng để thực hiện Luận án, người nghiên cứu phải đọc thiên kinh vạn quyển, phải đọc lý thuyết nghiên cứu, khảo sát văn bản, phải dịch văn bản nguồn (ba tiểu thuyết Trung Quốc), phải phiên âm văn bản đích (Hảo cầu truyện). Đồng thời, Luận án luôn đòi hỏi tính khoa học, sự chính xác và các luận điểm, các tri thức đều phải dẫn nguồn để kiểm tra.
Tân Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoài là một nhà nghiên cứu Hán Nôm dày dạn kinh nghiệm đồng thời là một giảng viên đại học thâm niên tại khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Luận án lần này là kết quả của một chương trình đào tạo chuyên sâu, với những kết quả đã đạt được, luận án hứa hẹn có thể công bố và xuất bản thành các công trình như: chuyên luận, các văn bản dịch, phiên âm, khảo cứu các tác phẩm tiểu thuyết Trung Quốc và truyện thơ Nôm là đối tượng nghiên cứu của luận án. Đây sẽ là những công trình đáng đọc và có giá trị lâu dài trong nghiên cứu văn học.
Khoa Văn học