- La Mai Thi Gia
- Chiến tranh - đất nước - con người trong văn học và điện ảnh đương đại
- Lượt xem: 2319
Hội thảo Chiến tranh - đất nước - con người trong văn học và điện ảnh đương đại
Hội thảo khoa học Chiến tranh - đất nước - con người trong văn học và điện ảnh đương đại do Khoa Văn học, trường Đại học KHXH & NV, ĐHQG TP.HCM tổ chức đã diễn ra ngày 22/12/2018. Đến dự Hội thảo có các giảng viện, nhà nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu, một số nhà thơ, nhà văn đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu ở các chiến trường, một số đạo diễn điện ảnh tên tuổi của cả nước như: Giang Nam, Đặng Nhật Minh, Trần Thế Tuyển, Dạ Ngân, Phạm Sỹ Sáu, Phạm Quốc Ca, Hữu Ái…
Trong đề dẫn khai mạc hội thảo, TS. Phan Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Văn học nêu rõ: Chiến tranh cách mạng gắn với đất nước và con người là đề tài lớn trong văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, nhiều tác phẩm lớn đã được đưa vào giáo trình và sách giáo khoa phổ thông. Từ khi đất nước tiến hành Đổi mới đến nay có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh những khía cạnh mới, thể hiện những cách nhìn mới về chiến tranh trong mối quan hệ với đất nước và con người. Để tổng kết những thành tựu văn học và điện ảnh, suy nghĩ về phương hướng nghiên cứu và giảng day về đề tài trên, Khoa Văn học dự định tổ chức Hội thảo cấp Quốc gia với chủ đề “Chiến tranh - đất nước - con người trong văn học và điện ảnh đương đại”.
Nhà thơ TS.Phạm Quốc Ca mở đầu Hội thảo bằng báo cáo Hành trình thơ về đề tài kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông khẳng định: “Trong những trường ca được sáng tác sau 1975 (…) chiến tranh được trải nghiệm và thể hiện vừa sâu sắc, vừa xúc động. Những hy sinh, cống hiến thầm lặng của nhân dân được vinh danh. Cái giá của chiến thắng được tô đậm. Thơ trở nên chân thực hơn.”. Ông kết luận: “Chiến tranh là một hoàn cảnh khủng khiếp, bất thường, vô nhân đạo. Bên cạnh việc khắc ghi, giáo dục truyền thống yêu nước, chống xâm lược với những chiến công hiển hách, chấn động địa cầu cũng cần ghi nhớ những đau thương, mất mát không gì bù đắp được, để chung tay bảo vệ hoà bình, cảnh giác trước những thế lực hắc ám xô đẩy loài người vào những cuộc chiến tranh đẫm máu.”. Ông kết thúc tham luận bằng bài thơ Hoà bình mà ông vừa viết trong tháng 11.2018.
GS.TS. Phan Thu Hiền tiếp tục hội thảo với tham luận về Sự can dự của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam qua một số tác phẩm văn học Việt Nam thời hậu chiến. Bà cho rằng tuy không nhiều về số lượng tác phẩm nhưng những sáng tác của các nhà văn VN đã phản ánh khá sâu sắc, phong phú những vết thương, di chứng chiến tranh về sự can dự của lính Hàn trong chiến tranh VN và nỗ lực hàn gắn chúng. Cách nhìn, cách thể hiện của các nhà văn có ý nghĩa góp phần thức tỉnh lương tâm, khép lại quá khứ buồn đau giữa hai dân tộc để cùng hướng tới tương lai tươi sáng. PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn quan tâm đến mảng phê bình văn học về đề tài chiến tranh, ông báo cáo tham luận có đề tài Các nhà phê bình nhận diện về văn học chiến tranh đầu thế kỷ XX đến nay. Ông cho rằng đằng sau mỗi cuộc chiến là số phận của nhân dân, đất nước, các thế hệ cùng những cách tiếp nhận và lý giải khác nhau, truy cầu và truy tìm khác nhau. Theo ông đã có khoảng cách và sự phát triển nhất định trong hoạt động tiếp nhận văn học chiến tranh những năm đầu thế kỷ XXI với nhiều mức độ giao thoa, lan toả giữa các thế hệ, giữa "địch và ta", giữa quốc gia này với quốc gia kia... Nhưng suy cho cùng dù tiếp nhận trong tâm thế nào, "mới" và "khác" thế nào cũng không đi ngược với những hy sinh mất mát một thời vì nền độc lập tự do cho dân tộc.
Sau ba báo cáo trên, mở đầu phiên thảo luận, nhà thơ Giang Nam phát biểu về những quan tâm của ông khi giới trẻ hiện nay không mấy ai hiểu về cuộc chiến mà dân tộc mình đã trải qua, một số người trẻ không trân trọng những xương máu của cha anh đã đổ xuống trong cuộc chiến. Nhà thơ kể về nguyên nhân ra đời bài thơ Quê hương từ những trải nghiệm của đời mình trong cuộc chiến. Khi được yêu cầu, nhà thơ Giang Nam đã đọc bài thơ Quê hương và khiến cho cử toạ rất xúc động, nhiều người đã khóc. Tham gia ý kiến thảo luận còn có nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, ông kể về những kỷ niệm của mình trong chiến trường Campuchia, về những lý tưởng của tuổi trẻ thời đại đó, những khó khăn thiếu thốn mà mình và đồng đội đã trải qua. Nhà thơ được yêu cầu đọc lại bài thơ Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ. Ông nói rằng những trang viết về chiến tranh của ông như là một sự giãi bày, sự lên tiếng về chân dung của thế hệ mình mà ông không thể không viết. Nhà văn Dạ Ngân thì lại cho rằng bà viết về đề tài chiến tranh không phải là một cách "giải toả cơn sang chấn", "những nỗi ám ảnh" hay "những cơn ức chế". Theo bà, phải viết để người VN đọc và hiểu rằng lịch sử của dân tộc mình là lịch sử chiến tranh, xuyên suốt lịch sử, người VN là bộ binh và mang bộ gen chiến binh ở trong người. Nhà văn cần viết về cái hiện thực cần thể hiện, không phân biệt độc giả trẻ hay già. Tất cả đều cần phải đọc, phải biết, bởi không biết về chiến tranh, về quá khứ dân tộc là một điều thiệt thòi. Nhà thơ Mang Viên Long thì khẳng định rằng, khi đặt tay vào những trang viết về đề tài chiến tranh, ông trở thành "một nhân chứng trung thành vô tư". Ông kể về cảm giác của mình đối với chiến tranh trước đây khi mình còn là sinh viên sỹ quan nhận lệnh tổng động viên trong chiến tranh. Những tác phẩm viết sau 1975 của ông, không nói về chiến tranh nóng bỏng như xưa mà nói đến những hậu quả thầm lặng và âm ỉ của chúng trong nhiều cảnh đời, trong tâm hồn mỗi người đã từng đi qua cuộc chiến.
Nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng bắt đầu phiên thảo luận về phim chiến tranh, ông đưa ra những nhận định đồng tình và cảm xúc của mình sau khi xem 10 tập phim tài liệu Mỹ The Vietnam war với tư cách một người trong cuộc - một con người đã từng chứng kiến và tham gia cuộc chiến đó. Ông cho rằng hai tác giả Ken Burns và Lynn Novick xứng đáng được cho "điểm son" ở chỗ họ đã nhìn ra được mối quan hệ khắng khít giữa cuộc chiến 10 năm chống Mỹ (1964 - 1975) và cuộc chiến tranh chống Pháp (1946 - 1954). Điều đọng lại với ông nhất sau khi xem 10 tập phim tài liệu là lời phát biểu của các cựu quân nhân Mỹ khi trả lời phỏng vấn đều gần như thống nhất với nhau khi cho rằng: "dần dà nhận ra họ đang chống lại một dân tộc quyết giành giữ độc lập cho xứ sở mình". Tiếp tục những ý kiến về chiến tranh trong điện ảnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh với tư cách là một đạo diễn đã từng làm nhiều bộ phim về chiến tranh VN và gây được tiếng vang trong và ngoài nước như Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng 10, Đừng đốt... thì cho rằng đề tài chiến tranh chưa bao giờ cũ trong điện ảnh thế giới và dĩ nhiên cả VN. Tuy nhiên để thế hệ thanh niên chịu đến rạp phim, mua vé xem những bộ phim về chiến tranh VN thì cần phải thay đổi thị hiếu xem phim của họ. Đó là trách nhiệm của các nhà phê bình phim, những người hướng dẫn dư luận, khán giả trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Đồng ý với quan điểm "đề tài chiến tranh chưa bao giờ cũ" của đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhà thơ Trần Vạn Giã cho rằng ông là một người cầm bút đã trực tiếp chiến đấu bằng cây viết của mình trong "mặt trận văn hoá chống chủ nghĩa thực dân mới". Dù chiến tranh đẽ kết thúc hơn 40 năm nhưng trong ông luôn cháy bỏng mong muốn được viết về đề tài này, đề tài gắn liền với một thời kỳ lịch sử hào hùng và đau thương của dân tộc mình.
Đến từ Hà Nội, trong vai trò là một công dân trẻ ra đời sau ngày thống nhất đất nước đến hơn 10 năm, TS. Trần Đăng Trung tiếp tục báo cáo với tham luận về đề tài Văn học và ký ức về chiến tranh VN. Ông cho rằng, giới trẻ như ông nên tìm hiểu về lịch sử chiến tranh của đất nước mình, dân tộc mình không chỉ qua các trang sử mà còn đọc nhiều những tác phẩm văn chương viết về các cuộc chiến. Ông khẳng định rằng, văn học có thể là một phương tiện hữu hiệu để gắn kết và chữa lành hơn là hận thù và chia rẽ, bởi từ trong bản chất, một sáng tác ngôn từ chân chính có sức mạnh vượt qua mọi ranh giới và bờ cõi để chạm vào và lay động phần sâu thẳm nhất nơi trái tim con người.
Sau những trao đổi thân tình nhiều cảm xúc hơn là các kết quả khoa học của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, đạo diễn, nhà phê bình điện ảnh... tham gia hội thảo, PGS.TS. Lê Quang Trường - Trưởng khoa Văn học đã phát biểu tổng kết và kết thúc hội thảo. Sau 1 năm chuẩn bị và 4 tháng khởi động, HT nhận được hơn 40 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn, đạo diễn..., quy tụ nhiều nhà nghiên cứu từ nhiều cơ quan ban ngành, các trường đại học. Nhiều bài viết đi vào đề tài chiến tranh trong tác phẩm văn học, về đội ngũ cầm bút trong chiến tranh, về cái nhìn của giới trẻ đối với chiến tranh và con người trong cuộc chiến. Các bài viết có giá trị bổ sung tư liệu và những góc nhìn mới về chiến tranh trong các thời đại hay những góc nhìn khác về chiến tranh của các đạo diễn điện ảnh. Ông gởi lời cảm ơn đến toàn thể cử toạ đã có mặt, ngồi lại và thẳng thắn cùng nhau trao đổi những đánh giá, cảm nhận của mình về lịch sử các cuộc chiến tranh của dân tộc, đất nước. Ông gởi lời cảm ơn và hứa hẹn, sau hội thảo sẽ cho xuất bản một công trình nghiên cứu dày dặn, tập hợp toàn bộ các bài viết mà các tác giả đã gởi tới tham gia hội thảo.
La Mai Thi Gia ghi